Năm 1976, số tín hữu Việt Nam Công Giáo ở Atlanta rất ít, cho nên mọi sinh hoạt phải nhờ vả ở một nhà thờ Hoa Kỳ. Nhưng rồi người Việt về đây ngày một đông. Sau 13 năm, chúng tôi đã có gần 400 gia đình Công Giáo và được Đức Giám Mục cho phép lập thành Họ Đạo Đức Mẹ Việt Nam với ngôi thánh đường riêng biệt. Tới 1998, Họ Đạo lại được ban phép trở thành giáo xứ thể nhân và chúng tôi đã xây dựng được ngôi thánh đường khang trang như ngày nay.
Ý thức thành quả tốt đẹp ấy là hồng ân Thiên Chúa, nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ La Vang, cho nên cộng đoàn giáo xứ hết sức vui mừng tạ ơn Chúa, tạ ơn Đức Mẹ và hăng say cộng tác với nhau trong việc tổ chức Đại Hội Đức Mẹ La Vang lần thứ nhất vào cuối tháng 10, để:
Đặc điểm của Đại Hội Đức Mẹ La Vang năm này là được cả Miền Đông Nam Hoa Kỳ cùng chung sức tổ chức và nhất là được Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ nhận lời mời giảng thuyết và hướng dẫn hội thảo.
Như nhiều người đã biết, trong biến cố trọng đại Phong Thánh 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 1988 tại Roma, Đức Ông Thụ đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ làm Cáo Thỉnh Viên (Postulator) do Đức Hồng Y Giuse Trịnh Văn Căn (Patronus) giao phó và đã cùng với nhiều người, nhiều đoàn thể khác nhau góp công lớn trong việc tổ chức Đại Lễ Phong Thánh thành công mỹ mãn. Tất cả chứng tỏ nỗ lực làm việc vô biên, sự khôn ngoan và uy tín của Đức Ông Thụ.
Trong tuần lễ giảng thuyết và hội thảo tại Atlanta, giáo dân rất hứng khởi và vui mừng được nghe Đức Ông soi sáng và trả lời những câu hỏi về việc phong thánh, về giáo triều Roma và về những liên hệ với Đức Thánh Cha nữa. Những bài giảng của Đức Ông Thụ rất súc tích, rất cụ thể, đã giúp mở mang sự hiểu biết Đạo Thánh Chúa và thúc đẩy bổn đạo được thêm lòng Tin, Cậy và Mến Chúa hơn.
Một điều làm cho chúng tôi ngạc nhiên nhận thấy là suốt đời linh mục của Đức Ông Thụ chỉ chuyên làm việc văn phòng, mà sao Ngài có thể thích ứng nhuần nhuyễn trong phận sự mục vụ xứ đạo đến thế.
Tôi đã đem nhận xét này ra hỏi Đức Ông và được Ngài trả lời bằng cách ôn lại với tôi sứ điệp Đức Giêsu đã gửi gắm trong Đoạn 21, Tin Mừng Thánh Gioan, từ câu 15 tới câu 19, về ơn gọi và phận sự mục vụ của một linh mục. Chúa đòi hỏi kẻ được chọn điều kiện tiên quyết là phải yêu mến Chúa thật nhiều thì Chúa mới giao cho nhiệm vụ “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”.
Đức Ông Thụ tâm sự, từ ngày nghe tiếng gọi trở thành linh mục của Chúa, Ngài chưa được làm phận sự của một mục tử đích thực. Vừa đi du học về năm 1949, Ngài đã nhận lệnh về làm giáo sư Đại Chủng Viện Phát Diệm. Khoảng một năm sau, lại được điều về làm bí thư cho Đức Cha Lê Hữu Từ. Cuộc di cư vĩ đại 1954 diễn ra, Đức Ông Thụ nhận nhiệm vụ tại Cơ Quan Viện Trợ Công Giáo Hoa Kì, rồi Đức Cha Sài Gòn Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền đặt Ngài phụ trách 10 giáo phận di cư. Vừa xong công tác di cư, Đức Khâm Sứ Giuseppe Caprio tuyển chọn Đức Ông Thụ vào làm bí thư Toà Khâm Sứ Toà Thánh và Ngài phục vụ ở đó suốt 20 năm (1956-1976) cho tới ngày bị chính quyền Cộng Sản trục xuất ra khỏi Việt Nam. Sang tới Roma, Đức Ông Thụ lại làm “công chức” Bộ Ngoại Giao Toà Thánh, và cuối cùng, được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyển chọn làm bí thư suốt 8 năm (1988-1996).
Đức Ông Thụ dẫn sứ điệp Đoạn 21 Tin Mừng Thánh Gioan để nói lên nguyện vọng tận hiến cháy bỏng đời linh mục của Ngài là được phục vụ dân Chúa trong công tác mục vụ. Nhưng cuộc đời linh mục thực tiễn của Đức Ông lại toàn là công tác tại văn phòng của các đấng bề trên trong Giáo Hội. Hai chi tiết “nghịch chiều” đó giải thích tại sao, mỗi khi có điều kiện, Đức Ông lại hân hoan, tận tuỵ đến thế, trong việc mục vụ, như chúng tôi nhận thấy ngay tại đây, tại giáo xứ Đức Mẹ Việt Nam Atlanta này.
Đức Ông Thụ tiết lộ thêm, trong mấy chục năm làm công tác văn phòng cho các vị bề trên, có đôi lúc Ngài cảm thấy chán nản việc làm hằng ngày cô đơn và nhàm chán giữa 4 bức tường văn phòng, đến nỗi Ngài đã từng xin phép bề trên cho ra coi xứ, để được thực sự làm việc mục vụ theo ơn gọi linh mục của Ngài. Nhưng không lần nào Đức Ông được toại nguyện. Các vị bề trên nói: “Cha làm việc ở đây cũng là phục vụ Chúa, cũng là làm việc cho Giáo Hội”. Đức Ông Thụ đành phải vâng lời bề trên.
Sau này tìm hiểu thêm, tôi bắt gặp linh đạo tu hành của Đức Ông hết sức rõ ràng như sau: “Chúa không cần con người, trái lại con người mới cần Thiên Chúa. Tất cả những khả năng con người sẽ không đem lại kết quả nào tốt đẹp, nếu không đi cùng nhịp với thánh ý Thiên Chúa thể hiện nơi linh mục, qua ý định của giám mục bản quyền là vị đại diện Thiên Chúa. Những tính toán để thoả mãn nguyện vọng riêng tư -- nói trắng ra -- là đi tìm mình, mà không tìm Thiên Chúa theo lí tưởng siêu nhiên của con người đã tận hiến.” (Xin xem phần tiểu sử trong sách này).
Càng tìm hiểu cuộc đời tu hành và phục vụ của Đức Ông Thụ, tôi càng thêm kính trọng Ngài và muốn “di sản” của Ngài được lưu lại hầu góp thêm một bông hoa thơm vào bó hoa thiên chức linh mục Việt Nam muôn màu, muôn sắc và ngào ngạt hương.
Mùa Thu 2016 vừa qua, nhân chuyến đi công tác cho Giáo Phận Xuân Lộc ở Dallas, tôi được các bạn đồng môn Phát Diệm xưa tổ chức chào đón và rất may mắn, tôi gặp lại người bạn trẻ Trần Vinh là em đôi con dì của Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ. Trần Vinh là lớp đàn em của tôi thời Trung Học. Sau khi thụ phong linh mục, tôi vừa làm việc mục vụ vừa trở lại học Đại Học Sài Gòn thì lại là bạn đồng môn với Trần Vinh một lần nữa. Với ý định phải làm một cái gì về Đức Ông Thụ, tôi nói ngay: “Vinh là em Đức Ông Thụ, nên cố gắng làm một cuốn sách về Đức Ông. Đức Ông Thụ chẳng những đóng góp lớn lao cho GHCGVN mà còn cho cả GHCG hoàn vũ nữa. Tôi đã mời Đức Ông Thụ từ Roma về giảng một tuần tĩnh tâm cho cộng đoàn ở Atlanta. Những bài giảng của Đức Ông hết sức súc tích, mang lại nhiều ơn ích thiêng liêng cho bổn đạo. Ngài thật đáng kính phục”.
Quyết tâm và lí lẽ của tôi đã thuyết phục Trần Vinh. Ngay sau đó, chúng tôi phân công để làm việc. Trần Vinh phụ trách biên tập. Phần tôi chịu trách nhiệm chỉ đạo tổng quát, in ấn và phát hành. Chúng tôi cũng đồng ý với nhau sẽ chú trọng trình bày sự nghiệp công khai của Đức Ông Thụ. Ngoài ra, những tình cảm riêng tư của Đức Ông Thụ với các đấng các bậc trong Hội Thánh, với các tu sĩ nam nữ, với tín hữu VN cũng như ngoại quốc và ngay cả với bà con cô bác, và ngược lại, tuy rất đáng trân trọng, song thiết tưởng sẽ chỉ đề cập, nếu thật sự cần thiết mà thôi. Bất cứ ai thương mến Đức Ông, xin hãy cầu nguyện Thiên Chúa là cha nhân lành đón nhận Đức Ông vào nước Trời. Về nội dung, chúng tôi sẽ trình bày 5 phần chính: Tiểu Sử. Về Nhà Cha. 5 bài viết tiêu biểu của Đức Ông Thụ. Các vị thân cận viết về Đức Ông. Những ghi nhớ đặc biệt của Trần Vinh về Đức Ông. Để nội dung được nhẹ nhàng và đẹp mắt hơn, chúng tôi sẽ có phần hình màu ghi lại cụ thể những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của Đức Ông Thụ.
Sau hết, chúng tôi xin cảm ơn quý ân nhân đã đóng góp ý kiến và khuyến khích, gửi bài vở và hình ảnh, đã nhiệt tình trợ giúp phần in ấn và phát hành. Tất cả quý vị đã hiệp lực làm nên cuốn sách này. Xin tất cả quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn chân thành của chúng tôi.
Atlanta, Mùa Xuân 2017
Trong tâm tình hân hoan chào mừng LỄ KỈ NIỆM 30 NĂM PHONG THÁNH 117 VỊ ANH HÙNG TỬ ĐẠO TẠI VIỆT NAM 1988-2018
Đức Ông Phanxicô Phạm Văn Phương