Trần Vinh
Cha Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ xuất thân từ thôn làng có luỹ tre xanh bao bọc, giữa miền sông nước phù sa và đất bồi huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Dù đi khắp bốn phương thiên hạ, Cha vẫn hướng về thôn làng xưa, vẫn nhớ thương cha mẹ, bà con cô bác và dân làng của Cha.
Đi du học về năm 1949, Cha Thụ được kề cận công tác với Đức Cha Tađêô Lê Hữu Từ, người đã dùng ảnh hưởng là cố vấn chính phủ thời đó, để tránh cho Phát Diệm và Bùi Chu thoát được lệnh tiêu thổ kháng chiến của chính phủ Việt Minh. Khu An Toàn Phát Diệm (1945-1949) trở thành nơi dung thân cho nhiều người từ khắp nơi chạy về, trong đó có một số là những danh nhân hoặc chính khách.
Nếu tạm gạt bỏ yếu tố tôn giáo và chính trị sang một bên, chỉ nhìn cuộc di cư của gần 1 triệu đồng bào Miền Bắc vào Nam năm 1954 trong khía cạnh kinh tế, thì đấy chính là một cuộc di dân, một cuộc phân bố lao động lịch sử trong công cuộc phát triển đất nước. Từ khởi đầu cho tới cuối cuộc di cư vĩ đại này, Cha Thụ đã góp phần rất lớn lao trong vị trí là bí thư Tổ Chức Viện Trợ Công Giáo Hoa Kì (Catholic Relief Services) và phụ trách 10 giáo phận di cư.
Từ 1956 là bí thư Toà Khâm Sứ, hằng tuần Cha Thụ phải thu thập tin tức đạo đời và giúp Đức Khâm Sứ viết báo cáo về Bộ Ngoại Giao Toà Thánh. Chắc chắn Cha đã biết rất rõ, rất đầy đủ về những tin tức từ khắp mọi miền lãnh thổ. Cuộc chiến 20 năm tàn phá khốc liệt, gieo bao nhiêu tang thương chết chóc. Biết bao hạnh phúc mất mát và thống khổ thì chồng chất. Ngồi trong văn phòng Toà Khâm Sứ, nhưng tâm trí Cha Thụ bao trùm khắp nơi. Cha vui với những tin vui vốn rất hiếm hoi, khóc với những tin tức dồn dập về những nỗi bất hạnh đau khổ tột cùng của đồng bào giữa khói lửa mịt mùng.
Cuối cùng, cuộc chiến tàn vào ngày 30-4-1975. Trời Miền Nam như sụp đổ!
Cha Thụ chứng kiến thảm cảnh một nhà nước tan rã mau chóng như thế nào. Mọi sự thay đổi 100% một cách nhãn tiền, ngay lập tức.
Rồi, Cha chứng kiến từ đầu vụ việc Đức Khâm Sứ trở thành mục tiêu lăng mạ, xua đuổi của nhóm “Công Giáo Tiến Bộ.” và Toà Khâm Sứ bị tấn công do chính những kẻ đồng đạo, thậm chí là những linh mục, tu sĩ. Có cảnh nào trái khoáy và đau đớn hơn cảnh con cái trong nhà cầm đầu tố khổ và hè nhau lôi cha mẹ ra ngoài đuờng?
Chuyện đau lòng kể hoài không hết. Dư vị đắng cay còn mãi trong lịch sử GHCGVN.
Người chủ Toà Khâm Sứ đã bị trục xuất. Toà Khâm Sứ chỉ còn là cái xác nhà. Vị linh mục phụ tá người Ba Lan cũng phải ra đi. Cha bí thư Trần Ngọc Thụ có thể trụ lại được không? Ra khỏi Toà Khâm Sứ, Cha Thụ có thể đi đâu? Dù ở đâu, Cha có được yên thân không để làm việc mục vụ?
Một sự thật sau này mới biết là Đức Khâm Sứ đã tiên liệu xin quốc tịch Vatican cho Cha Thụ từ trước để hòng khi hữu sự. Quả đúng như vậy. Cha Thụ có quốc tịch Vatican nhưng Cha giấu mọi người. Cha vốn nổi tiếng kín đáo, không bao giờ tiết lộ những chuyện không cần tiết lộ. Nhưng mà giờ đây, việc phải đến đã đến. Đã đến lúc Cha phải quyết định đi hay ở. Cha không giấu kín được nữa. Dù còn vấn vương, không muốn ra đi thoát thân một mình, nhưng Cha phải tìm ra đáp số hợp tình hợp lí nhất cho việc ở hay đi.
Các đấng các bậc thân quen nói Cha nên ra đi. Bà con và nhất là hai cháu Hiến và Duyên được Cha hỏi ý, tất cả mọi người thương Cha, muốn cho Cha được an toàn cho nên đã giục giã Cha nên đi.
Cuối cùng, Cha Thụ quyết định ra đi.
Ngày ra đi, Cha Thụ không bị bắt giam như ngày Cha về nước năm 1949, nhưng cũng không suôn sẻ.
Tiễn chân Cha Thụ có mẹ (là dì ruột của Cha) và bà xã của người viết (lúc đó người viết đã ở trong trại tù cải tạo), có anh Huyến là em rể của Cha và có Hiến, Duyên là 2 cháu thân cận nhất của Cha.
Tới hãng máy bay trên đường Nguyễn Huệ thì nhân viên bảo xe bus chở hành khách đã đi rồi. Hồi ấy, chỉ những xe bus có phép mới được chở khách ra vào phi trường. Cháu Hiến vội chở Cha Thụ bằng xe Honda hai bánh đuổi theo, nhưng tới khu vực cổng chính Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH ngày trước thì xe Honda bị chặn lại. Đang lo lắng sợ lỡ chuyến bay, chợt thấy một xe bus khác từ trung tâm thành phố tiến tới. Cha Thụ nhanh trí, vội làm hiệu xin quá giang. May mắn, tài xế đã ngừng xe và vì Cha có vé máy bay cho nên tài xế đã cho Cha lên xe vào phi trường.
Tại phi trường, trước khi lên máy bay, đột nhiên có một viên chức thuộc Bộ Ngoại Giao của chính quyền Cộng Sản tới nói: “Chúc linh mục thượng lộ bình an. Sau này, nếu khi nào linh mục muốn trở về thì cứ cho chúng tôi biết!”
Đâu ngờ, đây là lần ra đi không hẹn ngày về của Cha Thụ.
Mấy ngày sau, cháu Duyên nhận được điện tín Cha gửi, nói gia đình hãy yên tâm, Cha đi bằng an.
Đúng là “nói dối như Vẹm!”. Sau này, ở Roma, nhiều lần Cha Thụ xin visa tại Toà Đại Sứ CSVN để trở về thăm Việt Nam, thăm cố hương Phát Diệm, thăm mộ phần cha mẹ ở họ Đông Hoà, xứ Văn Hải, nhưng chưa bao giờ CSVN cấp giấy cho Cha.
Bù lại, vì can đảm ra đi nên Cha Thụ mới có cơ hội làm nhiều việc quan trọng hơn cho GHCG hoàn vũ và cho GHCGVN.
Trần Vinh
Trường hợp Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyển chọn Đức Ông Thụ làm bí thư riêng thứ hai của Ngài đã được tường thuật đầy đủ trong phần tiểu sử Đức Ông Thụ trên đây. Trong sách này cũng có bài Đức Ông Thụ trả lời các câu hỏi của kí giả Antonio Gaspari về những “bí mật” cuộc đời Đức Gioan Phaolô II. Những câu hỏi ấy chỉ có vị bí thư riêng mới có thể biết rõ được.
Ở đây, chúng tôi ghi lại thêm vài chuyện khác có liên quan thời Đức Ông Thụ làm bí thư cho Đức Thánh Cha.
Đức Ông Thụ cho biết, mỗi lần Đức Thánh Cha đi công du bằng máy bay thì Ngài và bí thư ngồi ở phía trên gần phi hành đoàn, kế đến là các hồng y, giám mục và các nhân viên tháp tùng, phần phía sau dành cho các phóng viên báo chí.
Thường ngày, hai vị bí thư được ngồi cùng bàn với Đức Thánh Cha, nhưng phải giữ ý, không được bắt chuyện trước nếu Đức Thánh Cha hay một vị thượng khách nào đó của Ngài không mở lời. (Đức Ông Thụ là bí thư thứ hai, bí thư thứ nhất là Đức Cha Stanislaw Dziwisz. Sau khi Đức Thánh Cha băng hà, ĐC Stanislaw Dziwisz trở về Ba Lan làm Tổng Giám Mục Kraków từ 2005 tới 2016. Ngài được thăng hồng y năm 2006).
Việc làm cho Đức Ông Thụ ân hận và nhớ suốt đời là có một lần Ngài sơ ý đóng cửa làm kẹp tay Đức Thánh Cha.
Hầu hết các vị hồng y, giám mục và các tu sĩ về Roma làm việc, khi mãn nhiệm, đều trở về nguyên quán. Riêng Đức Ông Thụ khi về hưu, vẫn được Đức Giáo Hoàng cho tiếp tục cư ngụ ngay tại thành Vatican cho đến khi qua đời. Đó là đặc ơn của Đức Thánh Cha dành cho vị cựu bí thư riêng người Việt Nam.
Đôi khi hồi tưởng lại chuyện Đức Ông Thụ được gọi làm bí thư Đức Giáo Hoàng, chúng tôi thấy hết sức đặc biệt. Một người xuất thân từ họ đạo Đông Hoà, xứ Văn Hải đồng quê thuộc Giáo Phận Phát Diệm, thế mà có ngày được chọn làm bí thư và hằng ngày kề cận Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại Giáo Đô La Mã.
Có lẽ sự kiện mà Đức Ông Thụ lấy làm cảm động và vinh dự nhất đã xẩy ra vào dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới kì VIII tổ chức ở thành phố Denver, tiểu bang Colorado, Hoa Kì từ ngày 13 tới 15 tháng 8 năm 1993. Ngày cuối cùng của đại hội tức ngày Chủ Nhật 15-8-1993 Lễ Đức mẹ Hồn Xác Lên Trời, Đức Thánh Cha dành cho giới trẻ và các tín hữu Việt Nam Công Giáo một cuộc gặp gỡ hết sức đặc biệt tại cung thể thao McNichols Sports Arena, trước sự hiện diện của một số giám mục Hoa Kì. Đặc biệt là vì có tới 70 phái đoàn về dự đại hội mà chỉ riêng phái đoàn Việt Nam được Đức Thánh Cha nhận lời mời tiếp kiến.
Đức Thánh Cha vừa xuất hiện, gần hai chục ngàn tín hữu hô vang “Viva Papa! Viva Papa!”, hoà cùng âm điệu hùng tráng của bài hát “Việt Nam! Việt Nam” của nhạc sĩ Phạm Duy. Khi Đức Thánh Cha và các giám mục an toạ, Đức Cha E. San Pedro, đại diện Hội Đồng Giám Mục Hoa Kì, đọc diễn văn chào mừng Đức Thánh Cha. Tiếp theo, nữ sinh viên Mai Đức Vũ, trong quốc phục áo dài màu xanh dương, lên đọc bài chào mừng. Bài chào mừng của em Mai Đức Vũ vừa chấm dứt, từ phía đối diện khán đài chính, các ngọn đèn pha chiếu hắt lên bức chân dung lớn mang tên “Đức Mẹ Việt Nam”, hoạ phẩm nổi tiếng của hoạ sĩ Nam Phong vẽ tại Phát Diệm hồi đầu những năm 1950 và hiện đang được trưng bày tại Nhà Khách Foyer Phát Diệm, Roma. Ngay lúc ấy, bài hát “Nữ Vương Hoà Bình” của nhạc sĩ Hải Linh trổi lên và 450 thanh niên nam nữ Việt Nam, trong y phục bình dân truyền thống, khởi động Vũ Điệu Tung Hô Mẹ Maria. Bài Thánh Ca chất điệu Việt Nam và vũ khúc hân hoan của giới trẻ Việt Nam đã lôi cuốn sự theo dõi chăm chú của Đức Thánh Cha và các giám mục Hoa Kì.
Phần quan trọng nhất của buổi tiếp kiến là huấn từ bằng tiếng Anh của Đức Thánh Cha. Xin lược thuật như sau.
Đức Thánh Cha mở đầu chào hỏi bằng tiếng Việt Nam và Ngài khoe ngay bí thư của Ngài là Đức Ông Vincent Thụ đã dạy cho Ngài đọc tiếng Việt (My dear secretary, Monsignor Vincent Thu, tried to teach me how to pronounce Vietnamese). Cử toạ Việt Nam thích thú hoan hô nhiệt liệt để cổ vũ và tỏ lòng biết ơn Đức Thánh Cha vì đã “chiều” con cái bằng cách cố gắng đọc những câu chào thăm bằng tiếng Việt.
Đức Thánh Cha thăm hỏi từng người trong cộng đồng Việt Nam lưu vong. Ngài không quên bà con cô bác của chúng ta còn ở bên quê nhà. Đức Thánh Cha cam kết vẫn hằng cầu nguyện cho Giáo Hội là con cháu 117 vị thánh anh hùng tử đạo Việt Nam, cho những kẻ nghèo khó, bệnh tật và những người đang ở các trại tị nạn ở Hong Kong, Thái Lan, Indonesia và Phi Luật Tân.
Do thấu hiểu những gian nan khốn khó của cộng đồng người Việt tị nạn đã phải trải qua và ngày nay đã được an cư lạc nghiệp, Đức Thánh Cha khuyên cộng đồng Việt Nam Công Giáo vững tin vào Chúa Giêsu, kiên định căn tính Kitô Giáo, bảo tồn phong tục tập quán và ngôn ngữ của mình. Làm thế là chứng tỏ lòng yêu quê cha đất tổ, đồng thời cũng là làm phong phú cho đất nước mà chúng ta đang cư ngụ.
Đức Thánh Cha biết người Việt Nam Công Giáo có nhiều tổ chức, nhiều hội đoàn và Ngài khuyên nên đoàn kết, cộng tác với nhau, vì hiệp nhất mới tạo nên sức mạnh, còn chia rẽ chỉ gây đau khổ và làm gương xấu.
Đối với các linh mục, Ngài gửi lời khuyến khích huynh đệ và nhắn nhủ các vị gìn giữ tinh thần trách vụ theo thiên chức. Ngài khuyên các vị hãy là những chủ chăn tốt lành, hãy cổ vũ ơn gọi, hãy phát huy nếp sống Công Giáo trong xứ đạo, trong các hội đoàn và đừng quên thực thi đức ái Chúa Kitô đối với những ai thiếu thốn về vật chất cũng như tinh thần. Đức Thánh Cha cũng gửi đến các tu sĩ lời cảm ơn vì đời sống thánh hiến và những việc lành của các vị.
Đức Thánh Cha kêu gọi cộng đồng đừng quên Giáo Hội bên quê nhà đang là mẫu mực của lòng trung thành với Chúa Kitô vì phải sống Tin Mừng trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước. Xin hãy trợ giúp Giáo Hội Việt Nam tái lập các cơ sở cần thiết, không nhằm mục tiêu nào khác hơn là để đáp ứng các nhu cầu của chính người dân Việt Nam.
Chúng ta biết Đức Thánh Cha rất mong muốn đi thăm đất nước Việt Nam và thăm mục vụ tín hữu Công Giáo tại Việt Nam, nhưng chưa bao giờ được nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam chấp thuận, mặc dù họ đã tới Vatican nhiều lần. Vì thế, nhân cơ hội gặp gỡ này, Ngài gửi đi thông điệp tái khẳng định sự ân cần mục vụ và lòng ưu ái đối với dân tộc Việt Nam. “Tái khẳng định” có nghĩa là Ngài vẫn hằng ưu ái dân tộc Việt Nam.
Đức Thánh Cha thán phục người Việt Nam đã can đảm và kiên gan vượt thắng những trở ngại to lớn do quá khứ để lại. Những thách đố lớn nhất là hàn gắn sự thù hận và sự phân liệt. Quá nhiều thương đau đã hằn sâu những vết thương. Thế nhưng sự tái xây dựng chỉ có thể thực hiện được với sự cộng tác của mọi người, cho nên cần có sự tương kính, tha thứ và đoàn kết. Mọi người có thể chung xây một xã hội mới, tốt đẹp hơn nếu cấu trúc dân sự và chính trị đáp ứng được hoài bão sâu xa của người dân khao khát hoà bình, công lí và tự do. Đức Thánh Cha ước mong người dân Việt, đã trải qua bao khốn khó, sẽ thành công trong công cuộc kiến tạo một quốc gia phát triển, tiến bộ và đoàn kết như họ mong ước và có quyền được như vậy. (Đức Thánh Cha không dùng từ communism một lần nào trong suốt bài huấn từ, nhưng Ngài có nói tới “aspirations to peace, justice and freedom”).
Trong phần cuối bài huấn từ, Đức Thánh Cha nói về Đức Mẹ La Vang: “Cha xin phó thác toàn thể cộng đồng Công Giáo Việt Nam dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ La Vang, Ngài là Mẹ yêu thương, năm 1798 hiện ra an ủi những người giáo dân hồi đó bị bách hại. Giáo Hội tại Việt Nam đã được dâng hiến cho Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ Maria. Giờ đây sắp sửa đến ngày kỷ niệm 200 năm biến cố nói trên. Ước gì thời gian chuẩn bị lễ đệ nhị bách chu niên này cũng là thời gian tăng cường Đức Tin sốt sắng và hăng say sống đời Công Giáo, là thời gian liên kết với Giáo Hội bên nhà, thời gian lưu niệm quá khứ, nhưng cũng là thời gian chuẩn bị một tương lai sáng sủa hơn cho các thế hệ mới của người Việt Nam. Cầu chúc cho họ lớn lên với niềm hiên ngang lành mạnh xứng với nguồn gốc Quốc Gia, với nền văn hóa sung mãn, với sự lớn mạnh của tổ tiên họ xưa kia, vẫn hùng tráng trước mọi thử thách gian truân”.
Sau cùng, Đức Thánh Cha nhắc nhớ cuộc gặp gỡ các phái đoàn hành hương nhân dịp Lễ Phong Thánh cho 117 Vị Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam vào tháng 6-1988 ở Roma và nhiều cuộc gặp gỡ khác nữa.
Nhân đó, Ngài khẳng định một lần nữa: “Cha vẫn giữ được mối giây liên hệ tinh thần với quốc gia của các con, với quê hương, với Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt là qua sự hiện diện của Đức Ông Vincent Trần Ngọc Thụ ở trong nhà của Cha với tư cách là bí thư riêng của Giáo Hoàng” (So I am still in spiritual contact with your nation, with your homeland, with your Church, especially through the presence of Monsignor Vincent Thu, in my house as private secretary of the Pope).
Nghe đến đây, hàng ngàn tiếng hoan hô và tiếng vỗ tay vang dội cả vận động trường. Riêng Đức Ông Thụ thì nghẹn ngào, xúc động và hết lòng biết ơn Đức Thánh Cha vì được Ngài tín cẩn và thương mến; nhưng nhất là vì, hơn ai hết, Đức Ông Thụ biết rất rõ Đức Thánh Cha luôn luôn dành sự quan tâm và lòng ưu ái đặc biệt của Ngài cho Giáo Hội Công Giáo và dân tộc Việt Nam.