Phải chăng ơn gọi sống đời linh mục và tu sĩ cao trọng hơn ơn gọi sống bậc vợ chồng? Đó có thể là câu hỏi và đồng thời cũng là mặc cảm của những người sống bậc vợ chồng. Mặc cảm này có thể xuất phát từ những giải thích sai lầm về một số đoạn Kinh Thánh liên quan đến tình yêu Thiên Chúa và liên quan đến ơn gọi tu trì.
1. Xin đọc lại một vài đoạn tiêu biểu trong Kinh Thánh liên quan đến các bậc sống của người tín hữu Kitô và từ đó, nêu bật sự cao trọng của ơn gọi sống đời vợ chồng.
Trong Tân Ước, có một vài đoạn ca tụng bậc đồng trinh, tức là đời sống tu trì khiến cho nhiều người có cảm tưởng đời sống hôn nhân bị hạ giá. Trong thư I gửi giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô viết: “Không vương vấn với phụ nữ là điều tốt cho người đàn ông. Tuy nhiên để tránh dâm dật thì mỗi người hãy có vợ có chồng”. Một lời lẽ như thế dễ cho chúng ta có cảm tưởng thánh Phaolô đề cao bậc đồng trinh và hạ giá bậc vợ chồng, như thể bậc vợ chồng là bậc sống dành cho những người yếu đuối mà thôi.
Thực ra, chúng ta chỉ hiểu được ý nghĩa và giá trị của giáo huấn trên đây khi đặt nó vào toàn bộ Kinh Thánh. Có một số câu Kinh Thánh đề cao một khía cạnh, nhưng không vì thế mà được giải thích như một phán đoán tiêu cực đối với những khía cạnh khác. Cuộc sống hôn nhân và gia đình là một thực tại phức tạp đến nỗi chỉ được nhìn dưới từng khía cạnh mà thôi. Do đó, người ta không thể trích dẫn một đoạn đặc thù để chối bỏ những khía cạnh khác.
Cũng thế, trong nhiều đoạn Kinh Thánh, hình như Thiên Chúa được trình bày như đối nghịch và cạnh tranh với tình yêu của con người. Đọc những đoạn Kinh Thánh ấy, người ta có cảm tưởng như yêu thương vợ chồng và con cái là giảm bớt tình yêu đối với Thiên Chúa.
Thiết tưởng chúng ta cần đọc lại các sách tiên tri trong Cựu Ước để hiểu được tình yêu của Thiên Chúa. Các tiên tri trình bày cho chúng ta một Thiên Chúa như là hôn phu của dân Do Thái, nhiều lần dân Do Thái bị xem là ngoại tình và thất trung vì chạy theo các thần ngoại.
Vì trình bày mối quan hệ giữa Thiên Chúa và dân Do Thái dưới hình thức tình nghĩa vợ chồng, các tiên tri gọi Thiên Chúa là Đấng hay ghen. Thiên Chúa là Đấng hay ghen bởi Ngài muốn con người thuộc trọn về Ngài. Nhưng thuộc trọn về Thiên Chúa không có nghĩa là chối bỏ tất cả những gì là cao đẹp nơi con người. Thiên Chúa ghen tương không có nghĩa là Ngài cảm thấy tình yêu của con người đối với Ngài bị sứt mẻ khi con người yêu thương nhau. Thiên Chúa không thể ghen khi thấy người chồng yêu thương vợ mình; Thiên Chúa cũng không thể ghen khi thấy cha mẹ yêu thương con cái mình.
2. Thiên Chúa không ghen tương với con người; Ngài chỉ ghen tương với những thần tượng giả trá, những tình yêu giả hiệu mà thôi. Nói như thánh Gioan tông đồ, nếu Thiên Chúa là tình yêu thì hẳn Ngài không thể ghen tương với những người sống yêu thương. Ngài ghen vì những gì nghịch với tình yêu và hạ phẩm giá con người. Nói cách khác, khi Thiên Chúa bị phản bội.
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa phán: “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết tâm tình, hết linh hồn, hết sức lực ngươi”. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu cũng đã nói: “Ai yêu mến cha mẹ hơn Ta, không xứng là môn đệ Ta”. Những đoạn Kinh Thánh như thế không thể hiểu như là đòi hỏi phải khước tử những quan hệ bà con ruột thịt của con người vì tình yêu đối với Thiên Chúa. Một Thiên Chúa hay ghen không có nghĩa là một Thiên Chúa cạnh tranh với con người.
Những đoạn Kinh Thánh như thế cần phải hiểu như là một đòi hỏi phải đặt Thiên Chúa vào trọng tâm của cuộc sống con người. Phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, nghĩa là phải tìm kiếm và xây dựng tình yêu đích thực trên tất cả mọi sinh hoạt của con người. “Thiên Chúa là tình yêu và ai sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa”. Ai chạy theo tình yêu giả hiệu, người đó cũng chối bỏ và thù ghét Thiên Chúa.
Như vậy, xây dựng tình yêu đích thực trong gia đình và với mọi người chính là thực thi giới răn mến Chúa trên hết mọi sự. Đó chính là giáo huấn đích thực của Chúa Giêsu khi Ngài liên kết hai giới răn mến Chúa và yêu người thành một. Và chúng ta cũng hiểu rõ hơn giáo huấn của Ngài qua lời giảng dạy của thánh Gioan. Thực tế, thánh Gioan viết trong thư thứ I của Ngài: “Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà nó không thấy, nhưng lại không yêu mến tha nhân mà nó thấy trước mắt, thì đó là người nói dối”. Đặt vào bối cảnh gia đình, chúng ta có thể nói: kẻ không yêu thương người phối ngẫu và con cái minh một cách đích thực cũng chính là kẻ không yêu mến Thiên Chúa; người đó cũng là kẻ phản bội Thiên Chúa.
3. Hiểu được tình yêu Thiên Chúa như thế, chúng ta sẽ loại bỏ được nhiều thành kiến đối với đời sống hôn nhân và gia đình cũng như thấy được giá trị con đường tu đức dành cho bậc vợ chồng. Một người thánh thiện thực sự sẽ không bao giờ nghĩ rằng, phương thế duy nhất để yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và hết sức lực của mình là phải cắt đứt mọi quan hệ tình cảm với những người thân thương ruột thịt để giam mình trong bốn bức tường của tu viện.
Yêu mến gia đình của mình bằng một tình yêu đích thực và khước từ mọi thứ tình cảm bất chính lệch lạc là đang đi trên con đường nên thánh dành cho những người sống bậc vợ chồng. Con người tận hiến cho Thiên Chúa không những bằng cuộc sống tu trì mà còn bằng cả cuộc sống hôn nhân và gia đình nữa.
Trên thiên đàng, chỗ cao trọng nhất không phải đương nhiên dành cho những người sống bậc tu trì hay suốt đời giữ độc thân, nhưng dành cho những ai đã yêu mến nhiều mà thôi. Lòng bác ái không phải là độc quyền của một số người ưu tuyển mà là nghĩa vụ của những ai đã chịu phép rửa.
Chúng tôi xin mượn lời thánh Gioan trong thư I của Ngài để kết thúc: “Thiên Chúa là tình yêu, ai sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa”. Chúng ta có thể nói: Ai sống yêu thương là đang đi trên con đường nên thánh vậy.
Không thể nói đến con đường tu đức dành cho những người sống bậc vợ chồng mà không bàn đến ý nghĩa và mục đích của hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa. Để có thể nên thánh trong ơn gọi hôn nhân, thiết tưởng cần phải hiểu rõ con đường mà chính Thiên Chúa đã vạch ra.
1. Theo quan niệm thông thường, quan hệ vợ chồng thường được xem như một tình cảm tự phát mù quáng. Người ta vẫn nói tình yêu mù quáng. Nhưng trong chương trình của Thiên Chúa, tình nghĩa vợ chồng không phải là một hấp lực mù quáng, một sợi tơ hồng của định mệnh mà là một xây dựng để bổ túc cho nhau. Thật thế, Thiên Chúa đã thiết lập sự bổ túc giữa người nam và người nữ, đến độ con người không thể là một con người hoàn toàn nếu không có người khác.
“Con người ở một mình không tốt”. Đó là một trong những khẳng định nền tảng của Kinh Thánh về con người. Con người vừa là nam vừa là nữ, nghĩa là người nam không thể tự mình có thể trở thành con người đầy đủ, người nữ cũng không tự mình có thể trở thành con người hoàn toàn. Trong hôn phối, hai người trở nên một xác thể và đạt được sự toàn vẹn của mình.
Như vậy, phải chăng những người sống độc thân vì Nước Trời là những con người không thành toàn? Thật ra, những con người sống độc thân vì Nước Trời cũng đi vào một cuộc hôn phối. Đó là hôn phối với Giáo Hội, với cộng đoàn mà họ được chỉ định để phục vụ. Chính nhờ tình yêu dành cho Giáo Hội, dành cho những con người mình phục vụ mà những người độc thân vì Nước Trời được thành toàn.
Trong bậc hôn nhân cũng thế. Chính nhờ tình yêu tận hiến cho nhau mà hai người phối ngẫu được thành toàn. Sự bổ túc mà hai người mang lại cho nhau không chỉ là xoa dịu nhu cầu nhục cảm mà chính là sự quân bình tâm sinh lý và trưởng thành nhân cách. Chính nhờ sự bổ túc cho nhau mà mỗi người phối ngẫu mới có thể đạt được tầm mức viên mãn của Đức Kitô. Trong chương trình của Thiên Chúa, mỗi người là con đường thành toàn của người kia. Mỗi người là trường dạy cho người kia biết yêu thương và nhờ đó nên trưởng thành.
2. Trong chương trình của Thiên Chúa, con cái cũng có một chỗ đứng đặc biệt. Trong quá khứ, người đời xem con cái như một nhân lực cần thiết cho công ăn việc làm. Người ta sinh con đẻ cái là để đảm bảo cho gia nghiệp được trường tồn. Ngày nay, nhiều người xem con cái như một nối dài của chính mình, sự nối dõi là một trong những bận tâm của nhiều người. Trong cả hai trường hợp con cái chỉ được quan niệm như một phương tiện để phục vụ cho một mục đích ích kỷ mà thôi. Trái lại, trong chương trình của Thiên Chúa, con cái là hoa quả của tình yêu và sự sống. Chỉ những ai hiểu được giá trị cao cả của sự sống mới khao khát được ban tặng sự sống. Khi phục vụ sự sống như thế, con người trở thành cộng sự viên của Thiên Chúa Tạo Hoá. Được có con cái không chỉ mang lại cho con người niềm vui và sự thỏa mãn mà còn khám phá được một giá trị cao cả. Đó là phục vụ sự sống, sự sống ấy không chỉ là sự sống của một vài người, nhưng là sự sống của toàn thể nhân loại mà mỗi người đều được mời gọi để phục vụ.
Trong chương trình của Thiên Chúa, lạc thú trong đời sống vợ chồng cũng được đặt đúng chỗ của nó. Thông thường, người đời xem lạc thú như là một mục đích để đeo đuổi, người ta đặt lạc thú trên tất cả mọi giá trị khác của cuộc sống. Trong chương trình của Thiên Chúa, lạc thú luôn luôn gắn liền với một giá trị khác. Chẳng hạn chúng ta ăn uống không chỉ vì lạc thú mà là để được sống hay vì một mục đích khác, như để chia sẻ, để tỏ tình liên đới. Thiên Chúa ban cho con người lạc thú là để phục vụ sự sống. Trong đời sống vợ chồng cũng thế, lạc thú là để phục vụ cho tình yêu và sự sống. Tách biệt lạc thú ra khỏi tìnhyêu và sự sống, con người chỉ hành động như thú vật.
Trong chương trình của Thiên Chúa, thời kỳ quen biết và đính hôn cũng có một ý nghĩa đặc biệt. Ngày nay, nhiều người cho rằng, thời kỳ quen biết và đính hôn không còn là một chuẩn bị cho đời sống hôn nhân nhưng đã trở thành một cuộc hôn nhân thử nghiệm, trong đó, hai người nam nữ được sống thử như đôi vợ chồng thực thụ. Việc đốt giai đoạn như thế dĩ nhiên sẽ làm cho hai người đánh mất tất cả giá trị và sự cao cả của đời sống vợ chồng. Những giá trị như sự chung thuỷ và lòng chung thuỷ không còn chỗ đứng trong cuộc hôn nhân thử nghiệm nữa. Nhưng điều quan trọng hơn là sự tôn trọng và tinh thần trách nhiệm đối với sự sống cũng bị xem thường.
Trong chương trình của Thiên Chúa, thời gian đính hôn chính là trường dạy yêu thương cho hai người nam nữ. Trước khi dấn thân vào cuộc sống hôn nhân, đây là thời gian đào luyện cho chính mình những đức tính cần thiết cho đời sống chung: như sự tôn trọng nhau, chịu đựng nhau, nhường nhịn nhau. Đây cũng là thời kỳ giúp họ rèn luyện cho nhau sự trưởng thành cần thiết bằng cách cùng nhau nhìn vào những trách nhiệm hoặc khó khăn trong đời sống vợ chồng.
Cuối cùng, trong chương trình của Thiên Chúa, sợi dây bất khả phân ly của hôn phối được thắt chặt bởi chính tình yêu chứ không bởi bất cứ một quyền lực nào. Dưới mắt người đời, định chế hôn nhân là một khế ước giữa một người nam và một người nữ được ràng buộc với nhau bởi những quyền lợi và bổn phận hỗ tương. Nếu chỉ là một khế ước xây dựng trên một khoản luật, thì hôn nhân cũng dễ dàng bị huỷ bỏ do lề luật của con người. Đó là lý do tại sao luật pháp của nhiều quốc gia cho phép ly dị. Hôn nhân bị xé bỏ một cách dễ dàng vì chỉ được quan niệm như một khế ước.
3. Trong chương trình của Thiên Chúa, hôn nhân là một cộng đồng yêu thương. Mà bởi vì tình yêu luôn có tính cách chung thuỷ cho nên hôn nhân cũng mang tính bất khả phân ly. Trong hôn phối, hai người cam kết yêu thương nhau không phải chỉ trong một thời gian, với một số điều kiện mà là yêu thương suốt đời và vô điều kiện. Hơn nữa, trong chương trình của Thiên Chúa, tình yêu bền vững, thủy chung, trọn vẹn, phong phú giữa hai vợ chồng cũng trở thành một biểu tỏ hữu hình của tình yêu Thiên Chúa đối với con người.
Khi hai người phối ngẫu cố gắng thực hiện những gì mà Thiên Chúa làm cho nhân loại, họ sẽ nối dài và hiện thực hoá những hành động yêu thương của Ngài đối với con người. Khi hai người phối ngẫu thực hiện trọn vẹn ơn gọi hôn nhân của mình, họ trở thành một mặc khải của Thiên Chúa. Đó chính là ý nghĩa cao cả của bí tích Hôn Phối mà thánh Phaolô đã nêu trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô 5, 32: “Mầu nhiệm này thật cao cả. Tôi muốn nói đến tình yêu của Đức Kitô và Giáo Hội”.
Ơn gọi nên thánh trong bậc hôn nhân chính là trở thành dấu chứng của tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Nên thánh là được tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa, hay đúng hơn, trở thành một mạc khải sự thánh thiện của Ngài. Đó chính là con đường nên thánh của các đôi vợ chồng.
1. Có nhiều kiểu nói trong Giáo Hội vốn dễ duy trì nơi người giáo dân não trạng mà người ta thường gọi là não trạng tiêu thụ, đặc biệt đối với các bí tích. Người ta thường nói, chịu các bí tích, lãnh nhận các bí tích. Đành rằng, bí tích là những cử hành của Giáo Hội, chỉ có Giáo Hội mới có thể ban các bí tích. Tuy nhiên, khi nói người giáo dân chịu hay lãnh nhận các bí tích, người ta dễ khuyến khích giáo dân rơi vào thái độ thụ động hoặc tiêu thụ đối với các cuộc cử hành trong Giáo Hội.
Bí tích là một cuộc cử hành của toàn thể Giáo Hội, trong đó, mọi tín hữu đều được mời gọi tham dự, nghĩa là trở thành tác nhân tích cực. Nghĩa là người tín hữu không chỉ đón nhận một sứ mạng mới của Giáo Hội, nhưng chính họ phải trở thành những người thợ tích cực trong việc xây dựng Giáo Hội.
Giáo Hội muốn làm nổi bật thái độ tích cực đó cách đặc biệt trong bí tích Hôn Phối. Trong hầu hết các bí tích, gương mặt nổi bật trong nghi thức là giám mục hoặc linh mục; trái lại, trong bí tích Hôn Phối, thừa tác viên của bí tích chính là đôi tân hôn.
Trước mặt linh mục vốn chỉ đóng vai trò chứng giám, chính đôi tân hôn mới là thừa tác viên cử hành bí tích. Đó chính là sự mới mẻ của bí tích Hôn Phối. Người tín hữu không còn chịu hay lãnh bí tích nữa. Họ chính là người cử hành bí tích.
Tính cách tân kỳ của bí tích Hôn Phối không chỉ do sự kiện đôi tân hôn nắm phần chủ động trong nghi thức vốn chỉ kéo dài trong khoảnh khắc, mà chính họ trở thành bí tích. Thiên Chúa đã muốn nêu bật tầm quan trọng của hôn phối khi Ngài mượn hình ảnh hôn phối để nói về tình yêu của Ngài đối vơí nhân loại. Thật thế, trong suốt chiều dài lịch sử Israel, Thiên Chúa luôn được tỏ bày như một phu nhân, quan hệ giữa Ngài và Israel được diễn tả như một cuộc hôn nhân.
2. Sang đến Tân Ước, thánh Phaolô như muốn diễn đạt tất cả sự cao cả của hôn phối khi Ngài viết trong thư gửi cho giáo đoàn Êphêsô 5, 32: “Mầu nhiệm này thật cao cả, tôi muốn nói đến tình yêu của Chuá Giêsu đối với Giáo Hội”. Qua lời khẳng định trên đây, thánh Phaolô muốn nói: vợ chồng phải yêu thương nhau như chính Chúa Kitô đã yêu thương Giáo Hội. Tình yêu giữa hai người phải trở thành dấu hiệu hữu hình của tình yêu giữa Đức Kitô và Giáo Hội Ngài. Còn hình ảnh nào còn có thể diễn tả được tình yêu của Đức Kitô đối với Giáo Hội cho bằng tình yêu vợ chồng?
Nói đến tình yêu vợ chồng là nói đến mọi diễn tả trong tình yêu đó. Từ những cử chỉ âu yếm hy sinh cho nhau đến sự kết hiệp nên một thân xác trong hành động giao hợp, tất cả đều là dấu chỉ, đều là bí tích của tình yêu Đức Kitô đối với Giáo Hội. Sách Diễm Tình Ca chứa đựng không biết bao nhiêu cảnh trữ tình lãng mạng, nhưng đã được xem như một mạc khải về tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.
Trong bí tích Hôn Phối tất cả mọi sinh hoạt trong đời sống vợ chồng và gia đình đều được nâng lên như dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa và công cuộc cứu rỗi của Ngài. Dù không rao giảng, hai vợ chồng cũng là những tông đồ sống động của tình yêu Thiên Chúa qua tình yêu và qua cuộc sống của họ. Qua tình yêu ấy, họ trở thành dấu chỉ hữu hình của Thiên Chúa vô hình. Họ trở thành cung thánh của Thiên Chúa tình yêu. Họ là dấu chứng và là lời ngỏ cho mỗi người rằng, Thiên Chúa tình yêu hiện hữu. Thiên Chúa ở đâu? Để trả lời câu hỏi ấy, có lẽ người tín hữu nên chỉ vào một đôi vợ chồng công giáo. Nơi nào hai vợ chồng công giáo yêu thương nhau, nơi đó có Thiên Chúa.
3. Hôn phối giữa hai Kitô hữu là một bí tích. Đó là khẳng định mà người ta có thể tìm thấy trong bất cứ tài liệu về hôn phối nào của Giáo Hội. Nhưng vì não trạng thụ động và tiêu thụ đối với các cử hành của Giáo Hội, người ta dễ đóng khung bí tích trong khoảnh khắc của buổi cử hành, hết nghi lễ là hết bí tích. Ra khỏi nhà thờ là giã từ bí tích. Thật ra, bí tích nào của Giáo Hội cũng đều là một dấn thân. Người tín hữu không chịu hay lãnh một bí tích, mà đón nhận một sứ mệnh để ra đi và trở thành bí tích của tình yêu Thiên Chúa đối với con người.
Điều này đúng cho bí tích Hôn Phối hơn bất cứ trường hợp nào. Qua bí tích Hôn Phối, đôi vợ chồng Kitô hữu trở thành bí tích của tình yêu Thiên Chúa. Cả cuộc sống của họ là một cử hành bí tích. Do đó, đôi vợ chồng Kitô hữu không chỉ làm phép cưới một lần trong nhà thờ mà còn tiếp tục là một bí tích bằng cả cuộc sống của họ. Được liên kết với Đức Kitô trong bí tích Hôn Phối, họ cũng bắt chước Ngài để trở thành hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình. Họ được mời gọi để không ngừng cởi bỏ con người cũ của tội lỗi để mặc lấy con người mới trong Đức Giêsu Kitô, để ngày qua ngày họ đạt được tầm vóc viên mãn của Ngài.
Giáo Hội được gọi là bí tích của Đức Kitô, bởi vì Giáo Hội là thân thể nối dài và hiện thực hóa sự hiện hữu của Ngài. Như Đức Kitô đã từng nói: “Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha”, Giáo Hội cũng có thể nói ai thấy Giáo Hội là thấy Đức Kitô. Thấy Giáo Hội không như thấy bất kỳ một tổ chức nào, mà như là một cộng đồng yêu thương. Chính tình yêu mới là dấu hiệu biểu lộ sự hiện diện của Chúa. Bởi vì ở đâu có tình yêu, ở đó có Thiên Chúa.
Tiếp nhận sứ mệnh của Giáo Hội, đôi vợ chồng Kitô hữu cũng trở thành bí tích của Đức Kitô. Họ phải sống thế nào để mọi người khi nhìn vào đều tin nhận rằng, tình yêu đích thực hiện hữu; và nếu như ở đâu có tình yêu, ở đó có Chúa, thì người ta cũng sẽ nhận ra chính Chúa trong chính tình yêu của họ.
I. TÂM LÝ VỢ CHỒNG TRẺ
II. LINH ĐẠO ĐỜI HÔN NHÂN