Trong cái nhìn của Đức Giêsu trên thập tự, loài người và muôn vật không tách rời khỏi môi trường tự nhiên của chúng. Cũng chẳng lìa xa bầu khí thiêng liêng bao trùm địa cầu. Đức Kitô ngắm nhìn chúng sống trong môi trường ấy. Đối với Người thiên đàng ở khắp mọi nơi, bao bọc tất cả xâm nhập tất cả. Người bị linh hồn mình nâng lên cao, hơn là bị giá gỗ nhấc lên. Ở thiên đàng Người nhìn thấy các đối tượng mà tâm trí Người suy gẫm. Người từ thiên giới đến và nay lại trở về chốn ấy. Chính lúc Người ngước mắt lên trời mà người ta nghe tiếng Người kêu: “Lạy Cha xin tha cho chúng...”. Đó là câu nói đầu tiên trên thập giá. Tuy nhiên chúng ta không nên lẫn lộn bầu trời cao xanh với thiên đàng thiêng liêng. Các tầng trời chỉ là biểu tượng thiên đàng siêu nhiên. Ở đây chúng ta muốn nhấn mạnh tính đặc trưng của các tầng mây. Trí khôn loài người tất yếu liên hệ nó với thực tại của lãnh vực tinh thần.
Như vậy, đối với chúng ta, lòai hay chết, vòm trời đầy trăng sao, mây mưa là thiên đàng hay thiên giới. Toàn bộ vật chất đều đóng khung trong cái vòm bao la ấy. Nó xem ra vĩnh cửu, thống trị muôn loài muôn vật gồm cả số phận con người giàu nghèo, sinh tử, nghề nghiệp, tai họa, hên xui. Nó vận hành như một chúa tể, và không ngừng chiếu sáng không gian. Các ao ước của cuộc sống trần gian cũng bắt nguồn từ chốn cao thẳm, cho nên trong tâm thức loài người, các tầng trời tự nhiên giữ vai trò không thể thay thế, nhất là khi người ta nghĩ đến các thái cực của cuộc đời. Nơi Đức Kitô cũng tương tự. Do đó khi muốn tìm kiếm điều chi cao siêu, thánh thiện, tôn nghiêm người ta đều ngước mắt lên trời. Lúc gặp khốn cùng cũng giơ hai tay lên trời kêu cứu, muốn chứng minh điều chi là thật, người ta xin trời chứng giám. Lúc yêu thương, giận ghét trời là quan tòa phân xử. Khi muốn chưng điển hình cho những cần thiết người ta chỉ lên trời làm gương mẫu. Nếu ai đó muốn khích lệ, ủi an, trợ giúp thiên hạ, đều nhân danh trời xanh mà làm.
Đức Giêsu khi sống kiếp phàm nhân cũng dùng những đường lối tự nhiên ấy mà tỏ lộ chân lý siêu nhiên cho nhân lọai, để loài người nắm bắt được. Nghĩa là Người liên kết mình với hiện tượng tự nhiên mà dạy dỗ các bài học luân lý. Các biến cố mà Người quản trị. Chính thiên cung xanh thẳm mà các linh hồn tuyển chọn ao ước được lên, từ tiên tri Êlia bằng xe ngựa lửa tới Enốc, Đức Maria, và chính Người cũng được đưa lên trời kiểu ấy. Rồi từ thiên cung con người sẽ ngự đến có các thiên thần thổi loa hộ tống. Giavê Đức Chúa đã từng phán dạy bằng sấm chớp sáng lòe, mây mưa che phủ. Vương quốc của Giavê là miền cực lạc. Lều trại là mặt trời, gió bão là sứ giả, bình mình là tiền hô liếc nhìn, các kẻ theo Người sẽ nghe trên thinh không lời ngợi khen Giavê đấng tạo hóa.
Một vài lần Kinh thánh gọi bầu trời là “phòng trên lầu” của Đấng Chí Tôn. Đức Giêsu và tác giả các Sách Thánh lo lắng rằng óc tưởng tượng của chúng ta đừng làm mất ý nghĩa này về vương quốc cao vời.
Loài người sẽ ra sao? Nếu người ta quên rằng trên thiên đàng có một người cha hằng săn sóc nhân loại? Người cha ấy chăm lo cho từng người? Rằng ánh sáng thiêng liêng bày tỏ sự hiện diện của Người, rằng bầu trời và luật lệ thiên nhiên mạc khải sự quan phòng thần linh, rằng ngôi đền vũ trụ là để thờ phượng, ngợi khen vị thượng khách không trông thấy được, rằng vị thượng khách cũng cư ngụ trong mỗi linh hồn. Thất bại trong việc này là bất trung lớn nhất của nhân loại. Chính bởi vì lòng bất trung này tức quay lưng lại với Thiên Chúa mà con người không hiểu được sứ điệp của thiên nhiên và suy luận phạm thượng về Người. Mọi sự sẽ trở nên rõ ràng nếu người ta hối cải, trở về với Thiên Chúa toàn năng, nguyên thủy của vạn vật.
Câu diễn tả của Đức Giêsu “Lạy Cha là Chúa trời đất” cũng nằm trong nội dung vừa nêu. Người nhắc nhở thính giả chức vị làm “Cha” của Đức Chúa Trời, đồng thời tính chất thánh thiêng, choáng ngợp của vũ trụ xét theo chiều kích tôn giáo. Bởi vì vũ trụ là “cẩm bào” mặc bên ngoài của Thiên Chúa cao siêu. Thánh Phêrô trong khoảnh khắc Chúa “biến hình, đổi dạng” đã cảm nghiệm ý nghĩa ấy nên gọi nó là “vinh quang tột đỉnh”.
Chỉ như vậy chúng ta mới trở nên quen thân với quang cảnh khủng khiếp của vũ trụ và tránh được sai lầm thờ lạy nó như thần linh. Nhiều sắc dân trên thế giới đã mắc phải điều đáng tiếc này. Đối với chúng ta những sự kiện hãi hùng của vũ trụ chỉ còn là nguồn mạch giãi bày quyền năng Thiên Chúa. Vẻ mênh mông, bao la, bát ngát, của không gian không làm chúng ta sợ hãi nữa. Vẻ thinh lặng ngàn đời chẳng làm ai lo lắng. Không gian dù vô biên khi so sánh tính nhỏ bé của thân phận loài người chỉ khiến linh hồn luôn bình an, hoan lạc. Vì tất cả đều dạy dỗ, giáo huấn và bảo đảm an tâm Thiên Chúa ban cho nhân loại.
Tôi bị mất hút vào vũ trụ bao la, nhưng tôi lại tìm thấy mình trong Thiên Chúa. Tôi chẳng bao giờ lạc lõng trong cung lòng vĩ đại của Người, mặc dù ngoài kia là hư vô. Cánh tay vô hình nâng đỡ các chân trời. Tôi cảm nghiệm hạnh phúc được sống cuộc sống Chúa Ba Ngôi quyền năng vô biên. Đấng tuy xa vời nhưng đồng thời rất gần cận và thân thiết. Đấng chẳng miệng lưỡi nào mô tả được nhưng lại có hồn thiêng và thân xác cụ thể như tôi: Ipsius genus sumus (chúng ta là dòng dõi Người). Vậy thì việc chi phải sợ? Mỗi khi chiều xuống tôi cứ mở cửa linh hồn tôi vào đêm tối mênh mông và đêm tối nếu không nói với tôi về Thiên Chúa, thì giả dối và bất nhân biết mấy!
Cho nên điều tối quan trọng là chúng ta phải liên kết mầu nhiệm hồn thiêng với thiên đàng, đặc biệt là thiên đàng của Đức Kitô ở dưới chân thập tự, cây gỗ hòa giải mọi thái cực của thế giới và kiếp sống con người. Không gian mênh mông chẳng ai đo lường được. Cũng chẳng ai đo lường và hiểu thấu được nó khuấy động lòng người đến mức độ nào? Chúng ta chẳng làm sao với tới các ngôi sao nhưng cũng chẳng làm thế nào thâm nhập được vào chiều sâu của tồn tại. Hai thái cực vô cùng ấy vượt quá kinh nghiệm giới hạn của chúng ta. Tuy cả hai thu hút chúng ta không thể cưỡng lại được, nhưng vẫn cách xa chúng ta một trời một vực.
Chúng ta làm được chi trên cõi cao xanh mà không có Thiên Chúa? Và không ơn thánh thì xâm nhập thế nào được chiều sâu của cõi lòng mình? Tuy vậy chúng ta cảm nghiệm rằng hai lãnh vực vô cùng này kết hợp chặt chẽ với nhau, và Thiên Chúa, Đấng ngự trong chúng ta nhưng lại rất xa chúng ta tôi luyện toàn bộ thiên nhiên vào một mối duy nhất. Cho nên nếu chúng ta đi tới Đức Chúa trời và dâng mình cho Người, chúng ta có khả năng hòa giải mọi tồn tại, tồn tại riêng và tồn tại của Đấng Chí Tôn, mà các thụ tạo đều lệ thuộc vào.
Nhân loại chẳng còn phải nghi nan Đức Giêsu thể hiện toàn thể lý tưởng này nơi bản thân và hòan thành đến mức tuyệt đỉnh. Nếu “Cha đã trao mọi sự vào tay Con” thì điều xác quyết vừa nói là chính xác với trọn vẹn ý nghĩa của thực tế. Đức Giêsu hoàn toàn ý thức về ngôi vị mình và tin tưởng tuyệt đối vào những việc mình làm qua những sự kiện kể trên. Cái nhìn không sai lầm của Người về Thiên Chúa, thiên đàng, linh hồn, thiên cung vật chất mà thụ tạo phản ánh, về thực chất vũ trụ, về chính bản thân Người nơi từng tạo vật tìm được tính thống nhất cho mình, là chân lý minh nhiên.
Ở đây người ta có thể giả thiết nếu tất cả những xác quyết trên đều viễn vông thì chúng ta bào chữa mình ra sao? Phải chăng những giải trình trên đều dẫn đến vô ích? Ai có thẩm quyền mô tả tâm trạng Đức Giêsu khi Người ngước mắt nhìn trời? Tuy nhiên, dầu sao đi nữa thì việc cố gắng nghiên cứu điều bất khả có khi lại là tốt! Cố gắng của chúng ta có khi thất bại, nhưng việc tiếp cận với vấn đề sinh hiệu quả tốt cho đời sống thiêng liêng. Vậy chúng ta bàn những điều chắc chắn trước đã. Xin luôn nhớ rằng: thực tế phong phú hơn nhiều so với các ngôn từ và ngôn từ tuy quá đơn sơ, nhưng cũng chứa đựng ý nghĩa súc tích và hòa hợp. Đó là từ “thiên đàng”.
* * *
Chắc chắn bất cứ linh hồn nào cũng yêu thích vẻ đẹp của thiên nhiên. Đức Giêsu cũng vậy: Vòm trời xanh ngát, những lọn mây trắng lững lờ trôi, đêm thâu nhiệm màu, phong cảnh luôn thay đổi gam màu tùy vào phản chiếu của ánh sáng, ban mai rực rỡ, buổi chiều huy hoàng, vạn vật cảm ứng theo, lúc sáng lúc tối, khi lung linh lúc bất động. Con Loài Người, đấng ngự giữa mọi sự, không thể làm ngơ.
Thật thú vị khi mường tượng Đức Giêsu, ở giữa các vẻ đẹp ấy chiêm ngắm nó như một nhà thần bí thánh thiện, diễn tả nó tự nhiên như một thi nhân tài ba. Xin đọc các dụ ngôn tự khắc rõ. Chúng tuy ngắn ngủi, ngôn ngữ kiệm ước, tư tưởng kiềm chế nhưng đủ để người ta suy diễn những nội dung ẩn dấu. Cái nhìn của trí óc Người không hề bị địa cầu vật chất hạn chế, kể luôn không gian với ngàn vạn mặt trời của nó. Nhưng dầu sao môi trường trực tiếp nơi hạ giới với các thụ tạo khả giác giống như Người, cùng các đối tượng khác, những thức ăn cho óc tưởng tượng, những ký ức về quá khứ, hiện tại vẫn là nội dung chủ yếu nổi lên trong tâm khảm loài người của Người.
Đức Giêsu đưa đôi mắt trìu mến liếc nhìn phần này của thiên đàng mà người ta gọi là địa cầu. Xét theo phần xác, Người là con của nó. Nó cung cấp các nhu cầu cho Người khi còn tại thế, làm sao Người không trìu mến dấu yêu ? Khi ngước mắt cầu xin cùng Chúa Cha, nguồn mạch mọi ơn lành, làm sao Người không ước mong cho nó tất những ân huệ cần thiết, tựa như Người đã đón nhận từ nó những nhu cầu nó dâng lên Người? Thiên nhiên quyến rũ Đức Kitô. Nó khiến Người ngây ngất như chính Người tỏ lộ: “Hãy ngắm xem bông huệ ngoài đồng mọc lên như thế nào, chúng không canh cửi, làm lụng... thế mà Thày bảo thật anh em: Ngay cả Vua Salômôn trong vinh hiển tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt 6,28).
Cùng với các môn đệ trong đền thờ, Người sốt sáng đọc Thánh vịnh: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài: (Tv 8,4). Lời rao giảng của Người chứa đầy hình ảnh đồng nội, thiên nhiên, núi đồi: mùa gặt, sân đập lúa, vườn nho, cây vả, cối xay, tổ ong, đàn cừu, tháp canh, nhà cửa, oliva, bồn ép nho, chim câu, con sẻ, chó má, bánh ăn, gà con khiếp sợ diều hâu, gà mẹ ủ ấp con... tựa như Người sợ hãi cho số phận loài người trước bày quỷ dữ. Sứ điệp Người trao cho chúng ta gói ghém trong những biểu tượng, dụ ngôn, so sánh, của các hình ảnh trần thế. Người tự động chọn toàn những điều quen thuộc, thân thương, gần gũi, đẹp đẽ. Ngôn ngữ của Người đầy mơ mộng mà thi sĩ mọi thời đại thường sử dụng để dệt lên những áng thơ hay. Ai bảo Người không yêu mến trần gian?
Tuy nhiên, xin đừng quên. Người không phải là nhà thẩm mỹ đơn thuần như thiên hạ. Nhưng là một mô phạm siêu nhiên. Người sử dụng ngôn ngữ loài người để chuyển tải sự thật thiêng liêng và thúc đẩy người ta hành động tốt đẹp, toàn vẹn. Sự thật phải có những đầy tớ trai gái để hầu hạ nó. Người không có quan niệm nghệ thuật vì nghệ thuật. Nhưng dùng chúng theo mức độ chúng phục vụ lợi ích các linh hồn.
Sự thật là, chẳng bao giờ các ấn tượng chung về thế giới rời bỏ tâm trí Người, vì thế khi lìa thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vẫn để lại dấu ấn tư tưởng Người trên nhân loại. Thiên nhiên sẽ mang ý nghĩa phong phú hơn, tinh thần hơn, sống động hơn, thờ kính hơn, khi thấm đượm dấu ấn của Người, tức văn minh Kitô giáo.
Không ai có khả năng cảm nghiệm Thiên Chúa trong vũ trụ và vũ trụ trong Đức Chúa Trời hơn linh hơn thánh thiện của người tin theo Chúa Kitô? Được liên kết với bản giao hưởng thần linh (Ba ngôi vị trong một bản tính và một bản tính trong ba ngôi vị) liệu Đức Giêsu không hoàn toàn hòa hợp với bản nhạc tạo dựng? Và với tư cách “Con Loài Người” liệu Người không cảm nghiệm địa cầu là nhà mình ở sao? Người đã đảm nhận toàn bộ nhân lọai vào ngôi vị mình, liệu Người không mang trong mình cái “ý tưởng” tạo nên vạn vật? Sách Khải huyền viết: “Người là khởi nguyên mọi loài Thiên Chúa dựng nên” (3,14). Người cũng là kết liễu của việc tạo dựng. Cho nên muôn loài muôn vật đều mang hình ảnh Người. Tất cả ý nghĩ, quyền lực của thiên nhiên đều hướng về Người. Vậy liệu Người có thể thôi yêu mến di sản này? Di sản là tấm gương soi vĩ đại hình ảnh Người? Sản phẩm của “ý tưởng” vô biên này? Thế giới này, bàn thờ an nghỉ của Thiên Chúa này?
Đối với dân ngoại vẻ đẹp thiên nhiên chỉ đầu độc tinh thần hoặc làm mê mẩn tâm hồn họ. Nhưng đối với đức Kitô nó bồi bổ và nâng cao tư duy lên cùng Cha Người, ngược lại việc tôn thờ Cha Người chỉ khiến Người càng nhớ đến tạo vật, trong khi những nhà thần bí hẹp hòi lại quên bẵng thế giới và cảnh vật chung quanh.
Nhờ đó Người hiểu thấu đặc tính hài hòa của vũ trụ mà thánh ý Thiên Chúa đã dựng nên. Từ đó, Người rút ra những bài học cho nhân loại như kín múc từ nguồn mạch vô tận. Nói cách khác, Người áp dụng thánh ý Thiên Chúa vào cuộc sống cụ thể của chúng ta, lập nên những lời khuyên, huấn giáo và ơn thánh. Người trộn lẫn thiên đàng với địa cầu, thiên nhiên với tinh thần, thời gian và vĩnh hằng. Đức Kitô như vậy, liên kết hai thái cực vật chất và thiêng liêng lại với nhau, bởi vì Người thuộc về cả hai lãnh vực, là công dân của cả hai vương quốc.
Chúng tôi vừa minh chứng, Đức Kitô khi ngắm vẻ đẹp thiên nhiên, trí tuệ của Người không hề bị thế giới hữu hình hạn chế. Cái ngước nhìn của Người lên bầu trời xanh không bị thu hẹp lại như con mắt chúng ta. Thiên cung thắm của các tầng khí quyển, đối với Người là tổng hợp của hai thế giới tự nhiên và siêu nhiên, bên ngoài hai thế giới này là không gian bao la các hành tinh khác bơi lội. Chúng xuyên qua không gian ấy và cũng bị không gian ấy xâm nhập. Một dòng chảy của thụ tạo lạ lùng mà trí khôn con người không sao nắm bắt được, giác quan dĩ nhiên là mù tịt. Đại dương mênh mông thực tế vươn tới đâu? Làn sóng hòa hợp của nó tài tình đến cỡ nào? Bến bờ của nó ở đâu? Chẳng ai biết được. Riêng Đức Kitô, Người biết vì Người luôn kết hợp với Đức Chúa Cha, xét theo tư cách là Ngôi Lời, và là đấng trung gian giữa siêu nhiên và tự nhiên: Người ấn định các vì sao và đặt tên cho từng ngôi một (Tv 146,4).
Hơn nữa, cái nhìn của Người vào thế giới vi mô cũng rất lạ lùng, thế giới nhỏ bé cũng mênh mông, bao la như thế giới vĩ mô, Đức Giêsu chiêm ngưỡng tận thẳm sâu của mọi hữu thể, của linh hồn loài người và các biến cố. Pascal tin rằng các nguyên tử cũng là những vì sao như trên bầu trời, trên đầu mọi người và cũng mênh mông không kém.
Vậy thì bao la này chồng chất lên bao la khác, bao la của thế giới vĩ mô chồng lên thế giới vi mô. Suy nghĩ về nó gây nên sợ hãi cho trí tuệ loài người. Họ cảm thấy mình quá nhỏ bé gần như hư vô. Nhưng Đức Giêsu lại là quan tòa phán xét, đồng thời là nhân chứng cho các thế giới đó. Luật lệ của chúng nằm trong tay Người. Người cũng là lề luật của muôn loài muôn vật. Người thông minh, trí tuệ, và khôn ngoan nhất mực trong khi nhân loại mù tịt về tính bao la của cả hai thế giới. Đức Giêsu chẳng hề bị hạn chế bởi thế giới nào cả. Người thông biết mọi sự thiêng liêng cũng như vật chất. Mọi hạn chế đều bị loại khỏi tâm thức Người khi chiêm ngắm tạo vật. Người không có yếu đuối về trí tuệ như chúng ta. Người thấu triệt từ cực điểm này sang cực điểm khác của các biến cố, từ trời cao cho đến vực thẳm, từ thiên thần cho đến loài người, từ hữu hình cho đến vô hình. Cái nhìn của Người toàn năng giống như quyền phép vậy. Người đồng bản tính với Đức Chúa Cha cho nên cũng hạnh phúc như Đức Chúa Cha. Người thở hơi như Đấng Tạo Hóa. Hơi thở ấy làm cho đất đai nẩy mầm sự sống, thức tỉnh ruộng đồng trổ hoa sinh trái.
* * *
Trên thập tự, liệu người ta dám quả quyết nét nhìn đó bị mây đen che phủ? Và thiên đàng thôi rạng rỡ trong tâm hồn Đấng đã bị ghim chặt vào đó? Chẳng ai dám nói như vậy vì như thế là phạm thượng. Chúng ta đã từng quả quyết về thượng trí của Người ngay cả lúc sắp lìa đời, và về trận lụt hồng thủy trí tuệ của Đức Giêsu sắp sinh thì kiểu như nó cố gắng lấp đầy khoảng trống do thần chết gây ra. Trên ngọn đồi Canvê, cũng như trong vườn Giethsemani, tất cả quá khứ, hiện tại, tương lai, các ấn tượng siêu nhiên và tự nhiên đều được nhớ lại trong linh hồn Đức Kitô và thay vì mờ nhạt đi, chúng lại rõ ràng, sống động hơn bao giờ hết.
Do đó, người ta được phép nói rằng trời đất huy động một lực lượng hùng mạnh chống lại tội ác của loài người, chứ không phải chỉ riêng Đức Giêsu đang giẫy chết. Thiên nhiên là tôi tớ trung thành của Đấng Toàn Năng.
Ở nhà ông Simon Người đã vui lòng đón nhận dầu thơm của Maria Magđala như kẻ đưa tin trước đám tang của mình, thì chắc chắn hương hoa của vũ trụ trong mùa xuân này do muôn vàn bông huệ gộp thành trên đồng nội Giêricô cũng thổi về cuộn quanh cây giá gỗ và cùng mang một ý nghĩa như dầu thơm Magđala và cũng được Người ưu ái.
Ngôi Lời nhập thể trân trọng tất cả, đánh giá cao tất cả và đón nhận tất cả lời tung hô của mảnh đất đá xám Palestine, của mọi nơi có con người cư ngụ, của toàn thể vũ trụ đưa đón Người lúc hấp hối. Giống như khi còn sống Người đã đón nhận chúng, đã chúc lành cho sự tuân phục của chúng. Bầu trời thăm thẳm, núi đồi hùng vĩ, muôn cây cối xanh tươi, muôn chim réo rắt, muôn bướm tung tăng dâng lên Người đang chịu đau khổ, âm thanh, màu sắc. Người đang chết dần chết mòn vì tội lỗi nhân loại. Chỉ có loài người là gian ác.
Vậy phải thừa nhận rằng thập tự là khía cạnh đen tối duy nhất trong nét nhìn của Người. Tuy nhiên xét theo mặt khác nó mang lại ơn phúc cho chúng ta. Chính thập ác gây nên cái nhìn đen tối ấy, nhưng cũng chính do thập tự mà chúng ta được cứu chuộc! Người đến thế gian là để đón nhận nó. Bây giờ trên thập giá Người trở về cùng Đức Chúa Cha vào buổi chiều đại họa này. Người sẽ vượt qua bóng tối của đêm nay để vươn tới bình minh rực rỡ, cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Do đó, Đức Giêsu vẫn chiêm ngắm vẻ đẹp của thiên nhiên ngay cả khi giẫy chết, Người không gạt chúng ra ngoài tầm con mắt. Không có oán hận hay chúc dữ trong đau đớn của mình. Đau khổ này là vinh quang, bình an, huy hoàng, vui mừng nội tâm, bên ngoài vẻ đẹp vũ trụ bao bọc Người. Người chết vào giữa mùa xuân, có chim muông bay lượn, có tiếng cu gáy vang trời đưa tiếng thở dài của Người đi xa, có hoa lá đón chào, én liệng làm vòng hoa. Từ cõi lòng Người chào mừng Galilea, Giudea, cánh đồng xanh tươi Samari, miền đất kết nối Galilea với Giudea, chào mừng địa cầu mà ba viên ngọc ấy tọa lạc. Người ngước mắt nhìn khỏang không mênh mông bao la xa hơn các mảnh đất mà Người từng qua lại. Khoảng cách làm chóa mắt Người. Đám mây xám chẳng bao lâu nữa sẽ lớn dần, lan rộng thành tấm màn sương mỏng phủ lên vạn vật. Người nhìn hoa cỏ của ngọn Golgotha một lần nữa như giã từ chúng. Lúc vác thập tự leo lên thì chúng còn màu đỏ, vàng thẫm dưới ánh mặt trời chiều gay gắt, bây giờ đang tàn úa, cụm lại vây tròn chung quanh gía gỗ. Đàng xa kia trên sân thượng, trên các mái nhà bằng đất là vô số mồng gà dại, cúc nhụy hình sao màu trắng đỏ, điểm trung tâm bằng vàng ròng, đang trải rộng bát ngát trước mặt Người. Đúng là cảnh thiên đàng tự nhiên trong tầm nhìn của Đấng Cứu Thế.
Bởi vì, đối với Đức Kitô, mọi sự diễn ra trước mắt đều là thiên đàng, là công trình của Cha, nên thiên đàng ở khắp mọi nơi. Thiên nhiên bề mặt cũng như chiều sâu, trên cao cũng như vực thẳm, trải rộng hay thu gọn, hiện hữu cũng như bản chất đều là thiên đàng. Các thuộc tính của nó có nguồn gốc nơi Đức Giêsu, và phản ánh quyền năng Người. Chẳng ai nhìn thấy chúng tốt hơn Con Thiên Chúa nhập thể. Chung quanh giá gỗ chỗ nào cũng là thiên đàng và Đức Giêsu thấy rõ mọi sự chìm trong đại dương của sự bao la, nhưng không hề biến mất, gồm tóm trong kế hoạch của Thiên Chúa nhưng không bị lãng quên.
* * *
Có một khía cạnh của cái nhìn toàn năng này cần được xem xét riêng lẻ. Nó chỉ khác với các nội dung đã bàn ở bề mặt hay ít ra về thiết kế cuộc sống. Nhưng trước mắt chúng ta nó nổi bật và đòi hỏi suy nghĩ kỹ hơn. Việc này quả táo bạo nếu muốn tìm hiểu sâu xa vì nó là một màu nhiệm, không ai hiểu thấu: Riêng phần tôi, tôi chỉ muốn thờ lạy và thiết lập hàng rào cung kính chung quanh cung thánh thinh lặng của Người. Nhưng cần môt vài lời mô tả khiêm tốn.
Đức Giêsu cầu nguyện và việc cầu nguyện trên thập tư ïchỉ là nối tiếp Người cầu nguyện suốt đời, chẳng bao giờ Người ngưng nghỉ. Phúc âm kể rõ: “Người ngước mắt lên trời cầu nguyện”. Nếu bầu trời đầy trăng sao là thiên đàng, toàn thể vũ trụ, hồn thiêng, Đức Chúa Trời, là thiên đàng, thì Người nối kết tất cả trong lời cầu nguyện, chúng hợp nhất trong ý nghĩ Người. Ý nghĩ hiệp thông với Thiên Chúa ở nghĩa đầy đủ nhất của từ hiệp thông, tức một cái nhìn cao siêu không biên giới về thiên đàng.
Nếp sống liên tục cầu nguyện của Đức Giêsu là sự thể hiện hoàn toàn mệnh lệnh Người truyền cho các môn đệ: “Anh em hãy cầu nguyện luôn”. Nó cũng nói lên khát vọng của Người hướng về Đức Chúa Cha, như Thánh Phaolô nói: “Với những tiếng rên xiết khôn tả”. Tâm hồn ngài luôn cháy bỏng lòng nhiệt thành và dâng lên Cha Người từng nhịp đập của con tim.
Lời hàng ngày Người nói, là cầu nguyện. Sự thinh lặng thường xuyên của Người là cầu nguyện. Toàn bộ tồn tại của Người là cầu nguyện dưới hai hình thức, im lặng và thành lời mà Người có ý dạy dỗ chúng ta. Căn bản của cuộc đời là cầu nguyện. Mọi hoạt động dù nhỏ nhặt và khó quan sát được cũng là cầu nguyện và thờ phượng vừa trọng thể vừa hoàn hảo. Khi dâng hiến mình cho Thiên Chúa vì nhân loại, là lúc Người cầu nguyện sống động nhất.
Tuy nhiên, bởi phải sống cuộc đời phàm nhân và muốn nên gương mẫu cho mọi người noi theo, Người chẳng bỏ qua các hành vi chóng qua và khả thị, vì mục tiêu thánh hóa và thăng tiến cuộc sống phàm trần. Nghĩa là Người cầu nguyện theo giờ giấc lề luật sắp đặt. Ba lần trong một ngày Đức Giêsu cầu nguyện trong Đền thờ Giêrusalem hay tại các hội quán khác của người Do thái. Ngoài ra, về buổi chiều Người cầu nguyện lâu giờ hơn. Nhiều lần ở ngoài trời nơi thanh vắng, đặc biệt trên đỉnh cao các núi đồi. Kiểu cầu nguyện ở đỉnh cao Người thường liên kết rõ ràng với cái nhìn hướng về thiên cung, như Người cầu nguyện hôm nay ở đỉnh Calvario trên thập giá.
Chẳng hiểu vô tình hay hữu ý, các Phúc âm vẽ lên cho chúng ta bức tranh lạ lùng và sinh động về đường lối cầu nguyện này: Một mình trên ngọn núi cao, Đức Giêsu hướng mắt lên trời, phủ phục, chắp tay cầu nguyện với toàn thân, đặc biệt với linh hồn Người, trong khi bầu trời xanh cùng các ngôi sao đồng thanh hợp tiếng.
Lúc màn đêm buông xuống che phủ cảnh vật trần gian là khi Người cảm thấy mệt mỏi vì giảng dạy, vì hoạt động bận rộn, nên cần nghỉ ngơi lấy lại sức lực và bồi dưỡng tâm linh. Người lìa xa các môn đệ, để mặc họ bên tảng đá to, hoặc dưới tàn cây cổ thụ nào đó, lánh đi một nơi vắng vẻ riêng, hay leo lên núi đồi gần đấy và trên chỗ cao, Người mở linh hồn ra cùng Thiên Chúa trong thinh lặng vĩnh hằng.
Đêm tối đối với Người vừa có tính giải thoát vừa là lời mời gọi thiêng liêng. Người xa lìa con đường phàm trần để hoàn toàn hướng về Thiên Chúa Cha. Vì trước mặt Đấng Tối Cao đầy nhân ái, mọi tạo vật đều có quyền đặt gánh nặng xuống và nghỉ ngơi. Lúc màn đêm buông xuống là không gian địa cầu được trải rộng. Thề giới vật chất được tan chảy thành bóng tối, nhường thiên đàng cho các linh hồn thánh thiện. Người ta tự do nâng tâm hồn lên không trung bao la dầy đặc trăng sao lấp lánh. Chúng soi bước thánh thiện cho chúng ta cảm tạ Thiên Chúa. Mọi cảnh vật đều như mời gọi linh hồn bay cao, mở rộng hơn. Khi ấy nguyện ngắm là nhu cầu không thể lãng quên. Đối với đức Giêsu Người vốn chiêm miện liên tục, thì đêm tối là lúc tự do hơn, ngọt ngào hơn. Nó mang đến cho Người mừng rỡ và bình an khôn tả, nên Người ưa thích lưu lại trong bóng đêm tĩnh mịch. Đọc kỹ Tin mừng người ta có cảm giác như vậy.
Đôi khi Người cầu nguyện suốt đêm thâu. Sao mai tự nhiên nhiều lần còn bắt gặp ngôi sao thần linh này tỉnh thức ca tụng Thiên Chúa Cha. Theo sách Khải huyền thì lúc ấy biểu tượng gặp gỡ thực tại. Aùnh sáng hồng tươi của ngôi sao tiền hô ngày mới hòa nhập cùng ánh sáng siêu nhiên của Đấng quen ví mình như ánh sáng cho trần gian. Quả là một cơ hội kỳ diệu và hạnh phúc, thiên nhiên ít khi có được.
Đức Giêsu phóng tầm con mắt ra không gian bao la của vũ trụ. Tôi mường tượng Người cất lớn tiếng xướng lên bài ca: “Ngợi khen” của Thánh vịnh 148 (Laudate Dominum de caelis) làm sống động và ban ý nghĩa cho thinh lặng ngàn thu. Hòa điệu với Người là muôn loài muôn vật, cú mèo và chó sói, chim muông và hoang dã:
“Ca tụng Chúa đi từ cõi trời cao thẳm.
Ca tụng Người trên chốn cao xanh
Ca tụng Chúa đi, mọi sứ thần của Chúa
Ca tụng Người hỡi toàn thể thiên binh
Ca tụng Chúa đi, này vừng ô bóng nguyệt.
Ca tụng Người muôn tinh tú rạng soi.
Ca tụng Chúa đi, hỡi cửu trùng cao vút.
Cả khối nước phía trên bầu trời.
Nào ca tụng Thánh danh Đức Chúa” ( 1-5).
Ở cương vị nhạc trưởng, Đức Giêsu dẫn đầu và điều khiển ca đoàn khổng lồ vũ trụ. Người vang lên những lời ngợi khen như bóng chim, nhẹ lướt trong gió sớm. Từ ngọn núi cầu nguyện Người tung lời ca ngợi ra bốn hướng tựa như từ trung tâm sự sống. Người ban linh hồn cho các vật vô tri vô giác để chúng ca khen Đức Chúa Trời. Người chính là linh hồn cầu nguyện của vũ hoàn dâng lên Đức Chúa Cha, tạo hóa của mình.
Thực chất lời cầu xin của Đức Giêsu chỉ là tiếp tục sự phụng thờ Chúa tể vạn vật. Bởi vì cho muôn loài muôn vật Người xin Chúa Cha bánh ăn hàng ngày: tức sức khỏe phần xác, chân lý cho trí tuệ, tình yêu cho con tim, tự do cho ý chí, bạn hữu cho mọi mảnh đời. Người tha thiết xin thành đạt cho mọi sinh linh vì hoa quả của thành đạt là niềm vui.
Người cầu xin và biết rằng chắc chắn Người sẽ được nhận lời và ân điển sẽ được ban cho những linh hồn xứng đáng. Không một thụ tạo nào có thể giới hạn hiệu quả và quyền lực của lời Người van xin. Cũng như chẳng ai thu hẹp được quyền năng hành động của Người, ngoại trừ khiếm khuyết nơi chính thụ nhân. Hắn tự ý xa lìa ân huệ của Người bởi ưa chuộng tội lỗi hơn.
Tuy nhiên sự bất toàn nơi loài người không hề hạn chế lòng quảng đại của Đức Kitô, ngay cả giảm bớt nó. Lòng rộng rãi ấy là từ Thiên Chúa ban cho Người. Bởi Người đã tuyên bố rõ: Thiên Chúa đã đặt mọi sự vào tay mình. Nếu vô phúc cho ai tự động rút lui khỏi lòng hào hiệp của Đức Giêsu, thì Người đủ quyền năng biến bất hạnh ấy thành sự bù đắp sinh lợi ích cho kẻ khác, do sự từ chối ngu xuẩn của đương sự. Phụng vụ hát trong bài ca: Mừng vui lên (Exultet) của lễ Phục sinh “Ôi tội hồng phúc vì đã ban cho nhân loại Đấng Cứu Thế”. Và như thần học đã phát biểu thành công thức: “Ơn thánh của Đức Kitô là vô cùng”. Nó là nguồn mạch mọi ân huệ cho loài người. Đồng thời là bể chứa Thiên Chúa đổ lòng quảng đại vào, không hạn chế.
Làm sao người ta giải thích được hai sự kiện xem ra ngược nhau này? Làm thế nào thánh giá vừa có khả năng ban ơn thánh vô hạn lại vừa là bể chứa ơn thánh bất tận? Có hai từ ngữ giải trình màu nhiệm ấy! Nếu người ta hiểu cho đúng. Từ thứ nhất là tình yêu, từ thứ hai là hiến tế.
Sự thật tâm lý là, chẳng bao giờ trong cuộc đời Chúa Cứu Thế cầu nguyện tha thiết cho bằng khi chịu treo trên giá gỗ. Chẳng khi nào Người tỏ bày lòng yêu mến hơn khi dâng mình làm hiến lễ hy sinh. Như vậy tình yêu tạo nên giá trị cho việc thờ phượng và hiệu quả cho lời cầu xin của Đức Giêsu. Giữa hai người có điều kiện y hệt nhau, kẻ nào yêu mến nhiều, người ấy tôn vinh Thiên Chúa nhiều hơn và cũng lãnh nhận ân điển nhiều hơn. Đây là trường hợp của Đức Giêsu Kitô. Lòng Người yêu mến Đức Chúa Cha là vô địch, không người phàm nào sánh kịp. Nó là linh hồn của việc Người thờ phượng Đức Chúa Cha. Nhưng chẳng bao giờ Người minh chứng tình yêu ấy cho bằng lúc chịu treo trên thập giá, vâng lời Đức Chúa Cha mà hy sinh cứu vớt nhân loại, chịu khổ hình vượt mức tự nhiên: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ thí mạng sống vì bạn hữu” (Ga 15,13).
Như vậy thập tự là cung thánh vĩ đại của cầu nguyện, là bàn thờ, là mặt nhật khổng lồ, là nhà tạm đầu tiên của nhân loại. Thật hữu ích khi còn bé chúng ta được cha mẹ, ông bà, người lớn dạy cho biết làm dấu thánh giá trên mình trước và sau các công việc quan trọng. Nếu hiểu cặn kẽ việc mình làm thì chúng ta muốn nói rằng: “Lạy Thiên Chúa của con, con thờ lạy Ngài nhờ cây thánh giá và nhờ Đức Giêsu chịu treo trên đó. Cùng với thánh giá và cùng với Đấng đang chịu đóng đanh vào đó, trong tinh thần khiêm tốn, tin tưởng và phó thác, trong tinh thần vâng lời và hy sinh của Đức Kitô Xin Chúa khấng ban cho chúng con tất cả mọi điều cần thiết để sống xứng đáng chức vị làm con Chúa và yêu mến tha nhân. Chúng con nguyện xin nhân danh thánh giá, Đấng chịu treo trên đó Nhân danh công nghiệp của Người mà chúng con kết hiệp cuộc sống chúng con như lời Thánh Phaolô khuyên dạy”.
Sự thinh lặng suốt những đêm ròng mà Đức Giêsu liên kết với Đức Chúa Cha, làm thành bản giao hưởng của kinh “Lạy Cha” mà Người dạy dỗ các tông đồ bằng lời nói. Chính Người làm gương cho nhân loại bằng kinh đó. Trên đỉnh các ngọn núi Người yên lặng chiêm ngắm ngất trí hơn là bằng ngôn từ. Tâm hồn Người hoàn toàn bị thu hút vào cầu nguyện lâu giờ, suy niệm bản tính cao sang của Đức Chúa Trời. Đời sống của Người chìm sâu vào chính nguồn mạch sự sống và sự thánh thiện. Các động mạch căng tròn, hơi thở hổn hển, tim đập nhanh, trí khôn tràn ngập niềm vui, ý chí trọn vẹn vâng lời, toàn thân phủ phục thờ lạy và thinh lặng.
Các thần học gia đồng ý: Người là nền phượng tự sống động, lời cầu nguyện liên lỷ. Điều đó là sự thật hiển nhiên. Toàn bộ con người Người, linh hồn và thể xác là một hành động thờ phượng truyệt hảo, đáng nêu gương cho tín hữu. Để cầu xin Người chỉ cần nói: “Này con đây” là đủ, vì chính bản thân Người luôn là lời nài nẵng van xin Đức Chúa Cha thương xót nhân loại, anh chị em của Người. Tương tự như Gioan tiền hô xưng mình là tiếng kêu trong hoang địa. Chúa Giêsu còn thực chất hơn tiếng kêu đó. Người là Ngôi Lời, là nội dung của tiếng kêu. Cho nên cả khi không mở miệng nói ra, sự hiện hữu của Người đã đầy đủ ý nghĩa. Người hiện diện bằng yêu mến. Sự thật này cứu vớt chúng ta. Người tôn vinh Thiên Chúa Cha bằng tình yêu, bằng chính hiện hữu của mình. Thiên Chúa là Đấng chẳng miệng lưỡi nào ca tụng cho đủ.
Điều này được tăng cường và có thêm sức mạnh khi Đức Kitô bị treo lên. Lúc ấy nó là một bằng chứng hiển nhiên, con mắt loài người có thể xem thấy được. Và sự thinh lặng của Người kết nối bẩy lời vàng ngọc thành một chuỗi cầu nguyện hy sinh. Tự nó đã nói lên ý nghĩa hùng hồn để loài người suy gẫm và noi gương. Bất cứ lời giải thích nào thêm vào cũng là thừa thãi. Nó thách thức trí não loài người suy nghĩ sâu xa hơn. Một vài nhà thần bí đã được mặc khải vài nội dung về nó.
Nơi Đức Giêsu, sự im lặng trên thập hình là hương hoa của việc thờ phượng Đức Chúa Cha. Thinh lặng khi gói ghém tình yêu mến, thì chẳng có chi hoành tráng hơn, vì nó tương đương với hết mọi kêu xin bằng lời mà Đức Giêsu thốt ra trong suốt cuộc sống dương gian. Nó bao gồm luôn các lời cầu xin của cả nhân loại và từng người chúng ta. Vì nó tập trung hết mọi ước muốn mà nhân loại có thể bày tỏ trước tôn nhan Thiên Chúa; ước muốn cứu rỗi, ước muốn thứ tha, ước muốn hạnh phúc muôn đời, ước muốn được sống mãi mãi.vv...Từ kho tàng thánh thiện này mà Hội Thánh kín múc mỗi khi cầu nguyện, ngợi khen, hoạt động trên khắp thế giới mọi nơi, mọi lúc. Nó vang vọng lại cuộc sống Đức Kitô như dòng thác vô cùng mạnh mẽ.
* * *
Khi Đức Giêsu ngước mắt lên trời. Liệu chúng ta được phép nghĩ rằng Người không cần mở đôi mắt để suy niệm về thiên đàng? Cũng không cần mở mắt linh hồn nghĩ vè đối tượng nào khác ngoài bản thân mình! Vì chính linh hồn Người đang hưởng thiên đàng. Bản chất Người là thiên đàng.
Lúc này chúng ta không thể mô tả nổi tâm lý lạ lùng của Người liên quan đến màu nhiệm Ngôi hiệp và hậu quả của màu nhiệm ấy. Muốn giải thích thiên đàng nơi Đức Giêsu người ta phải duyệt lại toàn bộ học thuyết của Giáo Hội về nhập thể. Một công việc quá đồ sộ. Tuy nhiên, chúng ta phải đả động đến việc này, nếu không, chẳng làm thế nào hiểu được chút ít.
Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là người thật. Người vừa rất gần cận với cuộc sống nhân loại, nhưng lại vừa là phúc nhân vui hưởng thiên đàng. Ngôi Hai đã đảm nhận nhân tính như thánh Phanxicô Salesio nhận xét. Vậy chúng ta chẳng bao giờ nắm bắt được trọn vẹn ý nghĩa của màu nhiệm”ngôi hiệp”. Nhưng may mắn thay công việc cứu rỗi của chúng ta không đòi hỏi phải thấu hiểu nó. Nên không cần phải nghiên cứu sâu xa hơn.
Thực tế, Đức Giêsu là một màu nhiệm sống động bằng xương bằng thịt. Bản chất của Người không truyền thông cho ai được. Chúng ta không đả thông được bản chất ấy. Sách Khải huyền viết: “Người mang một danh hiệu vượt trên mình, ngoài Người ra không ai biết được danh hiệu ấy” (11,12). Người thấu hiểu tên của mình chỉ bằng trực giác, không cần lý luận, không ai chia sẻ. Tên đó Gioan gọi là Ngôi Lời (13,16). Người vừa là con loài người , vừa là Ngôi Hai Thiên Chúa, là vua các vua, Chúa các chúa. Nhưng đây cũng là tên của một nhân vật hay chết như chúng ta.
Hệ luận thứ nhất là, trên địa cầu này, bất cứ Người làm, nói, nghĩ gì đều không biểu lộ hết Đức Giêsu là chi! Hệ luận thứ hai là: xét như một ngôi vị, định mệnh và sứ vụ Người nơi nhân loại không phải là toàn bộ định mệnh và sứ vụ của Người. Nó rộng lớn hơn nhiều. Sự kiện Thiên Chúa ở trong Người và Người ở trong Thiên Chúa khiến cuộc sống nơi Người có chiều kích cao hơn vô cùng, nhưng đồng thời Người vẫn là khách lữ hành nơi trần gian và là đại sứ của Thiên Chúa cho nhân loại. Tuy nhiên, tính lữ hành ấy khác chúng ta. Người không có điểm đến và chẳng cần đi đâu cả. Mọi nơi đều là nhà của Người.
Vậy thì bản tính loài người nơi Đức Kitô chỉ là xưởng làm việc của Ngôi Hai nhập thể. Trái đất là điểm tựa cho công trình của Người. Thế gian được ban cho Người, nên Người thông truyền công nghiệp cho thế gian qua một cổng rất hẹp. Bằng cổng này Thiên Chúa với tới nhân loại và nhân loại vươn lên Thiên Chúa.
Những nội dung còn lại hoàn toàn là mầu nhiệm bí ẩn, siêu việt không ai hiểu thấu. Trạng thái thường xuyên của đức Giêsu là ngất trí. Linh hồn Người tràn ngập vui mừng đời đời, bởi biết mình là Con Thiên Chúa, là bản tính thần linh, là Ngôi Hai. Toàn năng, toàn thiện là tồn tại của Người. Người luôn hiện hữu trong trạng thái ngây ngất mà các nhà thần bí gọi là phóng mình ra ngoài. Đối với Người sự thanh thản chiếm hữu chính bản thân. Người hằng cư ngụ trong Thiên Chúa, nơi sức nặng nề của xác thịt nhân loại không hề ảnh hưởng. Sự tồn tại của Người trên trái đất khả thị giống như vì sao đổi ngôi. Nó bay từ đêm tối lóe sáng trên bầu trời, rồi lại trở về bóng tối mà không ai biết đi đâu. Xét chung nơi những linh hồn thánh thiện, phần thưởng của họ là chính sự thánh thiện của mình. Tất nhiên do Thiên Chúa ban. Tâm hồn thánh thiện lớn nhất trong vũ trụ có sự thánh thiện tự thân. Nó là nguồn mạch thánh thiện không ai hiểu được. Từ đấy tuôn chảy cho Đức Giêsu và cho mọi người.
Trong các diễn từ của mình, Đức Giêsu chỉ đề cập phớt qua đến những màu nhiệm không nói ra được. Nhưng chính từ hậu trường ẩn dấu ấy Người mặc khải một năng lực tạo dựng và một sức mạnh xâm nhập tạo vật. Người mở rộng tay tỏ lộ các màu nhiệm. Người nói năng như “Đấng có thẩm quyền chứ không như kinh sư và biệt phái”. Người được soi sáng bằng ánh sáng riêng của mình và đi qua đêm tối của chúng ta như có đội vòng hào quang. Người xem thấy rất rõ và liên tục những điều chúng ta chỉ thoáng qua bằng đức tin. Khi nhìn rõ như vậy, Người diễn tả nó thâm thúy, vững chắc. Vì làm chủ nó, nên Người tính toán nó bằng sự thông biết vô biên của Ngôi Lời đã tạo dựng nên nó và phát biểu nó ra.
Chính từ thiên đàng nội tâm mà Đức Kitô chiếu tỏa ánh sáng cho thế gian và từ chiều sâu của trái tim mà Người gửi Thánh Thần đến ngự giữa nhân loại. Cho nên thiên nhiên cũng như loài người đều nằm dưới ảnh hưởng ban sự sống của Người. Người là thủ cấp của vũ trụ và nhân loại: Thánh Phaolô viết “Đức Giêsu là trưởng tử của những kẻ chết sống lại”. Đồng thời xét như Thiên Chúa Người là tạo hóa, là đấng quan phòng. Người không những là ánh sáng soi rọi các linh hồn mà còn là ánh sáng của các thế giới. Muôn loài muôn vật đều được Người duy trì và nuôi dưỡng. Trong quyền năng Người mà trăng sao được tồn tại. Từ nguồn mạch sự sống của Người mà mọi cuộc đời được phát sinh và nảy nở lan tràn như trận lụt hồng thủy. Ngược lại xét theo nhân tính Người thán phục cảnh trí thiên nhiên. Chúng nuôi dưỡng tư tưởng và trí tưởng tượng của Người, mặc dù bằng quyền năng Thiên Chúa, Người tác tạo chúng, ban cho chúng mọi ơn lành. Người là sự khôn ngoan mà Kinh thánh nói: “Hằng nhảy múa vui mừng trước mặt tạo hóa”. Người vừa là đối tượng tạo dựng vừa là quyền năng tác tạo muôn loài muôn vật.
Liệu chúng ta được phép nói rằng theo ý nghĩa nào đó, nơi mỗi người đều có thiên đàng lưỡng thể này? Nghĩa là vừa có tính thần linh vừa mang tính loài người, có xương có thịt. Một đàng là đời đời, đàng khác là chóng qua. Chúng ta cũng có đuốc sáng trong con người mình, thí dụ ơn thánh, là sự tham dự vào Lời đã được đổ vào lòng mỗi người. Trong khi Thiên Chúa chiếu rọi ánh sáng trên chúng ta nhờ mạc khải và thiên nhiên, thì đồng thời Người trỗi dạy từ chiều sâu của tồn tại chúng ta cho tới mức độ mà ý tưởng thánh thiện nhất của chúng ta được nảy sinh, cho tới mức độ ơn thánh tự biểu lộ. Thiên Chúa lại gặp gỡ chính mình. Thiên đàng nội tâm được ban cho kiểu đó, một thứ thiên đàng mà chân lý là các trăng sao, một thiên đàng mà sự thiện ngự trị, một thiên đàng luôn rạng rỡ bất chấp những tối tăm của chúng ta.
Do đó, điều thật rõ ràng là sự thinh lặng của Đức Giêsu liên kết với cô tịch trên thánh giá bất kể những xáo trộn bề ngoài của đám đông có mặt. Sự thinh lặng chúng ta vừa mô tả tự nhiên đối với Người hơn là lời cầu nguyện. Linh hồn Người lúc ấy ngập tràn trong suy tư và sung mãn lời nói đến nỗi “Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa hết các sách viết ra” (Ga 21,25). Linh hồn Người liên kết mọi linh hồn, với các thực tại hữu hình và vô hình. Nhưng nhìn theo góc cạnh khác, nó luôn luôn cô đơn.
Vì giữa cuộc sống ồn ào của nhân loại, Đức Giêsu vẫn giữ tinh thần thanh cao như chiều nay trên ngọn đồi Calvario. Ngày tháng vẫn trôi đi, nhưng cuộc đời Chúa Giêsu vẫn một niềm kiên nhẫn và chịu đựng đơn điệu. Thẳm sâu cõi lòng Người là thanh thản lạ lùng, Người hành động, suy tưởng, yêu mến tự chủ vậy mà vẫn được tự do. Luôn luôn được mạc khải từ thiên tính. Người hằng được nghe những bản nhạc từ thiên cung. Người là mẫu mực tuyệt trần theo lời Thánh Phaolô tông đồ: “Quê hương chúng ta ở trên trời” ( Philip 3,20).
Sâu thẳm vượt khỏi mọi đo lường thăm dò, vây quanh bằng cô tịch và thinh lặng, chiếm hữu và thấu suốt mình, linh hồn Đức Kitô là một vực thẳm của hạnh phúc. Niềm vui như thác lũ tràn ngập tâm hồn Người. Người chẳng bao giờ không hân hoan. Linh hồn Người hạnh phúc muôn đời. Tuy đau đớn xảy đến và nắm giữ linh hồn đó trong giây lát cứu chuộc, nhất là về phần giác quan tinh tế, như bất cứ người phàm đa cảm khác, nhưng xa hơn nữa là miền đất bao la của niềm vui ngự trị.
Như vậy, trong Đức Giêsu có hai loại sự sống: tạm thời và vĩnh viễn. Tạm thời đi từ máng cỏ đến thánh giá và nấm mồ. Nhưng vĩnh viễn bên hữu Thiên Chúa Cha thì không thay đổi. Cả hai loại đều là thị kiến phước lộc, nhưng chúng tôi luyện nhau như thể chỉ có một. Đối với đức Giêsu sự sống sau cái chết không phải là hoàn toàn mới. Nó chỉ là sự nối tiếp. Đức Giêsu được sống lại và vinh hiển trong thân xác của mình. Nhưng linh hồn Người liên tiếp thi hành sứ mệnh và đàm thoại với Đức Chúa Cha không ngừng. Triều thiên vinh hiển của công nghiệp không khiến Người thay đổi nhiều. Mặc dù phải nhuốm bụi trần và đau đớn bỏng da cháy thịt, nhưng Người vẫn ngự trong vinh quang. Người luôn diện kiến mặt đối mặt với Thiên Chúa Cha. Người còn phải tìm hiểu gì hơn nữa? Ngoài việc cuối cùng thân xác sẽ chia sẻ hiển vinh với linh hồn.
Nơi cuộc sống tạm bợ này, xem ra Người bị chia đôi. Người là đại dương của thanh thản và bình an giữa những ngọn sóng thét gào, bão táp vùi dập trong cuộc thương khó, và “buồn rầu của tử thần bao bọc chung quanh”. Nhưng giữa hai trạng thái đối nhịch này, một nền hòa hợp đã được báo trước, và được thể hiện trọn vẹn trong biến cố thăng thiên.
Như vậy, có thể liên kết hai trạng thái ngược chiều lại với nhau không? Xin lưu ý mỗi trạng thái tranh thủ lấn át toàn bộ sinh hoạt của linh hồn: Đau khổ là tất cả, trừ tính chất vĩnh viễn, liên kết với phúc lộc đời đời. Niềm vui thiên đàng với cây thập tự? Thế nào đi nữa thì thực tế đã xảy ra rồi nơi Đức Giêsu. Chúng ta phải liên kết chúng với nhau thôi. Nhưng làm thế nào? Chân lý Ngôi hiệp là câu trả lời. Theo định luật thần linh. Ngôi hiệp bao gồm thị kiến phước lộc. Đau khổ là phương tiện Thiên Chúa chỉ định cho công cuộc cứu vớt. Như thế chỉ quyền năng Đấng Tối Cao mới thực hiện được sự hòa hợp này. Tạo hóa đã liên kết với thụ tạo, vậy thì chúng ta phải chấp nhận chân lý là Người không khước từ nhiệm vụ của mình và không tỏ ra mình bất lực trong việc giải quyết khó khăn mà Người đã gây nên.
* * *
Nhưng chẳng phải như thế là tất cả. Ở nơi mà rất nhiều màu nhiệm làm chúng ta bối rối, các thần học gia còn tìm thấy một điều bí ẩn nữa. Đó là lời nói của Đức Giêsu trên thập tự: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, tại sao Chúa bỏ con”. Một vài tác giả không coi đó là tiếng kêu của tuyệt vọng, như chúng ta thường hiểu. Họ gán cho nó một ý nghĩa quá đau xót đến nỗi cuộc hấp hối trong Vườn Cây Dầu đêm hôm trước chẳng thấm thía vào đâu nếu so sánh với tình trạng linh hồn kêu lên tiếng ấy. Họ nhìn xem đấy là cực điểm của nỗi kiệt quệ nơi con người.
Tuy nhiên phải công nhận rằng lời giải thích này không được các biến cố hỗ trợ. Thực tế, lời Chúa Giêsu thốt ra là câu trích của Thánh vịnh 22. Nó là những lời mở đầu: “Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa. Người nỡ lòng ruồng bỏ con sao. Dù con thảm thiết kêu gào, nhưng ơn cứu độ nơi nao xa vời? Cho nên người ta tự nhiên giả định ý kiến lời tiếp tục cầu nguyện thầm thĩ của Chúa Giêsu chứ không phải tiếng kêu thảm thiết.
Thánh vịnh 22 mang tính tiên tri và nó liên quan lạ lùng đến cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu. Cuối thánh vịnh là cái nhìn lạc quan về vinh hiển với hy vọng lớn về hiệu quả của các khổ đau: “Hỡi những ai kính sợ Đức Chúa, hãy ca tụng người đi... Bởi vì Chúa chẳng coi thường, chẳng khinh miệt kẻ nghèo hèn khốn khó, cũng không đành ngoảnh mặt làm ngơ, nhưng đã thương nghe lời cầu cứu” (c. 24-25). Cho nên không có lý do nào bắt buộc chúng ta xác định rằng tiếng kêu của Đức Giêsu chỉ là lời cầu cứu đơn giản, hay lời xướng thánh vịnh, hoặc nếu muốn, tóm lược của thánh vịnh mà phải thừa nhận Đức Giêsu cầu nguyện bằng toàn bộ thánh vịnh cách thầm thĩ.
Có nhiều nhà thần học tìm thấy lối giải thích trên vẫn còn đơn sơ và nông cạn. Họ nghi ngờ rằng trong lời kêu cứu của Đức Giêsu có điều chi vượt xa hơn. HoÏ nghĩ Đức Giêsu còn tìm thấy cặn bã khác trong chén đắng của mình. Người đã kinh qua tất cả những nỗi đau đớn ghê hồn loài người giáng xuống thân xác Người. Nhưng Người còn cảm nghiệm nỗi hành hạ khác từ tay Thiên Chúa.
Niềm hy vọng vào Chúa Cha từ xưa đến nay vẫn nâng đỡ Người. Nhưng lúc này Người mất nó. Cha Người vốn là nguồn an ủi của Người để chống lại sự tàn nhẫn và khước từ của loài người. Nhưng lúc này Cha Người xem ra dấu mặt đi hoặc đứng dửng dưng ngoài cuộc. Địa cầu chối bỏ Người thì còn thiên đàng. Nhưng bây giờ thiên đàng cũng biến mất hoặc bị che khuất bởi cái nhìn nội tâm của Người giống như bầu trời bị màn đêm che phủ, chẳng còn nơi nương tựa tinh thần nào nữa. Thế là Người phải nếm mùi địa ngục. Người phải kinh nghiệm nó dưới cả hai hình thức: Aùn phạt đời đời. Từ đó Người cứu vớt nhân loại khỏi nỗi thất vọng hư mất và nỗi đau đớn của hình phạt giác quan. Hình phạt hư mất được diễn tả bằng sự kiện bị Chúa Cha ruồng bỏ và Người hoàn toàn cô đơn. Hình phạt thứ hai đau đớn giác quan là cây thập giá. Chỉ khi ấy chúng ta mới nói được cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu là trọn vẹn và công trình cứu độ được hoàn thành. Mức độ đau khổ sẽ dâng cao đến chóp đỉnh rồi dịu dần đi. Bằng không trong linh hồn Người vẫn còn một đồn lũy chưa bị tấn công.
Hãy coi sự thật là như vậy đi, và nếu được hãy xé nát trái tim mình ra khi suy tưởng rằng Chúa Cứu Chuộc của chúng ta đành chịu mất thiên đàng ngõ hầu thắng lại thiên đàng cho nhân loại. Hãy giả dụ rằng Người mất nó trong khi vẫn giữ nó nơi trái tim, ở ý nghĩa rằng Người không còn kinh nghiệm đựơc nó nữa, rằng Người đứng trước mặt một Thiên Chúa sắt đá, không hề tháo gỡ gánh nặng cho ai. Hoặc tệ hơn, Cha Người hoàn toàn dấu mặt. Ngõ hầu tuy vẫn là Con Thiên Chúa và vẫn ở thiên đàng, nhưng Người chịu đựng tất cả mọi hành hạ của hỏa ngục.
Thánh Anselmô viết: “ Người xem ra quên mình là Thiên Chúa”. Có một cản trở ghê sợ nào đó nổi dậy giữa nhân tính và thiên tính nơi Người. Người cảm nghiệm một lời chúc dữ giáng xuống thân phận mình. Lời chúc dữ đó là của chúng ta mà Người đã gánh lấy cùng tội lỗi của nhân loại. Như vậy vị đắng Người phải chịu đựng quả là vô cùng. Vô cùng như Tình Yêu dấu mặt đi, vô cùng như sự thiện xem ra đã mất, vô cùng như hạnh phúc rời bỏ linh hồn để tan thành mây khói.
Nhưng Người vẫn mến yêu và tình yêu này làm nhẹ bớt nỗi sợ hãi các đau đớn. Mặc dù sự thiện tối cao xem ra vượt khỏi tầm tay, nhưng Người vẫn một lòng gắn bó với Sự Thiện Tối Cao ấy bằng một tình yêu nồng cháy đến độ tối tăm không còn chỗ trong trái tim Người nữa. Liệu người ta có thể tin được Đức Giêsu cảm thấy tuyệt vọng? Khi mà Người khát khao với tất cả ý chí khi thi hành ý muốn của Chúa Cha mà Người yêu dấu? Thánh nữ Théresa thật đúng lý khi định nghĩa hỏa ngục như nơi chốn không còn tình yêu. Vậy cái logíc tất yếu là nơi đâu có tình yêu, nơi đấy là thiên đàng. Tuy nhiên thiên đàng này của Đức Giêsu gồm tóm luôn đau khổ đến cùng cực để cứu chuộc loài người. Mặt trời tinh thần của chúng ta đã chết. Lúc này Người là miền đất không có ánh sáng, băng giá che phủ khắp mọi nơi, dòng suối ủi an giữa Cha Người và Người đã ngừng chảy. Trái tim của Cha Người đã rời khỏi Người. Xin hãy tưởng tượng nỗi đau của Con Thiên Chúa khi cảm thấy Cha Người không hiện diện nữa! Xót xa biết chừng nào!
* * *
“Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, nhân sao Người bỏ con!”. Sự từ bỏ tạm thời và bề ngoài này xẩy ra giữa hai thời kỳ tin cậy và bình an trên ngọn đồi Calvario, tương tự như cơn hấp hối giữa lúc tâm sự ở phòng trên lầu và lòng dũng cảm khi bị bắt, cũng giống như lần vấp ngã giữa hai bước đi. Đức Giêsu lấy lại thanh thản sau thử thách đó. Thiên đàng lại mở ra cho Người và cánh tay Thiên Chúa lại đón nhận Người. Giống như thánh Stephanô sau này, Đức Giêsu lại trông thấy bầu trời rộng mở và Người bước vào thiên đàng bằng con mắt linh hồn mình.
* * *
Một thiên đàng khác, và đây là thiên đàng cuối cùng chúng ta bàn tới, là thiên đàng Người mua được bằng giá máu của mình. Lần này thay vì chỉ chiêm ngắm hay được ban cho, nó là thiên đàng của Người và của chúng ta nữa. Đây là viễn tượng chiến thắng mà đôi mắt nhìn lên cao vào không gian bất tận qua chiếc màng mỏng biểu tượng bằng máu.
Phải chăng bầu trời xanh trên cao không ám chỉ thiên đàng cho chúng ta? Nó là một trạng thái xa xôi tinh thần so với tình trạng hiện thời của mỗi người? Giống như tự do và bình an có nghĩa là nơi phiêu diêu cực lạc, gọi nôm na là tiên cảnh bồng lai! Đức Kitô đã từng hứa thiên đàng này cho chúng ta mà Người gọi là Nước Trời. Trong bữa tiệc ly Người nói với các môn đệ: “Thày đi để dọn chỗ cho anh em”. Lúc ấy Người đã nghĩ đến biến cố thăng thiên. Sự lên trời này xem ra là định vị một chỗ ngồi màu nhiệm trên các tầng mây xanh khi Người ngự lên vinh hiển.
Đấng thiết lập trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại, chắc chắn đủ khả năng để nối kết chúng lại. Đấng mang trong mình thiên đàng, chắc chắn sẽ mở nó ra cho chúng ta vào. Ngay cả giờ phút này trên Thánh giá Người đã gõ cửa rồi. Chẳng bao lâu nữa Người sẽ buộc nó mở ra. Phải chăng đây là điều Người nói với tên trộm lành: “Hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng với Ta”?. (Lc 23,43).
Trước khi bình minh ló dạng trên ngọn Golgotha thì còn một màn sương sớm che phủ. Khi ngôi sao mai còn lấp lánh yếu ớt sau màn sương ấy thì chẳng còn mấy chốc nữa Vầng Ô rực rỡ chỗi dậy tung mình khỏi bóng tối, giải phóng mình ra khỏi bàn tay tử thần. Chính Người, Đức Giêsu Kitô là mặt trời không bao giờ lặn, là ánh sáng chồi lên từ trái đất, thanh thản chiếu soi con mắt nhân loại (bản công bố Phục sinh Exultet). Cho nên thiên đàng mà Mặt trời Công Chính sẽ vào, và nhân loại cũng sẽ vào đang diễn ra trước mắt Đấng chịu đóng đinh. Người nhìn thẳm sâu vào thiên đàng ấy bằng con mắt tinh thần mà không sao lãng công việc trước mắt. Vì mục tiêu và đối tượng của công việc này là một tương lai khổng lồ. Người thị sát “thành trì” trên không trung của Người. Các đẳng thiên thần là triều thiên của thành trì ấy giống như cô dâu trang sức bằng lọn tóc xinh đẹp và thơm tho (thánh thi lễ cung hiến nhà thờ), thành trì của đàn cầm và chén vàng, của hương thơm và kèn đồng, của cành lá và áo choàng trắng, của triều thiên và ca hát. Đây là thành trì “nơi Thiên Chúa sẽ lau khô nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết, sẽ không có tang tóc, than van và đau khổ nữa. Vì những điều cũ đã qua đi”. (Kh 21,4).
Đức Giêsu liếc mắt nhìn, cái nhìn ấy xem ra muốn nói: Hỡi các ngươi, đây là đường lối của chúng ta: Ta đi trước và các ngươi sẽ theo sau. Triều thiên là chắc chắn. “Ai thắng Ta sẽ cho ngự bên Ta trên ngai của Ta, cũng như Ta đã thắng và ngự bên Cha Ta trên ngai của Người”(Kh 3,21). “Hãy sát cánh cùng Ta để được thắng trận lớn, bởi vì chẳng có chiến thắng nào không đòi hỏi hy sinh. Chúng ta hãy chịu khó vì chiến thắng giả định cái chết thánh thiện. Chúng ta hãy chịu đựng cái chết và chuẩn bị cùng Ta để chết thánh thiện. Bây giờ phúc cho ai được chết trong Đức Chúa”.
Thần khí trả lời: “Phúc thay những ai chết mà được chết trong Chúa, họ sẽ được nghỉ ngơi, không còn nhọc nhằn nữa, vì các việc họ làm vẫn theo họ” (Kh 14, 13).
(1863-1948)