Trần Vinh
Mặc dù Cha Thụ là dân du học nhiều năm ở Âu Châu, nhưng vì là sinh viên nghèo lại phải lo học hành, cho nên khi về nước Cha Thụ vẫn chưa biết lái xe ôtô. Ở Phát Diệm hồi 1950, Đức Cha Lê Hữu Từ có một chiếc xe ôtô. Có lẽ đó là chiếc xe Land Rover 1948 sản xuất tại Anh có thể chạy ở thế đất gồ ghề, nhìn hơi giống chiếc xe Jeep nhà binh mui trần thời 1950. Mỗi khi Đức Cha Lê muốn đi đâu, thường phải nhờ Cố Bỉ Robert Willichs làm tài xế. Ở Phát Diệm lúc ấy có 2 Cố người Bỉ (tiếng nhà đạo gọi các linh mục ngoại quốc là “Cố”) là Cố Dieudonné Bourguignon (Phát Diệm gọi là Cố Bửu) và Cố Robert Willichs (Cố Uy). Cố Bourguignon cao lớn là giáo sư các lớp lớn của Tiểu Chủng Viện Phúc Nhạc (lúc ấy dời về Đại Chủng Viện Thượng Kiệm, Phát Diệm), còn Cố Willichs thì coi nhà máy điện Phát Diệm và làm bác sĩ cho Nhà Thương “Các Bà Xờ” (Soeurs de Notre Dame). Khi học lớp tư ở trường Trần Lục, chúng tôi cũng thấy Cố Willichs dạy một lớp các chủng sinh bên ngoài cổng đá phía Đông. Cố Willichs bận rộn như thế, dĩ nhiên mỗi lần phải nhờ đến Cố là cả một sự miễn cưỡng. Quan sát thấy như vậy, Cha Thụ quyết định làm thay đổi tình hình. Cha Thụ kể, nhân một lần tháp tùng Đức Cha Lê đi họp trên Hà Nội, Cha Thụ xin Đức Cha cho phép học lái xe hơi. Đức Cha ngần ngừ vì thời gian ở Hà Nội chỉ có 5 ngày, trừ ngày đi ngày về còn có 3 ngày thì làm sao học kịp. Cha Thụ thưa: “Xin Đức Cha cho phép, con nhất định học được.” Thế là, mỗi ngày Đức Cha Lê đi họp, còn Cha Thụ tới trường học lái xe và cha đã học thành công. Từ đó, ở vùng Phát Diệm, mỗi lần xe đưa Đức Cha Lê đi đâu, người ta thấy người tài xế chính là cha bí thư Trần Ngọc Thụ của Đức Cha.
Đối với quý độc giả ngày nay sống ở Âu Mĩ, việc biết lái xe là quá bình thường. Song đối với lớp người thời 1950 sống ở thôn làng, thì nguyên việc nhìn thấy xe hơi đã là rất hoạ hiếm, nói chi tới chuyện biết lái xe ôtô. Còn nhớ, một hôm, có anh thanh niên chạy một chiếc xe “bình bịch” (motorcycle) về làng khiến bọn con nít chúng tôi lác mắt và kéo nhau chạy theo để… hít khói xe! Lần khác, đúng vào giờ ra chơi, nghe thấy tiếng xe hơi GMC nhà binh của Pháp chạy trên Đê Ông Bột (cuối làng Văn Hải) gần trường học, thế là cả lớp học chúng tôi ùa ra coi, rồi một đám con trai vội cởi trần truồng bơi qua sông để lên đê xem cho đã mắt! Có thể nói, việc biết lái xe ở vùng quê chúng tôi thời ấy phần nào “vĩ đại” giống như chuyện “Chân đi dép lốp mà lên tầu vũ trụ!” (Thơ Tố Hữu) của viên Trung Tá Cộng Sản Phạm Tuân năm 1980 vậy đó.
Trần Vinh
Đức Ông Thụ không tiến cao lên hàng giáo phẩm Việt Nam, chỉ thuộc hàng linh mục, nhưng ĐÔ Thụ là một linh mục hết sức đặc biệt: 20 năm phục vụ tại Toà Khâm Sứ Toà Thánh Vatican tại Thủ Đô Sài Gòn; 8 năm làm thư kí riêng của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II và nhất là đã được Đức Hồng Y Giáo Chủ Trịnh Văn Căn giao cho nhiệm vụ làm Cáo Thỉnh Viên phong thánh cho 117 vị Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam và Đức Ông đã hoàn thành mĩ mãn nhiệm vụ được giao phó.
Cha Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ làm bí thư qua 5 đời Khâm Sứ Toà Thánh tại Việt Nam Cộng Hoà: Giuseppe Caprio 1954 -59, Mario Brini 1959 -- 1961, Salvatore Asta 1962 -- 1964, Angelo Palmas 1964 -- 69 và Henri Lemaitre 1969 -- 1975. Cha Thụ chưa bao giờ hé lộ tình cảm riêng đối với các vị Khâm Sứ mà Cha phục vụ. Chúng tôi chỉ được Cha kể cho nghe 2 kỉ niệm đẹp đối với Đức Khâm Sứ G. Caprio.
Một là, hồi mới di cư vào Sài Gòn, Cha được cử làm bí thư Tổ Chức Viện Trợ Công Giáo Hoa Kì (Catholic Relief Services), văn phòng đặt tại đường Tự Do, Sài Gòn (1956-1957). Đúng vào lúc Đức G. Caprio đang cần một bí thư. Ngài hỏi ý Đức Cha Lê Hữu Từ. Đức Cha Lê giới thiệu với Đức G. Caprio vị bí thư của Ngài hồi còn làm giám mục giáo phận Phát Diệm, đó là Cha Thụ. Cha Thụ kể, một hôm Cha đang làm việc tại văn phòng Tổ Chức Viện Trợ Công Giáo Hoa Kì, đột nhiên thấy Đức G. Caprio gõ cửa vào gặp. Ngài chỉ hỏi thăm chung chung, không có mục đích nào rõ rệt, rồi ra về. Sau đó, Cha Thụ được Đức Khâm Sứ G. Caprio chính thức kêu vào làm việc cho Toà Khâm Sứ. Cha Thụ kết luận, vậy ra, sau khi được Đức Cha Lê giới thiệu, Đức Khâm Sứ đã bất chợt “vi hành” tới văn phòng của ứng viên để trực tiếp coi mặt mũi, đánh giá cách ăn nói và cả cách sắp xếp bàn giấy ra sao, trước khi Ngài quyết định tuyển chọn vị bí thư một cách chính thức.
Hai là, vào năm 1974, Cha Thụ khoe “xếp” cũ, cũng chính là Đức G. Caprio, hứa thưởng cho Cha một chuyến du lịch nhiều nơi trên thế giới. Đâu ngờ chuyến đi chưa kịp thực hiện thì ngày 30-4-1975 đã ập tới, xoá bỏ tất cả mọi dự tính.
Trong 20 năm làm thư kí Toà Khâm Sứ, Cha Thụ chứng tỏ có đầy đủ khả năng chuyên môn vì Cha đã học ngành ngoại giao tại Đại Học Louvain bên Bỉ. Cha Thụ nổi tiếng cần mẫn, kín đáo. Có những thời kì, chúng tôi biết Cha quá vất vả nên đã đánh bạo đề nghị Cha xin thêm phụ tá. Cha Thụ bảo các cha tài ba thì có nhiều, nhưng làm việc ở đây cần có kiến thức chuyên môn. Mặc dù thế, đôi khi vào Toà Khâm Sứ có việc, chúng tôi đã từng thấy cha Trần Thái Hiệp hoặc Cha Nghĩa vào phụ giúp công việc.
Sau này, có lần Cha tâm sự, trong suốt 20 năm phục vụ tại Toà Khâm Sứ Toà Thánh, giai đoạn Cha gặp khó khăn nhất là thời kì nổ ra vụ Phật Giáo đấu tranh năm 1963, tiếp theo là cuộc đảo chánh lật đổ Nền Đệ Nhất Cộng Hoà (01-11-1963). Lúc đó, anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị giới truyền thông quốc tế lên án là đàn áp Phật Giáo và hệ luỵ là cái chết bi thảm của anh em Ngô Tổng Thống. Thời đen tối ấy là nhiệm kì của Khâm Sứ Salvatore Asta (1962 -- 1964). Không ai biết Cha Thụ nhận định về tình hình khác biệt thế nào đối với vị Khâm Sứ, chỉ biết Cha cảm thấy chán nản, đã xin trở về giáo phận Đà Lạt để làm mục vụ và nghiên cứu sách vở. Vị Khâm Sứ nhất định không chấp thuận với lập luận “Cha làm việc ở đây cũng là làm việc cho Chúa, cho Giáo Hội.”
Khoảng đầu năm 2014, có dịp đọc cuốn hồi kí Sự Thực Có Sức Giải Phóng của LM Trần Văn Kiệm, bạn vong niên của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, thì chúng tôi mới hiểu rõ hơn nỗi u uất của Cha Thụ hồi xẩy ra biến cố Phật Giáo năm 1963. Ở cuối cuốn hồi kí, Bà Đặng Thị Kim Dung, con đỡ đầu của Cha Kiệm và cũng là người biên tập cuốn hồi kí, đã thuật lại như sau: “Theo dòng tư tưởng miên man ấy, tôi nhớ đã hỏi LM Kiệm một câu, liên quan đến vai trò của Toà Thánh Vatican trong vận mệnh của nước Việt. Linh Mục Kiệm bày tỏ rất chân thật nhưng cũng rất dè dặt: - Cha rất buồn Tổng Giám Mục Salvatore Asta con ạ! Khi ngài đến Việt Nam để điều tra việc làm của ông Diệm, cha có đến gặp ngài một lần. Cha đề nghị ngài tiếp xúc với những chỗ đáng tin cậy để lấy tin tức, nhưng ngài không nghe. Ngài tự đi lấy tin tức của nhóm CIA và sau đó từ chối không muốn tiếp cha nữa. Hậu quả thật tai hại” (Sách Sự Thực Có Sức Giải Phóng, hồi kí của LM An tôn Trần Văn Kiệm do Bà Đặng Thị Kim Dung biên tập. Tái bản Tháng 10-2010. Trang195-196).
Cũng vì chúng tôi thường có việc vào Toà Khâm Sứ, cho nên mới để ý thấy, mỗi khi hai anh em đang nói chuyện ngoài phòng khách mà Đức Khâm Sứ đi qua, Cha Thụ vội vàng đứng lên, thái độ kính cẩn, đợi Đức Khâm Sứ đi khỏi mới ngồi xuống. Cha thường nói, “Anh làm việc ở đây phải luôn luôn ý thức để không bao giờ làm điều gì khiến cho các vị ngoại quốc coi thường hàng linh mục Việt Nam.” Về sự kín đáo, Cha bảo phải học người Anh, tất cả mọi nhân viên ngoại giao Toà Đại Sứ Anh khi lên xe bị cấm tuyệt đối không được nói chuyện, bởi vì họ cảnh giác “bức vách có tai.” Mỗi khi có chuyện nhắc tới Cha Thụ, chúng tôi thường được các tu sĩ quen biết nói “không bao giờ cạy răng nổi quan ngài tiết lộ chuyện gì!”
Còn nhớ vào năm 1973, trong một bữa tiệc do chúng tôi khoản đãi, ông xếp lớn của chúng tôi có nhờ chúng tôi giới thiệu với Cha Thụ. Chúng tôi chuyển lời ngay. Cha bảo xin cảm ơn nhưng chưa gặp ngay hôm nay được. Nếu muốn gặp một viên chức chính quyền, Cha phải xin phép Đức Khâm Sứ trước. Vì chuyện này mà chúng tôi biết thêm một chi tiết khác trong kỉ luật ngoại giao.
Lịch làm việc hàng tuần của linh mục thư kí Toà Khâm Sứ rất chặt chẽ, nhưng nếu có việc cần, chúng tôi vẫn có thể tới Toà Khâm Sứ và bấm chuông xin vào. Nhân viên gác cổng sẽ đưa chúng tôi vào phòng khách ngồi đợi. Ngoài ra, chúng tôi cũng có thể tiếp xúc bằng điện thoại với Cha Thụ, trừ ra ngày Thứ Năm. Cha Thụ không tiếp khách và không nghe điện thoại vào ngày Thứ Năm. Lí do là vì mỗi Thứ Năm, Cha phải phụ giúp Đức Khâm Sứ viết và đánh máy báo cáo tình hình đạo, đời, rồi bỏ vào phong thư, gắn xi đóng dấu niêm phong (với con dấu ngoại giao Toà Thánh, bất khả xâm phạm). Đích thân Cha Thụ lái xe bảng số NG (Ngoại Giao) ra thẳng phi trường Tân Sơn Nhất để gửi về Vatican. Thế nhưng Cha dặn chúng tôi, khi có việc gì cần thì cứ gọi, sẽ có một nữ tu trực máy, nếu được báo đúng tên của chúng tôi thì Cha sẽ tiếp chuyện.
Trần Vinh
Năm 1974, Đức Hồng Y Angelo Rossi, bộ trưởng Bộ Loan Báo Tin Mừng đi thăm Miền Nam Việt Nam với tư cách cá nhân. Đức Hồng Y đi thăm khắp nơi: Ngài tới vãng cảnh Lăng Ông Bà Chiểu và quan sát sự thờ cúng của bá tánh. Ngài lên Quốc Lộ 20, Long Khánh, để thăm làng Việt kiều mới hồi hương từ Campuchia. Gặp một thanh niên mặc xà lỏn, mặt mày lấm lem, Đức Hồng Y hỏi: “Linh mục đâu?” Người thanh niên ấy chính là Cha Kiều đã trả lời: “Con là linh mục ở đây.” Cảm động về ông cha xả thân vì bổn đạo, Đức Hồng Y liền lấy hết tiền trong túi áo của Ngài và trao tặng Cha Kiều (Sau này, Cha Kiều lập xứ đạo Tam Bung, Xuân Lộc; nay đã qua đời). Rồi, một chiều mưa rừng lất phất, Đức Hồng Y vén áo tu, lội bùn, vào tận lều để thăm một linh mục thừa sai vừa mới đưa dân thiểu số tị nạn chiến tranh, từ vùng chiến địa chạy về Lâm Đồng. Cha Thụ kể Cha còn nhớ dưới gầm cái sạp ngủ bằng tre của ông cha thừa sai là những cũi nhốt gà nuôi, chúng kêu chí chát….
Tuy không phải là cuộc viếng thăm Việt Nam một cách chính thức, nhưng 300 linh mục Giáo Phận Sài Gòn đã mời Đức Hồng Y Bộ Trưởng tới Đại Chủng Viện Sài Gòn để chào kính Ngài. Cùng đi, có Đức TGM Nguyễn Văn Bình. Đức Khâm Sứ cũng phái linh mục bí thư Trần Ngọc Thụ đi theo để hướng dẫn và làm thông dịch cho Đức Hồng Y, nếu cần. Điều khiển buổi lễ là LM Trần Văn Thông, giám đốc Thông Tin Công Giáo Giáo Phận Sài Gòn.
Sau này, Cha Thụ kể cho chúng tôi nghe về một chuyện không được vui đã xẩy ra trong buổi lễ này. Chương trình đang tuần tự tiến hành theo sự sắp xếp của LM Trần Văn Thông thì đột nhiên LM Thanh Lãng giơ tay xin phát biểu. LM Trần Văn Thông không chấp thuận vì chương trình không có mục nào cho LM Thanh Lãng phát biểu. Đàng khác LM Trần Văn Thông đã biết LM Thanh Lãng là ai và sẽ phát biểu cái gì. Thế nhưng, LM Thanh Lãng không chịu ngồi xuống, ông vẫn khăng khăng xin phát biểu. Cha Thông không đồng ý thì LM Thanh Lãng xin Đức Hồng Y. Đức Hồng Y nói: “Tôi là khách của các cha, tôi đâu có quyền cho hay không.” LM Thanh Lãng quay sang xin Đức TGM Nguyễn Văn Bình. Đức Tổng vốn bản tính hiền lành, bao giờ cũng muốn hoà bình, cho nên xin Cha Thông để cho LM Thanh Lãng phát biểu. Cha Thụ kể, bằng một thứ tiếng Ý ngọng, LM Thanh Lãng tố cáo Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đứng về phía chính quyền Sài Gòn vi phạm Hiệp Định Paris, muốn kéo dài chiến tranh và tố cáo vị Khâm Sứ ở Sài Gòn không báo cáo cho Toà Thánh biết đầy đủ về thực trạng cuộc chiến Việt Nam, cũng như không phản ánh trung thực nguyện vọng yêu chuộng hoà bình chính đáng của nhân dân Miền Nam… Đức Hồng Y hỏi lại: “Cha có đi truyền giáo không? Cha có làm việc mục vụ không?” LM Thanh Lãng trả lời “Si, si. Có, có.” Đức Hồng Y ôn tồn nói thêm: “Tôi cần việc làm, không cần lời nói.”
Cha Thụ cho biết, trước khi Đức Hồng Y đi đâu, gặp gỡ vị nào, Toà Khâm Sứ đều trình sẵn một bản báo cáo trên bàn để Ngài biết trước những điểm cần thiết về các nhân vật mà Đức Hồng Y có thể phải tiếp xúc. Riêng các linh mục, tu sĩ và giáo dân khuynh tả, thiên Cộng thì lại càng phải báo cáo đầy đủ chi tiết hơn cho Đức Hồng Y (Theo đề nghị của Cha Thụ, chúng tôi và anh bạn Bửu Uy, chủ tịch Tổng Hội SVSG 1972-73, đã từng có dịp cung cấp tài liệu cho những bản báo cáo loại này). Do đó, Đức Hồng Y biết ngay LM Thanh Lãng từ ngày du học Thuỵ Sĩ về, chưa bao giờ đi làm mục vụ, chỉ làm giáo sư Đại Học Văn Khoa Sài Gòn là đại học công lập và lãnh lương từ chính phủ VNCH, thế mà ông lại tố cáo chính quyền và tố cáo Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, lại còn nói dối là có đi làm mục vụ. Theo ngôn ngữ của ngành ngoại giao, Đức Hồng Y chỉ nói một cách nhẹ nhàng: “Tôi cần việc làm, không cần lời nói.” Cha Thụ bảo, Đức Hồng Y nói thế là nhắc khéo LM Thanh Lãng rằng Ngài đã biết những nét chính trong lí lịch của ông (thiển nghĩ, hiểu là cảnh cáo cũng không sai).
Ghi chú: Chi tiết LM Thanh Lãng đã phạm sai lầm đối với Giáo Hội, với các đấng các bậc và việc ông chưa làm việc mục vụ là sự thật được minh chứng do chính LM Thanh Lãng thú nhận trong di chúc (Xin đọc trích đoạn di chúc của LM Thanh Lãng ở cuối bài Những điều trông thấy mà đau đớn lòng dưới đây).
Trần Vinh
Bước sang năm 1975, chiến sự ở Miền Nam đột nhiên chuyển biến mau chóng, Quân lực VNCH bắt đầu triệt thoái dần về phía Nam. Sang Tháng 4 thì chiến thắng của Cộng Sản đã cận kề. Nương theo đà thắng lợi của Cộng quân, “Nhóm Công Giáo Tiến Bộ” ở Sài Gòn bắt đầu hành động.
Thành phần của “Nhóm Công Giáo Tiến Bộ” đã kí tên vào bức tâm thư “Gởi Anh Chị Em Công Giáo Miền Nam Việt nam” (nội dung cáo buộc Đức Khâm Sứ Henri Lemaitre một số tội và đòi Ngài phải ra đi) gồm có 8 tổ chức:
Phong Trào Thanh Lao Công
Phong Trào Công Giáo và Dân Tộc
Đoàn Sinh Viên Dự Tập Dòng Chúa Cứu Thế (rất ít)
Nhóm Liên Tu Sĩ Trẻ (rất ít)
Phong Trào Công Giáo Xây Dựng Hoà Bình (ma)
Phong Trào Thanh Niên Công Giáo Đại Học (rất ít)
Tổng Đoàn Thanh Niên Công Giáo (ma)
Liên Đoàn Sinh Viên Công Giáo (rất ít)
Thực sự thì hầu hết các tổ chức kể trên chỉ có dăm ba thành viên, thậm chí chỉ là tổ chức ma mới thành lập hoặc là một người mà tham gia mấy tổ chức, nhưng đã được những kẻ giật dây nặn ra, cốt để gây thanh thế.
Hai thành phần chính yếu trong “Nhóm Công Giáo Tiến Bộ” là các linh mục và các sinh viên Công Giáo “tiến bộ”. Các linh mục “tiến bộ” gồm có: Trương Bá Cần, Huỳnh Công Minh, Phan Khắc Từ, Vương Đình Bích, Thanh Lãng, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Nghị, Nguyễn Thiện Toàn, Trần Viết Thọ, Nguyễn Quang Lãm, Nguyễn Văn Hoà, Hoàng Kim, Nguyễn Văn Trinh, Nguyễn Văn Huệ, Đinh Bình Định... Đông hơn cả là nhóm sinh viên Công Giáo “tiến bộ”. Những tay tranh đấu hung hăng nhất trong nhóm này là Nguyễn Văn Ngọc, Đoàn Khắc Xuyên, Nguyễn Xuân Hàm, Vũ Sĩ Hùng, Nguyễn Chí Thành, Nguyễn Ziên Hồng, Phạm Văn Phổ, Nguyễn Văn Hồng, Trịnh Viết Trung, Dương Thị Hoè, Phi Nga… (Xem Công Giáo Miền Nam Việt Nam sau 30-4-1975 của Nguyễn Antôn. Dân Chúa xuất bản, 1988. Trang 225).
Theo một số tác giả từng là chứng nhân tình hình sau 30-4-1975 thì Cộng Sản đã dùng chiến thuật dùng chính người Công Giáo để đánh phá Giáo Hội Công Giáo Miền Nam, mà tên giáo gian đầu sỏ là Nguyễn Đình Đầu. Một trong số các tác giả ấy là Lữ Giang, tức thẩm phán Nguyễn Cần (VNCH), đã viết: “Nguyễn Đình Đầu, một cán bộ Việt Cộng nội tuyến trong hàng ngũ Công Giáo, ở trong nhóm Sống Đạo, đã đứng đàng sau sắp xếp và tổ chức các trận đánh phá này” (Lữ Giang. Những Bí Ẩn Đàng Sau Các Cuộc Thánh Chiến Tại Việt Nam. 1994. Trang 200) … Ông viết tiếp: “Trong cuốn ‘30 tháng 4’ do nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 1985, ký giả Võ Trần Nhã của Việt Cộng cho biết Nguyễn Đình Đầu là người yểm trợ đắc lực cho việc đưa miền Nam vào tay Cộng Sản” và “… Sau khi Việt Cộng chiếm miền Nam, bên ngoài Nguyễn Đình Đầu không giữ chức vụ gì quan trọng, nhưng bên trong Nguyễn Đình Đầu đã đứng ra tổ chức và giật giây các chiến dịch chống phá Giáo Hội Công Giáo. Từ vụ hô hào trục xuất Đức Khâm Sứ Henri Lemaitre, đòi bãi chức Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận, đến việc lên án các vụ Vinh Sơn, Đắc Lộ, Dòng Đồng Công… đều có bàn tay thúc đẩy của Nguyễn Đình Đầu” (Lữ Giang. Sđd. Trang 220, 221).
Chúng tôi chưa biết Nguyễn Đình Đầu có phải là đảng viên Cộng Sản hay không, nhưng chắc chắn ông ta là kẻ theo Cộng Sản. Loại người này sống ở Miền Nam, nhưng dùng các quyền tự do được hưởng để chống phá Miền Nam và tiếp tay cho Cộng Sản Bắc Việt cưỡng chiếm Miền Nam. Thực sự, họ còn nguy hiểm hơn là chính những cán bộ Cộng Sản, bởi vì kẻ nội thù đâm sau lưng thì khó đỡ hơn kẻ ngoại thù chém chúng ta ngay trước mặt.
Mục tiêu đấu tranh đầu tiên của “Nhóm Công Giáo Tiến Bộ” nhắm vào Đức Khâm Sứ Henri Lemaitre. Họ đòi trục xuất Ngài ra khỏi Việt Nam. Trục xuất Đức Khâm Sứ là đại diện của quốc gia Vatican, của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ tức là muốn cắt đứt liên hệ giữa Vatican với nước Việt Nam Cộng Sản, cắt đứt ảnh hưởng của Giáo Hội Mẹ với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. “Nhóm Công Giáo Tiến Bộ” muốn chứng tỏ lòng thần phục đối với chính quyền Cộng Sản sắp được thành lập ở Miền Nam và muốn dâng công đầu tiên là thiết lập một Giáo Hội Công Giáo tự trị theo kiểu Giáo Hội Công Giáo tự trị bên Tầu Cộng. (1)
Tranh đấu hoặc đánh phá phải có lí do. Không có thì phải tạo ra. Nhóm “Công Giáo Tiến Bộ” tố cáo Đức Khâm Sứ phạm nhiều tội.
Khởi đầu, nhóm này kí tên và phổ biến một bức tâm thư, không đề ngày tháng, nêu rõ lí do và mục tiêu đấu tranh như sau: “Khâm Sứ Henri Lemaitre là người trước đây đã hỗ trợ mạnh mẽ cho chính sách thực dân mới của Hoa Kỳ và cho chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu… Từ trước tới nay, các Khâm Sứ đã xen vào nội bộ của Giáo Hội Việt Nam quá nhiều trái với tinh thần Vatican 2. Giải thoát các Giám Mục MNVN cho khỏi áp lực và xâm lấn của Khâm Sứ Toà Thánh là giúp cho Giáo Hội Việt Nam được trưởng thành.” (Nguyễn AnTôn. Công Giáo Miền Nam Việt Nam sau 30-4-75. Dân Chúa xuất bản, 1988. Trang 218).
Trong một bản cáo trạng in roneo, LM Thanh Lãng quy kết: “Từ trước đến nay, ở Miền Nam có 5 vị Khâm Sứ Toà Thánh thì Đức Khâm Sứ Henri Lemaitre có thành tích bất hảo nhất vì tính chất thực dân, có đường giây điện thoại đỏ với Toà Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam và dính líu với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu” (Nguyễn AnTôn. Sđd. Trang 220).
Lúc ấy, trong Toà Khâm Sứ có Đức Kâm Sứ Henri Lemaitre, một linh mục phụ tá người Ba Lan và linh mục bí thư Trần Ngọc Thụ. Đức Khâm Sứ là mục tiêu “nhắm bắn” chính, còn linh mục phụ tá người Ba Lan và linh mục bí thư người Việt là mục tiêu phụ, đương nhiên 2 vị là những chứng nhân từ đầu đến cuối.
Để đạt mục tiêu trục xuất Đức Khâm Sứ, “Nhóm Công Giáo Tiến Bộ” đã tổ chức 3 cuộc biểu tình đấu tranh:
Lần thứ nhất: Ngày 02-4-1975, họ kéo tới biểu tình trước Toà Khâm Sứ đường Hai Bà Trưng. Họ đòi Đức Khâm Sứ phải ra đi. Đức Khâm Sứ Henri Lemaitre vẫn bình tĩnh, nhẫn nại và can đảm. Ngài từ chối yêu sách của nhóm tranh đấu và dứt khoát không rời khỏi Việt Nam nếu chưa có lệnh của Toà Thánh. Lúc này, Cộng Sản chưa chiếm được Sài Gòn, cho nên “Nhóm Công Giáo Tiến Bộ” chưa có hành động thô bạo.
Lần thứ hai: Ngày 14-5-1975, tức là lúc Miền Nam đã lọt vào tay Cộng Sản, nhóm đấu tranh tỏ ra hết sức hung bạo. Đi đầu là Nguyễn Phúc Khánh, bọn họ trèo tường đột nhập Toà Khâm Sứ, dùng búa đập bể ổ khoá cổng để đám đông tràn vào. Mấy tay xông xáo hơn đã trèo lên mái nhà căng biểu ngữ và hạ cờ Toà Thánh xuống. Bọn họ dùng lời lẽ của phường bất hảo để thoá mạ, hò hét. Mỗi lần hô “Đả đảo! Đả đảo!”, “Henri Lemaitre cút đi, cút đi…!” thì cả bọn đồng loạt giơ lên cao những nắm đấm, y hệt một hoạt cảnh bần cố nông đấu tố địa chủ ở Miền Bắc hồi 1954. Sau đó, họ dùng vũ lực xô đẩy Đức Khâm Sứ, linh mục phụ tá nguời Ba Lan và linh mục bí thư Trần Ngọc Thụ ra khỏi cổng Toà Khâm Sứ, rồi đóng cửa lại.
Trong đợt đấu tranh bạo động này, người ta nhận diện 3 linh mục nổi bật: LM Phan Khắc Từ xách động bên trong Toà Khâm Sứ, LM Huỳnh Công Minh chụp hình liên tục (để báo cáo), còn LM Thanh Lãng thì đứng bên kia đường để “lược trận”. (2)
Rập theo chủ trương của Cộng Sản là dùng bất cứ phương tiện nào miễn là đạt mục đích. Trong những lần đối thoại giữa đôi bên, những tay cầm đầu “Nhóm Công Giáo Tiến Bộ” bất chấp tất cả, đã dám đe doạ Đức Khâm Sứ: “…nếu Đức Khâm Sứ không chịu từ chức và ra đi, thì người ta bắt buộc phải dùng đến một biện pháp 'rất đáng tiếc'” (Nguyễn Antôn. Sđd. Trang 220).
Lần thứ ba: Tối ngày 03-6-1975, “Nhóm Công Giáo Tiến Bộ” lại tổ chức biểu tình tại Toà Khâm Sứ.
Lần này xẩy một sự việc đau lòng. Đó là khi nghe tin Toà Khâm Sứ lại bị “Nhóm Công Giáo Tiến Bộ” quậy phá, hàng ngàn giáo dân trẻ thuộc giáo xứ Bùi Phát kéo nhau đi giải vây cho Đức Khâm Sứ. Đoàn người bị bộ đội Cộng Sản ngăn chặn tại cầu Trương Minh Giảng, một giáo dân bị bắn chết, LM Vũ Bình Định, phó xứ Bùi Phát, bị bắt giữ.
Chiến dịch đánh phá của “Nhóm Công Giáo Tiến Bộ” đã lộ nguyên hình họ là những tên “Giu Đa bán Chúa” bởi vì hành động của họ tạo nên cái cớ rất tốt, rất đúng lúc để chính quyền Cộng Sản ra tay.
Thật vậy, ngay sáng hôm sau, ngày 04-6-1975, Bộ Ngoại Giao Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời MNVN đã mời Đức Khâm Sứ Henri Lemaitre đến để bảo cho biết: “Ngài nên lánh khỏi Việt Nam trong một thời gian, và càng sớm càng tốt, nếu không sự hiện diện của Ngài sẽ không còn được bảo đảm” (Nguyễn Antôn. Sđd. Trang 221). Theo ngôn ngữ ngoại giao phải hiểu đây là lệnh trục xuất. Đức Khâm Sứ phải lấy máy bay để rời khỏi Sài Gòn vào hôm sau, 05-6-1976.
Đức Khâm Sứ đi rồi, linh mục phụ tá người Ba Lan yêu cầu linh mục bí thư Trần Ngọc Thụ phải vào ở thường trực trong Toà Khâm Sứ để phụ với ông đối phó với tình hình mới.
Nghe biết tin này, từ Vatican, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Toà Thánh Jean Villot gửi cho Bộ Trưởng Ngoại Giao Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà MNVN một bức thư nói: “… rất đau lòng khi hay tin… và sẵn sàng mở những cuộc tiếp xúc cần thiết…” (Nguyễn Antôn. Sđd. Trang 222).
Sau khi Đức Khâm Sứ Henri Lemaitre rời Việt Nam, ngài được bổ nhiệm làm khâm sứ Toà Thánh ở Uganda, rồi ở nhiều nước Bắc Âu. Nhiệm sở cuối cùng của Ngài là ở Hoà Lan. Đức Khâm Sứ Henri Lemaitre nghỉ hưu năm 1997 và qua đời năm 2003.
Đức Khâm Sứ đi rồi thì ít lâu sau đến lượt vị linh mục phụ tá người Ba Lan. Chúng tôi không ghi nhận được thêm tin tức gì về vị linh mục phụ tá Đức Khâm Sứ, kể từ khi ông bị trục xuất khỏi Sài Gòn.