1. Một trong những khía cạnh ý nghĩa nhất trong hôn nhân hẳn phải là quan hệ tính dục. Quan hệ ấy có thể là nguyên nhân đưa đến không biết bao nhiêu xáo trộn và đổ vỡ nhưng đồng thời, cũng là nguồn mang lại bao an bình hạnh phúc cho con người. Không thể nói đến một con đường tu đức dành cho các đôi vợ chồng mà không đề cập đến khía cạnh tính dục bởi đó là con đường Thiên Chúa dùng để thông ban ơn thánh cho con người. Đó cũng là phương thế giúp vợ chồng diễn tả và tăng cường tình yêu của họ.
Quan hệ tính dục không phải là việc phụ thuộc trong đời sống vợ chồng, quan hệ ấy cũng không phải là một thứ thuốc cần thiết để xoa dịu tình dục của con người, quan hệ ấy cũng không chỉ là một phương tiện cần thiết để sinh con đẻ cái… chúng tôi xin gợi lên một vài ý nghĩ về vấn đề này để giúp các đôi vợ chồng thấu triệt ý nghĩa và giá trị cao cả của sinh hoạt tính dục trong đời sống hôn nhân.
2. Theo định nghĩa, tính dục hay phái tính là toàn bộ những đặc điểm tâm sinh lý, nhờ đó giống đực và giống cái được phân biệt với nhau. Bởi thế tính dục hay phái tính không đương nhiên ám chỉ đến hành động tính dục tức sự giao ngộ giữa hai thân xác.
Nói đến tính dục hay phái tính là nói đến những đặc điểm phân biệt một người đàn ông với một người đàn bà. Do đó, quan hệ tính dục không hẳn là hành động giao hợp mà trước hết là một cách thế để đi vào tương giao với người khác phái. Quan hệ tính dục có thể là một cái nhìn, một lời nói, một cử chỉ vuốt ve… Tính dục là yếu tố xác định mối tương quan của mỗi người với người khác phái từ giọng nói, cách đi đứng, lối suy nghĩ, dự phóng, cho đến cả việc cầu nguyện; mỗi phái đều có cung cách riêng của mình. Cách thế và tâm tình cầu nguyện của một nữ tu hẳn cũng khác với cách thế và tâm tình cầu nguyện của một nam tu sĩ. Sự khác biệt phái tính giữa người nam và người nữ là yếu tố quyết định trong cách diễn tả của con người.
Nếu vậy thì kiểu nói của Kinh Thánh “hai người nên một xác thể” có ý nghĩa gì? Thưa, có nghĩa là: mặc dầu có những khác biệt về tâm sinh lý, người đàn ông và người đàn bà vẫn có thể hoà hợp với nhau như thể trở thành một quả tim và một tâm hồn. Sự hoà hợp ấy chỉ có thể có được khi hai người đi theo con đường mà chính Chúa Giêsu đã vạch ra. Đó là yêu thương và phục vụ nhau. Phục vụ nhau ở đây là biết đón nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau, cũng như giúp nhau hiểu biết sự khác biệt của nhau.
3. Trước khi bước vào đời sống hôn nhân, các bạn trẻ thường tự tìm hiểu về sự khác biệt tâm sinh lý của nhau qua sách vở, phim ảnh cũng như học hỏi về nghệ thuật yêu thương.
Tuy nhiên, không hiểu biết nào có thể giúp cho đôi vợ chồng hơn là những trao đổi giữa hai người với nhau. Nếu họ thành thật trao đổi cho nhau tâm tình của mình thì điều đó sẽ giúp họ hiểu nhau hơn. Người ta không thể hiểu được những tâm tình thầm kín qua những lý thuyết trên sách vở mà chỉ có thể nhờ những trao đổi chân thành với nhau mà thôi.
Thiếu sự trao đổi ấy, hai vợ chồng dễ đi đến chỗ hiểu lầm nhau. Một người chồng có thể chỉ nghĩ đến nhu cầu sinh lý của mình mà không quan tâm đến tình trạng thể lý cũng như sinh lý của người vợ; ngược lại, một người vợ cũng có thể chỉ nghĩ đến nhu cầu riêng của mình mà không chú trọng đến tình trạng tâm sinh lý của người chồng. Từ đó hai người dễ đi đến nghi ngờ và trách cứ nhau.
Thực ra, thảm cảnh gia đình thường phát xuất từ sự thiếu hiểu biết và cảm thông với nhau trong lãnh vực phái tính. Phái tính hay tính dục giống như một tảng băng. Phần nhỏ nhất nổi lên mặt nước là những yếu tố thể lý và sinh lý, phần quan trọng hơn cả chìm sâu trong đại dương chính là những yếu tố tâm linh. Khuynh hướng chung của đa số đàn ông là chỉ để ý đến khía cạnh thể lý và sinh lý. Quan hệ tính dục đối với họ là sự gặp gỡ giữa hai thân xác và cao điểm là sự giao hợp. Ngược lại nhiều người đàn bà chỉ chú trọng đến khía cạnh tâm linh trong quan hệ tính dục mà không màng đến sự giao ngộ trong thân xác. Sống bên nhau mà mỗi người đeo đuổi những mục đích và nhu cầu riêng tư của mình có thể là nguyên nhân dẫn đến những rạn nứt và bất hoà trong gia đình.
Ngày nay, càng lúc người ta càng thấy quan hệ tính dục là một yếu tố quan trọng trong đời sống hôn nhân. Sự đổ vỡ trong hôn nhân bắt nguồn từ chính sự thiếu hiểu biết và thông cảm trong những nhu cầu tính dục của nhau.
4. Bóng ma của bệnh SIDA đang bao phủ khắp nơi. Chính phủ nào cũng hối hả đưa việc giáo dục sinh lý vào cả những cấp thấp nhất trong học đường. Nói đến sinh lý, người ta chỉ nói đến việc giải phẫu sinh lý tức là hình thái học về các cơ quan sinh dục và động tác giao hợp cũng như những phương pháp tránh thai. Đang khi phần quan trọng nhất của tảng băng tính dục tức là những yếu tố tâm linh thì không ai đả động đến. Tựu trung người ta dạy cho các học sinh biết những kỹ thuật trong quan hệ tính dục mà không hề nói đến ý nghĩa của nó.
Tính dục là ngôn ngữ của tình yêu. Tình yêu ở đây không phải là một thứ xúc cảm mù quáng ích kỷ, đòi hỏi con người thoả mãn bằng mọi giá; làm tình không có nghĩa là thoả mãn cơn khát dục vọng mà chính là trao ban, trao ban một cách quảng đại. Chỉ khi nào tính dục trở thành ngôn ngữ của tình yêu trao ban ấy, nó mới thực sự đạt được chức năng và ý nghĩa của nó.
Giáo dục tính dục hay giáo dục sinh lý trước hết là giúp con người hiểu được ý nghĩa ấy của tính dục. Điều đó cũng có nghĩa là giúp con người biết sống tôn trọng, quảng đại và trao ban. Xét cho cùng, giáo dục tính dục hay sinh lý thiết yếu là giáo dục yêu thương. Người biết sống yêu thương trong quan hệ tính dục sẽ luôn tự hỏi: “Tôi có làm cho người khác được hạnh phúc không? Tôi có hành động thế nào để thỏa mãn nhu cầu của người khác không?”. Trái lại người ích kỷ luôn tự nghĩ: “Người khác không làm cho tôi hạnh phúc cho nên tôi cũng sẽ không thoả mãn nhu cầu của họ”.
Trong quan hệ tính dục cũng như trong mọi khía cạnh của đời sống lứa đôi, thiết tưởng vợ chồng nên tâm niệm lời vàng ngọc của Chúa Giêsu được thánh Phaolô ghi lại như sau: “Cho thì có phúc hơn là nhận”. Thật thế, cho là quên mình để chỉ muốn làm cho người khác được hạnh phúc. Nếu hai người phối ngẫu biết đối xử với nhau như thế, họ sẽ tìm gặp lại chính bản thân và nên một với nhau trong thể xác và tinh thần.
1. Để sống một cách sung mãn trong ơn gọi hôn nhân, thiết tưởng cần phải vượt qua não trạng vị luật hay đúng hơn cái tâm thức mà chúng ta thường gọi là “tâm thức tiêu thụ” đối với các bí tích trong Giáo Hội. Với tâm thức tiêu thụ ấy, nhiều đôi vợ chồng cho rằng: một khi đã chịu bí tích trong nhà thờ thì cuộc sống hôn nhân đương nhiên sẽ xuôi buồm thuận gió.
Thật ra nghi thức cử hành trong nhà thờ mới chỉ là khởi đầu của bí tích Hôn Phối mà thôi. Bí tích Hôn Phối là cả cuộc sống vợ chồng với tất cả những thăng trầm, những chiến đấu, những vui buồn từng ngày. Chính qua những sinh hoạt từng ngày ấy mà tình yêu vợ chồng trở thành bí tích, nghĩa là trở thành dấu chỉ hữu hình của Thiên Chúa. Tất cả những biểu lộ của tình yêu lứa đôi từ những lời nói, ánh mắt, sự âu yếm cho đến tình thương đối với con cái… tất cả đều là dấu chỉ hữu hình của Thiên Chúa tình yêu. Đó là một tình yêu có thể thấy được, cảm nhận được. Con cái hân hoan khi chứng kiến tình yêu ấy, những người xung quanh được thánh hóa khi nhìn thấy tình yêu ấy.
Nhưng tất cả mọi biểu lộ của tình yêu vợ chồng sẽ dẫn tới sự kết hợp nên một thân xác giữa hai người, tức hành động giao hợp. Đó là dấu chứng cao cả nhất của tình yêu Thiên Chúa. Bàn đến một nền tu đức đặc biệt cho các đôi vợ chồng, thiết tưởng chúng ta không thể không nói đến giá trị nội tại của hành động này. Một cái nhìn lành mạnh và thánh thiện về hành động giao hợp là điều mà chúng tôi cố gắng trình bày trong bài này.
2. Để có được cái nhìn lành mạnh và thánh thiện trên đây, thiết tưởng chúng ta cần đọc lại số 49 trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng của Công Đồng Vaticanô II:
“Là một hành động có đặc tính nhân linh cao cả vì từ một nhân vị này hướng tới một nhân vị khác bằng một tình cảm tự ý, tình yêu vợ chồng bao gồm hạnh phúc toàn diện của con người. Vì thế, tình yêu vợ chồng có thể lồng vào những biểu lộ của thân xác và tâm hồn một giá trị đặc biệt khiến chúng trở nên cao quí như những yếu tố và dấu hiệu đặc thù của tình yêu lứa đôi. Một tình yêu kết hợp yếu tố nhân loại với yếu tố thần linh như thế phải thấm nhuần cả đời sống, và hướng dẫn đôi vợ chồng biết tự do trao hiến cho nhau qua những tâm tình và cử chỉ yêu mến. Hơn nữa chính nhờ những hành vi quảng đại của mình mà tình yêu giữa hai người được trọn vẹn và lớn lên. Sự âu yếm trên được biểu lộ và hoàn hảo một cách đặc biệt qua những động tác riêng của bậc hôn nhân.
Bởi vậy, những hành vi thực hiện sự kết hợp thân mật và thanh khiết của đôi vợ chồng thật là cao quí và chính đáng. Việc thực hiện chúng một cách xứng với con người, những hành vi ấy biểu lộ và khích lệ sự trao hiến cho nhau, nhờ đó hai người làm cho nhau thêm phong phú trong hoan lạc và biết ơn”.
Những dòng trên đây của Công Đồng thực là một bài ca về hành động giao hợp trong đời sống vợ chồng. Trước kia hành động ấy bị xem như một hành động thấp hèn không xứng với phẩm giá con người, một hành động mà có lẽ Giáo Hội chỉ cho phép làm để xoa dịu cơn đói khát tình dục mà thôi. Với Công Đồng Vaticanô II, động tác ấy không chỉ được khuyến khích mà còn được xem như một nghĩa vụ giúp hoàn thiện hoá hai vợ chồng.
Nói cách khác, việc giao hợp vợ chồng không là một động tác tuỳ tiện mà hai người chỉ thực hiện theo sở thích, nhưng phải được xem như một phương thế để tiến triển trên con đường nên thánh. Nếu đó là một động tác thực sự xứng với con người được thực thi với sự chú ý, cảm thông, tôn trọng, hy sinh, quảng đại thì đó cũng là một hành động thánh thiện và mang tính tôn giáo, bởi vì sống trong tình yêu là sống trong Chúa. Tác động đó cũng là một tác động Kitô giáo bởi nó là hình ảnh của mối tương quan giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài.
3. Không thể bàn tới con đường tu đức cho các đôi vợ chồng mà không đề cao tầm quan trọng ý nghĩa và giá trị sinh hoạt tính dục trong đời sống lứa đôi. Ngày nay với cuộc cách mạng tình dục, sách vở, báo chí và nhất là phim ảnh đang cổ võ cho một cuộc sống tính dục buông thả trụy lạc, tính dục được hoàn toàn đồng hóa với tình yêu hoặc hoàn toàn tách biệt khỏi tình yêu. Nhưng kinh nghiệm cho chúng ta thấy, khi tính dục không còn là ngôn ngữ của tình yêu thì cuộc sống xã hội cũng bị xáo trộn. Những tệ trạng gia đình như phá thai, ly dị đến bao nhiêu tệ đoan xã hội khác đều bắt nguồn từ chính sự tách biệt tính dục ra khỏi tình yêu. Xét cho cùng, khi con người tách biệt tính dục ra khỏi tình yêu thì nó tự hạ phẩm giá làm người của mình.
Vì là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa đối với con người nên bí tích Hôn Phối luôn nhắc nhở người Kitô hữu về ý nghĩa cao cả của tính dục. Tính dục hay đúng hơn việc giao hợp vợ chồng là bí tích của tình yêu Thiên Chúa qua sự kết hợp nên một thân xác và tâm hồn giữa hai người. Hai vợ chồng cần phải ý thức rằng, họ đang thực thi một sứ mệnh cao cả mà Thiên Chúa đã uỷ thác. Đó là được tham dự vào quyền năng sáng tạo và trở thành nhân chứng cho tình yêu của Ngài.
4. Hành động giao hợp là một động tác cao cả và thánh thiện, đó là cái nhìn mà các đôi vợ chồng luôn có đối với sinh hoạt tính dục trong đời sống lứa đôi. Có lẽ không có mặc khải nào rõ ràng hơn về ý nghĩa và giá trị của sinh hoạt tính dục trong đời sống vợ chồng bằng sách Diễm Tình Ca. Vào khoảng năm 90 sau Công Nguyên, trong một công hội tại Danđia bên Palestin, các giáo trưởng và học giả Do Thái đã tranh luận sôi nổi về việc có nên xem tác phẩm này là Sách Thánh nghĩa là được linh ứng hay không? Cuối cùng, mọi người đã đồng thanh đưa tác phẩm vào qui điển, nghĩa là danh mục các Sách Thánh. Và một giáo trưởng đã phát biểu như sau: “Nếu những quyển Sách Thánh khác là thánh thì Diễm Tình Ca là cực thánh”.
Cuộc tình lãng mạn giữa đôi trai gái mục đồng ấy đã có một thời bị Giáo Hội nhìn với đôi mắt nghi ngờ và sợ hãi. Ngày nay, với giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II, những biểu lộ tình yêu trong tác phẩm này đã tìm được giá trị đúng đắn của nó.
Dưới sự soi sáng của Công Đồng, ngày nay, Kitô hữu chúng ta sẽ không còn xem thân xác hay những biểu lộ của tình yêu là đê hèn hay hạ cấp nữa, nhưng là dấu chỉ của một thực tại cao cả là chính tình yêu của Thiên Chúa. Cái nhìn thánh thiện ấy sẽ giúp các đôi vợ chồng luôn ý thức rằng, họ đang trau dồi một trong những nghệ thuật cao cả nhất trong cuộc sống con người. Đó là nghệ thuật yêu thương.
Nếu nghệ thuật là một cố gắng thể hiện chân thiện mỹ thì tình yêu vợ chồng, mà tột đỉnh là sự kết hợp nên một thân xác, cũng chính là một thể hiện của sự thánh thiện, sự tuyệt mỹ của tình yêu Thiên Chúa. Sự kết hợp đó chỉ thể hiện được tình yêu Thiên Chúa khi nó là tuyệt đỉnh, là điểm hội tụ sự dâng hiến, lòng quảng đại, sự hy sinh mà hai vợ chồng luôn thực thi cho nhau. Chỉ như thế, tình yêu giữa hai người mới trở thành cung thánh cho sự hiện diện của Thiên Chúa và là bí tích tình yêu của Ngài đối với nhân loại.
1. Nên thánh là ơn gọi và bổn phận của mỗi người đã nhận lãnh phép rửa, nhưng nên thánh không phải là một ơn gọi giống nhau cho mỗi người. Nói đến tiếng gọi là nói đến những hoàn cảnh cá nhân, một cuộc sống đặc thù.
Nên thánh trong bậc vợ chồng là một ơn gọi dành riêng cho những người sống đời lứa đôi. Nhưng ngay cả trong bậc sống này, mỗi người phối ngẫu cũng sống ơn gọi ấy với tất cả những gì là cá biệt, riêng rẽ nhất trong bản thân mình. Tuy nhiên con đường nên thánh không phải là con đường cô tịch nhưng là con đường rộng mở để ta cùng nắm tay nhau tiến bước.
Tương trợ nhau trong ơn gọi nên thánh là bổn phận của người tín hữu Kitô. Bổn phận này càng bó buộc hơn đối với những người sống đời vợ chồng. Yêu nhau, tận hiến cho nhau chính là muốn mang lại điều tốt đẹp nhất cho người mình yêu. Và điều tốt đẹp nhất cho một Kitô hữu không gì khác hơn là được lớn lên trong sự thánh thiện, giúp nhau thăng tiến trong đường trọn hảo. Đó là điều mà chúng tôi xin chia sẻ trong bài này.
2. Để trở thành những bậc phụ huynh tốt, trước tiên phải là những đôi vợ chồng tốt. Để trở thành những đôi vợ chồng tốt thì mỗi người phối ngẫu cần phải là một tín hữu tốt. Hai người tín hữu không sống đức tin không thể hợp thành một đôi vợ chồng tốt. Một người tàn tật cộng với một người tàn tật không thể trở thành một người khoẻ mạnh được.
Không phải đã nên vợ nên chồng thì đương nhiên nên một thể xác. Không hẳn đã làm phép cưới trong nhà thờ thì đương nhiên trở thành bí tích của tình yêu Thiên Chúa. Nếu mỗi người phối ngẫu không quan tâm đến sự trưởng thành trong nhân cách và đức tin của mình thì mãi mãi cuộc sống lứa đôi có thể chỉ là một cuộc sống chung mà chưa phải là một xác thể và trở thành một bí tích đích thực của tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Trước tiên mỗi người phải quan tâm đến sự trưởng thành của mình. Đó là điều kiện tiên quyết để sống đời lứa đôi.
Đức tin đặt mỗi người chúng ta và chỉ mỗi người chúng ta trước mặt Thiên Chúa mà thôi. Chính trước mặt Chúa mà mỗi người đón nhận mệnh lệnh của Ngài: “Các con phải nên thánh vì Ta là Đấng Thánh”. Nên thánh là bổn phận của mỗi người. Cho nên, không ai có thể biện minh cho sự tầm thường của mình bằng gương xấu của người khác: “Tôi không khá hơn người khác. Tất cả mọi người đều làm như vậy, hoặc chồng tôi, vợ tôi không nghĩ như thế v.v..”.
Mỗi người, tự trong đáy thẳm tâm hồn mình, cần phải đáp trả lại lời mời gọi của Chúa Giêsu, “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng Trọn Lành”. Nên thánh là một đòi hỏi và đồng thời là một biểu lộ cao cả nhất của tình yêu. Yêu là trao ban và điều cao cả nhất mà người ta trao ban cho người khác chính là bản thân mình. Nhưng nếu không có làm sao ta có thể trao ban? Càng thánh thiện con người càng muốn trao ban cho người khác.
3. Nên thánh là một đáp trả của từng cá nhân đối với tiếng gọi của Chúa, nhưng chỉ qua cửa ngõ của phép rửa mà con người lắng nghe được tiếng gọi nên thánh ấy. Cho nên, chỉ trong Giáo Hội, ơn gọi nên thánh mới được ngỏ cho con người. Điều đó có nghĩa là không ai có thể nên thánh một mình.
Trong tình liên đới với mọi người đã chịu phép rửa, chúng ta cần có sự trợ giúp của người khác để sống ơn gọi Kitô hữu của mình. Chúng ta cần có sự hướng dẫn của Giáo Hội, chúng ta cần có những nhà chuyên môn về tu đức hướng dẫn, nhất là chúng ta cần có lời cầu nguyện của toàn thể Giáo Hội để xin ơn trợ giúp của Chúa. Nên thánh không phải chỉ là một cuộc thao dượt và cố gắng của ý chí. Nên thánh trước tiên là một tham dự vào sự thánh thiện của Chúa. Điều đó cũng là công trình của con người cùng với sự trợ giúp của ơn Chúa. Nên thánh là một con đường do chính Chúa khai phá và mở rộng cho nhiều người. Không ai có thể đi về nhà Chúa mà không cùng nắm tay tiến bước với những người khác. Con đường nên thánh không phải là một con đường đơn độc buồn tẻ nhưng là một đại lộ, trong đó, mọi người cùng tiến bước với niềm hân hoan phấn khởi.
Niềm vui nào cũng cần được chia sẻ, càng được chia sẻ, niềm vui càng lớn lên. Sự thánh thiện đích thực được biểu lộ trước tiên bằng niềm vui. Người Tây phương vẫn nói, một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn. Do đó, sự chia sẻ cao quí nhất mà người ta có thể làm cho người khác chính là chia sẻ sự thánh thiện của mình. Nói cách khác, người Kitô hữu không những có bổn phận nên thánh mà còn phải giúp người khác nên thánh nữa.
4. Bổn phận này càng đòi buộc hơn trong đời sống vợ chồng. Với bí tích Hôn Phối, hai người nam nữ tạo thành một cộng đồng tình yêu vốn được ví như một Giáo Hội thu gọn. Thực thế, nếu Giáo Hội là bí tích tức là dấu chỉ và khí cụ biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, thì gia đình là nơi ưu việt nhất để tính cách bí tích ấy của Giáo Hội được thể hiện.
Giáo Hội là thân thể hữu hình của Chúa Kitô. Nhưng thực thể hữu hình ấy chỉ có thể hiện diện nhờ các Kitô hữu mà thôi. Và dĩ nhiên không nơi nào sự hiện diện của Giáo Hội được tỏ bày rõ nét cho bằng gia đình. Nơi đây, mọi người nhất là vợ chồng được liên kết với nhau trong cùng một đức tin, được sinh động bởi cùng một tình yêu và được nâng đỡ, hướng dẫn bởi cùng một niềm hy vọng. Nếu sự hợp nhất là dấu hiệu khả tín nhất của Giáo Hội thì không nơi đâu người ta có thể tìm thấy dấu hiệu ấy một cách rõ nét cho bằng gia đình.
Chính vì là một Giáo Hội thu nhỏ, một Giáo Hội điển hình mà gia đình phải luôn luôn quan tâm đến vai trò bí tích tức vai trò chứng nhân của mình. Vai trò chứng nhân ấy không là trách nhiệm riêng rẽ của mỗi người mà là bổn phận của toàn thể gia đình. Bổn phận ấy chỉ có thể chu toàn với sự cộng tác của mỗi thành phần trong gia đình. Do đó, trong khi chu toàn bổn phận chứng nhân của gia đình mỗi người cũng quan tâm đến người khác để tất cả được liên kết với nhau trong cùng một quyết tâm làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa.
Đức tin là giá trị cao cả nhất trong cuộc sống của người tín hữu Kitô. Qua bí tích Hôn Phối, cam kết tiên quyết nhất của hai người nam nữ Kitô hữu chính là giúp nhau vun trồng, bảo vệ và thăng tiến đức tin của mỗi người… Món quà cao quí nhất mà họ trao tặng cho nhau chính là đức tin. Chỉ khi nào đức tin được giữ vững thì tình yêu giữa hai vợ chồng và trong gia đình mới được bảo đảm.
Xây dựng hạnh phúc gia đình, bảo vệ tình yêu hôn nhân, điều đó chỉ có thể thực hiện được đối với người tín hữu Kitô khi nào niềm tin được vững vàng. Không có đức tin, tình yêu hôn nhân và gia đình chỉ như một ngôi nhà xây trên cát. Chỉ trong đức tin, hai người mới thực sự nên một trong thân xác và tâm hồn. Chỉ trong đức tin, tình yêu giữa hai người mới trở thành đức ái, hai người mới thực sự nên thánh thiện như Cha trên trời.
I. TÂM LÝ VỢ CHỒNG TRẺ
II. LINH ĐẠO ĐỜI HÔN NHÂN