1. Có hai danh từ thường được dùng để nói đến sự tu luyện của tu sĩ đó là khổ chế và thần nghiệm. Khổ chế là những cố gắng tu luyện để thoát khỏi sự dữ.
Trong các ngôn ngữ Tây phương, khổ chế có nghĩa là đi lên. đông cũng như tây, những người xuất gia tu hành thường ví cuộc sống con người với cuộc leo núi. Và đó cũng là lý do tại sao những kẻ xuất gia thường tìm đến những nơi cô tịch, những ngọn núi cao để tu tỉnh. Leo lên núi cao là hình ảnh của hy sinh từ bỏ nhưng đồng thời cũng là niềm vui trong sự thoát tục. Thần nghiệm là kinh nghiệm của những tâm hồn đã khám phá ra Thiên Chúa trong mình và tiến về phía trước với niềm tin tưởng cậy trông, yêu mến.
Cho đến nay, hai danh từ chuyên môn này tức con đường khổ chế và thần nghiệm chỉ được dành riêng cho các tu sĩ và những người sống độc thân vì Nước Trời. Phải chăng chúng ta không thể áp dụng hai kiểu nói ấy cho bậc hôn nhân? Phải chăng những người sống bậc vợ chồng không thể đi trên con đường khổ chế và có được kinh nghiệm thần bí?
Tiếp tục bàn về con đường tu đức dành riêng cho các đôi vợ chồng, chúng tôi xin đóng góp một vài suy tư về con đường khổ chế và thần nghiệm trong bậc hôn nhân.
2. Ngày thành hôn trước mặt Giáo Hội, hai người nam nữ nên vợ chồng. Bí tích Hôn Phối đưa hai người lên đường, hé mở cho họ thấy sự thánh thiện mà tay trong tay họ cùng giúp nhau đạt tới. Cuộc lễ long trọng trong nhà thờ mới chỉ là khởi hành. Đức tin không là một cây đũa thần để họ làm phép lạ. Họ chỉ biết rằng, con đường trên đó họ cùng nắm tay tiến bước với Chúa Kitô là một con đường hẹp. Ngoài ra, con đường ấy cũng được trải đầy những thập giá mà họ phải vác lấy từng ngày.
Công Đồng Vaticanô II số 49 trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng không ngần ngại khẳng định: “Để có thể sống trọn ơn gọi hôn nhân, cần phải có những nhân đức phi thường”. Thật ra, không có cuộc sống nào là một cuộc sống dễ dãi. Không có con đường nào lại không có chông gai. Con đường mà hai vợ chồng dấn thân quả thực là con đường hẹp đòi hỏi nhiều chiến đấu và hy sinh. Cần phải có nhiều nhân đức anh hùng để có thể đi trọn con đường ấy.
Có 4 nhân đức cột trụ cần thiết cho đời sống vợ chồng là: khôn ngoan, công chính, can đảm và tiết độ. Khôn ngoan để hiểu biết, chọn lựa và áp dụng những phương thế thích hợp để đạt được mục đích; thiếu khôn ngoan người ta sẽ có những hành động và cư xử thiếu trách nhiệm đối với chính mình cũng như đối với người khác. Công chính để luôn tuân giữ luật Chúa, với tất cả thành tâm và yêu mến. Can đảm để đối đầu với nghịch cảnh và khổ đau trong cuộc sống. Và tiết độ để tự chế và dồn năng lực vào những bổn phận hằng ngày.
3. Một cuộc sống hôn nhân tốt đẹp không bao giờ là kết quả ngẫu nhiên, mà là thành quả của những chiến đấu hy sinh từng ngày. Nên một trong thể xác và tâm hồn không là một sự kiện có sẵn nhưng là một điểm đến của con đường phấn đấu hy sinh, hay nói đúng hơn, của những khổ chế từng ngày. Khi hai người đạt được sự nên một ấy, họ hưởng nếm chính tình yêu của Thiên Chúa.
Sự kết hợp thần nghiệm giữa tâm hồn con người và Thiên Chúa không chỉ là phần thưởng dành riêng cho những người sống đời tu trì nhưng còn là đòi hỏi đối với mọi tín hữu, kể cả người sống bậc vợ chồng. “Ở đâu có hai hoặc ba người họp lại vì Danh Ta thì có Ta ở giữa họ”. Lời này của Chúa Giêsu được áp dụng trước tiên cho cộng đồng gia đình. Chính khi hai vợ chồng nên một với nhau, họ sẽ cảm nhận sự hiện diện và tình yêu của Chúa Giêsu trong họ.
Nên một ở đây không chỉ là dừng lại ở sự kết hợp trong thể xác và tâm linh, không chỉ là sự thuỷ chung một vợ một chồng, nhưng còn là một cố gắng hoà hợp của cả hai người từ những dị biệt. Điều đó đòi hỏi hai người ra khỏi chính mình và đón nhận những khác biệt của người phối ngẫu. Vì thế, con đường nên một cũng là con đường hy sinh và từ bỏ. Chỉ có sự hy sinh và từ bỏ ấy mới làm cho hai người phối ngẫu nên một với nhau thật sự. Đó cũng chính là con đường mà Chúa Giêsu đã đi qua.
nên một với nhau giữa hai người phối ngẫu cũng chính là nên giống Chúa Giêsu. Con đường hy sinh và từ bỏ ấy sẽ làm cho họ nên một với Chúa, Đấng ở giữa họ, Đấng làm cho họ được nên một. Và như vậy, họ cảm nhận được sự hiện diện và tình yêu của Ngài.
4. Nên một với nhau giữa hai vợ chồng là chuẩn bị hành lý cho một cuộc đi xa. Mỗi người có chiếc vali riêng của mình. Nhưng trong cuộc đi xa cần phải thu xếp thế nào để hai chiếc vali chỉ còn lại một chiếc. Hai người phải bàn bạc để quyết định đem theo những gì và phải để lại những gì. Nếu mang theo những gì thừa thãi và vô ích, hành lý của họ chỉ thêm cồng kềnh và nên bất tiện cho cả hai người.
Nên một với nhau chính là biết cắt bỏ những cái riêng tư cồng kềnh để luôn quyết định chung với nhau trong mọi sự. Chỉ khi nào hai người biết gạt bỏ ý muốn riêng tư để có cùng một ý muốn chung, họ mới thực sự nên một. Dĩ nhiên, điều đó đòi hỏi đối thoại và nhất là từ bỏ không ngừng. Chúa Giêsu đã nên một với Chúa Cha vì Ngài luôn từ bỏ ý riêng của mình để thực thi ý muốn của Chúa Cha. Nên một đích thực trong đời sống vợ chồng Kitô hữu thật thiết yếu nhưng đồng thời cũng phải nên một trong việc thực thi thánh Chúa Cha.
Khi khác biệt không còn là ngăn trở cho sự nên một, khi tình yêu vợ chồng được thanh luyện nhờ những đau khổ trong cuộc sống mà trở nên phong phú nhờ việc luyện tập các nhân đức và đeo đuổi những giá trị vĩnh cửu, khi mỗi người nhìn vào người phối ngẫu của mình không phải vì người ấy làm đẹp lòng mình mà chính vì Chúa Giêsu đang hiện diện trong người ấy, những khi đó, trái tim hai người sẽ tràn ngập niềm tín thác vào Đấng Toàn Năng, ngôi nhà của họ sẽ trở thành cung thánh của tình yêu Thiên Chúa, cuộc sống lứa đôi của họ sẽ trở thành bí tích của tình yêu Ngài, và Thiên Chúa sẽ cư ngụ trong tâm hồn họ.
Sự hợp nhất của hai vợ chồng là mẫu mực, là điều kiện của tất cả các hợp nhất khác mà nhân loại hằng chờ mong. Nếu hợp nhất đích thực giữa hai người lẽ ra phải nên một trong thể xác và tinh thần không thể thực hiện được, làm sao có sự hợp nhất giữa những người khác?
1. Kinh Thánh viết rằng, sau khi ký giao ước với dân Israel để yêu cầu họ giữ các giới răn Ngài đã ban bố, Thiên Chúa truyền dạy: “các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh”.
Nhưng thế nào là nên thánh và phải nên thánh như thế nào? Phải đợi cho tới khi Chúa Kitô đến, người Do Thái mới tìm được câu trả lời. Bởi vì Chúa Kitô là Đấng Thánh. Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình. Chỉ trong Ngài, con người mới có thể thấy được sự thánh thiện của Thiên Chúa. Tuân giữ lời Ngài không những có thể nên thánh mà còn nên thánh cách trọn vẹn nhất.
Chúa Giêsu vừa là mẫu mực, vừa là thầy dạy nên thánh; đồng thời Ngài là năng lực giúp con người nên thánh. Như vậy, nên thánh chính là sống như Chúa Kitô, là tham dự vào sự thánh thiện của Ngài và thể hiện sự thánh thiện ấy trong cuộc sống hằng ngày. Đó là ba chiều kích thiết yếu của đời sống Kitô hữu.
Theo ngôn ngữ thần học rút từ Kinh Thánh, ba chiều kích ấy thường được gọi là ba chức vụ: tiên tri, tư tế và vương giả.
Đây phải là ba chiều kích của con người nên thánh trong bậc hôn nhân. Chúng tôi xin gợi lên một vài suy tư về ba chiều kích này trong đời sống vợ chồng Kitô hữu.
2. Vợ chồng Kitô hữu tham dự và thể hiện chức vụ tiên tri của Chúa Kitô như thế nào?
Trước hết, chúng ta nên ôn lại ý nghĩa đích thực của hai tiếng “tiên tri” khi nói về Chúa Kitô, về Giáo Hội của Ngài và về vai trò của người tín hữu Kitô.
Theo đúng nghĩa trong Kinh Thánh, tiên tri không có nghĩa là người hay nói về tương lai mà là người được Thiên Chúa linh ứng và được sai đi để nói nhân Danh Ngài. Tất cả các tiên tri trong Cựu Ước đều thi hành chức vụ của họ theo ý nghĩa ấy, họ luôn nói bằng cách mở lời long trọng như sau: “Đây Chúa phán..., Đây là lời của Thiên Chúa…”.
Các tiên tri trong Cựu Ước cũng biến cả cuộc sống của họ thành một sứ điệp mà Thiên Chúa ngỏ với toàn dân. Tiên tri Giêrêmia đã đeo gông trên cổ và đi khắp phố chợ để nói lên cảnh nô lệ toàn dân phải gánh chịu vì tội lỗi của họ. Tiên tri Ôsê còn táo bạo hơn khi ông đi cưới một cô gái điếm để trở thành lời tố cáo sự phản bội của dân.
Nói nhân danh Chúa, trở thành lời của Thiên Chúa là sứ mệnh đích thực của tiên tri.
Khi Ngài đến, Chúa Giêsu đã thi hành sứ vụ tiên tri một cách trọn hảo. Ngài đã dùng cả cuộc sống, lời rao giảng và nhất là cái chết của Ngài như một lời yêu thương Thiên Chúa ngỏ với dân Ngài. Lời của Ngài chính là lời của Thiên Chúa, cả cuộc sống của Ngài là thể hiện sự thánh thiện và tình yêu của Thiên Chúa.
Nhờ phép rửa, mỗi Kitô hữu được nên một với Chúa Kitô, do đó, họ cũng lãnh nhận sứ vụ tiên tri, nghĩa là trở thành lời của Thiên Chúa.
Một cách đặc biệt, do bí tích Hôn Phối, các đôi vợ chồng lại càng cam kết trở nên lời của Thiên Chúa. Hơn nữa, bằng tình yêu của mình, vợ chồng Kitô hữu trở thành lời cho con cái cũng như cho môi trường trong đó họ đang sống.
Nên thánh trong bậc hôn nhân chính là biến đổi cuộc sống vợ chồng thành lời của Thiên Chúa ngỏ với con người.
3. Là lời của Thiên Chúa nói với con người, các đôi vợ chồng Kitô hữu cũng một trật tham dự vào chức vụ tư tế của Chúa Kitô.
Theo định nghĩa trong các tôn giáo, tư tế là người lo việc tế tự, là người hiến dâng của lễ. Dĩ nhiên không phải mọi người đều có thể là tư tế. Trong tất cả mọi tôn giáo, tư tế là một thành phần được tuyển chọn theo một số tiêu chuẩn đặc biệt. Trong Do Thái giáo, chỉ có những nam nhân thuộc dòng tộc Lêvi mới được chọn làm tư tế. Được chọn như thế, nên chỉ các tư tế mới được coi là trung gian giữa thần linh và loài người hay giữa Thiên Chúa và dân Ngài.
Chúa Giêsu Kitô đã được Thiên Chúa xức dầu tấn phong làm tư tế cao cả và muôn đời. Ngài là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại. Chỉ có Ngài mới hiến dâng một của lễ đẹp lòng Thiên Chúa. Bởi vì của lễ ấy chính là sự sống, là bản thân Ngài. Ngày nay, chỉ có một của lễ được Thiên Chúa ưng nhận, đó là Chúa Giêsu Kitô. Qua các linh mục được tuyển chọn, Giáo Hội tiếp tục dâng lên Thiên Chúa của lễ duy nhất là chính Chúa Giêsu; nhưng là thành phần của Giáo Hội, tất cả mọi tín hữu đều hợp dâng của lễ ấy vì được tham dự vào điều mà Giáo Hội gọi là chức tư tế chung, tư tế cộng đồng. Một cách nào đó, hợp với các linh mục thừa tác, mọi tín hữu cùng dâng của lễ lên Thiên Chúa. Một cách nào đó, họ cũng là những tư tế.
Chính vì gia đình là một Giáo Hội nhỏ, một Giáo Hội thu hẹp, nên các thành phần của gia đình cũng là tư tế được mời gọi dâng lên Thiên Chúa của lễ đẹp lòng Ngài. Với tư cách là thành phần xây dựng nên gia đình, các người làm vợ làm chồng cũng xứng đáng được gọi là những tư tế.
4. cuối cùng, bằng cuộc sống yêu thương và bác ái của mình, các đôi vợ chồng tham dự vào chức vụ vương giả của Chúa Kitô.
Chúa Kitô được xức dầu tấn phong làm vua. Ngài đích thực là vua ngự trị trong các tâm hồn. nhưng Chúa Giêsu chỉ thể hiện tư cách vương giả ấy bằng hy sinh phục vụ mà thôi. Theo quan niệm thông thường, làm vua tức là cai trị; cai trị cũng hàm ý thống trị, sai khiến. Chúa Giêsu đã đảo lộn quan niệm ấy. trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ, Ngài đã làm công việc của một đầy tớ khi quỳ xuống rửa chân cho các ông.
Ngài nói, “các thủ lãnh và những người có quyền trên thế gian này thì sai khiến và bắt người khác hầu hạ. Với các con thì không như thế. Trong các con ai muốn làm lớn thì hãy hầu hạ người khác”. ngài đã nói về mình, “Con Người đến không phải để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ”.
Như vậy, theo ý nghĩa Kitô giáo, làm vua chính là phục vụ. Các đôi vợ chồng Kitô hữu tham dự vào chức vụ vương giả của Chúa Kitô theo nghĩa họ hiến thân phục vụ. Trước tiên là phục vụ con cái mà Thiên Chúa uỷ thác cho họ. Chính khi duy trì, kính trọng và nuôi dưỡng sự sống nơi con cái mà vợ chồng Kitô hữu tham dự vào chức vụ vương giả của Chúa Kitô. Ngoài ra, sự phục vụ nhau giữa hai vợ chồng và phục vụ những người khác cũng là thể hiện chức vụ vương giả ấy.
Nếu gia đình là tế bào nguyên thuỷ của xã hội thì chính từ gia đình mà tinh thần phục vụ được đào luyện trước tiên. Người xưa đã có lý khi nói: từ vua quan cho đến thứ dân, phải lấy sự tu thân làm nền tảng. Có tu thân mới tề gia được, có tề gia mới trị quốc được, có trị quốc mới bình thiên hạ được.
Người tín hữu là sự nối dài và hiện thực hóa của Chúa Kitô trên trần gian. Để kết thúc chúng ta hãy lắng nghe giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II trong số 38 Hiến Chế về Mầu nhiệm Giáo Hội.
“Trước mặt nhân loại, mỗi tín hữu phải là chứng nhân của sự phục sinh và sự sống của Chúa Giêsu, đồng thời là dấu hiệu của Thiên Chúa hằng sống. tất cả và mỗi người phải góp phần nuôi dưỡng thế giới bằng những hoa trái thiêng liêng và truyền bá trên thế gian tinh thần của những con người nghèo khó, hiền lành và hiếu hoà, những người được phúc âm tuyên bố là có phúc. Tóm lại, người Kitô hữu phải làm cho thế giới sống như linh hồn làm cho thân xác sống vậy”.
1. Nên thánh, hiểu một cách đơn sơ, có nghĩa là nên giống Chúa Giêsu. Thật thế, trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã phán bảo dân Do Thái: “Các ngươi hãy nên thánh vì Ta là Đấng Thánh”. Chính Chúa Giêsu cũng lặp lại mệnh lệnh đó với các môn đệ của Ngài: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành”. Mà bởi lẽ Chúa Giêsu là hình ảnh của Thiên Chúa, nên con người chỉ có thể thấy được sự thánh thiện của Thiên Chúa nơi Ngài mà thôi. Do đó, nên thánh là nên giống Chúa Giêsu, chính Ngài là đường, là sự thật và là sự sống. Nghĩa là chỉ nhờ Ngài, con người mới có thể đạt được cứu cánh của mình.
Nhưng như chúng ta vẫn thường nói: vô tri bất mộ, làm sao có thể yêu mến Chúa Giêsu và nên giống Ngài nếu chúng ta không biết Ngài. Do đó, để có thể nên thánh và nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, người tín hữu Kitô cần phải biết Ngài. Sự hiểu biết theo đúng nghĩa chính là kết hợp mật thiết với Ngài.
Chúa Giêsu không chỉ là một nhân vật lịch sử hay chỉ là một lý tưởng để người tín hữu tìm hiểu và mô phỏng theo, Ngài còn là một con người đang sống giữa chúng ta. Nói như thánh Phaolô, hôm qua, hôm nay, và mãi mãi về sau Ngài vẫn là một. Ngài đã từng sống và chia sẻ cuộc sống với những người Do Thái cách đây hơn hai ngàn năm, và giờ này vẫn đang tiếp tục sống giữa chúng ta và trong chúng ta.
Do đó, biết Chúa Giêsu thiết yếu là sống kết hợp với Ngài bằng lời cầu nguyện, bằng tham dự các bí tích, bằng cuộc sống quảng đại, hy sinh, quên mình.
Nhưng để sự kết hợp ấy được xây dựng trên một nền tảng vững chắc, một sự hiểu biết về thân thế, cuộc đời của Ngài là một điều tuyệt đối cần thiết. Chúng ta chỉ có thể múc lấy sự hiểu biết ấy từ Kinh Thánh mà thôi.
Tại sao đọc Kinh Thánh trong gia đình và phải đọc Kinh Thánh trong gia đình như thế nào? Chúng tôi xin ôn lại đây vài nguyên tắc nền tảng của việc đọc Kinh Thánh trong gia đình.
2. Trong thánh lễ, sau một bài đọc trích từ Kinh Thánh, nhất là sau bài Tin Mừng, linh mục hay người đọc sách xướng lên: Đó là lời Chúa, và cộng đoàn đồng thanh tung hô Chúa. Với lời tung hô này Giáo Hội muốn nhắn nhủ chúng ta rằng, Kinh Thánh chính là Lời Chúa. Mỗi khi chúng ta đọc hay nghe đọc Kinh Thánh, chúng ta nghe chính Thiên Chúa đang phán dạy.
Qua toàn bộ Kinh Thánh, Thiên Chúa mặc khải những chân lý cứu rỗi cho con người. Nói cách khác, qua Kinh Thánh, Thiên Chúa tự biểu lộ và thông ban chính mình cho con người. Với một đường lối khôn ngoan và một khoa sư phạm có tính tiệm tiến, từng bước, từng bước một Thiên Chúa đã kiên nhẫn tự bộc bạch chính mình cho con người. Cựu Ước hay lịch sử dân Do Thái chính là lời tỏ tình của Thiên Chúa.
Qua dòng lịch sử này, chúng ta thấy Thiên Chúa đến với con người, mời gọi, nài nỉ con người hầu kết thân với con người. Nhưng phải đợi cho tới Chúa Giêsu, khi thời gian đã tròn đầy, Thiên Chúa mới bày tỏ trọn vẹn bí mật của Ngài. Trong Chúa Giêsu, con người thấy được Đấng vô hình; trong Chúa Giêsu, con người thấy được trọn vẹn chân lý về Thiên Chúa.
Thế nhưng, Chúa Giêsu không chỉ là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, vì là con người, Ngài cũng chính là mặc khải về bí ẩn của con người. Thực tế, con người vốn là một bí ẩn đối với chính mình. Con người có thể múc cạn mọi hiểu biết về vũ trụ và thế giới quanh nó, nhưng mãi mãi nó vẫn là một bí ẩn đối với chính mình.
Con người bởi đâu mà ra? con người sẽ đi về đâu? Tự sức mình con người sẽ không bao giờ tìm được giải đáp thoả đáng cho những câu hỏi lớn ấy. Duy chỉ trong Chúa Giêsu con người mới tìm được giải đáp trọn vẹn. Chúa Giêsu, chính câu giải đáp cho bí ẩn của con người. Chỉ trong Ngài, con người mới biết được mình là ai, và sẽ đi về đâu.
Như vậy, Kinh Thánh là mặc khải của Thiên Chúa về mầu nhiệm của Ngài và cũng là một tỏ bày cho con người về bí ẩn của nó.
Qua suốt lịch sử của dân Do Thái trong Cựu Ước và qua Tân Ước, chúng ta tìm biết chân lý về con người vốn được sáng tỏ trong chính mầu nhiệm của Thiên Chúa.
3. Nhận thức được nội dung của Kinh Thánh như trên, chúng ta mới thấy rằng, đọc Kinh Thánh là đi tìm Thiên Chúa và tìm chính mình. Dung mạo Chúa Giêsu được các tiên tri loan báo trong Cựu Ước như được vẽ lại từng nét trong Tin Mừng cũng chính là lý tưởng sống của con người. Biết Chúa Giêsu, cũng là biết chính mình. Chỉ có một mẫu người duy nhất để khuôn rập theo, chỉ có một lý tưởng để đeo đuổi, chỉ có một con đường để sống xứng với phẩm giá con người, đó chính là Chúa Giêsu Kitô.
Thiên Chúa là tình yêu và Chúa Giêsu là hiện thân sống động của tình yêu ấy. cho nên, sống như Chúa Giêsu là sống yêu thương. cuộc sống yêu thương và hiến thân trọn vẹn của Chúa Giêsu là thể hiện hoàn hảo của ơn gọi làm người. Nên thánh trong bậc hôn nhân chính là sống tình yêu mà Chúa Giêsu đã thể hiện trong suốt cuộc đời Ngài. Đó cũng là nền tảng của đời sống hôn nhân và gia đình.
Con người không đi tìm và xây dựng một giá trị nào ngoài tình yêu. để có thể xây dựng tình yêu ấy, các đôi vợ chồng cần phải đi lại từng bước chân của Chúa Giêsu. Từng bước, từng bước Kinh Thánh tỏ bày cho họ dung mạo của Chúa Giêsu và cách thế Ngài thể hiện tình yêu.
Vì Kinh Thánh là lời ngỏ của Thiên Chúa nên người ta sẽ không đọc Kinh Thánh như đọc bất cứ một tác phẩm nào khác. lời của Thiên Chúa là lời hằng sống và bất diệt, nên mỗi khi ta đọc Kinh Thánh là lúc Thiên Chúa nói với chúng ta và đó cũng là lúc ta gặp gỡ Ngài. Do đó, đọc xong một đoạn Kinh Thánh, chúng ta phải dừng lại để tự hỏi Chúa muốn nói với ta điều gì qua đoạn Kinh Thánh đó? Với tư cách là vợ, là chồng, ta phải làm gì để phù hợp với lời của Chúa?
Chắc chắn, nếu thực sự lắng nghe tiếng Chúa trong Kinh Thánh, con người sẽ cảm nhận được những soi sáng cho đời sống mỗi ngày, nhất là trong quan hệ vợ chồng và đời sống gia đình.
4. Hai vợ chồng đọc Kinh Thánh với nhau, đó là cách đọc Kinh Thánh đặc biệt hữu ích. Khi tình yêu của hai người được củng cố bằng Lời Chúa, họ sẽ thắng vượt được mọi khó khăn trong gia đình. Ngoài ra, việc đọc Kinh Thánh trong gia đình, nhất là lúc cầu nguyện chung, sẽ là chất keo nối kết mọi người lại trong tình yêu Chúa và trong sự thông hiệp với nhau.
Nhờ thói quen nghe Lời Chúa, con cái sẽ hiểu biết Chúa Giêsu và tìm được những giá trị đích thực cho cuộc sống. kinh nghiệm cho thấy, khi hai vợ chồng đọc Kinh Thánh với nhau mỗi ngày, con đường canh tân cá nhân và gia đình sẽ mở ra cho họ. Đó không chỉ là bí quyết nên thánh mà còn là chìa khóa của hạnh phúc gia đình. Bởi vì lời Chúa không bao giờ xuống trong một gia đình mà không mang lại hoa trái hạnh phúc cho gia đình đó.
I. TÂM LÝ VỢ CHỒNG TRẺ
II. LINH ĐẠO ĐỜI HÔN NHÂN