1. Một cuộc sống thành công ở rất nhiều lãnh vực nhưng thất bại trong hôn nhân và gia đình hẳn không phải là một cuộc sống hạnh phúc. Không hẳn cứ là vị nguyên thủ quốc gia, một vị tướng lừng danh, một văn sĩ nổi tiếng hay một khoa học gia tài giỏi v.v.. là đương nhiên thành công trong đời sống gia đình. Người ta có thể học rộng biết nhiều, có thể là thành phần lãnh đạo trong xã hội, nhưng lại vẫn có thể là người chồng hay người vợ tồi. Quả thật, biết tất cả mọi sự, nhưng chưa biết yêu thì cuộc đời kể như hoang phí. Mọi tài năng và kiến thức chỉ là một thứ thùng rỗng nếu không có tình yêu đích thực làm linh hồn của cuộc sống.
Thánh Phaolô nói: “Giả như tôi được ơn nói tiên tri, giả như tôi được tất cả lòng tin khiến chuyển được núi đồi mà tôi lại không có lòng mến thì tôi vẫn là không”. Làm được những việc phi thường, biết được quá khứ vị lai, hoặc thực hiện những phép lạ trong thiên nhiên không phải là đặc điểm và độc quyền của Kitô giáo. Các tín đồ của nhiều tôn giáo khác đôi khi còn làm được những việc lạ lùng hơn. Nhưng nếu tất cả những việc phi thường ấy không được thực hiện vì tình yêu mà chỉ vì một mục đích nào khác như khoe khoang, lừa bịp, tư lợi v.v.. thì, như thánh Phaolô nói, tất cả chỉ là không.
2. Những người sống bậc vợ chồng có lẽ nên tự hỏi: tất cả những bôn ba của họ để gọi là xây dựng gia đình, tất cả những cố gắng ấy sẽ đưa họ tới đâu nếu họ không có lòng mến, nếu họ không có tình yêu đích thực? Có biết bao nhiêu gia đình sụp đổ ngay chính trên cơ nghiệp đồ sộ mà con người phải tốn bao nhiêu công sức để xây nên. Như Chúa Giêsu đã cảnh báo, chúng chỉ được xây trên cát chứ không phải trên nền móng vững chắc là tình yêu.
“Giả như tôi đem cả gia tài vốn liếng mà phát chẩn, giả như tôi nộp mình chịu thiêu đốt mà tôi lại không có lòng mến thì cũng hư không vô ích cho tôi”. Qua những lời này, hẳn thánh Phaolô muốn nói với chúng ta rằng, giá trị của một việc lành không tuỳ thuộc vào tầm mức hay sự thành công của việc ấy nhưng tuỳ thuộc vào tình yêu thúc đẩy công việc ấy.
Gương của bà góa nghèo được Chúa Giêsu đề cao trong Tin Mừng minh hoạ điều này. So với những người khác, bà góa ấy bỏ vào hòm một số tiền ít hơn, nhưng Chúa Giêsu bảo rằng, bà ta là người cho nhiều nhất. Bà ta cho nhiều nhất bởi vì bà ta cho với tất cả tình yêu của mình. Hy sinh mạng sống của mình chưa hẳn là hành động cao cả nếu hành động ấy không được thực hiện vì yêu thương. Dâng hết tài sản mình cho Giáo Hội, cho người nghèo chưa hẳn là hành động có giá trị nếu được thúc đẩy bởi một mục đích không phải là tình yêu. Chúa Giêsu đã lên án thái độ giả hình của những người biệt phái. Họ ăn chay cầu nguyện và bố thí, nhưng tất cả chỉ để cho người ta trông thấy mà thôi.
Ngày nay, không thiếu những người tín hữu có lối sống đạo như thế. Họ có thể là thành phần rất hăng say, tích cực trong giáo xứ nhưng họ chỉ hành động cốt cho người ta trông thấy, hoặc chỉ để tạo ảnh hưởng hơn là vì bác ái yêu thương. Cũng có những người hăng say hoạt động trong công tác xã hội và tôn giáo đến độ quên đi bổn phận của họ đối với gia đình đang khi gia đình là thước đo lòng đạo đức và tình yêu đích thực của con người. Không sống yêu thương, không xây dựng tình yêu thương trong gia đình thì cho dù có hăng say tích cực tới đâu trong xã hội và đoàn thể, sự hăng say đó cũng chỉ là một trốn thoát.
3. Thánh Phaolô đã giải thích thế nào là tình yêu đích thực: “Lòng mến thì khoan dung, nhân hậu, lòng mến không ghen tương, không ba hoa, không tự mãn, không khiếm nhã, không ích kỷ, không cáu kỉnh, không chấp nhất sự dữ, không mừng trước sự bất công nhưng biết chia vui cùng với lòng chân thật.Trong muôn sự, lòng mến hết lòng bao dung, hết lòng kính tin, hết lòng trông cậy”.
Những điều đó chúng ta chỉ có thể tìm thấy trong con người của Chúa Giêsu mà thôi, cuộc sống và nhất là cái chết của Ngài là một thể hiện của tình yêu đích thực. Một tình yêu như thế không phải là một điều tự phát dễ dàng. Sống trọn tình yêu ấy là cùng Ngài vác thập giá và lên đỉnh đồi Canvê. Đó chính là ý nghĩa và giá trị của sự hy sinh. Nên thánh trong bậc hôn nhân là sống trong từng sinh hoạt, từng khoảnh khắc trong đời sống lứa đôi và gia đình bằng tình yêu ấy.
1. Kitô giáo là đạo của tình yêu. Tất cả cuộc sống của Kitô hữu là một cố gắng không ngừng để sống đạo yêu thương ấy; nhưng yêu thương là cả một nghệ thuật đòi hỏi phải được hiểu biết và trao đổi từng ngày. Ai cũng nói đến hai chữ tình yêu nhưng liệu người ta có thực sự hiểu biết thế nào là tình yêu đích thực không?
Kitô giáo vừa là trường dạy yêu thương vừa là nơi thực tập yêu thương. Người tín hữu Kitô sẽ không ngạc nhiên khi nhận ra tầm quan trọng của việc giáo huấn và đào luyện trong Giáo Hội. Để có thể thực thi lòng mến, để biết yêu thương thực sự, họ phải trau dồi và học hỏi không ngừng.
Trong bài này chúng tôi xin bàn đến ba cột trụ của toà nhà tu đức mà dù sống trong bậc nào người tín hữu Kitô cũng đều phải xây dựng để có thể sống một cách sung mãn ơn gọi của mình. Ba cột trụ đó là: giáo lý, cầu nguyện và bác ái.
2. Cột trụ nền tảng của đời sống người tín hữu Kitô chính là giáo lý. Thiếu hiểu biết về giáo lý người ta dễ rơi vào sai lầm, từ đó, không sống bác ái một cách đúng đắn. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy, sự quá khích trong tôn giáo luôn phát xuất từ sự thiếu hiểu biết về tôn giáo của mình.
Tôn giáo nào lại không dạy về tình yêu thương, sự khoan dung, lòng tha thứ? Thế nhưng tại sao vẫn có những hành động quá khích và bạo động nơi tín đồ của một số tôn giáo? Nguyên nhân chính hẳn phải là sự thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết nông cạn hay hiểu biết sai lệch về giáo lý của tôn giáo. Chiến tranh tôn giáo phát xuất từ sự thiếu hiểu biết ấy. Đã có một thời các tín hữu Kitô của nhiều nước tự cho là Kitô giáo đã tỏ ra bất khoan dung với những người không đồng tín ngưỡng với mình. Người ta giương cao ngọn cờ của Kitô giáo để tiêu diệt kẻ thù, người ta tưởng làm như thế là đẹp lòng Thiên Chúa.
Từ ngàn xưa, Giáo Hội vẫn xem giáo lý là cột trụ của đời sống đạo. Giáo Hội không ngừng tìm hiểu về mầu nhiệm của chính mình, cố gắng sống và trình bày mầu nhiệm ấy cho thế giới. Cố gắng tìm hiểu ấy cũng luôn đi kèm với thiện chí thanh tẩy của Giáo Hội. Giáo Hội luôn muốn sống và trình bày một khuôn mặt phù hợp với ý muốn của Đấng sáng lập là chính Chúa Kitô. Là thân thể của Đấng đã yêu thương và trao nộp chính mạng sống vì mình, Giáo Hội cố gắng trình bày khuôn mặt của tình yêu Ngài.
Như vậy, mục đích của giáo lý là giúp khám phá tình yêu của Thiên Chúa và đáp trả lại tình yêu ấy một cách đúng đắn. Giáo lý chính là lý thuyết của nghệ thuật yêu thương. Người ta không thể trau dồi một nghệ thuật nếu không nắm vững những nguyên tắc của nghệ thuật ấy. Chúng ta có thể so sánh giáo lý với một ngọn đèn soi chiếu trong nhà để tìm kiếm một đồ vật trong nơi tăm tối. Việc đầu tiên là phải thắp lên một ngọn đèn, chỉ trong ánh sáng người ta mới có thể thấy rõ và biết mình phải làm gì.
3. Cột trụ thứ hai trong toà nhà tu đức của người tín hữu Kitô là sự cầu nguyện. Không có giáo lý, người ta dễ rơi vào lầm lạc, không có giáo lý người ta sẽ không biết đâu là ơn gọi của mình; đúng hơn, thiếu hiểu biết về giáo lý, người tín hữu Kitô sẽ không biết được thế nào là tình yêu đích thực. Tuy nhiên, như người ta vẫn thường nói, từ hiểu biết đến hành động là cả một vực thẳm.
Hiểu biết giáo lý không đương nhiên đã trở thành một người thánh thiện. Một nhà thần học lỗi lạc không hẳn là một thánh nhân. Một người quê mùa dốt nát vẫn có thể là một người có tâm hồn đạo đức hơn một kẻ học rộng hiểu nhiều. Có sự cách biệt giữa biết và sống là bởi vì đức tin thiết yếu là một ân huệ nhưng không của Chúa. Không phải do miệt mài tìm kiếm mà con người đương nhiên có được đức tin. Nói như triết gia Pascal, “Bạn muốn có đức tin? Hãy quỳ gối!”. Đó là thái độ cơ bản nhất của người tín hữu.
Cầu nguyện trước hết là nói lên sự nghèo hèn, trơ trụi, bất lực của con người. Không có sự bang trợ của Chúa, như Chúa Giêsu vẫn thường nhắc nhở cho các môn đệ của Ngài, con người không thể làm gì được, nghĩa là không thể sống và yêu thương đúng với ơn gọi của mình. Và ngay cả việc cầu nguyện, con người cũng hoàn toàn bất lực. Chúng ta thấy được sự bất lực ấy của con người qua tấm gương của các tông đồ. Sống bên Chúa Giêsu, theo dõi cách cầu nguyện của Ngài, nhưng cuối cùng các tông đồ cũng đành thú nhận rằng, họ chưa biết cầu nguyện: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”.
Đáp lại nguyện vọng của các ông, thay vì trình bày một phương pháp cầu nguyện, Chúa Giêsu đã dạy các ông kinh Lạy Cha, kinh Lạy Cha chính là lời cầu nguyện của riêng Chúa Giêsu, đó là tâm tình trong từng phút giây của Ngài. Qua lời kinh này, Chúa Giêsu không dạy một công thức hay một phương pháp, Ngài mời gọi các môn đệ đi vào tâm tình của Ngài. Đó là tâm tình của một người con luôn sống kết hiệp và phó thác nơi Chúa Cha. Đó là hai tiếng “xin vâng” mà Chúa Giêsu luôn nói lên với Chúa Cha.
Như vậy cầu nguyện chính là đi vào tâm tình của Chúa Giêsu, là sống kết hiệp với Ngài, là để cho Ngài sống và hoạt động qua từng tâm tư, suy nghĩ và hành động của ta.
4. Xét cho cùng, cầu nguyện là cố gắng mô phỏng lại cuộc sống của Chúa Giêsu. Đó là cuộc sống của một con người luôn kết hiệp với Chúa Cha và sống trọn cho tha nhân. Như vậy, khi van xin Ngài dạy cho biết cầu nguyện, chúng ta xin Ngài cho chúng ta biết sống và biết yêu như Ngài. Dĩ nhiên, có những giây phút ưu việt dành cho việc cầu nguyện, có những công thức có sẵn giúp chúng ta cầu nguyện cho đúng cách, nhưng lời cầu nguyện đúng đắn nhất vẫn là cố gắng đi vào tâm tình của Chúa Giêsu, sống bằng chính sức sống của Ngài, yêu thương bằng chính tình yêu của Ngài.
Có những cử hành phụng vụ của Giáo Hội, có những giây phút cầu nguyện riêng tư hoặc họp nhau trong gia đình, có những lời kinh dọn sẵn; nhưng thiết tưởng không có lời cầu nguyện nào xứng hợp hơn là cả cuộc sống được kết hiệp với Chúa Giêsu qua những hành động bác ái, hy sinh, quên mình. Đó là những lời cầu nguyện đẹp lòng Thiên Chúa nhất. Đó là những lời cầu nguyện theo đúng thể thức của Chúa Kitô.
Kitô giáo thiết yếu không phải là một ý thức hệ được nhồi nhét vào tâm trí của người tín hữu, Kitô giáo cũng không phải là một hệ thống luân lý gồm có những giới răn để tuân giữ, nhưng Kitô giáo thiết yếu là một con người. Con người đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng đang sống và hoạt động trong lịch sử nhân loại và từng người. Biết Ngài, yêu mến Ngài, sống cho Ngài và vì Ngài chính là ơn gọi của người tín hữu Kitô; đó cũng là bí quyết hạnh phúc gia đình của mỗi Kitô hữu. Bởi vì chỉ nhờ Ngài, trong Ngài và với Ngài con người mới thực sự biết yêu thương.
1. Nên thánh trong bậc vợ chồng trước tiên có nghĩa là sống một cách sung mãn ơn gọi làm vợ, làm chồng. Nói đến ơn gọi làm vợ, làm chồng tức là nói đến mối quan hệ giữa hai người nam nữ để nên thánh và giúp nhau nên thánh trong bậc vợ chồng.
Hai người phối ngẫu cần phải hiểu rõ và xây dựng mối quan hệ nam nữ ấy dựa trên ánh sáng của Lời Chúa. Đó là điều chúng tôi xin trình bày sau đây.
Mặc khải của Chúa về mối quan hệ nam nữ vượt lên trên quan niệm truyền thống cũng như những đòi hỏi của xã hội hiện đại.
Theo quan niệm truyền thống trong bất cứ xã hội và văn hóa nào, người đàn ông vẫn luôn được xem là chủ của gia đình; xã hội ngày nay vẫn còn bám chặt vào truyền thống ấy. Nhiều người vẫn còn ứng xử theo phương châm chồng chúa vợ tôi, phu xướng phụ tuỳ, hoặc là “dạy vợ từ lúc ban sơ mới về”. Hiện nay, với sự lớn mạnh của phong trào nữ quyền, người đàn bà được coi là bình đẳng với người đàn ông trong tất cả mọi lãnh vực, ngay cả trong nội bộ của Giáo Hội. Sự bình đẳng giữa nam nữ cũng được hiểu như là một phủ nhận những khác biệt về chức năng giữa hai phái. Chính vì phủ nhận sự khác biệt về chức năng đó mà nhiều người tranh đấu cho phụ nữ được làm linh mục.
Quan niệm của Kitô giáo dựa trên mạc khải về mối quan hệ giữa nam nữ hoàn toàn vượt lên trên nhãn giới trên đây. Chúng ta có thể nói quan niệm ấy được tóm gọn trong lời của thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô đoạn 5, 21 như sau: “Anh em hãy phục tùng nhau trong niềm kính sợ Chúa”.
2. Qua câu nói trên, chúng ta thấy trong quan hệ vợ chồng, vấn đề đặt ra không phải ai là người chủ, ai là người cầm đầu, mà chỉ còn là phải phục vụ nhau, giúp đỡ nhau, hy sinh cho nhau, trao ban cho nhau mà thôi.
“Trong niềm kính sợ Chúa” có nghĩa là tìm kiếm những gì là phải đạo và đúng đắn theo thánh ý Chúa. Bởi vì chỉ trong ý muốn của Chúa con người mới có thể phục vụ tha nhân một cách đúng đắn. Nói đến niềm kính sợ Chúa, thánh Phaolô chỉ có ý nói rằng, tinh thần đích thực của sự phục tùng nhau giữa vợ chồng không phải là sợ hãi hay nô lệ hay bất cứ một tính toán nào khác nhưng là tự nguyện và yêu thương. Ai phục vụ vì sợ hãi người đó là nô lệ. Ai phục vụ vì yêu thương người đó sẽ lớn lên trong nhân cách.
Không có tình yêu thương vô vị lợi thì phục vụ chỉ là một thứ ích kỷ trá hình. Yêu thực sự là yêu như Chúa Giêsu yêu. Cũng chính thánh Phaolô đã giải thích: “Chúa Giêsu là Đấng đã trao ban chính mình cho Giáo Hội để làm cho Giáo Hội nên thánh thiện, để thanh tẩy Giáo Hội, nhờ đó Giáo Hội trở nên không tỳ vết. Những người chồng cũng phải yêu thương vợ mình như thế”.
3. Một cách cụ thể khi một người chồng phục tùng vợ trong niềm kính sợ Chúa, thì điều đó không có nghĩa là người đó trở thành một người đàn ông nhu nhược hay một người đàn ông bị chế giễu như một người sợ vợ. Thái độ đó chỉ đồng nghĩa với phục vụ yêu thương quên mình mà thôi. Đó là cái nhìn mới mẻ của Tân Ước về mối quan hệ nam nữ.
Thực ra, khi nói đến sự phục tùng nhau giữa hai vợ chồng, Tân Ước không hề chối bỏ vai trò làm chủ của người chồng mà bất cứ xã hội nào cũng công nhận. Đối với các tín hữu Kitô, vấn đề không là chối bỏ vai trò làm chủ gia đình của người chồng mà chính là giải thích vai trò ấy theo tinh thần của Tin Mừng.
Như vậy, theo tinh thần của Tin Mừng thì thế nào là làm chủ trong gia đình? Thưa, chính là cư xử với vợ như Chúa Giêsu đối với Giáo Hội của Ngài, nghĩa là yêu thương và trao ban chính mình. Chúa Giêsu đã yêu thương Giáo Hội đến độ hy sinh chính mạng sống của Ngài. Ngài thể hiện quyền làm chủ trên Giáo Hội không bằng quyền bính mà chỉ bằng sự phục vụ. Ngài đã từng nói với các môn đệ: “Ai muốn làm lớn trong các con, người đó hãy trở nên người rốt hết”.
Trong quan hệ vợ chồng cũng thế, vai trò làm chủ của người chồng trong gia đình không có nghĩa là sai khiến, ra lệnh, mà chính là phục vụ trong yêu thương và quên mình.
Ngày nay, thay cho quan niệm truyền thống về vai trò làm chủ gia đình của người chồng, nhiều người đề cao sự bình đẳng trong quan hệ vợ chồng. Theo tinh thần Tin Mừng, phải hiểu sự bình đẳng ấy như thế nào? Nguyên tắc mà thánh Phaolô đưa ra vẫn còn giá trị: “Anh em hãy phục tùng nhau trong niềm kính sợ Chúa”. Ngày nay, có thể thánh nhân sẽ viết lại như sau: “Bình đẳng. Đồng ý, nhưng bình đẳng trong việc phục vụ hỗ tương, chứ không trong quyền bính”.
Nếu cả hai người đều muốn làm chủ một lúc hoặc tranh nhau xem ai làm chủ trong gia đình, thì chắc chắn họ sẽ luôn ở trong tình trạng xung đột. Nói tóm lại, theo tinh thần của Tin Mừng, quan hệ vợ chồng thiết yếu là một quan hệ của tình thương, phục vụ hỗ tương và quên mình. Nên thánh trong bậc vợ chồng chính là xây dựng mối quan hệ ấy theo tinh thần Tin Mừng mà thánh Phaolô đã đề ra.
I. TÂM LÝ VỢ CHỒNG TRẺ
II. LINH ĐẠO ĐỜI HÔN NHÂN