Cuối Thu 2016 vừa qua, nhân dịp Đức Ông Phanxicô Phạm Văn Phương từ Atlanta xuống Dallas công tác cho giáo phận Xuân Lộc, các cựu sinh đồng môn Phát Diệm: Nguyễn Phương Chuẩn, Vũ Văn Long, Nguyễn Thế Hùng, Trần Văn Huyến và Trần Vinh, đã tổ chức một buổi hội ngộ chào mừng Đức Ông Phương.
Đặc điểm của buổi hội ngộ là tất cả các thành viên đều đã tới tuổi chống gậy và tất cả đều nói rất ít về mình, trái lại đã ôn lại nhiều chuyện về trường xưa thầy cũ với biết bao kỉ niệm êm đềm. Rồi đột nhiên Đức Ông Phương hướng về tôi và nói “Vinh là em Đức Ông Thụ nên cố gắng làm một cuốn sách về Đức Ông. Đức Ông Thụ chẳng những đóng góp lớn lao cho GHCGVN mà còn cho cả GHCG hoàn vũ nữa. Tôi đã mời Đức Ông Thụ từ Roma về giảng một tuần tĩnh tâm cho cộng đoàn ở Atlanta. Những bài giảng của Đức Ông hết sức súc tích, mang lại nhiều ơn ích thiêng liêng cho bổn đạo. Ngài thật đáng kính phục.” Ý kiến của Đức Ông Phương được các cựu đồng môn cùng bàn đồng tình và khuyến khích.
Thật tình thì chúng tôi mãi mãi mang trong tâm tư nhiều kỉ niệm tốt đẹp về Đức Ông Thụ, người anh đôi con dì yêu kính của chúng tôi trong thân tộc, nhưng chưa có động lực nào thúc bách chúng tôi chia sẻ những tâm tư ấy trên sách vở. Hôm nay, lời nói chân tình và ánh mắt kêu gọi của Đức Ông Phương thúc đẩy và chuyển lửa, khiến cho chúng tôi quyết định làm một cái gì đó, để lưu lại di sản đặc biệt của Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ.
Nhân đây, chúng tôi xin phép chia sẻ chút tâm tình riêng tư của mẹ chúng tôi đối với Đức Ông Thụ. Mẹ Đức Ông mất hơi sớm. Mẹ của chúng tôi là dì của Đức Ông đã cám cảnh và thương các cháu mồ côi mẹ, cho nên sau này, các cháu cũng đã dành tình thương đặc biệt cho dì của mình. Tôi còn nhớ, hồi năm 1950, Cha Thụ mới du học về làm giáo sư Trường Lí Đoán Thượng Kiệm (tức Đại Chủng Viện Phát Diệm ở Thượng Kiệm), đến Hè, Cha đưa Cố Bourguignon (Cố Bửu) người Bỉ là giáo sư các lớp lớn của tiểu chủng viện Phát Diệm, về thăm gia đình chúng tôi. Thế là cả xóm bừng lên như lễ hội. Bố mẹ chúng vui mừng và tiếp đón hai vị giáo sư hết sức ân cần. Có lẽ chuyện vui nhất là mẹ chúng tôi mời Cố Bửu ăn trầu. Chăm chú theo dõi Cố Bửu nhai trầu tróm trém rồi nhổ cốt trầu đỏ ngoét vào bình phóng, hai má của Cố dần dần hồng lên, không ai bảo ai, mọi người cùng phá lên cười và vỗ tay hoan hô ông Cố chịu chơi hết mình! Mấy anh lớn của chúng tôi là hướng đạo sinh, tụ họp nhóm bạn hàng xóm hát mừng hai vị giáo sư bài Thằng Bờm và dậy cố Bửu cùng ca bài “Bốn con chuột đưa xác con mèo, tò te tò tò te te tò… Meo, meo! Mày có vào thì vào. Tao không vào. Vì sao? Vì mắc chà rào… Meo, meo!” Cả nhóm vừa ca hát, vừa trình diễn điệu bộ và và nhái âm thanh mèo, chuột. Bà con lại được một trận cười vui vẻ và vỗ tay tán thuởng.
Cố Bửu rất cao lớn. Đêm đến, Cố ngủ trên cái giường dài rộng nhất nhà và phải nằm chéo góc, vậy mà vẫn chưa vừa. Bố chúng tôi phải kê thêm một cái ghế nữa thì Cố mới duỗi thẳng chân ra được. Xóm chúng tôi cư ngụ thuộc vùng thiếu an ninh. Thỉnh thoảng ban đêm, cán bộ Việt Minh tới đập cửa yêu cầu “góp gạo kháng chiến.” Có khi họ ghé ngủ nhờ vài đêm. Ban ngày, quân đội Quốc Gia hành quân tảo thanh và thường hay bắt dân chặt tre làm hàng rào củng cố đồn Tân Hải toạ lạc cách xóm chúng tôi khoảng 2 cây số. Đồn binh Tân Hải nằm ven sông Càn là con sông phân chia ranh giới 2 tỉnh Ninh Bình và Thanh Hoá. Lo sợ nhất là nếu lính Lê Dương hành quân tới, trai tráng có thể bị nghi ngờ là theo Cộng Sản thì chí nguy, cho nên cha Thụ thận trọng đề phòng trước bằng cách viết mấy dòng chữ bằng tiếng Pháp, chứng nhận gia đình chúng tôi là thân nhân của ngài và không ai theo Cộng Sản cả. Bố chúng tôi giấu kỹ tờ giấy “hộ mạng” này, chỉ khi nào quân đội Quốc Gia hay lính Lê Dương tới khám nhà và muốn bắt người thì mới đưa giấy chứng ấy ra mà thôi. Một mùa Hè khác, cha Thụ lại về thăm gia đình chúng tôi, đem theo linh mục nhạc sĩ Phương Linh. Hai linh mục mặc quần đùi (shorts), vác súng 2 nòng ra đồng săn cò. Các vị không phải là những tay thiện xạ, lại không có mắy nhắm, cho nên phải bò lê như du kích tới gần đàn cò rồi mới nổ súng. Trường hợp một con cò bị thương mà còn bay được một quãng trước khi rơi xuống ruộng thì 2 thợ săn tài tử vội chạy theo đuổi bắt con mồi. Với những màn đuổi bắt trên các thửa ruộng nước như thế làm mặt mũi, chân tay và quần áo dính đầy bùn đất, trông hai vị “chẳng còn hình tượng người ta nữa!”
Từ khi cuộc di cư vào Nam năm 1954 diễn ra, Cha Thụ đã dành tình thương đặc biệt cho mẹ chúng tôi, lúc đó là một goá phụ với mấy người con tuổi thiếu niên. Vì thế, thời sinh tiền, mẹ chúng tôi thường nói: “Mẹ đội ơn Cha ở trên đầu.”
Cá nhân chúng tôi nhận trách nhiệm biên tập cuốn sách này, cũng xin phép bày tỏ chút tâm tình riêng đối với Đức Ông Thụ. Đức Ông là anh đôi con dì của chúng tôi. Chúng tôi và tất cả bà con cô bác trong thân tộc không ai không kính yêu Đức Ông. Đức Ông đã dâng cả cuộc đời cho Chúa, đã vâng lời phục vụ Giáo Hội hết lòng, hết sức mình. Tuy Đức Ông không tiến cao lên hàng giáo phẩm, chỉ là một linh mục, nhưng cả cuốn sách này đã chứng minh Đức Ông là một linh mục VN hết sức đặc biệt, có một không hai. Tên tuổi của Đức Ông Thụ sẽ mãi mãi gắn liền với các Thánh Tử Đạo Việt Nam, với Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Chiêm ngắm cuộc đời Đức Ông Thụ, chẳng những chúng tôi kính phục Đức Ông vì sự nghiệp lớn lao của Đức Ông như mọi người mà còn vì tấm lòng vị tha bác ái vô điều kiện của Đức Ông. Đến cuối cuộc đời, nằm trên giường bệnh, Đức Ông vẫn thương người nghèo, vẫn sẵn lòng cho hết. Cô em Yến là người luôn luôn túc trực săn sóc Đức Ông suốt hơn 2 năm trời bên giường bệnh ở Roma, đã kể: “Không biết làm sao mà khi Anh Thụ đã vào bệnh viện, thỉnh thoảng vẫn có những người đàn ông người Ý vào xin Anh giúp tiền bạc. Mỗi lần như vậy, Anh Thụ không ngần ngại bảo em cho ông ta tiền, lại còn dặn kĩ là đừng để ai biết.” Cô Yến cũng tiết lộ thêm, lần sau cùng, khi Đức Ông chịu phép Bí Tích Hoà Giải xong, đột nhiên Đức Ông khóc nghẹn ngào và nói: “Anh không nợ nần ai cái gì hết!”
Con chim sắp chết, tiếng kêu bi thương.
Người sắp chết, lời nói ngay thẳng.
Chúng tôi tin đây là lời thốt lên cuối cùng theo lương tâm của Đức Ông Thụ, dẫu biết rằng với trí nhớ của một bô lão 84, cộng với tình trạng sức khoẻ đã đến hồi suy kiệt thì ai dám bảo đảm sự chính xác 100%. Chúng tôi cũng tin rằng Chúa biết hết mọi sự và tuy Ngài công minh nhưng cũng là Cha Nhân Lành hay thương xót.
Suốt quãng đời còn lại, mỗi lần nhớ tới Đức Ông, chúng tôi nhớ ngay đến chi tiết này và chúng tôi cũng không cầm được nước mắt. Con người ta thường khóc vì đau khổ, nhưng cũng có thể khóc vì vui mừng!
Vì ba lí do: Đức Ông Phương kêu gọi và khuyến khích, mẹ và cả nhà chúng tôi “đội ơn Cha ở trên đầu,” còn chúng tôi thì nhớ thương Đức Ông, cho nên không có lí do gì mà chúng tôi không cố gắng hết sức thực hiện một cuốn sách về Đức Ông. Hơn nữa, nói đến Đức Ông Thụ, rất nhiều tín hữu Công Giáo Việt Nam trưởng thành vào nửa sau thế kỉ 20 đều biết tới tên tuổi của Đức Ông vì Ngài là vị bí thư người Việt Nam của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao Lô II và nhất là vì Đức Ông Thụ đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ làm cáo thỉnh viên phong Thánh cho các vị Anh Hùng Tử Đạo tại Việt Nam do Đức Hồng Y Giáo Chủ Giuse Trịnh Văn Căn giao phó.
Khi phác thảo những nét chính cho cuốn sách, chúng tôi quyết định sẽ quan tâm đặc biệt tới sự nghiệp công khai của Đức Ông. Còn những ân tình riêng tư của thân nhân cũng như của các tu sĩ và tín hữu dành cho Đức Ông, và ngược lại, tuy rất đáng trân trọng, nhưng chúng tôi sẽ chỉ nhắc tới trong trường hợp cần thiết. Thiển nghĩ, nếu nhớ tới Đức Ông, tốt hơn cả là chúng ta cầu nguyện cho Ngài được hưởng hạnh phúc trường sinh vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa.
Những nét chính trong cuốn sách gồm có: Tiểu sử. Lễ an táng. Năm bài viết tiêu biểu của Đức Ông Thụ. Những bài viết về Đức Ông của những vị thân cận. Kế tiếp là những bài ghi nhớ đặc biệt về Đức Ông của chúng tôi, với tư cách là người em trong thân tộc, đã may mắn có nhiều dịp được tiếp xúc với Đức Ông.
Về phần hình ảnh, chúng tôi lần lượt giới thiệu một số hình ảnh liên quan tới cuộc đời và sự nghiệp của Đức Ông Thụ. Vì lí do kĩ thuật in ấn, chúng tôi tuyển chọn một số hình màu minh họa đặc sắc để giới thiệu với quý độc giả ở 16 trang cuối của cuốn sách.
Để thực hiện cuốn sách này, chúng tôi đã nhận được sự khuyến khích và giúp đỡ nhiệt tình của các vị sau đây:
- Đức Ông Phanxicô Phạm Văn Phương, Atlanta, khởi xướng, phụ trách in ấn và phát hành.
- Bào huynh là BS Trần Hoành (Đức) đọc bản thảo, góp ý kiến tổng quát và cung cấp những hình ảnh hiếm quý.
- LM Lương Nhi Tử Đinh Đồng Thượng Sách (Giáo Xứ VN Paris), Phó Tế Phạm Bá Nha (Giáo Xứ VN Paris), LM Trần Mạnh Duyệt, giám đốc Foyer Phát Diệm (Roma), Đức Ông Hoàng Minh Thắng (Đài Vatican, Roma), LM Paul Nguyễn Văn Tùng, Hải Quân Đại Tá, cựu tuyên úy Quân Đội HK, đã viết bài về Đức Ông Thụ.
- Anh Trần Ngọc Chất (Waco, Texas), em ruột Đức Ông Thụ, đã trả lời nhiều cuộc điện thoại phỏng vấn của chúng tôi về những chuyện liên quan tới cuộc đời Đức Ông Thụ.
- Cô Trần Yến Ann, em đôi con dì của Đức Ông và Chị Nguyễn Thị Duyên (Portland, Oregon) là cháu ruột của Đức Ông, đã gửi hình ảnh và kể lại những mẩu chuyện kỉ niệm về Đức Ông.
- KS Ngô Bảo Quốc phụ trách trang bìa và kĩ thuật.
- Con trai Tommy và cháu ngoại Teresa Bùi Tiên đã giúp đỡ phần hình ảnh.
- LM Gioan Trần Công Nghị, giám đốc VietCatholic News, đã cho phép trích đăng bài vở lấy từ VietCatholic.net.
Cảm kích trước mối thịnh tình và sự giúp đỡ quý báu của quý vị, chúng tôi xin tất cả quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn chân thành của chúng tôi.
Sau hết, chúng tôi không quên cáo lỗi và cảm tạ các tác giả mà chúng tôi trích dẫn trong sách này. Vì lí do cách trở, chúng tôi đã không có thể liên lạc được để xin phép. Xin quý vị rộng lượng tha thứ.
Dallas, Tháng 3-2017
Biên tập: Trần Vinh