Là vai em của Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ trong thân tộc, chúng tôi còn lưu giữ nhiều kỉ niệm đẹp đẽ về Đức Ông. Đó là những kỉ niệm quý báu riêng tư mà chúng tôi muốn ấp ủ mãi trong tâm khảm. Ngoài ra, chúng tôi còn ghi nhớ được một số mẩu chuyện rất đặc biệt khác nữa; xét ra, có thể chia sẻ công khai được.
Tháng 7 năm 1949, ở Phát Diệm xẩy ra 2 biến cố lớn. Một là Đức Cha GB. Nguyễn Bá Tòng qua đời và lễ an táng Ngài được cử hành long trọng từ ngày 11 tới ngày 14-7-1949. Hai là biến cố Cha Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ đi du học về tới bờ biển Phát Diệm ngày 29-7-1949 thì bị công an Việt Minh huyện Kim Sơn bắt giữ. (1)
Việc Cha Thụ bị bắt giữ khi vừa đặt bước chân đầu tiên lên mảnh đất quê nhà, sau nhiều năm du học, là một biến cố đáng chú ý trong hành trình cuộc đời linh mục của ngài. Vì thế, là hậu sinh Phát Diệm và là vai em của Cha, chúng tôi rất muốn tìm hiểu thêm về biến cố năm xưa ấy.
Tài liệu
Để thực hiện mục tiêu đã định, chúng tôi bắt tay ngay vào việc truy cứu các nguồn tài liệu và chúng tôi đã may mắn tìm được 3 bài viết quý hiếm sau đây:
Một là: Trích đoạn hồi ký của Đức Cha Lê Hữu Từ trong cuốn sách nhan đề Giám Mục Lê Hữu Từ & Phát Diệm 1945 -- 1954 của 2 tác giả Đoàn Độc Thư và Xuân Huy. Sử Liệu Hiện Đại xuất bản năm 1973. (2)
Hai là: Bài Đức Cha Lê Hữu Từ Trong Ký Ức Của Tôi của Cha Nguyễn Gia Đệ trong sách Giám Mục Lê Hữu Từ. Nhiều tác giả, NXB Hoa Lư, 2001. Trang 89 tới 93. (3)
Ba là: Một đoạn trong cuốn sách Tuyển tập Tạp Bút Đường Xưa Lối Cũ của GS Vũ Ngọc Ánh. NXB Millennium, Los Angeles -- USA, 2009. Trang 158 -- 161. (4)
Ngoài ra, chúng tôi còn được nói chuyện điện thoại nhiều lần với ông Trần Ngọc Chất là em trai út của cha Thụ. Ông Chất hiện cư ngụ ở Waco, Texas. Năm 1949 khi xẩy ra biến cố công an bắt giữ Cha Thụ, ông Chất được 12 tuổi. Tuy còn quá trẻ, nhưng ông Chất trực tiếp chứng kiến vụ việc và quả quyết còn nhớ được những nét chính.
Qua ông Chất, chúng tôi biết thêm 2 chi tiết quan trọng: Một là đích thân Cha Thụ tìm cách đánh tháo một bài viết của Cha bằng tiếng Pháp; hai là, đoàn áp tải Cha Thụ về Phát Diệm có ngủ lại một đêm tại nhà ông bà ngoại của Cha ở Như Tân.
Bài của GS Vũ Ngọc Ánh chỉ thuật truyện giao thiệp của ông với ông Phác, chủ tịch Uỷ Ban Hành Chánh Kháng Chiến tỉnh Ninh Bình và đã cố gắng thuyết phục ông Phác nên trao trả cha Thụ cho Đức Cha Lê.
Đầy đủ nhất là bài trích hồi kí của Đức Cha Lê và bài viết của Cha Nguyễn Gia Đệ. Cả hai bài kể lại các tình tiết câu chuyện vừa giống nhau vừa bổ túc cho nhau. Chúng tôi chỉ phát hiện ra một vài chi tiết nhỏ sai sót trong bài viết của Cha Đệ. Sở dĩ 2 bài giống nhau là vì Cha Đệ là người Đức Cha Lê phái đi thu xếp vụ Cha Thụ bị bắt, rồi về báo cáo lại cho Đức Cha. Bổ túc cho nhau vì dù sao Cha Đệ chỉ là một cộng sự viên xuất sắc của Đức Cha, nhưng Đức Cha mới là vị lãnh đạo, mà lãnh đạo thì biết những cái mà cấp dưới không biết hết được.
Xét thấy cả hai bài đều rất đặc biệt và nên giới thiệu với quý độc giả hậu sinh Phát Diệm, cho nên chúng tôi trích thuật nguyên văn dưới đây.
Trích đoạn hồi ký Đức Cha Lê Hữu Từ
Đức Cha Lê viết:
“Đức Cha thấy cần phải gọi các cha đi du học về giúp địa phận, thì ba cha: Tùng, Đại và Thụ điều cũng lục tục về, song Cha Đại và Cha Tùng về sớm hơn, thì mọi việc có phần dễ dàng, còn Cha Thụ mãi đến 29-7-1949 mới về được qua nhiều sự khó khăn.
Việt Minh vẫn muốn bưng bít mọi người sau bức màn tre kẻo hay biết các việc ngoại quốc mà có hại lối chính trị lừa bịp của chúng, nên chúng đã phao ra rằng mấy linh mục du học ngoại quốc làm liên lạc viên cho Mỹ cho Pháp, chính phủ kháng chiến phải lưu ý. Vì thế dù tôi đã can thiệp xin giấy cho các cha về tại địa phận, nhưng Việt Minh không hề cho giấy, cứ nói quanh rằng: các linh mục cứ việc về không cần giấy, ý chúng là để nếu các cha về không có giấy thì thế nào cũng sẽ bị bắt và khám xét chặt chẽ. Tôi thấy vậy, đã liệu cho các cha về cách bí mật (*), lúc đã đến nhà rồi tôi liền báo cho chính phủ kháng chiến biết, như đã làm cho Cha Đại và Cha Tùng; song hai cha về nhằm lúc hai bên chưa găng nhau quá nên mọi việc vẫn êm đẹp hơn.
Còn Cha Thụ dù đã hai lần về thuyền đến ngoài bể Phát Diệm, nhưng không sao liên lạc vào nhà chung được, vì trên bờ đang có quân Việt Minh canh, đợi mấy ngày ở bể rồi lại trở lui Hải Phòng. Đến lần thứ ba Việt Minh tưởng là ngài không về nữa nên việc canh phòng lỏng lẻo hơn, nhờ thế mà người liên lạc đã về được Phát Diệm ban đêm, khi đã sắp đặt mọi sự thì sáng ngày 29-7-49 ngài lên đất được tại Cồn Thoi. Công an Việt Minh liền đến tại Cồn Thoi khám xét ngài cùng các đồ vật. Khám xét các đồ vật không gặp đí gì là của phạm pháp trái luật sốt. Song khi xem các giấy tờ thì chúng gặp mấy thư Vatican gửi về bằng tiếng Latinh, chúng không hiểu liền sinh nghi nên đã giữ lấy. Lúc ấy có Cha Hàm, Cha Đệ xuống đón Cha Thụ, thấy việc như thế liền “chọc tức” nên đã liệu cách tráo được các thư ấy.
Lúc khám xong mọi sự, tên trưởng ty công an xem lại gói giấy, thấy mất mấy thư kia thì tức mà buộc tội cho các linh mục đã đánh cắp các thư quan hệ ấy, song các linh mục (**) lại buộc tội anh trưởng ty là đã lấy các giấy tờ can hệ về tôn giáo còn làm mưu mô phá huỷ đi v.v… Hai bên găng nhau và sau cùng thì tên trưởng ty bắt mang hết đồ vật và mời cả ba cha xuống thuyền để về Phát Diệm.
Khi vừa tới bến thì đã có một đội công an giữ thuyền ngay và mang cả đồ vật cùng mời Cha Thụ về đồn công an. Ấy là cách chúng bắt khéo Cha Thụ và định dẫn lên tỉnh điều tra v.v…
Khi ấy hai linh mục kia cho liên lạc vào trình tôi rõ công an đã dẫn Cha Thụ vào đồn không cho về và sẽ giải thẳng lên tỉnh và hai cha cũng đi theo Cha Thụ vào đồn.
Tôi đoán ngay là đã có đồ gì cấm, nếu không kịp hàn gắn có lẽ sẽ vỡ việc. Tôi liền triệu tập họp mấy cha, Cha Quỳnh đề nghị biểu tình đòi Cha Thụ (5). Tôi thấy hợp lý liền cho lệnh bảo các giáo hữu biết: Cha Thụ ở Roma về có nhiều giấy tờ quý của Vatican, nên xin giáo hữu ra đón ngài về cho Đức Cha và mời cả ông trưởng ty công an vào Cố Vấn nữa. Dân sự hiểu ý thì đã nổi hiệu chuông các nhà thờ, trong một chốc đã kéo ra đầy cả đường phố và ùa kéo sang đồn công an. Công an thấy vậy liền bố trí không cho dân sang qua cầu Trì Chính. Dân sự thì mỗi lúc mỗi kéo nhau ra đông hơn và có những cử chỉ mạnh bạo. Thấy vậy, trưởng ty công an liền vội vàng cùng với Cha Thụ vào Đức Cha. Gặp tôi, ông nói ngay: nghe biết Cha Thụ ở Vatican mới về nên mời ngài vào đồn để hân hạnh được cùng với ngài vào hầu Cố Vấn và được nghe các tin mừng bởi Vatican. Tôi cười và bảo ông trưởng ty: ta hãy cùng nhau đưa Cha Thụ ra trước Phương Đình để cả dân được trông thấy và nghe các tin mừng vuối ta. Tại đây, dân chúng đã tụ tập rất đông đúc. Tôi vỗ vai Cha Thụ mà bảo cả dân rằng: Chỉ bé tí thế này mà vừa về đến nơi cũng làm rung động một phương trời, rồi tôi tiếp: thế cũng là việc thường không gì lạ vì ai nấy trong chúng ta hằng hướng về Vatican, nhất là trong giai đoạn này, nên thoạt nghe ngài từ Vatican về, ta liền nao nức muốn nghe tin về Vatican, thì này đây, cha yêu quý của chúng ta ở Vatican vẫn khoẻ mạnh… Tức thì nghe những tiếng vỗ tay thật hăng hái. Tôi lại chỉ vào ông trưởng ty công an mà thêm rằng: Ông trưởng ty đây cũng có nhã ý được hân hạnh đưa Cha Thụ vào để chia vui vuối chúng ta. Dân sự liền cười lớn và vỗ tay.
Thế là Cha Thụ không cần phải lên tỉnh nữa, một ở lại vui vẻ và bắt đầu công việc.
Khi xong các việc và lúc tiễn chân ông trưởng ty ra về, các cha mới xin lỗi ông trưởng ty và nói cho ông trưởng ty biết là chính mình đã lấy cắp mấy lá thư kia của Đức Giáo Hoàng để trả đũa việc công an làm khó dễ vuối mình tại Cồn Thoi (***).”
(Đoàn Độc Thư và Xuân Huy. Giám Mục Lê Hữu Từ & Phát Diệm 1945 -- 1954. Sử Liệu Hiện Đại, 1973. Trang 219 - 221)
Các ghi chú trong bài của Đức Cha Lê: (*) Từ cuối năm 1946 sang đấu năm 1947, Phát Diệm đã tổ chức những cuộc vượt biển ra Hải Phòng và hầu như hàng tuần có chuyến đi, chuyến về. (**) Ngoài Cha Hàm và Cha Đệ, hai Cha Trần Hữu Lý và Cha Nguyễn Ngọc Lan cũng đóng góp nhiều mưu chước trong việc đón Cha Thụ ở Cồn Thoi. (***) Lê Hữu Từ (Giám Mục). Hồi Ký trang 30.
Bài viết của Cha Nguyễn Gia Đệ
Cha Nguyễn Gia Đệ và Cha Phạm Quang Hàm được Đức Cha Lê phái đi lo liệu vụ Cha Thụ bị bắt (6). Cha Đệ đã thuật lại vụ việc trong bài Đức Cha Lê Hữu Từ Trong Ký Ức Của Tôi trong sách Giám Mục Lê Hữu Từ như sau:
“Hôm đó là một buổi sáng năm 1947, linh mục Vincent Trần Ngọc Thụ từ Trà Cổ đi thuyền từ Trà Cổ về Cồn Thoi, miền giáp biển ở Phát Diệm. Cha Thụ đi du học ở Trường Tấn Giáo Roma (College de la Propagande de la Foi) nhiều năm, có bằng tiến sĩ thần học và giáo luật, nay được gọi về phục vụ giáo phận nhà. Ngài ăn chực nằm chờ nhiều ngày ở thủ đô Hà Nội để tìm cơ hội về Phát Diệm. Phương tiện đường bộ khó khăn, ngài phải đợi chờ và liên lạc để ra về bằng đường thuỷ.
Khi được tin ngài về tới Cồn Thoi, Đức Cha Lê cử cha bí thư (Cha Phạm Quang Hàm) và tôi (Cha Nguyễn Gia Đệ) đi đón tiếp cùng với ông chủ tịch Huyện Kim Sơn, tức là cụ Nguyễn Đức Hiệp và ông trưởng ty công an là Ông Châu, để chứng kiến và kiểm soát.
Cha có mang về nhiều sách vở, nhiều giấy tờ quan trọng của Toà Thánh và những bản chép phúc trình của Toà Giám Mục Phát Diệm gởi sang Toà Thánh Roma.
Trong khi lập biên bản, ông công an lấy ra từng gói đồ, các giấy tờ Toà Thánh, các phúc trình của giáo phận và đọc đến đâu ông chủ tịch ghi chép đến đó vào một cuốn sổ, dưới sự chứng kiến của mọi người.
Trong mấy đồ thiên hạ nhờ linh mục Thụ mang về cho bà con, cùng những phúc trình của Toà Giám Mục có liên quan đến tình hình chính trị, có thể không vừa mắt của chế độ Cộng sản, nên linh mục bí thư và tôi có phần e ngại.
Phải đối xử ra sao đây? Làm việc từ 7 giờ sáng đến gần trưa, mọi người xem ra mỏi mệt và cũng đói bụng. Linh mục bí thư đề nghị tạm nghỉ công tác để giải lao và ăn uống. Trong khi nhà bếp sắp bàn, dọn đồ ăn gian giữa, Ông chủ tịch và trưởng ty công an đàm đạo gian cạnh phía tay phải (còn bàn giấy làm việc ở gian trái) linh mục bí thư và tôi thì đi ra sân thở không khí từ biển thổi vào và để cùng nhau lập kế hoạch đánh tháo những tờ biên bản đó, vì không thể để cho trưởng ty công an tịch thu và phúc trình lên cấp trên được.
Mưu mô thì do quân sư, còn thi hành là việc quân sự. Trong bữa ăn, mọi người đói nên ăn rất ngon, linh mục bí thư có tài kể chuyện rất khôi hài, làm mọi người cười ra nước mắt. Nhờ dịp đang vui, tôi liền xin lỗi đi nhà vệ sinh và đi qua bàn giấy trên đó có cuộn giấy đã ghi hết các món đồ. Rất kín đáo và nhanh nhẹn, tôi nhặt luôn tập hồ sơ biên chép, cuốn tròn, đi bên bức tường đất đã có một lỗ thủng nhỏ, đút cuốn hồ sơ đó ra ngoài. Cậu bé liên lạc nhanh như chớp, đã được chỉ thị cặn kẽ, chực sẵn bên ngoài, lôi cuốn hồ sơ và biến đi mất dạng.
Cơm nước xong, mọi người lại về chỗ cũ tiếp tục công tác. Ông công an nhìn qua nhìn lại, dở lên dở xuống, mà không thấy mấy tờ hồ sơ đâu. Ông kinh ngạc, đập bàn và quay hỏi ông chủ tịch: Ông có mang mấy hồ sơ đi đâu không? Ông công an lại đập bàn và nói to: Trong căn phòng này thì chỉ có ông chủ tịch, 3 linh mục và có tôi, thế thì ai lấy đi hồ sơ này? Quái lạ! Lạ vô cùng, lạ không thể hiểu được!
Mọi người im lặng không trả lời. Thấy bầu không khí đột ngột nặng nề, linh mục bí thư phát biểu ngay: Nếu ông trưởng ty tìm không ra, mà phải làm lại, một là bây giờ đã quá trễ, hai là nếu có làm thì sẽ không giống như cái trước, như vậy không đúng sự thực, vì chắc chắn cái cũ cái mới không giống nhau, chúng tôi cũng sẽ tố cáo ông làm việc bịa đặt và cẩu thả.
Ông Châu bực bội quá, nhưng không làm gì được, yêu cầu ông chủ tịch huyện phải đưa linh mục Trần Ngọc Thụ cùng hành lý về dồn công an Trì Chính. Đi theo có ông chủ tịch, linh mục Thụ, ông trưởng ty công an, và tôi.
Đồn công an nằm ngay bên cầu Trì Chính. Bên kia đuờng là khu chợ, có một cây đa cổ thụ mọc ngay bên đường cái. Cậu bé liên lạc đã núp sẵn đó để chờ mật hiệu. Mật hiệu đã được xếp đặt nhanh chóng rõ ràng. Trưởng ty công an muốn giải linh mục Thụ chiều hôm đó lên công an tỉnh tại Yên Mô, còn tôi thì làm hết cách để tháo gỡ, viện lẽ linh mục ở ngoại quốc mới về xin cho ngài được trình diện Đức Giám Mục trước đã. Hai bên trao đổi lập trường mà không bên nào chịu bên nào. Thấy tình hình căng thẳng, tôi ra bộ mệt mỏi, xin ra ngoài thở một chút nhưng cốt là để làm hiệu cho cậu bé liên lạc là công việc điều đình không xong, bằng một dấu hiệu dơ tay lên.
Cậu bé lập tức chạy về Toà Giám Mục báo cáo công việc điều đình không xong. Lập tức tiếng chuông nhà thờ lớn vang lên inh ỏi. Dân chúng bảo nhau lũ lượt kéo lên tận cầu Trì Chính. Đi đầu có bà Viết cầm cây giáo rất hùng dũng, theo sau một đại đội tự vệ, và đoàn lũ dân chúng đông như kiến cỏ.
Nghe tiếng hô đòi trả linh mục Thụ, công an biết mình thế yếu, một bên là một tiểu đội công an, một bên là một đại đội tự vệ với sự ủng hộ của toàn dân, Ông bèn hạ gịọng và nói: “Thôi, cha đưa linh mục Thụ tạm về trình diện Đức Giám Mục, ngày mai chúng tôi sẽ tới Toà Giám Mục để thăm hỏi sau.”
(Bài Đức Cha Lê Hữu Từ Trong Ký Ức Của Tôi của Cha Nguyễn Gia Đệ trong sách Giám Mục Lê Hữu Từ. Nhiều tác giả, NXB Hoa Lư, 2001. Trang 89 tới 93).
Ông Trần Ngọc Chất, em trai Cha Thụ kể lại
Sau đây là phần câu chuyện mà ông Trần Ngọc Chất đã kể lại cho chúng tôi, kết hợp với những gì chúng tôi đã tìm hiểu được.
Bởi vì chúng tôi đã đọc 3 tài liệu viết tay của Đức Cha Lê, của Cha Đệ và của GS Ánh trên đây, cho nên khi thấy chuyện kể của ông Chất có chi tiết nào khác biệt, chúng tôi đã gặng hỏi nhiều lần, nhưng ông Chất khẳng định là ông nhớ đúng như vậy.
Năm 1949, đang khi theo học ngành ngoại giao tại Đại Học Louvain, Bỉ, Cha Thụ được Đức Cha Lê Hữu Từ gọi về Phát Diệm để phục vụ giáo phận. Vâng lời Đức Cha Lê, Cha Thụ mau chóng thu xếp hành trang và sách vở rồi lấy tầu thuỷ về nước. Tầu cập bến Hải Phòng, nhưng Cha Thụ phải ở nán lại để tìm cách về Phát Diệm. Chúng ta biết vào thời gian ấy, tại Việt Nam, Việt Minh Cộng Sản đã phát động cuộc kháng chiến chống Pháp (từ 1946 tới 1954).
Năm 1949, chính quyền tỉnh Ninh Bình còn nằm trong tay Việt Minh Cộng Sản. Ông Nguyễn Phác, chủ tịch Ủy Ban Kháng Chiến tỉnh Ninh Bình, là Việt Minh Cộng Sản. Ông đặt trụ sở trên huyện Yên Mô. Công an trưởng huyện Kim Sơn là Nguyễn Văn Châu cũng là Việt Minh Cộng Sản, đặt trụ sở bên kia cầu Trì Chính với một tiểu đội lính. Nhưng chủ tịch Huyện Kim Sơn Nguyễn Đức Hiệp lại là một giáo dân thuộc xứ Phát Ngoại.
Trong giai đoạn Việt Minh kháng chiến chống thực dân Pháp, Khu An Toàn Phát Diệm được tất cả các bên lâm chiến coi là một khu tự trị và có quân tự vệ riêng. Khắp nơi đều nghe danh Khu An Toàn Phát Diệm, bởi vì Khu An Toàn Phát Diệm vừa chống thực dân vừa chống Cộng Sản. Đó là một biệt lệ thời bấy giờ. (7)
Để hiểu đúng tình hình chính trị của Phát Diệm vào thời điểm Cha Thụ đi du học hồi hương, không gì bằng nghe chính Đức Cha Lê Hữu Từ kể lại trong hồi kí của Ngài. Đức Cha viết:
“Từ năm 1945 khi Việt Minh nắm chính quyền thì Phát Diệm cũng thuộc quyền Việt Minh như các nơi khác; song Phát Diệm khác các nơi về một điểm đặc biệt là tuy Đức Giám Mục Phát Diệm làm cố vấn tối cao cho chính phủ Hồ Chí Minh, dân công giáo Phát Diệm cũng ở trong hàng ngũ cứu quốc của Việt Minh nhưng hết mọi việc đều làm cho công giáo, làm cho tổ quốc và công khai chống Cộng Sản vì đang khi họ hoan hô chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh họ vẫn thêm đả đảo Cộng Sản luôn…
Nhưng lập trường của Đức Cha và Phát Diệm rất rõ ràng là chống cả Cộng sản lẫn thực dân… “Tôi không theo Cộng sản mà cũng không theo Pháp. Người ta có thể giết tôi được, song không ai có thể bắt tôi bỏ Đạo cũng như không ai có thể bắt tôi bán nước chúng tôi được” (Đoàn Độc Thư và Xuân Huy. Sđd. Trang 224).
Vì là thời kháng chiến cho nên phương tiện giao thông đường bộ không an toàn, Cha Thụ phải tìm cách dùng đường biển để về Phát Diệm. Đường biển cũng không dễ dàng. Thuyền chở Cha Thụ đã 2 lần về tới vùng biển Tùng Thiện, Cồn Thoi, nhưng bị công an của Việt Minh phát giác, bắt buộc phải trở ra Hải Phòng. Cha Thụ không nản lòng, vẫn nhất quyết về Phát Diệm cho bằng được. (8)
Thuyền chở Cha Thụ từ Hải Phòng về lần thứ ba mới lén lút cập được bến Tùng Thiện, nhưng vừa lên bờ, cha bị công an Việt Minh bắt giữ. Trước khi lên bờ vào buổi sáng, Cha Thụ đã nhờ được người liên lạc báo tin cho Đức Cha Lê ngay trong đêm. Vì thế, sáng hôm sau, khi biết tin Cha Thụ bị bắt, Đức Cha Lê cấp tốc gửi Cha Phạm Quang Hàm và Cha Nguyễn Gia Đệ ra Tùng Thiện để cùng với Cha Nguyễn Ngọc Lan, chính xứ Tùng Thiện và Cha Trần Hữu Lý, quản lí Cồn Thoi, để thu xếp vụ việc. Hai cha xứ Tùng Thiện và Cồn Thoi cũng cho người báo hung tin cho thân phụ của Cha Thụ ở họ Đông Hải, xứ Văn Hải và cho ông bà cố Thơ là ông bà ngoại của Cha ở họ Đông Yên thuộc xứ Như Tân. Thân phụ Cha Thụ và 2 em trai của Cha là Chẩm và Chất cùng bà con ở Tân Khẩn, Như Tân vội vàng chèo thuyền ra Tùng Thiện.
Từ Toà Giám Mục Phát Diệm xuống tới Cồn Thoi dài khoảng 15 km là vùng Công Giáo toàn tòng. Tin Cha Thụ đi du học về và bị bắt, lập tức trở thành biến cố lớn, gây xôn xao khắp cả một vùng đồng quê xưa nay vốn êm ả.
Khi ông Chất cùng anh của ông là ông Chẩm và thân phụ ra tới Tùng Thiện thì thấy công an Việt Minh còn đang khám xét hành lí của Cha Thụ. Có lẽ một trong 2 tay công an biết chút ít tiếng Pháp cho nên khi hắn mở một phong thư lớn ra và lướt thấy đó là một bài Cha Thụ viết bằng tiếng Pháp cho báo Paris Match có nói tới tên ông Hồ Chí Minh thì anh ta đã cẩn thận để riêng phong thư ấy lên bàn. Chỉ riêng Cha Thụ biết nội dung bài viết ấy sẽ làm cho Cha gặp rắc rối, cho nên Cha đã cố tình tìm cơ hội đến gần, cầm cái phong thư ấy lên phe phảy như đang quạt cho mát. Rồi chớp thời cơ một vài giây 2 tay công an mất cảnh giác, Cha Thụ nháy em trai là Ông Chẩm lẹ tay tóm lấy phong thư đựng tài liệu và lập tức chuần ra phía sau nhà, trao cho bà dì là bà chánh Hợi. Bà chánh Hợi vội vàng dấu phong thư vào yếm của bà rồi rảo bước về Như Tân, trao phong bì ấy cho cha già Y là cha chính xứ Như Tân.
Khám xét tạm xong, công an yêu cầu Cha Thụ xuống thuyền đi về trụ sở công an huyện Kim Sơn. Nhưng vì trời đã tối và mọi người cảm thấy đói bụng, Cha Thụ đề nghị tất cả ghé vào nhà ông bà cố Thơ là ông bà ngoại của Cha ở họ Đông Yên, xứ Như Tân để ăn cơm tối và ngủ nhờ một đêm, cũng là để Cha Thụ chào kính ông bà ngoại sau bao năm du học xa nhà. Công an đồng ý.
Dùng bữa tối xong, mọi người chuẩn bị đi ngủ thì bà cố Thơ bảo: “Mấy ông mang súng ống vào nhà làm tôi sợ hãi quá.” Có lẽ mấy tay công an vì cả nể nên đã phạm sai lầm là giao 2 khẩu súng cho bà cố Thơ cất giùm. Bà cố Thơ đem dấu 2 khẩu súng vào cót thóc. Sáng hôm sau, bà cố trả súng lại cho công an. Nhận lại súng, mấy tay công an kêu Trời lên vì họ không ngờ bà cố Thơ đã dấu súng của họ vào cót thóc, khiến bụi lúa bám bẩn tất cả. Súng ống mà bị bám bụi bẩn thế này thì chắc chắn họ sẽ phải mất nhiều thời giờ lau chùi thì mới có thể xử dụng lại được.
Sau khi bà cố Thơ đãi tất cả một bữa ăn sáng, công an lại áp tải Cha Thụ bằng thuyền, trực chỉ Phát Diệm. Thuyền đi qua cống Sông Xẻ (trên đê Ông Bột), qua Nam Cường, qua Đông Hải (tức là đi qua nhà cha mẹ của Cha Thụ), qua Hoá Lộc, qua cầu Ông Quỳ, lên Tự Tân, rồi Lưu Phương. Từ Lưu Phương, thuyền công an áp tải Cha Thụ được lệnh đi theo con sông đào Ân Giang, dọc phố Phát Diệm, tiến về phía chợ Nam Dân, rồi lên bến. Họ đưa Cha Thụ vào giam giữ trong đồn công an huyện Kim Sơn, bên kia cầu Trì Chính.
Trưa hôm đó, thân phụ Cha Thụ mua bánh trái đưa vào đồn để Cha ăn bữa trưa. Khi thấy công an cắt nát bánh trái để khám xét, Cha Thụ đã phản đối, không chấp nhận ăn đồ bị khám xét một cách quá đáng.
Theo GS Vũ Ngọc Ánh
Sách của GS Vũ Ngọc Ánh cũng kể chuyện Cha Thụ bị bắt, nhưng vì ông không đích thân chứng kiến, chỉ ở nhà nghe tin tức, vả lại khi ông viết sách thì tuổi tác đã quá cao, cho nên ông không nắm vững chi tiết thời gian và nơi chốn. Chúng tôi ghi nhận có 2 chi tiết ông kể lại khác biệt với các vị khác: Một là mối liên hệ thân tình của ông với ông Nguyễn Phác, chủ tịch Uỷ Ban Hành Chánh Kháng Chiến tỉnh Ninh Bình. Hai là ông đã phân tích cho ông chủ tịch Phác về cái hại nếu giam giữ Cha Thụ và cái lợi nếu trao trả Cha Thụ về cho Toà Giám Mục Phát Diệm. GS Ánh thuật lại như sau:
“… Khi nghe tin dân chúng Phát Diệm biểu tình, tôi định sang nhà Ông Hội Ngọc xem tình hình ra sao, nhưng chưa kịp đi thì đã thấy chủ tịch Phác hấp tấp từ ngoài bước vào dáng điệu có vẻ như hớt hải. Sau khi trao đổi tin tức, Ông Phác hỏi tôi: nếu ở trong địa vị ông, tôi sẽ có thể có những hành xử như thế nào?
Tôi cười và nói ngay, nửa đùa nửa thật: Nếu tôi là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Ninh Bình thì sẽ chẳng bao giờ có những chuyện lôi thôi như ngày hôm nay. Nhưng rồi ngay sau đó, bằng một cách thật ôn tồn, tôi thẳng thắn bác bỏ luận điệu “bảo vệ luật pháp quốc gia” đối với vụ cha Thụ của Ông Phác.
Sau khi phân tích lợi hại của vấn đề, tôi kết luận: “Theo ý tôi, về tình(!) cũng như về lý, cụ không có lý do gì để giữ cha Thụ cả. Hơn nữa, từ đất địch về (tôi nhấn mạnh) thử hỏi linh mục Thụ còn có thể có phương thức hợp pháp nào khác để nhập cảnh?
Vả lại, chúng ta phải công nhận rằng linh mục Trần Ngọc Thụ là một con người rất có tinh thần quốc gia và trách nhiệm nên Ông đã không quản ngại vất vả nguy hiểm vượt biển từ Hải Phòng về Phát Diệm để phục vụ, sau khi từ bỏ đời sống văn minh đầy tiện nghi nơi xứ người. Thử hỏi giữ cha Thụ thì chính quyền sẽ có những lợi gì. Trái lại, về phương diện chính trị hại thì lại rất nhiều. Nếu là tôi, tôi sẽ thả cha Trần Ngọc Thụ gấp rồi trao trả lại cho Đức cha Lê một cách thật đẹp đẽ, êm thắm, sớm ngày nào hay ngày đó.
Ông Phác im lặng nghĩ ngợi một lúc, không nói gì, rồi cáo từ ra về.
Ngày hôm sau, khi tôi vừa nghe được tin cha Thụ đã được thả thì thấy chủ tịch Phác trong bộ đồ nâu kiểu dân quê cố hữu của Ông (bắt chước cụ Hồ?) lọc cọc lê đôi guốc mộc, tay cầm chiếc quạt phe phẩy, lững thững sang chơi. Lần này dáng điệu có vẻ đình huỳnh, thư thái, chứ không hớt hải, hấp tấp như ngày hôm qua.
Gặp tôi Ông hớn hở nói một hơi: “Xong rồi! Xong rồi! Xong hết mọi chuyện rồi anh Á…h ơi!”
Tôi hiểu ngay ý Ông muốn nói gì nên rất mừng cho Ông, cho cha Thụ, cho Phát Diệm của tôi.”
(GS Vũ Ngọc Ánh. Tuyển tập Tạp Bút Đường Xưa Lối Cũ. NXB Millennium, Los Angeles -- USA, 2009. Trang 158 -- 161).
Một số nhận xét
Chuyện Cha Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ du học về nước để phục vụ giáo phận Phát Diệm xẩy ra vào năm 1949, cách nay (2016) đã 67 năm. Những vị trực tiếp liên quan như Đức Cha Lê Hữu Từ, Đức Ông Trần Ngọc Thụ, Cha Phạm Quang Hàm, Cha Nguyễn Gia Đệ và các bậc cha anh của chúng tôi đã về Nước Chúa hết cả; còn lại GS Vũ Ngọc Ánh hiện sống ở Nam California đã thượng thọ 91 và ông Trần Ngọc Chất tuổi hạc cũng 80. Đi tìm sự chính xác hoàn toàn cho một vụ việc xa xưa như thế là việc cần thận trọng, không thể chỉ nghe một nguồn tài liệu. Thời gian đằng đẵng chắc chắn có ảnh hưởng tới trí nhớ của các vị. Vì lẽ đó, nếu có một vài chi tiết sai sót, không trùng khớp cũng là điều dễ hiểu.
Về bài viết của Cha Nguyễn Gia Đệ: Bài viết của Cha Đệ có vài chỗ nhớ sai: 1/ Cha Thụ du học về nước năm 1949 chứ không phải 1947. 2/ Cha Thụ đậu Tiến Sĩ Triết Học và Tiến Sĩ Thần Học, chứ không đậu Tiến Sĩ Giáo Luật. 3/ Chắc là Cha Thụ mang nhiều sách vở, đã đi tầu biển từ Âu Châu về Hải Phòng và Cha ở lại tại Hải Phòng để tìm cơ hội về Phát Diệm, chứ không tạm trú ở “thủ đô Hà Nội.” Cha Thụ từ Hải Phòng tìm cách về Phát Diệm, chứ không về từ Trà Cổ như Cha Đệ đã viết. Trà Cổ ở phía Bắc giáp ranh biên giới nước Tầu, cách Hải Phòng tới 250km.
Về việc đánh tháo tài liệu: Chúng tôi hỏi đi hỏi lại, ông Chất vẫn cả quyết chính Cha Thụ đánh tháo một phong thư có bài viết bằng tiếng Pháp nói tới Hồ Chí Minh rồi trao cho em trai là ông Chẩm. Ông Chẩm thoát ra ngoài đưa cho bà dì là bà chánh Hợi. Đang khi đó, Cha Đệ lại viết Cha Hàm và Cha Đệ lập mưu đánh tháo tờ biên bản do công an ghi chép các hành lí và sách vở của Cha Thụ. Thiển nghĩ, cả hai đều nói đúng. Nghĩa là anh em Cha Thụ đánh tháo được phong thư đựng bài viết có vấn đề của Cha Thụ, còn Cha Hàm và Cha Đệ lại tẩu tán thành công biên bản ghi chép hành trang mà Cha Thụ mang về nước.
Vụ việc xẩy ra trong mấy ngày? Theo Ông Chất vụ việc xầy ra trong 2 ngày: Ngày thứ nhất, công an bắt giữ và khám xét hành lí của Cha Thụ tại Tùng Thiện (kế bên Cồn Thoi). Trên đường áp tải Cha Thụ về Phát Diệm, vì trời đã tối và mọi người đói bụng, nên Cha Thụ đề nghị công an ghé vào ăn tối và ngủ nhờ tại nhà ông bà ngoại của Cha Thụ là ông bà cố Thơ ở họ Đông Yên, xứ Như Tân chứ không giải giao về Phát Diệm ngay. Ngày thứ hai, công an áp tải Cha Thụ và hành lí về Phát Diệm, giam giữ ở đồn công an Trì Chính.
Sách của GS Vũ Ngọc Ánh nói Cha Thụ bị “giam tại nhà Ông Hội Ngọc ở Như Tân” là không đúng.
Theo Cha Đệ, vụ việc cũng xẩy ra trong 2 ngày: Thuyền áp tải Cha Thụ về tới Trì Chính, tức là sáng ngày thứ hai, công an muốn giải giao Cha Thụ lên Yên Mô là nơi đặt trụ sở công an tỉnh Ninh Bình. Cha Đệ phải đi thương thuyết đòi lại Cha Thụ cho Toà Giám Mục, nhưng thất bại. Cha Đệ liền làm hiệu báo tin thương thuyết thất bại về Toà Giám Mục. Sau đó có lệnh đổ chuông nhà thờ lớn, dân chúng hô hào kéo lên phố biểu tình, đi theo với dân là một đại đội quân tự vệ. Cuộc biểu tình đạt kết quả thắng lợi. Công an bằng lòng trao trả Cha Thụ về Toà Giám Mục.
Việc công an trao trả Cha Thụ về Toà Giám Mục là một thắng lợi của Khu An Toàn Phát Diệm. Thắng lợi đạt được chắc chắn là nhờ cấp lãnh đạo giáo phận có mưu trí và tổ chức giỏi, nhất là nhờ có tinh thần đoàn kết, cha con trên dưới một lòng.
Kết
Đức Cha Lê, các cha và giáo dân Phát Diệm đã yêu mến, bênh vực và dốc toàn lực để giải thoát Cha Thụ. Đáp lại công ơn to lớn ấy, Cha Thụ đã hiến dâng trọn cuộc đời để tận tuỵ phục vụ Giáo Phận Phát Diệm, Hội Thánh Việt Nam và Giáo Hội hoàn vũ.
Khi xẩy ra cuộc di cư vĩ đại của đồng bào Miền Bắc năm 1954, Cha Thụ đã sát cánh bên Đức Cha Lê Hữu Từ và Đức Cha Phạm Ngọc Chi để giúp đỡ đồng bào ngay từ lúc tất cả còn tạm trú ở Hà Nội. Khi đã vào được Miền Nam, Cha Thụ lại càng lo lắng cho đồng bào nhiều hơn nữa trong vị trí là bí thư Tổ Chức Viện Trợ Công Giáo Hoa Kì (Catholic Relief Services). Đồng thời, Đức Cha Nguyễn Văn Hiền, giám mục Sài Gòn, còn bổ nhiệm Cha Thụ phụ trách các giáo phận di cư Bắc Việt thuộc Giáo Phận Sài Gòn trong vòng 9 tháng (hồi đó Giáo Phận Sài Gòn bao gồm 11 tỉnh, từ Long Xuyên ra tới Phan Thiết).
Ngay từ bước đầu sứ vụ đời linh mục, Cha Thụ đã nếm gian khổ, bị truy nã và bị bắt bớ, cho nên Cha tôn kính cách đặc biệt đối với các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Cha đã ngày đêm lo toan việc làm cáo thỉnh viên phong thánh và đóng góp đáng kể trong việc tổ chức lễ phong thánh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 1988 đến thành công tốt đẹp. Trong 8 năm được làm bí thư của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Cha Thụ đã hết lòng phù giúp Giáo Hội Mẹ Việt Nam đang trong hoàn cảnh bị o ép ngặt nghèo dưới chế độ Cộng Sản. Có vị bí thư người Việt Nam kề cận, chắc chắn đã góp phần làm cho Đức Thánh Giáo Hoàng hiểu rõ tình cảnh Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hơn và yêu mến Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hơn, nếu không nói là Ngài đã yêu mến Giáo Hội Công Giáo Việt Nam một cách hết sức đặc biệt.
Trần Vinh