Nhân dịp lễ tuyên Chân Phước cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ngày 1-5-2011, xin giới thiệu bài phỏng vấn Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ (1918 -- 2002), thư ký riêng của Đức Gioan Phaolô II về bí mật nguồn sức mạnh và sự cuốn hút của vị Giáo Hoàng vĩ đại này. Bài phỏng vấn do ký giả Antonio Gaspari thực hiện tháng 3 năm 2001. Đình Chẩn dịch, Tuần Thánh 2011.
Antonio Gaspari (AG): Những ai từng gặp hay được nghe Đức Gioan Phaolô II nói thường xúc động sâu sắc, thậm chí bật khóc. Đó là sự thật trong những cuộc viếng thăm của Ngài tới nước Pháp. Đó là điều rõ ràng ở Denver, Colarodo, năm 1993, dịp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Đó là điều hiển nhiên ở Manila tháng 1 năm 1995 khi mà năm triệu người vây quanh Thánh Lễ ngoài trời do Ngài chủ sự. Khi Đức Giáo Hoàng xuất hiện trước công chúng, thì những đám đông từng ngàn ngàn người thuộc đủ mọi chủng tộc và tín ngưỡng đã đang chờ đợi Ngài hàng giờ, thậm chí nhiều ngày để nhìn thấy Ngài, để nghe Ngài giảng, và để tham dự vào cử hành phụng vụ do Ngài chủ sự. Điều kỳ lạ này vẫn xảy ra đều đặn hàng tuần ở Roma, trong những buổi tiếp kiến chung của Ngài dành cho các tín hữu đến từ khắp thế giới.
Phải chăng Ngài có điều gì bí mật cuốn hút như thế?
Vị Giáo Hoàng này đã từng chịu nhiều đau khổ. Ngoài một số ca mổ nghiêm trọng, thì Đức Gioan Phaolô II chủ yếu phải đối mặt với những cuộc chiến tinh thần. Ngài đã can đảm tranh đấu bảo vệ những Giáo Huấn của Giáo Hội Công Giáo và những nguyên tắc luân lý giữa một thế giới bị tục hóa, Ngài lên án mạnh mẽ những cuộc chiến tranh tàn sát của thế kỷ XX cũng như chống lại những bất công và những thái độ bất bao dung. Thế mà những cuộc chiến này đã không làm cho Ngài bị kiệt quệ.
Vậy Ngài tìm nguồn sức mạnh tinh thần này ở đâu? Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ, thư ký riêng của Đức Gioan Phaolô II trong vòng hơn tám năm nói gì về Ngài?
Đ.Ô. Thụ: Theo tôi, nền tảng đời sống tinh thần của vị Giáo Hoàng này chính là Thánh Lễ. Trong suốt cuộc đời, Ngài đã không bao giờ bỏ Thánh Lễ hằng ngày, ngay cả khi Ngài bị ốm. Ngay cả khi Ngài nằm ở bệnh viện Gemelli Roma, Ngài cũng có một bàn thờ nhỏ đặt ngay bên giường bệnh. Một Linh Mục đến cử hành Phụng Vụ, và Đức Giáo Hoàng, nằm trên giường trong lễ phục của Ngài, vây quanh là các bác sĩ, y tá và những người thăm viếng, cùng tham dự. Đức Giáo Hoàng đọc Lời truyền phép và chúc lành cuối lễ.
Đức Gioan Phaolô II cũng đã luôn luôn cử hành Thánh Lễ như là sự kiện trung tâm của những cuộc viếng thăm của Ngài tới 120 địa phận ở nước Ý cũng như 74 quốc gia khác. Ngài nhấn mạnh Thánh Lễ là kinh nghiệm quan trọng nhất cho tất cả mọi tín hữu.
A.G.: Thưa Đức Ông, Đức Thánh Cha dâng Thánh Lễ ở đâu và khi nào?
Đ.Ô. Thụ: Đức Thánh Cha thức dậy hàng ngày lúc 5g30, sớm hơn một giờ so với các thư ký của Ngài. Ngài vào nhà nguyện riêng và dọn mình cầu nguyện dâng mọi hoạt động trong ngày. Nửa giờ trước Thánh Lễ, Ngài huấn dụ cho các nữ tu phục vụ trong điện Giáo Hoàng. Ngài nghĩ tới mọi thứ, từ những bông hoa chưng bàn thờ, đến những lời cầu xin đặc biệt. Các thư ký của Ngài dọn sách Lễ. Khi những người khác tới, thì họ đã thấy Đức Thánh Cha đang quỳ cầu nguyện rồi.
A.G.: Vâng, Đức Giáo Hoàng cầu nguyện như thế nào ạ?
Đ.Ô. Thụ: Được chứng kiến Đức Thánh Cha cầu nguyện và dâng Thánh Lễ là trải nghiệm đặc biệt nhất. Ngài cầu nguyện cách say sưa, đôi mắt nhắm lại, với những lời khẩn nguyện chẳng hạn: “Ôi, lạy Thiên Chúa của con! Ôi, lạy Chúa của con!” Ngài thường đặt tay lên trên đầu. Cử chỉ cầu nguyện của Ngài thực sự là say sưa. Đức Thánh Cha lưu ý tất cả những ai đã xin Ngài cầu nguyện. Các thư ký và một nữ tu khác nữa có trách nhiệm phải kiểm tra, lên danh sách và sắp xếp những lời nguyện xin. Chúng tôi để những bản sao những ý cầu nguyện đó trước nơi Đức Giáo Hoàng quỳ cầu nguyện hàng ngày để Ngài đưa tất cả vào lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện có khi xin cho người mắc bệnh nặng, hay là cho những người bị tai nạn, hay các vấn đề khác.
Một hôm, chúng tôi nhận được một lá thư từ người phụ nữ bên Mỹ có con trai 17 tuổi đang bị hôn mê vì tai nạn.
Đức Giáo Hoàng cũng nhớ tới các Giáo hội địa phương và các Đức Giám Mục. Ngài cầu nguyện cho người sống cũng như người đã qua đời. Ngài cầu nguyện sốt sắng, thinh lặng chốc lát sau mỗi lời nguyện, đôi mắt nhắm lại, đắm chìm vào trong chiêm niệm. Đôi khi Ngài mở mắt ra, lời cầu nguyện sâu lắng đến nỗi mà có khi Ngài chẳng còn nhớ đã đọc đến đâu. Ngài tận hiến hoàn toàn trong lời cầu nguyện, một hình thức ngất trí.
A.G.: Thế Đức Gioan Phaolô II có phản ứng gì trước sự đổ vỡ liên quan đến Đức Giám Mục Marcel Lefebvre không?
Đ.Ô. Thụ: Đức Giáo Hoàng rất đau buồn rằng Ngài đã không có thể hàn gắn lại vết đổ vỡ và giữ Đức Lefebvre ở lại trong Giáo Hội Công Giáo. Có một lần trong bữa ăn tối riêng với Đức Giáo Hoàng, một vị Giám Mục cố gắng an ủi Ngài rằng: “Thưa Đức Thánh Cha, Ngài không nên lo lắng; những phái ly giáo đã từng xảy ra trong lịch sử Giáo Hội; sự kiện này cũng sẽ qua đi thôi.” Đức Thánh Cha đáp: Tôi đã làm tất cả những gì có thể; còn bây giờ xin phó dâng cho Thiên Chúa và Đức Mẹ.”
A.G.: Có thực sự là Đức Giáo Hoàng rất dễ xúc động không?
Đ.Ô. Thụ: Đức Gioan Phaolô II lưu giữ mọi sự nơi con tim. Ngài là một người rất nhạy cảm. Tôi thường chứng kiến Ngài rơi nước mắt. Tôi từng thấy Ngài xúc động sâu xa trước những tin về các vị tử đạo Công Giáo, hay là cảnh sát hại các vị Truyền giáo, nhưng cả trong những tin thảm kịch khác. Năm 1980, (khi tôi chưa làm thư ký cho Ngài) tôi tháp tùng Đức Giám Mục Việt Nam của tôi [ĐC Phaolô Bùi Chu Tạo, giám mục Phát Diệm -- người dịch chú thích] vào trong phủ Giáo Hoàng yết kiến Ngài. Tôi nghe thấy Đức Giám Mục của tôi thưa với Ngài: “Kính thưa Đức Thánh Cha, xin Đức Thánh Cha cầu nguyện cho con và cho sứ vụ Giám Mục của con, cho các Linh Mục của con, và cho các tín hữu Giáo Hội Việt Nam!” Khi kết thúc buổi tiếp kiến, Đức Giám Mục của tôi đã khóc và Đức Thánh Cha cũng rơi lệ. Khoảng một tháng trước đây, tôi nhận thấy khóe mắt Đức Thánh Cha đã đỏ lên vì khóc khi Ngài bước lên xe kết thúc chuyến thăm một Giáo Xứ ở Roma. Tất nhiên, Ngài rất cố gắng không tỏ cho chúng ta biết cảm xúc của Ngài. Vâng, đúng là Đức Giáo Hoàng là người dễ xúc động.
A.G.: Khi cầu nguyện, Đức Giáo Hoàng chăm chú hướng đến ai?
Đ.Ô. Thụ: Đức Thánh Cha sùng kính Thánh Thể sâu sắc, rồi Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Phêrô. Tôi vẫn luôn luôn xúc động, sau nhiều năm chứng kiến, mỗi khi thấy Ngài đang cầu nguyện trong phòng. Ngài bước vào Nhà Nguyện riêng và quỳ bệt xuống nền nhà nhiều hơn là quỳ trên gối đệm. Nhiều khi Ngài quỳ, để đầu và hai tay bám lên bàn thờ. Đó là cách Ngài diễn tả tâm tình con thảo đặt trọn vẹn niềm tin vào Thiên Chúa. Tôi thường thấy Ngài cầu nguyện trong tư thế đó.
A.G.: Có vẻ như Đức Gioan Phaolô II luôn tỏ ra một người có lòng trắc ẩn lớn lao xót thương nỗi thống khổ của người khác, nhưng Ngài phải ứng như thế nào đối với chính những đau khổ của Ngài?
Đ.Ô. Thụ: Đức Gioan Phaolô II hiến dâng đau khổ của Ngài vì thiện ích cho Giáo Hội. Vị Giáo Hoàng này là người mạnh mẽ; Ngài đối diện với đau khổ thể xác của Ngài với một thái độ chiêm niệm; Ngài lạc quan chấp nhận ôm lấy nỗi đau thể xác của Ngài. Khi Ngài rời bệnh viện Gemelli tháng 10 vừa rồi, Ngài đã nói đùa với các Đức Hồng Y và giới chức đang đợi Ngài ở Cổng thành Vatican rằng: “Các Ngài thấy đấy, tôi vẫn ổn mà!” Đức Gioan Phaolô II có khiếu hài hước đặc biệt và rất nhanh trí; Ngài không bao giờ tránh né những câu hỏi thẳng thắn, thậm chí khó chịu. Chính lối tiếp cận thẳng thắn đó cũng làm cho Ngài được công chúng mến mộ. Vì thế, dân chúng đến với Ngài không chút e lệ. Thậm chí, những em nhỏ cũng yêu mến Ngài và nói truyện với Ngài cách tự nhiên thoải mái.
A.G.: Đức Ông nghĩ gì về việc Đức Gioan Phaolô II rất sùng kính Đức Maria?
Đ.Ô. Thụ: Đúng là Ngài có lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria cách đặc biệt. Ngài Wojtyla (tên riêng Đức Giáo Hoàng) đã viết luận án tiến sĩ về Thánh Gioan Thánh Giá. Ngài đã nghiên cứu các tác phẩm của Luis M. Grignon de Monfort (chính vì thế mà Ngài lấy khẩu hiệu Giám Mục là “totus tuus -- Tất cả thuộc về Mẹ”), rồi các vị Thánh có lòng sùng kính Đức Mẹ đặc biệt như Thánh Têrêsa Avila, Thánh Bernard, đều ảnh hưởng sâu đậm lên tư tưởng và Đức Tin nơi Ngài.
Có một lần, khoảng 11g30 sáng, chúng tôi nhận thấy rằng Đức Thánh Cha chưa rời buổi tiếp kiến của Ngài lúc 11g. Chúng tôi đã thấy Ngài đang đứng ở trong sảnh, hai tay khoanh trước ngực, chăm chú nhìn lên hình ảnh Đức Mẹ ở trên tường. Lúc đó, trông Ngài giống như một em bé đang âu yếm nhìn người Mẹ của mình.
Một lần khác, vào lúc khoảng 6g30 tối trong mùa đông giá lạnh tháng 12, chúng tôi nhận được cú điện thoại quan trọng từ một chính phủ nước ngoài gọi đến. Chúng tôi luôn luôn hẹn gọi lại khoảng 20 phút sau; nhưng lần này chúng tôi tìm khắp nơi mà không thấy Đức Thánh Cha đâu cả. Tôi vội chạy ra ngoài sân và tìm thấy Ngài đang quỳ trước một bàn thờ nhỏ với hình ảnh Đức Mẹ Fatima trùm khăn đen. Tôi đã thưa Ngài: “Thưa Đức Thánh Cha, có một cuộc gọi rất quan trọng đang chờ Ngài.” Đức Giáo Hoàng tiếp tục cầu nguyện trong gió lạnh. Những giây phút như thế này, khi mà Đức Thánh Cha thấy nhu cầu khẩn thiết cầu nguyện, thì không phải là hiếm đâu. Hơn nữa, tôi nhận thấy rằng khi Ngài viết các thông điệp hoặc bài giảng, luôn luôn có một lời nguyện nhỏ dâng lên Mẹ Thiên Chúa được viết ở phía cuối.
A.G.: Đức Giáo Hoàng cũng sùng kính Thánh Phêrô?
Đ.Ô. Thụ: Ngài đều nguyện xin Thánh Phêrô mỗi lần Ngài đi công du và khi trở về. Ngài quỳ trước thánh tích Thánh Phêrô ở trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, bên cạnh bàn thờ riêng của Ngài.
A.G.: Đức Giáo Hoàng có đi xưng tội không?
Đ.Ô. Thụ: Có chứ, Đức Giáo Hoàng xưng tội hàng tuần. Cha giải tội của Ngài là một Đức Ông người Ba Lan lớn tuổi, Ngài đến vào thứ bảy, hoặc trường hợp Đức Giáo Hoàng ở nước ngoài, thì Đức Ông sẽ đến vào thứ sáu tuần sau đó. Đức Gioan Phaolô II thực hành bổn phận thiêng liêng của mình rất nghiêm khắc. Ngài ngắm đàng Thánh Giá mỗi tuần một lần, ăn chay những ngày đã định và lần hạt Mai Khôi hàng ngày. Trong dịp Tĩnh Tâm Giáo Triều hàng năm, Ngài đều lắng nghe các bài suy niệm và ghi chép lại khi nghe giảng.
A.G.: Đức Giáo Hoàng có phải là người biết lắng nghe? Ngài có đọc nhiều không?
Đ.Ô. Thụ: Ngài dành trọn một giờ hàng ngày cho việc đọc sách riêng. Ngài đọc sách trong thời gian trước khi đi ngủ, tức là khoảng từ 10h đến 11h đêm. Ngài đọc sách hoặc báo mà Ngài đã sắp đặt trong ngày. Thực vậy, Đức Giáo Hoàng này là người biết lắng nghe. Các thứ ba hàng tuần, Ngài mời năm hoặc sáu giáo sư thuộc các lãnh vực khác nhau như: thần học, triết học, xã hội học, chính trị học, văn hóa hoặc khoa học.
Thời gian từ 12g00 đến 13g30, các chuyên gia này ( tất nhiên đã chuẩn bị chủ đề kỹ từ trước ) sẽ nói cho Ngài, sau đó họ sẽ ăn trưa với Đức Giáo Hoàng. Thậm chí trong kỳ nghỉ hè ở Castel Gandolfo, Đức Thánh Cha sẽ dành nhiều thời gian hơn cho những buổi trao đổi hiểu biết đó.
Mỗi mùa hè Ngài mời tổng cộng 15 chuyên gia các lĩnh vực khác nhau để trao đổi học hỏi. Chính vì thế, vào những thời điểm khác nhau như ban sáng, chiều và tối, và trong các bữa ăn, Ngài có thể trao đổi với họ lúc rảnh rỗi để cập nhật thông tin về những điều mới mẻ, trong vật lý chẳng hạn, hoặc vũ khí nguyên tử, hay thậm chí là những vật thể tàng hình.
A.G.: Đức Thánh Cha đối xử như thế nào với những người làm việc cộng tác với Ngài?
Đ.Ô. Thụ: Ngài luôn luôn tôn trọng và nhạy cảm đối với tâm tư của họ. Để chứng minh điều này, tôi dẫn chứng rằng Đức Thánh Cha có hai chiếc điện thoại, một trong phòng làm việc của Ngài và một trong phòng ngủ để Ngài có thể gọi chúng tôi bất cứ khi nào cần.
Ấy vậy mà, trong suốt tám năm tôi làm việc trong tư cách là thư ký riêng của Ngài, thì chưa bao giờ Ngài nhấc máy điện thoại gọi tôi. Nếu Ngài cần gì đó, đích thân Ngài đến hỏi tôi. Ngài thường đến văn phòng của chúng tôi để xin tờ giấy hoặc chiếc bút chì. Ngài chẳng bao giờ gọi lớn tiếng cả. Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến thấy Ngài tỏ ra nóng nảy hay mất bình tĩnh bao giờ. Và Ngài luôn luôn hỏi thăm sức khỏe chúng tôi cách rất chân thành. Ngài là vị Giáo Hoàng rất nhân từ như một người cha.
ANTONIO GASPARI, http://www.zeitun-eg.org/JPII.htm