Ngược dòng lịch sử đi lên thế kỷ 18, từ 15-4-1783, bên Nga đã có Tổng Giáo Phận Mohilev. Và theo cuốn Niên Lịch Công Giáo năm 1923 còn ghi rõ: Tổng Giáo Phận hồi đó gồm 22 giáo hạt, chia ra 173 xứ đạo, 500 linh mục và 350.000 giáo dân. Ngay tại Mạc Tư Khoa cũng có một giáo hạt, gồm 3 xứ đạo và 20.000 giáo dân.
Đầu thế kỷ 20 tại Siberia, ngày 02-02-1926, đã thành lập Giáo Phận Vladivostok. Và ngay giữa cuộc bách hại ghê gớm năm 1926 Đức Piô XI đã khai sinh 5 giám quản khác, trong đó có hạt giám quản Mạc Tư Khoa và Leningrad. (1)
Nhưng từ ngày hai nhà lãnh tụ khát máu Lénine (1870-1924) và Staline (1879-1953) cướp chánh quyền, tất cả Tổng Giáo Phận Mohilev và các hệ thống Công Giáo tại Ukraine, từ 1946, đã bị cưỡng bách sát nhập hoàn toàn vào Giáo Hội Chính Thống do nhà nước điều khiển, và từ đó bị chôn vùi dưới danh xưng: Giáo Hội thầm lặng: Thừa tự không những lý thuyết độc tài, mà lại mô phỏng cái tính gắt gao quyết liệt của Lenine, ông Staline -- con người hung bạo -- cũng đối xử tàn nhẫn với chính Đảng Cộng Sản và Bộ Đội Hồng Quân Nga Sô. Lịch sử còn kể lại: trên 1966 Đại Biểu giữa hai Quốc Hội của Đảng năm 1934 và 1939 thì 1108 Đại Biểu đã bị thanh trừng. Trong Quân Đội: con số 5 Nguyên Soái thì 3 ông đã bị sa thải. Trên 65 Đại Tướng Quân Đoàn thì 60 ông đã bị giáng chức hay thủ tiêu, trên 199 Tướng Lãnh cấp Sư Đoàn thì 136 ông bị rơi đầu, và trên 70.000 Sĩ Quan thì 35.000 ông đã bị thuyên chuyển hay bị hạ sát (2). Ngoài ra còn chừng 10.000.000 “tù nhân” bị xử bắn.
Trong một xã hội, nơi mà các nhà cách mạng vô thần vừa khởi nghĩa một cách triệt để như thế, người ta cho rằng: “Tôn giáo là kẻ thù không đội trời chung với Cộng Sản, và ai tuyên truyền tôn giáo, hay hoạt động cho Giáo Hội, người đó phạm tội phản cách mạng” (3). Nghĩa là nói: tôn giáo như cái gai trong con mắt, tôn giáo là một tiếng gầm thét bên ngoài, là tiếng kêu liên tục trong lương tâm con người để đòi quyền lợi cho con người, trong đó, có quyền tự do tín ngưỡng và tự do hành đạo. Tôn giáo không cho phép thủ tiêu ngấm ngầm, không cho tàn bạo, bất công trong xã hội. Do đó, nguyên sự hiện diện tôn giáo ở chỗ nào -- dù chưa hoạt động gì cả - tôn giáo đã là một chướng ngại vật, một chứng nhân bất tiện, là một máy thâu thanh thiên nhiên lúc nào cũng thâu lại cho lịch sử và tương lai tất cả những gì cách mạng vô thần đang thực hiện…!
Lẽ cố nhiên trong tình trạng như thế giữa Toà Thánh và Nga Sô Viết không có chuyện thành lập bang giao giữa hai quốc gia. Nếu có một vài cuộc gặp gỡ giữa một vài nhân vật cao cấp, thì đó chỉ là cuộc gặp gỡ bất thường do sự xếp đặt khẩn cấp tại chỗ, chứ không theo đường lối ngoại giao thông thường, như lần Ngoại Trưởng Andrei Gromyko của Nga Sô gặp Đức Phaolô VI tại Liên Hiệp Quốc ngày 04-10-1965.
Sau Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945) Đức Piô XII không triệu hồi những đại diện Toà Thánh trong mấy nước mới bị rơi vào chế độ Sô Viết, như Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Bảo Gia Lợi, Lỗ Mã Ni, Nam Tư, Albania… Tuy nhiên, với thời gian vị sứ thần Toà Thánh tại Budapest đã bị trục xuất, ngày 04-4-1945. Ngày 10-8-1946 Hồng Y Mindszenty Giáo Chủ Hung Gia Lợi đã lên tiếng than tiếc mối bang giao với Roma không được nối lại. Năm 1945 Đức Khâm Sứ tại Albania đã bị mời bỏ nhiệm sở về La Mã. Năm 1949 vị Xử Lý Thường Vụ Toà Khâm Sứ Toà Thánh tại Sofia bị chính phủ Bảo Gia Lợi không cho trở lại nhận chức. Còn chính phủ Lỗ Ma Ni, ngày 27-7-1948 đã lên tiếng đả phá Hiệp Ước đã ký với Toà Thánh năm 1929, rồi tháng 7 năm 1950 đã trục xuất vị Xử Lý Thường Vụ và buộc tội cho ngài là “gián điệp.” Cả Tiệp Khắc mới bang giao lại năm 1946 thì năm 1950 lại mời Xử Lý Thường Vụ Toà Thánh ra đi. Tại Belgrade, thủ đô Nam Tư, tháng 10 năm 1945, Toà Thánh mới lập toà Sứ Thần Đại Diện thì tháng 12 năm 1952 chính phủ Nam Tư ra lệnh đóng cửa Toà Đại Diện này. Trường hợp nước Ba lan lại rất khác biệt: vẫn có Sứ Thần Toà Thánh bên cạnh chính phủ Ba Lan lưu vong, trước ở Angers, rồi sau rời sang Luân Đôn, cho tới ngày chính phủ lưu vong này bị chính phủ tạm thời mới thành lập tại Lublin (Ba Lan) thay thế. (4)
Ngày 24-10-1973, trong khi đi dự “Council of Foreign Relations” tại Nữu Ước, Hồng Y Casaroli, Quốc Vụ Khanh Toà Thánh, đã cho biết ý kiến của Đức Gioan XXIII về lập trường của Giáo Hội đối với các nước Cộng Sản: là Giáo Hội không có vội vàng, cũng không ảo mộng, nhưng cứ phải tiếp tục cậy trông vào Chúa! Sở dĩ tiếp tục đối thoại với Cộng Sản là vì Giáo Hội chủ trương HOÀ BÌNH và THĂNG TIẾN các dân tộc. Giáo Hội không bao giờ quên mục tiêu Hoà Bình, và cũng không bao giờ từ chối sự đóng góp vào việc thăng tiến các quốc gia trên thế giới.
Lịch sử còn để lại câu chuyện hi hữu. Ngày 07-3-1963, Đức Gioan XXIII được trao tặng Giải Thưởng Hoà Bình Balzan. Nước Nga là thành phần trong Ban Giám Định giải thưởng, nên hôm đó có Đại Biểu đến dự: chính là Alexis Adjubei và phu nhân, con rể của lãnh tụ Khrouchtchev. Nhân dịp này ông Adjubei xin vào yết kiến Đức Giáo Hoàng và để cho cuộc yết kiến hôm đó mang tính cách lịch sử, ông chuyển tới Đức Thánh Cha lời hỏi thăm kính cẩn của nhạc phụ Nikita Khrouchtchev và so sánh: cũng như nhạc phụ của ông được coi là người cải tổ trong thế giới Cộng Sản, thì vị Giáo Hoàng cũng là vị canh tân trong thế giới Công Giáo. Rồi ông hỏi luôn: Ngài có nghĩ rằng đã tới thời gian thuận tiện để lập bang giao giữa Nga Sô và Toà Thánh Vatican? Đức Gioan XXIII đáp lại: “Thiên Chúa quyền phép vô song, nhưng đã mất 7 ngày để tạo dựng thế giới. Còn chúng tôi, quyền phép rất hạn định, không nên quá sớm xô đẩy thời gian, phải thong thả trong mọi việc và đi từng giai đoạn để chuẩn bị lòng người. Chúng ta phải lo hoà giải con người một cách thận trọng trước đã.”
Hiểu được tính cách quan trọng của sự việc, ông Adjubei nói đón ngay: “Ngoài nhạc phụ Kroutchtchev sẽ không tiết lộ nội dung câu chuyện hôm nay cho người nào khác.”
Sang đời Đức Phaolô VI vấn đề mở rộng bang giao với Đông Âu càng tiến hành rõ rệt hơn. Tuy một đàng vẫn phủ nhận khía cạnh vô thần của Cộng Sản, như giáo điều của các vị Giáo Hoàng tiên nhiệm, đàng khác Đức Phaolô VI cương quyết minh định rằng: giáo luật thương yêu nhân loại và thương yêu các linh hồn là mối suy tư quan trọng nhất trong đời Giáo Hoàng của mình. “Đời chúng tôi” Đức Phaolô VI đã viết, “không mang đặc điểm nào rõ rệt cho bằng quý chuộng thời giờ, yêu thương trần gian trong tất cả những liên hệ đã có và sẽ có với các tâm hồn một cách chân thành, nhưng với tất cả niềm xác tín rằng Chúa Kitô là chân lý.” (5)
Do đó nhân cơ hội khoá IV Công Đồng Vatican II (1964-1965), trong đó 90 Giám Mục thuộc các quốc gia Đông Âu tham dự, và cùng với các ngài còn 90 triệu người Công Giáo sống đàng sau bức màn sắt, đồng thời ý chí phục vụ HOÀ BÌNH với bất cứ giá nào: ba sự kiện đó càng thúc đầy Giáo Hội mở rộng phạm vi giao tiếp với Đông Âu. Đức Phaolô VI đã cho lệnh ký bản Thoả Hiệp, ngày 15-9-1964, với chính phủ Hung Gia Lợi, để bổ nhiệm 5 Giám Mục mới và một số chủng sinh Hung đã được thông hành sang du học tại Roma. Tại Nam Tư, sau khi Hồng Y Stepinac tạ thế (1960), Thống Chế Tito cũng thoát khỏi sự phong toả Nga Sô nên đã có thái độ thông cảm với Toà Thánh. Ngày 17-9-1966 ông chấp nhận Tổng Giám Mục Cagna mới được bổ nhiệm Khâm Sứ và Sứ Giả bên cạnh Chính Phủ, và 2 tháng sau, ngày 24-11-1966, ông Curlje được đề cử Sứ Giả của Chính Phủ Nam Tư bên cạnh Vatican. Năm 1970 hai Toà Đại Diện được nâng lên hàng Sứ Thần Toà Thánh và Đại Sứ. Rồi để đánh dấu tình hữu nghị đó, chính Thống Chế Tito, ngày 29-3-1971, đã đích thân đến viếng thăm Vatican.
Bên Tiệp Khắc, Chính Phủ đã trả tự do cho Giáo Chủ Bohême, tức là Hồng Y Beran và Đức Tomasek được bổ nhiệm - trước là giám quản - rồi sau là Tổng Giám Mục thủ đô Prague.
Tại Bảo Gia Lợi, tình hình Công Giáo vẫn bình thuờng và tại đây đã có hai giáo phận trực thuộc La Mã.
Bên Đông Đức, có 6 giáo phận, kết thành Hội Đồng Giám Mục tại Bá Linh và Bản Nội Quy đã được Toà Thánh công nhận ngày 07-4-1984.
Từ Lỗ Ma Ni, Tổng Thống Ceausescu tới Roma đã được Đức Phaolô VI tiếp kiến ngày 26-5-1973. Toà Thánh đã bổ nhiệm Đức Cha Robu làm Giám Quản tại Bucarest, và hôm ngài được thụ phong tại Roma có cả ông Phó Giám Đốc Tôn Giáo Sự Vụ đến tham dự.
Chế độ Cộng Sản mắc một lỗi lầm rất lớn là họ đã táo bạo đem Cộng Sản vô thần và Xã Hội Chủ Nghĩa vào một quốc gia có đến 95% là người Công Giáo. Nơi đây cả ngàn năm về trước cho mãi đến thế kỷ 20, đạo Công Giáo có truyền thống kiên trì và phồn thịnh vào bậc nhất Âu Châu. Nền tảng đạo Công Giáo xây trên mồ bao nhiêu vị Thánh, cũng là nơi đại chúng có thành trì kiên cố trong tổ chức ĐOÀN KẾT (Solidarité).
Chính quyền Cộng Sản còn ra tay đụng tới và ngày 25-9-1953 đã bắt giam vị Hồng Y Giáo Chủ Wyszynski suốt ba năm liền, tới ngày 26-10-1956 mới trả tự do cho ngài. Chính sách này đã làm phật lòng quốc dân Ba Lan, khiến cho các vị lãnh đạo tinh thần -- trong đó có Giám Mục trẻ tuổi Karol Woytyla (đương kim Giáo Hoàng) - phải nghĩ ra kế hoạch khác, nghĩa là đến lúc phải đổi cách xử trí với chính quyền. Trước kia đường lối thương thuyết, ngoại giao Ostpolitik do Hồng Y Casaroli chủ trương không giải quyết ổn thoả và mau chóng các vấn đề, ngày nay phải đổi ra chiến thuật ĐÒI HỎI quyền lợi con người. Theo chính nghĩa Phúc Âm, con người do Thiên Chúa tạo dựng và cứu chuộc, có những quyền lợi tối cao, bất khả xâm phạm vì là con Thiên Chúa, trong đó có quyền lợi tự do tôn giáo, tự do hành đạo. Tất cả thế giới đã chứng kiến sự đòi hỏi cương quyết này, không những cho dân Ba Lan mà còn cho mọi quốc gia trên thế giới -- đã góp phần hữu hiệu vào việc phá đổ bức tường Bá Linh (09-11-1989) và mở cửa sâu rộng cho những biến chuyển kỳ diệu và mau chóng trong cả Đông Âu. (6)
Ngày 25-02-1971, nhân cơ hội tại Mạc Tư Khoa có lễ nghi ký kết Hiệp Định cấm dùng vũ khí hạch nhân, Đức Casaroli, ngoại trưởng Vatican, cùng với Đức Silvestrini, thứ trưởng, đi sang Mạc Tư Khoa để tham dự. Là lần đầu tiên một phái đoàn cao cấp và chính thức của Vatican đặt chân lên đất Nga và có cuộc gặp gỡ với chính quyền. Trong cuộc đối thoại với ông Kouroiedov, chủ tịch Uỷ Ban Tôn Giáo, Đức Casaroli có đề cập đến vấn đề muốn đặt một Giám Mục cho Biélorussie, nơi đây đã có hơn một triệu tín đồ Công Giáo. Nhưng ông chủ tịch Uỷ Ban Tôn Giáo trả lời luôn: “Đây là vấn đề thuộc nội bộ quốc gia ông.” Nhưng ông quên rằng một triệu người Công Giáo kia, ngoài tính cách quốc dân, còn có tính cách người tín hữu (Công Giáo đã chịu phép Thanh tẩy), và theo tư cách này, chiếu theo giáo luật và quốc tế công pháp, họ tuỳ thuộc Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên Đức Casaroli khéo léo: “Ở bên Ba Lan và Hung Gia Lợi, hai chính phủ Cộng Sản vẫn công nhận Giáo Hội có quyền can thiệp và giải quyết những vấn đề liên hệ các giáo phận. Từ Ba Lan còn có cả mấy Toà Giám Quản cho Minsk, Vina, Lvov là những địa hạt thuộc về lãnh thổ Nga Sô.” (7) Bấy giờ ông Kouroiedov mới hạ giọng.
Giao tiếp với Nga Sô còn có nghĩa là giao tiếp với cả Giáo Hội Chính Thống vì Giáo Hội này trực thuộc chính quyền. Và sau 1989, người ta đã khám phá ra các vị cao cấp trong Chính Thống Giáo đều có dính líu và làm tay sai cho tổ chức mật vụ KGB. Tuy thế giữa hai Giáo Hội, Công Giáo và Chính Thống, bắt đầu có những dịp gặp gỡ để thảo luận những vấn đề thần học tại Leningrad năm 1967, tại Zagorsk năm 1973, tại Odessa năm 1980, tại Trente năm 1973, tại Bari năm 1979 và Venise năm 1987.
Tình trạng chính trị này đã tiến triển cho tới cuối đời Brezhnev (1906-1982), sau đó đã bị đọng lại dưới thời hai Tổng Thơ Ký Andropov (1914-1984) và Tchernenko (1911-1985), nghĩa là cho tới 1985, tức là cho tới thời Gorbachev (tại chức 1985-1991), thời gian quyết liệt đã thay đổi hẳn ý thức hệ Cộng Sản chủ nghĩa.
Sự kiện Đức Tổng Giám Mục giáo phận Cracovie được chọn làm Giáo Hoàng đã đem lại cho khối Nga Sô một bất ngờ, nhất là một mối bận tâm nhức óc. Trong bài diễn văn đầu tiên ra mắt hoàn vũ, ngày 22-10-1978, trong quảng trường Thánh Phêrô -- hôm đó có cả phái đoàn Chính Thống Giáo từ Mạc Tư Khoa tới dự - Đức Gioan Phaolô II đã xin toàn thể nhân loại hãy: Mở toang cửa tâm hồn cho Chúa Kitô. Là một châm ngôn mở một con đường mới: Con đường nói thật, nói thẳng, chứ không còn úp mở, không chính trị dài dòng! Đảng Cộng Sản Nga Sô thấy cần phải đối phó. Vì thế hai lần đã cử Ngoại Trưởng Andrei Gromyko tới Vatican thăm dò tư tưởng của vị Giáo Chủ mới. Ngày 24-02-1979 nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh xin Toà Thánh lên tiếng về HOÀ BÌNH thế giới và TÀI GIẢM binh bị, nhưng Đức Gioan Phaolô II đã có ý định đã đến lúc phải làm sống lại vấn đề Giáo Hội thầm lặng. Ngoại Trưởng Nga đỡ lời: tình hình Công Giáo vẫn bình thường: bên Lituanie và Lettonie vẫn có Giám Mục, tại Riga có cả một chủng viện! Tức là nói: Có gì phải lo ngại đâu! Trên bản đồ thế giới, Đức Gioan Phaolô quay mũi tên vào địa điểm khác: “Làm sao Ngoại Trưởng lại cho là bình thường, khi hơn một triệu người Công Giáo tại Biélorussie không có Giám Mục, chỉ còn 20 Linh Mục, phần đông đã già nua yếu sức?” Đức Gioan Phaolô II đánh thẳng, đánh mạnh, vì biết Ngoại Trưởng Gromyko là dân biểu vùng Minsk. Bị đánh trúng đòn, Ngoại Trưởng Nga đã hứa: sẽ về báo cáo cho Uỷ Ban Tôn Giáo bên cạnh Hội Đồng Bộ Trưởng!
Theo ông Alexandre Sabov, chuyên môn viên về các vấn đề Vatican, có hai thái độ phải xử trí với Roma: Một là quay lưng lại, hai là nhìn thẳng vào mặt. (8) Nhưng làm sao mà dám quay lưng lại, từ khi Đức Gioan XXIII và Công Đồng Vatican II đã tỏ những cử chỉ hoà hoãn, đối thoại? Do đó ngày 27-02-1985, Ngoại Trưởng Gromyko lại tới Vatican yết kiến Đức Gioan Phaolô II lần thứ hai. Đức Thánh Cha cứ một mực đòi giải quyết vấn đề các người Công Giáo bên Nga: Thật sự đạo Công Giáo đã khai sinh ở đó từ năm 988, do sự nghiệp của vua Vladimir và vẫn trung thành với La Mã, mãi tới năm 1054 (gần một thế kỷ sau) mới có chuyện chia rẽ với Tây Âu. Do đó năm 1988, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm dân Nga theo đạo, Toà Thánh Roma đã gửi một phái đoàn hùng hậu nhất sang Mạc Tư Khoa dự lễ: dân Nga được đạo là nhờ hai anh em Thánh Nhân Cirillô và Metodiô nhiều công truyền giáo. Theo Đức Gioan Phaolô II, Đông Âu phải trở về nguồn gốc tôn giáo với Tây Âu, như thế mới tìm lại sức mạnh, sự hoà mình và sự phồn thịnh, vì bấy giờ xã hội Âu Châu sẽ được thở bằng hai màng phổi lành mạnh, điều hoà.
Lịch sử còn ghi: từ năm 1985, Tổng Thống Mikhail Gorbachev cùng với Thủ Tướng Nga Nikolai Ryzhikov đã sáng kiến và tuyên truyền chính sách ĐỔI MỚI (Perestroika) với hy vọng lấy lại trật tự trong nước và thực hiện một số canh tân xã hội, nhất là trên bình diện kinh tế. Cả thế giới hồi đó chấn động.
Không biết có phải nhằm mục đích “thả quả bóng thăm dò” ở Vatican hay không? Ngày 20-02-1988, một tin động trời là sẽ có Đoàn Quân Nhạc Nga Sô tới thăm nước Toà Thánh. Chừng 60 thành viên nam nữ trong bộ quân phục thẳng đét, mũ đỏ với đủ các thứ nhạc khí lóng lánh sẵn sàng chờ lệnh. Vị Trung Tá chỉ huy đứng bẩm: “Thưa Ngài, chúng tôi vô cùng xúc động và tri ân Ngài đã cho chúng tôi được đến thăm lãnh địa Vatican, hơn nữa còn đích thân xuống tới nơi, để chúng tôi kính chào và chiêm ngưỡng phúc tướng của Ngài…!” Họ thổi bài Quốc Ca Vatican, thổi luôn mấy bài quân nhạc và dân ca khác bằng tiếng Nga. Tiếng kèn kiêu hùng, đanh thép hôm đó làm rung chuyển cả Điện Vatican trong mấy chục phút đồng hồ! Sau cùng trước sự ngỡ ngàng của mọi người, một danh ca mặc thường phục tiến ra hát bài Ave Maria của Schubert! Tiếng của anh điêu luyện, hùng mạnh, thánh thót, lúc bổng lúc trầm, đã chinh phục tất cả cử toạ.
Đức Gioan Phaolô II, trước hiện tượng đó, cũng đã xúc động. Trước thì Ngài còn nhìn chung quanh, xem phản ứng của đoàn khách lạ, nhưng sau đó Ngài khoanh tay cúi đầu, trong tư thế yên lặng cầu nguyện. “Sự hiện diện của anh chị em tại Roma” - Đức Thánh Cha trả lời: “Minh chứng Đội Quân Nhạc của anh chị em đã có tên tuổi và được dân chúng ca ngợi. Ra đời, Đội Quân Nhạc được anh em thao luyện và đã có căn bản truyền thống nhạc vũ của quý quốc. Hoạt động của anh chị em, hiểu theo chiều kiến thức và trình độ biểu diễn nghệ thuật, nhằm mục đích làm phấn khởi tâm linh, vì những bài hát và nghệ thuật âm nhạc đụng chạm tới tâm hồn con người. Tôi đã chăm chú theo cuộc trình diễn các bản nhạc bằng tiếng Nga và tiếng Ý mà anh chị em đã chọn lựa để dành cho tôi hôm nay. Tôi rất cảm phục nghệ thuật trình diễn. Trước Thiên Chúa, tôi dành nhữnh lời cầu chúc chân thành gởi tới anh chị em, gia đình và những người thân yêu anh chị em, tới cả Tổ Quốc anh chị em mà tôi hân hạnh gởi lời kính chào và cầu chúc mọi ơn lành và thịnh đạt.” (9)
Đáp từ xong, Đức Thánh Cha đi một vòng bắt tay và hỏi thăm tất cả các thành viên Ban Quân Nhạc đã xếp thành hình chữ U và trao tặng mỗi người một cỗ tràng hạt nho nhỏ để trong bao nylon, ở trên có in nhãn hiệu triều đại Giáo Hoàng. Không biết vì lý do gì lúc đó 6 người vắng mặt. Khi họ trở lại hàng ngũ thì đã quá muộn, Đức Thánh Cha sắp sửa từ giã để trở về tư dinh. Tuy nhiên theo hầu cận, tôi nghe thấy mấy người ồn ào phía đàng sau. Thì ra chính là 6 quân nhân đã vắng mặt đang chạy theo tôi và đòi: “Chúng tôi chưa được quà kỷ niệm của Đức Giáo Hoàng!”
Chạy theo để đòi quà kỉ niệm của Đức Giáo Hoàng là một cử chỉ ngây thơ thật dễ thương, nhưng đẹp hơn nữa là sự kiện anh ca sĩ nọ hát bài Ave Maria của Schubert: Ngoài cách trình diễn hoàn bị, tinh tế theo nghệ thuật, hôm đó anh bộ đội Nga Sô đã “cầu nguyện.”
Cuộc viếng thăm này là biến cố độc đáo, duy nhất trong lịch sử thế giới cận đại: một lãnh tụ Cộng Sản vô thần chính thức đến thăm vị Giáo Chủ đạo Công Giáo, cũng là biến cố đầu tiên trong lịch sử Cách Mạng Nga Sô Viết từ 1917. Hơn một ngàn phóng viên báo chí có mặt tại Roma trong dịp này đã viết từng ngàn trang tường thuật chấn gây động thế giới. Người ta cho rằng Tổng Thống M. Gorbachev là một nhà lãnh đạo sáng suốt, đã sớm ý thức vòng thời gian đang xoay chiều một cách quyết liệt. Trong nước, nạn khủng hoảng kinh tế trầm trọng vì bao nhiêu tài nguyên quốc gia trong mấy chục năm về trước đều đổ vào võ khí, chiến tranh và thi đua chiến thuật không gian với Hoa Kỳ. Bên ngoài, phong trào dân chủ thổi mạnh như vũ bão, lý tưởng tự do con người đã gây một ảnh hưởng vô cùng sâu rộng và sắc bén, ăn ruồng cả vào chân tường kiên cố Bá Linh, báo trước một sụp đổ toàn diện về chính trị, xã hội. Nhận xét thảm trạng này, theo tin tức hồi đó, còn là công của chính tổ chức mật vụ KGB đã báo cáo về tình trạng trầm trọng lên Trung Ương Đảng Cộng Sản tại Mạc Tư Khoa, và đề nghị phải có một giải quyết cấp bách và hữu hiệu. Cứu vãn tình thế nguy ngập đó lại là lãnh tụ Gorbachev trẻ tuổi, xuất thân từ trong lòng Cộng Sản, hơn nữa là một cán bộ cao cấp, là Tổng Tống chỉ huy tối cao Liên Sô. Và Raisa phu nhân là con người trí thức, Tiến Sĩ Triết Học Xã Hội Chủ Nghĩa.
Con người khi nắm hết quyền bính trong tay, có thể làm bất cứ điều gì mình muốn, nhưng thay vì làm điều tội ác, tàn bạo, lại làm điều tốt lành lợi ích cho tha nhân và cho đại chúng. Theo Triết Học Á Đông, con người đó có khả năng hành thiện hay phục thiện. Thực tình mà nói, ông Gorbachev đã đi con đường này.
1. Nhận thấy đã đến thời phải đổi mới chính sách (perestroika) cai trị quốc gia để cứu vãn tình thế cơ cực của đất nước và của đại chúng, ngày 04-6-1988, nhân cơ hội tưng bừng Đại Lễ Kỷ Niệm 1000 Năm Rửa Tội Nước Nga, (10) Tổng Thống Gorbachev đã tới thăm Đại Hội Chính Thống Giáo tại mạc Tư Khoa, và ở đây ông đã can đảm xin lỗi quốc dân Nga vì tất cả những tai hoạ mà quốc dân trong quá khứ đã phải chịu đựng vì chế độ độc tài Cộng Sản.
2. Sở dĩ ông đi tới quyết định dứt khoát này không nguyên vì niềm xác tín cá nhân (do học hỏi, suy tư, nghiên cứu) mà còn nhờ đọc các Thông Điệp xã hội của các vị Giáo Hoàng, nhất là của Đức Gioan Phaolô II, nghĩa là đã dựa vào nguyên tắc và giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, như chính ông đã xác nhận trong buổi triều yết Đức Thánh Cha ngày 01-12-1989.
3. Dù muốn dù không chúng ta không thể chối cãi rằng: trong công cuộc đổi mới nơi những con người mang trọng trách trước lịch sử, sự kiện đổi hẳn lập trường, tư tưởng, chính sách từ chỗ chống đối, bách hại sang chỗ thông cảm nhìn nhận… là việc làm của thiên định. Không biến chuyển nào ở trần gian mà không do bàn tay thiên định của Chúa, do đó không thể giải thích nguyên bằng lý luận tự nhiên thông thường.
Đọc lại lịch sử Giáo Hội, người ta ý thức: sự kiện thay đổi lớn lao kỳ diệu này là một cách thực hiện lời Đức Mẹ đã hứa năm 1917 tại Fatima khi hiện ra cới 3 trẻ em Lucia, Giacinta và Phanxicô: “Mẹ sẽ tới xin dâng hiến nước Nga cho trái tim tinh tuyền của Mẹ. Và nếu mọi điều ước muốn của Mẹ được người ta tin theo thì nước Nga sẽ trở lại và sẽ có hoà bình.” (11)
Thực ra đêm ngày 12 sang đêm 13-6-1929, Đức mẹ hiện ra với chị Lucia, hồi đó đang ở Tu Viện Tuy và đã cho biết: “Đã đến lúc con xin Đức Thánh Cha -- cùng với các Giám Mục thế giới -- dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ.” Việc dâng hiến nước Nga đã thực hiện nhiều lần:
Tuy nhiên trong bốn trường hợp kể trên không có sự tham gia đầy đủ tất cả các Giám Mục thế giới chung quanh Đức Giáo Hoàng, đo đó chưa đủ điều kiện Đức Mẹ đã chỉ cho ba em bé. Mãi đến năm 1984, năm Toàn Xá Cứu Chuộc, Đức Thánh Cha rước tượng Đức Mẹ từ Fatima về Roma. Trước đây mấy tháng chính Đức Thánh Cha đã gửi Thư Luân Lưu cho tất cả các Giám Mục thế giới yêu cầu các Giám Mục đồng tâm hiệp ý với Ngài, để giữa công trường Thánh Phêrô, ngày 25-3-1984, dâng lên Đức Mẹ Fatima “Thế giới, đại gia đình nhân loại, tất cả mọi dân tộc, nhất là những dân tộc đang cần sự dâng hiến này, cần sự chuẩn bị này, những dân tộc mà chính Mẹ đang mong chờ chúng con cung hiến họ hôm nay.” (12) Đức Thánh Cha không thể gọi rõ tên Nga Sô, tuy nhiên lối hành văn của Ngài “dân tộc mà chính Mẹ đang mong chờ chúng con cung hiến họ hôm nay” quả thật đã quá rõ ràng. Về sau, khi được hỏi, chính chị Lucia cho đó là đủ lắm rồi. Yếu tố cần thiết là Giám Mục Đoàn thế giới đã hợp ý và đứng đàng sau Đức Giáo Hoàng. Rồi sau đó chúng ta đã thấy kết quả thật là vĩ đại quá tầm ước đoán con người trần gian!
Sau bằng ấy thời gian, bằng ấy chuẩn bị xa gần thì ngày 01-12-1989 cả thế giới đã ngỡ ngàng trước màn ảnh khi nhìn thấy Tổng Thống Gorbachev cùng với Raisa phu nhân và đoàn tháp tùng hùng hậu (21nhân viên cao cấp) đi vào Cung Điện Vatican. Chưa phải là cuộc viếng thăm chính thức theo nghi lễ hàng Tổng Thống, vì hồi đó giữa hai bên Vatican -- Nga Sô chưa có liên hệ ngoại giao, nhưng là cuộc viếng thăm công khai rất đặc biệt. Bên trong Vatican đã đặt trên các địa điểm chính yếu 17 đài phát thanh - truyền hình để thoả mãn hơn 1000 phóng viên thế giới và quần chúng. Tiến vào Điện Vatican lần đầu tiên, qua những hành lang cổ kính đầy những tác phẩm nghệ thuật từ mấy thế kỷ, từ ngàn năm. Hai ông bà Gorbachev bước đi thầm lặng, trang nghiêm, nhưng khi đến ngưỡng cửa Phòng Khánh tiết cuối cùng, Đức Gioan Phaolô II tiến ra, giơ tay chào thân ái. Lúc đó, người ta mới thấy trên dung nhan hai vị thượng khách cũng nở nụ cười hồn nhiên, và nét nghiêm nghị, có khi hoài nghi, trầm tư mặc tưởng lúc ban đầu, đã biến mất.
Cuộc đàm thoại giữa hai nhân vật (có hai thông dịch viên hai bên tham dự) kéo dài 1 giờ 40 phút là cuộc đàm thoại kỷ lục! Đức Thánh Cha Gioan II, trong diễn văn chúc mừng, đã nhắc tới kỷ niệm 1000 năm nước Nga rửa tội, tới nhân phẩm con người có liên hệ với Thượng Đế, con người có quyền lợi tối cao, nghĩa là được tự do lương tâm, tự do hành đạo, tới từng triệu giáo dân đang sống dưới vòng bị trị chuyên chế, tới nghĩa vụ các quốc gia có bổn phận cộng tác với nhau, để đem lại hoà bình cho đại chúng, tới kinh nghiệm đau thương của hai trận thế chiến: “Không thể có hoà bình, nếu con người và quyền lợi con người vẫn còn bị khinh khi.” (13) Trong xã hội, tôn trọng Thiên Chúa và tôn trọng con người phải đi song đôi với nhau. Đây là nguyên tắc tuyệt đối… bắc cầu nối kết Giáo Hội và Quốc Gia, do đó sẽ tránh được mọi thứ xung đột.
Về phía Thổng Thống Gorbachev, ông đi từ Helsinki, nơi đây thế giới Âu Châu đã ký hiệp định để nhận xét các vấn đề chung, để tìm cách tạo môi trường hoà hợp, cộng tác theo tinh thần dân chủ, nhân đạo và đổi mới (Perestroika). Theo chiều hướng này, Nga Sô và Toà Thánh Vatican có thể đối thoại, thông cảm và cộng tác cụ thể. Tổng Thống Gorbachev cho rằng: trong nước Nga có nhiều tôn giáo khác nhau: Công Giáo, Chính Thống Giáo, Hồi Giáo, Do Thái Giáo, Phật Giáo. Tất cả mọi người có quyền tự do (thực sự) thoả mãn những đòi hỏi, luật lệ thiêng liêng của mình. Ông đưa tin: - Sẽ có lập liên lạc ngoại giao với Toà Thánh, và -- Trong tương lai rất gần, sẽ ban hành một đạo luật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, lương tâm áp dụng cho hết mọi tầng lớp nhân dân.
Về điểm thứ nhất (lập liên lạc ngoại giao), chỉ một tháng sau cuộc viếng thăm lịch sử hôm 01-12-1989 đã được thi hành tức tốc. Tuy nhiên, còn tạm ở cấp bậc Đặc Sứ. Hai nhân vật đại diện chính thức được đặt bên cạnh hai chính phủ, với phẩm hàm Đại Sứ. Còn điểm thứ hai (đạo luật tự do tôn giáo) đã hình thành gần một năm sau, nghĩa là đã được Quốc Hội Nga duyệt y và thông qua, rồi được Tổng Thống Gorbachev ký ngày 01-10-1990, tại điện Kremlin Mạc Tư Khoa. (14)
Cựu Tổng Thống Gorbachev còn tới thăm Vatican lần thứ hai ngày 18-11-1990, lần này tuy với tính cách tư nhân, nhưng không kém phần cởỉ mở. Khi ra về ông đã trịnh trọng nói: “lần sau chúng tôi chờ Ngài trên đất Nga.”
Tổng Thống Boris Yeltsin lên thay thế cựu Tổng Thống Gorbachev, cũng tới thăm Vatican ngày 20-12-1991. Trong một giờ và năm phút đàm thoại, tân Tổng Thống Nga còn bảo đảm với Đức Gioan Phaolô II về tân Hiến Pháp Nga, theo đó, tôn giáo và hành đạo vẫn còn hiệu lực như trước, chiếu theo bản luật mới do chính Tổng Thống B. Yeltsin ký ngày 25-10-1990. (15)
Trước khi lên xe rời Vatican, phóng viên báo chí hỏi tân Tổng Tống Yeltsin: Theo sự chúng tôi chú ý theo dõi, tân Tổng Thống không mời Đức Gioan Phaolô II sang thăm Nga Sô? Tổng Thống Yeltsin mỉm cười và nói: “Sở dĩ tôi không mời là vì lời mời của cựu Tổng Thống Gorbachev (hai lần trước đây) vẫn còn giá trị.”
Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ
1992