Núi Ôlivêtê giữ một vị trí nhất định trong cái nhìn của Chúa Giêsu treo trên giá gỗ tương tự với tầm quan trọng nó vẫn giữ trong cuộc Khổ Nạn và đời sống công khai của Người tại xứ Giuđêa. Nó là đầu hồi của khung cảnh tự nhiên chung quanh cây thập hình. Và sau khi là sân khấu cho thảm kịch hấp hối, nó là khởi điểm của sứ vụ tông đồ vinh hiển.
Vườn Gethsêmani nằm dưới chân quả đồi này, thấp hơn ngọn Calvario nên Đức Giêsu không thể nhìn thấy. Cái cổng Salomon che khuất nó đi, giống như các sườn của ngọn núi che khuất vực thẳm.
Các sách Tin Mừng cho nó tên gọi Oâlivêtê, theo sử gia Josephus, là núi của vườn Oliva, hay đơn giản vườn Cây Dầu. Bình dân kêu là Olivêtê, do tên Latinh Olivetum. Chỏm núi chạy từ Giêrusalem sang phía đông. Cho nên cư dân thành phố có thể trông thấy nó ở bất cứ điạ điểm trong thành. Và đối với những ai sống ở Giêrusalem nó có vẻ đẹp quyến rũ không cưỡng lại nổi. Bởi lẽ đừng kể tính nổi bật và tầm quan trọng của nó thì không điểm nào trong phong cảnh mà người ta không thưởng thức ý nghĩa biểu tượng của bản hợp ca ánh sáng tới mức độ tuyệt vời.
Vào cuối thu, phỏng bốn giờ ban sáng đã thấy vừng đông trải rộng trên ngọn núi. Tấm màn ngũ sắc xanh, đỏ, trắng, tím, vàng bập bùng sống động, nhưng bình thản như nét mặt người chết lành. Trên tầng trời cao, qua những làn mây, là một vầng Kim cương lấp lánh lung linh như ngọn lửa lưỡi gươm tổng lãnh thiên thần, với tính mong manh không thể so sánh của một bầu sáng. Đó là ngôi sao Ban Mai, mà Đức Giêsu đã ví mình trong sách Khải Huyền.
Chúng ta đọc: “Chính Ta là chồi non và dòng dõi Đavít, là Sao Mai sáng ngời” (Kh 22,16). Nơi khác: “Ai thắng và giữ cho đến cùng các việc Ta truyền, Ta sẽ ban cho người ấy quyền cai trị các dân Đó là quyền mà Ta đã được Cha Ta trao cho, Ta sẽ ban Sao Mai cho người ấy” (Kh 2, 26-28). Sao Mai nói đến ở đây chính là Đức Kitô (2P 1,19). Những người sống ở Palestine hiểu rõ ý nghĩa các câu trên, hẳn sẽ ngộ ra lý do ngôi sao này liên kết với sự thần thánh hóa thân xác hay chết của Đức Giêsu. Vào chính buổi sáng ngày 14 tháng Nisan, Đức Giêsu đã nhìn thấy ngôi sao, biểu tượng sự tinh ròng xuất hiện trước hừng đông của mặt trời. Người xem thấy nó duyên dáng lặn đi, giống như chính Người chẳng bao lâu nữa sẽ kính cẩn trao phó thân mình vào cách tay Thiên Chúa Cha yêu dấu.
Về ban chiều chỉ có ánh phản chiếu mặt trời lặn đọng lại trên triền núi. Nhưng lại là quang cảnh đẹp đẽ nhất. Chiều tà xem ra như bình minh bởi lẽ nó cũng thể hiện tính yên lặng và bình thản như lúc ban mai. Đỉnh núi nổi bật màu xám xanh, trước toàn cảnh màu tím ngắt cắt ngang bởi những giải màu lá cây và vàng óng. Các lọn mây xám nhạt nhẹ nhàng bay lơ lửng trên không trung, để rồi tan biến về phía chân trời im lìm. Đêm ập đến như bất ngờ nhưng bầu trời vẫn sáng và khi trăng tròn ló rạng, chẳng ai mô tả được bà nữ hoàng trinh tiết ấy, hình quả cầu bằng bạc, nằm nghỉ ngơi trên nền trời màu tím, chập chờn huyền ảo.
Trên thực tế, núi Oâlivêtê đối với cư dân Giêrusalem là địa điểm hội tụ của ánh sáng. Chúng ta yêu mến nó bởi vì nó chiếu sáng cho Đức Giêsu và lập thành vầng hào quang cho những ngày tháng của Người. Khi Người ra khỏi đền thờ bằng cửa vàng, Người xem thấy nó trước mặt. Về buổi sáng khi Người đến từ Bêtania Người trông thấy đường viền rõ ràng của nó bập bùng màu đỏ, cho đến khi nó phục vụ Người như điểm cao từ đó Người có thể nhìn thấy các vòm thánh điện lấp lánh của thành phố.
Con đường giữa Giêrusalem và Bêtania sẽ dẫn tới Jericô. Nó cắt ngọn đồi Olivêtê thành hai phần gần như bằng nhau. Một con đường khác không dốc lắm xa hơn về phía Nam dẫn tới sông Giođanô. Con đường thứ ba đi miền Bắc. Nhưng con đường ở giữa thu hút chú ý của chúng ta hơn. Nhiều lần trong cuộc đời công khai, Đức Giêsu phải qua lại con đường này. Ông tổ của Người là vua Đavít đã trèo qua dốc của nó khi chạy trốn Absalom, chấp nhận những lời thóa mạ của Semei mà không trả đũa. Semei vừa đi vừa tung cát và ném đá vào nhà vua, thốt ra những lời chửi rủa thậm tệ. Đây là gương tha thứ của thập giá hàng ngàn năm được diễn tập trước.
Con đường cao này là nơi Đức Giêsu đi lần sau hết trên mặt đất. Nó cũng là con đường của người Samaritanô nhân hậu trong một dụ ngôn. Ông ta là hiện thân của Đấng Cứu Thế. Chính nơi vệ đường của con lộ này mà hai người hành khất mù, anh em của nhân loại được Chúa chữa lành. Ở cuối con đường, trong thành Jerichô, một người anh em khác, ông Giakêu tội lỗi, từ cây sung trèo xuống vui mừng đó tiếp Chúa, dẫn được sự tha thứ và bình an vào nhà mình.
Về phía đông rặng núi, ba con đường đều chạy về miền đất sợ hãi: hoang địa Giuđêa bị chia cắt rồi chắp vá do các thung lũng tủa ra khắp hướng, coi như những làn sóng nhấp nhô ngoài biển cả. Sự cô tịch ở đây thật trang nghiêm và thô kệch, tựa những lời rao giảng khó nghe của các tiên tri. Thí dụ Amos, thợ chăn cừu, ông ta tức giận quăng vạ tuyệt thông vào Thecoa, một phần của giải đất này.
Cũng từ hoang địa gió nóng thổi vào Giuđêa, làm khô cháy đất đai như hơi thở của quỉ thần cằn cỗi vào các linh hồn. Người Do thái cổ coi hoang địa này như biểu tượng của miền đất tội lỗi. Quang cảnh chung quanh Biển Chết gợi lên trong trí óc họ Thiên Chúa đánh phạt. Đây là lý do tại sao hàng năm người ta đuổi vào đây những con dê tế thần, chất đầy tội lỗi của Israel. Con vật khốn nạn bị nguyền rủa trước bàn thờ, rồi xua vào thung lũng Cedron. Ở đấy nó sẽ bị quăng xuống vực thẳm sâu hoắm, làm lễ hy sinh cho tuyển dân.
Từ trên khổ giá, Đức Giêsu nhìn về hướng này, không thể không suy nghĩ mình là con vật đó, ngày hôm nay bị đuổi khỏi thành phố, tách lìa thế giới, bỏ cho chết nhục nhã, bị kể vào hàng súc vật tế thần. Trên miền đất khô cằn và hoang dã này, chẳng có chi mọc được, ngoài nắng cháy, gió lộng và im ắng. Gioan Tẩy giả đã sống ở đây. Ông chu toàn vai trò Tiền hô cho Đấng Thiên Sai. Ông mở ra con đường tương lai cho dân tộc, vâng theo lời tiên tri thời cổ “Trong sa mạc hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta” (Is 40,3).
Vận áo lông lạc đà, một thứ vải thô người Bedouins dùng làm lều, ăn châu chấu cào cào rang và mật ong rừng, được Thần Khí thúc đẩy, Gioan đã đi qua mảnh đất này, tinh thần hồ hởi cách lạ lùng. Trong ông Tân ước tìm kiếm bản thân ở Cựu ước và Cựu ước sống bằng biểu tượng của mình. Như vậy, quá khứ đầy dẫy mong chờ, ngất ngây vì tương lai tươi sáng.
Ông là tiếng kêu trong hoang địa, dòng suối khao khát nước mát. Tiếng khẩn cầu của những người công chính thiển cận, nhân đức hẹp hòi, rập khuôn theo lề luật, kêu xin trời đất rộng mở tâm hồn và lòng thanh tẩy sám hối để xứng đáng đón nhận tình yêu từ trên cao ngự xuống. Đó là Gioan Tẩy giả, tiếng kêu của ông đầy ắp Giuđêa, giống như sau này âm thanh Tin Mừng tràn ngập thế giới.
Xin đừng quên, Đức Giêsu cũng muốn liên kết với thời gian chuẩn bị này. Và theo nghĩa đó, chính Người lại là tiền hô cho mình. Vì khởi đầu cuộc đời công khai Người đã vào sa mạc bốn mươi đêm ngày, ăn chay, cầu nguyện và trù liệu kế hoạch. Người sắp xếp tương lai, tiếp nhận và thích ứng hoàn cảnh, nhiệm vụ, chọn lựa nhân viên cộng tác, tất cả đều trong cô tịch, không ai chứng kiến ngoài phong cảnh thiên nhiên để khai trương Nước Trời.
Nơi ẩn náu của Người không xa sông Giođanô, bây giờ gọi là vùng “Bốn Mươi Ngày”. Người làm bạn với chó sói, hổ báo mà ngày nay người ta còn trông thấy. Xem ra có lúc láng giềng của Người là những sinh vật vô hình, vì dầu sao Người cũng đã đến tuổi trưởng thành cần bạn bè thân thích. Bạn của Người có lẽ là các đạo binh thiên giới của Cha Người, những kẻ phải theo sát Người trên mỗi bước đường, Người khinh thường cô đơn, vì đã mang trong mình toàn thể vũ trụ.
Gần hơn trong tường thành, Đức Giêsu còn có một địa chỉ khác mang tính biểu tượng lúc mà Người cần thánh hiến. Đó là hồ Siloê. Tại hồ này Người đã chữa lành một thanh niên mù bẩm sinh. Anh ta sinh ra đã bị mù nghĩa là con người không thấy đường do thiên nhiên và Siloê có nghĩa là được sai đi, “Đấng Thiên sai” bắt đầu sứ mệnh tẩy sạch bằng nước tại đây, sau này bằng “máu”. Xa hơn nữa, nhưng cùng hướng nhìn là Machaerus, nơi Gioan Tẩy giả bị cắt đầu, và núi Nêbô, nơi chôn cất Môsê và hy vọng của ông ta.
Trở lại với núi Ôlivêtê, chúng ta phải kể Bethphage, trên sườn phía đông của nó, dù Đức Giêsu không trông thấy, nhưng chỉ ngày hôm qua, Người đã chỉ thị cho hai môn đệ tháo lừa và chuẩn bị cho cuộc rước vào thành vinh quang. Cuộc rước đó vinh hiển trộn lẫn với nước mắt khóc thương thành thánh. Một sự vinh hiển chỉ đúng nghĩa khi nó quyết định cái chết của Người, và liên hệ chặt chẽ với sự sống lại của Lagiarô mà Người là nguyên nhân. Việc Lagiarô được giải phóng khỏi các dây băng báo trước Người sẽ chỗi dậy và ra khỏi mồ riêng một mình.
Ngày nay các du khách còn được chỉ cho xem Lagiarion tức chiếc mộ của Lagiarô, gần Betania, bây giờ được gọi là El-Azarieh- làng của Lagiarô. Làng này đã thay đổi vài lần, nhưng vẫn còn vẻ khá ấn tượng và gợi nhớ mạnh mẽ phép lạ kẻ chết bốn ngày được Chúa cho sống lại. Tại đây bạn có thể được trông thấy cái hang mà xác Lagiarô đã được đặt vào rồi chỗi dậy ngơ ngác sau giấc ngủ thật dài. Lỗ hang còn y nguyên. Chỗ Đức Giêsu đứng không thay đổi mấy, chỗ hai chị ngồi cũng vậy. Bạn có thể xem thấy như họa sĩ Rembrandt đã xem thấy và vẽ trong bức tranh màu nước nổi tiếng của ông. Nhưng mang tính nghệ thuật cao khi liên quan đến hình dáng của Chúa Giêsu. Tuy nhiên không kém phần choáng ngợp và đầy vẻ nhiệm màu.
* * *
Cùng với Đức Giêsu, nhìn về phía Olivêtê, chúng ta phải lưu ý đến ba điểm: Chân núi, vườn Gethsemani, triền núi, không xa ngọn quay về Gierusalem, nơi Đức Giêsu thường dừng chân lại trên đường đi Betania với các môn đệ, chỗ hãy còn vang vọng diễn từ cao siêu và cuối cùng, đỉnh núi, địa điểm lên trời.
Gethsemani có nghĩa gần như là “vựa ép dầu”. Nó là phần vây kín của đồn điền Oliva rộng lớn. Đồn điền này bao phủ toàn bộ ngọn núi và như mọi đồn điền trồng nho khác, ở đây người ta thiết lập khu ép dầu, để ép các quả Oliva thu lượm được. Bóng mát trong đồn điền thật ê hề. Cũng ở đây dưới bóng cây oliva, cành lá xum xuê màu bạc, người ta có thể nghỉ ngơi hoặc tìm kiếm chút cô tịch. Nếu thời tiết đẹp còn có thể qua đêm dưới bầu trời.
Địa điểm này có vẻ âm u, vì nằm ở dưới chân núi, như thánh Giêrônimô nói, nó chỉ cao hơn thung lũng Cedron chút ít, và bị các tường lũy Moria (Sion) trên cao ăn hiếp. Ngọn tháp của đền thờ. Đồn Antonia coi đe dọa từ đàng xa, phía bên trái là cánh đồng Giosaphat đầy mồ mả. Khi cần nghỉ ngơi Đức Giêsu thường vào đồn điền Gethsemani. Quang cảnh âm u chung quanh làm Người thư giãn tinh thần, thể xác. Người cũng có thói quen cầu nguyện tại đây, xa lánh hẳn những quấy rầy. Vây quanh Người chỉ là số ít bạn hữu thân thiết và nếu muốn Người vẫn có thể giữ một khoảng cách với họ. Như vậy nhân tính Người được cơ hội ẩn náu trong thiên nhiên, cô tịch, bóng rợp âm u và nhất là trong Đức Chúa Cha.
Đôi lúc Người cũng quyết định ở lại qua đêm trong vườn. Thí dụ trường hợp rời thành phố muộn, khi cầu nguyện lâu giờ. Lúc ấy đồn điền cây dầu trở thành phòng ngủ cho Đấng Toàn Năng. Các môn đệ cũng được đặc ân hiện diện trước màu nhiệm Đức Giêsu rơi vào giấc điệp mê man, mặc dù tinh thần Người vẫn ở trong cõi đời đời. Thiên Chúa hạ mình nằm dựa trên một thân cây, lấy tay gối đầu, các môn đệ nằm ngủ rải rác chung quanh. Họ, những xác phàm hay chết chìm sâu vào cõi hư vô, trong lúc Thày vẫn còn canh thức siêu nhiên. Chắc chắn tông đồ trẻ tuổi nhất, Gioan, nằm sát bên Thày, má gối lên áo Thày. Nhưng rồi sẽ đến ngày Đức Giêsu tỉnh giấc một mình, tâm can bồn chồn không thể chợp mắt vì linh hồn của nhóm Mười Hai.
Cao hơn, và không còn cách đỉnh núi bao xa, một địa điểm khác cũng quen thuộc. Nó chỉ là chỗ dừng chân, nhưng có thể lưu lại khá lâu trong một mái che, vì gần đấy có cái hang. Truyền thống gọi nó là “hang dậy dỗ” (The cave of the teaching). Truyền tụng kể rằng, một buổi chiều trên đường về Betania, Đức Giêsu đã dừng ở đó và quay mặt về phía đền thờ, Người tiên báo sự sụp đổ của nó và rằng cũng trong dịp đó Người mô tả ngày tận thế, để kết thúc bài huấn dụ luân lý dài dòng của mình.
Còn về địa điểm Lên Trời, Kinh thánh không nói rõ. Thánh sử Luca đặt nó chung quanh Betania (Lc 24, 50-53). Tông đồ công vụ thì viết: “Bấy giờ các ông từ trên núi gọi lá núi Oliva trở về Giêrusalem. Núi này ở gần Giêrusalem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát” (Cv 1,12). Từ đỉnh núi tính về đúng như mô tả trong đoạn văn. Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm.
* * *
Như đã từng nói, Đức Giêsu chiêm ngắm mọi sự theo hai chiều kích: Tinh thần tiên tri và ký ức quá khứ. Người trông xem từ đỉnh cao đời đời. Những chi hiện tại, tương lai, quá khứ đều xuất hiện làm một trước mắt Người. Thí dụ cái nhìn vào nhà Tiệc ly Người xem thấy quang cảnh bữa tối giã từ đã ở quá khứ và dịp lễ Ngũ Tuần ở tương lai. Về ngọn núi Olivêtê Người nhận ra vực thẳm: Một, của sầu đau hiện tại. Hai, của cao sang Thiên đàng.
Khi đã kết thúc bữa ăn trên núi Sion, tưởng nhớ quá khứ và khi đã dài dòng giải thích cho các môn đệ ý nghĩa việc Người vừa thực hiện, và khát vọng theo đuổi mục tiêu, thì Người nói: “Đứng dậy, chúng ta hãy rời bỏ nơi đây” (Ga 14,31). Người và nhóm môn đệ tiến về hướng Ophel, băng qua thành phố, lúc ấy hoàn toàn thanh vắng. Các ông bước xuống bậc dốc về phía hào lũy, ra ngoài thành bằng cửa Hồ Nước. Có thể ước đoán, nhưng không chắc chắn lắm, họ đã đi qua Siloe khi ra khỏi cửa Giếng Nước. Dầu sao đi nữa thì bất cứ con đường nào cũng dẫn xuống thung lũng Cedron, đến cánh đồng Giosaphat, các mồ mả, cuối cùng tới định mệnh Gethsemani, ở đây Chúa qua cơn hấp hối khủng khiếp.
Thời gian là vào khoảng 10 giờ đêm, phía đông trăng tròn đã lên cao, tỏa ánh sáng huyền ảo xuống mặt đất, các tảng đá lớn phản chiếu rõ mồn một, những nấm mồ trắng càng trắng hơn, những phiến lá Oliva màu bạc coi như dát kim loại. Các ngọn đuốc của đám vệ binh Đền thờ xem ra không cần thiết, tiếng lách cách gươm đao, lưỡi kiếm loảng xoảng trong đêm.
Bây giờ khách hành hương còn có thể đi theo con đường Đức Giêsu và các môn đệ đã đi trong đêm thứ năm định mệnh ấy hòa lẫn với tâm trạng nhóm Mười Hai khi xưa, cùng giờ giấc, cùng dưới ánh trăng mười bốn tháng Nisan, có thể vững bụng rằng họ đang giẵm lên những dấu chân của Thày Chí Thánh và các tông đồ. Bởi vì làm thế nào mà họ tránh được những hòn đá lịch sử của một lối đi rất hẹp? Với tâm tình sùng mộ cao độ, họ khó mà kiềm chế mình cúi xuống hôn lên những viên đá in dấu chân thánh thiện của Thiên Chúa làm người. Xưa kia Absalom phản loạn đã gây nên cho chốn này lời nguyền rủa mà cho đến ngày nay mỗi lần người Do thái hay Hồi giáo đi qua đều ném đá vào tên phản bội, nhưng Đức Kitô đi qua cũng con đường này, Người không ném hòn nào cả và cũng không rủa một lời nào. Lời nguyền rủa đã chấm dứt. Xét theo hình bóng thì Absalom chết là chúng ta. Đức Giêsu đã tẩy sạch tội lỗi của nhân loại, và nước mắt chảy xuống đó dù là của Chúa Giêsu hay những kẻ ăn năn sám hối, không còn cay đắng nữa.
Chỉ cần vài bước lên khỏi thung lũng là Chúa Giêsu và các tông đồ đã ở dưới cái bóng to lớn của tháp đền thờ. Con đường đầy ánh trăng vì chị nguyệt đã lên cao. Bên phải Người là đường đi núi Mô-ab, sông Giođanô và Biển Chết. Toàn bộ miền triền núi này người ta trồng nho, có nhiều nắng và nho xanh tươi. Vì vậy, Đức Giêsu đã nhân cơ hội để ví mình như cây nho: “Ta là thân nho, các con là cành...” (Ga 5,15).
Bước các đấng chậm chạp, vì không cần đi xa lắm, và Đức Giêsu còn nhiều điều phải nói, có thể đôi lúc các ngài dừng lại nghỉ chân, khi ngồi trên đá, lúc trên các mồ mả. Có rất nhiều chỗ ngồi tự nhiên dọc theo con đường này. Sau mộ của Absalom là các ngôi mộ khác giống như những kẻ bàng quan khổng lồ há hốc miệng ngắm nhìn khách qua đường ban đêm. Con đường bỏ lại thung lũng mồ mả đàng sau và dẫn tới “vườn chân núi”. Đây là vườn Gethsimani.
Rõ ràng đêm nay Đức Giêsu không có ý định đi Betania như thói quen. Người không đi đến đó nữa vì đang bị các kẻ thù đe dọa. Đêm cuối cùng Người không muốn gây phiền hà cho các bạn thân thiết. Cuộc Khổ Nạn đã bắt đầu. Ngày mai Người sẽ gặp cái chết và nấm mồ. Như lệ thường Đức Giêsu vào vườn với nhóm Mười Hai và lúc đầu xem ra mọi sự không có chi thay đổi, ngoại trừ Người chọn riêng ra ba tông đồ: Phêrô, Giacôbê và Gioan, những kẻ Người quí mến đặc biệt, mặc dù tất cả các tông đồ đều được Người yêu dấu. Người truyền các ông khác ngồi trên đám cỏ chờ đợi, như thể chẳng bao lâu Người sẽ trở lại với họ, và tiếp tục bài diễn từ hoặc đi tiếp lên đỉnh núi.
Nhưng lúc này linh hồn vĩ đại ấy, vốn vẫn dũng cảm phi thường, thì lại rùng mình sợ hãi vì viễn tượng kinh hoàng trước mắt. Tấn kịch bi thảm sắp diễn ra làm Người chết điếng. Phúc âm thuật lại: “Người cảm thấy hãi hùng xao xuyến” (Mc 14,33). Người quằn quại như không còn khả năng ở một mình với cơn ác mộng. Người tiết lộ nó cho các môn đệ, lo lắng như thể giải thích cho họ sự thay đổi đột ngột phong thái bình thường của mình: “Linh hồn Thày lo buồn đến chết được”. Đấng Toàn Năng như các tiên tri loan báo, cố vấn kỳ diệu, kẻ chiến thắng sự chết và tử thần, lại xem ra ngã quị trước viễn tượng khổ giá. Người yêu cầu các môn đệ giúp đỡ: “Anh em ở lại đây mà canh thức với Thày”. Người khẩn khoản họ (Mt 26,38). Nhiều lần Người từng dặn dò các môn đệ “canh thức”, nhưng chưa lần nào nói “với Thày” như hôm nay. Cho nên vấn đề không phải là canh thức suông mà còn là lòng thương cảm của họ.
Rồi Người bắt đầu cơn hấp hối vượt khả năng hiểu biết của chúng ta. Điều này chẳng bao giờ tiết lộ cho loài người. Xin lưu ý là khi khởi sự cuộc sống công khai, cũng như khởi sự thương khó, Đức Giêsu luôn đi vào hoang địa. Nhưng hoang địa của linh hồn Người trần trụi và man dại hơn hoang địa của Gioan tiền hô rất nhiều, vì bị tước đoạt hết mọi ủi an.
Các tác giả Phúc âm không chỉ nói Người quì xuống đất mà dùng từ xấp mặt xuống hay ngã xấp xuống đất. Tức nằm phủ phục xuống đất. Một chén đắng mà Người không thể uống đã được Thiên Chúa đề nghị. Thân mình Người run rẩy khiếp sợ, đến nỗi nước mắt trào ra còn lẫn cả máu nữa. Người đã khóc với toàn bộ tồn tại của mình. Người khóc như một người rướm máu. Và đối với Người máu và nước mắt ấy là giọt sương của đêm cuối cùng trên trái đất. Câu nói: “Linh hồn Thày buồn sầu đến chết được” chưa bày tỏ hết thực tế. Lo buồn của Người vượt qua giới hạn của cái chết, vì chết chỉ đụng đến thân xác, và thân xác chỉ chịu đựng được có giới hạn. Chúng ta biết rằng có những nỗi khổ đau làm tan nát trái tim. Nhưng nếu muốn Thiên Chúa có thể trợ giúp sự yếu đuối của linh hồn, ngõ hầu tinh thần có khả năng chịu đựng xa hơn. Lúc này đối với Đức Giêsu, thần chết đã đứng ngoài ngưỡng cửa của cơn hấp hối. Nhưng về phần linh hồn thì không có giới hạn như vậy. Chén đắng chồng chất chén đắng cho tới khi giá gỗ tới như một giải thoát. Ai có thể thâm nhập được vào những đoạn trường này? Sau những giọt nước mắt hòa lẫn máu ấy, ai có khả năng mô tả? Còn bao nhiêu máu và nước mắt nữa tắm gội linh hồn Đấng Cứu Thế? Nó giống như dòng thác đổ vào vực thẳm của đại dương?
Loài người chúng ta chẳng bao giờ có khả năng thấu hiểu viễn tượng khủng khiếp của Đức Giêsu, chỉ có thể phỏng đoán chút ít. Trên hiện trường thì là cái sầu khổ, đau đớn và cái chết. Đột nhiên hình bóng cây giá gỗ xuất hiện trước mắt Người. Cho rằng ý nghĩ về thập hình đã thường xuyên hiện diện trong tư tưởng của Người và Người đã chấp nhận nó ngay từ đầu. Người đã từng nói tới trong các bài thuyết giảng, thí dụ trong Gioan Người nói: “Chính vì giờ này mà Con đã đến” (12,27). Nhưng chúng ta không biết được tất cả sự hãi hùng bất ưng mà viễn tượng mang lại cho Chúa, sau thói quen suy tư làm cho đường nét của nó trở thành lu mờ. Khi đau đớn thâm nhập toàn bộ thân xác, và toàn bộ tâm trí tập trung vào hình ảnh của khổ nạn, thì sự hành hạ vượt ra khỏi mọi giới hạn. Đó là tình huống của Đức Giêsu xét như con người lúc này. Thánh vịnh 54 (5-6) mô tả: “Nghe trong tim mình đau thắt lại, bóng tử thần khủng khiếp chụp xuống con. Bao run sợ nhập cả vào người, cơn kinh hãi tứ bề phủ lấp'. Ứng nghiệm vào Đức Giêsu thật chính xác. Người bị đánh đòn trong tư tưởng và đóng đinh trong ý nghĩ trước khi sự việc xảy ra. Viễn tưởng đó kéo lê Người qua mảnh vườn, dốc ngược lên nhà Anna, tới chỗ ở của Caipha. Cho đến đồn binh Antonia, dọc theo các phố xá, đến lúc chết và mai táng trong mồ. Người trông thấy tất cả, và có lúc Người bị ám ảnh rằng chẳng làm thế nào thoát được. Mặt úp xuống đất, tay giang thẳng, Người phải nếm sự cay đắng tột cùng của kiếp người cô đơn.
Mở rộng sự đơn độc ra chút nữa và nếu không cho phép một suy tư về an ủi nào len vào trong sự đơn độc của Chúa, chúng ta thấy gì? Thấy không chỉ thập giá của Người mà muôn vàn thập giá khác nữa. Giống như thung lũng Giosaphat, mồ mả nọ chồng chất mồ mả kia, hàng hàng lớp lớp chen chúc nhau dày đặc cả triền đồi, và những triền đồi bên cạnh. Cũng vậy thập tự trên ngọn Calvario của Đức Kitô và khắp miền lân cận. Thập giá chồng chất lên thập giá. Khổ hình chen chúc khổ hình, giá gỗ xô đẩy nhau, đủ mọi kích cỡ, đủ mọi loại gỗ. Cái thẳng cái cong, cái đứng cái nằm, cái khô héo, cái mục nát nằm la liệt tựa như những thân cây đợi mục nát. Một rừng rậm thập ác bao phủ khắp núi đồi, lấp đầy các thung lũng, vực thẳm. Các đại dương biển cả được chúng san bằng. Từng đoàn tàu bao la chạy trên nước mắt và tiếng thở dài.
Con người đến thế gian để cứu vớt nhân loại. Người mang lấy gánh nặng của anh em mình. Đau đớn Người gánh chịu không phải của riêng mình mà của toàn thế giới. Người sẽ thắng vượt đớn đau bằng chịu đựng hy sinh, tương tự như chết để chinh phục tử thần. Người bám chặt vào buồn đau nhiều hơn là đau khổ bám lấy chúng ta. Nhờ đó, cho nên mọi nỗi buồn đau không còn vị đắng nữa.
Tuy nhiên, nếu như sự thương cảm của Người sinh ơn ích cho nhân loại thì Khổ Nạn của Đức Kitô còn phải chinh phục một chiến thắng khác nữa. Thế giới còn một điều ghê gớm hơn giá gỗ nhiều. Điều đó mới là nguyên nhân dựng thập tự lên tại ngọn đồi Calvario, thánh giá và đau đớn chỉ là hậu quả. Hình phạt cũng chỉ là điều theo sau. Chẳng ai dám chối bỏ sự thật ấy. Điều ghê gớm đó là tội lỗi, và loài người là những tội nhân.
Xin nhìn thẳng vào sự thật đau đớn này, đừng tránh né, đừng biện minh, hay bằng lòng giả tạo, nhưng hãy giãi bày rõ ràng bản án này ra ánh sáng vĩnh hằng. Vĩnh hằng là quan tòa đích thực. Vĩnh hằng hiểu thấu thời gian là đáng giá nhưng vĩnh hằng kết án nó. Vì nhân loại đã đi lạc hướng. Tác giả thơ Gioan nói: “Tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của ác thần” (1 Ga 5,19). Cho nên không có chi lạ nếu như người trưởng tử của nhân loại, Đấng đã vui lòng gánh lấy tội lụy của chúng ta, cảm thấy khiếp sợ, đúng như Thánh vịnh nói: “Bẫy tử thần ập xuống trên tôi” (Tv 17,6) khi Người trả món nợ tinh thần trên cây gỗ cho nhân loại. Một mình Người gánh vác sức nặng của mọi tội khiên: “Người đã trở nên sự tội vì chúng ta” (2 Cr 5,21). Lúc này không phải Adam cũ đứng trước tòa án Thiên Chúa, mà là con người mới. Đức Giêsu là Đấng “nhìn thấu vực thẳm” (Daniel 3,55). Và vực thẳm vĩ đại nhất vũ trụ là cái ác luân lý. Người cảm nhận sức nặng ghê gớm của tội lỗi trong mọi thời đại, giống như người khổng lồ của một chuyện cổ dưới quả núi to. Gánh nặng tiêu hao hết sức lực của Người và cần phải có liên kết cố gắng của tất cả các linh hồn trung thành để nâng nhẹ nó lên.
Xin nhớ Đức Giêsu từng là vị y sĩ chữa lành mọi bệnh tật của chúng ta bằng đau đớn của mình. Nhưng cái bệnh khó chữa trị nhất là tội lỗi. Người có tầm nhìn mà chúng ta không có, sự yếu đuối của mỗi người bịt mắt họ không cho xem thấy cái nhìn của Đức Giêsu. Người trông thấy rõ sự quỉ quái và khốn nạn trong thế giới mà chúng ta mù tối. Nếu như chúng ta được xem thấy mọi cơn hấp hối, mọi gian ác lan tràn khắp thế gian như Người thì ai có thể sống nổi? Nếu như mỗi người nhìn thấy những lỗi lầm riêng của mình, mặt đối mặt, thì liệu còn dám giơ mặt ra cho thiên hạ coi? Khả năng tự lừa dối mình là vũ khí bảo vệ của chúng ta. Nhưng Đấng trông thấy hết, thấu suốt hết không sợ một sự che đậy nào, bao lâu mà Người chưa sử dụng quyền năng lướt thắng cái ác. Lúc này Đức Giêsu đưa mắt nhìn đến quyền năng đó, và cố gắng lấy chút an ủi khi nghĩ đến hậu quả của nó.
Người xuống trần gian từ thiên đường là để biến đồi thế giới thành địa đàng. Nhưng liệu Người có cảm thấy mình đã quăng địa đàng vào vũng bùn nhân loại? Niềm an ủi của Người là cân bằng thánh giá với sức nặng của tội lỗi và đớn đau. Người hy vọng thánh giá đủ nặng để đối phó với mọi sự dữ. Nhưng giả dụ thánh giá là một thất bại?...
Dĩ nhiên chẳng ai cho phép như vậy! Nó là một vũ khí vô địch, luôn chiến thắng! Nhưng như chúng ta từng biết, lúc này Đức Giêsu chỉ cảm nghiệm đau đớn mà thôi, và trong tình trạng ấy làm sao thấy được chiến thắng? Cho nên vì tính tương đối của nó, thánh giá chỉ còn trong ý nghĩ như một tai họa!
Đàng khác, một tướng lãnh sẽ chẳng bao giờ kinh nghiệm thắng trận khải hoàn nếu ông ta chỉ tính đến thương vong, tù binh, thiệt hại vật chất, vị trí chưa chiếm được, sức mạnh và cơ hội của kẻ thù để so với thành công nhỏ nhoi đạt được và chương trình còn lại bao la? Tính toán như vậy ông sẽ đánh mất hiệu quả thắng lợi. Nếu ông ta quá nhiều tham vọng về của cải, ông sẽ coi chiến thắng như một sự đảo ngược. Bởi lẽ ông phải trả giá quá đắt cho một thành công không cân xứng. Đó không phải là ý nghĩa của sự đảo ngược chiến thắng sao?
Tham vọng của Đức Kitô không có giới hạn. Nó vô biên, chẳng chi thỏa mãn nổi. Chỉ một linh hồn mà thôi, Người cũng sẵn sàng dốc hết máu mình ra, dốc hết trái tim ra. Chính vì lý do đó khi một linh hồn bị mất, dù chỉ một mà thôi, thì Người cũng cảm thấy phải bỏ lại 99 linh hồn khác để đi cứu vớt linh hồn thất lạc. Dụ ngôn Người kể nói lên chân lý ấy “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao?” (Mt 19,12).
Và bao nhiêu con chiên đã đi lạc, thì như máu của mục tử đã đổ ra trên chiếc gậy của ông ta? Thập giá đã được trồng trên Núi Sọ như điểm qui tụ cho nhân loại, thì bao nhiêu đã tập họp về, bao nhiêu ngoảnh mặt đi? Chẳng ai biết được! Nhưng hy vọng vẫn còn rộng mở. Bởi vì nếu có những người không ở trong đàn chiên hữu hình thì có thể đang tìm được chỗ ẩn náu trong đàn chiên vô hình! Có những kẻ còn tản lạc trong thời gian có thể sẽ qui tụ trong vĩnh hằng. Tận cùng của mọi tận cùng còn đang là một ẩn số đối với loài người chúng ta. Một bài toán không có lời giải đáp là liệu con số các linh hồn được cứu độ đông hơn hay nhỏ hơn kẻ bị trầm luân? Điều chắc chắn là hỏa ngục hiện hữu và có người ta ở đó, trong khi Đức Kitô ấp ủ một thiên đàng.
Hơn nữa, Đức Giêsu còn là người tổ chức trái đất, Người có kế hoạch cho đời sống các cộng đồng, cho thành thị, xóm làng, các nền văn minh, cho thế hệ tương lai. Không phải ở hình thức bề ngoài, nhưng cốt yếu là tương quan giữa các nhân vị tùy thuộc vào học thuyết luân lý, Người dạy dỗ và đưa vào mục đích mà Người chỉ định cho toàn bộ trật tự loài người. Chương trình này sẽ ra sao? Thập tự sẽ để lại dấu vết nào trong lịch sử nhân loại? Sĩ số tín hữu tốt hơn, đông hơn chư dân? Tất cả còn là màu nhiệm tối tăm. Công việc thì nặng nhọc, kết quả sờ mó được vẫn còn nhỏ bé và chậm chạp pha trộn với những thụt lùi và đảo ngược, đôi khi khiến người ta thắc mắc: Rồi ra hạ hồi kết thúc thế nào? Thật là một viễn tưởng ghê sợ cho Đấng đem lửa ném vào thế gian!...
Cuối cùng, hãy nhân những khổ đau này với nhau và tưởng tượng thân xác Người đang chảy mồ hôi máu, linh hồn Người đang làm mồi cho mệt mỏi rã rời và linh cảm về khủng khiếp sắp tới, trái tim buồn đau vì con cái phản bội tình yêu Thần linh, sinh lực cạn kiệt vì cố gắng xem ra vô ích, để rồi bạn thấu hiểu được sự hành hạ của Người đi xa tới đâu. Người dìm sâu linh hồn vào biển đắng buồn sầu với thích thú tàn nhẫn và không để hy vọng giảm bớt. Bởi chính ngài là lý hình của riêng mình. Hơn một lần Phúc âm nhắc: “Người làm khổ mình”. Người liên minh với toàn thể vũ trụ tấn công mình và thực sự linh hồn Người rơi vào tối tăm.
Tuy nhiên ở đây không thể có yếu đuối về luân lý. Người có ý chí để chịu đựng, đúng hơn, Người khiêm nhường gánh chịu đau khổ am hợp với chương trình cứu độ. Cho nên Người không quản ngại bất cứ đau đớn, buồn sầu nào, tất cả những chi kẻ thù Người phát minh ra. Tuy nhiên họ chỉ có khả năng đụng chạm tới thân xác, còn những chi họ không làm được thì chính Người áp đặt cho mình.
* * *
Mười hai tông đồ hiện thời ở đâu? Nhóm chính đông nhất đang nằm gần cửa vườn. Và vẫn còn ở đó cho đến khi quân thù tới để bắt Thày đi. Còn ba tông đồ khác Phêrô, Giacôbê, Gioan được Đức Giêsu lựa chọn riêng ra để chứng kiến sự yếu đuối của nhân tính Người. Nhóm được ngài khiêm tốn cầu cứu trợ giúp yên ủi thì nằm một khoảng cách xa chừng “ném viên đá”, tức phỏng 4 mét, đủ để nghe thấy tiếng rên rỉ của Người và nhận ra sự kiệt quệ của Thày Chí Thánh đang quằn quại khổ đau, nhưng lại ngủ khì.
Pascal nhận xét: “Chỉ một lần trong đời Đức Giêsu yêu cầu trợ giúp và Người chẳng nhận được” (Le mystère de Jesus). Ba linh hồn Chúa liên kết mật thiết trong mọi bước quan trọng của quảng đời công khai, biến họ thành kẻ chia sẻ các bí mật, chứng kiến con gái ông Giarô sống lại, tham dự vào buổi biến hình trên núi, và lúc này cho họ được thâm tín bằng chứng cụ thể về sự đuối nhân tính, thì lại lãng quên bỏ mặc Người.
Chẳng những họ không chia sẻ những khắc khoải cuả Thày Chí Thánh mà ngay cả chẳng hiểu biết chi. Toàn bộ tấn kịch đau thương được diễn ra đơn độc giữa Đức Giêsu và thiên giới mà thôi. Thực vậy ở giai đoạn khởi đầu, thế giới siêu nhiên đã bỏ mặc Người đối với chính mình, chịu đựng những dằn vặt: Xấp mình xuống đất, đứng dậy khẩn cầu trợ giúp, lại phủ phục dưới đất, nhưng vô ích. Người chẳng tìm được nghỉ ngơi ở đâu cả, dù là ít ỏi nhất trong con cái loài người.
Và sự bỏ rơi này cũng là một phần của thảm kịch “chén đắng” mà Người phải uống. Bị nguyền rủa vì nhân loại, Đức Giêsu phải mang lời nguyền rủa một mình, có thể là thằng phản bội canh thức, nhưng các môn đệ của Người ngủ cả. Như vậy, đối với Đức Giêsu, điều còn lại là hoàn toàn phó thác vào cánh tay Cha Người, bởi lẽ các tông đồ ngủ cả và kẻ thù đang tới gần.
Đó là điều Người thực sự làm, nhưng tâm trí Người còn bị quấy rầy vì giấc ngủ sai lầm của các môn đệ. Người gạt bỏ tư tưởng bất tiện ấy đi, cũng không nghĩ nữa về sự trợ giúp an ủi mong đợi ở các con cái loài người. Người trở lại với họ và khiển trách dịu dàng: “Các con không canh thức được với Ta một giờ ư?” (Mt 26,40). Trong Phúc âm Marcô người ta đọc thấy Chúa trách móc thẳng Simon Phêrô: “Simon anh ngủ à? Anh không thức với Thày một giờ sao?” (Mc 14,37). Chúa gọi Simon bằng tên cũ, lúc ông chưa được Chúa chọn, tức ông chưa là Tông đồ, chưa phải “Đá Tảng”. Viên đá đáng thương. Simon khốn khổ luôn tự phụ và yếu đuối.
Một mình Marcô ghi lại chi tiết này. Các Phúc âm khác không gọi rõ rệt tên Phêrô, để làm đối tượng trực tiếp cho lời khiển trách. Liệu Marcô có dụng ý? Đúng thế, Phêrô khiêm tốn gọi tên mình qua người thư ký. Marcô không thương xót Phêrô, vì Phêrô đã không buông tha cho chính mình. (Cha J.Lagrance: L 'évangile de saint Marc).
Một lần nữa và bằng giọng nói nghiêm trang như thói quen, Đức Giêsu thúc giục các môn đệ tỉnh thức. Nhưng lúc này vì lợi ích của họ chứ không phải của Người: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”. Phúc âm Mattheu dùng cụm từ “kẻo lâm vào”, Luca cũng sử dụng từ “kẻo sa vào” có ý nói: Cám dỗ là một cái bẫy nếu không tỉnh thức, ắt sẽ bị sập bẫy. Người còn thêm: “Tinh thần thì hăng hái, nhưng xác thịt lại yếu đuối”. Cuối cùng sau khi đã hai lần rời bỏ họ, thì lần thứ ba Người trở lại dứt khoát. Hình như Người trộn lẫn trách móc với chút mỉa mai buồn rầu: “Lúc này mà còn ngủ nghỉ sao? Thôi đủ rồi. Giờ đã điểm, này Con người bị nộp vào tay phường tội lỗi” (Mt 14,41). Như thể Người muốn nói: Rõ thật những kẻ vô tâm, Thày thế này mà còn ngủ được à? Các anh ngủ, trong khi Thày đang trong cơn hấp hối! Phải chăng các anh cũng âm mưu với những tên tội lỗi mà đóng đinh Ta? . Như vậy lời trách móc có tính đời đời mà Đức Kitô dành cho mọi nơi mọi thời khi họ lãng quên cơn hấp hối vĩnh hằng của Người trong công trình và trong Thân Mình Màu Nhiệm Người: “Đức Giêsu lâm cơn hấp hối vĩnh hằng cho đến tận cùng thế giới và chúng ta không được thiếp ngủ trong suốt dọc thời gian đó”.
Lúc này thì Người tìm ra nguồn trợ lực mà Người cần. Ba lần con người của đau khổ gõ cánh cửa mà luôn mở ra cho một lời cầu khẩn chân tình. Người cầu nguyện và như Luca mô tả: “Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin” (22,44).
Theo thói quen Do thái, khi gặp khó khăn cực kỳ, người ta khẩn nguyện ba lần. Đức Giêsu làm đúng như vậy. Người cậy trông vào lòng dịu dàng của Cha Người: “Abba, Cha ơi!” và thêm: “Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con” (Mc 14,36). Nhưng còn có điều kiện: “Nếu có thể được” (Mc 14,36). Nếu lời cầu xin không hợp lý thì Người hoàn toàn tuân phục Thánh Ý Cha Người: “Đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36).
Nói khác đi, Người thực hành nội dung “Kinh Lạy Cha”. Chủ tâm của Đức Giêsu khi dạy dỗ nhân loại kinh ấy là cố gắng điều chỉnh ý riêng của mỗi người am hợp với Thánh ý Đức Chúa Trời, chứ không uốn cong ý Thiên Chúa vào ý định của mình. Và khi khuất phục linh hồn vào trạng thái tùng phục Thiên Chúa, Người được bằng an hoàn hảo. “Đứng dậy cả, ta đi nào”. Đức Giêsu đã lấy lại được can đảm. Người trở về thượng giới và sau khi gạt qua sự yếu đuối của thời gian, Người lại hòa điệu với lệnh truyền của muôn thuở. Vì trong sự hoang dại của nội tâm Người đã nhận được thiên sứ viếng thăm. Một thiên thần đã hiện ra với Người và giống như Môsê và Eâlia trên núi Tabor, người anh em này nhắc nhở Người về vinh quang của cây thánh giá. Từ đó Người tỏ thái độ cứng rắn đối với tất cả những chi mang đến: Hãy mặc chúng bắt trói, Người đưa tay cho mà còng. Hãy để chúng ngược đãi, Người đưa má cho mà vả, đưa cằm cho giật râu. Hãy mặc chúng kết án và xử tử, Người chỉ trả lời bằng yên lặng và kiên nhẫn. Sau Giuđa phản bội, bất cứ người nào cũng có thể hành hạ Người thể chất và tinh thần. Người sẵn lòng mang thương tích sau khi chịu đựng cái hôn giả dối của tên phản bội.
* * *
Bằng con mắt tâm hồn Đức Giêsu nhìn ngắm vườn Gethsimani và nơi tạm trú um tùm những lá từ trên giá gỗ. Cơn ác mộng đêm qua chiều nay thành hiện thực. Người can đảm chấp nhận và tâm trí được bình an. Người hẹn gặp mỗi người chúng ta tại khu vườn này khi giờ kinh hoàng của mỗi người ập tới. Người sẽ làm cho điểm gặp gỡ này rất cụ thể bằng cách cho phép một vài nhân chứng của cơn hấp hối xưa, còn tồn tại tới hôm nay? Thí dụ một số cây Oliva thế hệ này qua thế hệ khác bên cạnh thân cây đã trở thành thập tự đáng kính nhớ nhất toàn cầu? Chúng ta hy vọng như vậy. Rồi chúng ta tự nhủ: Ừ phải rồi, Đức Kitô đã ký thác nỗi sầu đau tột cùng của Người vào thân cây này. Có lẽ đây là một trong những cái rễ khổng lồ mà Đức Kitô đã phủ phục vào giờ định mệnh ấy? Những thân cây hóa đá này, sẽ trở thành những chiếc cột của đền thờ cầu nguyện và cành của nó làm mái che?
Nhưng điều chi là đáng kể sau tất cả những giả thiết đó? Nếu như “xác thịt nào có ích chi”, thì cái vỏ của cây Oliva chẳng cần thiết nữa. Tinh thần có thể tìm ra được bất cứ nơi đâu mà nó chọn để theo đuổi điều ấy. Vườn Gethsemani ngay trong tim của người ta và chúng ta có thể tìm thấy dấu vết Máu Người đổ ra. Ở đấy chúng ta cũng có thể ngắm xem bóng dáng Người in đậm cát bụi ấm áp. Điều cần thiết là khóc như Đức Giêsu đã khóc.
* * *
Khi họ rời căn phòng mà Chúa đã hiện ra với họ. Đức Kitô phục sinh dẫn các môn đệ tới Betania và Người giơ tay lên chúc lành cho các ông. Đang khi chúc lành cho họ, Người rời khỏi họ và được đưa về trời (Lc 24, 50-51).
Khi nói: “Ta lên cùng Cha Ta, cũng là Cha các con, lên cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa của các con” (Ga 20,17). Người chẳng thể minh bạch hơn - Sự thực Người đã bày tỏ với các ông nhiều lần như vậy - Số phận của Người là số phận mỗi người chúng ta. Hiệu quả những đau buồn của Người cũng giống như chúng ta. Những lời Chúa nói lúc long trọng rời các ông dịu dàng biết bao! Nó giống như Người đang đứng bên bờ của các màu nhiệm thiên giới: “Cha Ta cũng là Cha các con, Thiên Chúa Ta cũng là Thiên Chúa các con!”. Như thế, chính xác chúng ta và Đức Kitô chỉ có một Cha, rằng chúng ta là thành phần của gia đình thần linh, rằng Người không dùng hình ảnh biểu tượng khi nói Người trở về cung lòng Đức Chúa Cha là để chuẩn bị “chỗ ở” cho mỗi người chúng ta.
Như vậy mỗi người đều sẽ có một cuộc “lên trời” hay tối thiểu một chỗ ở được chuẩn bị sẵn! Trước hết là cuộc “thăng thiên” tinh thần. Rồi ở cuối thời gian, cuộc “thăng thiên” như Đức Giêsu: “Hoa quả đầu mùa của những kẻ phải chết” sẽ đưa anh em mình vào chuyến xe lửa tốc hành về thiên cung. Thủ cấp của Thân Mình Màu Nhiệm đã lên trời thì tất nhiên các chi thể sẽ theo sau một ngày nào đó.
Xin chú ý đừng hiểu nghĩa của các từ: thiên giới, thăng thiên, rời bỏ quá thiển cận vật chất. Thật phù phiếm khi mơ tưởng những giấc chiêm bao khờ dại. Chỉ nên cớ cho thiên hạ chê cười. Thực tại thiêng liêng chẳng liên hệ gì đến những thứ đó. So với vũ trụ thì ngọn núi Olivêtê bé xíu mà Đức Giêsu trên thập tự đang ngó nhìn chẳng thấm thía vào đâu. Vậy lúc thăng thiên, Người sẽ đi về đâu? Và những người ở phía bên kia địa cầu ra sao? Hoặc các nhà thiên văn học há hốc miệng lạ lẫm trước quang cảnh bầu trời trăng sao?
Không thể hiểu theo nghĩa vật chất được! Ngôn ngữ Phúc âm dùng ở đây mang tính biểu tượng cao mà thôi. Đức Giêsu tiến vào thực tại trước mắt các Tông đồ, nhưng không phải theo nghĩa thẳng băng như dây dọi thợ nề. Người không hề chịu định luật thiên nhiên nào chi phối. Các đám mây trợ giúp Người chỉ trong khoảnh khắc. Ở vấn đề này không gian chẳng có ý nghĩa gì. Thiên đàng đúng ra không phải là nơi chốn mà là trạng thái. Nếu chúng ta chỉ tính riêng linh hồn, thì thiên đàng ở đâu? Và nếu chúng ta xét theo phần xác, hoặc linh hồn kết hợp với một thân xác, thì liệu Thiên Đàng đồng nghĩa với Nước Trời, trong đó chúng ta cùng hiển trị với Thiên Chúa?
Cho nên, nói theo vật chất thì thiên đàng là toàn bộ vũ trụ. Nhưng xét về tinh thần thì thiên đàng hay thiên giới là chính Đức Chúa Trời và trạng thái linh hồn được hợp nhất với Người. Chúng ta được hòa hợp với thiên đàng sống động đó bằng tình yêu và trí tuệ. Với loại thiên đàng khác tức là toàn thể vũ trụ, chúng ta có khả năng hòa điệu mình nhờ tặng phẩm mới, ân huệ mới, phẩm chất mới mà Đức Giêsu phục sinh bày tỏ rõ ràng trong thân xác Người. Cuộc sống vĩnh hằng khiến linh hồn và thân xác trở nên tinh thần tinh ròng. Người ta gọi là thân xác được tinh thần hóa. Thánh Phaolô đã nói về trạng thái này như một bằng chứng.
Vậy xin rũ bỏ mọi giấc mơ duy vật, ngay cả ở hình thức thần tiên mà xem ra có chút ít lôi cuốn tâm trí. Phụng vụ nói: “Đức Chúa Trời đẹp đẽ hơn các trăng sao, và oai phong Người vượt quá tầng mây”. Đức Giêsu lên nơi Người đã ở trước, và mang chúng ta đi theo mình vào bên hữu Thiên Chúa Cha, nghĩa là vào cung lòng Thiên Chúa Ba Ngôi, sống thân mật với thần linh vĩnh hằng. Đây là số phận của trưởng tử trong các loài thụ tạo và cũng là số phận của toàn thể nhân loại.
(1863-1948)