1. Có nhiều bậc sống khác nhau trong Giáo Hội, nhưng chỉ có một ơn gọi chung cho mọi người tín hữu của Chúa Kitô. Ơn gọi đó là đi theo Ngài, sống với Ngài và nên giống Ngài. Đó là ơn gọi nên thánh.
Nên thánh là tham dự vào sự sống của Thiên Chúa được thể hiện nơi Chúa Giêsu Kitô, là Con Một và là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình. Do đó, sự hiểu biết Chúa Kitô là điều không thể thiếu trong cuộc đời người tín hữu, dù thuộc cấp bậc nào trong Giáo Hội. Tất cả đều được mời gọi hiểu biết Chúa Kitô để yêu mến Ngài, sống kết hợp với Ngài và đi theo con đường của Ngài.
Có nhiều phương tiện giúp chúng ta hiểu biết Chúa Kitô. Ở bài trước, chúng tôi đã nói tới việc đọc Kinh Thánh trong gia đình, với bài này, chúng tôi xin đề cập đến một phương tiện khác không thể thiếu trên con đường nên thánh. Đó là đọc sách và suy niệm. Đã là phương tiện cần thiết cho việc nên thánh thì dù là linh mục, tu sĩ hay giáo dân trong bậc vợ chồng, ai cũng đều phải chuyên chăm thực hành.
2. Trong các trung tâm đào tạo như chủng viện, tập viện, tu viện… thường có những giờ dành riêng cho việc đọc sách đạo đức, gọi là đọc sách thiêng liêng. Việc đọc sách thiêng liêng này sẽ được tiếp tục trong đời sống của linh mục, tu sĩ dù sống cộng đoàn hay riêng rẽ.
Một quyển sách được gọi là thiêng liêng khi nó hướng dẫn, nâng cao đời sống thiêng liêng và làm cho nội tâm được thêm phong phú. Truyện các thánh, cuộc đời của những người hiến thân phục vụ Chúa và tha nhân, những sách hướng dẫn đời sống thiêng liêng, các tạp chí đạo... là những của ăn cần thiết cho đời sống đạo. Các văn kiện của Công Đồng, thông điệp của Đức Thánh Cha, văn kiện tòa thánh, thư mục vụ của Giám mục cũng là những chất bồi dưỡng đời sống tu đức của người tín hữu.
Có ý tưởng sai lầm khi cho rằng, đọc sách thiêng liêng là việc dành riêng cho linh mục, tu sĩ. Ý tưởng này phát xuất từ quan niệm nên thánh chỉ là bổn phận của bậc tu hành. Có người cũng cho rằng, các văn kiện của Giáo Hội chỉ dành riêng cho linh mục vì họ cần biết để hướng dẫn đời sống giáo dân. Dĩ nhiên các linh mục là những người có trách nhiệm hướng dẫn, nhưng hiểu biết Chúa Kitô, am tường giáo huấn của Giáo Hội là nghĩa vụ của mọi tín hữu. Bởi thế việc đọc sách thiêng liêng cũng như tìm hiểu các văn kiện của Giáo Hội là điều không thể thiếu trong đời sống người tín hữu.
3. Cùng với việc đọc sách thiêng liêng, suy niệm cũng là một đòi hỏi thiết yếu của việc nên thánh. Một lần nữa cần khẳng định rằng, suy niệm không phải là một sinh hoạt đạo đức chỉ dành riêng cho bậc tu trì. Suy niệm cũng không có nghĩa là phải ngồi thing lặng hằng giờ trước nhà tạm hay trong một nơi thanh vắng.
Một cách đơn giản, suy niệm là lắng nghe những nhủ bảo, gợi hứng của Chúa Thánh Thần. khi đang đọc một quyển sách thiêng liêng, hay khi đang ngồi thinh lặng một mình thì điều quan trọng nhất lúc đó là thái độ lắng nghe. Mà để có thể lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, ta phải có sự yên tĩnh trong tâm hồn. Do đó, suy niệm là một sinh hoạt hoàn toàn cá nhân vì không ai có thể thay thế ta để nghe tiếng nói của Chúa trong nội tâm sâu kín lòng mình. Và Chúa cũng không nói bằng những công thức đồng điệu trong tâm hồn của mọi người. Mỗi người lắng nghe tiếng nói và đón nhận những soi dẫn của Chúa theo cách thức riêng của mình.
Có một con đường tu đức dành cho những người sống bậc hôn nhân, ở đó, hai vợ chồng dìu dắt, nâng đỡ và trợ giúp nhau sống đức tin qua những thực tại của cuộc sống lứa đôi và gia đình. Cả hai cùng nên thánh trong bậc vợ chồng. Tuy nhiên không ai có thể nên thánh thay cho người khác. Nên thánh là một ơn gọi mà mỗi người phải tự mình đáp trả. Vì thế, lắng nghe tiếng nói của Chúa, đón nhận sự linh ứng và hướng dẫn của Ngài là việc hoàn toàn diễn ra trong nội tâm sâu kín của mỗi người.
4. Chỉ trong thinh lặng nội tâm, con người mới có thể lắng nghe được tiếng Chúa. Kinh Thánh thường dùng hình ảnh sa mạc để nói lên sự cần thiết của thinh lặng trong tâm hồn. Bốn mươi năm lang thang trong sa mạc là thời gian thanh tẩy đối với người Do Thái trước khi vào Đất Hứa. Các tiên tri trong Cựu Ước cũng tuân giữ các khoảng thời gian sa mạc để gặp gỡ Chúa và đón nhận sứ mạng Ngài trao. Chúa Giêsu đã trải qua bốn mươi đêm ngày trong sa mạc trước khi bắt đầu sứ mệnh công khai của mình. Và theo các sách Tin Mừng, mỗi ngày Chúa Giêsu vẫn dành nhiều giờ thinh lặng để cầu nguyện; chính Ngài cũng đã truyền cho các môn đệ, “Các con hãy tìm đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”.
Phải chăng ngày nay chúng ta cũng cần tìm đến một nơi thanh vắng để gặp gỡ và lắng nghe Chúa. Linh mục Carlo, thuộc dòng tiểu đệ Chúa Giêsu, sau mười năm sống trong sa mạc Sahara đã nói: “Chúng ta cần phải tìm ra sa mạc ngay giữa chốn đô thị”.
Mỗi người tín hữu có thể và cần phải tạo ra một nơi thanh vắng trong tâm hồn mình để lắng nghe tiếng Chúa và chuyện vãn với Ngài. Họ cần phải dành ra mỗi ngày một khoảng thời gian tối thiểu để trở về với nội tâm sâu kín của mình. Giữa những ồn ào nhộn nhịp của cuộc sống, họ cũng có thể trở về nội tâm lòng mình để lắng nghe Chúa và cầu nguyện bất cứ lúc nào trong ngày.
Thiên Chúa phán bảo con người trong từng phút giây của cuộc sống. Do đó, lắng nghe phải là thái độ thường xuyên của con người.
5. Suy niệm và lắng nghe Chúa nói là thái độ hoàn toàn riêng tư, nhưng là một điều cần thiết cho cuộc sống lứa đôi. Chúa Giêsu không lên núi cầu nguyện rồi ở mãi trên đó. Sau những giờ phút tách biệt để cầu nguyện, Ngài trở lại với đám đông; và giữa những tiếp xúc với người khác, Ngài vẫn không ngừng kết hợp với Chúa Cha để luôn thi hành ý muốn của Chúa Cha.
Nên thánh chính là nên giống Chúa Giêsu. Như Ngài, người tín hữu phải không ngừng kết hợp với Thiên Chúa để đến với tha nhân nhiều hơn. Cách riêng, Chúa Giêsu là mẫu mực cho những người sống bậc vợ chồng. Tình yêu của Chúa Giêsu dành cho nhân loại qua cuộc sống và cái chết của Ngài đã được các đôi vợ chồng cam kết trao cho nhau, và nhờ đó, họ trở thành dấu chứng của tình yêu Thiên Chúa. Bởi đó, họ phải là những người sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu. Họ phải luôn tự hỏi: lúc này đây, nếu ở vào địa vị của tôi, Chúa Giêsu sẽ cư xử thế nào?
Chúng ta thường nói đến những hành động thiếu suy nghĩ và tự chủ. Quả thực, khi không biết lắng nghe tiếng nói của Chúa trong sâu thẳm lòng mình, con người cũng không làm chủ được bản thân, nghĩa là đã đánh mất chính mình. Trái lại, khi biết lắng nghe tiếng Chúa, con người sẽ hành động phù hợp với ý muốn của Ngài.
Suy niệm là một thái độ hơn là một vấn đề của thời giờ và nơi chốn. Thái độ ấy chính là luôn sống kết hợp với Chúa, mặc lấy tâm tình của Chúa. Một thái độ như thế không những thăng tiến đức tin trong đời sống vợ chồng, giúp thắng vượt những khó khăn trong cuộc sống mà còn giúp nhau nên thánh nữa.
1. Có lẽ trong ngôn ngữ của nhân loại, chưa có danh từ nào bị lạm dụng cho bằng hai chữ tình yêu. Từ những rung động đầu đời của tuổi dậy thì cho đến những cuộc phiêu lưu tình cảm không lối thoát, tất cả đều được gọi là những mối tình, là tình yêu. Động từ yêu cũng được con người sử dụng hầu như trong mọi hoàn cảnh; người ta yêu hoa, yêu nhạc, yêu thú vật, yêu người…
Tình cảm rung động, nhưng cường độ và đối tượng rung động lại khác nhau; tất cả được gói trọn trong chữ yêu. Một mối tình cao đẹp nhất cũng gọi là tình yêu mà một cuộc phản bội xấu xa nhất cũng gọi là tình yêu. Có sự lạm dụng đối với tình yêu, phải chăng vì người ta chưa hiểu được thế nào là tình yêu chân thực.
Bàn đến con đường nên thánh dành riêng cho các đôi vợ chồng nghĩa là bàn đến phương thức sống đức ái của Kitô giáo trong bậc hôn nhân, thiết tưởng chúng ta không thể không nói đến nền tảng của con đường này là tình yêu. Thế nào là tình yêu theo quan niệm Kitô giáo? Sau đây chúng tôi xin ôn lại một vài yếu tố của tình yêu đích thực theo quan niệm của đạo chúng ta.
2. Về tình yêu, có thể rút ra từ mặc khải trong Kinh Thánh bốn điểm cơ bản sau đây :
Trước hết, Thiên Chúa là Đấng độc nhất, nghĩa là duy chỉ có một mình Ngài mới là chủ tể của mọi loài. Vì Ngài là Thiên Chúa độc nhất và là thần linh, nên nơi Ngài không có phái tính. Ngài không phải là một nam thần hay một nữ thần như người ta thấy trong các thần thoại Hy Lạp hay các tôn giáo khác. Ngài không thể đóng vai một người chồng hay một người vợ, tất cả mọi loài hiện hữu đều bởi lời Ngài. Kinh Thánh nói, Ngài phán một lời liền có trời đất muôn vật.
3. Thiên Chúa là Đấng độc nhất nhưng Ngài không phải đơn thuần là một ngôi vị. Ở tuyệt đỉnh của mặc khải trong Kinh Thánh chúng ta đọc thấy rằng: “Thiên Chúa là tình yêu”. Đó là chân lý nền tảng tóm lược mặc khải trong Kinh Thánh. Thiên Chúa là tình yêu. Ngài làm tất cả vì yêu thương. Ngài là định nghĩa của tình yêu.
“Thiên Chúa là tình yêu”, điều đó có nghĩa Ngài không đơn thuần là một ngôi vị. Mầu nhiệm cơ bản được bày tỏ cho con người chính là mầu nhiệm Ba Ngôi. Thiên Chúa có một người Con. Cha và Con yêu thương nhau, tình yêu giữa hai ngôi vị ấy được gọi là Thánh Thần. Tự bản chất Thiên Chúa không có phái tính, nhưng chỉ có hai thực tại thuộc đặc tính của gia đình là yêu và sinh sản.
Từ mặc khải nền tảng vô cùng bí nhiệm này, chúng ta có thể rút ra những kết luận sau:
Phái tính và tình yêu là hai thực tại khác nhau, Thiên Chúa là tình yêu nhưng không có phái tính. Như thế, tình yêu là một thực tại thần linh trong khi phái tính là một thực tại hoàn toàn có tính nhân loại.
Kết luận thứ hai mà chúng ta có thể rút ra từ chân lý được mặc khải trên đây là tình yêu mang tính thần linh. Đó là lý do tại sao tình yêu là yếu tố quan trọng nhất trong quan hệ giữa người nam và người nữ. Phái tính thuộc về thể xác cho nên cũng sẽ qua đi với thể xác. Nhưng tình yêu thì bất diệt.
4. Khi Thiên Chúa tự mặc khải cho con người, Ngài cũng một trật bày tỏ cho con người chân lý của chính nó. Mầu nhiệm của Thiên Chúa gắn liền với chân lý về con người. Đó là lý do tại sao Kinh Thánh nói với chúng ta rằng, con người là hình ảnh của Thiên Chúa.
Đây là mặc khải nền tảng về con người và đời sống xã hội. Được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, con người phải giống Thiên Chúa trong hành vi và phẩm hạnh của mình. Chính vì là hình ảnh của Thiên Chúa, nên con người luôn có khuynh hướng sống cuộc sống xã hội, họ không thể sống đơn độc, bởi vì Thiên Chúa không sống đơn độc. Bản tính giống Thiên Chúa luôn thúc đẩy con người sống thành gia đình, thành đoàn thể, thành xã hội, thành quốc gia v.v..
Sự khác biệt về phái tính giữa người nam và người nữ là một điều tốt, bởi đó là ý muốn của Thiên Chúa. Chính nhờ phái tính mà con người mới có thể diễn tả sự phong phú của Thiên Chúa. Khi Ađam và Eva trở thành lứa đôi trong vai trò vợ chồng thì họ nên giống Thiên Chúa. Là một người đàn ông, dĩ nhiên Ađam cũng là hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng không là một hình ảnh trọn vẹn; Eva cũng là hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng chưa là một hình ảnh trọn vẹn. Với tình yêu, hai người được liên kết với nhau để tạo nên một đôi lứa yêu thương nhau và như vậy họ mới trở thành hình ảnh trọn vẹn của Thiên Chúa.
5. Từ những suy nghĩ trên, chúng ta có thể đi đến những nhận định sau đây:
Trước hết, cho dẫu là hai thực thể khác nhau, tình yêu và phái tính không bao giờ tách biệt nhau. Người đàn ông và người đàn bà không thể có hành động phái tính nghĩa là giao hợp với nhau mà không có tình yêu. Tình yêu và tình dục phải luôn đi đôi với nhau; điều này có nghĩa, phái tính là phương tiện, là ngôn ngữ để diễn đạt tình yêu. Thú vật giao hợp nhưng không có tình yêu. Chỉ có tình yêu mới xứng đáng với con người. Giao hợp mà không có tình yêu tức là hạ mình xuống hàng thú vật.
Đây là ngộ nhận của rất nhiều người: Họ lẫn lộn tình yêu với tình dục. Tình dục luôn mang tính mù quáng. Nó là một thúc đẩy tự nhiên, mà nếu không có sự tự chế, con người dễ dàng buông theo. Tình yêu đích thực như tình yêu của Thiên Chúa vốn đã mặc khải qua cuộc sống và cái chết của Đức Giêsu Kitô chính là tự hiến và trao ban.
Kinh Thánh nói với chúng ta rằng, Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Người Con Một của Ngài cho thế gian. Đó là định nghĩa của tình yêu. Yêu là dâng hiến, là trao ban, là hy sinh, là quên mình. Như vậy một hành động tính dục không mang ý nghĩa của trao ban, của dâng hiến, của hy sinh, của quên mình thì không thể là ngôn ngữ của tình yêu mà chỉ là thể hiện của lòng ích kỷ và sự chết.
6. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa tình yêu, nên ơn gọi của con người chính là sống yêu thương. Ơn gọi này được thể hiện một cách đặc biệt trong hôn ước. Sự kết hợp giữa vợ chồng bao gồm mọi khía cạnh trong đời sống vợ chồng chứ không chỉ trong phương diện thể xác mà thôi. Vợ chồng yêu thương nhau có nghĩa là họ liên kết đời sống họ lại với nhau trong tư tưởng, ý chí, hành động, tâm hồn v.v..
Nói cách khác, họ phải liên kết tất cả khả năng, nghị lực của họ với nhau và sống vì nhau. Sự kết hợp thể xác chỉ là một khía cạnh của sự kết hợp toàn thể cuộc sống và con người của họ. Sự kết hợp thể xác chỉ có ý nghĩa nếu nó diễn đạt sự kết hợp toàn diện ấy. Đây là lý do tại sao hôn nhân chỉ có giữa một người đàn ông và một người đàn bà mà thôi. Nếu người vợ và người chồng tham dự hoàn toàn vào cuộc sống của nhau thì dĩ nhiên không thể có một người thứ ba. Đó là đòi hỏi để tình yêu đích thực và trọn vẹn có thể có giữa hai vợ chồng.
1. “Biết làm sao định nghĩa được tình yêu”. Câu hát quen thuộc ấy có lẽ cũng phải là câu hỏi mà mỗi người phối ngẫu cần phải tự đặt ra cho mình để không ngừng kiểm điểm về cuộc sống hôn nhân và gia đình của họ. Thật ra, câu hỏi đích thực mà mỗi người phải luôn tự đặt ra là: “Tôi đã thực sự biết yêu chưa?”. Có những hành động mà người ta tưởng là tình yêu, nhưng thực ra chỉ là những biểu lộ của cảm xúc hoặc của tính ích kỷ mà thôi.
Nên thánh chính là thực thi tình yêu theo giáo huấn và mẫu gương của Chúa Giêsu. Thế nào là tình yêu đích thực theo giáo huấn và mẫu gương của Chúa? Chúng tôi xin tiếp tục bàn đến một vài đặc tính của tình yêu đích thực theo quan niệm của Kitô giáo.
2. Trong Kitô giáo, chúng ta thường nghe nói đến hai chữ “đức ái”. Theo định nghĩa đức ái là một nhân đức đối thần được ban cho người tín hữu Kitô cùng với hai nhân đức cơ bản khác là đức tin và đức cậy. Được gọi là đối thần bởi vì đối tượng và điểm đến của đức ái chính là Thiên Chúa. Định nghĩa như thế không có nghĩa là loại bỏ mọi quan hệ với tha nhân. Thực ra chính vì đức ái là tình yêu đích thực phát xuất từ Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa, nên đức ái cũng bao gồm cả tha nhân.
Được gọi là đối thần bởi vì đức ái hay tình yêu đích thực không phải là một sáng chế hay chinh phục của con người mà trước tiên là một ân huệ của Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là tự bản tính, con người sinh ra với tỳ vết của tội nguyên tổ vốn hướng chiều về tính ích kỷ. Tình yêu đích thực không phải tự nhiên đến với con người. Năm tháng có qua đi, tuổi đời có chồng chất, con người không vì thế mà đạt được tình yêu đích thực. Tình yêu là một quà tặng của Thiên Chúa. Chỉ trong Thiên Chúa, con người mới biết được thế nào là tình yêu và thế nào là yêu.
Thánh Gioan tông đồ viết: “Thiên Chúa là tình yêu”. Đây không là một định nghĩa siêu hình. Thánh Gioan đã viết điều đó sau những năm tháng sống gần gũi thiết thân với Chúa Giêsu và cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa thể hiện qua Ngài. Chúa Giêsu chính là tình yêu bằng xương bằng thịt của Thiên Chúa. Qua Chúa Giêsu, không những Thiên Chúa bày tỏ thế nào là tình yêu, Ngài còn cho con người biết thế nào là yêu. Trong những lời cuối cùng với các môn đệ, Chúa Giêsu đã nói: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”, và Ngài gọi đó là giới răn mới của Ngài.
Thực ra, yêu thương không phải là điều mới mẻ đối với trái tim con người. Trước Chúa Giêsu đã có biết bao nhiêu người rao giảng về tình yêu. Chúa Giêsu gọi giới răn của Ngài là một giới răn mới bởi Ngài muốn con người yêu thương bằng chính tình yêu của Thiên Chúa, và yêu thương như Thiên Chúa yêu.
3. Tình yêu đích thực hay đức ái là một quà tặng của Thiên Chúa. Do đó, để có thể yêu thương thực sự, con người cần có một tâm hồn được đong đầy bằng chính tình yêu của Ngài. Yêu thương trước tiên là trao ban, và người ta chỉ có thể cho điều mình có. Chỉ khi nào cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, con người mới thấy mình được thôi thúc để trao tặng cho người khác.
Một người chồng chỉ cảm thấy muốn trao tặng cho vợ thực sự khi tâm hồn anh được đong đầy bằng chính tình yêu của Thiên Chúa. Cha mẹ chỉ muốn ban tặng cho con cái khi chính tâm hồn họ được tràn đầy tình yêu của Thiên Chúa. Để cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa như một sức mạnh nội tâm thôi thúc con người trao ban thì sự kết hiệp với Thiên Chúa trong việc cầu nguyện, trong việc lắng nghe Lời Ngài, trong việc thực thi ý muốn của Ngài là điều không thể thiếu trong gia đình.
Giới răn thứ nhất mà Chúa Giêsu truyền cho con người chính là yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực. Nuôi dưỡng niềm tin là điều kiện tiên quyết để sống đức ái. Một lòng tin sâu sắc luôn thôi thúc con người yêu thương và yêu thương một cách đúng đắn.
Tình yêu đích thực hay đức ái là quà tặng của Thiên Chúa, nghĩa là phát xuất từ Thiên Chúa. Do đó, yêu thương thực sự là yêu thương như Thiên Chúa yêu. Và yêu thương như Thiên Chúa yêu chính là yêu thương như Chúa Giêsu yêu. Yêu thương như Chúa Giêsu yêu trước tiên là quên mình đến độ sẵn sàng hy sinh chết vì người mình yêu. Chúa Giêsu đã nói về cái chết của Ngài: “Không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình yêu của người thí mạng sống vì người mình yêu”.
Cái chết của Chúa Giêsu là định nghĩa đích thực của tình yêu: Yêu là quên mình, yêu là hy sinh, yêu là sẵn sàng chết cho người mình yêu. Định nghĩa như thế về tình yêu cũng có nghĩa là vạch ra hướng đi và ý nghĩa cuộc sống. Sống thực sự, sống sung mãn là sống cho người khác. Đó cũng chính là con đường nên thánh. Bởi vì nên thánh là sống đức ái trọn vẹn như Chúa Giêsu.
4. Nên thánh không phải là một ơn gọi dành riêng cho một số người được ưu tuyển, cũng không phải là một cuộc sống phi thường của những bậc vĩ nhân, nên thánh hay sống đức ái thiết yếu là làm cho nhân cách của mình được sung mãn. Tình yêu đích thực giúp con người biết ra khỏi chính mình, cũng không phải là đánh mất chính mình nhưng là thắng vượt con người ích kỷ nhỏ nhen của mình. Tình yêu đích thực có sức đổi mới con người và giúp con người luôn muốn canh tân.
Sống thiết yếu là thay đổi, là lớn lên trong những chiều kích mới. Nhưng sống thiết yếu cũng là yêu. Do đó, yêu cũng là thay đổi, là canh tân, là lột xác trong đau đớn. Yêu là sinh lại không ngừng. Đó là định luật của cuộc sống và đó cũng là bí quyết của hạnh phúc đích thực.
Thánh Phaolô tông đồ đã ghi lại một lời vàng ngọc của Chúa Giêsu: “Cho thì có phúc hơn nhận”. Ai muốn yêu và muốn được hạnh phúc, người đó cần phải ra khỏi chính mình, quên chính bản thân, quên hạnh phúc riêng tư của mình và chú tâm mang lại tình yêu và hạnh phúc cho người khác.
Một gia đình cầu nguyện là một gia đình đứng vững, gia đình ấy đứng vững bởi vì biết múc lấy sức sống tình yêu từ chính Chúa. Chính nhờ một lòng tin vững mạnh và kết hiệp thâm sâu với Chúa, con người mới biết thế nào là tình yêu và thế nào là yêu thực sự. Tất cả các vị thánh suốt đời xả thân hy sinh cho tha nhân đều nắm chắc bí quyết ấy. Chúa Giêsu đã không chỉ truyền dạy chúng ta hãy yêu thương tha nhân mà trước hết, hãy yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực.
Bí quyết của hạnh phúc gia đình cũng là bí quyết nên thánh chính là cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa và theo gương Chúa Giêsu trao ban và hy sinh quên mình vì tha nhân.
I. TÂM LÝ VỢ CHỒNG TRẺ
II. LINH ĐẠO ĐỜI HÔN NHÂN