Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ sinh năm 1918, tại Đông Hải, một họ đạo thuộc xứ Văn Hải cũng là xã Văn Hải, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, giáo phận Phát Diệm. Là thứ ba trong số 10 người con của cụ Trần Hoà, phó chánh trương xứ Văn Hải.
Khi mới 10 tuổi, cậu Trần Ngọc Thụ đã được tuyển vào Tiểu Chủng Viện Ba Làng, Thanh Hoá (1929-1931), rồi chuyển về Tiểu Chủng Viện Phúc Nhạc, Ninh Bình (1932-1937).
Tháng 9-1937, thầy Trần Ngọc Thụ, 19 tuổi chẵn, đã thông thạo La Tinh và Pháp Văn và được Đức Cha Nguyễn Bá Tòng, giám mục giáo phận Phát Diệm, gửi đi du học tại Đại Học Truyền Giáo Urbaniana, Roma.
Sau khi đậu Cử Nhân Triết Học và Cử Nhân Thần Học, thầy Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ thụ phong linh mục năm 24 tuổi (1942) tại Giáo Đô La mã.
Ba năm kế tiếp, LM Trần Ngọc Thụ trình 2 luận án Tiến Sĩ:
Triết Học: La Participation Chez M. Louis Lavelle [Quan Niệm Tham Dự Trong Triết Học của Louis Lavelle (Hiện Sinh Chủ Nghĩa)], với sự hướng dẫn của Giáo Sư Cornelio Fabro, một trong các triết gia nổi tiếng về học thuyết của Thánh Thomas (1945).
Thần Học: De Inhabitatione Spiritus Sancti in Anima Justi [Sự Kiện Chúa Thánh Linh Hiện Diện Trong Linh Hồn Lành Thánh], dưới sự chỉ dẫn của Hồng Y Pietro Parente, nhà thần học thời danh nước Ý thời đó (1946).
Cuối năm 1946, được sự đồng ý của Đức Cha Lê Hữu Từ, giám mục Phát Diệm, LM Trần Ngọc Thụ đã sang Bỉ để ghi tên theo học lớp Quốc Tế Công Pháp (Le Droit International) tại École des Sciences Politiques et Sociales thuộc Đại Học Louvain, dưới sự hướng dẫn của Giáo Sư Emille Lousse, khoa trưởng Luật Khoa. Nhân cơ hội này, linh mục đã tham quan rất nhiều tổ chức lao động Công Giáo.
Tháng 10 -- 1949, LM Trần Ngọc Thụ hồi hương và được bổ nhiệm làm giáo sư tại Đại Chủng Viện Phát Diệm. Hơn một năm sau, căn cứ trên khả năng giao tiếp và nếp sống kín đáo của linh mục, Đức Cha Lê Hữu Từ triệu ông sang toà giám mục và giao cho nhiệm vụ làm bí thư. Kể từ đó, gần như suốt cuộc đời, LM Trần Ngọc Thụ gắn liền với các công tác văn phòng:
Một tháng sau, Toà Thánh lại kêu LM Thụ trở về phục vụ trong Phòng Văn Khố Bộ Ngoại Giao Toà Thánh, đặc trách về “các linh mục triều và các họ đạo trên thế giới.” Trong suốt 12 năm đảm nhận chức vụ này, LM Thụ đã có cơ hội đọc hàng ngàn hồ sơ từ bốn phương trời gửi về. Ông cảm nghiệm vui cùng Giáo Hội hoàn vũ, qua những thành công vẻ vang, những tấm gương anh dũng do các hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân đang thể hiện trên khắp năm châu bốn bể. Đồng thời, linh mục cũng buồn cùng Giáo Hội hoàn vũ, khi cảm nghiệm về những cuộc bách hại do Cộng Sản gây nên, những trận chiến vô cùng thảm khốc, từng đoàn cả ngàn, cả vạn người di tản túng thiếu, đói ăn, chết chóc, tàn lụi…! Linh mục càng xúc cảm hơn nữa, khi nghĩ rằng: chính những chồng hồ sơ dầy cộm đó - viết với tinh thần công minh chính xác -- đã tạo thành cuốn “Hai Ngàn Năm Lịch Sử Oai Hùng Của Giáo Hội Công Giáo” do Chúa Kitô sáng lập và liên tục lưu truyền nguyên vẹn cho tới ngày nay, qua 246 triều đại giáo hoàng, không một đứt đoạn hay phai nhoà. Toà Thánh đã ghi nhận công lao vất vả và tinh thần phục vụ cao độ của LM Trần Ngọc Thụ bằng cách tặng thưởng:
Cuối năm 1976, khi tới La Mã, LM Trần Ngọc Thụ hân hạnh được gặp Đức Hồng Y Việt Nam tiên khởi Trịnh Như Khuê tại thủ đô Giáo Hội mà LM Thụ đã quen biết ngài khi còn ở Hà Nội. Trong một buổi hàn huyên, LM Thụ hỏi Đức Hồng Y:
- Thưa Đức Hồng Y, chúng con, một nhóm linh mục ở hải ngoại, chúng con có thể làm gì cho Giáo Hội Mẹ Việt Nam?
- Xin các cha lập đài phát thanh - Đức Hồng Y trả lời ngay, không một chút chần chừ - nhưng phải đứng trong giới hạn tôn giáo hoàn toàn, đừng xen vào chính trị, vì xen vào chính trị sẽ gây trở ngại cho chúng tôi ở nhà.
Nhắc đến đài phát thanh, nhóm linh mục Việt Nam hải ngoại liên tưởng ngay tới đài Veritas (Chân Lí) tại Manila, Phi Luật Tân. Sau ngày 30-4-1975, đài này đã cho ngưng chương trình tiếng Việt. Nhóm linh mục Việt Nam hải ngoại đầu tiên, gồm năm sáu vị, đặc biệt là Đức Ông Nguyễn Văn Tài, đã chia nhau công tác để tái lập, xung phong đi đầu, sang nằm tại chỗ để điều khiển và gánh vác những khó khăn, vất vả buổi ban đầu. Nhưng Chúa đã ban cho thành quả mĩ mãn. Mỗi ngày chương trình tiếng Việt được truyền đi trong 3 tiếng đồng hồ, gồm nhiều đề mục khác nhau. Trên khắp nước Việt Nam, từ miền thượng du cho tới đồng bằng, có rất nhiều gia đình đã theo dõi thường xuyên tiếng vọng của Phúc Âm.
Đức Hồng Y Trịnh Như Khuê còn có nhãn giới xa hơn nữa, Ngài đã nghĩ đến việc phải tìm một đài thứ hai, sẵn sàng thay thế đài Veritas, một khi Veritas bị phá hoại, bị gây rối làn sóng… Do đó, Ngài đã đệ đơn 2 lần và được Đức Gioan Phaolô II ban lệnh mở thêm chương trình tiếng Việt mỗi ngày 40 phút trên đài phát thanh Vatican.
Hiện nay cả hai đài Veritas và Vatican, được một số chuyên viên là tu sĩ nam nữ Việt Nam hải ngoại và một số giáo dân tận lực cộng tác, đã trở thành tiếng nói hùng hậu, một điểm hẹn hò thoải mái cho hàng triệu nhân dân Việt Nam: Họ coi lời Chúa là của ăn đường cần thiết cho đời sống tinh thần và là một thần dược linh nghiệm, xua đuổi mọi thứ hồ nghi, do dự, đem lại nguồn hạnh phúc thiêng liêng.
Ngày 25-11-1985, một ngày trước khi lên đường về Việt Nam, Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn, tổng giám mục Hà Nội và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đã uỷ thác cho LM Trần Ngọc Thụ nhiệm vụ “cáo thỉnh viên,” nghĩa là đại diện hàng giám mục làm lại tất cả các hồ sơ liên hệ đến 117 vị Chân Phúc Tử Đạo để đệ trình lên Đức Giáo Hoàng -- qua Bộ Phong Thánh -- xin Ngài tuyên thánh cho tổng số 117 vị Chân Phúc này. Công việc “cáo thỉnh viên” trong quá khứ đã 4 lần trao cho 3 vị linh mục ngoại quốc (2 vị thừa sai Ba Lê, 1 vị Dòng Đa Minh) và sau cùng một đức ông người Pháp chịu trách nhiệm, nhưng lần hồi theo thời gian, bốn vị này đã thuyên chuyển sang các chức vụ khác, nên cuối cùng công việc vẫn còn bị bỏ dở!
Theo lệnh của Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn, công việc phải khởi sự và tiếp tục trong âm thầm, kín đáo cho tới khi được Toà Thánh chính thức công bố. Suốt gần 2 năm, linh mục “cáo thỉnh viên” mỗi ngày cống hiến từ 3 đến 4 giờ về đêm, từ 21 giờ đến 24 giờ khuya, hay từ 1 giờ sáng, để vết cho xong 2 tập:
Cuốn thứ nhất để cống hiến độc giả Việt Nam; cuốn thứ hai đã đệ 300 tập cho Bộ Giám Mục và 200 tập khác nơi Bộ Phong Thánh, để phân phát tới các giám mục, luật sư sẽ tham dự Cơ Mật Viện, ngày 30-6-1987 tại Vatican, định đoạt về vụ phong thánh Việt Nam. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã triệu về thủ đô La mã 22 hồng y, 70 tổng giám mục và giám mục trong dịp này. Tất cả đã bỏ phiếu “thuận” cho vụ án.
Trưa ngày 30-6-1987, Đức Gioan Phaolô II đã long trọng tuyên bố “chấp nhận và ban lệnh chọn ngày 19-6-1988 (một năm sau) làm ngày tuyên thánh cho 117 vị Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam.”
Ngược dòng giáo sử: Giáo Hội Công Giáo Việt Nam khai sinh khoảng năm 1533, khi nhà truyền giáo Inêkhu theo đường bể đến giảng đạo Thiên Chúa tại Ninh Cường, Quần Anh, thuộc huyện Nam Châu (tức Nam Trực) và Trà Lũ, huyện Giao Thuỷ (Giáo phận Bùi Chu ngày nay). Giáo Hội Việt Nam đã trở thành giáo hội đứng thứ hai tại Á Châu về số giáo dân, nhưng đứng hàng đầu về số tín hữu (130 ngàn) đã anh dũng lấy xương máu mình để minh chứng sự trung thành với đức tin, với Thiên Chúa. Giáo Hội này đã chờ 455 năm (1533 đến 1988) để được Giáo Hội hoàn vũ chính thức tuyên dương công trạng một cách rất đặc biệt. Trong lịch sử 2000 năm của Giáo Hội hoàn vũ chưa bao giờ có một cuộc phong thánh 117 vị trong cùng một ngày. Ngày lễ tuyên thánh 1988 là ngày được lịch sử Giáo Hội Công Giáo ghi bằng nét vàng.
Có người hỏi LM Trần Ngọc Thụ: Tại sao cha được chọn làm bí thư của Đức Thánh Cha?
Linh mục trả lời như sau: “Chính cá nhân tôi cũng không hiểu tại sao.” Rồi linh mục kể tiếp: “Sáng ngày 07-01-1988, khi vị bí thư người Ba Lan của Đức Thánh Cha mời vào điện Vatican để báo tin, tôi đã nêu ra 2 lí do: Thứ nhất, thực tình nhìn nhận mình đã lớn tuổi (69 tuổi). Thứ hai, tôi đang là ‘cáo thỉnh viên’ vụ án phong thánh cho 117 Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam, sợ một lúc không thể đảm đang cả hai việc -- cùng quan trọng - một cách chu toàn, để từ chối.
Vị bí thư người Ba Lan trở về một hồi, rồi trở lại cho linh mục biết ‘Đức Thánh Cha đã trả lời: Thứ nhất, Ngài cần 2 thư kí, một vị không đủ, và khi chọn thư kí, Đức Thánh Cha không nghĩ đến sự kiện viên thư kí đó bao nhiêu tuổi. Thứ hai, vụ phong thánh thì tháng 6 này sẽ kết thúc, không có chuyện phong thánh suốt đời đâu mà sợ’. Hai lí do thoái thác đều đã bị bẻ gãy, tôi xin vâng lời.
Nhận lời, tôi bước theo vị thư kí Ba Lan tiến vào văn phòng Đức Thánh Cha và quỳ gối: ‘Con trân trọng tri ân Đức Thánh Cha đã quá thương nghĩ đến con.’ Đức Thánh Cha nói: ‘Sở dĩ chọn cha là vì tôi nghĩ tới Giáo Hội Việt Nam trong thời bách hại xa xưa đã trung thành với Giáo Hội hoàn vũ, với Toà Thánh La Mã. Và ngày nay, trải qua bao nhiêu sóng gió, Giáo Hội Việt Nam vẫn một lòng trung kiên và liên kết chặt chẽ với Roma.’”
Ý thức và cảm kích trước lời Đức Thánh Cha phê phán về Giáo Hội Mẹ của mình, do đó mỗi ngày phục vụ 13 đến 14 tiếng đồng hồ bên cạnh vị đại diện Thiên Chúa ở trần gian, linh mục vẫn cố gắng -- trong im lặng -- chu toàn nghĩa vụ, ngày nào cố xong việc ngày đó, để rồi sẵn sàng phục vụ ngày hôm sau. LM Trần Ngọc Thụ đã trở thành người Việt Nam và cũng là người Á Châu đầu tiên đảm nhận chức vụ bí thư của Đức Giáo Hoàng.
Đức Ông Thụ đi du học từ thời còn là thanh niên, ngay trong thời gian đèn sách, đã cố gắng chuẩn bị tinh thần, hi sinh tất cả, cam cảnh sống nghèo hầu dành tiền để mua sách học thêm, vì tin rằng khi hồi hương sẽ được giao phó nhiệm vụ giảng dạy trong Đại Chủng Viện. Là giáo sư, LM Trần Ngọc Thụ sẽ truyền lại cho các môn sinh tất cả những kiến thức đã hấp thụ được, thực hiện nguyện vọng thiết tha nhất trong đời.
Nhưng trên thực tế, LM Trần Ngọc Thụ chỉ ở Đại Chủng Viện hơn một năm (1950-1951). Đầu năm 1952, Đức Cha Lê Hữu Từ đã triệu linh mục sang toà giám mục, để rồi từ đó, bắt đầu một cuộc phiêu lưu thật dài, qua nhiều thứ văn phòng khác nhau.
Đời sống trong văn phòng - nhất là tại Việt Nam -- là thứ đời sống một chiều, đơn độc, hầu như máy móc, khô khan. Lúc ban đầu, LM Trần Ngọc Thụ cảm thấy rất khó hoà mình với bốn bức tường đóng kín; đã không được tiếp tục với sách vở, rồi nay, suốt đời lại không bao giờ được trực tiếp làm mục vụ trong các họ đạo.
Hai sự kiện trên đã khiến cho linh mục cảm thấy nản lòng không ít. Trong hai, ba năm trời, LM Trần Ngọc Thụ có ý định xin vào tu trong một hội dòng, với hi vọng sẽ thực hiện được hai việc: một nửa năm tu học và nghiên cứu trong yên lặng, để chuẩn bị tinh thần; nửa năm sau, đi thuyết giáo trong các cộng đoàn giáo dân. Nhưng giấc mộng bình thường này của linh mục cũng đành tiêu tan vì đức giám mục giáo phận không đồng ý và không cho phép.
LM Trần Ngọc Thụ đã phải cúi đầu trước chân lí: “Chúa không cần con người, trái lại con người mới cần Thiên Chúa.” Tất cả những khả năng con người sẽ không đem lại kết quả nào tốt đẹp, nếu không đi cùng nhịp với thánh ý Thiên Chúa thể hiện nơi linh mục, qua ý định của giám mục bản quyền là vị đại diện Thiên Chúa. Những tính toán để thoả mãn nguyện vọng riêng tư -- nói trắng ra -- là đi tìm mình, mà không tìm Thiên Chúa theo lí tưởng siêu nhiên của con người đã tận hiến. Nhận xét như thế, nên cuộc đời linh mục của Đức Ông Trần Ngọc Thụ - hơn 40 năm -- đã trôi chảy trong im lặng, trong nhẫn nại phục vụ, trong rất nhiều hi sinh, tuy nhiên vẫn trong tự hào dân tộc, nghĩa là không làm việc gì có thể phương hại tới phẩm giá linh mục đoàn Việt Nam hay làm hoen ố tính cách Á Đông và quốc gia Việt Nam.
Đức Ông Trần Ngọc Thụ thiết tha với thiên chức mục vụ của một linh mục trong các họ đạo, nhưng ông không được sự đồng ý của “bề trên.” Để lấp khoảng trống đó trong tâm hồn, ông quay sang phạm vi tinh thần, cố tìm ra thời giờ yên tĩnh để biên soạn sách về các đề tài tín lí, tu đức, lịch sử liên hệ đến đời sống Giáo Hội và quốc gia.
Sách của Đức Ông Thụ không quá dầy, hành văn giản dị hợp với trình độ dân chúng.
Chúng tôi hỏi Đức Ông lấy đâu ra thời giờ để viết sách. Đức Ông trả lời: “Phần nhiều là những đêm dài thanh vắng.” Ngoài khoảng 20 bài viết cho các tạp chí Công Giáo trong những năm gần đây, Đức Ông còn biên soạn hơn chục cuốn sách sau đây:
Đang viết: Kinh Lạy Cha, Roma, 1993.
Chuẩn bị viết:
Đức Ông Trần Ngọc Thụ cho biết 3 cuốn sách sau cùng đang chuẩn bị viết có tầm quan trọng đặc biệt. Bởi vì theo Đức Ông thì ở ngoài Bắc, sau hơn 40 năm dưới chế độ Cộng Sản vô thần và trong Nam sau ngày 30-4-1975, kinh nghiệm đã cho thấy: dù nhà cầm quyền Cộng Sản đã mạnh tay đàn áp tôn giáo, dù hàng vạn người bị giam giữ trong các trại cải tạo khắp nơi trên đất nước, người dân Việt Nam vẫn bảo toàn tôn giáo và bản sắc dân tộc. Người Việt Nam ở đây thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội, đủ mọi tín ngưỡng, đã sát cánh bên nhau trong lao tù, đã nhìn thấy thực tế phũ phàng, đã cảm nghiệm đau thương và -- quý hơn nữa -- đã giúp đỡ nhau, san sẻ tình cảm, đã đặt vấn đề ý nghĩa đời sống, đã gợi lên vấn đề thế giới bên kia, đã nói lên sự cần thiết Thượng Đế… Thâm tâm con người khác nào mảnh vườn đã được dọn sẵn, đang chờ một cơn mưa, một giải pháp hợp lí và thoả đáng. Điều quan trọng là, chúng ta ý thức được chương trình của Thiên Định, có bổn phận giới thiệu chân dung Chúa Kitô cứu thế với mọi người, để họ có cơ hội hiểu biết về các tôn giáo, tìm ra con đường giải thoát thiêng liêng, và ý thức thế nào là phần cứu rỗi của mình.
(Trích từ bộ sách Vẻ Vang Dân Việt của Trọng Minh. Tuyển tập II. California, Tháng 9, 1993)