Chuyện xảy ra tại Hoa Kỳ:
Một người đàn bà nọ đến văn phòng cố vấn hôn nhân để xin hướng dẫn về ly dị… Bà cho biết, bà đang hận chồng và bà chỉ muốn được ly dị, bà nghĩ, đây là cách làm cho ông ta đau khổ hơn cả. Nghe thế, chuyên gia về gia đình mới khuyên bà như sau: “Để được như bà muốn, tôi khuyên bà hãy về và kể từ nay, hãy thử dùng mọi lời lẽ để ca tụng chồng bà. Khi ông ta cảm thấy sống mà không thể thiếu bà, khi ông ta cảm thấy bà yêu ông ta hết lòng, lúc bấy giờ bà hãy xin ly dị. Đó là cách thế hay nhất làm cho ông ta đau khổ hơn cả”.
Vài tháng sau người đàn bà trở lại văn phòng của viên cố vấn. Vừa gặp bà, ông ta liền đề nghị: “Nào chúng ta bắt đầu bàn đến thủ tục ly dị”. Người đàn bà liền kêu lên với tất cả giận dữ, “Ai bảo ông là tôi muốn ly dị, không bao giờ. Bây giờ thì tôi chỉ biết yêu thương và làm đẹp lòng chồng tôi”.
Với câu chuyện trên đây, chúng tôi muốn được gửi tới những người vợ trẻ một bí quyết để xây hạnh phúc gia đình. Họ chỉ có thể chinh phục được chồng bằng tình yêu thương và sự dịu dàng mà thôi.
1. Chỉ cần một thời gian ngắn chung sống với nhau, người vợ sẽ thấy được hầu hết những khuyết điểm của chồng. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên cả. Đây là kinh nghiệm chung của những ai sống đời vợ chồng. Điều quan trọng không phải là nhận ra những khuyết điểm của chồng, mà biết được những phản ứng của chính mình. Trước những khuyết điểm của chồng, thái độ thông thường của nhiều người là giận dữ. Phản ứng này dễ đưa đến những cãi vã to tiếng và xúc phạm đến nhau. Có những người đàn bà khi khám phá ra những khuyết điểm của chồng, thì lại rơi vào thất vọng chán nản và giữ mãi trong lòng nỗi đắng cay chua xót. Thái độ này dĩ nhiên chỉ làm cho mối quan hệ giữa hai người ngày thêm tồi tệ.
Trước những khuyết điểm của chồng, thái độ tốt nhất chính là thích nghi với hoàn cảnh, thích nghi có nghĩa là hành động với tất cả kiên nhẫn dịu dàng và yêu thương. Đó là cách thế duy nhất có thể giúp sửa đổi được chồng. Một tác giả đã ví von: “Người chồng là ly cà phê đen. Cà phê càng đen thì cần phải có nhiều đường”. Thật thế, sự bạo động của người vợ trong lời nói hay trong cách cư xử sẽ không bao giờ thuyết phục được chồng; trái lại, chỉ có tình yêu, sự dịu dàng, lòng kiên nhẫn mới có thể lay động được trái tim của họ.
2. Một trong những điều mà người vợ trẻ cho là khuyết điểm lớn nhất nơi chồng mình, đó là sự gắn bó của anh với gia đình chồng, cách riêng với người mẹ. Đa số những người vợ trẻ đều trải qua thảm cảnh “mẹ chồng nàng dâu”. Thảm cảnh, bởi vì họ không biết thích nghi. Nếu vì phong tục hoặc lý do kinh tế khiến đôi vợ chồng phải sống trong một đại gia đình, thì thiết tưởng thích nghi vẫn là thái độ tốt nhất đối với người vợ.
Một cách cụ thể, người vợ trẻ phải biết thích nghi với mẹ chồng bằng sự kiên nhẫn, tình yêu thương và sự dịu dàng mà họ vốn đã dành cho chồng. Họ không nên nhìn mẹ chồng như đối thủ, hoặc tệ hơn, như kẻ thù; nhưng họ phải luôn nhìn thấy nơi bà hình ảnh người mẹ thân yêu của chồng mình. Dù người đàn bà ấy có thế nào đi nữa vẫn là người mẹ của chồng mình. Chính người đàn bà ấy đã sinh ra và đã hy sinh tất cả để dưỡng dục chồng mình.
Một người vợ yêu chồng thực sự là người luôn biết chiều theo ý muốn của mẹ chồng, biết hỏi ý kiến bà, biết chấp nhận những nhận xét cũng như những chỉ bảo của bà. Một người vợ yêu chồng thực sự là người biết xem mẹ chồng như chính người mẹ ruột của mình, bằng cách luôn tìm hiểu và cảm thông với cách suy nghĩ, lý luận và hành động của bà. Sống như thế tức là biết thích nghi với hoàn cảnh. Và như vậy, điều mà người vợ cho là khuyết điểm của chồng vẫn có thể vượt qua được một cách dễ dàng.
3. Kinh Thánh kể lại gương của một nàng dâu mẫu mực tên là Rut. Chuyện kể rằng: Một bà góa tên là Nôêmi đưa hai người con song sinh đến sống tại một vùng dân ngoại giáo. Tại đây hai người con trai này đã lập gia đình với hai người con gái trong vùng. Một nàng dâu tên là Rut. Do yểu mệnh, hai người con trai này đều qua đời sớm. Bà Nôêmi muốn quay trở về quê cha đất tổ. Không muốn cho mẹ chồng phải cô thế một mình, nàng Rut đã xin đi theo và gia nhập vào xã hội Do Thái để được sớm hôm thay chồng phụng dưỡng bà. Tại Belem, quê quán của bà Nôêmi, nàng Rut đã gặp nhà phú hộ tên là Bôốt. Họ lấy nhau và sinh ra Giếtsê thân phụ của vua Đavit, từ đó xuất thân Đấng Cứu Thế.
Thánh Mátthêu, tác giả sách Tin Mừng đã vượt ra ngoài một thông lệ cố hữu của người Do Thái khi nêu tên nàng Rut trong gia phả của Chúa Giêsu.
Qua câu chuyện của bà Rut, chúng ta cũng thấy được cái nhìn của Kinh Thánh về hôn nhân và gia đình. Lập gia đình không chỉ là nên một trong thân xác và tinh thần với người phối ngẫu mà thôi, nhưng còn đi vào tương quan với một gia đình mới, rộng rãi hơn. Bà Rut không chỉ xem bà Nôêmi như mẹ ruột của mình mà còn xem dân tộc bà như dân tộc mình, Thiên Chúa của bà như Thiên Chúa của chính mình. Do sự thích nghi và cởi mở đó, bà Rut được xếp vào hàng tổ tiên của Đấng sẽ đến để thiết lập đại gia đình của Thiên Chúa, trong đó không còn hàng rào của chủng tộc, màu da và văn hoá nữa.
4. Tựu trung, thích nghi với hoàn cảnh cũng có nghĩa là sống giới răn bác ái của Chúa Kitô. Hơn bất cứ hoàn cảnh nào khác, đời sống vợ chồng đòi hỏi phải sống bác ái cao độ. Thiết tưởng lời của thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Côrintô chương 13 đáng cho chúng ta tâm niệm mỗi ngày. Chúng tôi mượn lời thánh nhân để kết thúc:
“Bác ái thì khoan dung, nhân hậu, bác ái không ghen tương, bác ái không ba hoa, không tự mãn, không khiếm nhã, không ích kỷ, không cáu kỉnh, không chấp nhất, không giận dữ, không mừng trước sự bất công, nhưng biết chia vui cùng lòng chân thật. Trong muôn sự, bác ái hết lòng bao dung, hết lòng kính tin, hết lòng trông cậy, hết lòng kiên nhẫn”.
Một cảnh thư giãn mang tính giáo dục rất ý nghĩa được chiếu trên một đài truyền hình:
Giữa đêm khuya, từ phòng riêng, hai vợ chồng trẻ bị đánh thức vì tiếng khóc của đứa con đầu lòng ở phòng bên cạnh. Trong cơn ngái ngủ xem ra không ai muốn dậy để săn sóc con. Họ nhìn nhau mỉm cười rồi đưa tay đánh cá xem ai là người phải dậy để lo cho đứa bé. Không ai thắng cuộc. Thế là cả hai cùng ngồi dậy và cùng chạy sang phòng bên cạnh.
Sau đó có lời giải thích về phút thư giãn giáo dục như sau: “Nuôi con là một chia sẻ trách nhiệm”.
Mọi người đều hiểu, nuôi dạy con không phải chỉ là việc của người vợ, mà là trách nhiệm chung của cả hai vợ chồng.
Với câu chuyện giáo dục trên đây, chúng tôi xin gợi lên một vài suy nghĩ về địa vị của người chồng trong gia đình. Cần phải hiểu thế nào địa vị làm chủ gia đình của người chồng? Người chồng phải thể hiện quyền làm chủ ấy thế nào?
1. Từ cổ chí kim, từ đông sang tây, dường như đâu đâu cũng đều có một thoả thuận ngầm về vai trò chủ động của người chồng trong gia đình. Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Côlôsê ở chương 3, cũng đồng một quan điểm. Ngài kêu gọi những người vợ phải phục tùng chồng cho phải phép.
Quả thực người đàn ông là chủ gia đình. Nhưng điều đó không có nghĩa là đàn ông cao trọng hơn đàn bà. Xét về phẩm giá con người, giữa đàn ông và đàn bà không hề có bất cứ một sự khác biệt nào về đẳng cấp. Sự khác biệt về thể lý không đương nhiên tạo ra bất bình đẳng giữa hai phái. Chiều cao của thân xác và sức mạnh của cơ bắp không bao giờ được xem là nền tảng của sự bất bình đẳng.
Người đàn ông và người đàn bà có những đặc điểm khác nhau, nhưng những đặc điểm đó không hề có một giá trị khác nhau. Xét như là những con người khác nhau, họ bổ túc cho nhau chứ không hề là kẻ trên, người dưới đối với nhau.
2. Kể từ Công Đồng Vaticanô II, cái nhìn của Giáo Hội về hôn nhân cũng thay đổi. Trước kia, hôn nhân được quan niệm như một thứ khế ước, trong đó, hai người phối ngẫu trao đổi quyền lợi cho nhau. Một quan niệm có tính cách luật pháp như thế, dĩ nhiên dễ đưa đến chỗ phân quyền và cạnh tranh. Người chồng luôn nghĩ tới những quyền lợi của mình đối với vợ.
Với Công Đồng Vaticanô II, hôn nhân được định nghĩa thiết yếu như một cộng đồng tình yêu mà hai người nam nữ, do giao ước hôn phối, cam kết xây dựng với nhau suốt đời. Định nghĩa này đã được Giáo luật mới của Giáo Hội lặp lại trong số 1055 như sau: “Do giao ước hôn phối, người nam và người nữ tạo nên với nhau một cuộc thông hiệp trọn cả cuộc sống”.
Nói đến thông hiệp là nói đến tình yêu, mà nói đến tình yêu là không còn nói đến quyền lợi nữa. Tình yêu vợ chồng làm cho hai người bình đẳng với nhau đến độ không ai còn nại đến quyền lợi của mình đối với người khác. Nếu có một thứ quyền lợi mà cả hai phải nghĩ đến, thì đó là lợi ích của cộng đồng tình yêu mà họ đã cam kết xây dựng với nhau. Trong tình yêu hôn nhân, người ta có thể nói rằng, không còn có cái tôi với những quyền lợi riêng tư nữa. Hai người phối ngẫu sẽ không còn phải khẳng định: cái này của tôi, cái kia của ông, cái nọ của bà. Họ thuộc về nhau trọn vẹn, họ chia sẻ cho nhau tất cả mọi sự. Họ có chung một trách nhiệm.
3. Có những người đàn ông thích thể hiện quyền lợi của mình. Họ nại đến quyền làm chồng để cưỡng bách vợ phải vâng phục hầu hạ mình. Họ nại đến quyền làm chủ để đơn phương quyết định mọi việc trong nhà. Họ nại đến cả quyền làm đàn ông để hành hạ đàn bà. Khi người chồng chỉ suy nghĩ và hành động trong vòng quyền lợi của mình, thì dĩ nhiên, người vợ sẽ không còn là người bạn đường để cùng xây dựng cộng đồng tình yêu nữa mà có lẽ chỉ còn là người nội trợ không hơn không kém, một người giúp việc để cho người đàn ông sai khiến và sử dụng vào những mục tiêu riêng của mình. Cư xử như thế không phải là thể hiện tư cách làm chủ trong gia đình.
Thánh Phaolô, trong thư gửi giáo đoàn Côlôsê, sau khi đã nhắc nhở cho người chồng địa vị làm chủ trong gia đình đã khuyên nhủ như sau: “Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến vợ”. Như vậy, với thánh Phaolô, chỉ có một cách thế duy nhất để người chồng thể hiện quyền làm chủ của họ trong gia đình, là yêu thương.
4. Tạp chí “Thành Công” của Italia đã làm một cuộc thăm dò với các nữ độc giả về điều mà họ chờ đợi nơi người đàn ông. Một độc giả đã trả lời như sau: “Người đàn ông sẽ trở thành kỳ diệu khi họ siết chặt ta trong vòng tay âu yếm và làm cho ta cảm thấy nhỏ bé trong họ. Trái lại, họ sẽ trở nên ngu xuẩn khi họ muốn ta phải nhỏ bé lại trước mặt họ”.
Nhận xét trên đây thật chí lý. Người chồng chỉ thể hiện được uy quyền của mình bằng tình yêu chứ không bằng vũ lực hay bất cứ sự cưỡng bức và đe doạ nào.
Người đàn bà tự bản chất luôn cần có sự che chở của người đàn ông. Do đó, đức tính mà người đàn bà đánh giá cao nhất nơi đàn ông, trước hết phải là sự can đảm. Can đảm ở đây không hẳn là phải thể hiện những hành động phi thường, mà chính là biết bình tĩnh để ứng phó và đối đầu với những khó khăn của cuộc sống.
Chính sự cứng rắn và ý chí vững mạnh của người đàn ông sẽ mang lại an ninh cho người đàn bà. Sự can đảm nơi người đàn ông còn được thể hiện bằng chính sự chịu đựng, kiên nhẫn nữa. Sự cứng rắn của người đàn ông phải là một sự cứng rắn đầy yêu thương và dịu dàng. Sức mạnh nơi người đàn ông phải là sức mạnh của sự tế nhị. Nam tính của người đàn ông phải là nam tính của yêu thương và âu yếm.
5. Người chồng phải luôn nhớ mình là chủ gia đình. Nhưng địa vị làm chủ ấy họ chỉ có thể thực hiện như lời căn dặn của Chúa Giêsu: “Ai trong các con muốn làm lớn, hãy làm đầy tớ mọi người”. Đó là nghịch lý của Kitô giáo và cũng là khuôn vàng thước ngọc cho người chồng. Người chồng không thể hiện tư cách làm chủ bằng cách đòi hỏi vợ phải tôn trọng những quyền lợi riêng tư của mình, mà chính là bằng phục vụ và phục vụ trong yêu thương, nhẫn nại, cảm thông và tha thứ.
Lời của thánh Phaolô cần phải được người chồng đem ra thực hành để sống đúng tư cách làm chủ gia đình mình: “Anh em hãy mặc lấy tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương. Đó là giây ràng buộc điều toàn thiện”.
Người vợ thứ hai của nhạc sĩ nổi tiếng người Pháp, Claude Gosti đầu thế kỷ 20, có một bí quyết rất độc đáo để giữ chồng. Bà ý thức rằng, với năm tháng, sắc đẹp của bà mỗi lúc một tàn phai. Do đó, để cho người chồng nhạc sĩ không phải thất vọng về nhan sắc của mình, mỗi buổi sáng bà thức dậy trước ông một tiếng đồng hồ rồi lặng lẽ đi trang điểm. Sau đó bà trở lại giường ngủ. Khi thức giấc, Claude Gosti luôn thấy bên cạnh mình một người đàn bà trẻ trung và hấp dẫn.
Người ta thường nói đến bí quyết để giữ chồng. Không có tham vọng đưa ra một bí quyết nào, chúng tôi chỉ xin được góp ý với những người vợ trẻ về việc làm thế nào để tình yêu vợ chồng luôn được thắm tươi và cuộc sống gia đình không trở thành đơn điệu buồn chán.
1. Trong việc sinh con, người cha trong thực tế chỉ can thiệp có một lần và can thiệp từ bên ngoài. Người cha là nguyên lý sự sống cho con cái. Nhưng người mẹ mới thực sự là người tổ chức, là sân khấu, nơi diễn ra tất cả huyền nhiệm việc hình thành sự sống của con cái.
Qua những tháng dài, người mẹ cảm nghiệm được sự sống đang lớn dần lên trong mình. Người mẹ vui với sự hiện diện của đứa con trong lòng. Người mẹ cũng đau đớn vì sự hiện diện của đứa con. Nỗi đau ấy đạt tới tột cùng khi đứa con từ giã cung lòng êm ấm để chào đời. Nhưng nói như Chúa Giêsu, nỗi đau càng lớn thì niềm vui càng tràn ngập tâm hồn người mẹ. Có thể nói, nỗi đau và niềm vui của người mẹ gắn liền với đứa con.
Đó là lý do khiến cho nhiều người đàn bà cảm thấy là mẹ hơn là vợ. Đối với họ, đứa con là mục đích, người chồng chỉ là phương tiện. Sau khi mục đích đã đạt được thì phương tiện, nếu không bị lãng quên, thì cũng bị đặt vào hàng thứ yếu. Trong những âu yếm, bận tâm và nói chung, ngay cả trong tình yêu, tình nghĩa vợ chồng có thể bớt mặn nồng vì sự hiện diện của đứa con. Đó có thể là nguy cơ xảy ra cho một số gia đình trẻ. Vì thế, người vợ phải cư xử thế nào để tình mẫu tử không hạ giảm tình yêu vợ chồng.
Sứ mệnh người đàn bà không chỉ là sinh con mà còn phải làm cho quả tim của người đàn ông luôn tươi trẻ. Người đàn ông bảo vệ người đàn bà. Nhưng chính người đàn bà mới là người nuôi dưỡng người đàn ông bằng tình yêu.
2. Một trong những đặc điểm cơ bản của tâm hồn người đàn ông chính là khát vọng tự do. Họ sẽ cảm thấy nghẹt thở khi bị ràng buộc. Đó là lý do giải thích tại sao người đàn ông thích ra khỏi nhà, thích tìm đến với bạn bè để nhâm nhi tách cà phê, ly rượu nồng, hoặc để qua giờ trong những cuộc sát phạt bài bạc. Những chiều chủ nhật, họ thích đến sân vận động để xem bóng đá, hoặc đi câu cá. Giải trí ở bên ngoài gia đình là thể hiện khát vọng muốn tự do.
Một người vợ yêu chồng, biết chiều chồng hẳn là người biết chẩn đoán tâm hồn của chồng và sẵn sàng tạo điều kiện để chồng thỏa mãn khát vọng tự do của họ.
Tình bạn của họ, sự hiện diện của những người bạn trong cuộc đời của họ là điều không thể thiếu nếu người đàn ông muốn giữ sự quân bình nội tâm. Do đó, thiết tưởng người vợ không những không ngăn cản mà còn phải tạo điều kiện để mối quan hệ của chồng với bạn bè luôn được tốt đẹp.
Việc gặp gỡ bạn bè, hay nói chung, những lần ra khỏi gia đình là những liều thuốc bổ cần thiết cho đời sống vợ chồng. Mối quan hệ với người chung quanh càng tốt đẹp thì tình yêu vợ chồng càng được củng cố. Niềm vui có thêm một người bạn mới, niềm vui được sống hài hoà với người chung quanh, phải chăng không làm gia tăng niềm vui sướng trong gia đình?
3. Đời sống gia đình tự nó là một cuộc sống độc điệu dễ đưa đến buồn chán. Thi sĩ Paul Valéry của Pháp đã nói một câu chí lý: “Số lượng của sự âu yếm mà người ta có thể cảm nhận và diễn tả trong một ngày thường rất giới hạn”. Hẳn thi sĩ Paul Valéry muốn nói rằng, không ai có thể sống một ngày, một tuần hoặc những năm tháng dài mà luôn giữ được sự âu yếm ở một mức độ không thay đổi.
Nói cách khác, người ta dễ mỏi mệt, và mỏi mệt ngay cả đối với những người thân yêu của mình. Do đó, phải tránh làm cho đời sống vợ chồng trở thành đơn điệu, nhàm chán. Tình yêu vợ chồng, hay đúng hơn, sự diễn tả tình yêu cần được thay đổi và mới mẻ luôn.
Thói quen nào cũng dễ làm phát sinh sự nhàm chán. Khi tình yêu bị giới hạn trong những công thức thì tình yêu ấy dễ trở thành giả dối. Trong một câu chuyện ngắn, một văn sĩ đã ghi lại những cuộc hẹn hò dưới trăng của một đôi tình nhân. Cứ mỗi tối, người con trai lại nói với người con gái bằng một giọng rất lãng mạn không bao giờ thay đổi: “Em yêu, đây là chiếc ghế đá trung thành của chúng ta”. Nhưng cô gái đã nhàm chán với điệp khúc ấy bèn thốt lên: “Phải, nhưng lúc nào cũng chỉ là chiếc ghế đá ấy”.
Sự đơn điệu dễ mang lại nhàm chán. Do đó, các đôi vợ chồng phải tổ chức đời sống thế nào để giữ cho tình yêu luôn được tươi trẻ. Thỉnh thoảng họ cần phải ra khỏi khung cảnh gia đình để được sống trọn vẹn cho nhau. Ngoài ra, tình bạn, những quan hệ với những người xung quanh cũng là những thức ăn cần thiết để giữ cho tình yêu vợ chồng được tươi trẻ và tránh được sự độc điệu nhàm chán.
4. Trong việc gìn giữ cho tình yêu vợ chồng được tươi trẻ, hẳn người vợ phải là người đóng vai trò quan trọng nhất. Ở đây, chúng tôi muốn nói đến vẻ đẹp mà người đàn bà luôn giữ gìn, chăm sóc. Vẻ đẹp của người đàn bà chính là quyền lực của họ đối với chồng. Đó cũng là bí quyết để bảo vệ hạnh phúc lứa đôi.
Dĩ nhiên, vẻ đẹp tâm hồn là yếu tố quan trọng hơn cả. Một vẻ đẹp thể lý dù lộng lẫy kiêu sa đến đâu cũng sẽ trở thành vô duyên khi người đàn bà không có vẻ đẹp trong tâm hồn. Và dĩ nhiên, vẻ đẹp của tâm hồn không nhất thiết phải là sự thông minh, cũng không hẳn là cái duyên dáng của những điệu bộ, mà chính là tấm lòng quảng đại, yêu thương, tha thứ, phục vụ, quên mình của người đàn bà.
Nhưng, đề cao vẻ đẹp tâm hồn không có nghĩa là không cần quan tâm đến vẻ đẹp của thân xác. Nhiều người đàn bà nghĩ rằng, sự trang điểm và làm đẹp chỉ cần thiết trong thời kỳ hẹn hò với nhau. Họ quên rằng, chính trong đời sống vợ chồng mà người đàn bà cần làm đẹp hơn bao giờ hết. Người đàn bà thường làm đẹp khi họ đang yêu. Phải chăng trong đời sống vợ chồng, người đàn bà không còn đối tượng để yêu thương nữa?
Trang điểm, làm đẹp, giữ cho thân xác luôn tươi tắn là một trong những bí quyết quan trọng để giữ chồng, hay đúng hơn, để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Làm đẹp là một cách thế để nói lên tình yêu đối với chồng.
I. TÂM LÝ VỢ CHỒNG TRẺ
II. LINH ĐẠO ĐỜI HÔN NHÂN