Giải quyết vấn đề trong cuộc tình hay trong hôn nhân thì giống như đối phó với vấn đề xẹp bánh xe. Nó là công việc nhiêu khê, nhưng cần phải làm cho xong. Thật vậy, đối phó với vấn đề xẹp bánh xe thường thì dễ vì chúng ta không thể từ chối vấn đề. “Chờ cho nó qua khỏi” thì cũng không giải quyết được gì. Tuy nhiên, trong cuộc tình, nhiều người trong chúng ta có khuynh hướng phản ứng với sự khó khăn bằng cách cố chối bỏ vấn đề hay nghĩ rằng chúng ta có thể chờ đợi cho mọi sự sẽ “tốt đẹp hơn.”
Chúng ta hành động như vậy vì nhiều lý do. Trong đa số trường hợp, chung quy là một người thì nhìn thấy “vấn đề” trong khi người khác thì chẳng để ý đến “vấn đề” gì cả.
Mai và Dũng đang mong đợi dịp nghỉ lễ Lao Động vào cuối tuần. Ngay từ đầu tuần, cả hai đã nôn nóng bàn tán đến thời gian được nghỉ ngơi không phải làm việc vất vả. Vài hôm trước ngày lễ, những người bạn của Dũng rủ chàng đi chơi tennis vào sáng thứ Bẩy hôm lễ, và Dũng đã nhận lời. Tối hôm đó, Dũng nói với Mai, “Vài người bạn rủ anh chơi tennis vào sáng thứ Bẩy, vậy tối hôm đó tụi mình sẽ đi ăn tiệm nhé?” Mai trả lời cách tức giận và mỉa mai, “Tuyệt nhỉ! Tại sao anh không chơi banh cho tới tối luôn!”, và Mai bỏ đi. Dũng ngồi một mình tự nhủ, “Chẳng hiểu cái cô này muốn gì?”
Dũng thấy không có “vấn đề” gì để đi chơi tennis với bạn bè vào sáng thứ Bẩy, vì anh biết Mai thường hay ngủ trễ nếu không phải đi làm. Anh dự định chơi banh sớm, trong khi Mai ngủ trễ. Mai lại nghĩ rằng quyết định chơi banh của Dũng đã phá vỡ sự đồng ý của hai người là cuối tuần này sẽ vui cuối tuần cùng với nhau.
Ai đúng? Ai sai? Có vấn đề gì không?
Hãy xem một trường hợp khác. Trong đống thư từ có bản chi thu của nhà băng (bank statement). Dũng mở ra xem và thấy rằng trương mục đứng tên chung của hai người thì quá thấp đến độ hầu như KHÔNG còn tiền trong đó nữa. Dũng rất bực mình với Mai, vì anh nghĩ còn nhiều tiền trong trương mục nên hôm qua mới ký trả tiền nợ $400. Bây giờ, Dũng sợ rằng tấm ngân phiếu sẽ bị “trả về.” Trong khi đó, Mai về nhà trễ. Nàng đến nhà băng để gửi tiền, bù đắp cho số tiền $2000 mà nàng đã ký trả cho thợ sửa chữa căn nhà của cha nàng, vì lúc ấy ông chưa thể rút tiền trong trương mục, và mãi cho đến hôm nay ông mới trả lại được cho Mai. Trên đường về nhà, nàng quyết định ghé chợ mua sắm--thay vì về thẳng nhà--và mua cho Dũng món đồ mà anh rất thích. Mai bước vào nhà một cách mệt mỏi, nhưng vui sướng. Dũng, với bản chi thu nhà băng trong tay, nhìn Mai cách giận dữ.
Có vấn đề? Ai đúng? Ai sai?
“Vấn đề” trong hôn nhân thường xảy ra chỉ vì mỗi người nhìn sự kiện một cách khác nhau. Dũng nghĩ rằng chơi tennis sáng thứ Bẩy trong ba ngày nghỉ lễ sẽ không là vấn đề đối với Mai, vì anh sẽ dành tất cả thời giờ còn lại cho Mai. Chính cha của anh cũng thường chơi tennis suốt cả cuối tuần mà ít khi dành thời giờ riêng tư cho mẹ anh. Mai không lưu tâm lắm đến số tiền gần như cạn trong trương mục, vì nàng biết, một hai ngày sau đó nàng sẽ ký thác thêm tiền vào trương mục để trang trải cho những chi phiếu mới ký. Nàng xuất thân từ một gia đình mà cha nàng thường ký ngân phiếu nhiều hơn số tiền có trong trương mục, và sau đó mới ký thác thêm tiền vào. Cả Dũng cũng như Mai đều không muốn làm phật lòng nhau, và mỗi người đều ngạc nhiên khi thấy cách phản ứng của người kia và rồi họ đổ lỗi cho nhau là người “nhiều chuyện.”
Nếu bạn có khó khăn trong việc giải quyết vấn đề, hãy nhìn lại những “quy tắc” và “công cụ” sau đây:
Không ai tuyệt hảo. Và mỗi người bất toàn trong một kiểu cách khác nhau. “Quy tắc” quan trọng nhất để “giải quyết vấn đề” là phải hiểu ngay cả trong sự tương giao tốt đẹp nhất, những phật lòng và khó khăn sẽ xảy ra. Điều dại khờ nhất là tin rằng nếu chúng ta thực sự liên hệ tốt đẹp thì sẽ không phật lòng nhau và sẽ không có vấn đề. Khi nghĩ như thế, chúng ta đã tự đặt cho mình rất nhiều trở ngại. Chúng ta giống như những người trì hoãn việc khám sức khỏe vì không muốn đối diện với bệnh tật.
Bởi thế, quy tắc hay nhất để giải quyết vấn đề cách hữu hiệu là nhận biết sự mất lòng và khó khăn sẽ xảy ra dù chúng ta có cố gắng hết sức để không làm mất lòng nhau.
Quy tắc quan trọng thứ hai là sẵn sàng tin rằng “vấn đề” tôi nhìn thấy thì có lẽ bạn không thấy. Nó không dễ. Nếu tôi nhìn thấy vấn đề, tôi tự động có khuynh hướng giả sử bạn cũng thấy như vậy. Đây là điều nguy hiểm, vì tiếp sau đó tôi sẽ vội vàng giả sử rằng bạn phải rất ngu xuẩn hoặc phải hiểu tôi nói gì chứ!
Bởi vậy, quy tắc thứ hai là cố đừng phản ứng ngay, và tránh đừng phán đoán người bạn đời về hành động của họ, bởi vì chúng ta còn cơ hội để nói lên điều mà tôi cho là “vấn đề”. Điều này sẽ đem lại cơ hội để hiểu biết về cái nhìn rất khác biệt của người bạn đời.
Cũng giống như tiến trình thay bánh xe bị xẹp, việc dùng đúng đồ nghề sẽ giúp công việc được thực hiện cách an toàn và hữu hiệu. Có thể là rất “thích thú” khi thay bánh xe mà không có con đội (jack), nhưng điều đó thực ngu xuẩn. Cũng thế, một vấn đề nhỏ trong sự giao tiếp có thể mau chóng trở nên vấn đề lớn và thật đau lòng nếu chúng ta không dùng đúng đồ nghề.
Mỗi vợ chồng đều khác biệt nhau nên thật quan trọng để ứng biến những “công cụ” sau đây cho thích hợp với sự tương giao giữa hai người. Sau đây là những công cụ căn bản để bao gồm trong hộp đồ nghề của bạn.
Công Cụ để Đối Thoại
Mỗi một người sẽ giải thích chi tiết trong phần sau. Bạn có thể tạo cho mình hộp đồ nghề, nhưng hãy nhớ những điều sau:
Công Cụ #1. Tôi cho người yêu cơ hội để chuẩn bị lắng nghe vấn đề của tôi bằng câu hỏi, “Khi nào tôi có thể nói với bạn về điều mà tôi nghĩ là quan trọng?”
Sự đúng lúc thì quan trọng để đạt được hiệu quả trong sự tương giao và để giải quyết vấn đề. Có thể vấn đề đã được tôi nghiền ngẫm hàng giờ và sẵn sàng để nói, nhưng người yêu của tôi hoàn toàn không biết gì về điều đó và đang làm một công việc gì khác, tỉ như đang xem truyền hình hay đọc báo. Hãy từ tốn và cố gắng hỏi người yêu xem khi nào là lúc thuận tiện để nói về điều quan trọng, và cho họ cơ hội để chuyển hướng sự chú ý đến tôi. Các ông thường cảm thấy “sự chuyển hướng” này khó khăn hơn là các bà; bởi thế các bà hay nói rằng “các ông không biết nghe!”
Thí dụ, Dũng đang xem truyền hình. Một đoạn phim quảng cáo vừa bắt đầu, và Mai nói: “Anh! Em có điều quan trọng muốn nói với anh.” Cô ngừng lại, chờ đợi Dũng nhìn đến cô (thay vì nhìn TV) và rồi nói thêm: “Khi nào là lúc thuận tiện mà anh có thể dành cho em đôi phút?”
Công Cụ #2. Tôi sẵn sàng chủ động nói lên vấn đề theo cái nhìn của tôi mà không giả sử rằng người yêu đã làm lỗi khiến tôi đau lòng.
Hãy để ý rằng rất có thể người kia không biết tôi đang đau lòng vì những gì họ đang làm (hay không làm).
Thí dụ, Mai cần phải nói rằng: “Anh Dũng, em nghĩ chúng mình đã đồng ý dành thời giờ cuối tuần với nhau; em không nghĩ là chúng ta có thể phá vỡ sự cam kết đó. Chúng mình có thể nói về vấn đề này không?”
Công Cụ #3. Khi người yêu nói rằng họ bị tổn thương hay có vấn đề, tôi phải cố gắng lắng nghe và thực tâm chú ý những gì người yêu nói.
Điểm chính không phải là tôi có nhìn thấy vấn đề như người yêu hay không. Cố từ chối vấn đề hay từ chối làm phật lòng nhau sẽ KHÔNG giúp ích gì cả.
Thí dụ, Dũng cần phải nói rằng: “Mai ơi, anh đồng ý chơi tennis là vì anh nghĩ em muốn ngủ trễ. Anh không nghĩ là việc này lấy mất thì giờ của hai chúng ta. Nếu điều này làm em đau lòng, anh xin lỗi, và nói thêm cho anh biết cảm tưởng của em.”
Công Cụ #4. Tôi đảm bảo với người yêu là tôi không có ý định làm đau lòng họ, và tôi gợi ý để cùng với người yêu thảo luận về cách giải quyết hiểu lầm trong một phương cách tốt đẹp cho cả hai người.
Nếu tôi có thể thật lòng nói, “Tôi xin lỗi vì những gì làm đau lòng bạn. Tôi không muốn như vậy”, thì hầu hết mọi người đều sẵn sàng trầm tĩnh lại và ôn tồn nói chuyện. Hầu như trong mọi trường hợp, vấn đề không phải là chơi tennis hay rút tiền trong trương mục mà là “cảm tưởng khi những điều này được thi hành mà không đếm xỉa gì đến tôi”. Khi có thể nhìn vào mắt nhau và nói, “Tôi xin lỗi đã làm đau lòng bạn, hãy cùng nhau hoạch định cách tốt hơn...”, chúng ta thường thấy rằng trong hầu hết mọi trường hợp, người kia sẵn sàng bỏ qua và thảo luận về một phương cách tốt đẹp hơn.
Công Cụ #5. Tôi tiếp tục chủ động tìm hiểu những nguyên do của vấn đề và những hiểu lầm.
Nhiều khi chúng ta rất “thích” điều thực tế là đàn ông và đàn bà khác nhau, nhưng phải thú nhận rằng chúng ta có khuynh hướng đánh giá sai lầm về sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà trong tư tưởng, tâm tình và cái nhìn về đời sống. Những người khôn ngoan sẵn sàng tìm hiểu thêm về “người khác phái” để hiểu biết hơn về lý do và phương cách suy nghĩ và hành động quá khác biệt giữa đàn ông và đàn bà.
Ngoài việc tìm hiểu về sự khác biệt giữa nam và nữ, cũng thật quan trọng để nhận định rằng không phải mọi người nữ hoặc mọi người nam đều giống nhau. Càng chia sẻ cho nhau về sự khác biệt giữa hai người, chúng ta càng hiểu biết hơn về những vấn đề và hiểu lầm mà chúng ta phải đối phó.
Công Cụ #6. Tôi cố nhớ đến lý do, hoàn cảnh và phương cách xảy ra những sai lầm, và tránh thi hành những gì làm tổn thương người yêu.
Nói “tôi xin lỗi” thì thật hữu hiệu và có tác động mạnh, nhưng chỉ khi nào tôi tự hứa mình sẽ không tái phạm những điều đó trong tương lai. Tiếp tục “xin lỗi” mà không nỗ lực sửa đổi thì điều đó vô nghĩa. Người yêu của tôi sẽ phẫn nộ hơn về lời xin lỗi vô nghĩa.
Đây là lý do tại sao những tương giao lâu dài thường khó khăn hơn những tương giao bất thường hay ngắn ngủi. Càng biết nhau lâu và kỹ bao nhiêu, chúng ta càng biết nhiều về những gì làm người khác khó chịu, và trở nên người yêu lý tưởng có nghĩa sẵn sàng nhớ đến những điều này trong đời sống.
Công Cụ #7. Tôi cố vượt thắng những yếu điểm của tôi mà chúng làm hao mòn sự tương giao với người yêu. Ngoài ra, nếu dường như người yêu thường làm những điều tôi “đau lòng”, có thể rằng tôi mới là người phải thay đổi cách cư xử, hoặc cần đặt lại vấn đề về cách nhìn đến biến cố của tôi.
Thí dụ, Tuấn là người bán hàng thường phải làm việc vào chiều tối nếu anh muốn thành công. Lan thường là người chuẩn bị bữa ăn tối mà không biết khi nào Tuấn về, và cô cảm thấy bị bỏ rơi và thất vọng.
Một đàng, Lan cần phải nói với Tuấn về cảm tưởng bị bỏ rơi. Đàng khác, Tuấn phải tìm cách thông cảm hơn với điều Lan đang chịu đựng. Có nhiều cách “giải quyết” cho vấn đề này. Tuấn có thể điện thoại cho Lan và cho biết sẽ về trễ để Lan khỏi thắc mắc. Lan cũng có thể phải chấp nhận sự thật là công việc của Tuấn không thể biết trước được.
Công Cụ #8. Tôi thú nhận có một số vấn đề ngoài khả năng có thể thay đổi của chúng tôi.
Mất việc làm, bị bệnh ung thư, bị tai nạn xe hơi, con cái bị chết là những loại vấn đề mà không ai có thể đề phòng được. Và không có sự đối thoại nào có thể “chữa” được những thảm kịch kinh khủng như thế. Tuy nhiên, khi vợ chồng biết cách đối phó với những vấn đề nhỏ thì dễ dàng hơn để đối phó với những vấn đề lớn. Các khả năng sau đây có thể giúp đôi vợ chồng đối phó với những vấn đề không thể thay đổi được.
Thứ nhất là mức độ mỗi người chúng ta thực sự lắng nghe tâm tình của người khác. Càng hiểu nhau bao nhiêu, chúng ta càng có thể chú ý đúng lúc đến những căng thẳng hay thảm kịch bấy nhiêu. Chúng ta không thể hứa sẽ bảo vệ người yêu khỏi bị đau khổ, nhưng chúng ta có thể biết chắc trong sự đau khổ của họ luôn có sự hiện diện và sự hỗ trợ của chúng ta.
Thứ hai là mức độ mà mỗi người chúng ta biết cách KHÔNG nhận trách nhiệm giùm người yêu. Thật quan trọng để chăm sóc con cái; cũng thật quan trọng để tránh việc làm cha mẹ của người yêu. Thể hiện những điều yêu thương cho nhau thì tốt; nhưng tự để mình được sử dụng như cha mẹ của người yêu thì không lành mạnh. Nhận trách nhiệm giùm cho người yêu trong việc ăn uống kiêng cữ, hay uống thuốc, hay thức dậy đúng giờ là những dấu chỉ KHÔNG lành mạnh của sự tương giao. Dĩ nhiên, có những lúc thích hợp để “chăm sóc” người yêu, nhưng nếu “sự chăm sóc” người yêu trở nên thông thường thì chắc chắn có điều gì sai lầm.
Thứ ba là mức độ mà mỗi người chúng ta biết trông cậy vào sự trợ giúp của Thiên Chúa trong lúc khốn khó. Thường không dễ để nhớ đến điều này, nhưng sự bảo hiểm tốt nhất cho bất cứ sự tương giao nào là hãy nhớ rằng Thiên Chúa sẵn sàng ở với chúng ta bất kể tình trạng tệ hại như thế nào hay bất kể chúng ta đã xáo trộn đến mức độ nào. Cầu nguyện trong lúc thịnh vượng thì thật có giá trị; nhưng quan trọng hơn là sẵn sàng chạy đến Chúa trong lúc gian nan. Nếu chúng ta sẵn sàng cầu xin sự trợ giúp và cố gắng mở lòng chấp nhận “ý Chúa” thì Người sẽ ban cho chúng ta những ơn sủng cần thiết.
Thứ tư là mức độ mà mỗi người chúng ta biết tìm sự giúp đỡ cần thiết của người khác. Ngay cả những lực sĩ ưu hạng cũng cần đến các huấn luyện viên để giúp họ đạt kết quả tốt nhất. Mỗi người (mỗi vợ chồng)16 phải dự trù tìm sự giúp đỡ của người chuyên môn khi có nhiều điều trục trặc hiển nhiên và không thể khá hơn.
Tóm Lược các Công Cụ để Đối Thoại
Tôi sẽ cho người yêu cơ hội để thực sự lắng nghe.
Tôi sẽ chủ động để nói về vấn đề.
Tôi sẽ coi trọng những gì người yêu nói.
Tôi sẽ xin lỗi và tìm giải pháp để có thể sống chung.
Tôi sẽ tiếp tục nhận định các lý do thầm kín gây ra vấn đề.
Tôi sẽ tránh thi hành những điều làm tổn thương người yêu.
Tôi thú nhận rằng có một số vấn đề không thể giải quyết được. Sự giúp đỡ của chuyên gia có thể hữu ích.
Nhớ xem: Các Nghi Thức để Giải Quyết Vấn Đề và Hàn Gắn Đau Thương ở Phụ Lục C.
1. Đôi khi vấn đề xảy ra là hậu quả của những điều giả sử mà chúng ta không bàn tính với người yêu. Hãy trả lời những câu hỏi sau, và xem thử người yêu trả lời thế nào:
- Tôi nghĩ chúng tôi sẽ mừng lễ Giáng Sinh và các lễ khác ở đâu:
___________________________________________________________
- Chúng tôi sẽ dành nhiều thời giờ cho cha mẹ của ai?
___________________________________________________________
- Tôi nghĩ đứa con đầu lòng của tôi sẽ sinh vào năm:
___________________________________________________________
- Ai sẽ viết thiệp cám ơn khách tặng quà đám cưới?
___________________________________________________________
- Ai là người nấu ăn trong gia đình chúng tôi?
___________________________________________________________
- Ai có trách nhiệm bảo trì xe?
___________________________________________________________
- Ai có trách nhiệm giặt đồ?
2. Có khó khăn gì tôi đã thấy xảy ra trong tương giao của chúng tôi, và tại sao lại có vấn đề này? (cho thí dụ rõ rệt)
___________________________________________________________
3. Tôi có thể xác định loại vấn đề đó không? Thí dụ, có phải đó là vấn đề vì “thiếu giao tiếp,” “hiểu lầm”, “ai đó hoặc cái gì đó mà chúng tôi không thể kiểm soát nổi,” “sự khác biệt giữa nam và nữ…, “cách đối xử của gia đình gốc,”?
___________________________________________________________
4. Chúng tôi có học cách đối thoại về “vấn đề” mà không “đổ lỗi” cho người khác không? Khi thi hành điều này chúng tôi học được điều gì? Cách nào và thời gian nào tốt nhất để đưa ra “vấn đề” mà chúng tôi có thể đối thoại?
___________________________________________________________
5. Tôi học được điều gì khi nói “Tôi xin lỗi vì đã làm bạn đau lòng...”? Điều này dễ hay khó cho tôi thực hiện? Khi tôi có thể nói lên lời xin lỗi thì có khác biệt gì trong sự tương giao? Điều này có thực sự giúp chúng tôi giải quyết vấn đề không?
___________________________________________________________
6. Tôi có ngày càng ý thức về tâm tình của người yêu hơn, vì chúng tôi cùng nhau học cách nói chuyện về các vấn đề? Điều này khiến tôi cảm thấy tương lai của chúng tôi như thế nào? Nó giúp tôi tự tin hơn hay lo sợ hơn?
___________________________________________________________
7. Tôi nghĩ gì về việc chúng tôi quay về với Thiên Chúa trong lúc gian nan?
What do I think about the two of us turning to God in the midst of difficulties?
___________________________________________________________
Chúng tôi có thực sự thi hành điều này không? Kết quả là gì?
___________________________________________________________
8. Tôi có dự định khi nào và cách nào thì tìm sự giúp đỡ của người khác?
___________________________________________________________
9. Người yêu tôi có dự định khi nào và cách nào thì tìm sự giúp đỡ của người khác? Dự định đó có phù hợp với dự định của tôi không?
___________________________________________________________