I. “Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ Người phải lià bỏ thế gian mà về với Đức Chúa Cha, Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Lời mở đầu cao siêu này của thánh Gioan dẫn vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và mãi mãi là một nhập đề xứng hợp, để dùng cho mọi suy tư về các biến cố của Thứ Năm Tuần Thánh hoặc về bất cứ sự kiện nào xẩy ra trong nhà tiệc ly liên quan đến phần rỗi chúng ta.
Thiên hạ thường gọi gian phòng Chúa Giêsu ăn bữa tối sau hết với các môn đệ là phòng “tận điểm của tình yêu”. Nó là “gian phòng trên lầu” tại ngọn núi Sion, ngay phía nam của Calvario, và khi Chúa chịu đóng đinh, thì ở phía tay phải của Người, xa chừng gần cây số.
Các truyền thống công giáo tiên khởi cho rằng chủ nhân là một môn đệ của Chúa, trong nhà ấy Người đã thiết lập bí tích Thánh Thể và cũng nơi ấy Thánh Linh ngự xuống trên Đức Mẹ và các Tông Đồ.
Một số học giả biện luận rằng hai biến cố không thực sự xẩy ra ở cùng một nơi. Nghi ngờ ấy có chút cơ sở, vì Phúc âm không rõ ràng về điều này. Tuy nhiên, chứng cớ có khá đầy đủ cơ sở để bác bỏ ý kiến ấy, và chấp nhận sự thật là cùng một địa điểm.
Trước hết, Chúa Giêsu và các môn đệ dùng bữa vượt qua phải ở nơi quen thuộc để có thể hành động tự nhiên, thoải mái. Bất cứ lúc nào họ lui tới cũng được đón tiếp tử tế. Và tại Giêrusalem họ không có nhiều điạ chỉ như vậy, vì con chồn có hang, con chim có tổ, Con Người không có chỗ ở. Hơn nữa, căn phòng sau này sẽ là ký ức sâu đậm nhất cho các môn đệ, bởi lẽ nó đã chứng kiến lời nói cuối cùng của Thày Chí Thánh, lời bày tỏ tình yêu tột độ cho họ và chứng kiến việc thiết lập bí tích Thánh Thể, màu nhiệm cao nhất mà thế giới được biết tới.
Chắc chắn Đức Giêsu ao ước rằng hai biểu hiện sản sinh một hiệu quả ấn tượng mà người ta có thể nghĩ tới, rằng nếu Người tách biệt hai sự kiện ở hai nơi, sự kiện nói lời cuối cùng trong bữa tiệc ly, tức bữa tiệc tạ ơn và từ giã một nơi, nơi khác lời hứa ban Thánh Thần và việc Người trở lại, thì đương nhiên Người làm suy giảm ấn tượng Người muốn có.
Chúng ta còn có thể thêm lý do thứ ba mang tính liên kết tôn giáo giữa hai biến cố: Việc thiết lập bí tích Thánh Thể và Đức Thánh Linh hiện xuống, phải xẩy ra ở cùng một địa điểm, bởi vì đều có một ý nghĩa, một thực tại: Chúng là hai bí tích phát sinh chung một hiệu quả. Chúng là hai luồng gió của một hơi thở. Thịt và Máu Đức Kitô chỉ ban sự sống đời đời, khi ban Thần Khí của Người cho chúng ta - “Xác thịt nào có ích chi?” - Thần Khí ban sự sống cho những ai kết hợp với Mình Máu Thánh Chúa. Sự hợp nhất màu nhiệm này là hiệu quả của hiến tế Vượt Qua.
Sách “Didascalia các tông đồ” còn đưa ra luận cứ thứ tư cũng theo quan điểm của Hội Thánh. Sách viết: “Giống như Màu nhiệm Mình Máu Chúa đã được cử hành lần đầu tiên ở phòng trên lầu, sau đó lan tràn toàn thể thế giới thì cũng vậy từ phòng trên lầu khởi sự việc rao giảng phúc âm của Người, rồi truyền ra khắp vũ trụ”.
* * *
Tương tự như ngày xưa thời còn ăn manna Israel đã dựng lều ở dưới bầu trời thì ngày nay, thế giới sẽ thiết lập nơi cư trú tinh thần của mình tại nhà tiệc ly, chẳng cách bao xa ở phía bên phải thánh giá. Đúng vậy, căn phòng này đối với Chúa Giêsu là khởi điểm công trình của Người giống như ngôi làng nhỏ bé Bethlehem là nơi chôn nhau cắt rốn. Do đó phòng tiệc ly là Bethlehem thứ hai tức chiếc lò bánh thứ hai (Bethlehem có nghĩa là lò làm bánh).
Bàn tiệc thịnh soạn của vũ trụ đã được dọn ra ở đấy trong một buổi chiều vàng. Từ bàn tiệc này, ít ngày nữa, quyền năng Thần Khí sẽ bung ra hành động. Phép lạ vô hình của chiều thứ Năm Tuần Thánh sẽ là khúc dạo đầu của những kỳ quan hữu hình. Nhưng nào ai có thể nói được cái phép lạ vô hình đó lại chẳng sản sinh hiệu qủa lạ lùng hơn sao? Phải chăng Thiên Chúa không từng thực hiện các công trình của Người qua trái tim Con Người?
Đang khi chịu đựng khổ hình, Đức Giêsu không cần phải quan tâm đến tương lai trực tiếp của Giáo Hội. Bởi vì thiên đàng sẽ làm việc ấy. Ngay cả hiện tại, lương thực đã được cung cấp. Bánh của tương lai đã dọn sẵn sàng rồi! Các lưỡi bằng lửa đã ẩn dấu dưới chiếc vòm tròn của nhà tiệc ly. Gió mạnh còn đang âm ỉû trong đó. Các bàn chân đang chờ đợi để chạy khắp hang cùng, ngõ hẻm của thế giới. Các trái tim đang bừng bừng đốt lửa thế gian. Tiềm lực đang ém nhẹm chung quanh giá gỗ mạnh mẽ biết bao!
Có lẽ điều gây choáng nhiều nhất về cuộc Khổ Nạn là sự quấn quýt của hai luồng màu nhiệm. Thứ nhất mang tính hiện tại đầy đau đớn đến tột đỉnh. Thứ hai sắp xếp tương lai, gieo vãi hạt giống sự sống đời đới vào thế giới các linh hồn. Nghĩa là trong khi tòa án Caipha và hội đồng Sanhedrin đang bàn tính giết Đức Giêsu thế nào, thì Người, chỉ cách xa vài chục mét, đang trù liệu phương thế để tồn tại vĩnh viễn trên mặt đất. Trong khi từng giây phút trôi qua là từng giây phút Người xem ra tiến đến bị sập bẫy của Giuđa, thì Người lại làm chủ cuộc đời mình cách trọn vẹn hơn. Người trù tính lấy cách thức làm hiến tế ra sao, việc tưởng nhớ đến Người thế nào và vai trò các tín hữu tham dự vào hiến tế đó cho đến muôn đời.
Bề ngoài hình như hai sự kiện, hai kế hoạch độc lập. Nhưng thực tế chỉ là một, việc nọ lấn át việc kia, kế hoạch nọ bao trùm kế hoạch khác và Caipha chẳng phải là kẻ quyết định chương trình. Thiên Chúa thành công, loài người chỉ là khí cụ. Cố gắng của Caipha và Sanhedrin chỉ để phục vụ mục tiêu của Thiên Chúa. Thánh Leo nói: “Đây là lý do tại sao Đức Kitô không ngăn cản Giuđa tiến hành tội ác hèn hạ của hắn. Rõ ràng việc này soi rọi ánh sáng chói chang vào tính siêu việt của các hoạt động thần linh và vào sự thực thi chương trình Người quan phòng kỹ lưỡng”?.
Một số người thắc mắc tại sao, khi tìm kiếm nơi ăn mừng lễ Vượt qua, Người không chọn nhà ông Lazarô? Ở đấy thật tiện lợi cho Người và các môn đệ về nhiều mặt? Xin thưa là vì lễ Vượt qua theo tục lệ, phải được ăn mừng ở trong thành thánh. Người Do thái, chứ không riêng gì thày trò Chúa Giêsu, từ khắp mọi nơi trên thế giới, có điều kiện, đều tụ tập về thành thánh Giêrusalem để ăn mừng. Liệu thày trò Chúa Giêsu hà tiện chút cố gắng để chu toàn thói tục?
Ngoài ra, lúc này Người còn có ý định ban lời dạy bảo cuối cùng như là giao ước mới của mình. Vậy sự có mặt của kẻ lạ thật bất tiện, cho dù những kẻ ngoại cuộc đó đã được thâu nhận vào hàng thâm tín như Maria Macđala, Martha, Lazarô. Có một ngày khi Người đang giảng, ai đó đã mách Người mẹ và anh em Người đang tìm cách gặp Người, Người chỉ vào các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi” Như vậy họ hàng thiêng liêng quan trọng hơn. Thiết lập hy lễ hiến tế, chức tư tế mới, công bố giới răn mới, lời hứa ban Thánh Thần đến tăng sức mạnh cho Hội Thánh, những lời tâm huyết giã từ - tất cả đều cần đến một bầu khí riêng tư đặc biệt và chúng ta có thể gọi được là sự thân thiết chính thức, vì tính dịu dàng của hoàn cảnh. Người chẳng thể nhận vào trong vòng thân cận riêng biệt này bất luận ai, ngoại trừ những kẻ Người đã chọn lựa cộng tác với chương trình của mình, tức các bạn hữu theo ý nghĩa pháp lý, những nhà rao giảng, các giám mục tương lai.
Do đó, Đức Giêsu sai hai môn đệ từ núi Olivêtê vào thành phố. Họ sẽ gặp một người mang vò nước. Có lẽ hai môn đệ đã biết mặt người đàn ông này, nên mới có thể nhận ra ông ta. Dầu thế nào đi nữa thì họ cũng phải theo ông ta về nhà, nói với ông rắng: Thày bảo căn phòng Thày muốn ăn mừng lễ Vượt qua cùng các tông đồ ở đâu?”
Căn phòng nói đây, theo cách bố trí của người Do thái là để tiếp tân. Gia đình khá giả nào cũng có, và dành riêng cho khách khứa. Bây giờ được gọi là “đi-văng” (divan). Những lữ hành lỡ đường hay khách của gia đình nghỉ ở đây. Trong Tin mừng Luca Chúa Giêsu gọi nó là phòng “trên lầu” (22,12). Khi Chúa phục sinh và khi Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ, căn phòng được gọi là nơi tụ họp: “trở về nhà, các ông lên trên lầu, là nơi các ông trú ngụ” (Cv 1,13). Như vậy cũng cùng một nghĩa.
Đó là phần cao của ngôi nhà, người Do thái quen dùng vào những dịp hội họp lớn, đặc biệt để tiếp đãi khách khứa. Gia đình gọi là phòng tốt nhất. Thường thường người ta đi vào phòng từ phía bên ngoài để tránh làm phiền những người ở trong, vì phải đi qua những phòng có người hay phòng ngủ ở tầng trệt, người vào phòng trên lầu phải đi qua sân thượng và có các cửa sổ rộng, trừ phi được mở ra sân.
Căn phòng Chúa Giêsu và các môn đệ sử dụng, khá rộng (tiếng Hylạp là Mêga). Lại một chứng cớ khác ủng hộ ý kiến nó cũng là phòng Đức Thánh Linh hiện xuống, trong đó chứa được tới 120 người (Cv 1,15). Phòng được trang bị đầy đủ bàn ghế, gối nệm, thảm sàn.
Khi chỉ đạo cho hai môn đệ với các chi tiết chính xác về những điều họ sẽ nhận được, Chúa Giêsu biết rõ đáp ứng của chủ nhà. Dầu sao đi chăng nữa thì theo thói tục ở Giêrusalem vào các dịp lễ lớn, mọi căn phòng chưa có người chiếm hoặc chưa cho thuê, thì đều được coi là của chung. Bất cứ ai đến trước, đều có quyền sử dụng, không loại trừ. Dĩ nhiên, các khách phải tự lo liệu lương thực, thực phẩm. Đức Giêsu đã đồng ý làm như vậy không những vì tục lệ mà còn vì có lẽ Người muốn bảo đảm tính riêng tư mà Người muốn có với các tông đồ mà không bị người lạ quấy rầy.
Thời cổ xưa, người Do thái đứng ăn lễ Vượt Qua như trong sách Xuất Hành mô tả (Xh 12,11). Nghĩa là thắt lưng tay cầm gậy, chân đi dép và ăn vội vã, ám chỉ việc trốn thoát khỏi Ai cập. Tuy nhiên vào thời Chúa Giêsu tục lệ được đổi lại. Các thày Rabbi cắt nghĩa và chỉ định vị thế ăn mừng lễ cách khác. Các người tham dự nằm nghiêng bên phải ông chủ để ám chỉ nền tự do. Ngay cả các nô lệ, thường ngày bị cấm, nhưng vào dịp Vượt Qua họ cũng được phép làm như vậy để tỏ rõ cuộc giải phóng của dân tộc Israel.
Do đó, các khách ăn chiên mừng Vượt Qua lúc này nằm trên các thảm hay chiếu trải trên mặt đất với cánh tay trái dựa trên gối đệm, tay phải tự do bốc thức ăn. Thực phẩm được đựng trong một hay nhiều điã đặt trên cái bàn thấp, ngõ hầu mỗi người với tới dễ dàng. Thực phẩm lần lượt truyền qua tay các khách ăn. Mỗi người tự lấy hoặc chấm bánh vào điã chung khi cần làm như vậy. “Kẻ cùng chấm bánh với Thày trong một điã...” Sau này Đức Giêsu nói với các môn đệ như thế. Nói một cách chặt chẽ, chúng ta có thể ước đoán người ta đã dùng bàn cao, giường cao hơn như trong “Triclinium”, nhưng chưa phổ thông lắm ở miền Trung Đông.
* * *
Xem ra Đức Giêsu không nghĩ rằng ý định thiết lập Bí tích Thánh Thể miễn trừ Người khỏi cử hành lễ Vượt Qua Do thái. Chính lễ Vượt Qua truyền thống mà các môn đệ nói tới và Đức Giêsu không hề sửa sai họ. Khi truyền lệnh cho hai ông đi sửa soạn phòng ốc thì chính Đức Kitô cũng đã nhắc tới lễ Vượt Qua đó. Mọi sự chuẩn bị là nhằm lễ Vuợt Qua truyền thống. Như vậy Người không hề có ý định bãi bỏ ngày lễ của dân tộc, cũng chẳng biến nó thành trống rỗng! Người đã sát nhập nó vào kế hoạch của mình, và như vậy là cho nó một ý nghĩa tiên tri, nói trước nghi lễ mới. Việc này xảy ra giống như chiếc cổng Ephraim, vào ra bằng các hướng khác nhau. Tín hữu bước vào như người Do thái, và đi ra như Kitô hữu.
Các Rabbi trong nghi lễ Vượt Qua ngồi ở chỗ danh dự, thì Chúa Giêsu cũng chiếm chỗ đó. Nhóm mười hai - gồm luôn Giuđa - xếp thứ tự hai bên tả hữu Thày. Gioan ở chỗ thứ hai, bên phải Chúa vì vậy ông có thể dễ dàng dựa đầu vào ngực Chúa. Phêrô ngay bên Gioan nên nói thầm được với Gioan. Giuđa không xa lắm, vì chỉ một mình hắn ta nghe được lời cảnh cáo của Chúa Giêsu. Phải chăng hắn ở chỗ thứ hai danh dự bên trái?
Đức Giêsu bắt đầu mở miệng và lời nói đầu tiên là: “Thày những khao khát ăn lễ Vượt Qua này với anh em, trước khi chịu khổ hình”. (Lc 27,15). Nó như tiếng thở dài của trái tim, khi Người khởi sự bữa tiệc và Người chờ đợt bữa tiệc sẽ nẩy sinh nhiều hiệu quả to lớn. Nó là khúc dạo đầu của bản hòa âm đàn Harpsichord (tiền thân của dương cầm). Trái tim Thày Chí Thánh đầy ắp rung động, chỉ cần một cử chỉ nhỏ là biến nó thành bản nhạc du dương.
Thông thường, Chúa Giêsu khó có thể bày tỏ trọn vẹn lòng thuơng yêu vì tính nghiêm khắc của các bài diễn từ. Nó quá trang trọng đến nỗi đôi khi Người phải kìm hãm bớt lòng mình kẻo quá đà. Thí dụ: “Này bà, điều ấy liên quan gì đến tôi và bà? Ai là anh em tôi, là mẹ tôi?... Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết!... Hỡi Satan lui ra đằng sau Thày, anh làm Thày vấp ngã”. Nhưng những lời cứng cỏi trên đây là bằng chứng Người hoàn toàn dấn thân cho ý định của Đấng Tối Cao. Và chỉ khi thuận lợi thì Người mới bộc lộ hết mức độ yêu thương dịu dàng.
Bây giờ Người sắp chết, tận cùng đời Người đã gần kề. Ý nghĩ Người sắp lìa bỏ những kẻ Người yêu mến khiến Người không kìm hãm nổi sự dịu dàng đang đè nặng trái tim. Người dốc hết tâm sự lòng mình ra! Thày những khao khát mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em”. Bởi vì đối với Người đây là lễ Vượt Qua cuối cùng. Và đối với đạo Do thái cũng là Vượt Qua hợp pháp sau hết. Ngày mai Do thái giáo sẽ thành bè rối. Tuy hôm nay vẫn còn mang tính ngôn sứ tiên báo.
Đức Giêsu nóng lòng ăn mừng lễ này, vì nó ở bên bờ Nước Trời. Ngày mai là Vượt Qua của kỷ nguyên mới mà Đức Giêsu chịu đóng đinh là thủ lĩnh. Người chính là Vượt Qua của nghi lễ mới. Dấu ấn của đêm nay và ngày mai là đau đớn, buồn rầu và ảm đạm. Nhưng rồi sẽ trở thành thánh lễ của niềm vui.
Một niềm vui buồn pha trộn kỳ lạ. Nhưng người nghệ sĩ thần linh sẽ hòa hợp tất cả những tình cảm qúa trái ngược nhau và đa dạng thành một khúc hoà tấu bất hủ. Trong thánh Luca cung điệu mạnh nhất là lòng khát khao được làm tròn đầy. Trong ba thánh sử khác là cung điệu sầu đau. Phản bội là nốt trung độ. Bóng thập tự che kín bàn tiệc bữa tối. Làm thế nào họ vui tươi đặng? Tuy nhiên không vui mừng sao được khi mà tình yêu đang bộc lộ đến mức tột cùng?
Thực tế, Đức Kitô đã cảm nghiệm mình vượt qua cánh cửa tử thần nên quyết định thiết lập bí tích để tưởng nhớ đến cuộc Vượt Qua ấy! “Bây giờ Thày chẳng còn ở thế gian nữa” (Ga 17,11). Người cảm thấy mình đang ở trong cuộc sống vĩnh hằng và phân phát hoa quả của nó cho nhân loại. Trong cái chết Người được vui mừng quá đỗi!
Lễ Vượt Qua Do thái có thể khởi sự bất cứ lúc nào sau ba ngôi sao đầu tiên xuất hiện trên bầu trời. Thường thường người ta bắt đầu vào tiệc vài phút muộn hơn. Vì vậy trời đã khá nhá nhem và là lúc thuận tiện để bày tỏ nỗi lòng thân thiết. Họ chọn con chiên một tuổi, không đốm đen hoặc không tỳ ố. Nó đã được dâng tiến trên bàn thờ trong đền thánh, rồi được nấu nướng và dọn ra theo nghi lễ. Chúng ta còn tìm thấy dấu vết trong sách Michna.
Trong khi ăn thịt chiên, đứa trẻ nhỏ tuổi nhất trong gia đình đặt câu hỏi về ý nghĩa tượng trưng của bữa ăn và người cha trịnh trọng giải thích cho mọi người nghe: Con chiên tưởng nhớ việc cứu chuộc và giải thoát của Israel vào thời điểm mà thiên thần mang chết chóc đến cho mọi nhà Ai cập. Món hoa quả nấu chín trộn lẫn với nước chấm đỏ nhạt tượng trưng vôi vữa trộn làm hồ xây thành Pithom và Ramsét trong những ngày nô lệ ở Ai cập. Món rau đắng gợi nhớ sự kiệt sức vì lao động khổ sai. Món bánh không men chỉ ý nghĩa tổ tiên trốn khỏi kiếp lầm than vội vàng đến nỗi bột chưa kịp nhào men.
Dĩ nhiên Đức Kitô có đầy đủ quyền năng để ban cho những lời giải thích trên một ý nghĩa mới. Vì Người thực sự biết con chiên Vượt Qua là ai? Người sẽ giải phóng loài ngươì khỏi kiệt quệ và nô lệ nào? Dân Israel mới sẽ được dẫn đi trên cuộc hành trình vội vã nào? Họ phải vượt qua cái ác để tiến tới điều tốt, vượt qua cái xấu xa để tiến đến điều tốt lành thánh thiện, vượt qua kiếp nô lệ tinh thần để được tự do của con cái Thiên Chúa, từ vương quốc quỉ dữ đến vương quốc Đức Chúa Trời trên trái đất này, từ thế giới vật chất tới thiên đàng. Nhưng đây sẽ là nội dung của bài diễn từ chiều nay.
Sau khi người cha gia đình giải thích xong ý nghĩa các món ăn, thì đến phần Hallêl tức hát bài ca “tạ ơn”. Bài ca này chọn lọc từ các Thánh vịnh 112 và 117, rồi đến đọc các đoạn văn sống động mô tả Đức Thiên Sai và các đau khổ của ông ta. Đặc biệt rõ ràng về công việc cứu chuộc và các hình bóng tiêu biểu trong lịch sử Do thái. Chén rượu được truyền tay bốn lần, cùng lúc người ta dùng lương thực, thực phẩm. Theo nghi lễ thì có sự thay đổi uyển chuyển từ Hallêl đến Schammai. Nhưng phần cuối cùng của Hallel vẫn là một bài thánh thi mừng chiến thắng để tạ ơn Giavê, được cất lên trước chén rượu thứ tư.
Chắc chắn Đức Giêsu và các tông đồ giữ đúng thói tục này, nhưng mục tiêu cuối cùng thì là một thực tại khác hẳn. Các trình thuật trong Phúc âm có vẻ vội vã trong việc mô tả bữa Vượt Qua Do thái để tiến nhanh đến biến cố thiết lập bí tích Thánh Thể. Chỉ có Thánh Luca là phân biệt rõ ràng hai giai đoạn trong bữa ăn, còn các Phúc âm khác lướt sơ qua bữa ăn Do thái về phần liên quan đến việc chuẩn bị. Khi tới phần ăn chính thức họ tả sơ sơ các điều sẽ qua đi, và chú tâm đặc biệt vào nội dung sẽ tồn tại vĩnh viễn.
Đức Giêsu để mặc hai môn đệ chuẩn bị các chi tiết cho nghi lễ Vượt Qua Do thái, còn phần mình, Người tiến hành việc sửa soạn riêng cho dự định quan trọng hơn. Và việc này chẳng liên quan đến phòng ăn, bàn ghế, gối đệm và lương thực. Người sửa soạn trái tim. Vì muốn để lại một thí dụ vĩ đại mà Người luôn dậy dỗ và như một tóm tắt học thuyết của mình, đồng thời cắt nghĩa trước bữa tiệc như có tính chất hiệp nhất Người sắp thiết lập. Cho nên Người trỗi dậy khỏi bàn ăn, cởi áo ngoài ra, lấy khăn vải thắt lưng, cầm lấy bình nước dùng vào việc thanh tẩy, chậu hứng nước, quì hai gối xuống trước từng người có mặt và rửa chân cho họ.
Xin tưởng tượng sự ngỡ ngàng của các tông đồ! Sử gia Gioan mô tả bằng giọng văn trang trọng về thái độ từ chối của Phêrô, đồng thời cũng như lời giải thích: “Thày mà rửa chân cho tôi sao? Chẳng đời nào Thày sẽ rửa chân tôi”. Nhưng Đức Giêsu biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến và sắp trở về cùng Chúa Cha (Ga 13,3) nên không gì có thể ngăn cản Người thi hành nhiệm vụ. Trình thuật của Gioan gói ghém hành động của Chúa với một ý nghĩa tôn giáo và đời đời.
Biểu tượng của tình yêu pha trộn với biểu tượng của trong trắng, ngõ hầu loài người học được rằng ở đâu có khiêm tốn và tình yêu chân thật, thì ở đó có cộng đồng các thánh. Đức Kitô chẳng cần thanh tẩy mình, Người tự hạ và yêu mến. Người nêu gương mọi nhân đức. Ngoài ra, bằng hành động rửa chân này, Người xác nhận rằng kẻ thù của yêu mến là kiêu ngạo và kẻ thù của mọi điều thiện hảo là từ chối mến yêu. Khiêm tốn và bác ái, lần lượt là nền tảng và triều thiên của tòa nhà tinh thần mà Người tính xây dựng cho từng cá nhân và toàn bộ loài người. Đến lượt thập tự cũng là trụ cột nâng đỡ toà nhà đó. Dĩ nhiên thập giá chẳng sung sướng, vinh hiển gì. Trái lại đau đớn và nhục nhã. Nhưng khi công việc đã hoàn thành thì nó là vinh quang và hạnh phúc, là khí cụ của hợp nhất và nguồn mạch ngất ngây. Mọi sự đều hiện diện ở đấy, mọi sự đều ở nơi thánh giá, bởi mọi sự ở trong khiêm tốn và tình yêu. Việc rửa chân là sự tập dượt cho cây thập giá.
Những bàn chân đạp đất của chúng ta, cần được tẩy sạch biết bao! Tuy rằng chúng ta có lẽ đã thanh sạch trong ý nghĩ, trong tình yêu, trong hành động, trí tuệ, trái tim, cánh tay. Nhưng còn đôi chân thì sao? Đôi chân đã từng kéo lê trong bùn lầy hôi thối của những con đường chúng ta đi! Chúng ta vẫn cần bình nước sạch và bàn tay Đấng Cứu Chuộc để cho nên tinh tuyền, vẫn cần đặt mình trong ơn thánh, tẩy rửa cùng với sự khước từ và hối hận như Phêrô để được dự phần vào quà tặng mà Đức Kitô mang tới: “Nếu Thày không rửa chân cho anh, anh chẳng có dự phần với Thày” (Ga 13,8).
Vài phút sau, Đức Giêsu còn cho thấy một ý nghĩa khác của việc rửa chân. Người nói về các tông đồ, về phẩm chất hợp nhất mà Người sẽ thiết lập giữa các tông đồ và bản thân mình, một sự hợp nhất giống như Người đối với Chúa Cha. Người rửa chân cho nhóm Mười hai là để sửa soạn họ làm cuộc hành trình khắp thế gian. Thanh sạch và khiêm tốn là điều kiện của tình yêu. Tình yêu là linh hồn của sứ mệnh tông đồ. Thế giới sẽ bị chinh phục bởi những con người mà Đức Giêsu thuyết phục rằng đó mới là trật tự hợp lý của thế gian, và bởi những con người mà Người khởi động bằng quyền năng nhiều mặt.
Chúng ta có thể nói rằng vị Tông đồ Thần Linh, Đức Giêsu, quì rửa chân cho nhóm Mười hai, mà chẳng bao lâu nữa Người sẽ sai vào thế giới, sẽ dấn thân nhiệt tình và có hiệu quả trong công cuộc truyền giáo: “Đẹp thay trên núi đồi bước chân người loan báo Tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ” (Is 52,7). Chắc chắn Isaia nghĩ trong tâm trí mình về Đức Kitô. Nhưng nhiệm vụ mà Đức Giêsu tiếp nhận như sứ mệnh thì Người thông truyền hết cho các tông đồ. Cho nên lúc này Người quì xuống khiêm tốn trước mặt họ, như thể trước mặt các ân huệ từ trời cao!
Người mặc lại áo choàng và ngồi vào chỗ cũ, chỗ danh dự nhất và bắt đầu giải thích ý nghĩa việc làm vừa rồi. Giọng nói tràn đầy dạy bảo cao siêu. Rồi suốt buổi chiều hôm ấy Thày Chí Thánh dốc hết tâm sự để diễn đạt tình yêu đối với họ, cùng với lời cảnh cáo, đôi khi trách móc dịu dàng. Người ban cho họ một chứng từ tinh thần trọn vẹn, đặc biệt chứng từ của lòng yêu mến. Thánh Anselmô gọi là: “Trận lụt tình yêu”, đồng thời “thác đổ” của thực tại cao siêu.
Xin đọc lại diễn từ tuyệt vời của Chúa, như thánh Gioan ghi chép và kiếm ra tính tràn đầy tình yêu trong ngôn từ lạ lùng đó. Đức Giêsu an ủi nhóm Mười một vào buổi chiều đầy thử thách mà việc Giuđa bỏ đi chỉ là dấu chỉ báo trước. Đức Giêsu cảnh báo họ về những yếu đuối họ sẽ bộc lộ trước thử thách và kêu mời các ông duy trì trái tim tốt lành. Người biết rõ các ông sẽ bỏ Người một mình nhưng vẫn diụ dàng: “Đừng để trái tim các anh bối rối, hãy vững tin vào Thiên Chúa và tin vào Thày”. Người nói với họ: “Trong nhà Cha Thày có nhiều chỗ ở”. Ngõ hầu họ hướng dẫn các bước đi nghi nan của mình. Người đi trước để dọn chỗ cho các ông, như vậy có lợi hơn cho các ông. Nếu Người không ra đi, thì Thần Khí sự thật, an ủi không đến. Nhưng nếu Người ra đi thì Thần Khí sẽ ngự đến, hướng dẫn, ủi an, soi sáng, khích lệ các ông. Người không để các ông mồ côi, nhưng sẽ trở lại với họ trong hình thức khác. Các ông biết Người ám chỉ màu nhiệm nào. Thứ nhất, Người ban bình an của Người. Người có mặt trong bình an ấy, nói cách khác bình an Người ban chính là bản thân của Người nên thế gian không thể ban được. Thế gian chỉ có thể ban bình an giả tạo. Bình an của Người cư ngụ trong linh hồn các ông mãi mãi. Mầu nhiệm thứ hai, Người canh tân lệnh truyền yêu thương lẫn nhau. Người truyền các ông dùng nó như dấu chỉ và thước đo tình yêu của nhân loại đối với Người.
“Thày ban cho anh em giới răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau. Như Thày yêu thương anh em, thì anh em hãy yêu thương nhau. Bằng dấu này thiên hạ sẽ nhận ra anh em là môn đệ Thày, là anh em yêu thương nhau”. Đức Giêsu nhấn mạnh giới răn yêu thương trong chính giây phút mà Người sẽ tỏ cho họ bằng chứng cụ thể. Đó là: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì bạn hữu.”
Giữa bầu khí thân mật của bài diễn từ, cùng với thái độ khiêm tốn rửa chân, tình cảm của nhóm mười hai đã lên tối mức cao nhất thì đến phần chính của bữa tiệc. Phần này ban đầy đủ ý nghĩa cho các biểu tượng và nội dung cho các lời giảng dạy. Đó là giây phút thiết lập bí tích Mình Máu Thánh Đức Kitô.
* * *
Sau khi nói: “Thày hằng ao ước ăn bữa Vượt Qua này cùng anh em”. Thì Người thêm: “Bởi vì Thày nói với anh em từ nay trở đi, Thày sẽ không ăn nó nữa. Cho đến khi nó được trọn vẹn trong nước Thiên Chúa” (Lc 22, 15-16). Lễ Vượt Qua Do thái mà Đức Giêsu cùng các môn đệ đang cử hành phải được làm cho nên trọn, tương tự như các điều khoản khác trong lề luật Môsê mà Người đã nói: “Ta đến không phải để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn”.
Câu hỏi là: Trong triều đại Nước Trời nào, việc này sẽ xẩy ra? Chắc chắn là ở ngoài thế giới hữu hình này, nơi Đức Giêsu đang tiến tới và các môn đệ sẽ theo sau. Nhưng theo ý nghĩa lời thánh Luca, thì cũng ở trong triều đại mà Người đang thiết lập trên trái đất, tức trong vương quốc mà bài diễn từ cuối cùng của Người thiết lập luật lệ.
Có hai giai đoạn: 1/ Lễ Vượt Qua Do thái biến đổi sang lễ Vượt Qua Thánh Thể. 2/ Vượt Qua Thánh Thể ngày nào đó sẽ sang Vượt Qua thiên đàng. Và đối với Đức Kitô, Đấng đang tham dự tiệc ly, việc biến đổi thứ hai sắp được thực hiện nơi chính bản thân Người.
Còn đối với các môn đệ và các cư dân Palestine, các tín hữu thuộc tương lai, bữa tiệc cuối cùng này xẩy ra trong ánh sáng của việc tưởng niệm. Đức Giêsu nỗ lực hết sức để làm việc tưởng niệm mang tính cảm động và an ủi cao độ hơn là các hình ảnh có thể chuyển tải. Bởi lẽ để thêm vào đặc tính gợi lại quá khứ, Người hứa sự hiện diện đích thực và hiệu quả của mình. Như vậy trước khi rời bỏ họ, Người đã lấp đầy chỗ trống mà việc ra đi của Người tạo nên. Người ban niềm an ủi tương lai. Người không bỏ nhân loại mồ côi. Người vĩnh viễn hóa sự hiện diện của mình đối với những kẽ còn sống sót sau Người. Người sẽ thiết lập chỗ ở đời đời của mình giữa họ. Và trong một bữa tưởng niệm khiêm tốn, trọn vẹn, thực tại thần linh sẽ là quà tặng quí báu cho các linh hồn.
Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra và đưa cho các môn đệ: “Đây là mình Thày, sẽ bị nộp vì anh em. Hãy làm việc này mà nhớ đến Thày. Cũng giống như vậy lúc ăn tiệc xong, Người cầm chén rượu và nói: “Đây là chén, là giao ước mới trong máu Thày, sẽ đổ ra vì anh em” (Lc 22, 19-20).
Ở đây có hai thực tại hòa hợp với nhau. Thực tại này giả định thực tại khác: Lương thực thiêng liêng do chính Đức Giêsu cung cấp. Hy lễ vĩnh cửu là cuộc khổ nạn sắp tới. Cuộc khổ nạn sản sinh hiệu quả cứu rỗi nhân loại.
Sách Aica (4,4) viết: “Đám trẻ nhỏ đòi ăn bánh, nhưng nào có ai cho?” Thực ra, đã từng có bánh trong tôn giáo Do thái: Bánh tiến trong đền thờ, bánh ở Cana, ở bên bờ hồ Tiberia, Chúa ban cho cách nhiệm màu nuôi sống hàng ngàn người. Nhưng tất cả những thứ bánh đó chưa phải là bánh đích thực ban sự sống đời đời. Bánh đích thực phải là bánh nhúng trong máu thánh Người. Được bẻ ra bằng cử chỉ hiến tế yêu thương, phân chia trong tình hiệp thông của một bữa tiệc đãi toàn thể nhân loại và dọn ra trên ngọn đồi báo trước Calvario, và cũng giống như núi Sọ, nó phải đứng vững muôn đời.
Đức Giêsu cầm bánh, đọc lời “tạ ơn”. Đây là cử chỉ chúc phúc. Nhưng trong cả hai lần: lúc này và khi nhân bánh lên nhiều, lời chúc phúc của Người như Phúc âm mô tả là lời trịnh trọng. Công thức này cũng được nhắc lại trên chén thánh. Và khi thánh PhaoLô thuật lại, thì ông nhấn mạnh lý do hiển nhiên là vì sự chúc phúc đặc biệt. Bởi lẽ theo truyền thống, chén ruợu thứ tư của bữa tối Vượt Qua thực sự và chủ yếu là chén tạ ơn, nhưng chỉ khi nào được trao với tính cách trang trọng. Thánh tông đồ viết: “Khi Ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa” (1 Cor 10,16).
Nhất định phải có chi đặc thù trong cử chỉ Chúa phân phát thức ăn cho các môn đệ, bởi vì sau này họ nhận ra Người nguyên chỉ bằng cử chỉ ấy. Các con trẻ cũng vậy, thường thường chúng quen thuộc cách thức mẹ chúng phân phát bánh cho chúng. Chúng ta có thể mường tượng ra cử chỉ của Chúa Giêsu bằng cách thêm tính nghiêm trang linh thiêng vào tình yêu dịu dàng của các bà mẹ.
Nhưng còn phải nói đến ý nghĩa luân lý nữa. Đúng là các tông đồ nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh. Tuy nhiên chỉ có Người mới ban bánh nuôi dưỡng và kiện cường thiêng liêng, bánh của ngọt ngào và hy vọng phát sinh cuộc sống vĩnh cửu. Từ bữa tối sau hết đến tận thế, cánh tay Đức Giêsu đã vươn tới toàn thể loài người, ngõ hầu chúng ta nhận ra người bằng cách đó. Bánh của Người nhân lên vô tận tuỳ theo sĩ số, nhu cầu và khát vọng của nhân loại. Chén rượu của Người tuy là một, tức dấu chỉ sự hợp nhất, nhưng được chuyền tay toàn thời gian cho toàn thể địa cầu giống như khi nó được luân chuyển ở bữa tối trong phòng tiệc ly. Như vậy ngày hôm đó, Đức Giêsu đã dọn lương thực, thực phẩm cho mọi nơi, mọi thời đại. Trong Nước Chúa chẳng ai phải đói khát, trừ phi đương sự muốn như vậy. Và cho đến muôn đời, Đức Kitô sẽ được nhận ra trong nghi thức bẻ bánh giống như tại làng Emmaus hay trên bờ hồ, khi Người phục sinh hiện ra cho Phêrô, Gioan và các tông đồ khác, Người sẽ hiện ra trong màu trắng của buổi sớm hôm đó, tức trên thiên đàng.
Bánh của lễ Vượt Qua Do thái phải được bẻ ra từng mảnh nhỏ, tượng trưng sự hy sinh của con chiên, thì rõ ràng Đức Kitô cũng bằng lòng chịu phân chia thành từng phần và cũng tượng trưng sự hiến tế của Người. Bởi lẽ chính Người ám chỉ khi dùng những từ ngữ như bị trao nộp, ban cho anh em. Thực tế tặng phẩm của Người là quà tặng cho đến cái chết.
Rượu chảy ra như những dòng máu, sự thực rượu của Người là máu huyết, cũng được ban tặng cùng một thể thức. Chính Đức Giêsu cũng uống rượu đó, tức uống máu của mình để biểu tượng sự hợp một hoàn toàn. Người đã nếm thử chính hiến tế mình dâng lên Thiên Chúa Cha. Cho nên tôi ngộ ra rằng trên thập tự Người vui mừng nhỏ từng giọt máu từ huyết quản. Có lẽ chúng ta được phép nghĩ về Người như trong một bức vẽ cổ; Người làm đầy cái chén mà Hội Thánh dâng lên trước mặt Người, hoặc dùng hình ảnh khác, tuôn đổ dòng thác sự sống để mọi người được uống thỏa thuê!
Trong nghi lễ Hy lạp, vị chủ tế cầm chiếc đòng nhỏ đâm thẳng vào chiếc bánh thánh khi đọc lời từ sách Tin Mừng: “Một tên lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người...” Khi chưa tắt thở, Chúa Giêsu trên giá gỗ đã nhìn thấy cây giáo của Longinus quơ qua khua lại trước mặt, liệu Người có nghĩ đến chén đắng và hồng phúc mà Người sẽ dốc đến giọt máu cuối cùng như dấu chỉ của tình yêu vô biên?”
Vậy trên thập tự Chúa Giêsu đã yêu nhân loại vượt qua cả giới hạn của cái chết! Và chắc chắn tại phòng tiệc ly Người đã dự cảm trước giờ phút này. Trên khổ giá Người hoàn tất lễ tế đẫm máu và hữu hình, nhưng trong bí tích Thánh Thể chiều nay Người ẩn dấu hy sinh đó với cả bản thân. Nhưng trong cả hai trường hợp cái chết là nguồn mạch sự sống. Mà bởi vì Người sẽ phải chết, cho nên Người thiết lập việc tưởng niệm cái chết của chính mình. Và bởi vì Người chết, cho nên sự tưởng niệm mang tính mạnh mẽ nhất, ngọt ngào nhất trong các nguồn mạch ban sự sống.
Người nói: “Anh em hãy làm việc này để tưởng nhớ tới Thày” như vậy các tông đồ đã được ban quyền cử hành việc tưởng niệm đó. Nói cách khác họ là những tư tế của giao ước mới. Các tín hữu đời đời là những tham dự viên vào bàn thánh. Mỗi lần bánh thánh được dâng lên là một lần tượng trưng Đức Kitô được treo trên giá gỗ. Bánh thánh sẽ được bẻ nhỏ ra biểu tượng Đức Giêsu bị các lý hình đánh dập nhừ tử. Bánh thánh sẽ được tín hữu vô tội rước lấy như thể thân xác Chúa Kitô được mai táng trong mồ mới.
Ôi, Lạy Chúa Giêsu, Đấng đang chịu treo trên giá gỗ. Ngài nhìn ngắm căn phòng đầy màu nhiệm này với lòng yêu mến biết bao! Ngôi nhà bé nhỏ trên ngọn đồi Sion toả sáng lấp lánh thoát khỏi các số phận hẩm hiu đang bao trùm Moriah và vinh quang cổ xưa của nó! Mạch sống tràn trề đang tuôn ra từ ngôi nhà đó. Ngày mai nó sẽ là nguồn sáng rực rỡ và giây phút đã gần kề khi phòng tiệc ly, đền thờ và thập tự chỉ là một, khi nhà Cha Ngài sẽ là nhà của Ngài, nhà của tế lễ ban sự sống, của vinh quang ban cho thế gian.
Lúc ấy, căn phòng tiệc ly trên núi Sion không cần bảo trì các dấu vết cổ xưa nữa. Nó sẽ ở khắp mọi nơi, chúng con, con cái của Ngài là những ngôi lều tạm để cử hành nghi thức “bẻ bánh”, ngõ hầu được canh tân tinh thần đến muôn đời muôn kiếp, ở đó chiếc bánh bẻ ra sẽ được chấp nhận trong tinh thần hy sinh, ở đó lương thực của Ngài sẽ được tiêu hóa, Thần Khí của Ngài sẽ được biểu lộ trong vinh quang của các việc lành thánh. Ít là chúng con hy vọng như vậy.
Lạy Chúa, bây giờ nếu Ngài muốn, xin hãy nói “mọi sự đã hoàn tất” bởi vì lúc này muôn việc đã sẵn sàng cho sự toàn thắng của tình yêu và công lý.
II.Đối với Đức Kitô, quá khứ và tương lai thực sự tách biệt nhau như chính bản thân chúng. Người nhìn vào chúng như chúng khác nhau và tách biệt. Nhưng khoảng cách của chúng chỉ là không gian và không ngăn cản được Người nhìn chúng bằng con mắt nhất lãm (một cái nhìn mà thôi). Từ đỉnh cao đời đời Thiên Chúa xem thấy diễn tiến của thời gian chỉ trong một nháy mắt. Cũng vậy Đức Kitô Giêsu, kết hợp với Thiên Chúa tự đời đời, cho nên nhìn thấy mọi sự như Thiên Chúa và nhận biết mọi sự như một người thật, Người nhìn thấy tương lai của công trình mình. Và như vậy khi Người nhìn về núi thánh thì cùng một lúc Người nhìn thấy bữa tiệc giã từ ngày hôm qua và ơn huệ dự trữ cho ngày mai.
Do đó, trước khi chết thật trên giá gỗ, Người đã chết trong tinh thần và cũng trong tinh thần Người đã trỗi dậy ra khỏi nấm mồ oan khiên. Với cái nhìn toàn năng, lúc này Người thăm viếng những nơi chốn Người sẽ hiện ra sau phục sinh và nơi Thánh Thần hiện xuống, như trước đây nhiều lần Người đã đi lại trên ngọn đồi Calvario mỗi khi thăm viếng Giêrusalem. Rợn rùng biết bao mỗi lần Con loài người ở lứa tuổi thanh niên qua lại cổng Ephraim và đi dạo trên nẻo đường Golgota đầy sắc hoa tím đỏ, Người có thể chú ý đến cái chỗ người ta sẽ đào để dựng giá gỗ vì mọi sự đã được chỉ định sẵn từ thuở đời đời.
Khi Người nhìn căn phòng tiệc ly của tương lai, trái tim Người phồng lên vì vui sướng và hy vọng. Người trông thấy rõ ràng công việc của Chúa Thánh Thần. Tuy thân xác quằn quại vì đau đớn quá mức, nhưng tâm thần rất lạc quan và đầy an ủi. Những dự cảm đầy huy hoàng tràn ngập tinh thần Người với niềm vui vô hạn. Bầu tâm sự được đổ ra trong bữa tối giã từ chẳng qua là dấu hiệu bề ngoài của cảm quan vĩ đại hơn, công khai hơn, rằng Người sẽ thắng thế gian do công việc của mình. Vì vậy cái nhìn của Người còn lưu luyến đọng lại, và tiên tri mọi sự. Thập tự là cầu nối giữa hai kỷ nguyên và đối với chúng ta điểm hài hòa của chúng là đối tượng suy gẫm muôn đời.
Liền sau cái chết của Thày, các môn đệ tuy hoảng sợ nay lấy lại được bình tĩnh. Họ tụ họp nhau, bàn tán về Người và cầu nguyện. Hai môn đệ đi làng Emmaus khi trở về Giêrusalem thì thấy họ còn đang tụ tập. Luca viết: “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó” (24,33). Tương tự như vậy, các phụ nữ ra mồ trống về cũng tìm thấy “Nhóm Mười Một và các kẻ khác” nghĩa là những ai có liên lạc trực tiếp với các tông đồ và cùng nhau thành lập đoàn tuỳ tùng của Đức Maria.
Nơi họ tụ họp không phải là một chỗ bí mật. Chúng ta biết sau khi chứng kiến Chúa lên trời, họ trở về đâu. Công vụ kể: “Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ” (1,13). Như vậy họ ở căn phòng tiệc ly “Cùng vơí mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu và với anh em của Chúa” (anh em họ) (Cv 1,14). Do đó, ngôi nhà này, nơi diễn ra bữa tối giã từ ngày thứ Năm Tuần Thánh, nơi đón tiếp số còn lại của các môn đệ sau khi chiếc mồ chấm dứt tất cả, sẽ chứng kiến sự đoàn tụ lại của họ và là nơi diễn ra biến cố Thêm Sức cho đức tin giao động của các ông.
Trong khi đó trên thập tự Đức Kitô không hề bực tức về tính yếu đuối của những con người đáng thương này, Người trù liệu một phương tiện để thắng vượt nó. Người sẽ tỏ mình ra sống động cho những ai kém tin vào sức sống của Người. Vinh hiển cho những kẻ nghĩ Người thất bại. Yêu thương muôn thuở cho những ai tuởng mình sẽ bị khiển trách. Nhưng thực tế, Người sẽ khiển trách họ. Tuy nhiên, chiều nay ở giữa lúc họ sắp lãnh nhận sứ mệnh, thì chưa là lúc tính đến các yếu đuối của họ. Người sẽ trấn an họ bằng lời chào cố hữu: “Thày đây, đừng sợ, bình an cho anh em” (Lc 24,36). Và rồi thấy rằng sợ hãi của họ chưa được diụ đi, nghi ngờ của họ còn vương vấn, bởi vì Người xuất hiện quá đột ngột “khi các cửa còn đóng kín”, họ tưởng xem thấy ma quái, nên Người nói với họ như sau: “Tại sao anh em còn bối rối , tại sao nghi nan còn nẩy lên trong lòng anh em? Hãy nhìn xem chân tay Thày đây. Chính là Thày, hãy sờ và xem đây. Ma đâu có xương thịt như anh em xem thấy Thày có đây?”
Tuy nhiên họ vẫn lưỡng lự, lần này vì vui mừng bất ngờ. Nếu hồ hởi sớm quá, biết đâu sẽ gặp thất vọng. Để bảo đảm sự thật, Người yêu cầu đưa cho Người chút thức ăn. Họ dâng Người tảng mật ong và ít cá khô. Người cầm lấy và chia sẻ với họ, như thể bữa tiệc vĩnh cửu mà Người đã nói trước ở tiệc ly bây giờ bắt đầu được thực hiện. Và chính họ là những thực khách.
Một trong nhóm họ, Thomas lại vắng mặt. Đó là một tính toán khôn khéo để giúp đỡ đức tin của họ. Thomas cứng lòng tin, nhiệt thành nhưng khá cứng cổ, còn yếm thế về tin vui mừng các tông đồ khác kể với ông. Ông thẳng thừng đáp: “Trừ phi tôi nhìn thấy lỗ đinh chân tay Thày, và đặt bàn tay vào cạnh sườn bị đâm thủng của Thày, thì tôi không tin” (Ga 20,23).
Thomas là hiện thân của những kẻ vô lý, của những kẻ không dễ thoả mãn khi tiếp nhận tin tức từ người khác, của những ai khước từ qui luật liên đới, phương tiện thông thường để phổ biến kiến thức về sự thật như mọi phương tiện khác, và đòi hỏi tính hiển nhiên đặc thù cho riêng mình. Ông ước muốn một sự sắp xếp thần thánh cho lợi ích riêng của ông. Vì vậy Đức Giêsu khiển trách ông. Nhưng nhượng bộ đòi hỏi của ông và cuối cùng Người chứng minh tình yêu của Người. Thomas hăng hái thưa lại: “Lạy Chúa, Lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20, 24-29).
Từ lúc ấy trở về sau, và như hậu quả đầu tiên của bữa tối giã từ, căn phòng trên lầu thay đổi tính chất. Từ căn phòng tiếp tân và ăn uống nó trở thành nơi cầu nguyện và trông mong niềm an ủi. Một thứ thánh điện tạm thời, chờ đợi “Mẹ của các thánh đường” đến thay thế và thánh hiến một nền phụng tự trang trọng dâng lên Đấng chiến thắng tử thần.
Đức Maria, các phụ nữ đạo đức, các tông đồ, thường lui tới đó để tôn kính ký ức thánh thiêng và sự hiện diện nhiệm màu. Quả thực nơi đây bây giờ là linh địa. Và từ thập tự, Đức Giêsu ngắm nhìn nó, tôn vinh nó lần nữa và thánh hiến nó như một đền thánh được chúc phúc, ngôi nhà của bánh mới và nơi cư ngụ của Thần Khí.
* * *
Đúng như lời Đức Giêsu phán: “Nếu Thày không ra đi, Đấng an ủi sẽ không đến với anh em” (Ga 16,7) và thánh giá đã lập được công để đón nhận vị khách thần linh ấy cho nhân loại. Vì vừa khi Đức Giêsu trả giá xong, vừa khi các tông đồ được chuẩn bị đầy đủ, thì Người ngự đến, Đấng là sự an ủi và bảo trợ. Người đến để lãnh nhận nhiệm vụ quan trọng và vĩnh hằng của mình. Có những dấu hiệu hữu hình tháp tùng: Cơn gió mạnh làm rung chuyển ngôi nhà, ngọn lửa hồng chia thành nhiều phần như lưỡi đậu trên những người có mặt, một ảnh hưởng phi thường tự bộc lộ trong các ngôn ngữ khác nhau - tức biểu tượng cho sứ mệnh của các tông đồ và Giáo hội rao giảng Tin Mừng khắp thế gian. Nhưng nếu bên ngoài là như vậy, thì bề trong càng sinh động mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Bởi Đấng là trạng sư thần linh được cảm nhận rõ nhất trong việc hướng dẫn các linh hồn.
Thánh linh trước hết là Thần Khí của sự thánh thiện. Chính Người tạo dựng Hội “thánh”. Không phải trong ý nghĩa Giáo hội không vướng mắc tỳ ố, hoặc làm cho các thành viên, kể cả cầm đầu, không hề phạm tội. Nhưng trong ý nghĩa Người là nguồn mạch sự thánh thiện. Giống như một dòng sông chảy xiết nhưng hai bên bờ nước vẫn trôi lờ đờ, thậm chí có quãng chảy ngược lại. Cũng vậy dòng suối thánh thiện trong Giáo hội cũng có những thiếu sót và nhơ bẩn. Với sự trợ giúp của Thiên Chúa mỗi chúng ta được phép lựa chọn bước đi như mình muốn. Điều căn bản là đạt tới dòng suối này.
Hỡi con cháu Ađam, Evà, những kẻ tội lỗi, tự mình luôn vướng mắc vào nguy hiểm tội khiên, luôn ân hận ở một mức độ nào đó, yếu đuối một cách đáng thương hại - xin hãy đến ! Ơn tái sinh đang chờ đón! Và cùng với ơn ấy là sức mạnh và sự chở che!
Thánh Thần còn là Thần Khí biết tổ chức. Trước khi Người tạo dựng Hội “thánh”, thì Người phải thiết lập cơ cấu Giáo hội. Người phải trở nên “linh hồn” của cơ cấu ấy, kích hoạt nó sống động, xây dựng các tầng lớp lệ thuộc nhau, sắp xếp một nguyên lý hợp nhất về quản trị mà các thần học gia gọi là “chức thánh”. Việc rút thăm lựa chọn Mathia vào chức vị tông đồ trong nhà tiệc ly là một bằng chứng cụ thể về vai trò của Đấng bảo trợ. Phẩm trật Giáo hội là một thể hiện vĩnh viễn vai trò này. Chức thánh là ơn huệ mang tính xã hội, tặng phẩm tập thể từ Thiên Chúa, bởi nó, nhiều nội dung khác được phát sinh.
Thánh Linh còn là một nhân chứng. Thày Chí Thánh phán: “Họ sẽ làm chứng về Ta”. Và chứng cớ của Thánh Thần mạnh mẽ biết bao. Người làm chứng bằng lời nói, tử đạo, tài năng và nhân đức! Người làm chứng bằng đời sống từng cá nhân, cộng đoàn và xã hội. Người ban phép lạ vào những chứng tá đó. Phép lạ trong mọi thời đại của những ai cộng tác với Người. Người cũng làm chứng tá bằng thành phần của những chi Người ban tặng, thí dụ hoà hợp nội tại của các biến cố, các văn bản, tôi chưa hề biết chứng cớ nào mạnh mẽ và xác thực hơn.
Đời sống làm chứng cho đời sống, tồn tại cho tồn tại. Những chi viên mãn và phù hợp đều mang nhãn hiệu của Thượng đế. Hãy nhìn xem, Thần Khí Đức Giêsu là một sự sống tròn đầy, một hoà hợp không cung điệu sai lạc, một luận lý không thất bại và tính đơn giản của nó mạc khải tài nghệ sáng tạo.
Hãy nhìn xem tính đơn giản của Tin Mừng và giáo lý tinh tuyền, tính đơn giản của linh hồn Đức kitô, của linh hồn các thánh. Tính đơn giản không thể diễn tả nổi, chứa đựng sự khôn ngoan siêu nhiên và tính trong sáng về thể thức mà Đấng khôn ngoan yêu thích tuôn trào. Nó rõ ràng trong suốt như nước nguyên chất trong ly thuỷ tinh. Thể thức ấy biểu lộ hoàn hảo một chiều sâu kỳ diệu.
Những ai cảm nhận được điều này sẽ bị nó thu hút không cưỡng lại nổi. Màu nhiệm nghiền nát tinh thần con người. Tuy nhiên tính tập trung và mạch lạc của các chân lý lại là một luồng sáng chiếu soi toàn khối. Chúng ta sẽ ngộ ra chính đây là sự thật, bởi nó là duy nhất. Nhờ duy nhất, các sự thật chỉ là một. Từ đó nẩy sinh tính chắc chắn khiến chúng ta được hưởng niềm hạnh phúc ngất ngây. Màu nhiệm quả thật là niềm vui sướng cho nhân loại chứ không phải gánh nặng của tư duy (tác giả mô tả về Kinh Thánh ND).
Chẳng học thuyết nào do loài người sáng chế ra lại có khả năng hoà hợp và thống nhất mọi biểu hiện của đời sống. Chỉ có tấm áo không đường may của Đức Kitô làm được chuyện này. Và đây chính là tấm áo trắng đó. Thánh Thần đã giới thiệu nó cho nhân loại, với các sợi vải lấp lánh tỏa ra từ nguồn sáng duy nhất.
Tiếng phán ra từ Thần Khí rõ ràng như tiếng đại dương về đêm. Chính trong đêm tối mà biển cả mênh mông khắp vũ trụ phát ra những âm thanh vang vọng từ một giọng quyền năng. Thần Khí Đức Kitô cũng làm như vậy. Thần Khí là lời giải thích mọi sự, giống như Người là toàn năng, là niềm vui vĩnh cửu, bởi Người chính là hạnh phúc chiếu tỏa bình an.
Xa hơn nữa, và như một hiệu quả, Thánh Linh còn là Thần Khí của chiến thắng. Người sẽ thổi hơi đến hang cùng ngõ hẻm của thế giới, Người sẽ lay động vũ trụ, như đã làm rung chuyển ngôi nhà bé nhỏ trên ngọn đồi khi xưa. Chính qua Người mà Con Người đang chịu treo trên giá gỗ sẽ kéo mọi sự lên cùng mình. Thánh Thần là ngọn lửa hồng làm tiêu tan mọi sự. Ngọn lửa mà ánh sáng của nó lan tỏa khắp nơi, ngọn lửa đang giận dữ phá huỷ mọi xấu xa, ngọn lửa đốt cháy mọi núi đồi kiêu ngạo, thung lũng tham lam. Đức Giêsu phán: “Ta đến mang lửa xuống thế gian và hằng ước mong cho lửa đó cháy lên” (Lc 12,49). Để làm tròn khát mong đó của lòng nhiệt thành, Chúa đã tung các môn đệ ra toàn thế giới.
Công việc của Thánh Linh không giống bất cứ công trình nào của nhân loại, kể cả các thiên tài. Bởi vì công việc của loài người có giới hạn về không gian và thời gian, điều mà loài người dám nói: “Anh em hãy ra đi, và dạy dỗ muôn dân” phải chăng thế hệ kế tiếp sẽ cho là khoác lác?
Những danh nhân lớn trong lịch sử sẽ chỉ còn sống trong ký ức người ta, con cháu dòng giống anh hùng sẽ sống vô danh tiểu tốt, chóng qua và thường là bất trung. Họ không có quyền năng vô hạn như Đức Giêsu, để thông truyền tinh thần sống động cho hậu duệ mình.
Thí dụ: Aristote, Alexander, Michel Angelo, St. Louis từng nhìn thấy công trình mình bị phá huỷ bởi những người kế vị, hoăc học trò vụng về, đồ đệ tồi mà mục tiêu là thu quén thanh danh cho chính mình trên công lao thừa hưởng của người khác. Ngược lại, Đức Kitô duy trì công việc mình và làm cho nó sống động luôn, bởi vì chính Người cư ngụ trong đó vĩnh viễn. Người có phương tiện để nuôi dưỡng khởi hứng ban đầu. Người ban cho nó sức tươi trẻ ngàn thu. Người khiến nó thành mạch suối vọt đến cuộc sống vĩnh hằng mà Người đã đề cập đến khi nói truyện với người phụ nữ Samaritana tại giếng Giacóp, Người làm như vậy nhờ Thần Khí.
Do Thần Khí này, Giáo hội phổ quát luôn là Giáo hội thật của Đức Kitô bất chấp sự đa dạng về nơi chốn, thời gian, văn hóa và các khuynh hướng bề ngoài. Giáo hội luôn thực hiện các lý tưởng làm “kiểu mẫu vĩnh viễn”, cho phép các khác biệt về chủng loại sống. Nguyên lý hướng dẫn cơ bản luôn không thay đổi, và bất di bất dịch khi Giáo hội tiến bước vào mọi mặt trận, giống như một đạo binh dùng hết các thứ võ khí nhưng chỉ có một chiến lược chỉ huy. Học thuyết của Giáo hội, quan điểm luân lý, kỷ luật, phụng vụ, phẩm trật giáo sĩ, giáo dân ngày nay về căn bản giống như thời tông đồ Phaolô và cũng y hệt trong căn phòng “trên lầu”.
Phải công nhận có những bội giáo, có nhiều nữa, luôn cả một tập thể. Nhưng Giáo hội vẫn sống động mặc dù ốm yếu. Hội Thánh sẽ chẳng bao giờ là một xác chết, bất chấp các khủng hoảng cá nhân, tập thể hay cả một chức năng. Bệnh đó không đến nỗi chết đâu. Chúa nói về Lazarô, nhưng cũng chỉ về Giáo hội. Giáo hội không quen biết tử thần. Có lúc Giáo hội chỉ còn thoi thóp thở. Nhưng chính thời đại đào ngũ lại là những lực đẩy kích thích Thần Khí hoạt động mạnh mẽ, kỳ diệu hơn.
Thời gian nhiễu nhương là thời gian của chủ nghĩa anh hùng và nền thánh thiện cao độ. Trong mỗi thời kỳ xã hội suy vi thì đều có những nhân vật xuất chúng được an bài để nâng đỡ các sinh hoạt tinh thần của cộng đồng. Họ là muối men của tương lai. Phải chăng đây là công việc của Thánh Linh? Một ngọn lửa bên trong, sống động giống như linh hồn kích hoạt thân xác, giống như vị thần bản mệnh linh hoạt gia đình, xóm làng, thành thị?
Cuối cùng, khi nói Thánh Linh chinh phục, tổ chức, phải chăng là dư thừa nếu thêm Thánh Linh hợp nhất? Nhưng trước khi bàn chuyện này xin nêu ra vài nhận xét về tính chất phổ quát của hợp một: trong công trình tạo dựng vũ trụ, Thánh Linh siêu việt tất cả. Người là Thần Khí của mọi tinh thần, Thần Khí của mọi sinh vật. Mọi sự đều lệ thuộc vào Người, khi Người kích thích chúng ta trông chờ một chuyển động phổ cập.
Cho tới ngày Lễ Ngũ Tuần, thế giới là một khối hỗn loạn, và nếu nói nó có được chút tổ chức như trong các hội đường Do thái, thì cũng chỉ là tham dự trước vào hoạt động của Thánh Thần. Vậy thì ảnh hưởng của căn phòng tiệc ly có thể trở về tới những thời đại xa xưa. Nhưng ảnh hưởng vào tương lai mới biểu lộ quyền năng lớn nhất của Thánh Thần. Thần Khí qui tụ thế giới, qui tụ các thời đại. Người thu gom “nên một, con cái Thiên Chúa đang tản lạc khắp nơi” (Ga 11,52). Những ai tưởng mình trốn thoát được Người thì lại, cách này hay cách khác, làm tròn ý định của Người và phục vụ lợi ích của các kẻ được tuyển chọn.
Thế giới đã như xác chết, không có sự sống, giống hệt Lazarô trong các dây băng quấn quanh, nặng mùi thối rữa, vì các nguyên lý về năng lượng đang phân rẽ thê thảm. Và Thần Khí Đức Giêsu đến phục hồi nguyên tắc hợp nhất của sự sống, vũ trụ liền đứng thẳng dậy và bắt đầu sống động.
Sự hợp nhất phục sinh này được biểu lộ rõ ràng trong ngôn ngữ thế giới công giáo. Thế giới ấy luôn tỏ bày tính thống nhất, và đồng dạng về giáo thuyết mọi nơi, mọi thời. Giáo thuyết qui định luật pháp cho sự sống. Bất chấp đa dạng về cung giọng đó đây, ngôn ngữ Kitô Giáo luôn là một, thông qua mọi thời đại, dân tộc, nền văn minh, văn hoá. Có thể có rất nhiều chứng nhân, nhưng chỉ có một chứng từ. Giống như đã được ban cho thế hệ tín hữu tiên khởi, ơn ngôn ngữ bây giờ vẫn được đổ xuống trên học thuyết công giáo nguyên vẹn, khiến những thính giả thuộc mọi tiếng nói, màu da hiểu được nó là một. Nó chiếu toả ánh sáng thiên đàng qua lăng kính nhân loại.
Chính nhờ Thần Khí mà sứ điệp của Đức Kitô mạc khải một thế giới khác và thế giới ấy cùng với thế giới lữ hành hữu hình chỉ là một. Vương quốc Thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Thần Khí là ánh sáng của nó. Và như chỉ có một nguồn sáng, cho nên chỉ có một sự chỉ đạo, một hành động, một vấn đề hiện còn là vô hình lúc này, nhưng rõ ràng ở đời sau. Đó là sự sống vĩnh hằng.
Thánh Linh, như vậy là Thần Khí của vĩnh cửu. Nước hằng sống mà Đức Giêsu ban phát phải trở về nguồn mạch. Nó đến từ thiên đàng, thì phải trở lại thiên đàng để cư ngụ vĩnh viễn. Thiên đàng chỉ là bề mặt cân bằng của thứ nước đó. Nếu như Đức Kitô đã trỗi dậy và bây giờ không còn chết nữa... Nếu như Người ở đâu thì Người cũng muốn chúng ta ở đấy với Người. Lý do vì Thần Khí của Người thổi hơi giữa Chúa Cha và Ngôi Lời. Và chính trong Ngôi Lời Nhập Thể và do Người mà chúng ta nhận được đời sống vĩnh cửu của ơn thánh.
Lúc này, giá gỗ ướt đẫm máu chảy ròng ròng và vị Cứu Thế rên rỉ trong đau đớn. Nhưng Người giống như một công nhân đang lao động cực nhọc phải thở hổn hển. Khi hoàn thành công việc người ta sẽ nhận ra phương tiện và mục tiêu tương xứng nhau và rằng Đấng là nhân chứng vĩnh hằng không hề dối trá.
(1863-1948)