Những ngày hẹn hò đã qua. Những giây phút thần tiên của tuần trăng mật cũng đã hết. Bây giờ là cuộc sống chung mà đôi vợ chồng trẻ phải giáp mặt và cùng nhau xây dựng. Thực tế trước tiên mà họ phải đương đầu chính là những khác biệt giữa hai người. Lâu đài tình yêu không chỉ được xây bằng những viên gạch đồng điệu nhưng còn cần đến những vật liệu khác biệt nhau.
Do đó, nguyên tắc tối quan trọng để xây dựng đời sống chung là ý thức khác biệt của nhau, đồng thời chấp nhận sự khác biệt ấy như một kho tàng hầu phong phú hóa lẫn nhau.
1. Với người chồng trẻ, chúng tôi xin được phép khuyên ngay điều này: họ cần tâm niệm luôn rằng, người vợ có những điểm hoàn toàn khác biệt với họ. Chỉ khi nào chấp nhận sự thật ấy, người chồng mới thấy hiểu vợ mình là một điều cần thiết. Hiểu vợ mình, hay nói chung, hiểu một người đàn bà là chấp nhận rất nhiều điều mà cách chung, đàn ông chỉ có ý niệm lờ mờ. Những người chồng bắt đầu tỏ ra hờ hững và vô tình kể từ lúc họ cho rằng, chuyện của vợ mình là chuyện vớ vẩn hoặc vợ mình là người kém hiểu biết.
Thật ra, người vợ có cái lý của họ. Những gì mà người chồng cho là vô lý nơi vợ mình, thực ra chỉ là những điều mà ông ta không hiểu hoặc không muốn hiểu. Lắm khi người đàn bà tỏ ra vô lý để buộc người chồng phải xử sự như một người người đàn ông.
Tiếng “không” mà đôi khi người vợ phải thốt lên với chồng là một dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy ông không thể xử sự với vợ chỉ bằng lý luận khúc chiết của ông, trái lại, còn phải có tình thương, sự cảm thông và sự khoan nhượng hơn.
Người vợ nói “không” là để thách thức người chồng xử sự như một người chồng đích thực như một tác giả đã nói: “Người người đàn ông chỉ thực sự là người đàn ông khi có người đàn bà”. Người chồng chỉ thực sự là người chồng khi có sự thách thức của người vợ.
Người chồng đừng bao giờ quên rằng: người vợ, tự bản chất, mong muốn cho những người thân của mình được hạnh phúc. Nhưng dĩ nhiên theo cách của bà. Khi mong muốn cho người thân của mình được hạnh phúc, người đàn bà cũng có thể tỏ ra độc tài như là muốn mọi người phải làm theo ý mình. Nhưng cái ý muốn làm cho người khác được hạnh phúc và bắt người khác phải làm theo ý mình thực ra cũng là một hình thức dâng hiến của người đàn bà.
Người ta thường nói: người đàn bà thường hành động bằng tình cảm hơn bằng lý trí. Đó là lý do khiến người đàn bà dễ khăng khăng với lập trường của mình hơn. “Vợ muốn là trời muốn” là thế.
Khác với đàn ông, người đàn bà nhìn vào thực tế bằng một cái nhìn phân tích. Họ dừng lại ở những đặc điểm nhỏ và chi tiết của sự vật do cảm tính thúc đẩy và hướng dẫn. Cái nhìn của ngưòi đàn bà về cuộc sống thường nồng nhiệt, hăng say hơn cái nhìn của người người đàn ông. Họ dễ cảm xúc hơn người đàn ông khi đứng trước nỗi khổ của người khác. Người ta gọi cái nhìn của người đàn bà là cái nhìn trực giác. Nghĩa là đàn bà nhìn xuyên suốt bản chất sự vật và thích nghi với thực tế dễ dàng hơn người đàn ông. Chính vì cái nhìn trực giác ấy mà có lẽ tính khí của đàn bà dễ thay đổi hơn người đàn ông.
2. Trong một đại hội y khoa quốc tế mới đây, người ta khẳng định, sự yếu đuối về cơ bắp nơi cơ thể của người đàn bà được bù đắp bằng hiệu năng của những giác quan và hệ thống thần kinh. Do đó, thực sai lầm khi cho rằng, có một phái mạnh và một phái yếu.
Lịch sử thế giới cũng như lịch sử Giáo Hội cho thấy có biết bao người đàn bà đã viết lên những trang sử hào hùng, hoặc chính nhờ những người đàn bà mà người đàn ông mới có thể có những thành công hiển hách.
Tác giả Asler Montéguy trong cuốn sách nhan đề “Sự Trổi Vượt Của Đàn Bà” đã viết như sau:
“Đàn bà yêu thích những gì thuộc về nhân tính. Đàn ông, nói chung, có thái độ ngược lại. Người đàn ông hành động như thể họ không được yêu thương đầy đủ, như thể họ phải chịu những uẩn ức làm phát sinh trong tâm hồn họ sự thù ghét. Trở nên gây hấn, người đàn ông cho rằng, sự gây hấn là một đặc tính tự nhiên và đàn bà là những kẻ thấp hèn bởi vì họ tử tế và hoà nhã.
Sự trổi vượt của người đàn bà trên người đàn ông được thể hiện trong sức mạnh yêu thương của họ, cũng như sức đẩy nội tại khiến họ có thái độ hợp tác hơn là gây hấn”.
Chúng ta đừng quên, sức đẩy yêu thương và cộng tác là điều tự nhiên của tâm hồn con người. Sự sống còn và định mệnh của nhân loại tuỳ thuộc ở tình yêu và sự tương trợ. Vai trò của người đàn bà chính là dạy cho người đàn ông sống nhân bản, sống nên người hơn.
Một tác giả đã ví von: người đàn bà đối với người đàn ông cũng như một con số đối với những con số không. Tự nó, những con số không chẳng có giá trị nào, nhưng thêm vào đó một đơn vị nó sẽ tăng gấp bội lần giá trị của một con số.
3. Đời sống hôn nhân là khởi đầu của một cuộc khám phá. Yêu nhau, nên một với nhau, không có nghĩa là xóa bỏ mọi khác biệt; cũng không có nghĩa là bắt người khác phải nên giống mình. Sự hoà hợp chỉ có khi hai bên biết tôn trọng những khác biệt của nhau. Mãi mãi, người phối ngẫu vẫn là một mầu nhiệm để chiêm ngưỡng.
Bao lâu người chồng ý thức vợ mình có những khác biệt trong suy nghĩ, trong hành động, trong cách cư xử và cố gắng để tôn trọng và hoà hợp với những khác biệt ấy thì đó là dấu chỉ cho thấy người chồng còn tha thiết với tình yêu và hạnh phúc lứa đôi.
Trái lại, khi người chồng không nhìn nhận những khác biệt ấy và cưỡng bách người vợ phải khuôn rập theo cách suy nghĩ, hành động và ý muốn của mình, lúc đó sẽ không có tình yêu nữa mà chỉ có nô lệ và sợ hãi.
Khởi đầu cuộc sống vợ chồng, người chồng trẻ nên tâm niệm mỗi ngày, vợ mình có những điểm khác biệt với mình và những khác biệt ấy không là một cản trở cho tình yêu; trái lại, là một yếu tố giúp cho mình được thêm phong phú, cần thiết cho việc vun xới và củng cố tình yêu vợ chồng.
Một tác giả đã nói: “Không người chồng nào ve vãn tán tỉnh vợ mình suốt cả đời”.
Sau thời gian hẹn hò, sau những ngày thần tiên của tuần trăng mật, nhiều người đàn bà đã thất vọng. Con người “người đàn ông” của thời gian hẹn hò, của những ngày đầu đời cuộc sống vợ chồng không còn nữa. Trước mắt họ, giờ đây chỉ còn là một người chồng với rất nhiều giới hạn và khiếm khuyết. Con người lý tưởng họ đã từng ôm ấp trong trái tim giờ đây để lộ chân tướng của mình.
1. Chúng tôi xin được phép khyên những người vợ trẻ, đừng thất vọng. Hãy thực tế để chấp nhận chồng mình, một người chồng với rất nhiều giới hạn và khuyết điểm. Người chồng đó là một người đàn ông, nghĩa là một con người có những suy nghĩ, hành động, cách cư xử khác với đàn bà; một người đàn ông luôn muốn được làm đàn ông theo cách thế riêng của họ.
Trong truyện ngắn “Tôi Muốn Làm Đàn Ông”, tác giả kể chuyện một giáo viên gương mẫu sống với người vợ đảm đang và hai đứa con thông minh của mình. Ai nhìn vào gia đình ấy cũng đều cho đó là một cảnh êm ấm tuyệt vời. Thế nhưng, cảnh êm ấm ấy suýt đổ vỡ vì sự xuất hiện của một cô giáo mới và nhất là vì người giáo viên kia muốn thực sự là một người đàn ông.
Một buổi chiều trên đường về nhà, người giáo viên bước ra phía sau khu chung cư của trường. Cảnh cô giáo mới phải loay hoay với chiếc búa và cái đinh trong tay làm người giáo viên cảm thấy xót xa và từ đó, bản tính đàn ông cũng bừng dậy một cách mãnh liệt.
Tuy với bàn tay vụng về của một nhà giáo, người giáo viên cũng giúp cho cô giáo mới đến đóng xong cái đinh, sửa lại cái ghế trong nhà. Ông hãnh diện vì sự giúp đỡ ấy và nhất là thấy được rằng, mình là một người đàn ông hữu dụng. Đó là công việc mà vợ ông không bao giờ cho ông đụng đến. Là một người đàn bà đảm đang, bà làm tất cả mọi việc trong nhà, kể cả những việc của đàn ông.
Có lần trong nhà cũng có cái ghế xiêu vẹo, người giáo viên sực nhớ mình đã hơn một lần cầm búa giúp sửa chữa bàn ghế trong nhà cô giáo ở khu chung cư. Ông muốn tỏ ra mình là một người đàn ông, nên đã mau mắn đi lấy dụng cụ bắt tay vào việc. Nhưng cách làm việc chậm rãi của ông đã khiến cho người vợ sốt ruột. Bà chụp lấy đồ nghề và chỉ trong chớp nhoáng bà đã chữa xong cái ghế. Người giáo viên lại một lần nữa thấy mình chỉ là một đứa con nít thừa thãi trong gia đình.
Những lần đi dạy về, ông thường ghé vào khu chung cư để giúp đỡ cô giáo và nhất là để thể hiện tính đàn ông của mình. Dần dà, căn hộ của cô giáo đã trở thành gian phòng quen thuộc của ông.
Dĩ nhiên, ai cũng có thể đoán được giữa hai người đã có sự khắng khít hoà hợp gần như vợ chồng. Người giáo viên gần như đóng vai trò của một người chồng đối với cô giáo. Cô giáo nương tựa vào ông. Cô hỏi ý kiến ông trong tất cả mọi sự. Nhưng với lương tâm của những nhà giáo, hai người đã biết dừng lại đúng lúc. Dù vậy, người giáo viên ấy cũng đã nói lên tâm trạng của mình như sau:
“Người đàn ông trong tôi vừa mới hồi sinh đã bị chết ngay, chết vĩnh viễn trong ngôi nhà có một người đàn bà toàn diện. Cho nên, nếu có ai hỏi tôi ước ao điều gì, thì tôi xin trả lời: ước ao được làm người đàn ông trong cái vỏ đàn ông của mình”.
2. Người đàn ông nào cũng muốn đóng trọn vai trò đàn ông của họ trong gia đình. Người đàn ông nào cũng muốn thể hiện tính đàn ông của mình, và dĩ nhiên, theo cách thế đàn ông của họ, chứ không theo sự chỉ đạo và yêu cầu của người vợ.
Trong những cuộc xích mích và cãi cọ giữa hai người, người vợ thường gọi chồng mình là kẻ ích kỷ. Đây không phải là một kết luận sai lầm. Quả thực, người đàn ông nào cũng có đôi chút ích kỷ. Ý thức hay vô thức, người đàn ông nào cũng ích kỷ. Sự ích kỷ ấy thường thể hiện bằng nỗi khát khao được độc lập nơi chính mình.
Tự bản chất, người đàn ông không thích sống dựa vào đàn bà như một bóng mờ. Họ muốn làm chủ. Họ muốn điều khiển trong gia đình. Sự độc lập ấy cũng thường được biểu lộ qua những phản ứng đầy tự ái của họ.
Nói chung, người đàn ông không thích được vợ lên lớp chỉ bảo. Cho dẫu rất yếu đuối khi đứng trước đàn bà, dẫu là nô lệ của rất nhiều đam mê, người đàn ông vẫn luôn tỏ ra làm chủ được tư tưởng, đời sống trí thức, những xác tín về tôn giáo và chính trị của mình. Người đàn ông không muốn tỏ ra lệ thuộc vào cách suy nghĩ của đàn bà. Lắm khi chúng ta nghe họ thốt lên: “Chuyện đàn bà! Chuyện vớ vẩn!”.
3. Không muốn tỏ ra lệ thuộc vào đàn bà, người đàn ông đương nhiên muốn tỏ ra mình là chủ trong nhà. Tính khí đàn ông khiến họ muốn điều khiển và chỉ đạo trong nhà. Từ đó, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy có nhiều đàn ông cư xử một cách độc tài.
Đấy cũng chỉ là một thể hiện của sự ích kỷ nơi người đàn ông. Họ muốn được mọi tiện nghi trong nhà. Họ muốn thấy tất cả mọi sự phải sẵn sàng khi họ về đến nhà. Hình ảnh của một người chồng vừa về đến nhà vội nằm ngửa trên ghế bành, bật tivi, đọc báo… trong khi vợ mình phải đầu tắt mặt tối trong bếp, đó là hình ảnh tiêu biểu nhất của những người đàn ông ích kỷ và độc tài. Sự ích kỷ đôi khi cũng khiến cho người chồng thiếu quan tâm đến vợ mình. Ông muốn ngồi yên một chỗ. Ông chán cả những âu yếm vuốt ve của người vợ.
Dĩ nhiên không phải mọi người đàn ông đều hành động theo sự ích kỷ của mình. Sự rèn luyện, tình yêu thương đối với vợ con giúp cho rất nhiều người đàn ông thắng vượt những hẹp hòi nhỏ nhen của họ để có thể hy sinh sống trọn vẹn cho vợ con.
Tuy nhiên, không có người đàn ông nào là lý tưởng cả. Mỗi con người là một thực thể độc nhất vô nhị. Mỗi người đàn ông đều có những đức tính và những khuyết điểm của họ.
Trong những đức tính và khuyết điểm ấy, điểm nổi bật hơn cả nơi đàn ông chính là muốn thể hiện tính đàn ông của mình. Người đàn ông nào cũng muốn làm và được hãnh diện làm đàn ông. Hôn nhân là điều kiện để cho tính đàn ông của họ được thể hiện một cách trọn vẹn. Vai trò của người vợ là giúp cho chồng mình được trở nên đàn ông hơn. Sống với một người đàn ông có nghĩa là chấp nhận những tham vọng, những khó khăn, những khuyết điểm của họ. Nhưng đồng thời cũng giúp cho họ tăng trưởng theo những đức tính của họ.
Tình yêu vợ chồng chỉ có thể được xây dựng, được vun xới trong chân lý và bác ái. Trong chân lý nghĩa là chấp nhận và chịu đựng những khuyết điểm, những thiếu sót của nhau, cũng như những khác biệt trong bản chất của mỗi người. Trong bác ái, nghĩa là không ngừng cảm thông và tha thứ.
Xét cho cùng, sự hiện diện và tình yêu của người chồng là một thách đố đối với người vợ. Người chồng sẽ là động cơ, là trợ lực giúp cho người vợ sống trọn ơn gọi đàn bà của họ hơn.
Những năm gần đây, báo chí không ngừng nói đến cuộc hôn phối không mấy êm đẹp giữa Hoàng tử Charles và Công chúa Diane của nước Anh.
Sau 11 năm chung sống và được hai mặt con, người ta có cảm tưởng như cặp vợ chồng quí tộc này không thể tiếp tục hoà hợp được với nhau nữa. Hoàng tử thì mê man trong những thú vui thể thao và mối quan tâm về môi sinh. Công chúa thì khóc thầm vì không được Hoàng tử săn sóc với những sở thích của mình. Hai tính khí như hai con đường song song với nhau.
Hoàng tử Charles đã chuẩn bị kỹ lưỡng những kỹ năng cần thiết để làm một vị vua, nhưng có lẽ ông chưa chuẩn bị đủ để làm một người chồng tốt.
Một người chồng tốt thiết yếu là một người đàn ông luôn biết quan tâm đến vợ mình. Quan tâm đến vợ cũng có nghĩa là ý thức được những khác biệt của vợ, đoán biết đâu là những chờ đợi của vợ.
Sự hiểu biết và thông cảm đó chính là quy luật cơ bản mà chúng tôi xin được nhắn gửi tới những người chồng trẻ.
1. Trong đời sống vợ chồng, có lẽ không hình ảnh nào đẹp cho bằng hình ảnh người vợ chờ chồng đi làm về. Người vợ như muốn cho chồng mình thấy rằng, chồng là tất cả của họ. Suốt một ngày chờ đợi như nổ tung ra khi người chồng xuất hiện. Người vợ sẽ phá tan sự căng thẳng chờ đợi ấy bằng đủ thứ chuyện mà chị muốn kể cho chồng mình nghe. Từ chuyện những người hàng xóm đến chuyện con cái, quay sang chuyện chợ búa, bếp núc. Người vợ muốn chồng nghe tất cả những gì mà mình đã sống trong một ngày chờ đợi. Có những chuyện quan trọng mà có thể cũng có những chuyện không quan trọng.
Nhưng đối với người vợ, điều quan trọng không phải là nội dung của những gì họ kể ra cho bằng chính nhu cầu được nói, được tâm sự, được chia sẻ.
Cô đơn là thử thách nặng nề nhất đối với người đàn bà. Do đó, nhu cầu lớn nhất của họ là được ra khỏi chính mình. Người chồng tốt là một người chồng luôn biết quan tâm đến nhu cầu ấy.
Sau một ngày vất vả ngoài đồng áng, sau một ngày tất bật nơi sở làm, sau một ngày bị bao vây bởi không biết bao nhiêu bực bội, người chồng nào cũng mong tìm được những giây phút thanh thản yên lặng. Nhưng họ nên nhớ rằng, nhu cầu được thông tin, được chia sẻ của người vợ có lẽ còn lớn hơn cả nhu cầu được yên tĩnh của họ. Sự hoà hợp trong đời sống vợ chồng đòi hỏi người chồng bước thêm một bước nữa trong sự hy sinh của mình. Đó là lắng nghe, cảm thông với vợ mình.
2. Nhu cầu được chia sẻ, được lắng nghe, được nói, được ra khỏi chính mình thật ra, cũng là sự thể hiện một nét đẹp thiên phú của tâm hồn nữ giới. Đó là được dâng hiến, trao ban. Nhu cầu ấy là động lực nguyên thủy trong tâm hồn người đàn bà.
Người đàn ông có thể cuộn mình trong cái vỏ của họ để hưởng thụ, để sống một mình mà không cần quan tâm đến sự hiện hữu của những người chung quanh. Người đàn bà thì trái lại, họ không thể sống, không thể hành động, không thể hưởng thụ một mình. Họ muốn cho những cảm xúc của họ được vang dội trong tâm hồn người khác. Họ muốn cho sự hy sinh của mình được người khác nhìn nhận và biết ơn. Họ muốn niềm vui của mình cũng được chia sẻ cho người khác.
Điển hình nhất hẳn là tâm hồn đầy nữ tính của Mẹ Maria. Ngay sau khi được mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần, Mẹ đã vội vã lên đường đến chia sẻ niềm vui với người chị họ. Người ta cũng thấy rõ sự nhạy cảm đầy nữ tính của Mẹ trong tiệc cưới Cana. Không đợi cho chủ tiệc gợi ý, Mẹ đã đi trước sự cầu cứu của ông.
Sự nhạy cảm, nhu cầu muốn chia sẻ được thể hiện không chỉ qua những cử chỉ quảng đại, nhưng đồng thời, qua cả những chuyện vụn vặt bình thường. Đó là mẫu số chung của mọi tâm hồn nữ giới mà thiết tưởng một người chồng tốt không thể không quan tâm đến.
3. Trao ban và dâng hiến, người đàn bà xem đó như một thể hiện của nữ tính. Đó là một cách thế để họ khẳng định chính mình. Bởi đấy, người đàn bà còn có nhu cầu được nhìn nhận và biết ơn. Một tiếng cám ơn, dù chỉ được nói lên một cách máy móc, sẽ được người đàn bà đón nhận và cất giữ rất trân trọng.
Trong một bài huấn đức ngắn, vị Giáo Hoàng vắn số là Đức Gioan Phaolô I có kể câu chuyện này:
Một người đàn bà đảm đang phục vụ cho một ông chồng, mấy đứa con trai và mấy người anh em trai khác trong nhà. Những người đàn ông trong nhà không biết lay một ngón tay để giúp đỡ bà. Một buổi sáng chủ nhật kia, họ kéo nhau đi chơi ở ngoài, chỉ còn lại người đàn bà với đủ thứ công việc nội trợ. Buổi trưa khi về đến nhà, thay cho mâm cơm trên bàn họ chỉ thấy mặt bàn trống trơn.
Chờ cho những người người đàn ông chấm dứt những lời than phiền kẻ cả của họ, người đàn bà mới lên tiếng nói: “Các ông chỉ chờ cho tôi sai sót để trách móc. Từ bao lâu nay tôi hầu hạ các ông, mà các ông có bao giờ mở miệng nói lên một lời cám ơn hay khen ngợi tôi không?”.
4. Người đàn bà có nhu cầu được khen ngợi và đón nhận những lời cám ơn của người khác. Một người đàn ông muốn giữ vợ, một người đàn ông muốn sống hoà thuận với vợ, người đàn ông ấy phải biết mở miệng khen ngợi và cám ơn vợ mình.
Một người chồng tốt sẽ không bao giờ coi những việc vợ làm cho mình là một bổn phận, là điều phải làm. Hãy đón nhận tất cả những gì vợ làm cho mình như một trao ban. Hãy không ngừng nói lên những tiếng cám ơn và những lời khen tặng. Nhạc sĩ Bach đã có lần nói với vợ ông, “Cho dẫu gương mặt em có vẻ mệt mỏi, cho dẫu tóc em có bạc màu, em vẫn trẻ đẹp như cách đây hai mươi năm”.
Những tiếng cám ơn và những lời khen tặng mà người chồng dành cho vợ không chỉ là những công thức của phép lịch sự và xã giao, mà phải xuất phát từ lòng chân tình của mình. Cái chân tình ấy không xuất phát cách tự nhiên, mà là kết quả của sự thay đổi trong cái nhìn.
Người chồng đừng quên rằng, những cái mà ông cho là nhỏ nhặt, là vớ vẩn, là chuyện đàn bà có thể là những điều rất quan trọng đối với vợ ông. Nếu người đàn ông biết nhìn ra tầm quan trọng của những cái nhỏ nhặt, không ra gì đó có lẽ ông đã tìm ra được bí quyết của hạnh phúc gia đình.
Nói cách khác, người chồng đó đã hiểu được vợ, đã cảm thông với vợ, và nhất là đã biết quan tâm đến vợ mình.
I. TÂM LÝ VỢ CHỒNG TRẺ
II. LINH ĐẠO ĐỜI HÔN NHÂN