Khi được hỏi “Điều gì quan trọng nhất giúp hôn nhân thành công?”, đa số đều trả lời sự “giao tiếp” (communication).
Dường như đa số chúng ta đều thuộc một trong hai loại người sau: Hoặc “giỏi giao tiếp” hoặc “không giỏi giao tiếp”. “Người giỏi giao tiếp” tin rằng họ là những người biết cách giao tiếp. Họ tận tâm cố gắng để đạt được hiệu quả trong sự giao tiếp. Khi bị hiểu lầm hay gặp khó khăn trong sự giao tiếp, họ có khuynh hướng nghĩ rằng sự trở ngại là bởi người kia, vì họ đã làm hết khả năng của họ rồi. “Người không giỏi giao tiếp” thú nhận họ không tài giỏi về cách giao tiếp. Họ thường ao ước được khéo léo hơn trong sự giao tiếp. Tuy nhiên, vì những nỗ lực nhằm thăng tiến khả năng này thường không thành công, do đó họ có khuynh hướng cho đó là “kiểu cách của tôi” và không thể làm gì hơn được.
Những nhận định kể trên chứa đựng ít nhiều sự thật, nó có thể giúp giải thích tại sao hầu hết chúng ta có “trở ngại trong sự giao tiếp” một khi chúng ta đã trải qua giai đoạn “tình yêu lãng mạn.” Nếu tôi là người “giỏi giao tiếp”, tôi tin là trở ngại của sự giao tiếp là do lỗi ở người kia. Nếu thú nhận tôi là người “không giỏi giao tiếp,” tôi cho là người kia đã phải biết như thế. Trở ngại trong giao tiếp là lỗi của người kia vì không muốn chấp nhận “kiểu cách của tôi.” Dù chúng ta là người “giỏi” hay “không giỏi giao tiếp”, chúng ta cho là mình không có lỗi gì trong việc giao tiếp. Đa số chúng ta nghĩ và có khi nói rằng: “Nếu bạn thật sự yêu tôi, thì bạn đã biết tôi muốn gì!”
Khi chúng ta trong thời kỳ “yêu nhau”, sự giao tiếp thật dễ dàng đến độ ít khi chúng ta phải nghĩ đến điều đó.
Chúng ta thấy thật nhậy cảm đối với nhau. Chúng ta sẵn sàng làm mọi thứ để làm vui lòng người yêu. Chúng ta dành thời giờ để bàn tính chương trình khi ở bên nhau. Chúng ta sẵn sàng thay đổi chương trình của mình khi thấy sự thay đổi đó làm người yêu vui hơn. Chúng ta bỏ những ý định riêng tư sang một bên. Ngay cả chúng ta giới hạn thời giờ làm việc để ở gần bên nhau lâu hơn. Chúng ta có cảm tưởng là mình biết “mọi thứ” của nhau. Chúng ta cảm thấy như có thể đọc được tư tưởng của nhau.
Trong thời kỳ yêu đương lãng mạn, khả năng giao tiếp của chúng ta--dù trên trung bình hay dưới trung bình--dường như nhiều hơn nhu cầu.
Chúng ta có thể thành thật nói rằng chưa bao giờ mình “thành thật như vậy”, và chưa bao giờ mình biết người khác “đầy đủ như vậy”. Đây là lý do dễ hiểu tại sao đôi tình nhân không bao giờ muốn ghi tên theo học lớp “trau dồi khả năng giao tiếp.”
Thực ra những tâm tình này đã thay thế sự giao tiếp cần thiết. Kết quả là chúng ta vội vàng “nhẩy vào” cuộc tình. Hai người hoàn toàn xa lạ có thể trở nên đôi tình nhân chỉ sau một buổi tối! Điều đó luôn luôn xảy ra trong tiểu thuyết, phim ảnh và truyền hình. Hầu hết các đôi vợ chồng đều nhớ về giai đoạn lãng mạn như một thời kỳ tuyệt diệu và lạ lùng. Họ cũng nhớ khi nào thì mối tình đó chấm dứt.
Tại sao nó chấm dứt?
Tình yêu lãng mạn có thể xảy ra vì chúng ta sẵn sàng mua lấy ảo tưởng.
Khi chúng ta “rơi vào tình yêu” chúng ta chỉ chú trọng đến những phần mà chúng ta muốn tìm kiếm nơi người yêu lý tưởng. Điều chúng ta thấy thì có thật, tỉ như nụ cười duyên dáng, sự tử tế, lời nói đầy tình cảm. Nhưng đó không phải là toàn bộ sự thật. Những phần khác của người yêu--nhiều đặc tính tiêu cực--thì chúng ta thận trọng bỏ qua hoặc cho là “không quan trọng.”
Hãy hỏi những người đã từng yêu. Tình yêu có thể xảy ra từ từ, hay thật bất ngờ. Nếu bạn đã “rơi vào tình yêu” mãi cho đến tuần trăng mật, bạn có thể tỉnh giấc trong một sáng sớm khi “người yêu” còn say ngủ, và bạn cảm thấy thật xa lạ với họ, rồi bạn tự hỏi không biết mình có sai lầm khi kết hôn không. Có thể bạn khám phá ra một thực tế đau lòng, tỉ như bạn không còn cảm thấy gần gũi và thoải mái như trước nữa. Thay vì cảm giác an toàn và thân thiện; bây giờ bạn cảm thấy sợ sệt hay--có lẽ--xa lạ và chán chường.
Không may, nhiều người tin là khi tâm tình sợ hãi và xa lạ thay thế cho tâm tình thân thiện và an toàn thì có nghĩa mối tình cũng chấm dứt. Đây là lý do tại sao nhiều người bỏ rơi người bạn đời và đi tìm những kích thích khác để thay thế, tỉ như làm việc, chơi thể thao, tìm người bạn khác, v.v.
Sự sợ sệt và chán chường mà chúng ta cảm được khi tình yêu lãng mạn chấm dứt thì khó để đối phó. Chúng ta mong đợi mối tình này luôn luôn thân thiện và an toàn.
Nhiều người che giấu tâm tình này bằng cách tìm lý do để tức giận người bạn đời (tại sao cô/anh ấy lại làm điều đó với tôi), hoặc trở nên bực tức chính mình (tại sao mình lại đi sâu vào cuộc tình như thế). Nhưng bên dưới sự tức giận là sự sợ hãi, tỉ như sợ bị người kia ruồng bỏ, hay sợ bị tổn thương hay ngay cả sợ bị người kia tiêu diệt.
Khi tình yêu lãng mạn chấm dứt, chúng ta phải đối diện với một quyết định quan trọng.
Chúng ta có thể quyết định hết yêu là dấu chỉ cuộc tình chấm dứt. Ngay cả chúng ta cũng có thể tự nhủ “có lẽ mình chưa bao giờ yêu nhau thật”. Hoặc, chúng ta quyết định nhìn đến vấn đề như một cơ hội mới, tỉ như chúng ta có thể mạo hiểm vào một loại tình yêu mới thường được gọi là “tình yêu chín chắn.”
Tình yêu chín chắn bắt đầu khi chúng ta hiểu rằng bất kể chúng ta yêu nhau đến chừng nào, chúng ta vẫn có những nỗi sợ hãi thực sự.
Những nỗi sợ hãi này thì bình thường và ngay cả tốt lành, vì chúng dựa trên ý thức ngày càng rõ rệt là hai người rất khác biệt nhau. Trong thời kỳ yêu nhau lãng mạn, sự khác biệt của chúng ta hoặc bị bỏ qua hoặc được coi là không quan trọng; bây giờ chúng ta mới có cơ hội để nhìn đến và đối phó với những khác biệt này. Và sự thử thách của giai đoạn này là học cách “chấp nhận và hỗ trợ” “sự khác biệt” của nhau. Đây là bản chất của “tình yêu chín chắn.”
Từ bây giờ trở đi, sự thân mật sẽ đưa chúng ta vượt qua những lo sợ.
Yêu nhau bao gồm sự mạo hiểm với nhau. Nếu chúng ta muốn thân thiết với nhau, chúng ta phải chấp nhận bị tổn thương khi nỗ lực chia sẻ cho nhau và lắng nghe nhau. Đây là hoàn cảnh mà nhiều người không chuẩn bị!
Đây là lúc chúng ta cần những khả năng giao tiếp hữu hiệu.
Khả năng giao tiếp là phương tiện mà các người yêu nhau dùng để tiếp tục--ngay cả làm sâu đậm hơn--tình yêu của họ trao cho nhau khi vượt ra ngoài giai đoạn yêu đương lãng mạn.
Bất kể chúng ta nghĩ mình có thể biết rõ những gì trong đầu người khác, khi cố làm “thầy bói” trong sự giao tiếp giữa hai người trưởng thành thì đó là lỗi lầm căn bản. Dĩ nhiên, cha mẹ cần phải phỏng đoán những gì có trong đầu con cái còn nhỏ vì chúng chưa biết cách giao tiếp. Nhưng khi chúng ta cho rằng người yêu của tôi phải “biết những gì tôi cần” thì đó là sự sai lầm nguy hiểm. Hầu hết mọi người (ngay cả trẻ em) cũng bực bội khi nghe người khác nói lên ý nghĩ của mình, dù đó là cha mẹ. Nên biết rằng chỉ có cha mẹ tuyệt hảo, là Thiên Chúa, mới thực sự biết chúng ta nghĩ gì, nhưng Người không bao giờ dùng những điều hiểu biết đó để hành khiển chúng ta. Thiên Chúa không bao giờ ngăn chặn chúng ta phạm tội!
Thật quan trọng để cùng với người yêu cố gắng “làm chủ” xu hướng phỏng đoán và chấm dứt thói quen này, vì nó làm tiêu hao ý muốn sống thật với con người của mình. Thay vì dùng khả năng để “phỏng đoán”, chúng ta có thể học cách “chia sẻ.”
“Chia sẻ” là một tiến trình nhằm cố gắng hiểu biết những ý nghĩ, tâm tình, hy vọng, mơ ước, lo sợ của chính mình và truyền đạt cho người yêu trong phương cách hữu hiệu nhất. Tôi học cách để nói lên “điều tôi nghĩ” hơn là nói về “bạn”. Tôi cũng cố chia sẻ “tâm tình của tôi” hơn là nói về “điều bạn làm.” Xem các đoạn sau đây để biết thêm chi tiết.
“Điều Tôi Nghĩ”
“Điều tôi nghĩ” mở cho thấy tâm hồn của tôi. Nó là bước đầu trong việc bị tổn thương. Nó giúp cho người yêu hiểu biết về những gì đang xảy ra trong con người của tôi. “Điều tôi nghĩ” thường bắt đầu bằng chữ “tôi.”
Sau đây là vài thí dụ:
“Tôi muốn nói cho anh/em nghe về ngày hôm nay, anh/em có thời giờ để nghe không?”
“Tôi đã nghĩ ra giải pháp cho vấn đề của chúng ta...”
“Tôi nhận thấy anh/em có vẻ bực mình khi tôi về nhà, anh/em có muốn nói về điều đó không?”
“Điều tôi nghĩ” khác với “nghĩ về bạn”. Thí dụ của “nghĩ về bạn” là:
“Bạn không thể tin được những gì đã xảy ra cho tôi hôm nay…”
“Bạn không có mặt khi tôi về nhà, tại sao vậy…”
“Điều tôi nghĩ” thường mở ra sự đối thoại và giao tiếp; “nói về bạn” thường đóng lại sự giao tiếp hay phán xét tiêu cực về người khác.
Chia Sẻ “Tâm Tình”
Tâm tình là một cảm xúc trong con người tôi. Nó thường vô hình đối với người khác. Chia sẻ tâm tình là “bộc lộ cảm xúc” với người khác. Chia sẻ tâm tình của tôi là một món quà lớn cho người khác.
Thí dụ về chia sẻ tâm tình:
“Anh cảm thấy âu lo, không rõ công việc sẽ ra sao.”
“Em cảm thấy quả quyết khi nghe anh nói, ‘Tôi phải bàn lại với vợ tôi.’”
“Em cảm thấy bất an và lo sợ khi em nghĩ đến việc anh về nhà trễ hơn thường lệ.”
“Anh cảm thấy trìu mến và thân mật khi em nắm tay anh ở ngoài phố.”
“Em cảm thấy chán nản và bị bỏ rơi khi anh quyết định một mình về vấn đề ảnh hưởng đến cả hai chúng ta.”
“Em cảm thấy bị đe dọa khi giấy nợ gởi về nhà, em sợ rằng mình không trả nổi.”
Quên những quy tắc này thì chắc chắn sẽ làm trì trệ, hơn là giúp đỡ, tiến trình giao tiếp.
Hầu như mỗi lần chúng ta nghe người khác nói, chúng ta cố tìm hiểu cái cảm tưởng của chính mình trong hoàn cảnh đó. Thí dụ, nếu bạn kể cho tôi nghe về cuộc nghỉ hè của bạn ở một vùng đồi núi, tôi có khuynh hướng nghĩ về cái cảm tưởng của tôi trong vùng đồi núi đó. Nhưng nếu tôi thật sự muốn “lắng nghe” bạn, tôi sẽ cố để biết cái cảm tưởng của bạn, có thể là sự “sợ hãi” khi lái xe trên những đường đèo quanh co, hay bạn “bàng hoàng” bởi cái lạnh của miền núi. Thực sự “lắng nghe” sẽ giúp tôi hiểu được những gì về bạn có thể khác với cảm nghiệm của chính tôi. (Có thể bạn đi vào mùa mưa nên không thích vùng đồi núi đó lắm). Càng sẵn sàng muốn “lắng nghe” người khác bao nhiêu, tôi càng sẵn sàng để người khác sống thực với con người của họ bấy nhiêu.
Cách tốt nhất để đáp ứng với sự chia sẻ của người khác là hãy tưởng tượng mình là cái máy thu băng. Ghi nhận tất cả những gì bạn nghe và tránh thêm thắt sự dẫn giải của chính bạn. Cách đáp ứng hay nhất là “nói lại” những điểm chính mà bạn đang nghe:
- “Anh nghĩ là em muốn nói rằng...” Người yêu của bạn có thể trả lời, “Đúng vậy” hay “Không phải vậy, điều em muốn nói là...”
- Một cách đáp ứng tốt đẹp khác là: “Anh có thể nói thêm cho em biết không.”
Cách đáp ứng KHÔNG có lợi là:
- “Em phải làm cách khác.”
- “Tôi sẽ làm như thế này.”
- “Để em kể cho anh nghe cảm nghiệm của em.”
Những kiểu đáp ứng này có thể “có ý nghĩa” nhưng không phải là cách tốt nhất để “lắng nghe” người khác.
Nên nhớ “người lắng nghe tuyệt hảo” là Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta hơn bất cứ ai. Khi chúng ta tâm tình với Thiên Chúa, Người không gián đoạn chúng ta để “nói” cho chúng ta biết những gì phải làm hay những gì Thiên Chúa sẽ làm. Sự đáp ứng thông thường của Thiên Chúa là lắng nghe (im lặng) để khuyến khích chúng ta tín thác tuyệt đối vào Cha trên trời và nói cho Người biết những lo sợ sâu kín nhất hay những vui sướng cao độ nhất với Đấng luôn luôn lắng nghe một cách tuyệt đối! Không ai trong chúng ta có thể là người lắng nghe tuyệt hảo, nhưng chúng ta có thể bắt chước cách lắng nghe từ Thiên Chúa.
Trong thời gian yêu nhau lãng mạn, chúng ta thường ngạc nhiên khi thấy có nhiều điều giống nhau là chừng nào, tỉ như, thích cùng loại nhạc, cùng loại thức ăn, cùng loại thể thao, v.v. Khi tình yêu vượt ra ngoài sự lãng mạn, chúng ta bị thử thách để chấp nhận sự khác biệt của nhau. Hầu hết mọi người chúng ta được dạy “chấp nhận” người khác có nghĩa “đồng ý với” hay “tán thành” lối cư xử của người đó. Nhưng trong những khả năng giao tiếp, chữ “chấp nhận” có một ý nghĩa rất đặc biệt. Ở đây chữ “chấp nhận” có nghĩa “dù biết người kia khác với tôi thế nào hay hành động rất khác biệt, nhưng tôi chống lại xu hướng thay đổi người ấy thành một con người như tôi muốn.” Nói cách khác, “chấp nhận” là biết “yêu thương người khác dù tôi không thích lối cư xử của họ.” Ghi chú: chấp nhận người khác không có nghĩa tán thành lối cư xử của họ. Hiểu được cách yêu thương này là bắt đầu hiểu cách Thiên Chúa yêu thương kẻ tội lỗi cũng như các thánh!
Khả năng này là một phần của sự yêu thương mà Thánh Phaolô nói đến khi Người viết: “Tình yêu thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cor. 13:4-8). Thánh Phaolô dạy các tín hữu thời đó rằng chấp nhận được tình yêu này là “ơn sủng đặc biệt” được Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta (1 Cor. 12:1-11).
Các vợ chồng Công Giáo khôn ngoan đã cảm tạ Thiên Chúa vì ơn sủng này được ban cho họ một cách rộng rãi, và họ kiên nhẫn xử dụng nó. Để giải quyết vấn đề khó khăn, để thăng tiến cá nhân, để mối tình thêm sâu đậm và để hoà giải khi có những đau thương gây nên cho nhau thì thực sự phải là một khả năng Chúa ban.
Khả năng thứ tư, “liều lĩnh thăng tiến hơn”, thì tương tự như khả năng thứ nhất, “chia sẻ.” Sự khác biệt là khả năng này được xây dựng trên những gì chúng ta “đã chia sẻ”, “đã lắng nghe” và “đã chấp nhận”. Nó là bước xa hơn để đề cập đến những vấn đề, những nhu cầu, những trông đợi và những mơ ước mà chúng ta biết là dường như khó để đối phó.
“Chấp nhận” người yêu dường như có nghĩa chúng ta phải đồng ý không bao giờ muốn thay đổi gì cả. Tuy nhiên, khả năng thứ tư của sự giao tiếp hữu hiệu--”liều lĩnh thăng tiến hơn”--là một phương tiện giúp cả hai người tiếp tục thay đổi và thăng tiến từ tình yêu lãng mạn sang tình yêu chín chắn.
Thí dụ, khi biết vợ mình muốn cảm thấy an toàn về tài chánh thì thật khó cho người chồng đề cập đến việc mua sắm một món đồ tốn nhiều tiền. Hay khi biết người chồng không sốt sắng trong sự phát triển tinh thần, thì khó cho người vợ nói lên sự khao khát đến nhà thờ mỗi Chúa Nhật. Hay, ngày càng hiển nhiên là người chồng bắt đầu nghiện rượu thì thật khó để đề cập đến việc ngăn ngừa. Hoặc, có thể người chồng ao ước được ân ái với vợ lâu hơn, nhưng do dự không dám nói lên vì sợ sẽ bị từ chối hay bị hiểu lầm.
Trong hầu hết các hôn nhân, vợ chồng thường có khuynh hướng “bắt chước” cách giao tiếp và mực độ thăng tiến mà họ nhận thấy được trong gia đình gốc của họ. Thường cũng có khuynh hướng giữ lại những gì “quen thuộc” vì muốn cảm thấy an toàn. Người ta sợ thay đổi. Nhưng khi điều này xảy ra, sự tương giao bắt đầu vụn vỡ. Như một cái cây khoẻ mạnh được bọc trong bao nhựa, nó có thể trông vẫn còn đẹp, nhưng--vì không thể lớn lên--nó sẽ chết.
Khả năng “liều lĩnh thăng tiến hơn” là một phương tiện để đảm bảo sự liên tục và sức sống của cuộc tình. Một hôn nhân lành mạnh, cũng như một cái cây khoẻ mạnh, thì phải luôn luôn thay đổi và phát triển đến tình trạng khác hơn trước.
Sau đây là một vài dấu chỉ cho thấy tôi đang bắt đầu thăng tiến vào một cuộc tình chín chắn hơn.
Tôi hiểu rằng có nhiều điều “hơn nữa” về tôi hơn là những gì tôi đã biết trong quá khứ, và những điều về tôi mà tôi chưa chia sẻ với người yêu. Có những phần của con người tôi mà tôi cố quên đi hay ngay cả không chấp nhận là có trong tôi. Nó có thể là những yếu điểm hay ưu điểm. Chia sẻ về con người tôi là sự thử thách lớn lao hơn tôi tưởng.
Tôi liều lĩnh chia sẻ với người yêu về chính con người tôi. Điều này có nghĩa tìm cách chia sẻ những ý nghĩ thực nhất và những tâm tình thầm kín nhất, cũng như những nhu cầu, những trông đợi và những mơ ước. Bất kể sự tương giao thế nào, tôi luôn luôn có thể trả lời câu hỏi: “Điều gì khó khăn nhất cho tôi để nói với bạn ngày hôm nay?” Không như trong giai đoạn lãng mạn, là chỉ khi nào cảm thấy thật “an toàn” tôi mới chia sẻ những ý tưởng thầm kín và tâm tình cá biệt, giờ đây sự cố gắng chia sẻ trọn vẹn hơn về chính tôi được thể hiện qua sự “lo sợ” nhưng tôi bất chấp. Tâm tình dễ nhận thấy nhất trong giai đoạn này là “có thể bị tổn thương” hơn là “an toàn.”
Từ những cảm nghiệm cá nhân, tôi thấy cách tốt nhất để chia sẻ kiểu này là thú nhận nó rất đáng sợ, và cố tin tưởng rằng người yêu tôi sẽ chấp nhận con người tôi. Nó là loại tín thác mà người đu bay trong gánh xiệc phải có khi họ buông xích đu, tung người trong khoảng không để nắm lấy tay của người đu bay phía bên kia. Sự thực hành sẽ giúp điều này dễ dàng hơn, nhưng nó luôn luôn bao gồm sự liều lĩnh và ít nhiều lo sợ! Chắc chắn là không tẻ nhạt!
Tôi bắt đầu thấy sự liều lĩnh chia sẻ đã phát sinh tình yêu thương đậm đà hơn. Nó giúp cả hai chúng tôi tự do hơn để trở nên con người của chính mình, và đem cho chúng tôi cơ hội để tín thác nhau hơn. Đây là “tình yêu chín mùi”, đó là, yêu thương một người vì con người thực của họ bất kể những thiếu sót.
Khi nói rằng tình yêu chín chắn chỉ có thể bắt đầu khi tình yêu lãng mạn qua đi thì KHÔNG có nghĩa là những người yêu nhau chín chắn không biết lãng mạn. Trong những hôn nhân thành công, cả hai vợ chồng tiếp tục tìm cách đem sự lãng mạn trở lại trong tình yêu chín mùi của họ. Cũng như người đầu bếp giỏi biết thêm nếm hương vị vào những món ăn bình thường, các người biết yêu cũng luôn luôn tìm cách thêm yếu tố lãng mạn vào cuộc tình. Những người yêu nhau chín mùi biết rằng ngày Valentine không chỉ được cử hành mỗi năm có một lần.
Điều này dường như không cần thiết nếu bạn đang sống trong giai đoạn tình yêu lãng mạn, nhưng có thể nó là điểm then chốt cho tương lai.
Những câu hỏi sau đây nhằm giúp bạn thực hành khả năng “chia sẻ” và “lắng nghe”. Hãy dành thời giờ để viết xuống câu trả lời, rồi “chia sẻ” câu trả lời cho nhau. Trong thời gian chia sẻ, chú ý đến việc “lắng nghe” nhau.
1. Cá tính của tôi khác với cá tính của người yêu như thế nào? Tôi là người hướng nội hay hướng ngoại hơn người yêu?
___________________________________________________________
2. Trong phương cách nào mà tôi thấy chúng tôi là một thí dụ của điều “khác cực thì hút nhau”? Tôi cảm thấy thế nào về điều này?
___________________________________________________________
3. Chúng tôi có bất đồng gì mới đây không? Điều đó có liên hệ gì đến sự khác biệt giữa sự mong đợi và giả sử của mỗi người không? Chúng tôi giải quyết như thế nào?
___________________________________________________________
4. Tính nết nào của người yêu mà tôi khâm phục nhất?
___________________________________________________________
Tính nết nào của người yêu mà tôi khó chấp nhận và khó đề cập đến?
___________________________________________________________
5. Những ý tưởng của tôi về Thiên Chúa, giáo hội, hay tôn giáo có khác với người yêu không? Tôi thấy có những khác biệt chính yếu nào?
___________________________________________________________
6. Tôi có thấy chính tôi hay người yêu có “quá đáng” về điều gì đó (tỉ như, hút thuốc, làm việc, chơi đùa, uống rượu, xem tv, than phiền, tranh luận, cờ bạc, hay ủ rũ, hờn dỗi, dành thời giờ cho bạn bè, v.v.)?
___________________________________________________________
Tôi cảm thấy gì khi điều này xảy ra?
___________________________________________________________
Tôi có làm gì để khuyến khích hay tăng cường thói quen này?
___________________________________________________________
Điều gì xảy ra khi chúng tôi cố gắng nói chuyện về vấn đề này?
___________________________________________________________
Ghi chú: Bất cứ điều gì được thực hiện “quá đáng” thì dường như sẽ trở nên nghiện ngập. Dấu hiệu khác nữa của nghiện ngập là khi nói về vấn đề này thì hoặc là “không thể được” hoặc đưa đến kết quả “tệ hại hơn”. Nếu chúng ta có thể nói về điều đó, có lẽ chúng ta có thể đối phó với vấn đề ấy. Nếu không thể nói về vấn đề đó, thì đây là dấu hiệu của sự nghiện ngập.
7. Cảm tưởng của tôi về họ hàng bên người yêu?
___________________________________________________________
Tôi cảm thấy thế nào khi chia sẻ với người yêu về cảm tưởng này?
___________________________________________________________
8. Ngoài người yêu ra, ai là người tôi hay giải bầy tâm sự?
___________________________________________________________
Ý kiến của người yêu về vấn đề này như thế nào?
___________________________________________________________
9. Tôi có nghĩ rằng có thể chia sẻ với người này những điều mà tôi không chia sẻ với người yêu không? Tại sao tôi quyết định như vậy?
___________________________________________________________
10. Cách giải quyết bất đồng/ vấn đề ở gia đình gốc khi tôi lớn lên là: (đánh dấu những gì có thể)
[ ] Né tránh. Vấn đề không được đề cập đến.
[ ] Hành động/ lời nói thô bạo. Đánh nhau.
[ ] Thụ động. Chúng tôi quên đi cho đến khi “không còn vấn đề nữa.”
[ ] Nhượng bộ. Kẻ mạnh luôn luôn “thắng.”
[ ] Hờn giận. Một cách để cảnh cáo người khác tránh xa.
[ ] La hét. Một cách để phạt người khác.
[ ] Rút lui. Che giấu vấn đề và bất đồng.
[ ] Thủ đoạn. Che giấu sự xung đột bằng “quà cáp” hay hứa hẹn.
[ ] Tương nhượng. Học cách cho và nhận.
[ ] Cộng tác. Cùng làm việc để đạt kết quả tốt nhất.
[ ] Chấp nhận khác biệt. Học cách tôn trọng sự khác biệt.
11. Hiện nay, cách giải quyết bất đồng giữa hai chúng tôi là: (đánh dấu những gì có thể)
[ ] Né tránh. Vấn đề không được đề cập đến.
[ ] Hành động/ lời nói thô bạo. Đánh nhau.
[ ] Thụ động. Chúng tôi quên đi cho đến khi “không còn vấn đề nữa.”
[ ] Nhượng bộ. Kẻ mạnh luôn luôn “thắng.”
[ ] Hờn giận. Một cách để cảnh cáo người khác tránh xa.
[ ] La hét. Một cách để phạt người khác.
[ ] Rút lui. Che giấu vấn đề và bất đồng.
[ ] Thủ đoạn. Che giấu sự xung đột bằng “quà cáp” hay hứa hẹn.
[ ] Tương nhượng. Học cách cho và nhận.
[ ] Cộng tác. Cùng làm việc để đạt kết quả tốt nhất.
[ ] Chấp nhận khác biệt. Học cách tôn trọng sự khác biệt.
Tại sao tôi thấy thoải mái / không thoải mái (chọn một) với cách đối phó với những bất đồng hiện thời?
___________________________________________________________
12. Điều chính yếu gì xảy ra khi chúng tôi không giải quyết được bất đồng theo những phương cách vừa ý?
___________________________________________________________
Tôi cảm thấy thế nào về điều đó? (Cho một thí dụ cụ thể)
___________________________________________________________
13. Đâu là những “hướng dẫn” tôi nghĩ sẽ giúp chúng tôi thành công trong việc “giải quyết xung đột”?
1. ________________________________________________________
2. ________________________________________________________
3. ________________________________________________________
14. Để xác nhận sự tương giao của chúng tôi, hành động tiên khởi của tôi là gì?
________________________________________________________
15. Làm thế nào để tôi cho bạn biết là tôi lưu tâm đến bạn?
________________________________________________________
16. Tôi cảm thấy “lưu tâm” khi bạn:
________________________________________________________
17. Tôi thấy chúng tôi đang “đầu tư” vào sự tương giao của chúng tôi như thế nào?
________________________________________________________
Những câu hỏi sau đây nhằm giúp bạn làm sáng tỏ ý niệm “chấp nhận” những tư tưởng và tâm tình khác biệt của người yêu:
1. Trong sự tương giao của chúng tôi, đâu là những thí dụ của việc “chấp nhận” người khác, dù chúng tôi có những ý kiến khác biệt về một vài vấn đề? (kể rõ rệt vấn đề)
________________________________________________________
2. Có phải khi “chấp nhận” tư tưởng và tâm tình của người khác, tôi phải thích hay cảm thấy thoải mái với sự khác biệt đó?
________________________________________________________
Tôi đối phó với tâm tình này của tôi như thế nào?
________________________________________________________
3. Trong hôn nhân, tôi có quyền mong đợi người yêu “chấp nhận” những gì về tôi mà tôi biết là khó cho họ chấp nhận không? (cho thí dụ cụ thể)
________________________________________________________
Những câu hỏi sau đây nhằm giúp bạn làm sáng tỏ ý niệm “liều lĩnh thăng tiến hơn”
1. Hãy cho vài thí dụ về việc “liều lĩnh thăng tiến hơn” đã xảy ra trong sự tương giao của chúng tôi? Tôi cảm thấy thế nào trước khi, trong khi, và sau khi chia sẻ cách này?
________________________________________________________
2. Theo ý kiến của tôi, hầu hết đôi vợ chồng chịu an phận hơn là tiếp tục thăng tiến vì:
________________________________________________________
3. “Liên hệ càng thắm thiết thì càng dễ nguy hiểm đến sự giao tiếp (Yêu nhau lắm cắn nhau đau).” Tôi nghĩ câu này thì “Đúng” hay “Sai”, bởi vì
________________________________________________________