1. Tất cả những ai sống đời tận hiến đều giữ ba lời khấn là khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Theo định nghĩa, khấn là long trọng hứa với Chúa và cộng đồng rằng: Mình sẽ trung thành tuân giữ những điều đã cam kết. Vì tính cách quan trọng của nó nên chỉ quyền bính có thẩm quyền trong Giáo Hội mới có thể tháo gỡ một người khỏi lời khấn.
Thông thường người ta dựa vào lời khấn để phân biệt một người sống đời tận hiến với một người giáo dân thường. Nhưng phải chăng chỉ có những người sống đời tận hiến bị ràng buộc bởi ba lời khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục? Nếu đó là những lời khuyên của Chúa Giêsu thì tại sao lại có luật trừ dành cho một số người? Trong bí tích Rửa Tội và nhất là Hôn Phối phải chăng người tín hữu Kitô đã không nói lên những lời khấn hứa với Chúa và với Giáo Hội? Nếu đã có một nền tu đức dành riêng cho đôi vợ chồng, tại sao họ được miễn chước những lời khuyên của Chúa?
Chúng tôi nghĩ rằng, tuy những đôi vợ chồng không sống ba lời khuyên khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục một cách đặc biệt như các tu sĩ thì ba nhân đức này vẫn là điều vô cùng cần thiết để có được một cuộc hôn nhân thành công và hạnh phúc thực sự. Và nên thánh trong bậc hôn nhân cũng có nghĩa là trau dồi ba nhân đức này. Hôm nay chúng tôi xin trình bày nhân đức đầu tiên là sự khiết tịnh trong bậc hôn nhân.
2. Nhiều người cho rằng, khiết tịnh trong bậc hôn nhân là điều mâu thuẫn. Làm sao vừa sống bậc vợ chồng lại vừa có thể khiết tịnh được, trừ khi phải sống như thánh Phaolô đã khuyên nhủ, nghĩa là sống như anh em. Chúng ta chẳng được dạy từ thuở nhỏ rằng: tất cả những gì liên quan đến tính dục đều là dơ dáy sao? Quả thực, rất nhiều tín hữu đã và vẫn còn có một quan niệm sai lầm về tính dục và sự khiết tịnh.
Thế nào là sự khiết tịnh? Thưa đó là việc sử dụng tính dục một cách đúng đắn. Như vậy, cần phải loại bỏ quan niệm sai lầm khi cho rằng, khiết tịnh có nghĩa là không sử dụng tính dục. Thiết tưởng chúng ta cũng cần phân biệt một số từ có liên quan đến khiết tịnh, như tiết dục tuyệt đối, đồng trinh, độc thân…
Đồng trinh chỉ những người không bao giờ có quan hệ tính dục với người khác phái. Tuy nhiên đồng trinh không đồng nghĩa với khiết tịnh. Một người sống đồng trinh vẫn không khiết tịnh nếu phạm tội trong tư tưởng, trong ước muốn hoặc trong cách cư xử của mình. Độc thân cho thấy tình trạng pháp lý của một người không lập gia đình. Dĩ nhiên, không hẳn người độc thân là người khiết tịnh.
Như vậy tự nó, đồng trinh và độc thân chỉ là một bậc sống. Trong khi đó, khiết tịnh mới là một nhân đức. Đó là nhân đức của những ai biết làm chủ thân xác và tính dục của mình. Như vậy có sự khiết tịnh của những người sống bậc đồng trinh như linh mục, tu sĩ; nhưng cũng có sự khiết tịnh của những người đính hôn, những người goá bụa và dĩ nhiên, của những người sống bậc vợ chồng.
3. Nếu khiết tịnh có nghĩa là sử dụng tính dục một cách đúng đắn thì khiết tịnh không chỉ là một nhân đức hay một lời khấn dành riêng cho bậc đồng trinh hoặc những người tự nguyện sống độc thân mà còn là một cam kết của những người sống bậc vợ chồng. Một tu sĩ tận hiến cho Chúa đương nhiên sống khiết tịnh; một người tín hữu do phép rửa cũng được tận hiến cho Chúa, và qua bí tích Hôn Phối, họ được tận hiến cho Chúa một cách đặc biệt hơn. Do đó, họ cũng cam kết sống khiết tịnh trong bậc vợ chồng.
Qua bí tích Hôn Phối, người tín hữu cam kết sống tính dục của mình theo tinh thần Phúc Âm và sống tính dục theo tinh thần Phúc Âm là gì nếu không phải sử dụng nó như ngôn ngữ của tình yêu. Tính dục không có tình yêu là tính dục của thú vật. Tình yêu vợ chồng mà không có tính dục cũng không là tình yêu đúng nghĩa. Tính dục được sử dụng như ngôn ngữ để diễn tả tình yêu vợ chồng là tính dục đã được hiểu và sử dụng đúng với chức năng của nó. Mà nói đến tình yêu là nói đến phục vụ, phục vụ cho nhau, phục vụ cho hạnh phúc của nhau, phục vụ cho sự sống mà Thiên Chúa ban tặng qua hành động tính dục.
Trong số 35 của Tông Huấn về đời sống gia đình, Đức Gioan Phaolô II đã định nghĩa sự khiết tịnh như sau: “Theo cái nhìn của Kitô giáo, khiết tịnh không có nghĩa là từ chối hoặc khinh chê tính dục của con người. Đúng hơn, khiết tịnh là một năng lực thiêng liêng bảo vệ tình yêu khỏi những nguy cơ của ích kỷ và gây hấn, đồng thời cổ võ cho tình yêu ấy tiến tới sự viên mãn”.
4. Khiết tịnh như được quan niệm trên đây sẽ bảo vệ hôn nhân khỏi hai cực đoan: hoặc là xem tính dục như một bản năng hoàn toàn xấu xa đê hèn, hoặc là tách biệt tình yêu ra khỏi tính dục. Trong cả hai trường hợp, khiết tịnh đều bị vi phạm một cách trầm trọng.
Quan niệm tính dục như một bản năng xấu xa đê hèn và khước từ sinh hoạt tính dục như cách diễn tả và củng cố tình yêu vợ chồng là đi ngược mục đích của hôn nhân; do đó, lỗi đức khiết tịnh trong đời sống vợ chồng. Ngược lại, tách biệt tính dục ra khỏi tình yêu lại càng là một hành động nghịch với đức khiết tịnh trong bậc vợ chồng hơn nữa.
Nói cách cụ thể, khi một hành động tính dục bị áp đặt cho người phối ngẫu mà không quan tâm đến tình trạng sức khoẻ, điều kiện sống trong gia đình chẳng hạn, thì đó là một hành động nghịch với đức khiết tịnh; khi người ta cố tình ngăn cản tiến trình tự nhiên của hành động tính dục bằng các phương pháp ngừa thai nhân tạo, đó cũng là một hành động nghịch với đức khiết tịnh trong bậc hôn nhân.
Nói tóm lại, đức khiết tịnh trong bậc hôn nhân được gọi là một nhân đức bởi nó là cuộc chiến thắng của tình yêu trên ích kỷ. Ơn gọi chung của con người là sống yêu thương. Ơn gọi của những người sống bậc vợ chồng lại càng là một ơn gọi của tình yêu hơn nữa. Mà sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa. Do đó, khi tính dục được xử dụng một cách đúng đắn, nghĩa là trở thành ngôn ngữ của tình yêu, đó là lúc đôi vợ chồng được kết hiệp với Chúa.
Sống khiết tịnh trong bậc sống vợ chồng xét cho cùng chính là sử dụng tính dục để diễn đạt tình yêu lứa đôi, một tình yêu quảng đại hy sinh, một tình yêu hướng mở đến sự sống và phục vụ sự sống.
1. Trong số 25 của Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng khi bàn về phẩm giá cao cả của bậc hôn nhân, Công Đồng Vaticanô II đã quả quyết rằng, cần phải có nhân đức anh hùng mới có thể chu toàn được những nghĩa vụ của đời sống vợ chồng trong gia đình.
Các vị thánh được gọi là những bậc anh hùng trong đức tin, anh hùng vì hy sinh mạng sống mình để làm chứng cho đức tin; nhưng cũng anh hùng không kém khi làm chứng cho đức tin bằng cuộc sống âm thầm hy sinh từng ngày. Dĩ nhiên, không phải chỉ có những tu sĩ mới có thể sống được cuộc sống anh hùng như thế, những người sống bậc vợ chồng nếu không có một sự kiên nhẫn đến độ anh hùng thì không thể nào chu toàn được ơn gọi và đứng vững trước những thử thách trong cuộc sống chung.
Đời sống cộng đoàn trong dòng tu đòi buộc các tu sĩ phải giữ ba lời khấn là khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục; đời sống tu trì là một thể hiện cao độ của đức ái. Cả ba lời khấn ấy đều nhằm giúp cho các tu sĩ xây dựng cộng đồng yêu thương và như thế trở thành nhân chứng cho tình yêu của Chúa.
Đời sống hôn nhân và gia đình, như Công Đồng Vaticanô II đã định nghĩa trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, thiết yếu là một cộng đồng tình yêu. Do đó, cũng giống như trong tất cả cộng đồng tu trì nào khác, ba lời khấn cũng cần thiết để xây dựng tình yêu trong gia đình. Tình yêu mà đôi tân hôn trao cho nhau trong bí tích Hôn Phối cũng chính là một hình thức khấn hứa. Hai người hứa giữ khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục đối với nhau.
2. Chúng ta đã bàn đến nhân đức khiết tịnh trong bậc vợ chồng. Giờ đây, chúng tôi xin nói đến đức khó nghèo mà hai vợ chồng Kitô hữu được mời gọi vun trồng để xây dựng cộng đồng tình yêu trong gia đình.
Quyền sở hữu là quyền gắn liền với quyền được sử dụng của cải. Tuy nhiên, quyền sở hữu không phải là một quyền tuyệt đối vì bên cạnh đó, vẫn có những giá trị cao hơn như tình yêu, lòng bác ái; vì thế, con người có thể từ bỏ một phần hoặc hy sinh hoàn toàn. Một trong những nguy cơ lớn nhất mà quyền sở hữu thường đặt con người vào là sự ích kỷ. Bản năng chiếm hữu dễ khiến con người thể hiện quyền làm chủ của mình bằng những phát biểu như: “Cái này là của tôi, tất cả những cái này là của tôi, tôi sử dụng tuỳ ý tôi”, v.v.. Đàng sau những phát biểu như thế có thể ẩn tàng cả một thái độ ích kỷ khước từ Thiên Chúa và chối bỏ tha nhân.
Nhân đức khó nghèo mà những người sống đời tận hiến khấn giữ không hẳn chỉ có nghĩa là khước từ quyền sở hữu hoặc sống một cuộc sống khắc khổ, nhưng chính là chia sẻ cho nhau. Nhân đức khó nghèo sẽ trở thành vô nghĩa nếu nó không nhắm đến đức ái. Tự nó, sự khó nghèo không bao giờ là một nhân đức. Người ta có thể là một con người tham lam ích kỷ ngay cả trong thân phận ngửa tay ăn xin. Khó nghèo chỉ có thể là một nhân đức khi của cải vật chất không được tôn thờ như một cứu cánh và khi con người biết sống chia sẻ cho nhau.
Trong ý nghĩa đó, chúng ta hiểu được lời chúc phúc của Chúa Giêsu: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”. Khi con người biết ra khỏi chính mình để chia sẻ cho tha nhân, đó là lúc họ đang sống tinh thần khó nghèo.
3. Hơn bất cứ nơi nào, cộng đồng tình yêu do hôn nhân thiết lập càng đòi hỏi con người sống nhân đức khó nghèo hơn.
Thời Giáo Hội tiên khởi, khi nhìn vào cuộc sống cộng đồng tín hữu, những người chung quanh phải thốt lên: “Hãy nhìn kìa, họ yêu thương nhau là dường nào!”. Thật thế, người ta ngưỡng mộ các tín hữu sơ khai vì mỗi người bán tất cả tài sản của mình và góp chung lại với nhau. Đức ái đã được thể hiện cao độ bằng sự để chung của cải và chia sẻ cho nhau. Nếu có một xã hội Cộng sản thật sự thì cộng đồng các tín hữu tiên khởi chính là xã hội ấy. Nhưng một xã hội Cộng sản như thế chỉ có thể hiện hữu được vì xây dựng trên tình thương.
Hôn nhân và gia đình là một xã hội mẫu mực và cơ bản của con người. Không có sự chia sẻ đặt nền móng trên tình yêu thương, xã hội ấy không thể đứng vững được. Khi hai người phối ngẫu nên một với nhau họ nên giống cộng đồng tín hữu tiên khởi. Họ sẽ để chung của cải, sẽ không còn những phát biểu như: “Cái này là của tôi, tôi muốn sử dụng như thế nào tuỳ ý tôi”. Mà chỉ còn chung một ý muốn: “Cái này là của chúng ta, chúng ta quyết định chung với nhau”.
Người ta diễn tả sự để chung, hay đúng hơn, nhân đức khó nghèo ấy bằng kiểu nói “của chồng công vợ”. Người chồng có đầu tắt mặt tối để làm ra tiền của, tiền của ấy cũng không còn là của riêng mình nữa mà là của chung cho cả hai người. Người vợ có buôn bán tảo tần để kiếm ra tiền của, tiền của ấy cũng là của chung cho cả hai người.
4. Nhân đức nào cũng bao hàm sự hy sinh. Tự nó, việc để chung của cải chưa hẳn đã là một nhân đức. Chỉ có nhân đức khi con người biết ra khỏi chính mình, lấy ý muốn của người khác làm của mình. Như vậy, của cải vật chất đã được đặt đúng chỗ của nó, nghĩa là một phương tiện để giúp con người đạt được giá trị cao cả hơn trong cuộc sống. Đó là tình yêu và sự thông hiệp trong vợ chồng.
Nhưng tình yêu và sự thông hiệp ấy không chỉ đóng khung trong quan hệ vợ chồng mà còn được trải dài tới con cái trong gia đình. Khi con cái đã đến tuổi có thể hiểu được giá trị của vật chất của cải thì cha mẹ cũng nên cho chúng dự phần vào việc chia sẻ. Điều này sẽ giúp con cái biết chia sẻ và có tinh thần trách nhiệm chung trong gia đình.
Ngoài ra, sự chia sẻ của cải trong gia đình cũng không được đóng khung giữa vợ chồng và con cái. Tinh thần nghèo khó và chia sẻ đích thực cũng sẽ thôi thúc con người ra khỏi ranh giới của gia đình để hướng đến những người chung quanh, nhất là những người nghèo khổ túng thiếu. Hôn nhân và gia đình là một xã hội mẫu mực. Điều đó có nghĩa là tình yêu thương, sự san sẻ trước tiên phải thực hiện trong gia đình để rồi từ đó trào tràn ra cho cả những người chung quanh.
Việc sử dụng của cải là một chất nổ tiềm tàng trong xã hội. Bao nhiêu bất công và tệ trạng xã hội đều bắt nguồn từ lòng tham không đáy và tính ích kỷ của con người. Trong một quy mô nhỏ hơn, việc quản lý của cải trong gia đình cũng là đá thử vàng của tình nghĩa vợ chồng và tình yêu trong gia đình. Biết bao gia đình tan vỡ, biết bao xáo trộn trong gia đình, tất cả ấy đều phát xuất từ sự ích kỷ của con người.
Nhờ đức tin soi dẫn, người tín hữu Kitô sống bậc vợ chồng và đời sống gia đình sẽ thấy được giá trị chóng qua của tiền bạc, của cải trần thế. Họ nên thánh bằng cách thực thi nhân đức khó nghèo qua việc chia sẻ yêu thương giữa mọi thành phần trong gia đình cũng như với mọi người chung quanh.
1. Người Ấn Độ thường kể về việc Thiên Chúa tạo dựng con người có nam và có nữ như sau:
Khi đã dựng nên người nam, Thiên Chúa sực nhớ, Ngài đã sử dụng hết những chất liệu cứng. Sau một hồi suy nghĩ, Ngài mới lấy vòng tròn của mặt trăng, vẻ mảnh khảnh của hoa cỏ, tính thay đổi của gió, sự lãng đãng của mây trời, sự nhút nhát của loài thỏ, nét hung dữ của hổ trên rừng, tiếng chim hót du dương, sự chung thuỷ của một con sư tử mẹ. Gom tất cả những yếu tố ấy lại, Thiên Chúa đã dựng nên người đàn bà và trao ban cho người đàn ông.
Chỉ sau một tuần lễ, người đàn ông trở lại với Đấng Tạo Hóa và thưa với Ngài: “Lạy Chúa, người đàn bà mà Chúa đã ban tặng cho con không mang lại cho con một mảy may hạnh phúc. Nàng nói huyên thuyên và hành hạ con đủ điều. Nàng đòi buộc con phải chú ý đến nàng từng giây từng phút. Một việc không ra gì cũng đủ cho nàng than vãn. Con xin trả nàng lại cho Chúa, bởi vì con không thể sống với nàng”.
Thiên Chúa gật đầu đón tiếp người đàn bà. Nhưng cũng chỉ một tuần lễ sau, người đàn ông đã trở lại than với Chúa: “Lạy Chúa, cuộc sống của con trở thành vô vị và trống rỗng kể từ khi con mang người đàn bà trả lại cho Chúa. Lúc nào con cũng nghĩ về nàng. Lúc nào con cũng nhớ lại những lúc nàng nhảy múa ca hát. Nhất là con khôngthể quên được ánh mắt nàng nhìn con. Và nụ cười của nàng thì lúc nào cũng vang vọng trong trái tim con. Xin cho con được đón nhận nàng lại”.
Thiên Chúa lại trao trả người đàn bà cho người đàn ông. Nhưng không đầy ba ngày sau người đàn ông lại dẫn người đàn bà đến trước mặt Chúa và cũng lập lại một điệp khúc: “Chúa ơi, con không biết làm sao để diễn tả tâm trạng của con. Nhưng sau những kinh nghiệm trải qua với người đàn bà này, con thấy rằng, nàng mang lại cho con nhiều đau khổ hơn là hạnh phúc. Một lần nữa con van Chúa, con xin trả nàng lại cho Chúa, bởi vì con không thể sống với nàng”.
Lúc bấy giờ Thiên Chúa mới phán bảo: “Ngươi không thể sống mà không có người đàn bà”. Nói thế rồi, Ngài bỏ mặc hai người đứng đó và tiếp tục công việc của mình. Người đàn ông chỉ còn biết thốt lên: “Tôi phải làm gì bây giờ? Tôi không thể sống với nàng, nhưng tôi cũng không thể sống thiếu nàng”.
2. Mượn câu chuyện dụ ngôn trên đây, chúng tôi muốn nêu bật điều mà Công Đồng Vaticanô II đã nói trong số 49 của Hiến Chế Vui mừng và Hy Vọng rằng, để có thể chu toàn trách nhiệm của đời sống hôn nhân và gia đình, người ta cần phải có những nhân đức anh hùng. Quả thực, nếu không có sự can đảm của bậc anh hùng, người ta không thể sống trọn ơn gọi của bậc vợ chồng. Chúng tôi đã nói đến hai nhân đức anh hùng trong bậc hôn nhân là khiết tịnh và khó nghèo; đến đây, chúng ta bàn đến nhân đức thứ ba là vâng phục.
Nếu có vâng phục thì chỉ có người vợ vâng phục chồng mà thôi, nếu không thì ông bà ta đâu có nói đến chuyện dạy vợ, giáo dục vợ? Thánh Phaolô chẳng nói rằng, chồng là đầu, là thủ lãnh của vợ đó sao? Vậy mà, nghĩ như thế là chối bỏ sự bình đẳng của vợ chồng và nghĩ như thế cũng có nghĩa là không lấy tình yêu thương làm dây ràng buộc giữa vợ chồng. Thật ra, sự vâng phục giữa vợ chồng mà chúng ta đang đề cập ở đây chính là sự phục vụ lẫn nhau.
Khi nói người chồng là thủ lãnh của vợ, thánh Phaolô cũng xác định rằng, tương quan ấy giống với tương quan giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Chúa Kitô làm đầu của Giáo Hội nhưng lại trao ban mạng sống mình vì Giáo Hội. Ở đây, phục vụ chính là danh hiệu mới mà thánh Phaolô muốn gán cho hai chữ vâng phục. Vâng phục là phục vụ. Thánh Phaolô đã nói về Chúa Giêsu: “Ngài đã vâng phục và đã vâng phục cho đến chết”. Thực tế, ý nghĩa sự vâng phục của Chúa Giêsu chính là phục vụ. Cái chết trên thập giá của Ngài là tột đỉnh của sự vâng phục và phục vụ. Chúa Giêsu chính là mẫu mực của sự vâng phục.
Qua bí tích Rửa Tội người tín hữu Kitô được nên một với Chúa Giêsu, họ đi lại con đường vâng phục của Ngài. Nhưng trong bí tích Hôn Phối, người tín hữu còn sống tinh thần vâng phục của Chúa Giêsu một cách đặc biệt hơn. Cộng đồng tình yêu được thiết lập qua bí tích Hôn Phối đòi hỏi hai người phối ngẫu phải thực thi sự vâng phục hơn bất cứ nơi nào. Trong quan hệ vợ chồng, không ai làm đầu hay làm bề trên, mỗi người đều là đầu của người khác. Bởi vì cả hai đã nên một trong thể xác và tinh thần.
Mỗi người là đầu của người khác, vợ là đầu của chồng, chồng là đầu của vợ. Vì thế, sẽ không còn chuyện chồng chúa vợ tôi hay phu xướng phụ tuỳ. Câu hỏi mà vợ chồng đặt ra không còn phải là: ai điều khiển hay ai làm chủ trong nhà, mà phải là: ai phục vụ ai và phải phục vụ như thế nào? Nói đến phục vụ là nói đến quên mình. Là Thầy và là Chúa, Đức Giêsu đã phục vụ như một người tôi tớ. Trong bí tích Hôn Phối, hai vợ chồng Kitô hữu cam kết làm chứng cho tình yêu và sự vâng phục của Chúa Giêsu bằng chính cuộc sống của họ. Nếu không có sự quên mình, nếu không có sự vâng phục và phục vụ nhau, làm sao họ có thể làm nhân chứng cho tình yêu của Ngài được?
I. TÂM LÝ VỢ CHỒNG TRẺ
II. LINH ĐẠO ĐỜI HÔN NHÂN