Trong các gương của phụ nữ, người ta nhắc đến vợ của nhà bác học Louis Pasteur. Tuy rất âm thầm nhưng bà Pasteur đã đóng góp thật sự vào những nghiên cứu y khoa của chồng. Có giai đoạn gia đình phải sống rất chật vật vì nhà bác học đầu tư hầu hết vốn liếng vào những chi tiêu cần thiết cho phòng thí nghiệm. Tuy vậy bà Pasteur không hề để lộ một sự bất bình hoặc thốt lên một lời than phiền nào với chồng; vì bà luôn tin tưởng ở sự thành công của chồng.
Người chồng đứa con gái thân yêu của gia đình Pasteur cũng luôn miệt mài trong phòng thí nghiệm của bố vợ. Giữa lúc bụng mang dạ chửa, người vợ trẻ cảm thấy cô độc, lúc đó bà Pasteur thường khuyên con rằng: làm con của một nhà bác học và làm vợ của một nhà khoa học là phải chấp nhận tất cả những thử thách đó.
Sự nâng đỡ và cảm thông là điều mà người chồng cần nhất trong cuộc sống. Cần phải luôn nâng đỡ và cảm thông với chồng. Đó là qui luật cơ bản trong đời sống vợ chồng mà một lần nữa chúng tôi xin được nhắn gửi đến những người vợ trẻ. Đời sống vợ chồng là trường luyện nhân cách, và đức tính chủ yếu và cần thiết cho hạnh phúc lứa đôi là sự cảm thông và chịu đựng của người vợ.
1. Ngày nay, tại Âu Mỹ, người đi xin việc thường phải chứng minh khả năng của mình. Người thiếu khả năng không được thu nhận đã đành, nhưng người thừa khả năng cũng bị từ chối. Có nhiều lý do để không thu nhận người thừa khả năng, nhưng một lý do khiến nhiều người phải ngạc nhiên là người thừa khả năng sẽ dễ nhàm chán với công việc. Và như vậy, hiệu năng của công việc sẽ giảm.
Sự đơn điệu và nhàm chán trong công việc là điều thường xảy ra với người vợ trong gia đình. Nếu người vợ không đặt vào công việc nội trợ tất cả yêu thích và tình thương cộng với tinh thần hy sinh thì quả thực, họ phải vác một gánh nặng khủng khiếp suốt đời. Tình yêu và sự hy sinh là liều thuốc giúp người vợ thắng vượt sự nhàm chán và tìm thấy ý nghĩa trong công việc hàng ngày của mình. Tình yêu và sự hy sinh cũng giúp cho người vợ thấy được sự cảm thông mà họ cần phải có đối với chồng mình.
Dĩ nhiên một người chồng yêu thương vợ thật sự luôn có đủ nhạy cảm để nhận ra những vất vả hy sinh của vợ. Một người chồng có trách nhiệm thật sự đối với đời sống gia đình sẽ không để cho người vợ đầu tắt mặt tối với công việc trong nhà mà không hề lấy một ngón tay để giúp đỡ. Khi giữa hai người đã tâm đồng ý hợp và yêu thương thật sự, thì công việc trong nhà dù nhỏ nhặt và vô danh đến đâu sẽ không còn là việc riêng của người vợ mà phải là công việc chung của hai người.
Tuy nhiên, người vợ cần phải luôn nhớ rằng, thiên chức của họ chính là kiên nhẫn chịu đựng trước những phiền toái và khó khăn của cuộc sống. Có khi họ phải đơn phương gánh chịu một mình. Họ chịu đựng những phiền toái và thử thách ấy vì biết rằng, người chồng của họ cũng có những khó khăn riêng của ông ta.
2. Có quá nhiều người vợ than phiền vì không được chồng mình cảm thông đủ. Một Bác sĩ chuyên gia tâm lý nổi tiếng đã viết như sau:
Những người chồng không hiểu được những lời than phiền của vợ, điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Bởi vì người đàn ông không bao giờ hiểu được người đàn bà. Tuy nhiên, về phần mình, những người vợ cũng phải hiểu cho rằng, chính chồng mình cũng không phải là những ông chủ tuyệt đối trong công việc của họ.
Theo Bác sĩ ấy, với sự cảm thông của mình chỉ có người vợ mới có thể an ủi được chồng. Sau một ngày làm việc phải nhã nhặn và chịu đựng đủ mọi hạng người, đôi khi, người đàn ông phải trở về nhà trong tâm trạng dồn nén. Còn cực hình nào lớn hơn đối với người đàn ông khi phải tiếp tục dồn nén bằng cách phải lắng nghe những lời than phiền của vợ, hay phải tiếp tục tỏ ra lịch sự và phải chịu đựng những đay nghiến của vợ? Dĩ nhiên, người vợ có trăm ngàn khó khăn của mình, người vợ chỉ mong gặp lại chồng để trút tất cả nỗi niềm của mình, từ chuyện con cái đến chuyện bếp núc, sang chuyện những người hàng xóm; từ chuyện con gà, con heo, đến chuyện vườn tược. Người đàn bà nội trợ có cả một thế giới riêng của mình. Suốt ngày loay hoay trong thế giới ấy, người đàn bà không mong gì hơn là gặp lại chồng để được giải tỏa. Một người chồng yêu thương vợ, sẽ lắng nghe và đi vào thế giới ấy một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, người vợ cũng cần nhớ rằng, người chồng cũng có một thế giới và những vấn đề riêng của ông ta. Lắm lúc người chồng không mong gì hơn là được yên lặng, cái yên lặng đầy cảm thông và yêu thương của vợ con. Chỉ có người đàn bà do sự cảm thông của mình mới có thể an ủi được chồng. Và đó là chức năng cao cả của người vợ. Người vợ hiện diện bên chồng như một nâng đỡ, ủi an, với sự chịu đựng đầy cảm thông.
3. Một cách nào đó như chúng ta thường gọi người vợ là nội tướng trong gia đình. Người vợ quán xuyến trong gia đình. Người vợ đóng vai trò chủ chốt trong việc dạy dỗ con cái. Nhưng quan trọng hơn cả chính là vai trò gìn giữ và thăng tiến sự hoà thuận trong gia đình. Mái ấm gia đình là công trình chung của vợ chồng, con cái, nhưng vai trò chủ yếu vẫn là người vợ. Sự trật tự tươm tất trong nhà trước hết thuộc trách nhiệm của người vợ. Chăm sóc con cái và quan hệ tốt với người chung quanh, từ trong nhà ra ngoài ngõ, xem ra vai trò của người đàn bà là chủ yếu. Chỉ có lòng yêu thương và quảng đại của người đàn bà mới có thể giúp họ hoàn thành vai trò ấy. Thiếu lòng yêu thương, tinh thần hy sinh, người vợ sẽ không thể chu toàn được vai trò nội tướng của mình, và như vậy sẽ không là một nâng đỡ cho người chồng. Và khi người đàn bà không còn là một nâng đỡ cho người đàn ông thì có lẽ họ chỉ còn là một nỗi phiền toái hay gánh nặng cho người chồng mà thôi.
4. Một tạp chí về gia đình xuất bản ở Hoa Kỳ có kê khai một số cử chỉ của người vợ khiến cho người chồng dễ cảm thấy phiền lòng và do đó, trở nên cau có.
Trước hết, đừng chờ đợi hay bắt người chồng ca tụng mình. Có đến 70% những người chồng không biết ca tụng vợ. Nhưng người vợ nên nhớ, sự thinh lặng của người chồng cũng là một cách biểu lộ đồng tình.
Khi người chồng than phiền về cha mẹ hay một người thân nào trong gia đình, người vợ không nên đổ dầu vào lửa bằng sự biểu lộ đồng tình hoặc những thêm thắt bịa đặt. Người vợ đừng bao giờ làm nhục hay nói ngược lại chồng giữa đám đông. Cho dầu đó là sự sai trái của chồng. Đừng bao giờ cằn nhằn khi người chồng quên hay không làm được một việc mình nhờ vả. Cả khi người chồng khước từ một đề nghị giải trí, người vợ cũng đừng vì thế mà hờn dỗi. Đời sống vợ chồng không là một giấc mơ. Đó là một khám phá không ngừng, và những khám phá bất ngờ nhất lại phát xuất từ chính người phối ngẫu của mình. Dù có liên hệ mật thiết đến đâu, mỗi người vẫn mãi mãi là một huyền nhiệm, một huyền nhiệm để tìm hiểu, để nâng đỡ, và nhất là để cảm thông và tha thứ.
Kinh Thánh đã kể lại rằng, sau khi tạo dựng Ađam Thiên Chúa nói: “Đàn ông ở một mình không tốt”, cho nên Ngài mới dựng nên người đàn bà. Ngài cho Ađam ngủ say và lấy một chiếc xương sườn của ông để dựng nên người đàn bà.
Dường như dân tộc nào cũng có một huyền thoại riêng của dân tộc mình về nguồn gốc con người. Nhưng có lẽ không có một câu chuyện nào mang nhiều ý nghĩa thâm thúy cho bằng tường thuật của Kinh Thánh. Hình ảnh chiếc xương sườn mà Thiên Chúa rút ra từ Ađam để tạo dựng người đàn bà nói lên ý nghĩa thâm sâu của tình yêu. Thật thế, chỉ có tình yêu khi có sự khác biệt và bổ túc cho nhau. Người đàn ông giống như một tác phẩm chưa được hoàn thành hay như một người đã đánh mất chính mình. Do đó, họ phải không ngừng tìm kiếm những gì mình đã đánh mất. Chỉ nơi người đàn bà, người đàn ông xem ra mới có thể tìm gặp lại bản thân. Cái khác biệt nơi người đàn bà bổ túc cho điều thiếu sót nơi người đàn ông.
Tình yêu lứa đôi, hạnh phúc hôn nhân chỉ có mỗi khi có sự hài hoà giữa những khác biệt ấy. Đó là nguyên tắc cơ bản nhất mà người chồng cần phải nắm vững để xây dựng và bảo toàn hạnh phúc lứa đôi. Nguyên tắc ấy không cho phép người chồng cư xử theo lối “chồng chúa vợ tôi” với vợ mình. Nguyên tắc ấy đòi hỏi ông chồng phải biết tôn trọng những khác biệt nơi vợ mình. Yêu thương đích thực không có nghĩa là xóa bỏ những khác biệt của nhau, bắt người khác phải làm theo ý mình, bắt người khác phải nên giống mình nhưng chính là biết tiếp nhận những khác biệt của người mình yêu thương như những giá trị bổ túc cho những thiếu sót nơi mình. Đó là điều mà một lần nữa, chúng tôi xin được nói với những người chồng trẻ.
1. Đa số các bà vợ than phiền rằng: họ phải chịu đựng tính ích kỷ, sự thiếu quảng đại, thái độ hồ đồ và thiếu cảm thông của người chồng. Nói chung, rất nhiều người vợ cảm thấy chưa nhận được đầy đủ sự chú ý của chồng mình. Có những người đàn ông mắc phải những chứng bệnh tâm lý, chỉ làm đủ mọi cách để hành hạ vợ mình. Nhưng cũng có những người đàn ông vụng về và thiếu hiểu biết đến độ hành hạ vợ mình mà không hay. Đó là hạng người không muốn cảm thông với vợ mình.
Cảm thông với một người nào đó tức là tự đặt mình vào địa vị và hoàn cảnh của người ấy để hiểu được những vấn đề, những khó khăn và những nỗi khổ của người ấy.
Có biết bao ông chồng không hề thấy được những vật vã và bao hy sinh của người vợ trong việc nội trợ. Không ai bắt người đàn ông phải làm những công việc của người vợ nhưng ít ra người đàn ông biết yêu thương và cảm thông với vợ, biết nâng đỡ và trợ giúp vợ, nhất là không tạo thêm những gánh nặng mới cho vợ mình.
2. Người chồng thể hiện sự cảm thông với vợ bằng sự nâng đỡ trong công việc gia đình. Nhưng quan trọng hơn cả và cơ bản hơn cả, là có thể đi vào nếp suy nghĩ, lối lý luận của người vợ. Đây là điều xem ra khó thực hiện nhất đối với người đàn ông. Có những người đàn ông sẵn sàng hy sinh cho vợ, sống chết cho vợ nhưng lại không bao giờ chịu nhượng bộ mỗi khi trao đổi hoặc tranh luận với vợ. Những người đàn ông này quên rằng: quan hệ của người đàn bà với người đàn ông hầu như luôn luôn xây dựng trên cảm tính. Người đàn bà đến với người đàn ông hầu như không phải để thông tin một hiểu biết hay để đi tìm kiếm một chân lý khách quan, mà trước hết là để thiết lập một tương quan. Người ta vẫn nói, người đàn bà không lý luận bằng lý trí mà bằng con tim.
Do đó, tìm cách thuyết phục người đàn bà bằng sự lý luận không những vô ích mà còn nguy hại là khác. Điều này luôn luôn đúng trong quan hệ giữa hai vợ chồng. Những cuộc tranh cãi giữa hai người thường không giải quyết được bất cứ một vấn đề nào bởi vì xem ra mỗi người đều có cái lý của mình. Người chồng tìm được lý lẽ trong lý luận uyên bác và mạch lạc của họ nhưng người vợ lại có lý lẽ của trái tim.
Trong đời sống vợ chồng, người ta không thể cư xử theo lối ăn miếng trả miếng. Người chồng không thể trả đũa một hành động xấu của vợ bằng một hành động xấu của mình. Người chồng cũng không thể đem những lý lẽ của mình ra để bắt bẻ người vợ. Người chồng càng cố gắng chứng tỏ sự có lý của mình càng đẩy người vợ vào thế tự vệ và đối kháng. Chỉ có sự cảm thông mới là khí giới hữu hiệu nhất của người đàn ông. Người ta thường kể giai thoại của nhà hiền triết Hy Lạp Socrate để kêu gọi sự cảm thông và nhẫn nhục của người chồng:
Socrate không may có một người vợ tính tình nông nổi bốc đồng. Một hôm giữa lúc ông đang giảng dạy cho các môn sinh thì bà vợ đến làm nhục ông trước mặt mọi người. Nhưng nhà hiền triết vẫn điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Ông mỉm cười nói với các môn sinh: “Sau cơn mưa trời lại sáng”. Đó là cách cư xử của một nhà hiền triết, một đấng trượng phu nhưng đó cũng phải là khuôn vàng thước ngọc của mọi người chồng.
3. Có người sẽ mỉm cười bảo rằng, phản ứng như vậy là sợ vợ. Nhiều người đàn ông sợ bị chế diễu như người sợ vợ hoặc mang mặc cảm sợ vợ. Có thể do quan niệm “chồng chúa vợ tôi” mà nhiều người cho rằng, đàn ông phải là người làm chủ, ra lệnh phán bảo trong gia đình, và người vợ chỉ là một người “gọi dạ bảo vâng”. Người đàn ông có thể là chủ trong các liên hệ với bên ngoài, nhưng trong gia đình, người đàn bà là người điều khiển đời sống tình cảm của người đàn ông. Như thế, giữa hai người luôn có sự bình đẳng và bổ túc cho nhau.
Nếu người vợ đi ngược lại với ý kiến của người chồng, thì người chồng nên nhớ rằng: thường thì người vợ chỉ làm điều đó vì lợi ích gia đình. Ý kiến ngược lại hay đúng hơn sự khác biệt của người vợ khiến cho người chồng phải làm sáng tỏ và đào sâu quan điểm và những quyết định của mình.
Nói tóm lại, người chồng cần phải luôn cảm thông với vợ bằng cách đặt mình vào địa vị và hoàn cảnh của vợ để từ đó, đón nhận những khác biệt của vợ như là những giá trị bổ túc cho những thiếu sót của mình.
Người ta gán cho Đức Giáo Hoàng Sixto V vào thế kỷ XVI câu nói đáng suy nghĩ như sau: “Tôi sẽ phong thánh ngay tức khắc cho người đàn bà mà người chồng không bao giờ than phiền”.
Có những người đàn ông hay than phiền về vợ. Nhưng có lẽ người vợ cũng nên tự vấn tại sao người chồng hay than phiền về mình. Biết mình thật sự là biết rõ những khuyết điểm của mình. Nhưng người vợ có sẵn sàng muốn biết rõ về mình để cải thiện mối quan hệ với chồng mình không?
Đời sống hôn nhân là lò đào luyện nhân cách. Người chồng không chỉ là một bổ túc cho những thiếu sót của người vợ mà còn là trường đào luyện nhân cách cho người vợ. Sự gặp gỡ trao đổi giữa hai người sẽ giúp họ khám phá được chính bản thân và làm cho mỗi người được thêm phong phú hơn. Đó là ý thức mà chúng tôi xin được gợi lên cho những người vợ trẻ, để mời gọi họ luôn có một cái nhìn lạc quan về đời sống vợ chồng.
1. Biết mình thực sự là biết rõ những khuyết điểm của mình. Nếu người vợ chợt nhận ra những lời than phiền của chồng về mình thì có lẽ họ nên bình tĩnh để tự vấn lương tâm và tìm ra những khuyết điểm của mình. Một nhật báo xuất bản bằng tiếng Pháp đã kê khai 10 sai lầm mà bất cứ một người đàn bà bình thường nào cũng có thể mắc phải như sau:
2. Để biết chồng mình có than phiền hay không, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Đắc Nhân Tâm, Dale Carnegie đã khuyến cáo các bà vợ hãy tự vấn lương tâm theo bản xét mình sau đây:
3. Để được nên thánh trong bậc vợ chồng, để được phong thánh như lời Đức Giáo Hoàng Sixtô V đã đề nghị, thiết tưởng chìa khóa mà một người vợ phải nắm vững, đó là luôn sống vui tươi, linh hoạt và có đời sống tinh thần sâu sắc. Biết lắng nghe một cách nghiêm chỉnh và thích thú khi chồng nói đến những vấn đề chính trị, triết học hay bất cứ những gì mà chồng cho là quan trọng và lý thú. Thỉnh thoảng, nên đọc một quyển sách hay và trao đổi nội dung cuốn sách với chồng.
Ít nhất mỗi tuần một lần, dành trọn thời giờ cho chồng, để cho chồng thấy rằng: chồng là nơi nương tựa cần thiết của mình. Quên đi những phiền toái hằng ngày để luôn tạo ra cho chồng bầu khí vui tươi, lành mạnh. Luôn đề cao chồng trước mặt con cái. Sống và hành động như thế nào để không có gì phải giấu diếm với chồng. Nếu trong một đám đông hoặc trong một bữa tiệc, thấy chồng được nhiều người đàn bà khác chú ý thì hãnh diện hơn là tỏ dấu ghen tương. Người đàn ông hãnh diện vì một chút ghen tương của vợ, nhưng sẽ vô cùng đau khổ khi bị vợ làm mất mặt trước đám đông.
Hãy tránh hạch hỏi chồng. Người chồng nào cũng luôn muốn được sống trong bầu khí tin tưởng. Trước và trong bữa ăn đừng bao giờ có những lời cay chua với chồng. Đừng bao giờ nói về chồng rằng: Anh ấy quá già để có thể làm việc nọ hoặc việc kia. Thỉnh thoảng, nên lặp lại cho chồng nghe những lời dịu ngọt, những kỷ niệm của thời mới quen nhau hay đính hôn với nhau. Đừng quá thường xuyên hỏi chồng có còn yêu mình nữa không. Đừng lặp đi lặp lại với chồng về những hy sinh của mình cho gia đình.
4. Kể từ sau Công Đồng Vaticanô II, nên thánh không còn là độc quyền của một số người ưu tuyển mà là ơn gọi chung của mọi tín hữu. Điều đó có ý nghĩa, là mọi người phải nên thánh ngay trong bậc sống của mình. Đời sống gia đình là con đường nên thánh cho những người ở bậc vợ chồng. Chính do mối tương quan với người phối ngẫu và con cái mà người sống trong bậc vợ chồng tìm thấy và thực thi ý Chúa.
Một trong những việc thường làm của các vị thánh là không ngừng nhìn lại bản thân dưới ánh mắt từ nhân của Chúa. Thiết tưởng đó cũng là việc làm thường xuyên của các đôi vợ chồng tín hữu. Nhìn lại những thiếu sót và sai trái của mình để không ngừng cải tạo quan hệ với người phối ngẫu, đó không phải là bí quyết của hạnh phúc gia đình?
I. TÂM LÝ VỢ CHỒNG TRẺ
II. LINH ĐẠO ĐỜI HÔN NHÂN