LM Gioan Trần Mạnh Duyệt, giám đốc Foyer Phát Diệm, Roma
Vài tháng trước khi Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ vào bệnh viện rồi qua đời, tôi và cha xứ cũ người Ý đang hưu cùng chỗ tới phòng thăm Đức Ông. Người cảm động bỏ ngang việc đánh máy bài đang viết, ân cần tiếp chuyện. Tới một khúc, ông cha già Ý thở dài phàn nàn: “Chúng ta cố gắng cả đời phục vụ với bao vất vả, nhọc nhằn, hy sinh, mà rồi cuối cùng bị bỏ rơi.” Đức Ông Vinh Sơn vội ngắt lời: “Chúng ta quả đã được hân hạnh làm việc cho Chúa cho Giáo Hội như vậy, còn việc thưởng công chính Chúa sẽ lo cho sau”; theo lời Chúa phán: “... sẽ được gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Mt 19, 29).
Trong bài ký ức này, tác giả, được phúc nhiều năm ở gần kề, muốn vắn tắt ghi lại ít sự kiện đã thấy, đã nghe Đức Ông kể nhiều lần từ 1957 khi là tiểu chủng sinh ở Sài Gòn tới lúc Đức Ông lìa thế tại Roma, chứng thực lời Chúa nói trên đã được thể hiện rõ ràng. Làm thế, cũng là một mặt tỏ lòng kính mến Đức Ông, một vĩ nhân với thân hình nhỏ nhắn, đức độ, điềm đạm, tươi tắn, lạc quan, có đôi mắt sắc sảo, dáng điệu cùng cách nói năng hấp dẫn, lịch thiệp, thích tiếp xúc giúp đỡ, một con người mạnh chí, mang đầy nhiệt huyết nghị lực và chăm chỉ hoạt động không biết mỏi mệt; mặt khác, để mong kho tàng nhân chứng sống lời Chúa được thêm phong phú.
1. Giai đoạn chuẩn bị
Xuất thân từ một gia đình nông dân Làng Văn Hải, Huyện Kim Sơn, Tỉnh Ninh Bình, gần Cửa Sông Đáy, Giáo Phận Phát Diệm ngày 12/5/1918, Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, từ thiếu thời, đã tỏ ra con người đặc biệt: chú bé giúp lễ đạo đức lanh lợi, tiểu chủng sinh thông minh xuất sắc, sinh viên du học ưu tú.
Chỉ xin tóm tắt mấy điểm chính yếu của giai đoạn này. Sau khi mãn Tiểu Chủng Viện Thánh Phaolô Phát Diệm, từ 1937 đến 1946 du học Roma tại Giáo Hoàng Học Viện Truyền Giáo Urbano; trong thời gian này, ngày 20/12/1942 thụ phong linh mục. Năm 1945, Cha đậu tiến sĩ triết học và năm sau, tiến sĩ thần học. Tiếp tới, ngài sang Louvain, Nước Bỉ từ 1946 đến 1949 nghiên cứu sâu rộng về dân luật đặc biệt quốc tế công pháp. Thời gian 12 năm ở Âu Châu như vậy cũng đủ cho Cha Vinh Sơn quan sát và học hỏi được những điều hay đẹp và bổ ích.
2. Thời kỳ phục vụ đầu tiên (1949-1954)
Dự bị kỹ càng xong, Cha Thụ được bề trên giáo phận gọi về. Từ 1949 đến 1954 làm Bí Thư Tòa Giám Mục Phát Diệm do Đức Cha Lê Hữu Từ lãnh đạo.
Vụ hồi hương 1949 với những khó khăn đủ loại tưởng không vượt thắng, ngài đã nhiều lần kể lại mà không biết chán. Hồi đó miền Kim Sơn bị cô lập do Việt Minh kháng chiến kiểm soát, nhưng nhờ mưu trí và lòng gan dạ của các hướng dẫn viên, thuyền chở ngài đã từ Hải Phòng lọt được giữa đêm khuya về tới quê nhà nhưng liền bị bắt; rồi sau nhiều giằng co kịch liệt với công an địa phương, với sự can thiệp mạnh mẽ đắc lực của đoàn người công giáo thuộc mọi cấp bậc, ngài được thả về Phát Diệm. Vị linh mục trẻ liền bắt tay vào việc trong vai trò trợ giúp sát cạnh Đức Cha và dậy thần học tại Đại Chủng Viện.
Ai thấu rõ hoàn cảnh, các nhân vật và những vấn đề sinh tử của Giáo Phận lúc đó, sẽ hiểu được sự khó khăn, tế nhị, cực nhọc, hiểm nguy của vị thư ký trẻ. Những dòng chữ chính tay ngài viết trong cuốn “Lịch Sử Giáo Phận Phát Diệm” (xuất bản 2001) của ngài, tường thuật trung thực, với giá trị nhân chứng, những điều ngài đã làm, đã tận mắt thấy cùng những nhận định chính xác hơn cả. Một chú thích tưởng nên ghi rõ, là ngài tỏ ra sung sướng và hãnh diện, vì nhờ tổ chức đặc thù của Phát Diệm khi đó, ngài được phúc góp công trong ít năm đầu đời hoạt động linh mục của mình. Ngài ghi lại như sau: “Đồng thời ngài (Đức Cha Lê Hữu Từ) bảo vệ cho khỏi nanh vuốt rùng rợn một số đông người đủ mọi giai cấp: ba gia đình người Pháp, hai linh mục Gia Nã Đại, ba linh mục Tây Ban Nha, 32 người Trung Hoa, 7 Ấn kiều và một số rất đông nhân vật chính khách, hoặc chiến sĩ quốc gia hồi ấy lánh nạn trong một địa điểm mà người ta gọi là Khu An Toàn.” (Sách nói trên, trang 239).
3. Giai đoạn Sài Gòn (1954-1976)
Tới thời điểm này quả thực linh mục Trần Ngọc Thụ đã đủ kinh nghiệm và khả năng cho công việc mới tại Thủ Đô Sài Gòn.
Năm 1954, Đức Cha Lê Hữu Từ di cư vào Nam cùng với phần lớn giáo sĩ, tu sĩ nam nữ, các đoàn lũ giáo dân Phát Diệm, đặc biệt là Đại và Tiểu Chủng Viện. Việc ưu tiên của Cha Thụ là lo cư ngụ và dậy thần học cho các thày Đại Chủng Viện Phát Diệm di cư tại đường Chi Lăng, Gia Định; đồng thời làm thư ký cho Văn Phòng Viện Trợ Công Giáo Hoa Kỳ, kiêm thêm việc phụ trách làm cha chính cho 10 địa phận di cư tại giáo phận Sài Gòn. Rồi chẳng bao lâu sau, năm 1957, ngài được mời làm Bí Thư Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh tại đường Hai Bà Trưng. Thế là hằng ngày, sáng đi tối về, với chiếc xe hơi giản dị, ngài giúp Đức Khâm Sứ đặc biệt với những vụ việc liên quan tới chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, với các Đức Giám Mục Việt Nam, các cơ quan công giáo và các tôn giáo khác, với những vấn đề xã hội thời chiến tranh và nhất là với việc tiếp xúc trực tiếp với dân công giáo vẫn coi Đức Khâm Sứ là Đại Diện Đức Giáo Hoàng. Vì là người bản xứ, thông thạo mọi chuyện địa phương, nên các vị ngoại giao người ngoại quốc tha hồ chất đầy công việc cho ngài, sau khi hỏi ngài những khúc mắc liên quan tới hoàn cảnh và tục lệ người Việt. Rất may là với lòng nhiệt thành, tính nết vui tươi điềm đạm, tinh thần chăm chỉ hoạt động, ngài đã làm hài lòng mọi người lớn nhỏ. Vài chi tiết độc đáo: Cha Thụ thích lái xe và lái khá nhanh, nên các đức khâm sứ người Ý thường xuyên nhờ ngài lái đi xa, như Đà Lạt, Nha Trang, Vĩnh Long, v.v... Cha Thụ cũng rất vui tính, cho nên những lúc rảnh rỗi như sau cơm trưa Chúa nhật, ngài thích đánh cờ domino với các thày, các chú chủng viện và tưng bừng cười nói như pháo nổ. Đặc biệt là Cha hay thức khuya để viết lách hoặc dịch ra tiếng Việt các thông điệp mới của Đức Giáo Hoàng để dân ta được mau chóng hấp thụ lời dạy của Vị Cha Chung.
Với các đặc tính ấy, Cha Thụ đã phục vụ đắc lực tại Toà Khâm Sứ suốt 19 năm cuộc đời và ta dễ tưởng tượng được sự đau đớn tột độ của ngài khi Tòa Khâm Sứ bị đóng cửa, tiếp theo biến cố 30/4/1975. Đức Khâm Sứ và các cộng tác viên người ngoại quốc phải ra đi ngay. Còn lại trơ trọi một mình, với mấy nữ tu nấu bếp và coi nhà, ngài lo giải quyết sớm hết sức mọi việc, trước khi phải bó buộc dùng hộ chiếu ngoại giao Vatican rời bỏ Quê Hương, ngày 26/7/1976. Hoàn cảnh này mới tỏ rõ sự điềm tĩnh, nhanh nhẹn, tháo vát, khôn ngoan, tài khéo của Cha Thư Ký người Việt. Ngài đã làm giỏi tới nỗi không những không ai chê trách được điều gì, mà Vatican đã đánh giá cao và thưởng công cho ngài như ta sẽ đề cập sau đây.
4. Thời kỳ vinh thăng (1976-2002)
Đây là thời gian chính yếu, dài nhất và quan trọng nhất: 26 năm cuối đời tại Roma.
Những ngày tháng đầu nơi đây, Cha Thụ sống thật là nghèo nàn cơ cực. Tuy ở tại Foyer Phat Diem, nơi mà bạn cũ của ngài là Cha Vũ Kim Điện làm giám đốc và sống giữa những người thân quen từ lâu như Đức Ông Vũ Văn Thiện, Đức Ông Trần Văn Khả, Cha Trần Mạnh Duyệt, các nữ tu Mến Thánh Giá Phát Diệm Gò Vấp, nhưng đi vào làm tại Vatican, cách 4 cây số, hai lần mỗi ngày, đi lại bằng xe công cộng thật là thánh giá không nhẹ. Ta hãy tưởng tượng những ngày lạnh và mưa, khi mon men lề đường và đứng lâu đợi xe, bị ô tô chạy gắt sát cạnh tát nước bẩn ướt đẫm cả áo mặc, thì khó mà phát lời chúc phúc... Dầu sao, sự khốn khó loại ấy cũng qua đi. Sau vài năm dành dụm, ngài có đủ món tiền để tậu chiếc Talbot cũ và ung dung lái đi làm hàng ngày giống như hồi trước tại Sài Thành.
Thấy dáng điệu đạo mạo của ngài, tôi đánh bạo hỏi, sao không được thăng tước "Đức Ông" như các đồng nghiệp đều đã được, sau ít năm làm việc tại đó. Ngài giản dị trả lời rằng họ thì có ngạch ngoại giao, xuất thân từ trường đào tạo chuyên nghiệp, còn mình thì cấp địa phương, được vào đây theo đường tắt, nên hệ lụy dĩ nhiên là khác. Dẫu vậy, chẳng bao lâu sau, ngày 29/6/1978, ngài cũng được ban tước "Đức Ông" (Monsignor Capellano di Sua Santità) và trước lời chúc mừng của anh em linh mục tu sĩ Việt Nam tại Roma, ngài dõng dạc tuyên bố: "Tôi hân hạnh lãnh nhận tước này nhân danh các linh mục Việt Nam". Ý tưởng đó làm tôi nhớ lại lời ngài nói nhiều lần rằng, tuy chưa sống ngày nào tại giáo xứ, nhưng vẫn ước ao làm cha sở chăn giắt con chiên bổn đạo và coi đó là việc tốt nhất. Cũng nên lưu ý, tước "Đức Ông" (Monsignor) chỉ ban vinh dự, chứ không bổng lộc. Để giúp Đức Ông Thụ khó nghèo tăng thu nhập, hầu cung ứng đủ cho nhu cầu thiết yếu của đời sống đắt đỏ Roma, Bề Trên đã cho ngài một việc phụ nữa là làm "Kinh Sĩ Tiểu Vương Cung Thánh Đường Thánh Marco" (Canonico di S. Marco), đi hát kinh tại đó mỗi Chúa nhật và lễ trọng. Với công tác này, kinh tế tăng lên chút ít, nhưng bị bó chân, không dễ rời xa nơi cư trú, ngay cả ngày lễ nghỉ. Sau này, 1985, ngài còn được thăng lên "Giám Chức Danh Dự" (Prelato d' Onore di Sua Santità), rồi cuối cùng, 4/2/1996, ngài đạt tước cao hơn cả là "Chưởng Ấn Tòa Thánh" (Protonotario Apostolico). Ban đầu, công việc chính yếu của ngài tại Bộ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Vatican là xếp đặt và coi giữ hồ sơ các xứ đạo của toàn thế giới. Các chức sắc cấp bậc lớn, trước đây từng làm việc tại Sài Gòn, biết rõ về Cha Thụ và đã giới thiệu ngài vào chỗ này. Các ngài đã chọn đúng người, giao đúng việc.
Tưởng sẽ yên ổn tại thư khố đó tới cùng, nào ngờ năm 1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, người biết rõ và ngưỡng mộ Giáo Hội Việt Nam, giáo dân Việt ở quê nhà cũng như ở hải ngoại, cách riêng nơi con người Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Saviê Nguyễn Văn Thuận, bạn giám mục cũ với người, đã đặc tuyển Đức Ông Thụ làm thư ký riêng cùng với thư ký I là Đức Ông Stanislaw Dziwisz. Từ đây ngài chuyển vào Vatican, sống trong Tông Điện, bên cạnh Đức Giáo Hoàng. Công việc đặc thù của Đức Ông Thụ là chuyển giao qua lại giấy tờ từ Bộ Quốc Vụ Khanh tới Đức Giáo Hoàng và luân phiên với đệ nhất bí thư tháp tùng Đức Thánh Cha ở trong cũng như ngoài Vatican. Vì thế người ta hay thấy ngài đứng ngồi bên cạnh Đức Giáo Hoàng, trao tay và giữ lấy các bài diễn văn cùng các đồ vật người giao phó, cũng như dẫn lối cho các quan khách vào gặp Đức Giáo Hoàng. Đây là việc rất tế nhị và đòi hỏi nhiều khả năng cao, nhất là sự đáng tin cậy. Một tỷ dụ cụ thể: hồi ngài bị trọng thương vì tai nạn xe hơi, tháng 7/1988, nằm bệnh viện bất tỉnh 2 ngày, lính Vatican túc trực ngày đêm canh gác, không để khách nào tiếp xúc và động đến đồ đạc cá nhân. Khi Đức Ông tỉnh lại, câu hỏi đầu tiên và duy nhất của lính canh là để lấy cái chìa khóa thang máy lên phòng Đức Ông (cũng là lên phòng Đức Giáo Hoàng). Nắm chắc nó trong tay là bảo đảm được sự an toàn cho Đức Thánh Cha, lính canh mới bỏ đi, khi ấy thân nhân mới được tự do vào thăm viếng. Khách viếng thăm đây, không phải chỉ là bà con và thành viên Liên Tu Sĩ Roma, mà còn là những chức sắc quan trọng của Vatican. Nhân dịp này, chúng tôi được chứng kiến một chuyện không hề ngờ trước: đó là có nhiều vị cấp bậc lớn, cũng lần lượt đến thăm Đức Ông Thụ, như Đức Ông Stanislaw Dziwisz đồng nghiệp nói trên, Đức Tổng Giám Mục Paul Marcinkus, Giám Đốc IOR, Nhà Băng Vatican, nhất là Đức Hồng Y Giuseppe Caprio đầy quyền lực của Vatican thời đó - Đức G. Caprio xưa là Khâm Sứ Tòa Thánh tại Sài Gòn, 1954-1959. Chính Đức G. Caprio đã tuyển Cha Thụ vào làm thư ký cho người tại Toà Khâm Sứ ở Sài Gòn và ngài hằng phù trợ Đức Ông Thụ ngay từ những ngày đầu tại Roma... Vị nào cũng biểu lộ lòng quý mến và cầu chúc Đức Ông mau bình phục.
Vì được phúc ở cạnh bên Đức Giáo Hoàng, Đức Ông Thụ, vốn là Cáo Thỉnh Viên do Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn cắt đặt, khẩn cầu cho được một đại phúc: xin phong thánh cho 117 Chân Phước Tử Đạo Việt Nam. Để được điều này, luật Giáo Hội đòi phải có ít là 1 phép lạ do các thánh ấy cầu bầu và được giáo quyền công nhận. Sự lạ có thể dễ có, nhưng được Giáo Hội công nhận theo luật lệ, thì rất lâu, rất tốn kém và phức tạp. Để giải quyết, ĐHY Căn, vị chủ xướng việc xin phong thánh, khẳng định rằng Giáo Hội Việt Nam được như ngày nay là nhờ các Thánh Tử Đạo Quê Nhà. Đó là phép lạ hiển nhiên lớn nhất rồi. Còn Đức Ông Thụ, hằng sùng mộ Các Chân Phước Tử Đạo VN từ xa xưa, đã cho rằng ngài được nhiều ơn phúc nhờ các vị Chân Phúc cầu bầu, nhất là khi gặp cảnh huống ngặt nghèo. Nay Đức Ông Thụ được giao đảm nhiệm vai trò then chốt trong vụ án Phong Thánh thì lại càng tha thiết và quyết tâm hơn. Theo thủ tục, với tư cách cáo thỉnh viên, Đức Ông Thụ thỉnh cầu Bộ Phong Thánh là cơ quan trách nhiệm có thẩm quyền. Nhưng Đức Ông Thụ nghĩ, nếu chỉ có một phía đứng tên xin thì chưa đủ mạnh; vì thế ngài vận động để có thêm các vĩ nhân khác nữa cùng đứng tên thỉnh cầu, như Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp, Cha Bề Trên Tổng Quyền Hội Thừa Sai Paris (MEP), Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha, Cha Bề Trên Tổng Quyền Dòng Đa Minh với 6 Tỉnh Dòng liên hệ và Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân. Làm thế vì trong số các Chân Phước nói trên gồm có 96 vị là người Việt, 10 vị thừa sai Pháp và 11 vị là Cha Dòng Đa Minh Tây Ban Nha, phát xuất từ Tỉnh Dòng Rất Thánh Mân Côi bên Phi Luật Tân.
Thật vậy, lời thỉnh cầu của tất cả ngần ấy các đấng các bậc vị vọng đã được Đức Gioan Phaolô II cùng Tòa Thánh siêu lòng chấp thuận và việc phong thánh đã long trong diễn ra ngày 19/6/1988 tại Quảng Trường Thánh Phêrô, Roma giữa một biển người thuộc đủ mọi quốc tịch tưng bừng tham dự.
Để tổ chức cuộc lễ này, Đức Ông Thụ và Ủy Ban đặc biệt đã nhận được sự cộng tác đắc lực của Đức Ông Trần Văn Hoài và các giáo đoàn Việt Nam di cư Âu Mỹ, cũng như các cơ quan hữu trách Vatican, Dòng Đa Minh và Hội Thừa Sai Paris nữa.
Đó là đỉnh điểm cuộc đời Đức Ông Thụ và có thể cũng là của toàn Giáo Hội Việt Nam.
Người xưa nói: "Một người làm quan cả họ được nhờ". Đức Gioan Phaolô II biết rõ điều đó. Đức Ông Thụ cũng ý thức và đã “tận dụng” câu nói đó trong suốt thời gian được ở cạnh Đức Thánh Cha, chẳng phải cho họ hàng hạn hẹp của Đức Ông mà cho "Họ Hồng Bàng" của ngài, nghĩa là cho Giáo Hội Việt Nam và cho đất nước và dân tộc Việt Nam.
Xin đan cử vài thí dụ cụ thể.
Bất cứ ai muốn diện kiến Đức Giáo Hoàng mà nhờ đến Đức Ông Thụ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân muốn vào dự thánh lễ, lãnh phép lành, chụp hình, hoặc là các giám mục muốn đồng tế tại nhà nguyện riêng rồi được ăn sáng với Đức Giáo Hoàng, ĐÔ Thụ sẽ giúp cho được toại nguyện.
Nhà Foyer Phát Diệm, nơi đã được Đức Gioan Phaolô II đích thân đến thăm ngày 22/6/1980, dịp Hội Đồng Giám Mục VN tới làm “visita ad Limina”, nay qua ĐÔ Thụ nhiều lần được thêm quà của ĐứcThánh Cha, như rượu bàn, bánh ngọt, thực phẩm và có lần cả một con chiên sống mà người truyền bỏ vào xe đưa về.
Riêng Đức Ông Thụ thì được Đức Thánh Cha tặng cho chén lễ quý và văn bằng phép lành đặc biệt với lời ghi ơn dịp mừng kim khánh linh mục 20/12/1992.
Rõ ràng là Đức Gioan Paolô II tín cẩn ĐÔ Thụ và yêu thương nước ta một cách đặc biệt: người viết chữ "VIETNAM" vào một mảnh giấy đặt vào bàn quỳ trong nhà nguyện riêng và để một con dân Nước Việt ở bên cạnh cho hằng nhắc nhớ. Thật không có chứng cứ nào thuyết phục hơn.
Còn một đặc ân lớn khác nữa cần nhắc tới. Từ khi hồi hưu, cũng ngày 4/2/1996, ĐÔ Thụ được làm "Canonico di S. Pietro" (Kinh Sĩ Đền Thánh Phêrô), vai trò vẫn dành riêng cho các chức sắc từng có công trạng lớn với Giáo Hội. Nhà ở cho các kinh sĩ này nằm sát Đền Thánh Phêrô để thuận tiện cho các bô lão tới lui hợp nguyện theo lề luật. Nhưng đặc điểm khác là năng phải nghe chuông kềnh Đền Thánh đánh to như bom nổ ngoài cửa, nên chỉ các cụ già thượng thọ mới chịu nổi. Bù lại, phòng ốc rất rộng, đủ chỗ ở cho vài nữ tu hoặc thân nhân nấu bếp dọn nhà. ĐÔ Thụ không có ai để thường xuyên cậy nhờ việc này và vẫn sống giản dị như nhà khổ tu; mà cũng bởi thế, ngài dành được nhiều khoảng trống để chất chứa vô vàn sách vở, giấy tờ và các tài liệu văn kiện của ngài. Những tác phẩm ngài viết, những lô sách đã in mà chưa tiêu thụ xong đều được tồn kho kỹ lưỡng nơi đây. Khi ngài qua đời, phải nhiều chuyến xe mới chở hết các món sách đó. Hoá ra trọn món tiền dành dụm được trong đời, ngài đã dùng hết vào việc in sách, đặc biệt cuốn hình "Kỷ Yếu Phong Thánh Tử Đạo Việt Nam" rất đắt tiền, mà sách ngài làm ra là để biếu tặng và phát không cho nhiều người như việc giảng đạo truyền giáo. Thế nên không sai nếu ai sánh ví các tác phẩm đó như những đứa con tinh thần của ngài và ngài để lại làm gia sản vô giá cho mọi đọc giả gần xa. Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận từng biết rõ ngài, thường hay lấy ĐÔ Thụ làm tấm gương cho các tu sĩ Việt Nam ở Roma, Đức Hồng Y nói: "Đức Ông Thụ chăm chỉ làm việc cả ngày, tối đến lại ngồi trầm tư viết sách: thực là gương sáng cho chúng ta".
Tới đây, chúng tôi xin liệt kê các tác phẩm do Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ viết tại Roma từ 1986, hầu giúp quý độc muốn tìm kiếm các tác phẩm của ngài được dễ dàng và đỡ mất thì giờ hơn.
- Thánh Gioan Vianney và Giáo Hội Ngày Nay, Roma, 1986
- Giáo Hội Việt Nam: Vụ Án Phong Thánh, Roma, 1987
- Giáo Hội Việt Nam: 21 Thánh Tử Đạo Thừa Sai, Roma, 1991
- Giáo Hội Việt Nam: 97 Thánh Tử Đạo Việt Nam, Roma, 2003
- Đời sống Tu sĩ và Công đồng Vatican II, Roma, 1988
- Chân Dung Chị Elisabeth Chúa Ba Ngôi, Roma, 1989
- Đức Chúa Thánh Thần và Bảy Hồng Ân Của Ngài, Roma, 1989
- Compendium Vitae et Martyrii 117 Beatorum Martyrum Việt Nam, La ngữ và Ý ngữ, Roma, 1989
- Kỷ Yếu Phong Thánh Tử Đạo Việt Nam, Roma, 1989
- Lịch Sử Giáo Phận Phát Diệm (1901-2001), Roma-Paris-USA, 2001
- Les 21 Saints Martyrs Missionnaires au Vietnam, Pháp ngữ, Roma-Paris, 2001
- Bên cạnh Đức Gioan Phaolo II, Roma-Paris-USA, 2002
Kiệt lực với tuổi 84, ngày 15/7/2002, ĐÔ Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ qua đời tại Bệnh Viện Bách Khoa Gemelli. Lễ an táng được cử hành long trọng tại Đền Thánh Phêrô và nơi an nghỉ vĩnh viễn là nhà nguyện Kinh Sĩ Vatican trong Đất Thánh Verano Roma.
ĐÔ Thụ đã qua đời, nhưng “phần thưởng đời này” chưa hết. Cho tới nay, 2017, nghĩa là 15 năm sau khi lìa trần, Đức Ông Trần Ngọc Thụ đã được viết, được nói đến hoặc ghi nhớ nổi bật trong vô vàn sách, báo, hình ảnh và các cuộc nói chuyện, nhất là khi đề cập Chư Thánh Tử Đạo Việt Nam, như nêu gương sáng với sự cảm phục và vui mừng kính yêu.
Xem thế, chúng ta không khỏi ngạc nhiên hoan hỷ: ĐÔ Thụ vốn xuất thân từ một gia đình nông dân miền Bắc Việt Nam, thế mà đã tiến từng bước tới làm việc lớn tại trung tâm Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ. Lời Chúa đã ứng nghiệm, “... sẽ được gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Mt 19, 29) và cũng được khẳng định rõ ràng trong Gv 17,17: "Lời Cha là sự thật" vậy.
LM Gioan Trần Mạnh Duyệt, Roma, 5-3-2017