Từ hồi tháng 10-1998, sau khi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cho biết có ý định mời Đức Thánh Cha qua viếng thăm Việt Nam vào tháng 8 -1999, nhân dịp Lễ Bế Mạc Năm Thánh Kỷ Niệm 200 Năm Đức Mẹ Hiện Ra Tại La Vang, thì dư luận bàn tán sôi nổi về cuộc viếng thăm lịch sử này, trong cũng như ngoài nước.
Tất cả mọi người Công Giáo Việt Nam đều mong ước Đức Thánh Cha viếng thăm Việt Nam và một số người không Công Giáo cũng chia sẻ nỗi ước nguyện này: Sự hiện diện của vị cha chung của Giáo Hội hoàn vũ trên đất nước của con cái đã đau khổ suốt nửa thế kỷ qua, chắc chắn là một niềm an ủi lớn lao, một nỗi khích lệ mạnh mẽ và dĩ nhiên là một sự lo ngại cho nhà nước Cộng Sản.
Vì thế cho đến ngày hôm nay, nhà nước Cộng Sản vẫn chưa chính thức mời Đức Thánh Cha, trước sự mong mỏi của mọi người. Tâm tình của Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, có thể nói là tâm tình của mọi người. Ngài tuyên bố với hãng thông tấn Fides như sau: “Tôi đã chính thức xin nhà nước mời Đức Thánh Cha nhưng chưa thấy có trả lời. Chúng tôi chờ đợi và cầu nguyện cho việc Đức Thánh Cha thăm Việt Nam được thực hiện, vì có nhiều vấn đề phải giải quyết.”
Ngày Chủ Nhật 14-3-1999, phái đoàn Toà Thánh lên đường đi Việt Nam.
Chính lúc này, chúng ta mới thấy tại sao nhà nước không mời Đức Thánh Cha qua thăm Việt Nam. Bà Phan Thuý Thanh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, vào ngày 04-3-199, loan báo tin này và tuyên bố: “Nội dung cuộc gặp gỡ là trao đổi ý kiến về việc bổ nhiệm các giám mục tại các giáo phận trống ngôi hay thay thế các vị quá già yếu hay bệnh hoạn.” Được hỏi là Việt Nam có dự trù mời Đức Thánh Cha viếng thăm Việt Nam hay không thì bà trả lời là: “Vấn đề liên hệ ngoại giao cần thiết trước hết.”
Rồi chính quyền Việt Nam chính thức tuyên bố: “Muốn tiếp đón một quốc trưởng, trước hết phải thiết lập quan hệ ngoại giao.” Họ cố ý nói muốn tiếp đón Đức Thánh Cha vừa là giáo hoàng vừa là quốc trưởng thì trước tiên, phải có liên hệ ngoại giao.
Như vậy chúng ta thấy rõ ý của nhà nước: Họ không nhằm việc mời Đức Thánh Cha qua thăm Việt Nam, nhưng nhằm việc thiết lập quan hệ ngoại giao. Sau khi đã rõ ý của nhà nước Việt Nam thì phát ngôn viên của Toà Thánh là ông Joaquin Navazzo Valls cũng tuyên bố: Cuộc gặp gỡ sắp tới sẽ bàn đến việc nghiên cứu để đi đến việc thiết lập bang giao giữa Toà Thánh với Hà Nội.
Phái đoàn Toà Thánh sau khi ở Việt Nam về cũng xác nhận: Trong giai đoạn này hai bên sẽ tìm phương cách để đi đến thiết lập bang giao.
Hiện giờ việc Đức Thánh Cha viếng thăm Việt Nam sẽ bị để qua một bên và mục tiêu trọng yếu của nhà nước Hà Nội là tìm cách thiết lập bang giao.
Thật ra, các nhà quan sát quốc tế đều thấy rõ ý nghĩa việc Hà Nội cho phép Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngỏ ý mời Đức Thánh Cha qua thăm Việt Nam mà chính nhà nước lại không mời: Nhà nước Việt Nam rất sợ ảnh hưởng của Đức Thánh Cha khi Ngài hiện diện giữa con cái thuộc Giáo Hội Việt Nam và giữa sự đau khổ của dân tộc Việt Nam. Bản lãnh đạo đức của Ngài sẽ chiếu sáng, lôi cuốn mọi người nhìn rõ chân lí, nhìn rõ công lí hoà bình. Tiếng nói của Ngài sẽ như tiếng lương tâm kêu gào của con người như mọi người đã thấy vang dội tại Cuba và Mỹ Quốc trước mặt Tổng Thống Clinton.
Nhưng tại sao nhà nước Cộng Sản Hà Nội lại cho phép Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mời Đức Thánh Cha qua Thăm Việt Nam?
Đây là ý đồ của họ muốn dọn đường đi tới bang giao. Ý đồ này chính họ đã để lộ ra trong lời tuyến bố của bà Phan Thuý Thanh và của nhà nước: “Muốn tiếp đón một quốc trưởng trước tiên phải thiết lập quan hệ ngoại giao.” Vì thế họ không chính thức mời Đức Giáo Hoàng.
Trước khi nói đến mối bang giao có thể có giữa Vatican và nhà nước Cộng Sản Việt Nam, chúng ta cũng nên hiểu qua bản chất và ý nghĩa của các mối bang giao của Toà Thánh Vatican với các nước trên thế giới nằm trong khuôn khổ của sứ mệnh mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Giáo Hội:
“Mọi quyền bính đã được ban cho Thầy ở trên trời và dưới dất. Vậy chúng con hãy đi khắp mọi dân, mọi nước tuyển chọn môn đệ, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần và dạy cho họ giữ những điều Thầy đã dạy bảo chúng con. Và đây Thầy ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (MT 28, 19-20).
Giáo Hội, nhất là Công Đồng Vatican II, đã hiểu sứ mệnh ấy là sứ mệnh của Giáo Hội giữa lòng trần thế. Tư tưởng này đã được đặc biệt trình bày trong Hiến Chế “Vui Mừng và Hi Vọng.” Hiến Chế bắt đầu bằng một lời xác quyết rất thâm thuý bao gồm tất cả những tư tưởng sâu xa của mối tương quan mật thiết giữa Giáo Hội và trần thế.
“Vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ….” Rồi khi nói đến vai trò của Giáo Hội, Hiến Chế giải thích “… là một đoàn thể hữu hình và là cộng đoàn thiêng liêng, Giáo Hội đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng nhau chia sẻ một số phận trần thế, với thế giới; Giáo Hội như men và hồn của xã hội loài người, phải được đổi mới trong Chúa Kitô và biến thành gia đình của Thiên Chúa” (Số 40).
Xã hội loài người được tổ chức thành cộng đồng quốc gia, có người lãnh đạo chịu trách nhiệm về sự sống còn và thăng tiến của xã hội ấy. Vì thế muốn giúp các cộng đồng quốc gia thăng tiến về mặt đạo đức, Giáo Hội phải có một mối liên hệ tối thiểu với các tổ chức lãnh đạo các cộng đồng quốc gia này. Các mối liên hệ bang giao của Giáo Hội phát xuất từ các nhu cầu thiêng liêng và đạo đức này của con người sống trong các cộng đồng quốc gia. Vì thế từ thời xa xưa, các Đức Giáo Hoàng đã dùng các hội đồng (concilium) hay các tổ chức luật pháp quan trọng khác để đại diện cho mình. Từ thế kỉ thứ XI về sau, công tác này được trao cho các đức hồng y và được gọi là đặc sứ từ bên cạnh Đức Giáo Hoàng (Légat de latere), cũng có khi trao cho các giám mục chính toà quan trọng. Các vị này được gọi là đặc sứ bẩm sinh (Legati nati).
Vào thế kỉ thứ XV, các vị đại diện Đức Thánh Cha (phần nhiều là giám mục) trong các việc riêng biệt hay ít quan trọng thì gọi là sứ thần Toà Thánh (Nonce). Sang thế kỉ XVI thì có các toà sứ thần thường trực (Nonciature permanente), vì thế họ thường được đặt bên cạnh một nước, một cộng hoà, một công quốc (principauté) độc lập, với trách nhiệm giống trách nhiệm của các vị đặc sứ bên cạnh Toà Thánh xưa (Légat a latere). Còn các vị sứ thần Toà Thánh thì chỉ được sai đi trong các trường hợp bất thường. Họ được trao cho các đặc nhiệm sau đây: Thay mặt Toà Thánh quyền phán quyết trong các vụ kiếu nại nhất định, thương thuyết các việc chính trị…
Hiện tại, các sứ thần Toà Thánh thường được chức trưởng đoàn ngoại giao trong một số quốc gia. Nơi nào sứ thần Toà Thánh không được ân huệ ấy, thì Toà Thánh đặt một vị gọi là Prononce, ngang hàng một đại sứ (quyền sứ thần). Vì một lí do nào đó, toà sứ thần phải thiếu vắng lâu dài, thì Toà Thánh đặt một vị gọi là Internonce (sứ thần tạm quyền). Vị này đảm trách công việc của sứ thần vắng mặt và có tính cách ổn định có thể so sánh với bậc công sứ toàn quyền (ministre plénipotentaire). Bộ giáo luật mới nói về các sứ thần Toà Thánh trong các số tiếp nhau, từ số 362-367.
Số 364 định nghĩa vai trò của các phái viên Toà Thánh (các vị sứ thần hoặc khâm sứ Toà Thánh) như sau: “Nhiệm vụ chính yếu của phái viên Toà Thánh là lo liệu cho mối giây hợp nhất giữa Toà Thánh với các giáo hội địa phương mỗi ngày được thêm bền chặt và hiệu lực hơn…” Số luật này kể ra 8 nhiệm vụ chính để thực hiện mục tiêu này. Số 365, còn thêm các nhiệm vụ khác đối với các quốc gia: “Ngoài ra, phái viên Toà Thánh kiêm nhiệm việc đại diện Ngài bên cạnh các quốc gia theo các quy tắc của luật quốc tế và còn có nhiều nhiệm vụ:
1/ Cổ võ và duy trì mọi liên lạc giữa Toà Thánh với chính quyền;
2/ Dàn xếp mọi vấn đề liên hệ tương quan giữa Giáo Hội và quốc gia; và đặc biệt là lo việc kí kết những thoả ước hay các quy ước tương tự, cũng trông coi việc thi hành các thoả ước ấy.
Khi một phái viên Toà Thánh không được trao phó thêm nhiệm vụ chính trị thì gọi là “Khâm sứ Toà Thánh” (Délégué Apostolique) người chỉ lo săn sóc cho Giáo Hội thuộc thẩm quyền và người được tự do gặp gỡ và báo cáo về cho Đức Giáo Hoàng. Việt Nam chúng ta từ đầu thế kỉ thứ XX, đã có toà khâm sứ, trước tiên tại Huế, rồi đến Hà Nội và sau hết là Sài Gòn.
Sau khi chúng ta thấy mục tiêu của Toà Thánh Vatican trong mối liên hệ ngoại giao, chúng ta cũng nên tìm hiểu bản chất và mục tiêu của các quốc gia khi trao đổi liên hệ ngoại giao với nhau.
Theo nguyên tự Hi Lạp tiếng “ngoại giao” có nghĩa là nghệ thuật thảo luận các vấn đề quốc gia, đặc biệt các vấn đề có liên hệ đến chính trị đối ngoại. Các nhân viên ngoại giao là những người được một quốc gia sai đến một quốc gia khác để đại diện quốc gia ấy một cách trường kì hoặc tuỳ nhu cầu hoàn cảnh để thương lượng về một vấn đề hay toàn bộ các vấn đề quốc tế. Vấn đề then chốt của mối liên hệ ngoại giao là làm cho cả đôi bên được có lợi mà chẳng thiệt hại bên nào. Khi mối lợi của bên này có bản chất hoàn toàn mâu thuẫn với mối lợi bên kia, thì có hai giải pháp ngoại giao:
Một: Hai bên nhượng bộ nhau và chấp nhận cái bất lợi tối thiểu (minus malum).
Hai: Nếu hai bên hoàn toàn không nhượng bộ thì không thể đi tới liên hệ ngoại giao. Và nếu mối liên hệ ngoại giao đã có thì nó phải đổ vỡ.
Mặc dù giới hạn một bài bình luận nhỏ không cho phép nói nhiều về lý thuyết, nhưng ít ra chúng ta đã có một khái niệm tối thiểu về nội dung của các mối bang giao quốc tế.
Giờ đây chúng ta đi vào thực tế, nghĩa là đi vào vấn đề bang giao giữa Toà Thánh Vatican với nhà nước Cộng Sản Việt Nam. Có 4 vấn nạn, nếu giải quyết được, có thể soi sáng cho chúng ta thấy rõ viễn tượng của Giáo Hội quê hương Việt Nam một phần nào.
1. Phía nào đưa ra ước nguyện thiết lập bang giao đầu tiên?
Như chúng ta biết, Toà Thánh Vatican luôn luôn mong ước thiết lập liên hệ ngoại giao với tất cả mọi quốc gia có cộng đồng Công Giáo để có sự hiện diện bên cạnh con cái và giúp con cái sống đời sống chứng tá đức tin. Hãng thông tấn Fides số 3311 ngày 12-3-1999 quả quyết: “Đối với Vatican, trước nguồn tin ấy (về việc bang giao của Toà Thánh với nhà nước Cộng Sản Việt Nam) ở Roma người ta không cho đó là biến cố nổi bật. Bởi lẽ đó không phải là một điều mới lạ: Đã bao năm qua, mỗi năm khi phái đoàn Toà Thánh đến viếng thăm Hà Nội để trao đổi câu truyện, phái đoàn sẵn sàng cởi mở đối với mọi vấn đề: Vấn đề liên hệ ngoại giao với Toà Thánh đã là một trong những vấn đề đưa ra bàn cãi. Trong quá khứ, chính nhà nước Việt Nam đã loại gạt vấn đề này ra bên lề” (12-3-1999).
Ngược lại, hôm nay, chính nhà nước Việt Nam lại đưa ra tin sốt dẻo này qua phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Việt Nam là bà Phan Thuý Thanh tuyên bố tại Singapore.
Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng, tổng giám mục Hà Nội khi được tin này thì tuyên bố, theo hãng thông tấn Fides ghi lại: “Đã lâu rồi, chúng tôi mong đợi tin này, cho dù chúng tôi là hàng giám mục, chúng tôi chưa được chính thức thông báo. Toàn dân Việt Nam ước mong cho mối bang giao này được chào đời, bởi vì nhờ đó mà Đức Thánh Cha dễ dàng đến thăm Việt Nam. Tôi đã chính thức xin nhà nước mời Đức Thánh Cha, nhưng cho đến bây giờ họ chưa trả lời. Chúng ta hãy đợi chờ và cầu nguyện bởi vì còn nhiều vấn đề phải thương thuyết.”
Vì lí do gì mà nhà nước Việt Nam hôm nay lại đưa ra sáng kiến muốn bang giao với Toà Thánh? Câu hỏi này chúng ta sẽ tìm câu trả lời khi nói đến các mối lợi của đôi bên trong mối bang giao.
2. Trong mối bang giao này, cái lợi của đôi bên có hoàn toàn mâu thuẫn không?
Đứng trên phương diện lý thuyết mà nhận xét, thì cái lợi của nhà nước Cộng Sản Việt Nam tức là cái lợi mà Đảng Cộng Sản theo đuổi, hoàn toàn trái ngược, mâu thuẫn với cái lợi mà Giáo Hội Công Giáo theo đuổi. Điều này quá rõ ràng: Cộng Sản là một ý thức hệ vô thần. Khi áp dụng vào chính trị thì lấy đấu tranh giai cấp làm nền tảng, nghĩa là Đảng Cộng Sản dùng hận thù làm nền tảng cho việc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Vì thế, Cộng Sản xem tôn giáo là kẻ thù số một và chính trị của Đảng Cộng Sản nói được là một hệ thống chính trị bài trừ tôn giáo.
Ngược lại, Giáo Hội Công Giáo tin vào Thiên Chúa và Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành vạn vật, Đấng Cứu Chuộc nhân loại. Đó là nền tảng đức tin của Giáo Hội và Giáo Hội Công Giáo lấy yêu thương làm nền tảng để xây dựng cộng đồng dân Chúa.
Trên thực tế, mọi việc xẩy ra sau ngày 30-4-1975 đến bây giờ, đều chứng minh những điểm của lý thuyết đã nêu trên. Nhưng vì nhu cầu thực tế của hoàn cảnh quốc tế nên, nhà nước Cộng Sản Việt Nam đã nhân nhượng và chấp nhận các đòi hỏi tối thiểu của Giáo Hội Công Giáo như chúng ta đang thấy.
Nhà nước Cộng Sản có thể nhân nhuợng rất nhiều trên các địa hạt, nhưng cái then chốt mà nhà nước không thể nhân nhượng là: Giáo Hội Công Giáo Việt Nam phải do nhà nước Cộng Sản Việt Nam, tức là do Đảng Cộng Sản Việt Nam điều hành, chứ Giáo Hội không thể hoàn toàn tự do độc lập trong việc điều hành cơ cấu và trong việc tổ chức sinh hoạt của mình. Họ phân biệt rõ ràng 2 cách nói: Giáo Hội Công Giáo của Việt Nam và Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam (Église Catholique du Việt Nam et l’Église Catholique au Việt Nam).
Khi họ bảo: Giáo Hội giữa lòng dân tộc là họ hiểu: Giáo Hội Công Giáo của Việt Nam, của dân tộc Việt Nam (Eglise Catholique du Vietnam). Vì thế, Giáo Hội giữa lòng dân tộc là một Giáo Hội sống giữa lòng dân tộc Việt Nam phải bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam theo luật pháp của nhà nước Việt Nam. Điều 3 của phần II trong “Chỉ thị của Bộ Chính Trị” ra ngày 02-7-1998 xác định như sau: “Mọi cá nhân và tổ chức hoạt động tín ngưỡng tôn giáo phải tuân thủ hiến pháp và pháp luật; có nghĩa vụ phải bảo vệ lợi ích của tổ quốc Việt Nam và xã hội chủ nghĩa; gìn giữ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia.”
Đúng là một Giáo Hội Công Giáo của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Vừa rồi, khi được tin phái đoàn Toà Thánh sẽ sang viếng thăm Việt Nam để thương lượng về bang giao, Hà Nội liền tuyên bố mạnh mẽ là: “Vatican không được ảnh hưởng trực tiếp trên Giáo Hội Việt Nam và không được đương nhiên chuẩn y các việc bổ nhiệm của Đức Giáo Hoàng” (Reuter 04-3-1999 giờ 15,37). Đức Cha Claudio Celli sau nhiều lần dẫn đầu phái đoàn Toà Thánh Vatican qua thăm Việt Nam, cuối cùng đã kết luận như sau về vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam: “Tại Việt Nam, Giáo Hội Công Giáo được tự do, nhưng là tự do xin phép!”
Ngược lại, Giáo Hội Công Giáo thì hiểu là Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam (Eglise Catholique au Vietnam). Nghĩa là cộng đồng dân Chúa tại Việt Nam là một giáo hội địa phương (Eglise particulère, theo tiếng của Công Đồng Vatican II), một thành phần của Giáo Hội hoàn vũ trực thuộc Đức Thánh Cha là Đấng kế vị Thánh Phêrô để điều hành Giáo Hội. Giáo Hội địa phương trực thuộc Đức Thánh Cha trong cuộc sống tự lập của mình, với quyền hạn tổ chức phẩm trật do Đức Giáo Hoàng giao phó. Nhưng Giáo Hội này tuân giữ luật pháp của chính quyền địa phương, khi luật pháp này không đi ngược lại luật pháp tự nhiên do Thiên Chúa đặt trong bản tính con người. Giáo Hội địa phương này cũng có bổn phận bảo vệ và xây dựng tổ quốc của mình dưới quyền điều hành của các vị lãnh đạo theo đường lối chính đáng để phục vụ dân tộc. Khi nhà cầm quyền làm ngược lại với công ích, với quyền lợi dân tộc thì Giáo Hội không buộc phải tuân theo.
3. Nếu cái lợi của đôi bên hoàn toàn mâu thuẫn, thì có yếu tố nào giúp hoà hợp lại để đôi bên có thể nhân nhượng nhau mà đi tới mối bang giao không?
Trước tiên, chúng ta nhìn vào phía nhà nước Cộng Sản Việt Nam.
Như đã nói trên, từ ngày Toà Thánh Vatican viếng thăm Việt Nam, nghĩa là từ năm 1990 đến hôm nay, mỗi lần Toà Thánh nhắc đến việc bang giao, thì nhà nước Cộng Sản Việt Nam đều gạt đi. Nhưng hôm nay thì chính phủ Cộng Sản Việt Nam lại đi trước đưa ra vấn đề thiết lập bang giao, bằng cách cho phép Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mời Đức Thánh Cha qua thăm viếng Việt Nam. Các lý do thúc đẩy nhà nước Việt Nam tìm cách bang giao với Toà Thánh, đó chính là các yếu tố đưa đến việc hoà hợp đôi bên để đi đến bang giao. Có nhiều lý do chính, hoặc từ nội bộ, hoặc từ hoàn cảnh chính trị quốc tế.
Các lý do nội bộ
Nếu các tôn giáo hợp lực với nhau, đó là mối đe doạ sinh tử cho chế độ độc tài Cộng Sản.
Các lý do ngoại lai
Đây là con đường mà Việt Nam muốn theo để thoát ra khỏi tình trạng cô lập và chèn ép giữa 2 cường quốc Mỹ - Hoa.
Trong hoàn cảnh chính trị quốc tế hiện này, ảnh hưởng của Vatican rất lớn, như chúng ta thấy tiếng nói của Đức Thánh Cha tại Cuba và tại Mỹ vừa rồi. Một mối bang giao với Toà Thánh sẽ giúp ích không ít để đối phó với hoàn cảnh hiện tại của nhà nước Cộng Sản. Các lý do nội bộ, xem ra không phải là lý do chính để thúc đẩy Đảng Cộng Sản bang giao với Vatican. Nhưng thực ra thì sức mạnh tôn giáo là lý do quyết định trong sự xoay chiều này. Khi mà dân chúng bắt đầu chán ghét nhà nước, nếu thân thiện được với một tôn giáo như Giáo Hội Công Giáo chẳng hạn, thì có thể có phương thế để nói chuyện với nhân dân, và bảo đảm được sự sống còn của nhà nước.
Đến đây chúng ta nhìn vào Vatican, để xem những lý do nào có thể đưa Vatican đến bước nhượng bộ để thiết lập bang giao với nhà nước Cộng Sản Việt Nam.
Như chúng ta đã nhiều lần ghi lại trên đây: Vatican luôn luôn tỏ ý muốn bang giao với Việt Nam. Lý do thúc đẩy Vatican bang giao không phải là lý do kinh tế chính trị, nên không có hoàn cảnh nào ngăn cản ý định của Giáo Hội Công Giáo theo đuổi mục đích của mình là liên hệ gần gũi con cái và giúp thăng tiến các dân tộc! Một lợi ích thiêng liêng tinh thần thì không thể bị một lý do vật chất cản trở hay thúc đẩy.
Vatican đã thiết lập quan hệ bang giao với 171 nước trên thế giới, với các nưóc dân chủ tự do, cũng như các nước Hồi Giáo như Libia, Iran… và các nước Cộng Sản như Cuba… cho dù các nước này, sau khi đã bang giao vẫn cấm cách, có khi bắt bớ các tín hữu Công Giáo.
Để đi tới bang giao vì những lý do có lợi thúc đẩy, hai bên nhà nước Cộng Sản và Vatican có thể nhượng bộ nhau trong các điểm nào? Chúng ta phải suy đoán xem nhà nước Cộng Sản Việt Nam sẽ nhượng bộ điều gì và điểm nào họ không thể nhượng bộ được, và nếu có nhượng bộ cũng sẽ chỉ là lời nói suông.
Sau 25 năm kinh nghiệm đàn áp đạo Công Giáo và trong bối cảnh hiện tại của chính trị quốc tế, nhà nước Cộng Sản sẽ nhượng bộ Giáo Hội Việt Nam trong nhiều điểm:
*Họ có thể trả lại một số tài sản cho Giáo Hội Việt Nam.
*Họ có thể cho rất nhiều tự do trong việc phụng tự, trong việc đào tạo nhân sự, trong việc xây cất các nhà thờ và các cơ sở khác.
*Họ có thể cho nhiều tự do hơn trong việc cho các linh mục tu sĩ đi du học, như họ đang làm một cách tiết kiệm như bây giờ.
*Họ có thể cho các giám mục tự do đi ra hội họp ở nước ngoài.
Nhưng có một điều họ không thể và không bao giờ nhượng bộ là chủ quyền của nhà nước trên Giáo Hội Công Giáo. Điều này họ luôn luôn nhắc nhở trong bất cứ một văn kiện nào nói đến Công Giáo.
Chủ quyền ở đây có nghĩa là: Giáo Hội Công Giáo Việt Nam phải là Giáo Hội Công Giáo của nước Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.
Nếu hiểu theo nghĩa đức tin Công Giáo, thì Giáo Hội Việt Nam là thành phần của Giáo Hội hoàn vũ dưới quyền cai quản của Đức Thánh Cha, nhưng đang sống tại Việt Nam.
Nhà nước Cộng Sản cho rằng hiểu như vậy là phạm đến chủ quyền của nhà nước Việt Nam.
Khi bang giao với Toà Thánh, là họ có ý đồ muốn đặt mình ngang hàng với Toà Thánh để điều hành Giáo Hội Việt Nam trong tổ chức sinh hoạt, cũng như trong việc xử dụng tài sản và sắp đặt nhân sự.
Trong cuộc viếng thăm của phái đoàn Toà Thánh tại Việt Nam vào tháng 3 -- 1999, phái đoàn đã nhận xét được nguy cơ “Giáo Hội của Việt Nam.” Theo nhận xét của phái đoàn: Hiện giờ nhà nước Việt Nam đổi hẳn thái độ: từ cứng rắn ra mềm dẻo, từ cao ngạo ra lịch sự… và đó là nguy cơ vì họ muốn đặt mình ngang hàng Toà Thánh Vatican trong việc điều hành Giáo Hội Việt Nam.
Đứng trước thái độ khôn khéo của nhà nước Cộng Sản như vậy, Toà Thánh Vatican sẽ đối ứng thế nào?
Chúng ta là con cái của Giáo Hội, chúng ta biết chắc Giáo Hội thừa kinh nghiệm và khôn ngoan để đối phó. Chúng ta chỉ biết một điều, điều mà chúng ta thường thấy qua các lời tuyên bố và hành động của Đức Thánh Cha, khi Ngài viếng thăm một quốc gia: Vừa bước chân xuống khỏi máy bay, cử chỉ đầu tiên là Đức Thánh Cha quỳ xuống hôn đất của quốc gia dân tộc ấy. Phải chăng Ngài muốn nói rằng: mục đích đầu tiên và chính yếu của cuộc viếng thăm là quốc gia dân tộc, còn chính phủ hay Giáo Hội Công Giáo là thứ yếu? Chúng ta hãy nghe lời tuyên bố của Đức Thánh Cha khi Ngài đặt chân xuống đất của Cuba ngày 21-01-1998:
“Tôi tạ ơn Thiên Chúa là Chúa của lịch sử và là Chúa của vận mạng chúng ta, đã cho tôi đi đến đất này mà ông Cristoforo Colombo gọi là ‘Mảnh đất đẹp nhất mà mắt con người chưa bao giờ được thấy…’ Đây là một niềm vinh dự cho tôi được viếng thăm dân tộc này, được ở giữa quý anh em và được chia sẻ với anh em vài ngày đầy niềm tin, đầy hi vọng và đầy yêu thương.” Và Ngài kết thúc lời chào dân Cuba bằng lời kêu gọi này: “Cuba hãy mở cửa cho thế giới với tất cả khả năng tuyệt diệu của mình và thế giới hãy mở cửa đón tiếp Cuba để dân tộc này đang đi tìm chân lý như mọi người, mọi dân tộc khác, để dân tộc này đang ráo riết hoạt động để tiến bộ, đang khát vọng hoà thuận và thái bình, họ được có thể nhìn về tương lai một cách đầy hi vọng.”
Nếu một ngày gần đây khi đã có bang giao, Đức Thánh Cha chắc chắn cũng sẽ cầu chúc cho dân tộc Việt Nam như thế.
Trong lý thuyết, lợi ích của Vatican xem ra rất đối nghịch với lợi ích của nhà nước Cộng Sản Việt Nam, nhưng khi nhìn rõ như chúng ta thấy ở trên thì lợi ích của Vatican không đối nghịch mâu thuẫn với lợi ích của Cộng Sản, trái lại, siêu việt, vượt trội trên mọi lợi ích trần thế mà Cộng Sản theo đuổi.
Vatican bang giao với Việt Nam không phải để trao đổi lợi ích kinh tế, chính trị, thương mại. Vì thế Vatican bằng lòng nhân nhượng tất cả, ngay cả việc phải bị bắt bớ, miễn là dân tộc Việt Nam được thể hiện cuộc sống làm người của mình, và như thế đạt đến một cuộc sống hạnh phúc hiện tại và mai sau.
Điều kiện mà Toà Thánh Vatican đòi nhà nước Cộng Sản Việt Nam không phải là đòi cho Vatican, mà đòi cho chính dân tộc Việt Nam. Vatican sẽ đòi điều kiện tối thiểu cho dân tộc Việt Nam là các quyền làm người: quyền có hộ khẩu, nghĩa là quyền có nơi ăn chốn ở trên mảnh đất mà tổ tiên đã để lại, quyền đoàn tụ gia đình, quyền có công ăn việc làm, quyền được chữa bệnh, quyền được giáo dục v.v. và nhất là quyền tự do lương tâm, tự do tôn giáo. Thế mà cũng bị từ chối.
Khi 2 quốc gia bang giao với nhau thì mỗi quốc gia tìm lợi ích riêng cho mình trong mối bang giao. Ngược lại, khi Toà Thánh bang giao với một quốc gia thì Toà Thánh không tìm lợi ích cho mình, trái lại, Toà Thánh tìm lợi ích cho chính dân tộc ấy.
4. Mối bang giao này nếu thực hiện được có làm tổn thương đến tình liên đới giữa các tôn giáo cổ truyền Việt Nam với Giáo Hội Công Giáo không?
Vấn đề tôn giáo là một vấn đề rất tế nhị tại Á Châu, đặc biệt tại Việt Nam. Ở Việt Nam, sự tế nhị này đã do hoàn cảnh lịch sử tạo nên từ ngày đạo Công Giáo được rao giảng. Chính người Mỹ và Cộng Sản đã lợi dụng sự kiện này để tạo nên những biến cố lịch sử đau thương cho quốc gia dân tộc của chúng ta như chúng ta đã thấy.
Từ ngày Cộng Sản nắm miền Bắc vào năm 1954, và nắm miền Nam vào ngày 30-4-1975 thì mọi tôn giáo đều bị nhà nước Cộng Sản bắt bớ và làm tổn thương nặng nề. Nếu bây giờ Giáo Hội Công Giáo thiết lập bang giao với nhà nước Cộng Sản, tự nhiên về mặt tâm lý con người, các tôn giáo khác sẽ cảm thấy khó chịu và đâm ra nghi ngờ.
Nhưng nếu các tôn giáo thấy rõ như chúng ta trình bày ở trên, là khi Giáo Hội Công Giáo thiết lập bang giao với một quốc gia nào, thì không chỉ nhằm ích lợi thiêng liêng cho Giáo Hội Công Giáo trong nước ấy, mà còn nhằm hạnh phúc cho toàn thể dân tộc ấy. Nếu mục đích của mọi tôn giáo là tìm hạnh phúc cho con người thì các tôn giáo cổ truyền Việt Nam đang đi tìm chân lý và hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam sẽ sẵn sàng bắt tay với Giáo Hội Việt Nam trong mối bang giao để thực hiện nguyện vọng cao cả này là “Cứu nhân độ thế.”
Đó là lý thuyết. Trên thực tế, các tôn giáo, nhất là đồng bào đồ đệ các tôn giáo là những người chất phác đơn sơ, họ cần có những dấu chứng cụ thể của Giáo Hội Công Giáo trong thái độ liên đới đại độ này.
Đây chính là lúc Giáo Hội Công Giáo tâi Việt Nam phải tiếp tay với Toà Thánh Vatican trong việc làm chứng tá tình thương cụ thể này. Chẳng hạn, muốn đi đến bang giao nhà nước Cộng sản Việt Nam sẽ sẵn sàng nhương bộ trong nhiều lãnh vực. Nếu họ sẵn sàng trả lại tài sản cho Giáo Hội tại Việt Nam, các vị lãnh đạo Giáo Hội sẽ khảng khái trả lời: Chúng tôi chỉ nhận lại các tài sản nếu nhà nước trả lại cho mọi tôn giáo!
Nếu họ cho Giáo Hội Công Giáo được tự do ngôn luận, có cơ quan truyền thông, thì Giáo Hội Công Giáo chỉ chấp nhận nếu nhà nước cũng công nhận quyền lợi ấy đối với các tôn giáo khác. Và điều quan trọng hơn hết là: Giáo Hội Công Giáo phải đòi tự do tôn giáo cho mọi tôn giáo, không để lại một dấu vết kỳ thị nào.
Nếu không có một thái độ đoàn kết như vậy, nhà nước Cộng Sản Việt Nam có thể tráo trở để làm cho mối bang giao thành ra có hại cho Giáo Hội.
Nhà nước Cộng Sản có thể dùng những anh em “Phật Giáo quốc doanh” cũng như “Công Giáo quốc doanh” mà tuyên truyền rằng: Đời nào Giáo Hội Công Giáo cũng chạy theo nhà cầm quyền. Đời Pháp thuộc thì chạy theo Pháp, đời Mỹ thì chạy theo Mỹ, đời Cộng Sản thì chạy theo bang giao với Cộng Sản… Không có lý luận gây chia rẽ nào có hiệu lực bằng lý luận này. Và Cộng Sản rất cần sự chia rẽ giữa các tôn giáo!
Điều này không phải là một ảo tưởng do trí tưởng tượng bệnh hoạn gây ra. Nó đã bắt đầu xẩy ra rồi! Chắc nhiều người trong chúng ta đã đọc 2 bức thư “Thư Ngỏ” của một số “Nhân sĩ, trí thức …?” gửi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, khi họ được tin là Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã mời Đức Giáo Hoàng qua thăm Việt Nam. Hai bức thư nhằm mục đích thoá mạ Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội Công Giáo, đặt Giáo Hội Công Giáo vào vị thế của một kẻ phản bội quốc gia dân tộc, tô vẽ cho Giáo Hội Công Giáo một bộ mặt đáng ghét…
Và đó là chiến thuật gây chia rẽ mà Cộng Sản đã dùng qua các sách vở báo chí tung ra tại hải ngoại suốt mấy chục năm qua. Rồi đây họ cũng sẽ đem mối bang giao của Toà Thánh Vatican với Việt Nam để tạo nên chia rẽ các tôn giáo.
Sau khi đã trình bày, tuy dài dòng, nhưng còn rất ít đối với vấn đề đại sự này. Chúng ta hãy cùng nhau tự vấn lương tâm: Trước biến cố lịch sử quan trọng này của Giáo Hội Việt Nam, chúng ta là con cái của Giáo Hội Việt Nam, chúng ta phải làm gì? Phải có thái độ nào? Muốn có thái độ thích đáng, muốn hành động khỏi sai lạc, việc quan trọng nhất là hiểu rõ vấn đề, và hiểu rõ vấn đề để khỏi bị người ta tuyên truyền xuyên tạc.
Muốn hiểu rõ vấn đề, chúng ta phải học tập tài liệu tối thiểu trên đây.
Thứ đến, phải có một sự phân biệt rõ ràng về hai loại liên hệ ngoại giao.
Một: Liên hệ ngoại giao giữa các quốc gia với nhau.
Hai: Liên hệ ngoại giao của một quốc gia đối với Toà Thánh Vatican.
1/ Liên hệ ngoại giao giữa các quốc gia với nhau
Khi hai quốc gia ký kết thiết lập liên hệ ngoại giao với nhau, cả đôi bên đều nhằm vào các lợi ích của nước mình: các lợi ích này thưòng là lợi ích chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mãi. Và các lợi ích thứ yếu là văn hoá, nghệ thuật, giáo dục… Chúng ta hãy nhìn vào trường hợp cụ thể của Hoa Kỳ với nhà nước Cộng Sản Việt Nam.
Cộng Sản Việt Nam và Hoa Kỳ là hai kẻ thù không đội trời chung, nhưng vì lợi ích mà hai bên đã trở thành đồng minh từ ngày 04-02-1994, sau khi ký thoả ước bang giao. Về phía Mỹ họ tìm lợi gì mà phải hi sinh tất cả, quên cả mối thù nhục hận để ký thoả ước bang giao? Cũng không vì lợi ích thương mãi như người ta thường nói: Một thị trường 75 triệu người, đối với Mỹ có là chi, nhất là 75 triệu người ấy lại không có khả năng tài chánh để tiêu thụ! Cho đến bây giờ Mỹ đâu có bỏ ra một đồng xu để đầu tư vào Việt Nam?
Vậy Mỹ tìm cái lợi gì mà quan trọng đến thế? Trong chiến lược chính trị kinh tế toàn cầu, thế kỷ thứ XXI là thế kỷ của Bờ Thái Bình Dương (Pacific Rim) và trên Bờ Thái Bình Dương này, 4 nước quan trọng nhất sẽ trở nên trục thống nhất thế giới là: Trung Hoa, Nhật Bàn, Việt Nam và Đại Hàn. Điều này đã được nói tới do nhà sử học danh tiếng thế giới là ông Arnold Toynbee và vị lãnh đạo Phật Giáo Nhật Bản là Thày Daisakuy Ikuda. Tư tưởng của 2 vị này được diễn tả trong một buổi nói chuyện trao đổi tư tưởng về nhiều vấn đề của con người như vấn đề đời sống xã hội, chính trị quốc tế, triết lý và tôn giáo. Khi nói về chính trị quốc tế, hai ông đề cập đến “vai trò của miền Đông Á Châu.” Sau khi nói đến từng nước ở Á Châu, thì ông Toynbee kết luận: “… Tôi tin rằng, như tôi đã nói từ dầu, là Nhật Bản có thể tuỳ tình hình, mà đứng chung với Trung Hoa, Việt Nam và Đại Hàn để tạo nên một cái trục để hoàn thành việc thống nhất toàn thế giới” [I believe, as I have said, that Japan will eventually get together with China, Viet Nam and Korea to create an axis round which the unification of the whole world will be achieved. (Choose Life. A Dialogue. Oxford University Press, 1989. Trang 247)]. Mỹ bang giao với Việt Nam chỉ vì cần có danh nghĩa chính đáng để có mặt trên một trong 4 nước quan trọng này, để tính chuyện lâu dài của thế kỷ 21.
Còn Việt Nam muốn lợi gì? Trước tiên là lợi về mặt chính trị ngoại giao. Sau ngày Cộng Sản quốc tế sụp đổ, thì Việt Nam trở thành cô lập hoàn toàn về mặt chính trị và ngoại giao. Nhờ bang giao với Mỹ thì Việt Nam mới giao thiệp được với các nước tự do Âu Châu, được phép gia nhập vào khối Asean, các nước Đông Nam Á. Nhờ bang giao với Mỹ thì Việt Nam được cất cấm vận, các nước tư bản bỏ tiền vào đầu tư, Việt Nam có thể xuất cảng các sản phẩm của mình… Nhờ bang giao với Mỹ để có thể đối phó với áp lực của Trung Hoa, trước kia là bạn chí tình “môi hở răng lạnh.”
2/ Liên hệ ngoại giao của một quốc gia đối với Toà Thánh Vatican
Sự khác biệt căn bản trong mối liên hệ bang giao này là: Vatican tuy là một quốc gia độc lập, nhưng trong mối liên hệ ngoại giao, Vatican không tìm lợi ích cho chính quốc gia mình, ngược lại tìm lợi ích cho chính dân tộc của quốc gia cùng ký bang giao. Đúng như lời Chúa Giêsu tuyên bố với Philatô, tổng trấn của đế quốc Roma tại xứ Giuđêa: “Nước tôi không thuộc về thế gian này…” (Gio 18-36). Nước Vatican là nước của Thiên Chúa, là nước công lý hoà bình, là nước của tình thương và công dân của nước ấy là tất cả mọi người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, gồm cả dân tộc Việt Nam, vì thế trong khi bang giao, Toà Thánh chỉ chỉ đòi một điều là: Dân tộc của nước bang giao phải có đủ điều kiện để sống hạnh phúc, nghĩa là để sống xứng đáng ơn gọi làm người của mình.
Còn nhà nước Việt Nam sẽ đòi hỏi gì ở Toà Thánh Vatican? Tất cả các đòi hỏi của nhà nước Cộng Sản Việt Nam đối với Giáo Hội Công Giáo được tóm lại trong 2 văn kiện mới nhất: Một: Chỉ thị của Bộ Chính trị về công tác tôn giáo trong tình hình mới và Hai: Dự thảo nghị định về hoạt động tôn giáo. Cả hai mới ban hành vào ngày 02-7-1998, chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất là: Họ phải điều hành Giáo Hội Công Giáo tại việt Nam. Chứng cớ rõ ràng: vừa rồi khi nói đến bang giao thì nhà nước Cộng Sản liền tuyên bố: Vatican không được ảnh hưởng trực tiếp trên Giáo Hội Việt Nam và không được đương nhiên chuẩn y các việc bổ nhiệm của Đức Giáo Hoàng (Reuter số 4-3-99).
Là con cái của Giáo Hội, chúng ta phải giúp Giáo Hội trong bước quan trọng này:
Cuối cùng, chúng ta phải có một lập trường chính trị vững chắc và thống nhất. Ai có bổn phận hướng dẫn anh chị em phải có một bản lãnh chính trị vững chắc. Khi có một tin đồn gì (thường là tin đồn tuyên truyền), việc trước tiên là đừng có phản ứng ngay, bất cứ là phản ứng tiêu cực hay tích cực, mà phải tìm nguồn gốc của tin đồn. Nếu tin ấy là là một bản văn, thì hãy đọc cho kỹ rồi cùng ngồi lại với nhau để phân tích, và nếu cần thì bàn hỏi với những người có kinh nghiệm hay các vị có trách nhiệm. Chỉ có thái độ dè dặt và khôn ngoan này, chúng ta mới tránh được hậu quả muôn mặt của các lời tuyên truyền.