Trong trường hợp hiện tại, chúng ta sẽ nghĩ gì về câu: ‘Xem quả thì biết cây’?
Có phải các chứng cớ của rất nhiều kết quả tốt đẹp thì đủ để giải quyết thắc mắc này một lần là đủ và bảo đảm cho tính cách xác thực của sự dẫn giải tinh thần này?
Trong chương 2 chúng ta đã thấy nhiều người được trải qua cảm nghiệm ‘nghỉ yên trong Thần Khí’, họ khẳng định rằng nó đem cho họ những cảm tưởng bất ngờ về bình an nội tâm, niềm vui, buông bỏ cho Chúa, chữa lành tinh thần và thể xác, hoặc cảm tưởng về sự giao tiếp khác thường với Siêu Nhiên.
Như thế, chúng ta có phải kết luận thuận với nguyên tắc rằng ‘xem quả thì biết cây,’ và những tác dụng bổ ích được nhấn mạnh của các nhân chứng này thì tự nó là một chứng cớ rằng chúng ta đang đương đầu với một hành vi ngoại thường của Thần Khí?
Trước hết, tôi phải vạch ra rằng chúng ta không thể thắc mắc lời chứng chủ quan và sự thành tâm của các nhân chứng mà không khách quan nối kết ‘các tác dụng’ với điều mà họ chứng thực với trường hợp giả định này, mà trong trường hợp này, nó sẽ là một sự can thiệp khác thường của Thần Khí.
Về sự hợp lý, chúng ta phải đề phòng một kết luận mà nó vượt ra ngoài các tiền đề. Chúng ta không được nhảy ngay vào kết luận rằng bởi vì nguyên nhân và kết quả xảy ra cùng lúc, tất nhiên có quan hệ nhân quả giữa chúng (cum hoc, ergo propter hoc), như thể tác dụng cảm nghiệm được thì có ràng buộc bên trong với cử chỉ bề ngoài này nọ và là một kết quả của điều đó.
Chắc chắn rằng xem quả thì biết cây, nhưng chúng ta không được sai lầm trong việc nhận biết cái cây, hoặc lượng giá cái quả, hoặc thiết lập một quan hệ giữa chúng.
Có rất nhiều thí dụ về các quả thật tốt xuất phát từ một nguyên nhân mà, tối thiểu có thể nói, không chắc chắn hoặc ngay cả hoàn toàn bị hiểu sai. Tôi nhớ đến các thức tỉnh tôn giáo ngắn ngủi đã xảy ra đây đó trên toàn thế giới là kết quả của một số việc hiện ra mà sau đó được minh chứng là không xác thực. Và tôi cũng được nhắc nhở đến lời tuyên bố tận thế của Vincent Ferrier ở thế kỷ mười bốn, nó đem lại những kết quả hoán cải lạ lùng cho những người nghe.
Do đó chúng ta có thể chấp nhận các lời chứng đã nói ở trên trong khi thận trọng phán xét về quan hệ nhân quả có được giải thích chính xác hay không.
Để đánh giá kết quả của hiện tượng té ngã, chúng ta còn phải hết sức kỹ lưỡng nhìn đến chính chúng.
Thật vậy, một số có thể tuyệt hảo và số khác còn hồ nghi hay xấu; một số có thể ngay lập tức nhưng tàn lụi. Một số có thể được nhận biết ngay, trong khi số khác cần thêm thời gian để chín mùi, hoặc chậm xuất hiện, dù tốt hay xấu.
Có những kết quả có thể tốt và tích cực ở một mức độ, nhưng lại nguy hại ở các mức độ khác: thí dụ, qua âm vang của chúng trên nhóm hay tập thể, mà chúng có thể nhấn mạnh đến xu hướng dễ xúc động và dễ bị kích khích của họ.
Những suy nghĩ này – không có nghĩa là đầy đủ – thì không nhằm mục đích nào khác hơn là giúp độc giả đề phòng sự quá đơn giản hóa vấn đề, được áp dụng cho lĩnh vực luân lý.
Nhất là khi hiện tượng này xảy ra trong bối cảnh của một tập thể được sắp đặt trước, một đầu óc phê phán thì phải cảnh giác hơn thường lệ.
Và với những ai coi các tác dụng mãn nguyện tâm lý và bình an nội tâm có được ở những giây phút đó là “kết quả”, tôi cảm thấy buộc phải vạch ra rằng nhiều phạm vi khác trong khả năng con người có thể sinh ra các kết quả tương tự và làm gia tăng cách xử thế tốt hơn về phần những người nhận.
Những cải thiện như thế cũng có thể là một tác dụng đặc biệt của sự chữa trị tâm lý này nọ. Do đó chúng không nhất thiết được quy cho một sự đụng chạm đặc biệt của Thần Khí.
Ngay cả nếu những lời cầu nguyện và các cử chỉ tôn giáo ‘che phủ’ hay ‘bao bọc’ cơ chế phức tạp của con người khi hoạt động, sự phân định tinh thần đúng đắn không thể miễn cho sự phân tích toàn thể bối cảnh con người.
Tôi đã từng đương đầu với lý lẽ ‘cây và trái’ trong tập Malines Document, Renewal and the Powers of Darkness thứ tư, ở đây tôi áp dụng cùng một lý luận với những người tự ý trừ quỷ mà thực hành của họ không có sự ủy thác rõ ràng từ giới có thẩm quyền, nhưng bào chữa cho hành động của họ bằng cách dẫn chứng sự tuyệt hảo của kết quả.
Tôi cũng bác bỏ lý lẽ này trong cuốn sách của tôi The Right View of Moral Rearmament, khi tuyên bố rằng chúng ta có thể nhìn nhận các kết quả ưu việt ở mức độ luân lý nhưng nghiêm trọng dè dặt ở mức độ giáo lý.
Tôi trích những thí dụ này để mở rộng chân trời và có lẽ giúp độc giả nhận thức rằng có nhiều lãnh vực phải được thận trọng giải thích.