Nhân dịp mừng 50 năm thành hôn, một cụ già đã phát biểu trước 8 người con trai và 30 người cháu:
“Nếu cuộc hôn nhân của ta được hạnh phúc là nhờ ta đã áp dụng được triệt để lời khuyên của vị linh mục chủ sự lễ hôn phối cách đây 50 năm.
Thật thế, vị linh mục ấy đã nói với ta như sau: ‘Đừng có ai trong hai người khai mào cuộc cãi vã. Ai là người đầu tiên gây sự, sẽ đe doạ hạnh phúc lứa đôi’. Vị linh mục này đã có lý.
Từ 50 năm nay chúng ta đã cố gắng giữ hết sức, để không ai là người đầu tiên gây ra cuộc cãi vã. Chúng ta có rất nhiều khác biệt. Nhưng chúng ta đã biết trao đổi để vượt qua những khác biệt đó. Đấy là bí quyết hạnh phúc của chúng ta.
Nếu lời khuyên trên đây chỉ được thực hành với một số điều kiện, thì những điều kiện đó đối với ta luôn luôn có trong các giới răn của Chúa, nhất là cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích.
Các con, các cháu yêu quí, nếu các con, các cháu muốn được hạnh phúc và được Chúa chúc lành thì đừng bao giờ là người đầu tiên tạo ra cuộc cãi vã trong gia đình”.
Lời khuyên của cụ già trên đây, chúng tôi cũng xin được gửi đến các đôi vợ chồng trẻ. Riêng với người chồng trẻ đang chập chững bước vào đời sống hôn nhân chúng tôi xin được khuyên họ: hãy kiên nhẫn để tìm hiểu, cảm thông với người vợ trẻ của mình.
1. Trong một bài thơ bằng tiếng Phạn, người Ấn Độ đã giải thích sự bí ẩn kỳ diệu của người đàn bà qua câu chuyện sáng tạo như sau:
Thượng Đế đã lấy
vẻ uyển chuyển nhẹ nhàng
của chiếc lá rơi
và cái nhìn ngơ ngác
của nai tơ giữa rừng,
Ngài đã lấy sự nhảy múa tung tăng
của ánh mặt trời buổi sớm
và những giọt nước mát của sương mai,
Ngài đã lấy sự bất thường của gió
và sự nhút nhát của con thỏ,
Ngài đã lấy sự uyển chuyển kiêu sa
của loài công vương giả
và nét dịu dàng của chùm lông
trên cổ chim én,
Ngài thêm vào tất cả những thứ đó
sự cứng cỏi của đá kim cương,
sự dịu ngọt của mật ong rừng
sự hung bạo của loài cọp,
sức nóng của lửa thiêu
và hơi lạnh của băng tuyết.
Ngài còn thêm vào nữa
tiếng hót của chim bạc má
và tiếng gù của chim bồ câu
Ngài đã trộn lẫn
tất cả những thứ đó
để tạo nên người đàn bà
và Ngài đã mang tặng
cho người đàn ông.
2. Bài thơ trên đây muốn diễn tả những cái bất thường mà người đàn ông có thể nhìn thấy nơi người đàn bà. Những cái bất thường ấy lại được xây trên rất nhiều lý lẽ vững chắc mà chỉ có người đàn bà mới hiểu được. Người chồng có lẽ chỉ hiểu được những cái bất thường ấy sau một vài năm chung sống với nhau.
Người vợ sẽ làm cho người chồng ngỡ ngàng về tính nhẹ dạ, nông nổi cùng những ước muốn trẻ con của họ. Nhưng rồi sẽ đến lúc, người đàn ông sẽ phải cảm phục sự sáng suốt, óc thực tế bén nhạy nơi người đàn bà. Nhất là sẽ có những lúc người đàn bà tỏ ra quảng đại và can đảm gấp trăm nghìn lần người đàn ông.
Đứng trước một biến cố bất thường hoặc đau thương của gia đình, đôi khi óc lý luận và ngay cả sự tỉnh táo của người đàn ông cũng không giúp giải quyết được gì. Cuối cùng thì phải cần đến sức mạnh của người đàn bà. Đó là sức mạnh của sự chịu đựng, lòng vị tha mà Thiên Chúa đã phú bẩm cho người họ. Sức mạnh ấy kiến hiệu và vượt xa những tính toán của người đàn ông.
Mẹ thiên nhiên xem ra ưu đãi người đàn bà hơn đàn ông. Người đàn bà yếu đuối và dễ bị thương tích hơn người đàn ông, nhưng sức chịu đựng của người đàn bà trổi vượt hơn người đàn ông. Người đàn bà dễ bị xúc động hơn người đàn ông, nhưng lại đứng vững trước thử thách hơn người đàn ông. Người đàn bà có nhiều bệnh tật hơn người đàn ông, nhưng lại sống dai hơn người đàn ông. Người đàn bà chịu đựng cảnh góa bụa dễ hơn người đàn ông.
Sức mạnh đó cộng với sự hiến thân và trực giác nơi người đàn bà là những hệ số vững chắc để bảo vệ hạnh phúc hôn nhân và gia đình vốn bị đe doạbởi không biết bao thứ đột xuất.
Nhưng dĩ nhiên điều đó không có nghĩa là người đàn ông phải nhắm mắt làm ngơ trước những hành động thiếu suy nghĩ của vợ, nhất là những phản ứng thiếu khoan dung phát xuất từ sự ghen tuông, từ đầu óc thiên vị.
3. Cường độ tình yêu của người đàn ông gắn liền với óc chinh phục và cảm tính. Họ có thể là người tình say mê, nhưng lại là người chồng hờ hững. Khi nét hấp dẫn nơi người đàn bà phai mờ với thời gian thì mối tình đã một thời bốc cháy nơi người đàn ông cũng dễ dàng tàn lụi.
Người đàn bà thì khác hẳn. Tình yêu của họ là một lò lửa luôn bùng cháy. Dù cho thân xác có hao mòn, trái tim của người đàn bà vẫn luôn tươi trẻ. Người đàn bà cho mà không tính toán. Sự hiến thân không giới hạn ấy là một trong những nền tảng vững chắc cho gia đình. Bởi vì gia đình phải được xây dựng trên sự cần cù, nhẫn nại, chịu đựng, hy sinh. Từ bàn ăn, phòng ngủ, phòng khách đến cây cỏ trong vườn, chính nhờ bàn tay và sự hiến thân của người đàn bà mà tất cả đều được giữ gìn trong trật tự tươm tất. Những cái mà người đàn ông cho là phụ thuộc, lại là những điều thiết yếu đối với người đàn bà. Bởi vì họ đặt vào đó tất cả tình yêu của họ.
4. Người chồng phải luôn tâm niệm rằng, người vợ là quà tặng cao quí nhất mà Thiên Chúa đã ban cho mình. Một món quà cao quí, nhưng thường được gói ghém trong một bọc giấy của không biết bao nhiêu những điều bất thường mà người đàn ông không thể hiểu được chỉ bằng sự phân tích và lý luận của mình.
Để tạo nên hạnh phúc gia đình, óc lý luận và sự uyên bác của người đàn ông cần có sự hỗ trợ của trái tim người đàn bà. Người chồng luôn nhớ rằng, người vợ làm tất cả vì yêu thương. Cho dù có những vụng về, những bất thường, những nông nổi trong cách thể hiện tình yêu của người đàn bà, nhưng đó chính là những nét phụ thuộc của tâm hồn họ. Người chồng phải có một nhân cách sống và một sự ân cần tâm niệm mới mong hiểu được cách suy nghĩ, lý luận, biểu tỏ của vợ mình.
Tình yêu đích thực mang tính sáng tạo và chiêm niệm. Không những người chồng biết nhìn ra cái đẹp, cái tích cực nơi vợ mình, mà còn biết tìm hiểu để cảm thông với những cái khác biệt, bất thường của vợ nữa.
Đời sống hôn nhân là trường dạy yêu thương. Nếu người chồng biết tạo cho mình những phản xạ của cảm thông, nghĩa là biết tìm hiểu và đi sâu vào tâm hồn của vợ mình, thì cho dẫu có gặp những điều trái ý và bất thường đến đâu nơi người vợ, người chồng sẽ không bao giờ châm ngòi cho sự cãi vã, gây gổ.
Tâm niệm và luyện tập được một phản xạ như thế, người chồng hãy tin chắc, họ đang nắm trong tay chìa khóa của hạnh phúc.
Một cuốn phim Mỹ với tựa đề “Địa Đàng” mô tả cơn sóng gió của một đôi vợ chồng trẻ sống tại một vùng ven biển có tên là Địa Đàng.
Ngày kia, một người bạn của người vợ dẫn đứa con trai đến nhờ họ trông coi suốt kỳ nghỉ hè. Cả hai vợ chồng đều yêu thương đứa bé. Nhưng từ đó, sóng gió cũng bắt đầu nổi lên.
Quả thực, sự hiện diện của cậu bé đã khiến cho người vợ nhớ lại đứa con trai cùng trạc tuổi mà họ đã mất trong một tai nạn giao thông. Sự săn sóc và tình thương dành cho đứa bé càng lớn thì nỗi nhớ thương đối với đứa con đã mất càng mãnh liệt nơi người phụ nữ.
Ngày ngày, bà ra nghĩa địa thăm mộ con. Và mỗi ngày bà trở nên lạnh nhạt với chồng hơn. Từ chỗ khước từ mọi âu yếm, người vợ lại đi đến chỗ cắt đứt mọi liên lạc với chồng. Họ sống bên nhau như hai người xa lạ trong cùng một căn nhà.
Sau mấy tháng nghỉ, người khách tí hon trở lại với gia đình. Sóng gió yên lặng, đôi vợ chồng trẻ làm hoà với nhau. Địa Đàng thực sự trở lại với họ.
Với câu chuyện phim trên đây, chúng tôi xin được nhắn gửi tới người vợ trẻ một lời khuyên: là một người mẹ tốt và một người nội trợ tốt chưa đủ để là một người vợ tốt. Làm mẹ nhưng vẫn tiếp tục làm vợ, đó chính là bí quyết của hạnh phúc hôn nhân.
1. Khi tạo dựng người đàn bà, Thiên Chúa đã phán: “Người đàn ông ở một mình không tốt. Ta hãy tạo dựng cho nó một người trợ giúp”. Một trợ giúp, hay nói đúng hơn, một nơi nương tựa. Người đàn bà là nơi nương tựa cho người đàn ông đúng nghĩa nhất. Chúng ta hãy thử tưởng tượng cái cảnh người đàn ông trở về nhà sau một ngày lao nhọc vất vả. Một căn nhà tươm tất, những đứa con được chăm sóc kỹ lưỡng đã đành, nhưng quan trọng hơn cả, phải là sự hiện diện của người vợ. Người đàn ông nào cũng cảm thấy cần được sự bao bọc đỡ nâng của vợ mình.
Với tâm trạng đó, người đàn ông không muốn gì hơn là được chia sẻ với vợ những sinh hoạt trong ngày. Từ chuyện đồng áng đến những lao nhọc vất vả nơi công sở và ngay cả những gặp gỡ va chạm của mình, người đàn ông nào cũng muốn chia sẻ và mong gặp được nơi vợ mình sự cảm thông. Họ chờ đợi gì nếu không phải là sự lắng nghe của người vợ?
Nhưng lắm khi, điều làm cho người đàn ông chán nản nhất, là họ không tìm được một người vợ biết lắng nghe. Chúng ta hãy tưởng tượng cảnh một người đàn ông suốt ngày đã gặp không biết bao nhiêu bực dọc trong công việc làm ăn, vừa bước vào nhà lại phải nghe thêm những than phiền của người vợ. “Hãy để cho tôi yên một chút được không?”. Hẳn đó là câu lẩm bẩm thông thường của người chồng khi gặp phải một người vợ không biết lắng nghe.
2. Một tác giả chuyên về tâm lý học đã nêu lên một số khuyết điểm mà một số phụ nữ thường có như sau:
Trước hết họ hay ngắt lời chồng mình. Thái độ này không chỉ nói lên khuynh hướng muốn làm chủ của người đàn bà mà còn có thể cho thấy người đàn bà không muốn hoặc không ý thức về vai trò trợ giúp đối với chồng mình nữa.
Khuyết điểm thứ hai mà người ta thường thấy nơi một số người vợ, đó là không chú tâm đến câu chuyện của chồng mình. Thái độ này đã đưa người đàn ông đến chỗ khép kín và lạnh nhạt đối với vợ. Dĩ nhiên, ngày nay câu châm ngôn “Phu xướng phụ tuỳ” không còn là luật tối thượng của đời sống gia đình nữa. Sự đối thoại mới là cơ bản của đời sống hôn nhân. Nhưng để có sự đối thoại, cần phải biết lắng nghe.
Một khuyết điểm khác nữa mà nhiều người chồng rất sợ nơi vợ mình, đó là sự thiếu cẩn mật. Tự bản chất, người đàn bà nào cũng thích tâm sự. Nhưng không phải tất cả mọi bí mật đều có thể đem ra chia sẻ. Nhất là khi những bí mật đó liên quan đến người chồng hoặc do người chồng cung cấp. Có biết bao người đàn ông đã phải trả giá quá đắt, vì đã trót nói với vợ những điều mà vợ mình không biết giữ kín.
3. Trong đời sống vợ chồng, người ta dễ nhìn thấy những khuyết điểm của nhau. Nhưng thiết tưởng, thay vì đòi hỏi người chồng phải nên hoàn hảo, thay vì trách cứ chồng mình, thì người vợ nên tự xét mình trước.
Một tác giả đã gợi lên cho người vợ bản xét mình sau đây:
Đó là những câu hỏi mà thiết tưởng một người vợ biết thao thức với hạnh phúc hôn nhân không thể không đặt ra để xét mình mỗi ngày.
4. Xã hội xưa cũng như nay, có thể đặt người đàn bà vào tư thế đầu tắt mặt tối suốt ngày. Bổn phận của một người mẹ; và trong nhiều trường hợp, bổn phận của một người dâu, bổn phận của một người con trong gia đình có thể khiến cho họ quên đi hoặc xem thường bổn phận làm vợ.
Họ nên nhớ, một người mẹ tốt, một người nội trợ tốt, một người dâu hiền… tất cả chưa đủ để là một người vợ tốt. Một người vợ tốt, cốt yếu phải là một sự trợ giúp, một nơi nương tựa thiết thực cho chồng.
Người vợ trẻ nên đọc lại lời cầu chúc mà Giáo Hội dành cho họ trong nghi thức hôn phối:
“Xin cho họ được âu yếm nồng nàn với chồng như nàng Rakhen. Xin cho họ được khôn ngoan như Rebeca, sống lâu trường thọ và thủy chung như bà Sara”.
Chồng chúa vợ tôi” không hẳn là một quan niệm cổ lỗ của các cụ ngày xưa, mà không chừng vẫn còn rơi rớt lại trong rất nhiều người chồng trẻ ngày nay. Nhiều người chồng vẫn còn cho mình là kẻ có quyền sai khiến vợ, dạy bảo vợ và nhất là đánh đập vợ. Đàng sau cung cách cư xử ấy là quan điểm cho rằng, người vợ không bao giờ là người ngang hàng, đồng hành và bình đẳng với chồng.
Một quan niệm như thế khó có thể đem lại hạnh phúc cho vợ chồng. Bởi vì hạnh phúc đó chỉ có thể được xây dựng trên bình đẳng, tôn trọng, đối thoại và cảm thông mà thôi.
Với người chồng trẻ, một lần nữa chúng tôi xin được phép khuyên họ hãy xem vợ thực sự như một người bình đẳng, một người bạn đường. Cái nhìn ấy sẽ giúp họ khoan dung hơn đối với những thiếu sót của vợ, và biết nhận ra những đức tính cao đẹp của vợ. Nhờ đó bản thân họ cũng được kiện toàn hơn.
1. Có nhiều người đàn ông cư xử như thể là ông chủ trong gia đình. Họ gánh vác tất cả trách nhiệm của gia đình. Còn người vợ, dù có đầu tắt mặt tối với bao nhiêu việc nội trợ, cũng chỉ là một kẻ trợ giúp mà thôi.
Đi từ quan niệm tự tôn ấy, nhiều người chồng cho mình có quyền đòi hỏi nơi vợ trăm nghìn thứ dịch vụ khác nhau. Họ đòi hỏi như thế bởi vì họ nghĩ rằng, dưới mắt người đời hay ít ra trong cái nhìn quen thuộc của xã hội, họ là người gánh vác cả gia đình, họ cung cấp tiền bạc cho gia đình, họ lèo lái cả gia đình.
Cái cảnh quen thuộc hay xảy ra và nhiều người cho là bình thường, đó là cái cảnh người chồng vừa đi làm về, ngồi chễm chệ trên ghế bành chờ đợi vợ con đến hầu hạ.
Dĩ nhiên, người cha và người chồng được hưởng sự âu yếm, săn sóc của vợ con. Đó cũng là hạnh phúc của vợ con khi được biểu lộ tình yêu đối với chồng, với cha. Tuy nhiên, khi đón nhận sự săn sóc và phục vụ ấy, người đàn ông đừng nghĩ rằng, đó là quyền của mình.
Nhất là họ đừng nghĩ rằng, công việc nội trợ trong nhà của vợ chỉ là việc phụ. Từ chuyện con cái đến chuyện bếp núc, và nhất là sự đặc biệt nhàm chán của công việc hàng ngày, xem ra công việc của một người vợ trong gia đình còn nặng nề hơn những vất vả của người chồng ngoài đồng áng hay nơi công sở.
Một người chồng có ý thức và công bình sẽ nhận ra rằng, công việc của mình ngoài gia đình và công việc của vợ con trong gia đình đều có giá trị ngang nhau. Cả hai đều cần thiết để xây dựng và bảo trì hạnh phúc lứa đôi và gia đình.
Biết nhận ra sự phân chia trách nhiệm như thế tức là đã nhận ra sự bình đẳng giữa vợ chồng.
2. Ý thức về sự bình đẳng giữa vợ chồng sẽ giúp cho người chồng biết tôn trọng và quan tâm đến vợ mình hơn.
Nếu người chồng sau một ngày làm lụng vất vả biết chờ đợi sự chăm sóc, phục vụ, âu yếm của vợ thì hẳn người vợ còn cảm thấy cái nhu cầu ấy gấp bội. Sự bình đẳng đòi hỏi cả hai phải biết quan tâm phục vụ nhau.
Một tạp chí khuyên người chồng như sau:
“Nếu bạn muốn biến vợ bạn thành một người đàn bà suốt ngày cau có, làu nhàu, thì phương pháp hữu hiệu nhất là bạn đừng lắng nghe bất cứ điều gì vợ bạn nói.
Người vợ nào cũng cảm thấy như được đưa lên tầng trời thứ bảy khi được chồng mình chăm chú lắng nghe trong hai mươi phút liền.
Thực ra, nếu người chồng biết chịu khó gỡ bông gòn ra khỏi hai lỗ tai của mình để lắng nghe vợ, hẳn ông sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng, vợ mình có thể nói được những điều thú vị không ngờ.
Để tránh cho việc trò chuyện giữa vợ chồng có lúc nhàm chán, thỉnh thoảng họ nên quên đi những chuyện thường ngày trong gia đình để bàn luận về những đề tài bao quát hơn, như tôn giáo, chính trị, xã hội, khoa học… Hoặc cũng có thể đọc chung với nhau một trang báo hàng ngày. Người chồng hãy tạo dịp cho vợ mình có dịp phát biểu trong những vấn đề như thế.
Một trong những phương pháp hữu hiệu để chống lại sự nhàm chán, độc điệu trong đời sống gia đình là hãy có chung với nhau một vài sở thích. Điều đó cũng có nghĩa là người chồng cũng phải quan tâm đến những sở thích của vợ mình.
Người vợ nào lại không cảm thấy hạnh phúc khi được người chồng góp ý trong cách ăn mặc và trang điểm? Người vợ nào không cảm thấy sung sướng khi được chồng khen ngợi vì nghệ thuật nấu nướng của mình?
Để giúp cho vợ khỏi trở thành người bạn đường nhàm chán, người chồng cần phải tỏ ra quan tâm đến vợ mình. Và dĩ nhiên, một người chồng biết quan tâm đến vợ cũng sẽ là một người bạn đường khéo léo và hấp dẫn nhất đối với vợ”.
3. Những lời khuyên trên đây của tờ tạp chí cũng mời gọi người chồng phải biết chú ý đến những cái thường ngày, những điều nhỏ nhặt trong đời sống vợ chồng. Hạnh phúc lứa đôi và sự bình an trong gia đình tuỳ thuộc phần lớn vào những điều nhỏ ấy.
Giúp vợ nấu nướng, giặt giũ, quét dọn, hay cùng làm với vợ bất cứ việc nhỏ nào trong nhà, đó là muôn nghìn cách thế người chồng tỏ ra quan tâm đến vợ, và nhất là tôn trọng vợ.
Qua những trợ giúp ấy người chồng cũng sẽ cảm thấy được lớn lên trong nhân cách của mình.
Người ta nói: muốn biết được tư cách của người đàn ông, hãy nhìn cách sống của họ trong gia đình.
Người ta trở về nhà không phải chỉ để ăn uống, để bồi dưỡng, để trốn thoát những khó khăn trong xã hội, mà là để tìm lại chính mình.
4. Trong Tin Mừng, khi nói đến tinh thần phục vụ vô vị lợi, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh của người đầy tớ sau khi đã vất vả suốt ngày trong công việc đồng áng, trở về nhà lại phải tiếp tục hầu hạ chủ.
Và Chúa Giêsu kết luận: “Các con cũng thế, sau khi đã làm tất cả những công việc phục vụ đó, hãy nói: đó là công việc các con phải làm, các con chỉ là đầy tớ vô dụng mà thôi”.
Vị Giáo Hoàng trong Giáo Hội thường xưng mình là đầy tớ của mọi đầy tớ Chúa. Đó cũng là lý tưởng cho mọi tín hữu, và nhất là cho mọi người chồng.
Tình yêu đích thực như Chúa Giêsu đã thể hiện chính là hy sinh phục vụ. Và như Ngài đã dạy: Chính lúc mất mạng sống mình, con người sẽ tìm gặp lại chính mình. Đó phải là tâm niệm của người chồng trẻ vậy.
I. TÂM LÝ VỢ CHỒNG TRẺ
II. LINH ĐẠO ĐỜI HÔN NHÂN