Đ.Ô. Hoàng Minh Thắng
Trời Roma mùa hè thật nóng. Chiều 15 tháng 7 tôi thu xếp xong việc sớm hơn ở Đài Vaticăng để đi thăm Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, đang được điều trị tại nhà thương bách khoa Gemelli. Trong hai năm cuối cùng sức khỏe của ngài suy giảm nhanh. Thật ra Đức Ông không bị bệnh gì nặng, ngoài lần bị bệnh Giời leo, tiếng Ý gọi là “Fuoco di San Antonio” lửa của thánh Antôn. Hồi ấy khi đến thăm Đức Ông trong nhà các Kinh Sĩ Đền thờ Thánh Phêrô, nghe Đức Ông kể mà thương. Trong ba tháng trời Đức Ông không thể ngủ nghỉ gì được vì các vết thương chung quanh người nhất là vùng lưng sưng to mọng lên và vỡ ra. Nằm ngồi gì cũng đau nhức. Hết trên giường trằn trọc không ngủ được, Đức Ông ra nhà khách, rồi vào nhà nguyện riêng than thở với Chúa. Đây là loại bệnh thường xuất hiện khi một người làm việc quá sức. Hồi đó Đức Ông mới viết xong cuốn sách cuối cùng về Cha Trần Lục, danh nhân Phát Diệm. Từ khi về hưu vì là Kinh Sĩ nên Đức Ông đuợc Toà Thánh cho một căn hộ trong Nhà của các Kinh Sĩ sát cạnh Đền Thờ Thánh Phêrô, có tới 5 phòng rất rộng rãi. Lâu lâu có các chị sinh viên Việt Nam tới thăm quét dọn giúp Đức Ông. Các chị của Foyer Phát Diệm cũng thỉnh thoảng tới thăm hay tiếp tế các món ăn có mùi vị Việt Nam cho Đức Ông. Nhưng thỉnh thoảng tôi cũng gặp Đức Ông đi chợ, tự mua thực phẩm và về nấu ăn lấy. Nghĩ cũng tội nghiệp. Giá Đức Ông mà ở Việt Nam thì làm gì có cảnh ấy! Nhưng ở Roma kể cả trong nhà các Kinh Sĩ, thì cứ lủi thủi một thân một mình thôi.
Tôi còn nhớ ngày Đức Ông bị nhà nước cộng sản Hà Nội trục xuất khỏi Việt Nam, vì là bí thư Toà Khâm Sứ, giúp việc cho Đức Cha Henri Lemaitre trong Toà Khâm Sứ Sài Gòn. Đức Ông qua ở nhà Quản Lý Phát Diệm trong một căn phòng nhỏ. Sau một thời gian chờ đợi Đức Ông được vào làm việc trong Văn Khố Toà Thánh.
Vì tuổi đã cao nên không được làm toàn thời, và cũng không có các bảo đảm như các nhân viên thường khác, nên hễ có thêm việc gì thì ngài đem về nhà làm ban đêm để có thêm lương. Mãi sau này Đức Gioan Phaolô II mới mời ngài làm thư ký riêng phụ tá ĐÔ Stanislaw Dziwisz, hiện là Hồng Y Tổng Giám Mục Cracovia.
Trong thời gian Đức Ông làm việc tại Văn Khố Vaticăng thỉnh thoảng được nói chuyện với ngài, Đức Ông kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện xưa thời ngài còn làm thư ký cho ĐC Lê Hữu Từ tháp tùng Đức Cha đi đây đó. Tôi nhớ mãi câu nguyện “Nó đếch lên cha ạ”. Hồi đó ở ngoài bắc còn dùng loại xe phải quay “manivel”, như quay máy điện máy mới nổ, chứ không có bộ đề máy văn minh như hiện nay, vặn chìa khóa một cái là máy nổ ngay. Hôm ấy trời lạnh lắm và bác tài xế của Đức Cha Từ chắc cũng không được to con tốt tướng, nên quay mãi mà máy không nổ. Ông mở cửa xe thưa với Đức Cha: “Nó đếch lên cha ạ!”.
Đức Ông Thụ có giọng cười giòn tươi trẻ không thể tưởng tượng được. Những lần kể chuyện vui hay nghe ai kể chuyện vui Đức Ông cuời khanh khách nổ giòn như pháo tết. Bên cạnh tính vui vẻ lạc quan yêu đời Đức Ông ăn nói rất khiêm tốn. Nói chuyện với chúng tôi là các linh mục trẻ hậu sinh kém ngài mấy chục tuổi, Đức Ông luôn luôn xưng con.
Vì là cựu sinh viên trường Truyền Giáo xưa kia hồi thập niên 1940 nên Đức Ông thuộc loại “lão làng Roma”. Mà ở Roma thì các đấng nhiều tuổi có thành lập một hội riêng có cái tên rất nghiêm trang gọi là “Hội văn hóa”. Lũ trẻ con như chúng tôi thì chưa tới tuổi và không đủ điều kiện để nhập hội. Trong số các hội viên Hội Văn Hoá có Đức Ông Hoài, Cha Cố Điện, Giám Đốc nhà Quản Lý Phát Diệm hay nhà Thánh Giuse, Cha Cố Kết, Thầy Cố Đạt dòng Đa Minh, thầy Phiên dòng Xitô. Cứ lâu lâu hội lại sinh hoạt một lần. Chương trình sinh hoạt bao giờ cũng có màn ăn bò nhúng giấm, ăn lẩu, nhậu dạ sách bò, gọi là “đắp chăn bông”, hay ăn tim và lòng heo luộc gọi là “kính lái tim”. Sau khi các thành viên “ngà ngà” rồi thì có màn đánh bài và kể chuyện ngày xưa, điểm báo tình hình Giáo Hội Việt Nam và tình hình thế giới. Hồi đó Đức Ông Hoài là Phó giám đốc trường truyền giáo, nên đôi khi chúng tôi thấy ngài vắng mặt trên bàn ăn, là biểt ngài đi sinh hoạt văn hoá. Còn Đức Ông Thụ kể từ khi trở thành bí thư của Đức Gioan Phaolô II thì ít khi có dịp sinh hoạt với hội.
Tôi nhớ mãi là chuyện “Hội văn hoá mất quần”. Có một lần nọ trong mùa hè các Đấng thành viên Hội văn hoá rủ nhau đi tắm biển Ostia. Cảnh đẹp trời thanh, nước mát các Evà trên bãi biển cũng nhiều, và các thành viên Hội văn hóa chắc cũng có màn ngủ trưa và đánh bài dưới dù. Ban chiều khi các đấng ra lấy xe về thì hỡi ôi, quần áo không cánh mà bay đâu hết. Chỉ còn lại có mỗi cái quần của Cố Kết, bé quá, mặc không vừa, nên quân ăn trộm tha cho không thèm lấy. Còn các đấng khác thỉ chỉ có quần đùi và áo da. May mà Cố Kết còn có quần, nên đại diện các thành viên trong Hội lái xe về lấy quần áo cho các đấng khác. Thật là hú hồn! Nhưng mà nói cho cùng vì các đấng “đạo đức nết na” vậy chứ phải như bọn nhãi chúng tôi thì mình cứ oanh liệt ở trần khoe mấy xương sườn và 4 que củi mà về thành phố, trông lại càng sexy chứ có làm sao, không khéo kiếm được mấy bà Venonica “trông thấy mà thương” lại cho tiền mua quần áo nữa là khác!
Nghe Đức Ông kể chuyện hồi còn làm ở Toà Khâm Sứ, mới cảm thấy số phận của người dân nước nhược tiểu. Mấy Đức Ông thư ký và tham tán ngoại quốc dù trẻ tuổi, non choẹt, mặt búng ra sữa, nhưng cũng có vị rất hách dịch, sai khiến và đôi khi la mắng nhân viên bản xứ như Đức Ông. Có một lần không biết đón tiếp Đức Khâm Sứ mà quên không trải thảm đỏ cho đúng phép, Đức Ông bị quát: “Đón Đức Khâm Sứ mà như thế này à?” Sau này khi về Roma và được Đức Gioan Phaolô II chỉ định làm bí thư riêng Đức Ông Thụ có gặp lại vị ấy và nhắc lại chuyện xưa khiến vị ấy xấu hổ bẽn lẽn. Khi kể lại cho chúng tôi nghe, Đức Ông chép miệng than: “Thật đúng mình là người nước nhược tiểu bị họ khinh rẻ, không coi ra gì, nghĩ cũng nhục nhã thật!”
Đức Ông Thụ người nhỏ con nhưng rất khoẻ, ít khi thấy Đức Ông đau yếu. Chúng tôi biết ngài là người ăn uống ngủ nghỉ rất điều độ. Chỉ trừ hồi chuẩn bị lễ Phong Thánh cho các vị Tử Đạo Việt Nam là ngài làm việc đêm ngày. Vì là Thỉnh nguyện viên nên Đức Ông phải sưu tầm tiểu sử của 117 vị tử đạo Việt Nam và thức khuya dậy sớm đánh máy các tài liệu lên tới hàng ngàn trang. Hồi thập niên 1970-1980 chưa có máy vi tính, Đức Ông cũng như nhiều linh mục sinh viên và các vị khác chỉ có máy đánh chữ Baby bé tí. Muốn đánh nhiều bản một lần thì phải dùng giấy carbon. Ban ngày đi làm, cứ đến chiều tối là Đức Ông lại lui cui một mình lọc cọc đánh máy các tài liệu. Thấy ngài làm việc liên tục không ngưng nghỉ và không đau yếu gì chúng tôi hỏi nhỏ mẹ Huy Bề trên các chị Mến Thánh Giá Nhà Quản Lý Phát Diệm, mẹ cho biết mẹ thường xuyên ngâm rượu sâm cho Đức Ông uống. Cứ mỗi tối đều đặn trước khi đi ngủ Đức Ông uống một ly rượu sâm nhỏ. Hèn gì chẳng thấy ngài đau yếu gì cả.
Đức Ông Thụ là người có công rất lớn trong vụ phong Thánh cho các vị tử đạo Việt Nam. Vì xa cách và vì hoàn cảnh chính trị xã hội tôn giáo khó khăn nên ĐHY Giuse Trịnh Văn Căn, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và các Giám Mục đã giao toàn quyền cho Đức Ông Thụ lo lắng. Vừa là thỉnh nguyện viên vừa là người đứng đầu lo tổ chức toàn bộ việc phong thánh Đức Ông rất bận rộn. Nhưng lúc nào Đức Ông cũng vui vẻ, nhỏ nhẹ và rất kiên nhẫn. Từ khi biết Đức Ông tôi chưa thấy ngài cáu kỉnh hay to tiếng với ai bao giờ. Với sự cộng tác của các Linh Mục chủ tịch các hội tu sĩ Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Úc, và nhiều nước khác Đức Ông đã thành lập các tiểu ban và chia công việc cho từng ban. Tuy nhỏ tuổi nhưng tôi cũng được Đức Ông chọn cộng tác trong các tiểu ban Văn nghệ và Phụng vụ cho việc Phong Thánh. Những tháng chuẩn bị ráo riết cũng qua mau và ngày trọng đại 19 tháng 6 năm 1988 cũng đã tới. Tôi nhớ mãi cảnh thủ đô Giáo Hội phất phới hàng ngàn tà áo dài Việt Nam đủ mầu của các cô các bà và các bộ quốc phục áo dài khăn đóng mầu đỏ và mầu xanh của các ông. Các phóng viên báo chí quốc tế đã thi nhau chụp hình để đăng báo. Thật khó mà diễn tả được hết các tâm tình trong mấy ngày lễ Phong Thánh. Vì là bí thư của Đức Gioan Phaolô II nên Đức Ông Thụ đã tập cho Đức Giáo Hoàng đọc các câu dài bằng tiếng Việt trong lời chào tín hữu và con dân đất nước Việt Nam.
Lễ tôn phong hiển Thánh cho các vị tử đạo Việt Nam đã diễn ra rất long trọng sốt sắng, và buổi văn nghệ kính mừng các Thánh trong Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vaticăng cũng như buổi tiếp kiến ĐTC dành cho 9000 tín hữu Việt Nam sau đó cũng đã mang nhiều kỷ niệm đẹp sâu đậm khiến cho mọi người đều hài lòng. Và dĩ nhiên là công của Đức Ông Thụ rất lớn.
Một tháng sau vụ Phong Thánh thì có ba người trong các uỷ ban bị tai nạn. ĐÔ Thụ bị tai nạn xe hơi gẫy chân phải “bị treo giò” trong nhà thương Chúa Thánh Thần gần Vaticăng một thời gian, chân bó bột. Cha Vũ Thành cũng bị tai nạn xe, còn tôi thì bị xe bus cán bàn chân trái sưng vù lên nhưng may không bị gẫy xương. Có người nói “Quỷ nó trả thù ba người vì vụ Phong Thánh đấy!”
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đến thăm Đức Ông Thụ trong nhà thương. Sau này khi lành chân rồi Đức Ông có kể cho chúng tôi biết là các bác sĩ cấm ngặt ngài không được cử động chân. Nhưng vì nằm nhà thương sốt ruột, nên cứ tối tối, Đức Ông chờ cho các bác sĩ về hết và không có bóng các y tá là ngài len lén cố lồm cồm bò dậy, tập đi lên đi xuống cầu thang rất cương quyết và kiên nhẫn. Và sau đó các bác sĩ rất ngạc nhiên thấy ngài mau bình phục như thế. Còn tôi tuy không bị gẫy xương bàn chân nhưng cũng phải băng bó và treo giò ba tuần!
Hồi thập niên 1970-1980 Liên Tu Sĩ Roma chỉ có khoảng 45 linh mục tu sĩ nam nữ, nên mỗi khi tổ chức văn nghệ thì phòng khách Nhà Quản Lý Phát Diệm cũng đủ chỗ. Còn mỗi khi đi du ngoạn hay tắm biển, thì huy động các vị có xe chở nhau đi là đủ, trong đó có xe của Đức Ông Thụ.
Từ khi Đức Ông vào làm thư ký cho Đức Gioan Phaolô II, “quân Việt Nam” lên hương. Mỗi lần có Đức Hồng Y hay các Giám Mục VN qua viếng mộ hai Thánh Phêrô, Phaolô và thăm Toà Thánh, là chúng tôi được vào đồng tế hay tham dự thánh lễ ĐTC dâng tại nhà nguyện của ngài trong Dinh Tông Toà. Đức Gioan Phaolô rất thương Việt Nam và rất thích nghe thánh ca tiếng Việt. Hồi đó tôi là ca trưởng Liên Tu Sĩ Roma nên lần nào vào dự lễ ĐTC, ĐÔ Thư Ký Stanislaw Dziwics cũng hỏi hôm nay hát mấy bài.
Kể từ khi làm thư ký của Đức Gioan Phaolô II Đức Ông cũng bận rộn nhiều hơn vì công việc của một bí thư. Thỉnh thoảng khi Đức Giáo Hoàng đi vắng, Đức Ông mới “nhảy dù” về Nhà Quản Lý Phát Diệm để dùng cơm Việt Nam với Đức Ông giám đốc và các chị Mến Thánh Giá cho bớt nhớ hương vị quê hương. Và khi kể chuyện cho mọi người nghe Đức Ông vẫn cuời khanh khách với giọng cười tươi trẻ muôn thuở.
Nét lạc quan yêu đời của Đức Ông được thể hiện trong ước mơ được tháp tùng Đức Gioan Phaolô II viếng thăm Việt Nam.
Thật ra Đức Gioan Phaolô II đã có chương trình viếng thăm mục vụ Việt Nam một cuối tuần thăm ba tổng giáo phận Hà Nội, Sài Gòn và Huế, vì Hội Đồng Giám Mục đã mời nhiều lần. Nhưng nhà nước thì tìm cách thoái thác bắn tiếng là nước Việt Nam nghèo nàn không có đủ phương tiện tiếp đón một vị thượng khách như thế. Thực ra họ sợ ảnh hưởng của Đức Gioan Phaolô II có thể tác động trên tình hình chính trị xã hội như đã xảy ra tại Ba Lan. Tuy nhiên ĐÔ Thụ vẫn lạc quan hy vọng. Hỏi ngài thì ngài cho biết đã chuẩn bị hành lý sẵn sàng, chỉ chờ sự đồng ý của nhà nước thôi!
Trong hai năm cuối đời sức khoẻ của Đức Ông suy yếu và ngài phải nhờ chị Yến là em họ từ Mỹ sang săn sóc. Nhà các Kinh sĩ ở sát đền thờ thánh Phêrô lại gần tháp chuông, nên chuông đồng hồ điểm mỗi 15 phút khiến chị không ngủ được. Sau này trong vài tháng Đức Ông đã phải đến ở trong một nhà dưỡng lão dành cho các Linh Mục Roma. Tôi có đến thăm ngài hai lần. Đức Ông yếu hẳn và bắt đầu ăn uống đi lại khó khăn. Tiếp đến tôi nghe ngài phải vào nhà thương Gemelli, vì nhà dưỡng lão không có các tiện nghi và nhất là không có các bác sĩ y tá săn sóc thuốc men cho ngài.
Tôi đến nhà thương Gemelli khi trời đã xế chiều. Tìm chỗ đậu xe xong tôi lên phòng Đức Ông. Trông thấy chị Yến mệt mỏi vì phải thức đêm liên tục canh Đức Ông nên tôi nói chị về nghỉ một chút cho khoẻ. Thấy tôi Đức Ông mừng rỡ nắm tay tôi và bảo chị Yến: “Thôi, em về nghỉ một chút đi, có cha Thắng ở đây với anh rồi”. Để không làm Đức Ông mệt tôi chỉ hỏi qua loa cho biết ngài có ngủ được không, ăn được không có mệt lắm không, rồi nắm tay và vuốt bàn tay gầy gò của ngài và im lặng cầu nguyện cho ngài. Tôi ngồi bên cạnh Đức Ông hơn một giờ đồng hồ rồi cáo từ ra về vì tôi còn phải thăm Đức Hông Y Thuận đang được điều trị tại nhà thương Piô XI. Khi nghe tôi từ biệt ngài Đức Ông cứ nắm chặt lấy tay tôi và nói: “Cha ở lại đây với con. Cha ở lại đây với con!”.
Tôi thưa ngài là tôi phải đi thăm Đức Hồng Y Thuận chiều mai tôi trở lại thăm ngài. Đức Ông cứ nài nỉ tôi ở lại. Tôi không nhớ lúc ấy mình có khóc không, nhưng tôi nghe cổ họng thắt lại.
Tôi rời nhà thương Gemelli và đến nhà thương Pio XI thăm Đức Hồng Y Thuận. ĐHY cũng đã yếu lắm, người gầy tọp hẳn đi, và phải chuyền nước biển, nhưng ngài vẫn tươi cười vui vẻ và còn nói tếu như khi khỏe mạnh vậy.
Sáng hôm sau 16 tháng 7 tôi nhận được tin nhà Quản Lý báo lúc 6 giờ sáng nhà thương điện gọi cho biết Đức Ông Thụ đã trút hơi thở cuối cùng. Thế là tôi là người cuối cùng gặp ngài khi ngài còn sống.
Đám táng Đức Ông đã diễn ra trong nhà nguyện Ngai Toà Thánh Phêrô. Nhìn quan tài Đức Ông đặt trên nền đền thờ tôi cảm nhận được thân phận làm người “sinh, lão, bệnh, tử”. Chúng tôi đã tiễn Đức Ông ra phần mộ của các Kinh Sĩ trong nghĩa trang Campo Verano, Roma. Chúng tôi ở lại cho tới khi các người thợ gắn tấm bia lấp hộc mộ có tên của Đức Ông ngày sinh và ngày qua đời.
Tôi cùng các anh chị em Liên Tu Sĩ Roma buồn bã ra về, vì mất đi một người anh cả vui tính dễ thương, nhưng trong óc tôi vẫn vang vọng giọng cười tươi trẻ muôn năm của Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ.
Roma 30-4-2017
LM Giuse Hoàng Minh Thắng