Để tránh mọi sự nhầm lẫn, chúng ta phải nhớ rõ trong đầu sự mô tả hiện tượng này trước khi khởi sự tìm kiếm những quan hệ để chứng thực trong Kinh Thánh.
Những đoạn Kinh Thánh có đề cập đến ‘té ngã xuống’ hoặc bị ‘quăng xuống đất’ bởi sức mạnh của vẻ uy nghi của Thiên Chúa, hoặc đơn giản ‘ngủ yên’, thì không tương ứng với hiện tượng theo loại của bà Kathryn Kuhlman, và cả sự ‘nghỉ yên’ mà một số nhân chứng của chúng tôi trình bày theo các thuật từ nhẹ nhàng là ‘một sự giao phó thân xác cách êm ả và có ý thức cho việc chữa lành của Thiên Chúa.”
Bất cứ ai đọc lại sự mô tả hiện tượng té ngã được cung cấp trong chương 2 sẽ nhận thấy rằng các tường thuật của Kinh Thánh về ngã xuống đất trước sự uy nghi của Thiên Chúa thì mô tả một loại cảm nghiệm khác.
Không có ghi nhận trong những đoạn Kinh Thánh đó về một người được đặt tay từ người khác, hoặc từ một nhóm cầu nguyện, và không thấy nhắc đến sự té ngửa ra đằng sau. Thông thường, Kinh Thánh nói về những người ngã sấp mặt đến trước trong sự thờ lậy, với trán chạm đất.
Khi Kinh Thánh mô tả người ta ‘ngã xuống đất trước Thiên Chúa’, thật không dễ để phân biết là sự đáp ứng này là một hành vi thờ lậy có ý thức và cố ý, hay một hành vi phó thác cho quyền lực của Thiên Chúa, hoặc đơn giản là biểu hiện sự vâng phục. Một số thí dụ của việc té ngã được ghi nhận trong Cựu và Tân Ước, và trong Công Vụ Tông Đồ, nhưng không có các nét đặc biệt của ‘hiện tượng té ngã’ và rất khác về tính chất.
Ở đây cũng đủ để đọc một vài đoạn viện dẫn để nhận thức rằng chúng không tương tự hay đồng nhất với hiện tượng mà chúng ta đang khảo sát.
Như các thí dụ, và không muốn đưa ra một danh sách thấu đáo, tôi cho biết ở dưới đây các đoạn chính thường được trích dẫn để hỗ trợ cho việc giải thích hiện tượng này về siêu nhiên.
Edêkien 1:28
Tôi nhìn thấy điều gì giống như vinh quang của Thiên Chúa. Khi tôi nhìn thấy, tôi ngã sấp mặt xuống, và tôi nghe có tiếng nói.
Đanien 10:7-9
Tôi là Đa-ni-en, người duy nhất đã thấy thị kiến… và khi tôi nghe tiếng của Người vang dội, tôi té xỉu mặt úp xuống đất.
Sáng Thế 15:12
Lúc mặt trời gần lặn, một giấc ngủ mê ập xuống trên ông Áp-ram; và một nỗi kinh hoàng, một bóng tối dày đặc ập xuống trên ông.
Giôsuê 5:14
Người ấy nói : “Không, ta là tướng chỉ huy đạo binh của ĐỨC CHÚA, bây giờ ta đến.” Ông Giô-suê sấp mặt xuống đất và nói: “Ngài muốn dạy tôi tớ ngài điều gì?”
Một số cho rằng có những tương ứng trong:
Người ta chỉ cần đọc các đoạn văn này để thấy chúng khác với ‘hiện tượng té ngã’.
Sự so sánh các bản văn Kinh Thánh và ‘hiện tượng té ngã’, theo tôi hiểu, thì chưa từng được coi là chủ đề của những nghiên cứu có tính cách chú giải về đề tài của chúng ta. Do đó ở đây tôi tự giới hạn mình vào ba chứng từ mà tôi muốn truyền đạt cho độc giả; và những điều này rõ ràng vạch ra sự khác biệt giữa các biến cố trong Kinh Thánh và ‘hiện tượng té ngã.’
Cha George Maloney, SJ, duyệt xét một số những viện dẫn Kinh Thánh này, kết luận:
Trong tất cả những điều này, chúng tôi không tìm thấy cùng một hiện tượng được biết là ‘chết trong Thần Khí’. Trạng thái xuất thần thì không giống như người ta rơi vào sự ngất xỉu qua việc chiêm niệm về một người khác hơn là Đức Giêsu Kitô. Tôi không tìm thấy một sự tương đồng cho hiện tượng này. Chúng ta biết rằng sức mạnh phát ra từ ông Phêrô và Phaolô và các Môn Đệ khi họ rao giảng và chữa lành. Điều đó thật hiển nhiên trong Công Vụ. Nhưng điều đó dường như không là nền tảng cho niềm tin rằng người ta ngất đi khi họ cầu nguyện trong sự tràn ngập Thánh Thần.
Quan điểm của ông phù hợp với John Richards, một mục sư Anh Giáo là người chuyên môn về chủ đề này và là người, trong cuộc nghiên cứu của ông có tựa đề ‘Resting in Spirit’, công bố trong tờ Renewal in Wales Today (No. 6, Spring 1984), đi đến một kết luận tương tự.
Một tác giả thứ ba có cùng một kết luận là thần học gia và mục sư Wolfram Kopfermann của phái Luther, trong bài của tờ báo tiếng Đức Rundbrief der charismatischen Gemeinde – Erneuerung in der evangelischen Kirche (June 1983, pp. 19-25).
Tôi cũng đồng quan điểm là không có nền tảng Kinh Thánh cho sự ngất xỉu được xảy ra bởi sự đụng chạm của một người chữa lành, theo kiểu cách của bà Kathryn Kuhlman. Điều quan trọng để nhận biết rằng việc ngã xuống đất thì không luôn luôn có ý nghĩa như nhau, và có sự khác biệt hiển nhiên giữa té sấp mặt và té ngửa. Té sấp mặt là một phản ứng thâm trầm, tự nhiên mà nó có thể được thúc đẩy bởi một cảm giác tôn trọng và khiêm tốn. Đàng khác, té ngửa thì không tự nhiên và ám chỉ rằng chủ thể này bị chiếm đoạt bởi sức lực xa lạ. Tôi phải thêm rằng ngay cả ngã sấp mặt, hay phủ phục, ít được khích lệ trong Kinh Thánh, vì trong ba thí dụ được trích dẫn ở trên có ba trường hợp (Đanien 10:11; Edêkien 2:1; Mt 17:6-7) mà Thiên Chúa mời gọi những người bị ảnh hưởng hãy đứng lên.