Con số những cặp sống chung trước khi làm đám cưới đã gia tăng từ khoảng 10% trong năm 1960 lên đến 50% trong thế giới tân tiến ngày nay. Khi được hỏi lý do tại sao họ sống chung thay vì kết hôn, đa số những cặp này cho biết một cách tổng quát là: “Trong xã hội ngày nay với quá nhiều người ly dị, nên thật có lý khi thực sự biết nhau một cách đầy đủ; đó là lý do chúng tôi tin rằng việc sống chung thì quan trọng... và như thế chúng tôi mới biết chắc rằng việc kết hôn có khôn ngoan hay không.”
Tuy nhiên, một vài cuộc nghiên cứu trong thập niên qua đã kết luận rằng, trên thực tế, trong những cặp tránh giao hợp tình dục trước hôn nhân thì có từ 29% đến 47% cặp rất vui thích với tình dục hơn là những người sống chung chạ trước khi kết hôn. Các cuộc nghiên cứu này cho thấy tỉ lệ li dị giữa những cặp sống chung chạ với nhau trước khi kết hôn thì cao hơn những người không chung chạ, từ 40 đến 85%.
Có thể hiểu những cặp sống chung đã quá thận trọng. Họ đã chứng kiến nhiều cảnh ly dị; thường của chính cha mẹ họ. Việc họ quyết định sống chung với nhau có thể là một nỗ lực khôn ngoan để tránh thất bại của những người đi trước. Quyết định sống chung có thể là một cố gắng thực để “trắc nghiệm” hôn nhân trước khi lao vào một thề hứa trọn đời của hôn nhân Kitô Giáo.
Điều nhận xét sau đây giúp sáng tỏ tình trạng rắc rối nói trên. Những cặp sống chung với nhau như một cách để “thử nghiệm” sự tương giao của họ thì đã muốn dành cho mình một lối thoát. “Sống chung” là một cam kết đồng ý rằng mỗi người đều có quyền cắt bỏ sự tương giao đó bất cứ lúc nào. Sống chung là thử sống như vợ chồng thực sự trong khi đồng ý là cả hai đều có tự do từ bỏ sự tương giao này bất cứ lúc nào, vì bất cứ lý do gì. Đây là lý do tại sao quá nhiều sự tương giao kiểu này dường như rất tốt đẹp ở ngoài mặt.
Tuy nhiên, hôn nhân Kitô Giáo là một lời thề hứa; đó là sống với nhau khi hạnh phúc cũng như lúc gian nan. Lời thề hứa chỉ bắt đầu khi một người (hy vọng là cả hai) tự ý khép lại mọi lối thoát để sống với người khác trong một tương giao không bao giờ chấm dứt.
Tại sao? Sự tự do lựa chọn này là yếu tố quan trọng của hôn nhân Kitô Giáo, vì chỉ có môi trường vững bền như thế mới có thể cung cấp một sự an toàn về thể xác, tình cảm và tinh thần mà những người trưởng thành cần cho đời sống lành mạnh của chính mình và cũng để nuôi dưỡng con cái. Lời thề hôn nhân Kitô Giáo có nghĩa tự do thề hứa với người khác—và sau cùng với con cái của nhau--trong một phương cách được rập khuôn theo lời hứa của Thiên Chúa với chúng ta, một cách vĩnh viễn, không cùng, và vô điều kiện.
Không may, không có cách nào—thoải mái và không có rủi ro--để “thử sống” như thế. Lời thề hứa không thể nào “an toàn” và “không có rủi ro.” Cũng giống như nút bật điện; hoặc là “bật” hai là “tắt”.
Không có tình trạng lơ lửng. Một là thề hứa cách trọn vẹn hai là không. Và đó là tâm điểm của vấn đề. Không có quãng thời gian chung sống nào, dù dài hay ngắn, để có thể “chứng minh” là người này có khả năng giữ lời thề hứa với người kia.
Trong điều kiện tốt nhất, sống chung chạ có nghĩa “Tôi vẫn ở với bạn dù tôi có thể bỏ đi”. Nhưng nói cho cùng, trong một tương giao như thế cả hai người đều có quyền từ bỏ bất cứ lúc nào. Vì lý do này, mỗi một phần tử--nếu họ khôn ngoan--sẽ luôn luôn lo lắng đến việc bảo vệ lợi ích của mình khi sóng gió hơn là nghĩ đến điều tốt đẹp nhất cho người kia và sự tương giao. Hôn nhân là một quyết định đầu tư tài năng tốt đẹp nhất của một người trong sự thử thách liên tục để thi hành điều tốt đẹp nhất cho người kia và sự tương giao mà họ tự ý xây dựng. Để nói lên điều “Tôi sẽ gắn bó với bạn và với hôn nhân này cho đến trọn đời” thì chỉ có thể thực hiện trước mặt gia đình, bạn hữu và cộng đoàn và nói lên lời thề hôn nhân Kitô giáo: “Tôi, Giang, nhận em, Mai, làm vợ. Tôi hứa chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khoẻ cũng như lúc yếu đau. Tôi sẽ yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời tôi.” Đây là lời thề hứa. Không gì có thể thay thế và không có điểm lưng chừng.
Giáo Hội luôn quý trọng lời hứa trọn vẹn trong hôn nhân Kitô giáo. Không phải mọi hôn nhân Kitô giáo đều sung sướng liên tục. Những đau yếu, tài chánh khó khăn, vấn đề con cái, sự chán chường... hàng trăm điều “gian nan” đang chờ đợi những đôi hôn nhân thề hứa yêu nhau trọn đời và vô điều kiện trong hôn nhân Kitô giáo.
Sự kiện đáng kinh ngạc KHÔNG phải là bao nhiêu cặp vợ chồng kết thúc trong ly dị, nhưng đúng hơn là bao nhiêu cặp vẫn gắn bó với lời thề hứa của họ dù nhiều hoàn cảnh tưởng như tuyệt vọng. Những đôi vợ chồng có kinh nghiệm thú nhận rằng điều đó không do sức mạnh của chính họ, nhưng chính là tình yêu và sức mạnh của Thiên Chúa đã giúp họ vượt qua những khó khăn và thử thách trong đời sống gia đình. Trong sự tự ý hy sinh để cố gắng yêu thương nhau, họ thấy Thiên Chúa đã ban cho họ những ơn sủng để giúp họ hoàn tất được những gì mà họ không nghĩ là có thể thực hiện được. Điểm then chốt là lời hứa: đó là, quyết định cho nhau tất cả những gì có thể để duy trì một tương giao lành mạnh--mà không giữ lại chút gì.
Giáo Hội luôn dậy rằng sự sống chung--và mọi sự giao hợp với người không phải là vợ/chồng của mình--thì luôn luôn là điều mâu thuẫn. Tại sao? Vì, theo truyền thống Kitô giáo lâu đời, sự giao hợp phải được coi như một dấu chỉ mà hai người trao cho nhau không chỉ có sự hoan lạc, nhưng còn trọn vẹn con người của nhau. Do đó Giáo Hội luôn coi sự giao hợp như dấu chỉ quan trọng nhất của hôn nhân Kitô giáo: đó là, hai người sẵn sàng trao ban và đón nhận TOÀN THỂ con người của nhau... thể xác, hoan lạc, tư tưởng, hy vọng, mơ ước, sợ hãi, thất bại, tội lỗi, kế hoạch, những khó khăn, tiền tài, buồn chán, bà con họ hàng, v.v.
Có thể hiểu được là nhiều người chưa-kết-hôn nghĩ rằng “họ không làm gì sai trái” khi tỏ lộ tình yêu của họ trong việc giao hợp. Chúng ta sống trong một xã hội mà truyền hình, âm nhạc, phim ảnh và quảng cáo liên tục “giảng dậy” rằng sự giao hợp tình dục là điều mà “ai ai cũng làm.” Được coi là “bình thường” khi người độc thân sống “chung chạ”. Không phải là điều lạ thường khi các thiếu niên chế nhạo ai đó cố gắng sống trinh khiết! Tuy nhiên, cảm nghiệm của người tín hữu Kitô tiếp tục xác nhận rằng sự giao hợp ngoài hôn nhân thì không phù hợp với Hoạch Định của Thiên Chúa cho chúng ta. Vợ chồng Kitô Giáo xác nhận rằng phương cách đúng đắn để chuẩn bị hôn nhân là tránh sự giao hợp trước khi hôn nhân, vì thế hôn nhân Kitô Giáo được hoàn tất bởi sự giao hợp mà nó được coi là dấu hiệu trọn vẹn của lời hứa mà một người trao cho người phối ngẫu kia. Đây là lý do trong truyền thống Giáo Hội, không có việc “giao hợp trước khi thành hôn”. Chỉ có “tình dục trong hôn nhân” (dấu chỉ của sự thề hứa) và “tình dục không thề hứa” (đó là sự lang chạ). Đó là lý do tại sao Giáo Hội không thấy yên tâm với những cặp yêu nhau và giao hợp trước khi đám cưới và sống với nhau trước khi thành hôn.
Nếu hai bạn đang sống chung với nhau hay có sự giao hợp tuy không sống chung, thật quan trọng để rất thành thật nói với nhau về loại thề hứa làm nền tảng cho sự tương giao của hai bạn. Rất có thể là các bạn có những ý tưởng khác biệt về ý nghĩa của sự giao hợp và ý nghĩa của sự thề hứa với nhau.
Sau khi đối thoại một cách rộng rãi, một số cặp thành thật thú nhận với nhau là một hay cả hai người đều tin rằng việc sống chung với nhau là một cách tốt nhất để trắc nghiệm sự tương giao của họ trước khi cam kết trọn vẹn trong hôn nhân Kitô Giáo. Ở điểm này cả hai đang chuẩn bị để thề hứa trọn vẹn. Đó là lý do tại sao họ đang chuẩn bị cho một hôn nhân Kitô Giáo.
Sau khi đối thoại một cách thấu đáo, một số cặp có thể kết luận rằng nhờ kinh nghiệm chung sống với nhau, họ tin rằng họ đã sẵn sàng thề hứa một cách trọn vẹn trong suốt cuộc đời. Họ chưa công khai cử hành hôn lễ. Tuy vậy, vào ngày chính thức nói lên lời thề hôn nhân, họ tin rằng sẽ không có gì thêm vào sự thề hứa đó. Khi quyết định cử hành đám cưới theo Kitô Giáo, họ chỉ “công khai” và chính thức xin Thiên Chúa, gia đình và toàn thể Giáo Hội nhận biết hôn nhân của họ, để được chúc lành và tán thành sự tương giao giữa hai người.
Còn có những điểm khác để suy nghĩ và cùng nhau đối thoại. Hãy nhớ rằng, theo truyền thống, sống chung chạ được coi là một điều xấu. Bạn hãy tự hỏi: “Tôi có thấy rằng việc sống chung chạ trước khi kết hôn sẽ khiến những phần tử khác trong gia đình hay bạn bè cảm thấy không thoải mái không?”
Ngoài ra, nếu một trong hai bạn đã có con riêng, bạn có thực sự để ý đến ảnh hưởng tình cảm và tâm lý của việc sống chung đối với con cái không? Sống chung chạ với nhau có ảnh hưởng thế nào đến sự hiểu biết của con cái về ý nghĩa của sự giao hợp?
Một cách thận trọng và thành khẩn suy nghĩ về những câu hỏi trên có thể giúp bạn nhận thấy là quyết định sống chung có thể tạo nên điều tiếng xấu đối với người khác và, nếu một trong hai bạn đã có con riêng, quyết định ấy có thể tạo thành vấn đề cho chính con cái của bạn. Sau khi thành khẩn suy tư và đối thoại, bạn có thể quyết định sống tách biệt và tránh giao hợp trong khi chuẩn bị cho sự thề hứa hôn nhân Kitô giáo. Quyết định đó có thể là một dấu chỉ mạnh mẽ nói lên ý định của bạn khi chuẩn bị cho một loại tương giao mới, có thể nói, là sự cam kết trọn vẹn của hôn nhân Kitô Giáo, mà sự tương giao ấy được Thiên Chúa chúc phúc và được cộng đồng Kitô hữu công nhân và hỗ trợ.
Sau khi cả hai đã rõ ràng về loại tương giao mà hai bạn đang chia sẻ và hoạch định cách đối phó với điều tiếng xấu có thể xảy ra, các bạn đã sẵn sàng để nói chuyện với cha sở một cách thành thật và thẳng thắn. 13 Trong khi chỉ có hai bạn và Thiên Chúa mới biết được mức độ tội lỗi trong hành động của bạn có tội, Giáo Hội—và đây là điều mà cha xứ có hữu ích—có thể giúp đỡ bạn được Thiên Chúa tha thứ và tha thứ cho nhau nếu đó là điều quan trọng và cần thiết. Từ lâu trong Giáo Hội, người Công Giáo đã có truyền thống lãnh nhận Bí Tích Hoà Giải trước khi nói lên lời thề của hôn nhân Kitô giáo, vì Giáo Hội không bao giờ cho rằng con người chúng ta thì hoàn toàn sạch tội và không sa ngã!
Tuy một số cha sở có thể không cảm thấy thoải mái khi giúp đỡ các bạn giải quyết hoàn cảnh đặc biệt của mình, hy vọng rằng ngài sẽ lắng nghe các bạn cố gắng thành thật với nhau và với Thiên Chúa, và hướng dẫn các bạn bước vào hôn nhân Kitô giáo một cách chính thức và công khai. Ngài sẽ nhắc nhở bạn rằng ý nghĩa sâu xa của việc giao hợp chỉ có thể xảy ra trong sự thề hứa trọn vẹn và tự do của hôn nhân Kitô giáo, tuy nhiên ngài phải chứng tỏ tình yêu và lòng thương cảm của Chúa Giêsu cho những người, chỉ vì không thực sự hiểu được sự dậy dỗ này, mà họ đã không sống được lý tưởng ấy.
Muốn biết thêm về đề tài này, hãy vào www.rootedinlove.org
Living Together & Christian Commitment:
A Reflection for Engaged Couples
Who Are Living Together by Dr. James Healy
Bạn có nghĩ đến việc thành hình một Giao Ước Tiền Hôn Nhân không? Đó là gì?
Hãy đọc Chương 20 và xem bạn nghĩ gì.
1. Bạn hiện nghĩ gì về việc sống chung chạ trước khi kết hôn? Tôi nghĩ ..
_________________________________________________________
2. Khi nhìn lại, tại sao bạn lại chọn việc sống chung chạ? Bạn có nghĩ là người kia cũng có cùng lý do như bạn không? Tôi nghĩ là, vào lúc ấy, tôi
_________________________________________________________
3. Nếu không sống chung và không thường xuyên giao hợp, bạn học hỏi được gì qua việc tránh giao hợp này mà bạn tin rằng nó hữu ích để giúp bạn chuẩn bị hôn nhân Kitô Giáo? Tôi nghĩ, tôi học được:
_________________________________________________________
4. Tại sao bạn lại chọn sự cam kết hôn nhân vào lúc này? Nếu bạn sống chung hay thường xuyên giao hợp, bạn nghĩ gì hay mong đợi điều gì khác biệt về việc kết hôn? Tôi nghĩ:
_________________________________________________________
5. Hãy kể ra những thay đổi đặc biệt mà bạn đang thi hành, chứng tỏ sự thay đổi về hướng hôn nhân Kitô Giáo (tỉ như: cách chúng tôi quản lý tài chánh, cách giải quyết vấn đề, cầu nguyện chung, v.v.):
_________________________________________________________
6. Bạn dự định phải đối phó với điều tiếng xấu về việc sống chung chạ / thường xuyên giao hợp đã gây ra như thế nào? Tôi nghĩ rằng
_________________________________________________________
7. Hãy nghĩ đến khi phải đối phó với chính con bạn, bạn sẽ giải thích với chúng thế nào về việc sống chung chạ hay thường xuyên giao hợp trước khi kết hôn? Tôi dự định sẽ nói với con cái tôi:
_________________________________________________________
8. Nếu một trong hai bạn có con riêng, bạn thấy việc sống chung chạ hay thường xuyên giao hợp ảnh hưởng thế nào đến ý nghĩ của con cái về ý nghĩa của sự mật thiết tình dục? Tôi nghĩ:
_________________________________________________________
9. Sau khi suy tư về chương này, hãy thảo luận với người bạn đời về việc sống tách biệt và tránh giao hợp cho đến khi đám cưới như vậy
_________________________________________________________
10. Bạn nghĩ gì về việc thành hình một Giao Ước Tiền Hôn Nhân (Xem thí dụ Chương 20)?
_________________________________________________________