Dịp 117 vị Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam được Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên thánh ngày 19-6-1988 tại La-Mã, một số giáo dân và chính chúng tôi thắc mắc về số mệnh Thầy Anrê Phú Yên, vị Tử Đạo đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Được hỏi, Cha Phaolô Molinari, S.J., Tổng Cáo Thỉnh viên các vụ án Phong Thánh của Dòng Tên, hồi đó đã cho biết: vụ án của Thầy đã hoàn tất, chỉ đợi thời gian để được tuyên phong.
Thực ra, vụ án hồi đó chỉ mới hoàn tất dưới hình thức một vụ án dự thẩm (Rapport informatif). Về sau Bộ Phong Thánh ra ba Thông tư khác:
1/ Quyết nghị số 191, ngày 11-11-1963, đòi đích danh vụ án Thầy Anrê Phú Yên, tử đạo tại Kẻ Chàm ngày 26-7-1644, phải được duyệt qua Uỷ Ban Lịch Sử của Bộ trước đã.
2/ Tông thư Divinus perfectionis Magister (Thầy thiện hảo), ngày 25-01-1983: cấm không cho xây đền tôn kính các vị chưa được tuyên phong Chân Phúc, hay Hiển Thánh.
3/ Sau cùng Nghị quyết, ngày 22-5-1992, theo Giáo Luật mới, truyền lệnh: các vụ án mà trước đấy mới xong phần dự phẩm, phải giao về các Giáo phận địa phương, để được điều tra về các phương diện lịch sử. Do đó, vụ án Thầy Anrê Phú Yên ngay từ lúc ban đầu tiến triển rất mau, đã bị đọng lại một thời gian khá lâu.
Thật vậy, chúng ta chứng kiến Thầy Anrê tử đạo ngày 26-7-1644, gần một tháng sau, ngày 15-8-1644, xác Thầy đã được chuyển sang Macao, và được long trọng đón rước và táng trong Nhà Thờ Thánh Phaolô tại thành phố đó, và ngày 12-12-1644, tức là 5 tháng sau được Giáo Phận Macao mở án Phong Thánh. (1)
Ngày 25-2-1645, vụ án Thầy Anrê, theo cấp bậc Giáo phận đã xong, gửi về Rôma ngày 23-8-1649, vụ án được chính thức đưa vào Bộ Phong Thánh, Prot. Số 1022.
Ngày 15-01-1652, vụ án được Bộ Truyền Giáo công khai chấp nhận ủng hộ.
Năm 1773 (đời Đức Giáo Hoàng Clementê XIV) tới năm 1814 (đời Đức Thánh Cha Pio VII) Dòng Tên bị ngưng hoạt động: vụ án bị đình trệ trong vòng 41 năm.
Năm 1829-1832: Dòng Tên được tái lập tại Bồ Đào Nha.
Năm 1842: Tìm thấy di tích Thầy Anrê Phú Yên tại Lisbonne, trong nhà thờ Thánh Rôcô, Nhà Tập cũ Dòng Tên.
Năm 1899: mở lại vụ án Thầy Anrê Phú Yên.
Ngày 06-11-1963: các Giám Mục Việt Nam dự Công Đồng Vatican II (1962 tới 1965) xin Tòa Thánh mở lại vụ án.
Ngày 11-11-1963: vụ án do Giáo Phận Macao (1645) được chuyển qua Ban Sử Học (của Bộ Phong Thánh) duyệt lại.
Ngày 26-11-1996: vì ba lý do trình bày ở trên do Bộ Phong Thánh (tr.1), các Giám Mục Việt Nam, nhân cơ hội về Roma Ad Limina đã thành lập Ủy Ban Sử Học ngay tại Thủ Đô Giáo Hội. Hiện diện: ĐHY Phạm Đình Tụng, TGM Hà Nội, kiêm Chủ Tịch HĐGM Việt Nam, hai Giám Mục: Phaolô Huỳnh Đông Các, Quy Nhơn, nơi sinh của Thầy Anrê Phú Yên, và Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách, Đà Nẵng, nơi Thầy tử nạn.
Và đặt: Chủ Tịch Ủy Ban: Đ.Ô. Đaminh Vũ Văn Thiện, Giám Đốc Foyer Phát Diệm tại Roma. Và hai Thành viên: Linh mục Yvon Beaudoin, OMI, trước kia là bảo quản Văn Khố (Archiviste), cũng là thuyết trình viên Bộ Phong Thánh, và Linh mục Roland Jacques, OMI, vừa là thành viên vừa kiêm Thư Ký Ủy Ban Sử Học của HĐGM Việt Nam. Linh mục Roland Jacques, tiến sĩ Giáo Luật Đại Học Paris, chuyên môn viên Ngữ Học và Văn Hóa Việt Nam tại Viện Ngữ Học và Văn Hóa Đông phương tại Ba-lê, đồng thời kiêm nghiên cứu viên của Đại Học Paris.
Năm 1998: công trình lớn lao của Linh Mục Roland Jacques là, trong vòng 4 năm trước đây, Linh mục đã rảo khắp Việt Nam và nhiều quốc gia Âu châu liên hệ với Việt Nam, một mình vào tham khảo 37 cơ sở khác nhau: Đại Học, Thư Viện, Cơ Sở Văn Hóa. Lịch sử thế giới và đã thu nhập 654 trang giấy (khổ 21 x 30) tài liệu vô cùng quý giá về Thầy Anrê Phú Yên. Đem về nộp cho Cha P. Molinari, Cáo Thỉnh viên Dòng Tên. Vị Cáo Thỉnh viên này, đầy đủ tài liệu trong tay, đã hoàn tất hai cuốn sách căn bản (quen gọi là Positio) để nộp lên Bộ Phong Thánh. Cuốn 1 (263 trang, khổ 21 x 30) về đời sống đạo đức cá nhân, về cuộc tử nạn, các nhân chứng và thủ tục Thỉnh- nguyện- thư đệ lên Bộ Phong Thánh. Cuốn II (654 trang, cũng khổ 21 x30) gồm các tài liệu lịch sử phong phú, đã thu thập trong 37 cơ sở nói trên, nhưng trình bày như bản Tường Trình tổng quát, và như là thành quả của Ủy Ban Sử Học do HĐGM Việt Nam đã thành lập năm 1996 (2).
Thầy Anrê Phú Yên bị ngã gục vì đức tin, ngày 26-7-1644, vị tử đạo đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam, hôm nay mới sắp sửa được hân hạnh tôn vinh trên bàn thờ, tính ra đã 356 năm (2000-1644). Xét về thời gian, hình như Thiên định đã chôn vùi danh tính của Thầy trong im lặng lâu dài. Tuy nhiên nhận xét cho chính xác, Thiên định vẫn là Thiên định.
A/ Vị tử đạo đầu tiên đó nằm xuống giữa tuổi xuân xanh (19 tuổi), đang là tuổi hăng say hùng mạnh. Thầy được nhiều nhân vật chứng kiến tại chỗ: trong số đó Linh mục Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), người cha thiêng liêng, cách đấy 3 năm về trước (1641), đã rửa tội cho hai mẹ con trong một ngày (Thầy Anrê và bà Giovanna).
Và ngày 01-08-1644 (sau 5 ngày) Cha Đắc Lộ đã viết tờ Báo cáo chính thức (bằng tiếng Bồ Đào Nha) lên Cha Bề Trên Cả Dòng Tên, tại Roma, về cuộc tử nạn anh dũng của Thầy Anrê, người con thiêng liêng.
Ngày 05-10-1644 (ba tháng sau) Linh mục Antôn De Torres, S.J., lại tường trình chi tiết (cũng bằng tiếng Bồ) về vụ án Thầy Anrê và kể chuyện xác Thầy đã được đem sang Macao táng trong Nhà Thờ Thánh Phaolô.
Khi Giáo Phận Macao mở án Phong Thánh (6 tháng sau) tòa án tại chỗ kêu gọi 23 nhân chứng, trong đó 7 nhân chứng nhãn tiền, đích thân đã dự kiến cuộc tử nạn.
Năm 1651: (5 năm sau), lại có một bản phúc trình khác dài hơn, bằng La ngữ, của linh mục Đắc Lộ, về đời sống và cuộc tử nạn của Thầy (có hai bản dịch Pháp ngữ và Ý ngữ).
Sau cùng bản Báo Cáo Sử Học của HĐGM Việt Nam (214 trang) đã nói ở trên.
Tất cả là những bằng chứng cụ thể, rất chính xác: còn đó để nói lên tính cách nghiêm chỉnh trong vụ án Thầy Anrê Phú Yên. Nói thể khác Thầy Anrê Phú Yên, từ thế kỷ 17, sau 356 năm xa cách, hôm nay trở về với chúng ta. Đời sống của Thầy lúc nào cũng trong suốt, khác nào Thầy vẫn đi trên con đường hoàng đạo thênh thang, rộng rãi, quang minh, không một vết gì hoen ố. Nếu nói là Thánh thì Thầy đã Thánh từ ngày hy sinh xương máu vì yêu mến, vì trung kiên với Chúa Kitô, ngày 26-7-1644 xưa kia rồi!
B/ Thiên định chờ cho tới ngày nay mới cho mở màn tấm gương Thầy Anrê. Từ 1644, đã hơn ba thế kỷ, hôm nay Thầy nối lại đoạn Giáo Sử Việt Nam nhằm giữa Năm Thánh 2000, năm mà Giáo Hội Việt Nam đang chen vai sát cánh với thế giới hoàn vũ ăn năn sám hối và cùng với thế giới hoàn vũ xin ơn tha thứ các lỗi lầm quá khứ, để tiến vào tương lai rực rỡ của Đệ Tam Thiên niên trong sạch hơn, thánh thiện hơn, nhiều tình người hơn. Trong tương lai này Giới Trẻ, giới Thanh Thiếu niên, những người 19 - 20 tuổi, đứng lên hàng đầu đón nhận trách nhiệm của người con Giáo Hội, con Tổ Quốc. Thay vì thất học, vất vưởng cuộc đời, lớp người trẻ này hiên ngang, dấn thân chọn con đường đi có ý nghĩa, sống chết cho một lý tưởng lành mạnh, đạo đức, xứng với nguyện vọng cao đẹp và tha thiết của mình. Họ tự ý thức: cuộc đời có chông gai, có nhọc nhằn, nhưng không vì đó mà xuôi tay bỏ cuộc. Họ cần những tấm gương hào hùng, quyết liệt của những người lính chiến ngoài mặt trận, nghe rõ tiếng gọi của non sông, để rồi cùng nhau sát cánh tiến lên. Thầy Anrê trong giai đoạn này về lại với Quê Hương, với Giáo Hội: chưa phải đã muộn màng đâu, nhưng còn hợp thời, hợp tình, hợp lý!
Giáo Hội Việt Nam để lại một trang sử rất tổng quát về đời sống của Thầy Anrê Phú Yên, vị tử đạo đầu tiên của mình. Và biết đây là biết qua nhân chứng, qua tài liệu lịch sử của Linh Mục Đắc Lộ còn để lại rõ rệt, chứ hai Giáo Phận Quy Nhơn, chỗ sinh quán của Thầy thì thành lập từ 1659 (tức 15 năm sau khi Thầy Anrê đã tử đạo) và Đà Nẵng, nơi Thầy Anrê mệnh một, thì mới thành lập năm 1963, do đó không lưu tích tài liệu nào đáng kể!
Theo Bản Tường Trình dài của Cha Đắc Lộ, viết lần thứ hai (3), Cha chỉ nói: đã biết Anrê từ lâu và biết rõ hơn mọi người khác, và Cha tiếp tục: Anrê sinh ra tại tỉnh Ranran (4) gần biên giới Nam Việt (Cocincina) vào khoảng giờ trưa. Mất cha từ hồi còn nhỏ, nhưng được người mẹ, rất nhiều đức hạnh, coi sóc nuôi nấng. Anrê rất chăm học chữ Nôm và trong thời gian ngắn đã vượt xa chúng bạn. Anrê trẻ tuổi nhất trong các anh em, và như David thứ hai được Chúa kén chọn trong nhiều người để đội triều thiên tử đạo… Anrê chịu phép rửa tội lúc vừa chẵn 15 tuổi, 3 năm trước khi tử nạn vì đức tin (tức là năm 1625 hay 1626).
Một sự kiện kỳ lạ là không một văn kiện nào lưu lại tên Thầy Anrê bằng tiếng Việt. Người ta chỉ gọi trống là Anrê Phú Yên. Có khi đấy là thói quen của các Linh mục Thừa sai ngoại quốc, khi rửa tội cho người bản xứ, đặt tên Thánh cho họ, rồi trong đời sống thường ngày, theo thói quen Âu Châu, cứ gọi họ bằng tên Thánh cho tiện!
Linh mục Đắc Lộ còn ca ngợi bà mẹ Thầy là một phụ nữ rất sốt sắng: Molto fervente, sau khi chịu phép Thánh tẩy, bà đã lôi kéo nhiều người bên lương trở lại tin Chúa. Theo thói quen các bà mẹ công giáo Việt Nam, tin tưởng nơi các Linh mục, bà năn nỉ Cha Đắc Lộ nhận Anrê (năm 1642, một năm sau khi chịu phép rửa tội) vào Hội Các Thầy Giảng mà ngài đã sáng lập (năm 1629). Thầy Anrê ở lại trong nhà cha, tháp tùng cha trong các cuộc hành trình mục vụ, hay giúp cha trong các công việc thường ngày. Thầy được Cha giới thiệu làm quen với Thầy Inhaxiô ngoan đạo, đứng đắn. Cả hai nhận công tác đi dạy giáo lý cho các tân tòng miền Nam Việt Nam. Thầy Anrê không được dồi dào sức khỏe như các đồng bạn, nhưng hoa lá khéo chân tay làm hang đá sinh nhật để lôi kéo dân chúng đến nhà thờ. Về đời sống thiêng liêng, Anrê là gương mẫu cho anh em: ngoài việc khấn đức trinh khiết, không lập gia đình, để trọn thời giờ đi khuyên những người bên lương, nhất là anh em họ hàng, tòng đạo Thiên Chúa. Thầy còn trổi về ba nhân đức đối thần: tin, cậy, mến… một cách cao độ. Trong xã hội Thầy rất khiêm tốn, nhịn nhục, được mọi người kính nể. Cha Đắc Lộ còn mạc khải: Thầy xưng tội hằng tuần và cha chưa gặp ai có tâm hồn trong trắng như Anrê (5).
Hạ tuần tháng 7 năm 1644, ông Tỉnh trưởng Phú Yên (tên là Ông Nghè Bộ) từ Nam Việt trở về tỉnh nhà. Từ miền Nam ông đã nhận lệnh Chúa Thượng (Công Thượng Vương, tức Nguyễn Phúc Lan) phải thẳng tay diệt trừ người dân công giáo, và trong đầu óc ông nghĩ ngay tới Linh mục Đắc Lộ, nhất là nhóm người Việt theo ngài. Ba tốp quân đội kéo tới bao vây và lục soát ba nhà của Cha Đắc Lộ, thường ở đó một trong số mấy Thầy thân tín coi giữ: Thầy Anrê già (73 tuổi) hôm đó bị bắt, bị đánh đập dã man, nhưng Thầy là thứ già gân, đanh thép, không bao giờ chịu khuất phục trước đe dọa. Cha Đắc Lộ phục Thầy sát đất. Thầy Inhaxiô lanh lợi, tháo vát, hôm đó không có ở nhà. Và Thầy Anrê trẻ tuổi đang chăm sóc mấy anh em bệnh nhân tại một nhà gần Faifô, chỗ mà nhóm thương gia Bồ Đào Nha và giáo dân Miền Nam thường hay tập họp để dự lễ.
Để khỏi về tay không, nhóm quân đội bắt Thầy Anrê trẻ tuổi, chúng đánh đập và trói chân tay. Chúng chiếm luôn mấy đồ thờ tự. Có hai câu truyện nhỏ xảy ra, nhưng nói lên tinh thần khí khái của người thanh niên trẻ tuổi:
1/ Thầy Anrê bị trói chặt chân tay, nhưng khi quân đội cướp của bàn thờ: Thánh giá, tượng ảnh, áo lễ một cách hối hả thô bạo, Thầy Anrê lên tiếng phản đối, yêu cầu họ cởi trói, để nếu họ muốn thì chính mình thu xếp gói lại tử tế, rồi sẽ trao lại cho họ.
2/ Thầy Anrê hôm đó ở nhà chăm sóc mấy anh em ốm liệt. Quân đội đòi bắt theo một thầy khác nằm liệt trên giường, Thầy Anrê lên tiếng và xin được cho người anh em đau ốm ở lại nhà, nếu cần bắt thì chỉ bắt một mình Thầy đủ rồi! Đi dọc đường Thầy Anrê cứ thản nhiên giảng đạo cho nhóm quân đội, khiến cho chúng càng bực mình, và cho dù về đến dinh Tỉnh Trưởng lúc đã quá đêm khuya -- chúng nhất quyết phải điệu Thầy Anrê vào nộp, Ông Tỉnh Trưởng chất vấn:
--Tại sao chú theo ông cố đạo Bồ Đào Nha?
--Tôi theo để được học giáo lý đạo Thiên Chúa là điều tôi rất mộ mến.
Nhiều lần khác, qua nhiều phen tra khảo khác nhau, Ông Tỉnh Trưởng vẫn lặp đi lặp lại câu hỏi đó, và ông rất bực tức khi nghe chàng thanh niên 19 tuổi tự xưng mình theo đạo Thiên Chúa, thờ Chúa Trời Đất, ăn nói một cách xác tín, thoải mái và còn sẵn sàng chấp nhận bất cứ điều gì. Chịu không nổi, ông cho lệnh treo gông vào cổ Thầy Anrê và tống ngục, chờ ngày hôm sau (26-07-1644) đem ra Tòa án nhân dân để cùng xử cả với Thầy Anrê già (73 tuổi)
Hôm ra tòa, Ông Tỉnh Trưởng (Ông Nghè Bộ) vẫn còn giữ lập luận gắt gao: Nếu hắn nói là con nhà nghèo khó, theo ông cố Bồ Đào Nha để kiếm miếng ăn, thì tôi tha thứ và cho về ngay. Đàng này hắn hiên ngang xưng mình là theo đạo công giáo, thờ Chúa Trời Đất, không gì có thể làm cho hắn bỏ tín ngưỡng mình đã theo, và hắn sẵn sàng chết hay chịu bất cứ hình khổ nào… Rồi ông kết luận: Ăn nói như thế là điên rồ, hắn phải chết!
Nghe bản án đó, cha Đắc Lộ hết hy vọng! Công chạy vào gõ cửa quan Thống Đốc có bà vợ công giáo. Công đi theo nhóm thương gia Bồ Đào Nha tới thương lượng với ông Nghè Bộ. Ông này chỉ bằng lòng trả lại các đồ thờ tự, cho Thầy Anrê già khỏi án tử vì tuổi tác và có gia đình! Còn ông làm thinh giả điếc về vụ án Thầy Giảng Anrê trẻ tuổi, vì ông mới đi miền Nam nhận lệnh Chúa Thượng về bắt bớ Giáo dân, và hôm đó chủ tọa Tòa án một mình ông đóng hai vai: vừa công tố viên, vừa Chánh Án xử tội! Trong vòng 24 tiếng đồng hồ ông đã cho quân binh đi lùng bắt, không phải một tướng giặc phản loạn, một phạm nhân giết người, hay một ngụy quân nguy hiểm, nhưng là bắt một thầy tu áo vải, một thanh niên tuấn tú đang làm việc từ thiện giúp đỡ tha nhân. Và lý do gán cho tội nhân là chỉ vì tội nhân muốn được tự do thờ Chúa, muốn học hỏi về Người là nguồn gốc nhân loại và vạn vật!
Không thành công cứu thoát người con thiêng liêng khỏi án tử hình, Cha Đắc Lộ đi thẳng lên pháp trường Kẻ Chàm, làm phép giải tội cho Thầy Anrê trong giờ sau hết, trước khi Thầy ra trình diện Thiên Chúa, và cho Thầy chịu Mình Thánh. Cảm động hơn nữa, theo thủ tục Việt Nam cha xin vào đứng sát bên Thầy, tay cầm chiếc chiếu hoa mới tinh xin Thầy quỳ lên trên, để cho những giọt máu sau cùng khỏi bị tiêu tan dưới đám cỏ xanh dơ bẩn. Thầy Anrê bẩm tính khiêm tốn không dám nhận, nhưng miệng thì luôn thầm thì kêu tên Chúa Giêsu, Đức Mẹ, mắt nhìn lên trời, chờ giây phút định mệnh. Theo thói quen hồi xưa, xử tội nhân: ngoài gươm, giáo, mác, còn dùng cái đòng nhọn phóng vào thân con người từ phía đằng sau. Thầy Anrê đang quỳ thẳng người cầu nguyện thì Ông Nghè Bộ đã cho thét lệnh xử. Một tên đao phủ, từ phía đàng sau, thẳng tay phóng mạnh một cái đòng nhọn vào vai bên trái, lòi ra trước ngực, máu tung tóe. Thầy Anrê chỉ nghiêng mình về phía trước, chứ chưa ngã gục. Cha Đắc Lộ còn nghe Thầy kêu tên Giêsu, Maria rõ ràng. Thấy thế, tên đao phủ đó lại phóng tiếp hai cái đòng nữa, đâm sâu vào người. Lần này Thầy Anrê chìu xuống. Một đao phủ khác cầm thanh gươm sắc bén chém vào cổ. Máu càng phun ra mạnh, đao phủ phải phập xuống lần thứ hai mới xong. Lúc đó quá 5 giờ chiều. Theo tục lệ: cách xử nạn nhân bằng đòng nhọn là có ý cho nạn nhân chết đi vào ban đêm! Cảnh vật chung quanh trở nên u ám thảm đạm. Rất nhiều người, giáo cũng như lương, nhất là nhóm thương gia Bồ Đào Nha, chứng kiến từ đầu đến cuối, không cầm nổi sự xúc động tự nhiên lúc bấy giờ. Cha Đắc Lộ thì nước mắt tuôn rơi: thương người con thiêng liêng yêu quý đã ra đi, nhưng nhất là cảm xúc, hiên ngang vì tấm gương hết sức anh dũng của Thầy Giảng Việt Nam thứ nhất, cũng mới 19 xuân xanh, đồng tuổi với Thánh Thomas Trần Văn Thiện, chủng sinh Giáo Phận Huế, đã ngã gục vì Chúa Kitô, ngày 21-09-1838. Cũng là vị Anh Cả trong hàng ngũ 117 Thánh Tử Đạo của Giáo Hội Việt Nam (6).
Thầy Anrê nằm xuống rồi, cha Đắc Lộ tổ chức ban đêm đưa xác Thầy về Nhà Dòng. Trông thấy xác đẫm máu, các đồng bạn Thầy Giảng không những không sợ hãi, mà còn phấn khởi, hăng say, yêu cầu cha cho phép xung phong ra nộp mình để lấy ơn phúc Tử đạo. Linh mục Đắc Lộ phải giải thích: tử đạo là một đặc ân, phải có Chúa và Chúa ban sức mới có thể trung kiên cho tới cùng. Nhưng khi cha thử khuyên nhủ: vì thời cuộc nguy hiểm khó khăn nếu ai muốn về gia đình tránh đi một thời gian, thì tất cả đồng loạt xin ở lại tiếp tục sứ mạng Thầy Giảng như thường! Câu truyện lạ xảy ra và Cha Đắc Lộ bảo đảm trăm phần trăm chính xác là mấy hôm sau khi Thầy Anrê bị tử hình có ba cuộc hỏa hoạn, liền trong ba ngày: tự nhiên lửa bốc cháy cả khu pháp trường Kẻ Chàm: nhà tù, chợ buôn bán và các nẻo đường mà nạn nhân Anrê Phú Yên đã bị điệu qua trước khi ra pháp trường! Ra như thể trời đất cũng phải nói lên sự bất công trong vụ án tàn bạo đã xử một nạn nhân vô tội! (7). Tại mấy vụ hỏa hoạn này, Cha Đắc Lộ muốn tránh những hiểu lầm có thể đưa đến báo oán Nhà Dòng hay là xúc phạm đến người quá cố, nên mới nghĩ đến truyện di chuyển thi hài của Thầy Anrê -- là báu vật quý nhất của toàn Dòng -- sang Macao!
Một lần nữa: bao nhiêu công lao, gian khổ, bao nhiêu thời gian chôn vùi trong quá khứ thầm lặng (gần 400 năm trời!) đợi chờ, hôm nay chính Chúa Kitô, và Chúa dùng vị Đại diện của Ngài ở trần gian để phục hồi danh dự và tuyên dương công trạng các Vị Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam!
Chú thích