Bản Malines Document thứ sáu này dành để phân định một hiện tượng mơ hồ và nhiều bàn cãi mà nó có nhiều tên, tỉ như ‘nghỉ yên trong Thần Khí’ và ‘chết trong Thần Khí’. Tôi sẽ trở lại điểm này một lát nữa.
Nhưng trước khi phân tích một hiện tượng như thế, tôi muốn giải thích ngắn gọn ‘Phong Trào Đoàn Sủng’ (Charismatic Movement) chính nó là gì, để như thế chúng ta có thể ở trong một vị thế tốt hơn nhằm xác định đề tài của cuộc nghiên cứu này và để nhận diện các vấn đề của cuộc tranh luận rộng lớn hơn.
Thật nghịch lý, cách tốt nhất để giới thiệu và định nghĩa sự Canh Tân là giải thích những gì không phải là ‘Phong Trào Đoàn Sủng’.
Vì một khi chúng ta hình dung sự Canh Tân Đoàn Sủng chỉ là một trong vài ‘phong trào’ tinh thần, chúng ta không nhìn thấy ơn sủng đặc biệt của nó hiện đang thấm nhập Giáo Hội.
Thật vậy, đó không phải là một phong trào theo nghĩa xã hội học thông thường của thuật từ này: nó không có người sáng lập và lãnh đạo, không thể chế hóa hay ngay cả được công nhận như thế bởi Giáo Hội. Nó không hình thành một tổng thể thuần nhất, nhưng có nhiều thay đổi, và nó không áp đặt những bổn phận chính xác lên các thành viên.
Nó có thể được mô tả hay nhất là một ‘ơn hiện hành’, một ‘ơn hiện sủng’ (theo thuật từ thần học), một phong trào hay hơi thở của Chúa Thánh Thần, có giá trị cho mọi Kitô Hữu, bất kể ‘phong trào’ nào mà họ thuộc về, bất kể họ là giáo dân, tu sĩ, linh mục hay giám mục. Chúng ta sai đường ngay từ đầu nếu chúng ta nêu lên thắc mắc về ban ngành và hỏi: có thể nào, cùng lúc, bạn là một phần tử của một tổ chức hay cộng đồng nào đó và cũng là phần tử của sự Canh Tân không? Câu trả lời chỉ có thể là công thức kinh viện xưa nego suppositum (tiền đề này thì sai).
Chúng ta không ‘đi vào’ sự Canh Tân: chính sự Canh Tân đi vào chúng ta, nếu chúng ta chấp nhận ơn sủng của nó. Một người không thể vừa là tu sĩ Phanxicô và vừa là tu sĩ Đaminh, nhưng tuyệt đối họ có thể trở nên một tu sĩ Phanxicô mở lòng cho sự Canh Tân, hoặc một tu sĩ Đaminh ‘có thần ân’ (charismatic) mà không phải từ giã dòng của mình.
Hơn nữa, tĩnh từ ‘charismatic’, được áp dụng cho sự Canh Tân, thì không phải là một thuật từ thích hợp: nó mơ hồ không chỉ một phương diện.
Trước hết, bởi vì chính chữ này không có sự quan trọng riêng biệt: toàn thể Giáo Hội thì có thần ân (charismatic); mỗi người và từng người tín hữu Kitô thì có thần ân bởi bí tích rửa tội và thêm sức, dù họ có biết điều đó hay không.
Chữ ‘charismatic’ không nhất thiết xúc phạm các người quan sát đứng ngoài, và đôi khi nó bị hiểu lầm ngay trong nhóm khi họ trích dẫn nó như thẩm quyền của mình. Trong những tình cảnh này, mọi người dễ coi ơn đoàn sủng là món quà mà họ sở hữu: món quà nhận được từ Thiên Chúa, chắc chắn vậy, nhưng họ là các tác nhân duy nhất. Kevin Ranaghan, một trong những người tiên phong của phong trào Canh Tân ở Hoa Kỳ, vừa mới phản đối sự giải thích ‘cụ thể’ này.
Khi một giáo dân nhấn mạnh đến ơn đoàn sủng, dù họ có thể thực tế đến đâu, người ta dễ quên rằng món quà đầu tiên của Chúa Thánh Thần là chính Người, ơn tuyệt hảo là ơn có tâm điểm là Thiên Chúa để phát triển đức tin, đức cậy và đức mến, và đức mến là thử nghiệm tối cao về tính xác thực của Kitô Hữu.
Sau cùng, người ta sẵn sàng tập trung mọi chú ý đến điều được gọi là ơn đoàn sủng ngoại thường – những người thu hút truyền thông đại chúng – và không quý trọng ơn đoàn sủng ‘thông thường’ mà đó là lương thực hàng ngày của Giáo Hội và nuôi dưỡng đời sống Kitô Hữu.
Thật hữu ích để đọc lại bài diễn văn của ĐGH Gioan Phaolô II cho các giám mục ở Bỉ mà trong đó, không dùng đến chữ này một lần nào, người kể ra một chuỗi ơn đoàn sủng thông thường mà chúng thiết yếu cho sức sống của Giáo Hội (1. Dec. Catholique, 17 October 1982, p. 910). Trong Công Đồng Vatican, từ cùng một quan điểm, tôi thúc giục rằng các ơn đoàn sủng thông thường của tín hữu phải được nhận biết trọn vẹn trong đời sống của Giáo Hội. (L.-J. Suenens, Coresponsibilit in the Church, London, Burns & Oates, 1968)
Khi chúng ta quá nhấn mạnh đến vai trò và vị trí của các ơn đoàn sủng ngoại thường và coi chúng chỉ có ‘một lần’ và vì thế tạm thời, chúng ta dễ bỏ qua các ơn đoàn sủng thông thường sẵn có trong ‘cơ cấu’ Giáo Hội. Ở đây tôi nghĩ đến việc Xức Dầu của Thần Khí, mà nó đặt trên các giám mục, linh mục và phó tế và sẵn có trong cơ cấu bí tích của Giáo Hội.
Chúng ta biết rằng trong Kinh Thánh, chữ ‘charism’ có vài nghĩa. Tiếng Hy Lạp nguyên gốc có nghĩa ‘quà tặng’, và các quà tặng của Thiên Chúa thì nhiều và thay đổi. Theo ngôn ngữ Kinh Thánh, T. Phaolô dùng chữ này rất tự do. Bởi thế chúng ta phải thận trọng sử dụng.
Vậy, chúng ta phải sử dụng chữ nào? Nếu chúng ta muốn chuyển đạt thật chính xác càng tốt một thực tại nằm đằng sau từ vựng của chúng ta, tôi tin rằng chữ đầy đủ nhất sẽ là Pentecostal Renewal (Canh Tân Ngũ Tuần). Nó ngay lập tức thu hút sự chú ý của chúng ta đến bản chất thiết yếu của sự Canh Tân: có thể nói, đó là một sự canh tân tinh thần phát sinh từ ơn đặc biệt vào ngày lễ Ngũ Tuần và vẫn tồn tại.
Các môn đệ đầu tiên đã sống lễ Ngũ Tuần nguyên thủy, mà nó là cơ bản chủ yếu của Giáo Hội như:
‘Canh Tân Ngũ Tuần’ giải thích bề rộng chan chứa của hành động Chúa Thánh Thần: Người bao gồm mọi khía cạnh của Giáo Hội và làm cho nó có sức sống. Sự kiện phi thường này thúc giục chúng ta hãy đón nhận mục đích năng động của Thánh Thần. ‘Ta sẽ gởi đến cho các con Thần Khí của Ta… và các con sẽ là nhân chứng của Ta…’
Nó thúc giục chúng ta hãy kéo dài mãi mãi Công Vụ của các Tông Đồ trong lịch sử ngày nay. Như chúng ta biết, Đức Gioan XXIII yêu cầu các giám mục hãy chuẩn bị Công Đồng bằng cách đọc lại sách Công Vụ.
Vatican II là một ơn Ngũ Tuần cho mọi giám mục trên toàn thế giới. Về phần tôi, tôi tin rằng sự Canh Tân Ngũ Tuần là một sự tiếp nối tinh thần của Công Đồng, và nó được ban cho từng Kitô Hữu như một ơn sinh động tinh thần, trong đường hướng Ngũ Tuần. Chắc chắn trong ánh sáng này mà Đức Phaolô VI đã hiểu khi người chào đón 10,000 khách hành hương ‘charismatic’ đến Rôma. Diễn từ của người trong dịp đó vẫn là hiến chương của sự Canh Tân này, như trước đây, mà người gọi là ‘một cơ hội cho Giáo Hội’.
Một cơ hội để nắm lấy, một ơn quý trọng mà chúng ta không nên bỏ qua bởi không nhận ra các dấu chỉ của Thiên Chúa.
Một cơ hội để nắm lấy: điều này ám chỉ rằng bất cứ đâu Chúa Thánh Thần hoạt động, tà thần cũng rình mò, sẵn sàng làm biến dạng, bất ổn và tiêu diệt.
Trong Công Đồng, trong một giây phút căng thẳng, bạn Helder Camara nói với tôi: ‘Nếu quỷ không lảng vảng ngay bây giờ, nó là tên dốt!’ Điều này cũng đúng với những hoàn cảnh chung quanh sự Canh Tân. Chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy quỷ tạo ra một số những giả mạo của sự Canh Tân đích thực hoặc tìm cách đưa những điều lệch lạc vào công việc của Thiên Chúa. Trong sự suy nghĩ sau cùng, đó là bổn phận phân định của các giám mục, bởi Chúa ra lệnh, để phân biệt sự chân chính với điều giả dối và để nhận biết các dấu chỉ của Thiên Chúa trong sự yếu đuối và u mê của loài người.
Do đó ‘một cơ hội để nắm lấy’ còn có nghĩa là người ta không bị lầm lạc qua việc giới thiệu những thần ân không đáng tin.
Và sự nguy hiểm này trực tiếp dẫn chúng ta đến việc xem xét một hiện tượng bên lề được gọi là ‘nghỉ yên trong Thần Khí’ – một hiện tượng rộng rãi hơn là người ta tưởng.
Rất thông thường, ngay cả đức giám mục địa phương cũng không biết là nó đang được thực hành trong giáo phận của mình, bởi vì những người thực hành thì tránh né, không nói với người về điều đó và không đệ trình để người phân định, hoặc bởi vì chỉ có tiếng vang vọng bị bóp nghẹt mới đến tai các giới thẩm quyền tôn giáo.
Tất cả chúng ta đều biết là công chúng rất bị hấp dẫn và ngạc nhiên bởi những điều lạ thường, tỉ như thị kiến, việc hiện ra, phép lạ chữa lành, và vân vân.
Do đó chúng ta phải rất thận trọng đừng đe dọa tính cách đáng tin của sự Canh Tân.
Thật vậy, trong cuộc tranh luận hiện thời mà nó đưa ra sự trái ngược của hai giải thích của cùng một hiện tượng, chúng ta đối phó với hai chiều của việc hình dung ra những tương quan giữa sự tự nhiên và ơn sủng; nhưng điều quan trọng là đừng bỏ qua các nguyên nhân thứ hai. Tôi sẽ trở lại điểm này hơn nữa. Nhưng trước hết tôi muốn diễn tả chính hiện tượng này một cách thật chi tiết, với sự giúp đỡ của các nhân chứng trực tiếp.