“Tinh thần” là một trong những ý niệm khó diễn tả, vì nó có nhiều ý nghĩa khác nhau. Tinh thần, như được dùng ở đây, là phần trong mỗi con người (dù có tôn giáo hay không) định đoạt sự chọn lựa và hành động của chúng ta.
Với người Kitô Giáo (điều này cũng đúng với các tôn giáo khác), có thói quen nghĩ là sự tương giao với Thiên Chúa “uốn nắn” và “khuôn đúc” tinh thần chúng ta. Tuy nhiên, điều người ta tin tưởng có thể mâu thuẫn với lối sống của họ. Thí dụ, một người cho rằng họ tin ở Thiên Chúa, tuy nhiên họ lại ủy thác nhiều vào sự an toàn tài chánh. Thí dụ khác; một người tự nhận là “Kitô hữu” nhưng lại trả lương cho nhân viên ít hơn lương tối thiểu mà luật quy định.
Mục đích của chương này là giúp bạn xác định những giá trị sâu xa nhất của bạn (mà nó có thể khác với những điều bạn tự nhận). Tại sao? Bởi vì hai người dự định kết hôn với nhau có thể khác nhau trong nhiều kiểu cách mà vẫn “xứng đôi” để kết hôn, trừ phi có những mẫu thuẫn trầm trọng trong các giá trị sâu xa nhất của họ. Do đó thật quan trọng để hai người hiểu biết về những khác biệt này và tìm cách đối phó. Nếu họ không thể đối phó với những khác biệt căn bản này một cách hữu hiệu, họ sẽ thấy mình mâu thuẫn thường xuyên và trầm trọng với người kia.
Vì hai người đang dự định kết hôn với nhau và thành lập một gia đình, hy vọng hai bạn sẽ thấy có ý nghĩa khi xem xét kỹ lưỡng về tinh thần cá biệt của mình để có thể đồng ý phát triển một tinh thần hôn nhân thích hợp với cả hai. Đây có thể là một tiến trình rất khó khăn. Sự khác biệt của mỗi người có thể khiến tiến trình này kéo dài cả cuộc đời. Nhưng càng thay đổi cá nhân theo chiều hướng tinh thần hôn nhân chung thì càng dễ để xây đắp một hôn nhân và gia đình lành mạnh, như ý muốn. Ngoài ra, bạn còn giúp ích cho con cái khi chúng được lớn lên trong một gia đình đã được khuôn đúc bằng những giá trị thích hợp và chắc chắn.
Bạn muốn thiết lập tinh thần hôn nhân như thế nào? Nếu cả hai là Kitô hữu, hy vọng tinh thần hai bạn sẽ dựa trên nền tảng chung của những người theo Đức Kitô. Nếu cả hai không phải người Kitô Giáo, bạn sẽ phải đối phó với thực tại là hai người theo hai thẩm quyền khác nhau.
Khi còn nhỏ chúng ta được dạy bảo về Chúa Giêsu và sự giáo huấn của Người. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa những gì chúng ta được dạy bảo khi còn nhỏ sẽ trở thành những giá trị của chúng ta sau này. Cộng thêm những điều chúng ta học biết về Chúa Giêsu và sự dạy dỗ của Người, chúng ta còn nhiều “thầy dạy” khác, tỉ như truyền thông, truyền hình, xã hội chúng ta sống, những anh hùng và bạn bè của chúng ta. Do đó, khi trưởng thành, thật hữu ích để nhìn lại những gì Chúa Giêsu dạy bảo để biết cách so sánh “những gì Chúa dạy” với những giá trị mà qua đó chúng ta phán đoán và cư xử. Việc học hỏi toàn bộ Tân Ước là điều đáng khuyến khích, nhưng để bắt đầu chúng ta sẽ chú trọng đến năm đoạn sau:
Khi đọc đoạn này, hãy tưởng tượng bạn là nhân vật hỏi Chúa Giêsu “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Cũng nên biết là Chúa Giêsu thường nói với thái độ quả quyết--chứ không lưng chừng--để giúp chúng ta nhận ra rằng những giá trị sâu xa của chúng ta không thể ngừng ở lưng chừng được. Chúa Giêsu không nói người giầu không thể vào Nước Thiên Chúa, nhưng Người nói của cải vật chất của chúng ta rất dễ trở nên ông chúa của mình. Lời mời gọi “hãy theo tôi” đòi hỏi những người tự cho mình là môn đệ phải từ bỏ vật chất để đặt sự tương giao với Thiên Chúa là ưu tiên hàng đầu.
Khi bạn đọc về đoạn ông Gioan và Giacôbê cố gắng đạt được vị thế về quyền lực và danh vọng gần Chúa Giêsu, hãy tưởng tượng mình là một trong mười môn đệ khác mà Chúa Giêsu nói với họ về vai trò của quyền bính trong các môn đệ của Ngài. Hãy lưu ý lời của Chúa Giêsu, “ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em...”, và suy nghĩ cách áp dụng điều này vào đời sống với tư cách một người vợ/chồng và cha mẹ.
Khi bạn đọc điều Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong bữa Tiệc Ly, hãy tưởng tượng bạn ngồi cùng bàn với Chúa Giêsu. Hãy lắng nghe Người nói, “...Không ai có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình... Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết...” Nếu Chúa Giêsu gọi mỗi người chúng ta là “bạn” thì thật có lý để nói rằng chúng ta, môn đệ của Chúa, cũng phải biết cách đối xử với nhau như “bạn.” Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến sự hiểu biết của bạn về mối quan hệ trong gia đình? Có phải vợ chồng là “bạn hữu” không? Còn cha mẹ và con cái thì sao? Điều này có “hợp” với lời mời gọi “phục vụ mọi người” không (Mc. 10:43)?
Khi bạn đọc “Bài Giảng Trên Núi” hãy tưởng tượng mình là một trong những người đang tụ họp ở đó để nghe Chúa Giêsu giảng dạy: “...Chính anh em là ánh sáng cho trần gian... Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì phải bị đưa ra trước thượng hội đồng... . Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình... hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em... nếu anh em không muốn bị luận phạt thì cũng đừng xét đoán người khác... hãy xin thì anh em sẽ được...” Hãy lưu ý cách Chúa Giêsu kết luận phần này, “Những ai nghe lời Thầy và đem ra thực hành... những ai nghe lời Thầy nhưng không đem ra thực hành...”. Hãy tự hỏi xem cách đối xử của mình có “hợp” với lời giảng dạy của Chúa Giêsu không.
Vào thời Chúa Giêsu (và ngay cả bây giờ), những người theo đạo thường tranh luận về điều răn quan trọng nhất (giá trị quan trọng nhất). Khi người Pha-ri-sêu kéo Chúa Giêsu vào cuộc tranh luận, Người trả lời cách dứt khoát “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.” Lời tuyên bố của Chúa Giêsu được coi là điểm xác định căn bản cho Kitô Giáo, đặt luật yêu thương ngang hàng với sự kính mến Thiên Chúa. Trước Chúa Giêsu không có ai nói gì về điều này, và không môn đệ nào dám chất vấn về tính cách quan trọng của điều Chúa Giêsu tuyên bố. “... Và từ ngày ấy, chẳng ai còn dám chất vấn Người nữa” (Mátthêu 22:46).
1. Yếu tố đầu tiên và căn bản của tinh thần hôn nhân là phát triển giá trị của phục vụ và tình bạn trong quan hệ với người phối ngẫu. Trong hôn nhân Kitô Giáo, người ta không kết hôn chỉ để được “người nấu ăn miễn phí” hay được người “đem tiền về nhà”, nhưng người ta kết hôn để khám phá ra cách chia sẻ cho nhau tình yêu, ơn sủng và tài năng mà Thiên Chúa đã ban cho mỗi người. Trong hôn nhân Kitô Giáo không có chỗ đứng cho vai trò “làm chủ” trên người khác. Hôn nhân Kitô Giáo đem lại cơ hội để người vợ hay chồng phục vụ lẫn nhau trong tiến trình xây đắp một hôn nhân và một gia đình mà nó sẽ được coi là đơn vị có giá trị của Nước Thiên Chúa trong thế gian.
“Đây là cách mà mọi người sẽ biết các con là môn đệ của Thầy, nếu các con yêu thương nhau” (Gioan 13:35).
2. Yếu tố thứ hai của tinh thần hôn nhân là phát triển giá trị của cách đối phó với các phần tử trong gia đình theo các quy tắc sống của Kitô hữu. Ngoài năm đoạn Phúc Âm kể trên, việc học hỏi các thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô (4:17 - 6:20) và tín hữu Rôma (14:1 - 15:7) là sự thử thách đối với những người tự cho mình là “Kitô Hữu”, vì họ sẽ khám phá ra lối sống của người Kitô thì không chỉ có đi nhà thờ vào ngày Chúa Nhật và cố để đối xử tốt đẹp với người thân cận. Thoạt nghe thì có vẻ kỳ lạ, nhưng hầu hết những người lập gia đình đều thấy rằng những người mà chúng ta khó đối xử theo tiêu chuẩn của Chúa Giêsu lại là những người sống chung với chúng ta, tỉ như, vợ chồng và con cái. Hầu hết những người mà Giáo Hội vinh danh là thánh đều thú nhận rằng thật dễ để phục vụ người lạ hơn là sống hài hoà với những người trong gia đình!
Cũng nên lưu ý là chúng ta đừng nên chứng tỏ mình là người Kitô bằng cách luôn mang một nụ cười giả dối hay làm ra vẻ chúng ta không có ác ý đối với người khác. Đó không phải là sống thật! Lối sống thành công của người Kitô là đối diện với thực tại rằng chúng ta sẽ làm đau lòng nhau bất kể chúng ta có cố gắng hết sức để tránh những điều này. Chúng ta không tuyệt hảo. Chúng ta luôn là kẻ có tội, và những phần tử khác trong gia đình cũng thế. Chúng ta không thể nào là những người tình tuyệt hảo. Hãy lắng nghe Thánh Phaolô nói về sự yêu thương với con người thực tế:
“... Bởi thế, một khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau. Nổi nóng nhưng đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn, và đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng!
Kẻ trộm cắp đừng trộm cắp nữa, trái lại, hãy chịu khó dùng đôi tay của mình mà làm ăn lương thiện để có gì chia sẻ với người túng thiếu.
Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe.
Đừng làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc. Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô.
Vậy hãy bắt chước Thiên Chúa, như con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt” (Êphêsô 4:25 - 5:2).
Đời sống Kitô hữu sẽ không gìn giữ chúng ta khỏi bị đau lòng và chán nản, và chúng ta sẽ tiếp tục làm đau khổ người khác. Tuy nhiên, nhờ ơn sủng của Thiên Chúa, chúng ta có thể học cách trở nên người biết thương xót và biết tha thứ; chúng ta có thể học cách trở nên người giống Chúa Giêsu. Hàng ngày chúng ta cần cầu xin Chúa giúp, và hàng ngày cần thực tập nghệ thuật yêu thương, nhân hậu và tha thứ của người Kitô.
Có lẽ sự “thử nghiệm” tốt nhất và khó khăn nhất về sự tiến bộ trong đời sống Kitô Hữu là hãy chú ý đến cách chúng ta đối phó với những đau thương trong gia đình. Nếu chúng ta không thể đối phó với những xúc phạm một cách xây dựng, nếu chúng ta không thể thú nhận mình lầm lỗi, nếu chúng ta không thể nói về những khó khăn mà không làm vấn đề tệ hại hơn, nếu chúng ta tiếp tục muốn chứng tỏ rằng “tôi đúng”, nếu sự “thảo luận” luôn trở thành cuộc “tranh luận”, nếu chúng ta không thể cưỡng lại ý muốn “nói người khác câm mồm lại”, thì chúng ta phải thú nhận là còn rất nhiều điều chúng ta cần phải học về đời sống Kitô Hữu. Chỉ khi nào chúng ta thành thực thú nhận mình chưa thể hiện được đầy đủ, thì lúc ấy chúng ta mới biết cách thay đổi và thăng tiến.
3. Yếu tố thứ ba của tinh thần hôn nhân là có cái nhìn vượt ra ngoài sự tương giao vợ chồng và gia đình để khám phá ra những cơ hội và trách nhiệm của chúng ta đối với cộng đồng Đức Tin, đối với xã hội, và thế giới.
Thuộc về Cộng Đồng Đức Tin. Thật dễ hiểu khi chúng ta muốn thuộc về một cộng đồng đức tin mà nó thoả mãn sở thích cá nhân của chúng ta về sự thờ phượng. “Đi lòng vòng” để tìm ra cộng đồng đức tin mà chúng ta thích thì hợp lý, nhưng nếu chúng ta nghĩ rằng “cho Chúa một giờ vào ngày Chúa Nhật” là chu toàn bổn phận của người Kitô, thì chúng ta đã quên những bài học căn bản của Kitô Giáo. Quả thực việc thờ phượng ngày Chúa Nhật thì quan trọng, nhưng chúng ta thuộc về một cộng đồng đức tin bởi thế chúng ta phải ngày càng ý thức hơn đến nhu cầu của người khác và tìm cách giúp đỡ trong khả năng của mình. Gia đình chúng ta có thể và phải làm điều gì đó để giúp đỡ người nghèo, người goá bụa, trẻ mồ côi và những người cần sự giúp đỡ. Nhiều gia đình khi cộng tác với những người trong cộng đồng đức tin, họ có thể làm được nhiều điều hơn nữa để giúp đỡ những ai có nhu cầu.
Thuộc về Xóm Giềng. Một thực tại buồn thảm là quá nhiều người chúng ta không biết đến người hàng xóm, và--còn buồn hơn nữa--là ngay cả không muốn biết đến họ. Tuy nhiên có liên hệ giữa sự xa lạ của chúng ta và mức độ bạo động, nghi ngờ trong khu xóm chúng ta sống. Dành thời giờ trong cuộc sống bận rộn của chúng ta để quen biết những người sống chung quanh thì chắc chắn sẽ thiệt thòi cho chúng ta về mặt rủi ro và tiện ích cá nhân. Nhưng nếu các Kitô hữu tiên khởi đã sẵn sàng liều mình chết vì Đức Tin, có lẽ chúng ta cũng tìm ra được lý do để xem tv ít hơn và liều mình quen biết những người chung quanh.
Thuộc về Thế Giới. Bất kể chúng ta có thích hay không thích điều luôn được nhắc nhở là chúng ta có liên hệ đến những người và các hệ thống chính trị trên toàn thế giới, đạo Công Giáo liên lỉ dạy chúng ta là một đại gia đình trong cái nhìn của Thiên Chúa. Trong khi đây là giáo huấn kiên định của Công Giáo, thì cũng đúng để nói đạo Công Giáo chưa đạt được mục đích là tất cả mọi người sống hài hoà trên hành tinh này. Nhưng mỗi một người Kitô hiểu đây đã là--và đang là--Sứ Vụ của Chúa Giêsu. “Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ (môn đệ) đến thế gian... Con không chỉ cầu nguyện cho họ, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta...” (Gioan 17:18-21).
Bởi thế trách nhiệm liên tục của mỗi một người Kitô là mang sứ vụ này vào thời đại chúng ta và nơi chúng ta sinh sống.
4. Yếu tố thứ tư của tinh thần hôn nhân là cầu nguyện. Cầu nguyện hàng ngày là đảm bảo chắc chắn nhất để chúng ta có thể lãnh nhận ơn sủng và sự hướng dẫn của Thiên Chúa khi chúng ta cố gắng sống hôn nhân Kitô Giáo. Đây là đề tài quan trọng đến nỗi phải mất cả một chương để đề cập đến (Chương 14: Cầu Nguyện).
Điểm Tóm Lược
Tinh thần của tôi “được thấy” qua cách đối xử với người khác.
Chúa Giêsu gọi tôi là “bạn”.
Sự lãnh đạo trong Kitô Giáo là phục vụ nhu cầu của người khác.
Tôi đối xử và tôn trọng người yêu như người bạn thân nhất của tôi.
Tôi đối xử với những người trong gia đình cách bình đẳng.
Tôi đối xử những người ngoài gia đình như anh chị em.
“Trách nhiệm của gia đình” tôi nới rộng đến tất cả mọi người.
Tôi chỉ có thể sống một cách xứng hợp với sự cầu nguyện hàng ngày.
Cẩn thận! Tài liệu này dành riêng cho người lớn mà thôi!
Trước khi sang phần câu hỏi, hãy suy nghĩ đoạn này. Thật tuyệt diệu nếu tình yêu con người có thể lướt thắng mọi trở ngại. Nhưng, nếu bạn thực sự thương yêu nhau…
Đừng bao giờ coi thường sự khó khăn khi kết hôn với một người có những giá trị hoàn toàn khác biệt. Nếu người yêu của bạn ghiền cờ bạc, cần sa ma tuý, tính tình nóng nẩy, hay chủ trương “ăn miếng trả miếng” với người khác, và bạn tin rằng họ sẽ “thay đổi khi chúng tôi kết hôn,” bạn thật sai lầm.
Nghiện ngập là dấu hiệu của sự khó khăn sâu xa hơn mà nó thực sự cản trở khả năng duy trì một tương giao mật thiết (tỉ như hôn nhân). Thật khó để đối phó với một người nghiện ngập, tỉ như rượu (mất trí nhớ), cờ bạc (mất tiền để dành), cần sa ma tuý (tù tội), v.v. Tệ hơn nữa, lối sống này là một cách thiếu lành mạnh để che giấu sự ghét bỏ và hắt hủi chính mình. Một người như vậy thì không dám mật thiết thực sự. Hậu quả là người kia không bao giờ cảm thấy được yêu thương thực sự.
Kết hôn với một người khác tôn giáo thì khó khăn hơn là yêu nhau. Nếu bạn là Kitô Hữu, thật hấp dẫn khi trong cuộc tình với ai đó theo đạo Do Thái, hay Phật Giáo, hay vô thần. Tuy nhiên, cùng nhau dạy dỗ con cái là một thực tại vô cùng khác biệt. Có thể nào bạn nhìn thẳng vào mắt con mình và nói Đức Giêsu là Thiên Chúa, trong khi vợ/chồng bạn sẽ thành thật nói với chúng rằng Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa?
Bạn có biết rõ về gia đình người yêu không? Nếu bạn có những hạn chế nghiêm trọng về gia đình người yêu, HÃY CHẤM DỨT & SUY NGHĨ LẠI. Bạn không chỉ kết hôn với người yêu, nhưng với tất cả gia đình vợ/chồng. Sống trong hôn nhân nhưng né tránh bên xui gia sẽ cần đến rất nhiều “tình yêu.”
Nếu bất cứ điều nào ở trên khiến bạn để ý, chúc mừng bạn! Hầu hết các đôi nam nữ thận trọng tránh né thảo luận về bất cứ vấn đề gì ở trên. Đó là lý do tại sao tôi nói tài liệu này dành riêng cho người lớn. Cần phải có rất nhiều can đảm và sự trưởng thành để nhận biết điều đó, trong khi hai bạn thực sự yêu nhau, rất có thể có những lý do quan trọng để quyết định rằng hôn nhân—và cùng nhau nuôi con—có lẽ không thích hợp cho hai bạn.
TB. Trong khi sự thay đổi về lối sống và tôn giáo là điều ít xảy ra, nhưng không phải là không có. Một điều kiện căn bản là sự thay đổi đó phải được tự do chọn lựa. Không phải vì ai đó—ngay cả người yêu--muốn sự thay đổi.
1. Tôi đã được dạy bảo thế nào về “tinh thần”?
___________________________________________________________
Những ý nghĩ và tâm tình của tôi về việc phát triển “tinh thần hôn nhân” là gì? Tôi nghĩ nó khó hay dễ? Tại sao?
___________________________________________________________
2. Chúa Giêsu nói, “… Thầy gọi anh em là bạn..” (Gioan 15:15). Sau đó Người ra lệnh cho chúng ta, “… Hãy thương yêu nhau như Thầy yêu thương anh em.” (Gioan 15:12). Tại sao ngay cả người Kitô tốt lành cũng thấy khó để đối xử với người trong gia đình như bạn?
___________________________________________________________
“Không có tình yêu nào lớn hơn điều này: hy sinh mạng sống vì bạn hữu” (Gioan 15:13). Tôi có thể làm gì để biết chắc rằng hai chúng tôi có hoạch định thực tế và thiết thực để đối xử với nhau như “bạn”?
___________________________________________________________
3. Về vấn đề “hoà giải”, Chúa Giêsu dạy chỉ đi nhà thờ và cầu nguyện với Thiên Chúa thì chưa đủ khi “anh chị em có chuyện bất bình với nhau” (Mátthêu 5:23). Điều này dạy gì về cách đối xử với những người trong gia đình?
___________________________________________________________
Còn những người làm việc chung thì sao?
___________________________________________________________
4. Về vấn đề “tha thứ,” chúng ta thường được nói là phải “tha thứ và quên đi”. Đây có phải là giáo huấn của Chúa Giêsu không?
___________________________________________________________
Có cách nào chính xác hơn để diễn tả quan niệm Kitô Giáo về sự “tha thứ”?
___________________________________________________________
5. Khi Thánh Phaolô nói: “Nóng giận nhưng đừng phạm tội; chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn...,” người muốn nói gì?
___________________________________________________________
Điều này có giúp gì cho tôi biết cách đối phó với những đau thương và nóng giận trong những phương cách vừa thành thật và vừa là Kitô hữu không?
___________________________________________________________
6. Chương trình Alcoholics Anonymous, là một trong những chương trình rất thành công để giúp người ta thay đổi lối sống, có nhấn mạnh đến điểm đặc biệt là sức mạnh của ý muốn thì chưa đủ. Muốn là người không say sưa thì chưa đủ để giúp người ta đừng uống rượu. Tương tự như thế, muốn đối xử với người yêu, gia đình và người khác “như Chúa Giêsu” sẽ không đem lại sức mạnh và sự sáng suốt để đối xử với tha nhân một cách khác biệt. Cần phải có thêm những gì? Tôi nghĩ một kế hoạch có hiệu quả để thay đổi toàn bộ chính con người tôi là gì?
___________________________________________________________
7. Thuộc về một cộng đồng đức tin và tích cực tham dự sinh hoạt của nó, tôi nghĩ điều đó có giá trị gì?
___________________________________________________________
Tôi nghĩ quan điểm của người yêu là gì?
___________________________________________________________
8. Tôi thấy có liên hệ gì giữa “sống như một Kitô hữu” và “tích cực chú ý đến xóm giềng và thành phố”?
___________________________________________________________
Tôi nghĩ quan điểm của người yêu là gì?
___________________________________________________________
9. Còn Sứ Vụ của Chúa Giêsu là xây dựng Nước Trời trong thế giới là gì? Điều này có liên can đến tôi như thế nào?
___________________________________________________________
Tôi thấy cả hai chúng tôi--cùng nhau--có thể giúp “xây dựng Nước Trời” như thế nào?
___________________________________________________________