Cơn khủng hoảng trong gia đình của hoàng gia Anh, giữa Hoàng tử Charles và Công chúa Diane, đã là đề tài sốt dẻo trên báo chí Anh và thế giới suốt nhiều tháng trời. Người ta qui lỗi cho Hoàng tử Charles vì ông không biết yêu thương, chiều chuộng, săn sóc vợ. Nhưng liệu Công chúa Diane có phải là người hoàn toàn không đáng trách trong cuộc khủng hoảng này chăng?
Nếu hôn nhân là một công trình phải xây dựng chung của hai vợ chồng, thì sự đổ vỡ hay bất cứ một xáo trộn nào có phải là tại lỗi của một người không?
Người ta trách cứ Hoàng tử Charles là người không biết để ý đến vợ mình. Nhưng liệu Công chúa Diane có chấp nhận những khác biệt của chồng và biết chia sẻ những thao thức, những tham vọng, những sở thích của chồng mình không?
Chúng tôi nghĩ rằng, tâm trạng của Công chúa Diane cũng có thể là nỗi lòng của rất nhiều người vợ trẻ: “Chồng tôi không còn để ý đến tôi! Chồng tôi không còn săn sóc tôi! Chồng tôi không muốn hiểu tôi nữa”. Những lời than vãn ấy vốn có nền tảng. Nhưng đó cũng có thể là tâm trạng của chính những người vợ không muốn hiểu hoặc chưa hiểu và cảm thông với chồng mình.
Họ quên rằng, người chồng có những cách suy nghĩ, có những phản ứng, có những bộc lộ khác với mình. Họ cũng quên rằng, hôn nhân là một hoà hợp từ những khác biệt giữa hai tính khí khác biệt.
1. Người ta có thể nói, nơi người đàn bà tất cả đều là quả tim, trong khi đó nơi người đàn ông, tất cả đều là cái đầu. Ngay cả khi yêu, người đàn ông cũng yêu với đầu óc, với sự lý luận của mình. Đó là lý do tại sao đàn ông đơn giản hơn đàn bà. Đơn giản ở đây không đồng nghĩa với ngây ngô khờ khạo mà chính là trong suốt, minh bạch. Người đàn ông không để ý đến những chi tiết. Họ nhìn thẳng vào điều cốt yếu. Họ xếp loại mọi sự. Khi biểu lộ tình cảm của mình, người đàn ông xem ra ít tế nhị, ít tinh tế, thậm chí có khi cục mịch nữa.
Lý do là vì đàn ông có khuynh hướng nhắm thẳng vào mục đích hơn là đi vòng vo. Điều này dễ tạo ra xung đột và thậm chí còn gây tổn thương cho người khác. Tính đơn giản nơi người đàn ông một phần cũng do chính cấu trúc thể lý của họ. Sức mạnh thân xác khiến họ tự tin và cũng dễ gây hấn hơn.
Người vợ cũng cần phải hiểu rằng, một trong những nhu cầu lớn của chồng mình chính là hoạt động. Một người đàn ông chỉ thực sự được thỏa mãn khi họ hiến thân cho một công việc, một lý tưởng, một hành động, một công cuộc. Người đàn ông luôn muốn sáng tạo bằng sức mạnh của đôi tay, bằng sự suy nghĩ của khối óc. Người đàn ông thích nghĩ đến những cái mới mẻ. Sự phát triển nhân cách, niềm hạnh phúc của người đàn ông tuỳ thuộc phần lớn vào sức hoạt động ấy.
Do đó, một người vợ tốt sẽ không bao giờ là một cản trở đối với sự hoạt động của chồng. Người vợ ấy sẽ không tỏ ra buồn phiền khi người chồng không dành mọi tâm tư và suy nghĩ cho mình. Người vợ phải nghĩ rằng, nhân cách của người đàn ông mình yêu thương kính trọng chỉ được thực hiện qua những hoạt động và thi thố bên ngoài ấy.
Người ta có trách cứ Hoàng tử Charles của Anh quốc quá đam mê trong những trò chơi thể thao và mối quan tâm về môi sinh đến độ quên đi những chiều chuộng, săn sóc Công chúa Diane đang chờ đợi nơi ông. Nhưng thiết tưởng, người ta cũng cần phải hiểu rằng, Hoàng tử Charles muốn thể hiện nhân cách của ông qua những hoạt động ấy. Ông muốn cho mọi người thấy mình là một người đàn ông dũng mạnh và là một con người biết lo cho đại sự. Hẳn hơn ai hết ông cũng mong được người vợ chia sẻ những sở thích và thao thức của ông.
2. Người vợ nên nhớ rằng, những cách biểu lộ tình cảm của người đàn ông khác với người đàn bà. Tình yêu thương người đàn ông dành cho gia đình, vợ con thường được biểu lộ qua sự chú tâm, những hy sinh, sự cặm cụi làm việc. Cho dẫu người đàn ông có thiếu tế nhị và lịch sự, cho dẫu cung cách của người đàn ông có thiếu sự tinh tế và tình cảm, thì điều đó không có nghĩa là người đàn ông không biết yêu hay không có tình yêu.
Người chồng có thể không nhớ ngày sinh hay những dịp đáng ghi nhớ khác của người vợ hay của đời sống gia đình. Người vợ sẽ không vì thế mà trách móc chồng mình là người vô tâm. Dĩ nhiên, đó có thể là những thiếu sót của người chồng. Nhưng những thiếu sót đó không hẳn đã là thể hiện sự vô tâm. Người đàn bà phải tự nhủ rằng, người đàn ông không thể hiện tình yêu thương giống như mình. Một người đàn bà yêu chồng và tha thiết với hạnh phúc gia đình phải là một người đàn bà sống trọn vẹn cho chồng. Bà hãy xem những tham vọng, những sở thích, những hoạt động của chồng như của chính mình.
Với sức mạnh của đôi tay, với tính khách quan trong phán đoán, với sự tự chủ trong những cảm xúc, người đàn ông cũng muốn là chủ trong nhà. Người đàn bà, tự bản chất, cũng muốn bên cạnh mình có một nơi nương tựa vững chắc. Do đó, trong bất cứ xã hội nào, vai trò chủ động của người đàn ông trong gia đình là điều không ai chối cãi. Người chồng nên thành toàn hơn, nghĩa là có một nhân cách được phát triển hơn khi họ đóng trọn vai trò ấy. Một người vợ yêu chồng sẽ là một người đàn bà biết nhìn nhận vai trò ấy của chồng và tạo điều kiện để chồng mình thi thố vai trò ấy.
Người chồng không chỉ muốn được nhìn nhận như người làm chủ trong gia đình. Ông còn muốn xã hội cũng nhìn nhận điều ấy nữa. Do đó, một người vợ yêu chồng phải là một người tha thiết với những hoạt động xã hội của chồng.
Một trong các phu nhân Tổng thống được ca tụng nhiều nhất hiện nay có lẽ là Đệ Nhất Phu Nhân Bush, phu nhân của đương kim Tổng thống Mỹ. Bà luôn sát cánh bên chồng trong tất cả mọi hoạt động của ông. Người ta nói, bà là cố vấn được Tổng thống tham khảo nhiều nhất. Tuy nhiên, điều đáng ca tụng nơi bà là bà luôn biết rõ vị trí của mình. Bà biết rút lui đúng lúc để không xen vào những quyết định của chồng.
3. Hôn nhân là một công trình xây dựng chung của hai vợ chồng. Hai tâm lý khác nhau, hai lối suy nghĩ khác nhau, hai biểu lộ khác nhau, hai sở thích khác nhau. Đó là kho tàng quí giá nhất của đời sống vợ chồng. Sự khác biệt đó không phải là hố ngăn cách hai người, mà trái lại, bổ túc cho nhau, làm cho nhau nên phong phú hơn.
Hôn nhân là một cách sống ơn gọi làm người. Chính nhờ đời sống hôn nhân mà con người nên người hơn, nên phong phú hơn, nên thành toàn trong nhân cách hơn. Và để đạt được ơn gọi ấy, hai người phối ngẫu phải biết tiếp nhận nhau, biết xem những khác biệt của nhau như những giá trị giúp nhau nên phong phú. Nói tóm lại, nên một với nhau, hoà lẫn với nhau, nhưng không đánh mất chính mình. Đó là vẻ đẹp của đời sống vợ chồng.
Linh mục Bernard T., nhà luân lý học nổi tiếng người Đức, đã kể lại rằng:
Kỷ niệm đẹp nhất về việc tông đồ trong đời tôi là lần giải tội đầu tiên.
Hôm đó, một người đàn ông đến xưng với cha về một thứ tội dường như không có trong danh mục của bản hướng dẫn xét mình. Người đó xưng thú rằng, mình đã không vâng phục vợ. Lần đầu tiên nghe thứ tội lạ lùng như thế, vị linh mục mới hỏi hối nhân:
- Từ trước đến nay tôi chỉ nghe nói rằng, người vợ phải phục tùng chồng, sao ông lại xưng thú rằng, ông đã không vâng phục vợ?
Người đàn ông giải thích:
- Thưa cha, con có tội, là bởi vì vợ con có lý mà con vẫn không chấp nhận điều đó.
Nghe thế, vị linh mục mới hỏi hối nhân:
- Ông có chấp nhận việc đền tội bằng cách trở về nói với vợ ông rằng, bà ta có lý không?
1. Chấp nhận sự có lý của người vợ không phải chỉ là một việc làm đơn giản. Đó là đòi hỏi cốt yếu của một cái nhìn đúng đắn của người chồng đối với vợ mình. Cái nhìn đó là người vợ bình đẳng với chồng. Tình yêu vợ chồng đích thực chỉ có thể được xây dựng trên sự bình đẳng mà thôi. Đó là điều mà thiết tưởng những người chồng trẻ nên tâm niệm mỗi ngày.
Để giúp hoàn chỉnh đời sống hôn nhân, một người chồng trẻ có lẽ nên xét mình bằng câu hỏi: Tại sao tôi lập gia đình? Tại sao tôi cưới vợ?
Tôi cưới vợ, bởi vì tôi cần có một người nội trợ nấu nướng, chăm sóc cửa nhà.
Tôi cưới vợ, bởi vì tôi có tiền, tôi muốn khuyếch trương công việc làm ăn của tôi.
Tôi cưới vợ, bởi vì tôi muốn có một cuộc sống chừng mực, tôi muốn có những đứa con.
Tôi cưới vợ, bởi vì đó là phong tục của xứ sở tôi, không ai làm khác hơn khi đến tuổi của tôi.
Nếu tôi lập gia đình vì một hay vì tất cả những lý do trên đây thì có lẽ người vợ chỉ còn là một phương tiện hay dụng cụ để tôi giải quyết những vấn đề của tôi mà thôi. Những vấn đề đó có thể thuộc lãnh vực tâm lý, sinh lý, hay xã hội. Nhưng dù nhìn dưới bất cứ khía cạnh nào, người vợ cũng chỉ là một dụng cụ. Liệu trong một cái nhìn như thế về người vợ có thể có một tình yêu vợ chồng đích thực không?
2. Một quan niệm như thế về người vợ hẳn vẫn còn in đậm trong tâm trí của nhiều người chồng. Từ chỗ chọn vợ, kén vợ đến việc “dạy vợ từ thuở ban sơ mới về”. Thái độ này không khỏi hàm ẩn một cái nhìn “chồng chúa, vợ tôi” của nhiều người chúng ta. Người ta đi chọn vợ như chọn một món hàng. Người ta dạy vợ bởi vì vợ là một dụng cụ trong tay cần phải được nhuần nhuyễn mới thỏa mãn được những mục đích mình đề ra.
Vì cái nhìn ấy, người chồng tự cho mình quyền dạy dỗ, răn bảo, khuyên nhủ, hăm đe, và nếu cần, sửa trị bằng những hành động vũ phu. Tại sao có nhiều người chồng thường hành hung vợ? Phải chăng vì họ cho rằng, người vợ trong tay họ như một dụng cụ cần được uốn nắn và sử dụng theo ý mình muốn.
Đành rằng, với sức mạnh của đôi tay, với sự vững chãi trong lý luận, người đàn ông phải đóng vai trò làm chủ, lèo lái trong gia đình. Nhưng điều đó không có nghĩa là người đàn ông đương nhiên làm chủ hay chiếm hữu người vợ như một dụng cụ.
3. Cuộc sống hôn nhân đích thực chỉ có thể xây dựng trên tình yêu. Nói đến tình yêu thì phải nói đến tôn trọng bình đẳng. Tại sao tôi cưới vợ? Câu trả lời đúng đắn phải là: vì tôi yêu thương, và tôi muốn sống hoàn toàn và trọn vẹn cho vợ tôi.
Yêu thương thiết yếu có nghĩa là muốn điều thiện hảo cho người mình yêu. Yêu thương là sống cho và hy sinh tất cả vì người mình yêu. Đó phải là tâm niệm của những người chồng trẻ. Một tâm niệm như thế sẽ khiến cho người chồng gạt bỏ được cái tư tưởng muốn chiếm đoạt và làm chủ vợ mình. Một tâm niệm như thế sẽ giúp họ chấp nhận những khác biệt hay cả những khuyết điểm nơi người vợ.
Mỗi con người là một huyền nhiệm. Điều đó vẫn tiếp tục có giá trị trong đời sống vợ chồng. Mãi mãi người vợ là một kho tàng vô tận để cho người chồng khám phá. Tâm hồn người phụ nữ phong phú đến nỗi dù cả một đời cũng sẽ quá ngắn ngủi để cho người chồng có thể hiểu được trọn vẹn vợ mình. Nơi người vợ, những bất toàn và những cái đẹp quyện vào nhau khắng khít đến độ người chồng phải đón nhận tất cả như một toàn thể.
Một tác giả đã nói: “Người đàn bà dịu dàng và quí phái đến đâu cũng có chút diêm sinh của hỏa ngục. Và không có một người đàn bà nào xấu xa đến độ không còn một góc của thiên đàng trong tâm hồn họ”.
Đón nhận người vợ với tất cả những khuyết điểm và đức tính của họ phải là thái độ cơ bản của một người chồng trưởng thành. Lắm khi trong đời sống vợ chồng, người chồng chỉ lưu ý đến những khuyết điểm mà quên đi những đức tính tốt của vợ mình.
Tình yêu đích thực là một tình yêu tỉnh thức và quảng đại. Tỉnh thức để nhìn ra những đức tính tốt tiềm ẩn nơi người vợ. Quảng đại để có thể cảm thông và tha thứ cho những khuyết điểm của vợ. Đôi khi những khuyết điểm ấy cũng có thể là những đức tính tốt được thể hiện một cách lệch lạc. Chẳng hạn như tính hay ghen nơi người đàn bà.
Người ta vẫn nói một chút ghen tương là gia vị làm cho tình yêu thêm đậm đà. Nhưng gia vị nào được dùng quá liều lượng cũng biến thức ăn ra mặn chát, chua cay. Một chút ghen tương của người vợ là biểu hiện của tình yêu và sự âu yếm mà người vợ dành cho chồng, nhưng khi ghen tương trở thành bệnh hoạn thì tình yêu chỉ còn là mật đắng.
Dẫu sao người chồng cũng nên hiểu rằng, tự nó, ghen tương là mặt trái của một tình yêu không được hướng dẫn. Hiểu được như thế, người chồng sẽ dễ dàng cảm thông với vợ. Đối với những khuyết điểm khác của vợ cũng thế. Nếu người chồng biết nhận ra đó là những tín hiệu của những đức tính tốt, ông sẽ dễ dàng chấp nhận con người của vợ mình hơn.
4. Bước vào đời sống hôn nhân, những người chồng trẻ không nên ghĩ rằng, họ sẽ làm chủ hay làm thầy dạy của vợ mình. Tình yêu của họ phải được xây dựng trên sự tôn trọng và bình đằng. Phải luôn ý thức, chức năng của người chồng không phải là uốn nắn, cải tạo người vợ theo như ý muốn của mình. Người vợ sẽ không bao giờ trở thành mẫu người như người chồng mong muốn.
Với những đức tính cũng như khuyết điểm, người vợ là một thực thể độc nhất vô nhị, không giống ai. Người vợ là đối tượng của tìm hiểu, của cảm thông, của tha thứ. Chỉ trong cái nhìn và cách cư xử như thế, người vợ mới là người bạn đường cùng đồng hành trong yêu thương, chứ không là một dụng cụ.
Chuyện hôn nhân của các vị Hoàng tử, Công chúa luôn là những tin sốt dẻo trên báo chí. Chưa hết xôn xao bàn tán về cơn khủng hoảng trong đời sống vợ chồng của Hoàng tử Charles và Công chúa Diane bên Anh quốc, người ta lại chú ý đến chuyện Công chúa Caroline của tiểu vương quốc Monaco.
Người ta kháo lên rằng, Công chúa Caroline sẽ thành hôn với tài tử Vincent, và lần này hôn lễ sẽ công khai diễn ra trong nhà thờ. Bởi vì mới đây, tòa án tối cao của Giáo Hội Rôma đã tuyên bố cuộc hôn phối của cô vào năm 1978 là không thành. Cô và người chồng đầu tiên đã ly dị ở tòa án dân sự năm 1982. Cô đã làm đơn xin Giáo Hội cứu xét để tuyên bố hôn nhân của cô không thành.
Sau 10 năm điều tra, tòa án tối cao của Giáo Hội xác quyết hôn phối đầu tiên của cô đã không thành sự vì thiếu phán đoán và không trưởng thành.
Thiếu phán đoán về nghĩa vụ trong đời sống vợ chồng, và không trưởng thành để có thể nói lên một sự ưng thuận đầy đủ là hai lý do có thể làm cho hôn phối không thành sự. Nhiều người bước vào đời sống hôn nhân nhưng chưa trưởng thành đầy đủ để đảm nhận những bổn phận của đời sống vợ chồng. Nhiều người cũng chưa trưởng thành đầy đủ để xây dựng tình yêu hôn nhân. Một trong những dấu hiệu của sự thiếu trưởng thành đó là họ không hiểu hoặc không muốn hiểu những khác biệt nơi người phối ngẫu của mình. Những xung khắc đưa đến đổ vỡ thường bắt nguồn từ chỗ không hiểu nhau.
Tiếp tục bàn đến những khác biệt giữa vợ chồng, hôm nay chúng tôi xin được khuyên người vợ trẻ hãy cố gắng hiểu và cảm thông với chồng mình.
1. Một trong những điều cơ bản nhất mà người vợ trẻ nên nhớ, đó là người đàn ông không muốn được đối xử như trẻ con. Dĩ nhiên ai cũng muốn được yêu thương, chiều chuộng, săn sóc. Nhưng người đàn ông không chờ đợi nơi vợ mình một thứ tình yêu mà mẹ ông đã dành cho ông.
Người đàn bà nào cũng có khuynh hướng cư xử với chồng như một người mẹ. Họ lo cho chồng từng li từng tí. Thoạt tiên người đàn ông dễ cảm động về sự chú ý và săn sóc của người vợ. Nhưng người đàn bà càng đối xử với chồng bằng tình mẫu tử thì người đàn ông lại càng cảm thấy mình nhỏ bé lại. Hãy thử tưởng tượng một người đàn ông lúc nào cũng có một người đàn bà bên cạnh mình để nhắc nhở, khuyên răn mình mọi chuyện, từ việc ăn uống đến việc phục sức.
Thái độ cực đoan nào cũng dễ làm cho người khác bực mình. Người đàn ông thèm được săn sóc chiều chuộng. Nhưng một sự chiều chuộng thái quá sẽ cho họ có cảm tưởng họ không phải là một người đàn ông cứng rắn, một người trưởng thành và đáng tin cậy.
2. Người đàn ông tự bản chất thích được độc lập. Kinh Thánh nói, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mình để luyến ái và nên một với vợ mình. Lìa bỏ cha mẹ, phải chăng đó không phải là một hình ảnh nói lên nỗi khát khao muốn được tự lập của người đàn ông? Hôn nhân chính là cơ hội để người đàn ông thể hiện nỗi khát khao độc lập ấy.
Một gia đình riêng, một mái nhà riêng, một công việc riêng, đó là thể hiện của tinh thần độc lập nơi người đàn ông. Vai trò chủ động trong gia đình cũng xác quyết tư thế độc lập của người đàn ông. Người đàn ông nào cũng muốn có sự tùng phục của mọi người trong gia đình. Nếu không phải là con người bệnh hoạn thì cũng phải là người có cá tính rất mạnh mẽ để người đàn ông có thể chấp nhận vai trò lu mờ sau lưng người vợ của mình. Người ta hay nói đến những ông Quận công ngớ ngẩn phải làm chồng của các nữ hoàng hoặc của những người đàn bà có chức vụ quan trọng trong một quốc gia.
Người chồng nào cũng cần sự trợ giúp của người vợ. Nhưng lắm khi sự trợ giúp ấy không đáp lại được những chờ đợi của người chồng. Đôi khi sự săn sóc chiều chuộng thái quá của người vợ lại làm tổn thương tự ái của người chồng. Cái khuynh hướng độc lập nơi người đàn ông thường khiến họ tìm mọi cách để thoát khỏi sự kiềm tỏa trong gia đình, nhất là của người vợ.
Những người vợ trẻ nên lưu ý, sự hỏi han ân cần của họ làm cho người chồng cảm thấy thoải mái, nhất là khi gặp những căng thẳng ngoài xã hội. Nhưng khi sự ân cần hỏi han ấy biến thành một thứ hạch sách, điều tra thì dĩ nhiên người chồng sẽ cảm thấy bị tổn thương và mặc cảm. Từ đó họ dễ đi đến chỗ khép kín đối với người vợ.
Cái duyên dáng của người đàn bà chính là sự dịu dàng kín đáo. Bao lâu người vợ vẫn còn giữ được nét dịu dàng kín đáo ấy, họ vẫn còn thu hút và giữ được người chồng.
3. Tự bản chất, người đàn ông nào cũng ích kỷ. Thường họ không nhận ra rằng, họ ích kỷ, vì họ vẫn cảm thấy bị lôi cuốn bởi những chuyện đại sự, những lý tưởng cao đẹp. Do đó, người đàn ông không bao giờ tỏ ra ích kỷ vì tính toán suy nghĩ. Lòng tốt vẫn trổi vượt trong tâm hồn họ. Nhưng dĩ nhiên lòng tốt ấy không được diễn tả một cách trực tiếp như nơi người đàn bà. Đó là điều mà người vợ trẻ nên cố gắng tìm hiểu ở chồng mình.
Lòng tốt nơi người đàn ông thường được thể hiện một cách kín đáo, nhưng cương quyết và bền vững. Một người sẵn sàng hy sinh tất cả để lo cho sinh kế của gia đình. Một người cha sẵn sàng đánh đổi tất cả để cho con cái được nên người. Hình ảnh của một người đàn ông đầu tắt mặt tối ngoài đồng, tại công xưởng, hoặc chạy đôn chạy đáo giữa phố chợ, hẳn đó chỉ có thể là biểu lộ của lòng tốt mà thôi.
Lòng tốt ấy đôi khi cũng được thể hiện bằng sự nghiêm khắc. Người cha nào cũng thương con. Nhưng có thể sẽ lạnh lùng và khe khắt với con để chỉ mong sao cho con nên người. Lòng tốt của người đàn ông khiến họ chú tâm vào công việc đến độ hờ hững, lạnh lùng trong cách biểu lộ tình cảm. Họ có thể quên không nói một lời cám ơn. Họ có thể vô tư đến độ không biết nói một lời khen tặng với vợ. Họ cũng có thể không quan tâm đến những kỷ niệm đáng nhớ, những dịp đáng mừng trong gia đình. Nhưng không phải vì thế mà người vợ sẽ suy diễn rằng, chồng mình không còn yêu thương mình nữa. Đó có thể là một thiếu sót, vụng về nơi người chồng. Nhưng đó không hẳn là dấu hiệu của sự nguội lạnh hay sự thiếu tình yêu nơi chồng.
4. Chúng ta thường nói “gần chùa gọi bụt bằng anh”. Càng gần gũi thân mật, người ta càng dễ coi thường nhau. Điều này càng đúng hơn trong đời sống vợ chồng. Sự gần gũi thân mật giúp hai người hiểu nhau hơn, nhưng đồng thời cũng có thể đưa họ đến chỗ chỉ còn thấy những khyết điểm của nhau.
Người ta chỉ có thể cứu vãn được đời sống vợ chồng khi biết tỏ ra khoan dung và thông cảm. Thông cảm ở đây không chỉ có nghĩa là chấp nhận và tha thứ cho những khuyết điểm của người phối ngẫu, mà còn biết nhìn vào những khuyết điểm ấy cách lạc quan hơn. Nghĩa là coi những khuyết điểm ấy như một cách biểu lộ của những đức tính tốt.
Với một cái nhìn như thế, hẳn người vợ sẽ dễ dàng chấp nhận, thông cảm và tha thứ cho chồng mình hơn. Đạt được một cái nhìn và cách cư xử như vậy là người vợ đã đạt được một bước trong sự trưởng thành nhân cách của mình. Và sống được như thế, tức là thể hiện được ơn gọi làm người của mình hơn.
I. TÂM LÝ VỢ CHỒNG TRẺ
II. LINH ĐẠO ĐỜI HÔN NHÂN