"Tiên ông đạo cốt” phải chăng Người?
Điềm đạm khoan thai... điểm nụ cười.
Nhẫn nại Toà Khâm lo một cõi (1)
Trung thành Điện Giáo giúp muôn nơi (2)
Khiêm cung giản dị, tâm trong vắt
Thanh thản đơn sơ, trí sáng ngời (3)
Tử Đạo Việt Nam phong Hiển Thánh
Mấy ai quên được đại công Người? (4)
Lương Nhi Tử
Lương Nhi Tử tức LM Đinh Đồng Thượng Sách, bút hiệu khác là Cung Chi, tuyên uý giới trẻ giáo xứ VN Paris
Phó Tế Phạm Bá Nha, chủ bút Nguyệt San GX Việt Nam, Paris
Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, nguyên Thư ký của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là Kinh Sỹ Đền Thờ Thánh Phêrô, được Chúa gọi về lúc 6g30, ngày 15-7-2002, tại nhà thương Bách Khoa, Roma, hưởng thọ 84 tuổi. Thánh lễ an táng được cử hành tại Đền thờ Thánh Phêrô và thi hài được chôn cất ở nghĩa trang Kinh Sỹ đoàn, Campo Verano, Roma. Với tâm tình mến thương, xin được tưởng nhớ đến một linh mục nòng cốt của Phát Diệm, một thời quên mình tận tụy hy sinh phục vụ Quê Hương và Giáo Hội.
ĐÔ Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ sinh ngày 12-5-1918 tại Đông Hải, xứ Văn Hải giáo phận Phát Diệm, là con thứ 4 trong gia đình có 8 anh chị em. Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ tu học tại chủng viện Ba Làng, Thanh Hóa và chủng viện Phúc Nhạc, Phát Diệm. Mãn Tiểu Chủng viện, Thầy Thụ được Đức Cha Nguyễn Bá Tòng gửi đi du học tại trường Truyền Giáo Roma (1937-1942). Ngày 20-12-1942, thầy chịu chức Linh Mục. Sau đó ở lại Roma, cha tiếp tục học tại đại học Urbanina, lấy bằng Tiến sỹ Triết (1945), Tiến Sỹ Thần Học (1946) và qua Bỉ tu nghiệp về Quốc Tế Công Pháp (1946-1949).
Linh mục nòng cốt của Phát Diệm
Năm 1949, Cha Thụ về Phát Diệm và được cử làm giáo sư Thần học tại Đại Chủng Viện Thượng Kiệm. Từ 1951-1954, Cha vừa làm thư ký của Đức Cha Lê Hữu Từ vừa có chân trong Hộì Đồng Cố Vấn của Giáo Phận. Ngày 29-6-1954, Đức Cha và cha Bí Thư đã hướng dẫn một số linh mục, chủng sinh và nữ tu di cư vào Nam. Ra Hải Phòng một tuần, sau vào Nam. Lúc đầu nhóm người di cư ở tạm trú nhiều nơi. Bấy giờ người ta thấy Cha Thụ đã lái xe Simca nhỏ chạy ngược chạy xuôi. Trong vòng có hơn một tháng, Phát Diệm đã có trụ sở tại Phú Nhuận. Năm học của tiểu chủng viện bắt đầu ngay vào tháng 9-1954. Ở Phú Nhuận, chật hẹp mà có Đức Cha, một số cha, mấy thầy Đại chủng viện, dòng Mến Thánh Giá. Năm 1956, có cơ sở khác cho Đại Chủng Viện tại 98 Chi Lăng Phú Nhuận. Cha Thụ làm phó giám đốc. Năm 1957, Dòng Mến Thánh Giá được tập trung về Xóm Mới, Gò Vấp. Năm 1958, Đức Cha Từ dọn về 459 Võ Di Nguy, Phú Nhuận. Năm 1960, một thửa đất lớn khác đối diện với dòng Mến Thánh Giá được mua sắm, xây nhà hưu dưỡng cho các cha. Năm 1963, Nhà ở Võ Di Nguy Phú Nhuận và Chi Lăng bán. Đức Cha Lê Hữu Từ rời Phú Nhuận về nhà hưu dưỡng Xóm Mới. Tất cả các cơ sỡ này đều do Cha Trần Ngọc Thụ và Trần Ngọc Phan xoay sở mua và xây cất thêm.
ĐÔ Thụ, có thể nói, là chứng nhân thực sự của trang sử Phát Diệm vào những thập niên 50, 60, và 70. Vì thế, cuốn Lịch Sử Giáo Phận Phát Diệm 1901-2001 (2001) do ngài viết có giá trị cao về lịch sử.
Quên mình phục vụ Quê Hương và Giáo Hội
Có thể vì thấy Cha khôn khéo và lanh lợi trong nhiều lãnh vực nên Đức Cha Nguyễn Văn Hiền, giám mục Sàigòn đã đặt ngài làm cha chính địa phận lo cho giáo dân từ Bắc di cư vào Nam. Cha Thụ luôn bên cạnh Đức Cha Phạm Ngọc Chi, đặc trách đồng bào di cư. Những năm tháng này, người ta thấy cha có mặt ở những nơi hoang vu xa xôi để thăm đất, cắm lều, dựng nhà lá cho người di cư.
Từ 1957-1976, Cha Thụ phục vụ trong Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh, đường Hai Bà Trưng. Ban ngày làm việc cho Tòa Khâm Sứ, nhưng chiều, Ngài về sinh hoạt với Phát Diệm. Mỗi sáng, Cha làm lễ và ăn điểm tâm xong mới đi làm. Đầu năm 1975, những hồ sơ của Tòa Khâm Sứ đã được lần lượt chuyển đi một cách kín đáo. Và Cha Thụ là nhân viên cuối cùng của Tòa Khâm Sứ rời khỏi VN, ngày 26-7-1976.
Ngày 18-9-1976, Cha Thụ được mời làm việc lại trong Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh. Ngày 29-6-1978, Ngài được ân thưởng tước hiệu Đức Ông Capellano di Sua Santità.
Ngày 25-11-1985, Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn thay mặt HĐGM VN đặt cử ngài làm Cáo Thỉnh Viên cho án Phong Thánh của 117 Vị Tử Đạo VN. Mặc dầu gặp nhiều khó khăn về thời giờ, phương tiện, bối cảnh phức tạp đối phó với trong và ngoài VN. Chính ngài đã hoàn tất hồ sơ và đệ trình lên Bộ Phong Thánh và cùng các đoàn thể tổ chức lễ Phong Thánh vào 19-6-1988, tại Roma. Kết quả thật tốt đẹp, với gần 10.000 Việt Nam, Tây Ban Nha và Pháp tham dự, làm rạng danh dân tộc và Giáo Hội VN. Kết quả cụ thể hơn nữa về vụ Phong Thánh đã được Đức Ông Thụ đã viết trong ''Kỷ Yếu Phong Thánh Tử Đạo Việt Nam''(1989) và bộ sách ''Giáo Hội Việt Nam: Vụ Án Phong Thánh (1987), Tiểu sử 21 Thánh Tử Đạo Thừa Sai (1991), và 97 Thánh Tử Đạo Việt Nam.
Ngày 7-1-1988, ĐGH Gioan Phaolo II đã chọn Đức Ông Thụ làm Thư Ký riêng. Đức Ông làm việc cho tới năm 1996. Ngày 13-11-1997, Đức Ông Trần Ngọc Thụ nghỉ hưu, tại Casa dei Canonici di S. Pietro. Nhà các Kinh Sỹ Đền Thờ Thánh Phêrô trong nội thành Vatican. Tại nhà riêng, Đức Ông đã lập một nhà nguyện với ảnh tượng và hình ảnh VN. Đức Ông thường ca tụng Đức Giáo Hoàng là người thánh thiện, đầy nhiệt huyết, thông minh và có năng khiếu sinh ngữ. Đức Ông đã kể lại một kỷ niệm buồn giữa ngài và ĐGH, là có lần Đức Ông vô ý đẩy cửa mạnh vào phòng, làm ĐTC bị thương ở ngón tay, phải băng tay mất vài ngày. Dịp kỷ niệm Kim Khánh Linh Mục 20/12/1942-1990, ĐTC Gioan Phaolô II đã ưu ái tặng Đức Ông Vinh Sơn một chén thánh đặc biệt. Thời gian gần Đức Giáo Hoàng, Đức Ông Thụ như gạch nối giữa Ngài và Giáo Hội VN. ĐGH đã hiểu và dành nhiều ưu ái cho Giáo Hội VN. Ngày 4-2-1997, Tòa Thánh đặc cử Đức Ông làm Kinh Sỹ bậc I của Đền Thờ Thánh Phêrô cho đến ngày Đức Ông qua đời. Rất tiếc là cuốn sách ''Bên Cạnh Đức Gioan Phaolo II'' ngài mới viết được chương đầu, nếu không, những trang này sẽ là sử liệu quí báu. Tòa Thánh đã ân thưởng cho Đức Ông các tước hiệu: Giám Chức bậc nhất, Giám Chức Danh Dự (1985), và Chưởng ấn Tòa Thánh (1996). Với tất cả chân tình thương mến, Đức Ông Vinh Sơn đã dành cho Linh Mục Trần Anh Dũng một cuộc phỏng vấn thâu băng đặc biệt trong hai ngày 4-5/3/1997, tại Vatican, với những câu hỏi được cân nhắc. Đức Ông Vinh Sơn Thụ chân thành thẳng thắn nghiêm chỉnh trả lời như một nhân chứng sống động qua hơn nửa thế kỷ (1947-1997) trong giòng lịch sử Giáo Hội Việt Nam.
Để lại bao mến thương
Cuối năm 2000, Đức Ông bị bệnh tim và thận, được điều trị tại nhà thương Spirito Santo và Gemelli. Sau đó ngài về nghỉ tại nhà hưu San Gaetano. Ngày 9-7-2002, ngài bị bệnh nhồi máu cơ tim, được đưa cấp cứu vào nhà thương Gemelli. Sáng 14-7, Đức Giáo Hoàng đã cử một Đức Ông đến tận bệnh viện thăm và tặng ngài một cỗ tràng hạt. Sáng hôm sau, lúc 6giờ 30, Đức Ông đã ra về với Chúa một cách bình an, để lại bao mến thương.
Sáng sớm thứ bảy 20-7-2002, tại nhà quàn, cùng với các em, và các cháu từ Mỹ, Úc, và Tây Ban Nha về, mang khăn tang, Đức Ông Vũ Văn Thiện chủ sự nghi lễ tiễn đưa người quá cố. Chung quanh quan tài, có Đức Ông Trần Văn Khả, một số linh mục, chủng sinh, nữ tu và giáo dân đọc kinh cầu cho linh hồn Vinh Sơn. Bầu khí trang nghiêm ly biệt thương nhớ vô vàn. Cả một tiếng đồng hồ, tiếng hát, lời kinh liên tục để thương để nhớ. Mỗi khi lời kinh ngưng, tiếng khóc nức nở lại vang dội cả căn phòng. Cha Hoàng Minh Thắng, chủ tịch Liên Tu Sỹ Roma bày tỏ lòng luyến tiếc vì mất đi tấm gương sáng chói về phục vụ và yêu thương. Đức Ông Vũ Văn Thiện, giám đốc Foyer Phát Diệm trong nghẹn ngào ghi ơn Đức Ông Vincent đã giúp đỡ Foyer nhiều về vật chất và tinh thần, từ ngày khai sinh cho đến ngày nay. Trong ngày này, Đức Cha Phát Diệm, Nguyễn Văn Yến đã gửi điện tín tri ân Đức Ông, những ngày xa quê hương, Đức Ông vẫn luôn gắn bó với giáo phận. Đức Cha thân gửi lời chia buồn đến gia đình tang quyến. Dòng Mến Thánh Giá và các Linh Mục và giáo dân Phát Diệm khắp nơi dồn dập gửi điện tín thương nhớ và phân ưu.
Lúc 9 giờ, tại đền thờ thánh Phêrô, Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Tổng Trưởng Bộ Giám Mục đã chủ sự thánh lễ an táng. Cùng đồng tế có 4 tổng Giám mục và giám mục. Đặc biệt có hai vị cựu Khâm sứ Tòa Thánh tại VN là Đức Hồng Y Giuseppe Caprio và Đức TGM Henri Lemaitre. Về phía VN có Đức Ông Nguyễn Văn Phương, Đức Ông Trần Văn Khả, Đức Ông Vũ Văn Thiện, một số linh mục. Ngoài gia đình, các nữ tu, một số du khách VN đang có mặt tại Roma hay tin này cũng đến tham dự.
Trước khi cử hành thánh lễ, Đức TGM Leonardo Sandri, Phụ tá Quốc Vụ Khanh đã đọc điện tín của Đức Giáo Hoàng, nội dung: Nghe tin đau buồn sự ra đi của Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, Kinh Sỹ Đền Thờ Thánh Phêrô sau bao nhiêu năm dài phục vụ quảng đại Tòa Thánh trước là tại Tòa Khâm sứ Sàigòn, rồi trong phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và sau cùng như cộng sự viên mẫn cán trong văn phòng thư ký riêng của tôi. Tôi nguyện xin Thiên Chúa là Mục Tử ban phần thưởng xứng đáng của người công chính cho linh hồn trung tín của Đức Ông và gửi lời phân ưu sâu xa của tôi và phép lành Tòa Thánh tới thân nhân của Đức Ông và tất cả những ai tưởng nhớ Đức Ông vì lòng quí mến.
Tiếp đến là điện tín của ĐHY Phạm Đình Tụng, Tổng Giám Mục Hà Nội gửi Đức TGM Marchisano, Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô: Chúng tôi vừa nhận được tin Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ về với Chúa. Tôi xin hiệp thông với Kinh sỹ đoàn. Tôi đã dâng thánh lễ và cầu nguyện cho linh hồn Đức Ông. Xin Đức Cha nhận nơi đây lòng qúi trọng sâu xa của tôi.
Và điện tín của Đức Cha Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐGM VN gửi Đức TGM Marchisano: Chúng tôi vừa nhận được Tin Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ qua đời. Nhân danh HĐGM VN, tôi xin gửi tới Đức Cha và Kinh sỹ đoàn Đền Thờ Thánh Phêrô lời phân ưu sâu xa chân thành nhất. Chúng tôi cầu xin linh hồn của Đức Ông Vinh Sơn mau về thiên đàng.
Trong bài giảng lễ, ĐHY chủ tế đã lồng vào quá trình làm việc của Đức Ông Thụ tại VN và Roma, để xác tín rằng: Trong 84 năm, từ ngày ĐÔ Thụ đi tu, làm linh mục phục vụ tại VN, đến sang Roma làm việc cho Văn Phòng Quốc Vụ Khanh hay bên cạnh ĐGH... cho tới lúc sinh lực yếu mòn... Đức Ông vẫn có một đức tin sáng chói và đầy an ủi: Dù sống hay chết chúng ta đều thuộc về Chúa (x. Rm. 14, 7-9, 10-12. Bài đọc 2 của lễ an táng). ĐHY khẳng định: Đức Ông Thụ có tâm hồn đơn sơ, dáng vẻ ngây thơ như em bé, người của an bình và tha thứ. Trang sách Phúc Âm về Tám Mối Phúc Thật đã mô tả công tác tông đồ của Đức Ông mà còn thể hiện lý tưởng sống của người quá cố. Hãy vui mừng hoan hỷ, vì phần thưởng sung mãn đã dành cho những ai tuân giữ Tám Mối Phúc Thật (x. Mt 5, 1-12. Phúc Âm lễ).
Với tư cách trước đây là đồng nghiệp với Đức Ông, ĐHY thấy nơi Đức Ông là người giản dị, không hoài vọng xa xôi, thanh thản, lịch sự, sẵn sàng giúp đỡ, có lòng kiên nhẫn không biên giới, trung tín và thực lòng, nhìn đồng nghiệp những điểm tích cực hơn tiêu cực. Đức Ông là cộng sự viên quí báu, sinh động bởi lòng nhiệt tâm, sốt sắng thông minh. Rất sâu sắc trong phán đoán, rất sáng suốt nhìn thấy giới hạn của mình. Lòng trung thành, sự khiêm tốn, tinh thần linh mục là những đức tính nổi bật trong cả cuộc đời Đức Ông.
Kết thúc bài giảng, ĐHY đã dâng lời nguyện sau đây cầu cho người quá cố: Xin hãy đến, hỡi Vị Thánh của Thiên Chúa, Xin đến mau hỡi các Thiên Thần của Chúa, để đón rước linh hồn người và dâng lên trước ngai tòa Đấng Tối Cao.
Ngoài nghĩa trang, LM Phạm Châu (cháu của Đức Ông) chủ sự nghi thức tiễn biệt cuối cùng. Hương hoa và lời kinh quyện lẫn tỏa ra bay lên Trời Cao và bay về tận quê hương Việt Nam:
Báo Osservatore Romano Chúa Nhật 21-7-2002, có tường thuật thánh lễ an táng Đức Ông Trần Ngọc Thụ tại đền thờ thánh Phêrô, nơi Đức Ông và Kinh sỹ đoàn thường đọc kinh chung. Quan tài Đức Ông được đặt giữa cung thánh, trên quan tài có cuốn Phúc Âm lớn. Bài tường thuật có đăng hình, bài giảng của ĐHY chủ tế và bức điện tín của ĐGH.
Ngay sau khi nghe tin ĐÔ Thụ qua đời, Giáo Xứ Việt Nam Paris đã dâng thánh lễ cầu nguyện cho ngài. Nhiều lần hành hương qua Roma, mặc dầu bận nhiều việc, đoàn hành hương của Giáo Xứ đã được Đức Ông đón tiếp hướng dẫn tận tình. Hình ảnh tươi cười, đon đả, bặt thiệp ăn nói nhẹ nhàng của người cha vẫn còn in sâu trong tâm trí của khách hành hương, mà không tìm đâu lại được?
Phó Tế Phạm Bá Nha