Có lẽ không có ai lập gia đình mà lại nghĩ đến chuyện ly dị và có lẽ cũng không ai bước vào đời sống hôn nhân mà không nghĩ đến hạnh phúc. Thế nhưng tại sao đổ vỡ lại xảy ra như cơm bữa trong các gia đình? Câu trả lời duy nhất chỉ có thể là: Người ta không nắm vững được nghệ thuật làm vợ, làm chồng. Người ta chưa biết yêu. Chính vì không nắm vững được nghệ thuật ấy, cách vô tình, người ta làm khổ nhau.
Với những người chồng trẻ mới chập chững bước vào đời sống hôn nhân, một lần nữa chúng tôi xin được góp thêm một vài ý kiến về nghệ thuật làm chồng.
1. Một tạp chí về đời sống gia đình đã nêu ra bảy đức tính của một người chồng lý tưởng như sau:
2. Chiếc xương sườn mà Thiên Chúa đã rút ra từ Ađam để tạo dựng Eva là hình ảnh tuyệt vời của sự nên một giữa vợ chồng. Người đàn ông chỉ tìm gặp được chính mình trong người vợ. Người chồng phải luôn tự nhủ, phần cao quí nhất của mình chỉ có thể được tìm thấy nơi vợ mình mà thôi. Cuối cùng, sự thành thật của người chồng là đức tính mà người vợ quí trọng nhất.
Khi người vợ khám phá chồng mình che giấu sự thật, họ sẽ không còn cảm thấy an tâm nữa. Khi chồng nói dối, người vợ sẽ tự hỏi, chồng mình làm gì? Chồng mình đi đâu? Chồng mình đi với ai? Điều làm cho người vợ nghi ngờ và sợ hãi nhất, là chồng mình có đi với một người đàn bà khác không? Tình yêu vợ chồng chỉ có thể được xây dựng trên sự thành thực hỗ tương mà thôi. Một người chồng lý tưởng là người biết sống như thế nào để không có gì phải giấu diếm vợ mình.
3. Nói đến nghệ thuật là nói đến tinh tế, làm chồng hẳn là một nghệ thuật nhiều tinh tế, bởi vì không gì khúc mắc cho bằng tâm hồn người đàn bà. Nhiều người đàn ông vẫn còn giữ quan niệm dạy vợ, sửa trị vợ, răn bảo vợ, như thể mình có khả năng dẹp được tính xấu và những khuyết điểm của vợ. Thay vì chú tâm vào các khuyết điểm của vợ, có lẽ người chồng nên phát triển những đức tính tốt của vợ. Cũng như phương pháp chủng ngừa trong y học, người ta dùng vi trùng để tiêu diệt vi trùng, thì việc phát triển những đức tính tốt giúp chiến thắng những khuyết điểm.
Người đàn bà nào cũng thích được khen tặng. Khi người vợ mặc một chiếc áo đẹp, đừng nói với vợ “anh yêu em” mà hãy nói “anh rất thích chiếc áo này”. Người chồng nên nhớ, vợ ăn mặc đẹp trước tiên là vì chồng. Khi vừa ra khỏi nhà, được chồng khen cách ăn mặc và nếu đó là lời khen duy nhất trong ngày, người vợ sẽ nghĩ: “Tôi đã lấy được người đàn ông duy nhất hiểu được tôi”. Nếu vợ mình đẹp, đừng khen vợ đẹp mà hãy bảo nàng thông minh, bởi vì nàng thừa biết mình đẹp, còn thông minh thì nàng đang chờ đợi được khen tặng. Dĩ nhiên nếu nàng ít đẹp mà khen nàng đẹp thì nàng sẽ nghĩ thầm: “Tôi đã lấy được một người chồng nghệ sĩ”. Khi đi xa nhà, cho dẫu có tìm được niềm vui chính đáng, người chồng không nên biên thư về cho vợ để kể lại niềm vui đó, mà hãy nói “anh đang nghĩ đến em, anh nhớ em”. Người chồng nên nhớ, người vợ không chấp nhận sự kiện chồng mình hạnh phúc mà không có mình. Họ không chấp nhận cho chồng hạnh phúc vì một điều gì khác ngoài họ ra.
Trong nghệ thuật làm chồng, có lẽ người chồng nên lấy những lời sau đây của một văn sĩ Pháp để tâm niệm: “Người đàn bà vốn yếu đuối khi lấy chồng, nên khi người vợ đã hy sinh hoàn toàn ý muốn của mình cho chồng, thì người chồng nên đáp lại bằng cách hy sinh chính sự ích kỷ của mình đi. Những sai lỗi của người vợ là những lời tố cáo về tính ích kỷ, sự cố chấp và tính vô tích sự của người chồng”.
Tạp chí Red Book xuất bản tại Hoa Kỳ đã có lần báo động như sau: Sau năm năm thành hôn, một số rất lớn những người chồng Mỹ bắt đầu ngoại tình, và một số lớn hơn nữa bị cám dỗ muốn ngoại tình. Tạp chí này giải thích rằng: Thông thường người đàn ông ngoại tình không phải để tìm lạc thú mà để củng cố lòng tự tin.
Nhận định trên đây của tạp chí Red Book xem ra phù hợp với cái nhìn của Kinh Thánh về hôn nhân. Kinh Thánh nói rằng: “Người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ để luyến ái với vợ mình”. Lìa bỏ cha mẹ là hình ảnh nói lên sự trưởng thành và tự khẳng định của con người. Không những chỉ có những con người trưởng thành mới có thể bước vào đời sống hôn nhân, mà chính hôn nhân phải là môi trường giúp con người đảm nhận trách nhiệm làm người và nên trưởng thành hơn.
Một hôn nhân đổ vỡ là một cuộc sống trong đó người ta không tìm thấy được chính mình hoặc không thể tự khẳng định mình. Đó là lý do khiến người chồng hoặc người vợ đi tìm sự khẳng định và niềm tự tin ở một nơi khác.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới những người vợ trẻ một bí quyết để giữ chồng. Đó là biết giúp chồng trưởng thành hơn, nghĩa là giúp chồng tìm thấy được niềm tự tin trong đời sống vợ chồng.
1. Trước tiên người vợ hãy nhớ kỹ nguyên tắc mà Kinh Thánh đã đề ra. Đó là người đàn ông lìa bỏ cha mẹ để luyến ái với vợ và nên một với vợ trong thân xác và tinh thần. Muốn nên người, con người cần phải bỏ cung lòng và vòng tay ấm cúng của người mẹ. Tiến trình trưởng thành ấy không ngừng đòi hỏi ra đi và tự khẳng định về mình. Do đó, đối với người đàn ông, sự vượt thoát ra khỏi sự săn sóc và vòng kiềm tỏa của người mẹ là một nỗi khát khao mà họ muốn được thỏa mãn trong đời sống hôn nhân.
Một cách cụ thể, người đàn ông không muốn được vợ cư xử như một đứa con. Không gì làm cho người đàn ông cảm thấy mệt mỏi cho bằng phải sống bên một người vợ lúc nào cũng canh cánh bên mình để nhắc nhở cho mình mọi sự. Từ chuyện ăn uống, đến ngủ nghỉ, phục sức đến chuyện giải trí và giao dịch. Dĩ nhiên người đàn ông nào cũng thích sự săn sóc của vợ. Tình yêu không thể không được diễn tả bằng những hành động cụ thể, nhưng người vợ nên nhớ: họ phải săn sóc chồng như một người vợ chứ không phải như một người mẹ. Một người đàn bà đầu tắt mặt tối lo cơm nước và mọi sự cho chồng chưa hẳn là một người vợ lý tưởng. Công việc ấy một người giúp việc và một người mẹ có thể làm được. Người đàn ông không lập gia đình để được săn sóc chiều chuộng. Người ta thường đề cao sự chiều chuộng như đức tính cơ bản mà một người vợ phải có. Nhưng có trăm nghìn cách để chiều chuộng, mà sự chiều chuộng khiến cho người đàn ông cảm thấy tự ái nhiều nhất là sự chiều chuộng của vợ lại như của một người mẹ. Người đàn ông chỉ cảm thấy đầy đủ tự tin trong gia đình khi những săn sóc chiều chuộng của vợ là một biểu lộ sự âu yếm của tình yêu đôi lứa mà thôi.
2. Có nhiều lý do khiến người đàn bà săn sóc chồng như săn sóc một đứa con. Có người thú nhận: vì cảm thấy chồng không chú ý đến mình đủ, cho nên phải tìm cách săn sóc chồng. Họ chờ đợi nơi người chồng một sự đáp trả tình tứ hơn, lãng mạn hơn, nhưng lắm khi họ chỉ nhận được tâm tình biết ơn của một người con mà thôi.
Tình mẫu tử là một bản năng của người đàn bà. Lúc mới lớn lên, quan sát cách sống của người mẹ, người con gái nào cũng học được cách săn sóc, sự chú ý đến những nhu cầu của người khác. Đó là điểm son trong bất cứ nền giáo dục gia đình nào. Đó là cách thế tốt đẹp nhất để chuẩn bị cho người con gái bước vào đời sống gia đình.
Tuy nhiên, một cách vô tình và vô ý thức, người con gái nào cũng tự nhiên muốn áp dụng bài học săn sóc ấy vào chính người chồng của mình. Thoạt tiên sự săn sóc nào cũng hấp dẫn người đàn ông, nhưng về lâu về dài, khi người đàn ông chỉ nhìn thấy trong sự săn sóc ấy cách nối dài sự vỗ về và nhất là sự kềm kẹp của mẹ mình, hẳn họ sẽ cảm thấy tự ái; từ đó, trở nên lạnh nhạt với vợ. Có biết bao nhiêu người than phiền rằng, mình đã săn sóc lo lắng cho chồng không thiếu món gì, vậy mà chồng vẫn lạnh nhạt và đi tìm những người đàn bà khác. Người vợ nên nhớ, người chồng chờ đợi nơi vợ một cái gì khác hơn là sự săn sóc của một người mẹ.
3. Tình yêu được diễn tả bằng sự tôn trọng và sự chấp nhận nhau. Đó là điều mà người chồng nào cũng chờ đợi nơi vợ mình. Chỉ có tình yêu mới mang lại sự tự tin cho người chồng. Sở dĩ nhiều người vợ dành cho chồng một sự săn sóc có tính mẫu tử, bởi họ không tin tưởng đầy đủ vào chồng, cũng như không muốn chấp nhận con người của chồng mình.
Chấp nhận con người của chồng nghĩa là chấp nhận cả những khuyết điểm, những đam mê, những sở thích của chồng. Lắm khi thảm cảnh gia đình xảy ra chỉ vì người ta không muốn chấp nhận những khuyết điểm của nhau. Có những người đàn bà bắt chồng phải giống với một lý tưởng trừu tượng nào đó, thay vì chấp nhận con người với những khuyết điểm và yếu hèn của chồng.
Hãy lấy thí dụ một người nghiện thuốc lá. Dĩ nhiên, xét về những nguy hại cho sức khỏe cũng như bao hệ lụy khác, hút thuốc lá là một khuyết điểm. Tuy nhiên, bỏ thuốc lá không phải là chuyện một sớm một chiều. Chúng tôi nghĩ rằng, người vợ không nên ép buộc chồng mình phải bỏ thuốc lá, hoặc tạo sức ép khiến chồng cảm thấy bứt rứt…
Muốn sửa những khuyết điểm của người đàn ông, muốn uốn nắn người đàn ông theo ý mình, muốn thay đổi những thói quen và sở thích mà người đó đã có từ thuở nhỏ là một sai lầm lớn.
4. Văn sĩ Pháp André Maurois đã nói, “Tình yêu chân thật chỉ có khi những khuyết điểm trở thành kỳ diệu”, nghĩa là khi người ta biết chấp nhận chúng với khoan dung dịu dàng và óc khôi hài. Hạnh phúc đích thực chỉ có được khi người ta không cảm thấy ước muốn thay đổi điều gì nơi người mình yêu. Lời vàng ngọc sau đây của thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu cần phải được những người vợ trẻ đem ra tâm niệm:
“Bác ái đích thực là chịu đựng mọi khuyết điểm của tha nhân, là không ngạc nhiên về những yếu hèn của tha nhân, và biết xây dựng tha nhân bằng những hành động nhân đức. Nhưng nhất là, bác ái đích thực không được che giấu trong đáy lòng, bởi vì không đốt đèn rồi để dưới đáy thùng. Nhưng để trên giá đèn hầu soi sáng tất cả mọi người trong nhà”.
Thánh nữ Têrêxa muốn nói rằng, người ta chỉ chữa trị được những khuyết điểm của người khác bằng gương sáng; hay đúng hơn, bằng tình yêu mà thôi. Điều này hẳn phải là chân lý trong đời sống vợ chồng.
Chuyện hy hữu xảy ra tại Hoa Kỳ:
Có một người đàn bà không chấp nhận ngủ cạnh một người chồng có đôi bàn chân lạnh. Người chồng phải đi làm ca đêm, gần sáng ông về nhà, lên giường nằm bên cạnh vợ với đôi bàn chân lạnh ngắt. Người vợ không chịu được cho nên một đêm nọ bà ta đá chồng té xuống khỏi giường. Kết quả là người chồng bị gãy một cánh tay, ông ta đưa vợ ra tòa và xin ly dị. Dĩ nhiên tòa chấp nhận cho ly dị nhưng qui lỗi cho người đàn ông bởi vì theo luật pháp Hoa Kỳ, người đàn bà có quyền quyết định ai được phép ngủ với mình trên một giường.
Những người đàn ông theo dõi câu chuyện hẳn phải nghĩ rằng: người vợ trên đây là người đàn bà quá khó tính. Nhưng có lẽ ông chồng trong câu chuyện cũng phải tự vấn xem mình đã cư xử với vợ như một người chồng tốt chưa. Khi người vợ trẻ trở nên khó tính và bất thường, thiết tưởng thay vì trách móc, người chồng nên tự xét mình; cũng có thể sự thay đổi tính khí của người vợ là do những thiếu sót của người đàn ông tạo nên. Hãy tự xét mình, đó là điều mà một lần nữa chúng tôi xin phép đề nghị với những người chồng trẻ.
1. Những mối tội đầu, những thiếu sót mà người đàn ông cần phải xét đến trước tiên. Đó là tính ích kỷ, thay đổi bất thường, tự phụ và thiếu óc khôi hài. Những thiếu sót ấy người vợ khó mà tha thứ được.
Không gì làm thất vọng cho bằng phải sống bên người đàn ông chỉ biết nghĩ đến mình. Không gì làm mất hứng khởi cho bằng phải sống bên cạnh người đàn ông tính khí bất thường. Không gì tủi nhục cho bằng phải sống bên cạnh người đàn ông huênh hoang tự phụ. Và dĩ nhiên, không gì nhàm chán cho bằng sống bên cạnh người đàn ông không biết cười và cũng không biết làm cho người khác cười. Đó là những mối tội đầu trong đời sống vợ chồng.
Có những thiếu sót khác, tuy không ảnh hưởng trầm trọng tới mối tương giao vợ chồng nhưng sẽ làm cho người đàn ông thành một người bạn đường tầm thường. Trước hết là những lời nói tục tằn và những cử chỉ thô bạo. Chắc chắn không có người vợ nào ưa thích và đề cao mẫu người đàn ông như thế. Thứ đến, sự chểnh mảng trong cách ăn mặc. Cho rằng, phục sức lịch sự là chuyện riêng của người đàn bà là một sai lầm lớn. Lịch sự trong cách ăn mặc là một đòi hỏi của tình yêu. Ăn mặc lịch sự là thể hiện sự tôn trọng đối với mọi người, nhất là đối với người mình yêu.
2. Một khuyết điểm khác mà người ta cũng thường thấy nơi nhiều người chồng, đó là thiếu tinh thần kỷ luật và trật tự trong gia đình. Họ vất bừa bãi các đồ vật trong nhà, họ không đúng giờ khi có hẹn. Ngược lại với sự bừa bãi, là tính quá tỉ mỉ, khiến cho những người chung quanh không thấy thoải mái khi đến gần.
Bên cạnh những khuyết điểm ấy, người chồng còn có thể làm cho bầu khí gia đình trở nên nặng nề hơn nếu ông là một người khép kín, ít nói, nhất là đối với vợ. Sự dè dặt cẩn trọng quá đáng của người chồng dễ làm cho người vợ thiếu tự tin. Tính thiếu cởi mở của người chồng sẽ gây ra sự nghi ngờ nơi người vợ và từ đó biến bầu khí gia đình trở nên nặng nề.
Có những điều mà người chồng nên tránh. Tránh nói ngược lại với vợ trước mặt con cái hay người khác, tránh trút xuống trên vợ những lo âu và gánh nặng của công việc riêng của mình, tránh nhai lại những lầm lẫn trong quá khứ của vợ, và nhất là tránh nói đến gia đình thấp kém của vợ, tránh nhắc đến sự quan tâm mà mình dành cho một người đàn bà khác.
3. Người chồng nên nhớ, “nhân vô thập toàn”. Người vợ không phải là một người đàn bà hoàn hảo. Có những khuyết điểm gắn liền với cá tính, nhưng cũng có những khuyết điểm do đời sống chung tạo nên. Người chồng cần phải chấp nhận những khuyết điểm của vợ và thích nghi, hơn là chống chọi. Thích nghi có nghĩa là đáp lại bằng cố gắng cải thiện của chính mình. Một người chồng thực tế, thay vì mất giờ để than phiền và trách móc những thiếu sót của vợ, hãy luôn chú ý đến những đức tính của vợ cũng như loại bỏ những khuyết điểm của chính mình.
Đời sống vợ chồng là một lò luyện nhân cách chung. Khuyết điểm của người này gây hại cho người khác và tính tốt của người này xây dựng cho người kia. Mỗi người phối ngẫu cần phải xác tín rằng, khuyết điểm của một người cũng là khuyết điểm chung mà họ phải chia sẻ với nhau; và đức tính tốt của một người cũng là kho tàng chung của hai người. Vì nhau mà phát huy những đức tính tốt, và vì nhau mà mỗi người chiến đấu chống lại những khuyết điểm riêng của mình. Người chồng phải luôn có cái nhìn như thế đối với những đức tính và những khuyết điểm của vợ.
4. Một văn sĩ Pháp đã viết về người đàn bà như sau: “Người ta bảo rằng, đàn bà phức tạp. Không phải thế. Họ rất đơn giản và trong suốt. Đôi cánh tay của người đàn ông giương ra là có thể ôm trọn lấy họ, một nụ hôn của người đàn ông có thể đi sâu vào tâm hồn họ. Chính những người đàn ông là những người làm cho mọi việc nên phức tạp”.
Điều mà người đàn ông bảo là phức tạp nơi người đàn bà, chẳng qua chỉ là sự bất lực của họ để hiểu được sự đơn giản nơi người đàn bà. Để hiểu được người đàn bà, có lẽ người đàn ông phải đặt mình vào địa vị của họ. Đó chính là đòi hỏi của đời sống vợ chồng. Người đàn ông không chỉ nên một với vợ trong thân xác mà còn phải cố gắng nên một với vợ trong tâm hồn. Nên một với vợ trong tâm hồn chính là thông cảm và chấp nhận những đức tính tốt cũng như những khuyết điểm của vợ.
I. TÂM LÝ VỢ CHỒNG TRẺ
II. LINH ĐẠO ĐỜI HÔN NHÂN