LM Nguyễn Văn Tùng, Hải Quân Đại Tá, cựu tuyên uý Quân Đội HK
Khoảng đầu năm 1987, tôi nhận được lá thư từ bên nhà, cha tôi cho biết bệnh thận của ông đã đến thời kỳ cuối, đau đớn vô cùng dù chỉ cựa mình một chút, nên dường như ông đã muốn buông xuôi. Các bác sĩ cho biết, một bên thận của ông đã hoàn toàn không còn hoạt động, bên kia có một cục sạn rất lớn và đã vỡ. Các cạnh sắc bén của những mảnh vỡ cứa vào các vùng chung quanh, gây đau đớn mỗi khi có sự chuyển động.
Thuở đó, ở Việt Nam chưa có máy lọc máu (Dialysis Machine) nên nếu mổ, nhiều phần là cha tôi sẽ chết nên các bác sĩ ở bệnh viện Bình Dân, Saigon, không dám làm gì. Khi đó, dù đã có quốc tịch Mỹ nhưng tôi hoàn toàn không có điều kiện để đưa ông qua đây chữa trị, hơn nữa việc xin giấy tờ của cả hai nước vào cái thời họ còn coi nhau là kẻ thù đó, không dễ dàng chút nào. Tóm lại là tôi đành bó tay và chỉ biết trông chờ vào ơn Chúa.
Mấy tháng sau, tôi được mời tham gia Ủy Ban Chuẩn Bị Mừng Lễ Tôn Phong Hiển Thánh cho 117 Chân Phước Tử Đạo Việt Nam của Liên Đoàn CGVN tại Hoa Kỳ, với tư cách tổng thư ký. Linh mục, tu sĩ và giáo dân từ các nơi trên thế giới đều hướng về ngày trọng đại, 19-6-1988, này. Khoảng tháng 7-1987, Ủy Ban từ Hoa Kỳ, trong đó có những vị như LM Việt Anh (RIP), Đức Ông Mai Thanh Lương (sau này là Giám Mục Phụ Tá của GP Orange, California), LM Trần Công Nghị (giám đốc VietCatholic News), tôi và vài vị nữa, đã qua Roma để họp với những ủy ban khác từ các nước có nhiều người Việt định cư ở các châu Âu và Úc. Tất cả có khoảng trên 40 linh mục, vài nữ tu và giáo dân, đã bàn thảo những chuẩn bị cho ngày đại lễ vào năm sau.
Thời gian này, Đức Ông Vincent Trần Ngọc Thụ (RIP 2002) đang là một trong hai thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tiếng chuyên môn gọi là Đệ Nhị Bí Thư (Protonotarii Apostolicii). Ngài còn là Cáo Thỉnh Viên (Postulator) cho vụ án phong thánh, nên đã đến tham dự các buổi họp và đóng góp nhiều ý kiến giá trị, cần thiết và phù hợp với phong cách làm việc của Tòa Thánh.
Một hôm, Đức Ông Thụ báo một tin thật vui và bất ngờ: Đức Thánh Cha đã mời cả đoàn vào nhà nguyện riêng trong điện Vatican để dâng thánh lễ đồng tế với ngài. Mọi người đều sung sướng chuẩn bị đầy đủ để “nhập triều”; riêng ĐÔ Lương, cha Việt Anh và tôi cảm thấy bối rối vô cùng vì hành trang của chúng tôi đã bị hãng bay làm thất lạc hết. Tôi thì chỉ có một bộ quần áo thường với chiếc áo khoác bên ngoài (sport jacket) màu xám nhạt. Chúng tôi đã phải mượn áo lễ của các cha khác, tôi mượn thêm được chiếc áo có cổ “côn” màu xám sậm để trông có vẻ giáo sĩ một tí. (Tiếc rằng bức hình cả đoàn chụp chung với Đức Thánh Cha sau lễ và các hình tôi được bắt tay với ngài, đã bị cơn bão Katrina cuốn đi hết vào năm 2005).
Trước 5 giờ sáng, ĐÔ Thụ đưa chúng tôi lên lầu, cùng lầu với phòng ngủ và phòng làm việc của Đức Thánh Cha, nơi có cửa sổ mà các ngày thứ tư trong tuần, ĐTC đã đọc kinh trưa (Angelus) với những giáo dân quy tụ dưới công trường thánh Phêrô, sau buổi tiếp kiến chung. Nhà nguyện riêng của ĐTC cũng ở trên lầu này, nhỏ đến độ chỉ thêm mấy chục người chúng tôi là đã chật. Đúng 5 giờ, ĐTC vào nhà nguyện, ngài quì và suy gẫm khoảng 10 phút. Sau đó, ngài chủ tế thánh lễ và chúng tôi đứng tại chỗ để đồng tế với ngài. Chẳng cần phải nói cũng biết mọi người đều rất sốt sắng trong thánh lễ đồng tế với vị chủ chăn của giáo hội hoàn vũ là Đức Thánh Cha!
Sau lễ, chúng tôi được mời ra sảnh đường bên ngoài nhà nguyện. Ở đây, mọi người đứng dọc theo các vách tường của sảnh đường để chờ gặp Đức Thánh Cha. Ngài ra, với nụ cười hiền từ, nhân hậu, bắt tay thăm hỏi từng người và tặng mỗi người một xâu chuỗi. Tôi chợt nghĩ, đã vượt đường xa như vậy để được diện kiến với ĐTC, chẳng lẽ lại không xin ngài điều gì? Trong cơn bối rối, tôi đã quên hẳn việc cha tôi đang bị bệnh nặng ở quê nhà, cho đến khi ĐTC bắt tay vị linh mục đứng bên cạnh tôi! Nắm tay ngài, tôi đã nói trong xúc động: “Xin Đức Thánh Cha cầu nguyện cho bố con với, ông bị bệnh nặng lắm!” Ngài mỉm cười, gật đầu rồi bước qua bắt tay người đứng phía bên kia của tôi. Sau đó, thình lình ngài quay lại hỏi tôi: “Bố con đang ở bên Mỹ với con phải không?” Tôi trả lời: “Thưa ĐTC không, bố con còn đang ở Việt Nam.” Ngài lại mỉm cười và nói: “Cha sẽ cầu nguyện cho bố con.”
Sau khi chụp hình chung với Đức Thánh Cha, chúng tôi ra khỏi khu nhà riêng của ngài mà lòng phơi phới. Sự thánh thiện hiển hiện ngay trong sự hiện diện của ngài đã làm cho mọi người cảm thấy hạnh phúc vô vàn. Hạnh phúc hơn là còn được chạm đến vị thánh nhân ấy.
Trở lại Mỹ, chúng tôi khởi sự ngay việc đi giảng các nơi để loan tin hồng ân của giáo hội CGVN đồng thời khuyến khích mọi người chuẩn bị về Roma tham dự ngày đại lễ vào năm sau, 19-6-1988. Riêng tôi, phụ trách việc viết và thu nhận các tài liệu về Lễ Phong Thánh, in thành bản tin hàng tháng và phát hành chung với các nguyệt san tiếng Việt lúc bấy giờ.
Khoảng 3 tháng sau, tôi lại được tin từ cha tôi: Ông đã đi mổ thận và đã khỏi bệnh! Tôi buông lá thơ trên mặt bàn và thõng hai tay xuống như người không còn chút sức lực nào. Chúa đã nhậm lời cầu của Đức Thánh Cha và đã làm phép lạ trên cha tôi! Ước chi tôi có thể bay thẳng qua Roma ngay lúc ấy và báo tin vui cho ngài biết. “Biết lấy gì cảm mến, biết lấy chi báo đền…” (Tâm Tình Hiến Dâng của Oanh Sông Lam) bài thánh ca tôi đã tự chọn cho thánh lễ đầu đời trong ngày tạ ơn, gần mười năm trước, lại vang lên trong đầu… Ôi, tất cả là hồng ân!
Cha tôi cho biết, một hôm, các bác sĩ ở bệnh viện Bình Dân lại gọi ông lên Saigon. Không biết chuyện gì nhưng ông vẫn cố nhịn đau để đi. Đến nơi, họ giải thích nhiều nhưng tựu trung có thể diễn tả bằng những lời thẳng thắn này: “Ông cụ (lúc ấy cha tôi đã 66 tuổi) đằng nào cũng không qua khỏi, cứ để cho chúng tôi mổ, ít ra cũng học được chút kinh nghiệm để giúp những bệnh nhân về sau, nhá!” Còn gì nữa mà cha tôi phải chọn lựa! Những cơn đau ngất người đã khiến ông như không còn chịu đựng được, nên ông đã nhanh chóng nhận lời, như mong tìm một lối thoát!
Cha tôi kể thêm rằng: Khi mổ ra, thoạt tiên, các bác sĩ nhận xét về quả thận không còn hoạt động, thực ra nó chỉ bị sa xuống chứ chưa hoàn toàn hư hỏng. Đây là hậu quả của những năm làm việc vất vả thuở còn trẻ của ông, kể cả lần bị té nặng, đập sườn vào cạnh xi măng. Họ nâng quả thận lên, giúp nó hoạt động trở lại và thấy nó chạy tốt. Vì vậy, họ đã quyết định mổ quả thận thứ hai, viên sỏi đã bị bể ra thành 9 mảnh với các cạnh thật sắc. Vài mảnh nhỏ hơn còn lọt vào cả ống dẫn tiểu. Họ lấy các mảnh sạn đó ra hết rồi khâu lại. Tuần sau, họ cho cha tôi về nhà với hai quả thận tốt! Chỉ đơn giản là vậy!
Đã 30 năm qua, cha tôi không hề bị trở ngại với các quả thận của ông nữa.
Tôi tin, qua lời cầu nguyện của ĐTC Gioan Phaolô II, vị thánh sống ở trần gian và hiển thánh sau khi về trời, mà Chúa đã chúc lành cho cha tôi, cho gia đình tôi đến như vậy!
“…Hồng ân Chúa cao vời, Chúa đã làm cho (chúng) con…”
Ngợi khen Thiên Chúa đến muôn muôn đời!
Tạ ơn Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II!
Và xin kính cẩn tưởng niệm Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ!
LM Paul Tùng, Hải Quân Đại Tá, cựu tuyên uý Quân Đội HK