Đức Giêsu rời dinh quan Philatô phỏng 12 giờ trưa. Thời tiết ở Giêrusalem lúc này ngột ngạt nhất trong ngày. Năm tháng thì vào khảng 20 tháng 3 dl, muộn nhất là 17 tháng tư, nghĩa là vào giữa mùa xuân. Mùa này ở Palestine thời tiết thất thường. Ngày hôm trước đẹp trời, hôm sau nóng bức hoặc tuyết rơi. Dân địa phương gọi là mùa Khamsin, tức gió mùa tây nam.
Đức Giêsu phải vác lấy giá gỗ của mình. Cổ đeo lủng lẳng tấm bảng sơn trắng nêu rõ tội danh. Bảng hình chữ nhật rộng chừng hai mét vuông, và sẽ được đóng vào giá gỗ phía bên trên đầu nạn nhân. Đi trước mở đường là đoàn kỵ binh. Hai bên là đội binh đầy đủ vũ khí gươm đao. Cùng bị điệu đi xử tử với Đức Giêsu là hai tên trộm cướp đúng như Phúc âm mô tả. Dân chúng ùa theo sau, người nguyền rủa, kẻ chửi bới, thù hằn hoặc chỉ đơn giản vì tò mò.
Con đường qua các phố xá chật hẹp, nếu tính thẳng như chim bay thì phỏng chừng 200 mét, nhưng thực tế ngoằn ngoèo lên đồi xuống dốc khoảng 500 mét. Đoàn diễu hành tiến ra ngoại thành bằng cổng Ephraim, bình dân gọi là cổng vuông, vì cổng xây vuông góc với tường thành phố Giêrusalem, sau này cổng được gọi là chợ Roma (Forum Roman).
Cổng Ephraim hình cái răng cày nhọn hoắt, nhô ra phía ngoài, người ta chỉ có thể vào cổng từ phía bắc xuống phía nam và ra cổng từ hướng đông sang hướng tây. Ở một tu viện Hy-lạp gần đấy còn giữ được một bậc đá cổ, tương truyền Chúa Giêsu khi vác thập tự đi ra Calvario đã giẵm lên. Ngay sau khi vượt qua ngưỡng cửa cổng thành, Chúa đã đối diện với ngôi mộ sẽ giữ xác Người ngày hôm sau.
Tuy nhiên, đó chẳng phải là điềm gở, vì mộ chí là dấu hiệu đặc trưng của các gia đình giàu có, nhà cao vườn rộng. Cái cổng khác giữa Ephraim và Jaffa được gọi là cổng các thửa vườn vì nhìn ra nhiều vườn trống trước mặt. Thực tế, hiện nay các triền đồi Gareb, quả núi đối diện, đang được đào bới. Ôliva là cây trồng chủ yếu ở vùng này, nhưng cũng có các loại cây xanh khác như vả, lựu, dẻ. Trên cành chúng đủ mọi thứ chim trời đến làm tổ: Chích chòe, chào mào, cúc cu, sẻ, sáo, dẻ quạt, bồ câu đá... chúng líu lo vui vẻ và nhộn nhịp vào mùa xuân. Hoa lá cũng không thiếu. Mặt đất được trải thảm bằng cỏ xanh, hoa dại mọc hoang trên các triền đá sỏi như lưu ly, thủy tiên, loa kèn, thược dược, mồng gà, huệ, đồng tiền, nhiều nhất là chân ngỗng ba lá xòe, hoa đỏ. Kinh thánh nói bông huệ đồng nội ghen tương với vẻ sang trọng của Salomon, đây là loại hoa rất đẹp, lấp lánh dưới ánh sáng ban mai, muôn hồng nghìn tía như những cửa sổ kính màu nhà thờ.
Cũng có một loại hoa danh tiếng khác mọc ở đồi Calvario, đài hoa bé xíu như chiếc cúc áo, nhưng xem ra chẳng bao giờ tàn tạ, bởi chiếc hoa hôm sau mọc đúng vị trí bông hoa hôm trước. Chúa Giêsu yêu mến loại hoa này, nên đã nhuộm chúng bằng máu đào của mình. Con chào mào đỏ ngực của câu chuyện hoang đường, con bồ câu đá rên rỉ của Thánh vịnh, và có thể cả con cú thông thái của bóng tối đã ru Người vào giấc ngủ của cõi tử thần.
Vào một buổi chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, tôi đang đứng trầm ngâm suy tư ở địa điểm yêu thích nói trên thì bất thần đàn chim én ở đâu bay về đen nghịt cả bầu trời, vừa bay vừa kêu ét ét vây quanh cây thánh giá bằng thép nhỏ trên vòm bằng đá, thế chỗ cho thập tự Đức Kitô. Chúng bay như mắc cửi qua lại, cây thánh giá tưởng chừng như bị vướng mắc vào mạng lưới của chúng. Tiếng kêu run rẩy, sắc nét, thảm thiết. Hình như đó là một dạ hội quen thuộc của chúng. Dạ hội nhắc nhớ cái chết oan ức và đau thương của các tử tội còn phảng phất từ ngàn xưa. Có lẽ Chúa Giêsu cũng đã chứng kiến và lắng nghe các con én này khi Người hấp hối. Người mỉm cười buồn bã đón chào tiếng chim như một bài ca từ giã.
* * *
Chúng ta vừa nói đến địa danh Calvario. Tuy nó chiếm một chỗ quan trọng trong não trạng Kitô hữu, nhưng định vị được nó thật là việc khó. Các khách hành hương nếu không được bảo cho biết trước thì vô phương tìm kiếm. Theo tính toán của tôi và các chuyên gia thành thạo thì “quả núi” nằm ở gần sân “trung cổ” có các cột đỡ vây quanh. Thực tế Calvario không phải là “quả núi”, cũng không phải là đồi trọc, trừ phi bạn gọi như vậy vì lòng tôn kính. Nó là một gò nhỏ như mọi gò khác nổi lên giữa cánh đồng. Nếu khu đất không rộng lắm, cách xa cổng Ephraim chừng 60 mét và chưa được san bằng, thì đường lên Calvario không khó khăn. Cái gò đất vôi này cao hơn mấy con đường chung quanh chân nó chừng 5 hoặc 6 mét. Phía tây nhô lên một cách bất ngờ, phía đông nam thoai thoải. Tuy nhiên vị trí quan sát của Chúa nhìn về thành Giêrusalem thật tổng quát và rõ ràng. Bởi lẽ khi giá gỗ được dựng nên ở điểm cao nhất, thì khoảng ba bốn mét, cộng với chiều cao của “quả núi” thì chừng tám chín mét, như vậy nhìn thấy chân trời phía đông qua thành phố. Ngay trước mặt là cổng Ephraim, xa chừng sáu bảy chục thước, đền thờ chừng 400 mét, đồn binh Antonio chừng 350 mét, góc đông nam cao nhất chừng 650 mét. Góc đông nam cao “vòi vọi” này là nơi thằng quỷ cám dỗ Chúa gieo mình xuống đất.
Từ điểm cao ấy Chúa có thể trông thấy toàn cảnh thành phố, xa đến tận các miền quê, làng mạc, núi đồi phía đông gồm cả nam và bắc như người ta đứng trên đỉnh trên đỉnh núi vậy. Từ hướng bắc, đông đông bắc là triền núi Nabi-Samouel, phần cao nhất của dãy Gabaon. Nơi đây, bà Respha xua đuổi các con kên kên rỉa xác các con bà. Nơi đây, vua Salomon có giấc mơ về sự khôn ngoan. Rồi đến Maspha, nơi các anh em Macabeo thờ lạy Đức Chúa trước khi tấn công Giêrusalem. Còn đúng hướng đông, trước mặt Chúa Giêsu là dãy Scopus, nơi đại đế Alexander có lần phải suy sụp trước oai phong của Đấng Tối Cao. Cũng nơi đây các tướng Cestius Gallus và Titus của Roma đóng quân để tàn phá Israel khi thời của nó đã hết hạn. Sau này đến lượt binh lính Godfrey de Bouillon oai hùng tiến vào thành thánh mà Nabuchôđônôsô, Sennacherib, Tiglath-Palasar đã từng khao khát.
Về phía đông là núi Olivêtê (Olivetum), ngọn núi giữ vai trò quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu, vì những ký ức về nó. Ngọn núi không cao, các triền ngọn thoai thoải, quang cảnh chung quanh đẹp, gồm các làng mạc, thôn xóm, đường đi lối lại nhiều. Chúng ta sẽ bàn về nó sau này. Bên phải quả núi, ngang qua thung lũng Cedron là giải đất luôn âm ỷ cháy, nơi đồng hoang khô hạn, xa hơn giải đất cằn cỗi này người ta có thể ngửi thấy hơi mặn của biển Chết và đường viền không đứt quãng của dặng Moab, đầy khói sương ở phía chân, nhô lên từ biển Đen. Đây là hoang địa “Ăn chay 40 đêm ngày” của Chúa Giêsu, sau khi Người lãnh nhận phép rửa của Gioan ở bờ sông Giođan và tiếng phán ra từ trời. Đây cũng là ngọn Nêbô, ông Môsê đứng đó nhìn đất hứa từ đàng xa. Nơi này cũng là địa điểm Machaerus với chiếc đầu lâu Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa, như thể đội hào quang cho ông. Ở nơi này có nhiều hang động lánh nạn của các con dê tế thần. Chúng bị đuổi đi vì tội ác của Israel, giống như Chúa Giêsu sau này bởi tội lỗi nhân loại.
Vẫn về phía đông, nhưng gần hơn, là núi Moriah, tức cái bệ khổng lồ của thành thánh Giêrusalem và đền thờ. Ngọn núi chạy dài xuống phía nam giáp gianh với thung lũng Tyrôpaean, đồng bằng Giôsaphát rộng lớn, nơi có thành Đavit tọa lạc. Xa hơn về phía chân trời là Siloe, mảnh đất bất tử, nơi chôn cất của người Do thái cổ. Phía sau làng này là dãy “gương mù” (Scandal mount) nơi gợi nhớ những điều “gớm ghét” (abomination) thuở xưa. Về hướng tây là ngọn đồi cao ngăn cản tầm nhìn, bây giờ gọi là núi Sion, chạy chung quanh thung lũng Hinnon còn gọi là Gehenna (hỏa ngục). Đó là tất cả phong cảnh mà Chúa Giêsu có thể trông thấy từ cây thập tự.
Vào lúc này (tức phỏng 3 giờ chiều) thời tiết còn đẹp đẽ, dễ chịu nhưng chẳng bao lâu nữa các đám mây đen nghịt kéo về, bao trùm cả không gian. Về mùa hè, đêm xuống rất bất ưng, chỉ vài khoảnh khắc sau giáng chiều rực rỡ. Khi gió nổi lên thì những đám mây đen khô khan khó chịu kéo đến. Người ta truyền tụng rằng đó là bộ cánh của quỉ sứ Styx miền Assyria giương ra để kịch chiến với ẩm ướt của thần Nedjet từ phía tây thổi đến. Màn đêm tối đen buông xuống nhanh, che phủ cả mặt đất. Hình ảnh rợn người của thần chết do Thiên Chúa sắp đặt, vào giây phút xẩy ra cái chết vĩ đại này.
* * *
Bây giờ chúng ta đề cập đến cây thập tự. Nó là khổ giá của người Roma ưa dùng để hành quyết các tội phạm nguy hiểm, ngõ hầu nêu gương cho kẻ khác. Chúa Giêsu đã ám chỉ tới nó khi tuyên bố: “Khi nào bị treo lên cao, Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta” (Ga 12, 32). Điều mà loài người chủ ý dùng để hạ nhục Người, thì Người sử dụng như khí cụ vinh quang. Nó là một cây gỗ dài chừng hơn ba mét, được bào vuông. Chiều dài và sức nặng được tính toán để phạm nhân có thể vác bổng lên vai đi ra pháp trường. Không có chuyện kéo lê thân cây dọc theo đường phố. Đòn ngang bên trên cũng phải được tính toán hợp lý. Như vậy cây khổ giá có hình chữ thập, di chuyển dễ dàng, nhưng phải đủ cứng cáp để có thể chịu đựng một thân xác vài chục kilô và đứng vững lâu dài.
Có giả thiết cho rằng trên thân đứng, cách mặt đất một khoảng có cái bệ để nạn nhân ngồi, đỡ cho chân tay khỏi xệ xuống khi dựng giá gỗ lên, từ đó phát sinh tranh cãi về cụm từ Latinh “equitare crucem” (cỡi thập tự). Nhưng chi tiết này không chắc chắn lắm. Và đôi khi người ta trông thấy nhiều tranh ảnh vẽ hai chân Chúa Giêsu đặt lên hai miếng gỗ, nhưng cũng là tưởng tượng. Có lẽ lý hình kéo chân Chúa cong lên một chút, ngõ hầu gan bàn chân nằm bằng phẳng trên thân gỗ, rồi mới đóng đanh. Chi tiết này là khả dĩ nhất, mặc dù xem ra ghê sợ.
Còn gỗ thì thuộc loại cây nào? Có rất nhiều truyền thuyết hoang đường. Có người lý luận phải là loại quí báu, để mang lại hoa quả tốt lành cho nhân loại. Khả năng đúng nhất là loại gỗ thông, thường mọc đầy trong vùng ấy. Thông vùng Palestine có nhiều chủng loại, người ta vô phương xác định giá gỗ Chúa Giêsu thuộc chủng loại nào? Có chuyện còn nói rằng cây đó được đốn ở thung lũng phía nam thành phố Giêrusalem, bây giờ thuộc phạm vi tài sản của tu viện Hy lạp gần đấy gọi là tu viện Thánh Giá. Nhưng cũng chỉ là chuyện để mà nói. Còn nhiều giai thoại nực cười khác về thung lũng này, chẳng ai dám nhận mình có thẩm quyền xác định. Có hàng lô sưu tập thập giá ở Giêrusalem, nhưng không có chỉ dẫn chúng ở đâu tới. Phụng vụ Hội Thánh đặt bài ca đầy ý nghĩa thiêng liêng cho thập giá Chúa Giêsu:
Ta tin thật muôn rừng cây chẳng thấy,
Một cây nào cành, hao, lá, như ngươi.
Mấy mũ đinh nhẹ quá thập tự ơi,
Sao mang nổi tấm hình hài vô giá.
Rủ cành xuống hỡi cây cao bóng cả.
Giãn thớ ra cho thân cứng hóa mềm.
Như chiếc giường vừa trải mệm ấm êm,
Cho vua cả đến đặt mình nằm xuống.
(Kinh sáng, thứ sáu tuần thánh).
Các câu thơ trên có lẽ còn tốt hơn mấy truyện tưởng tượng, thí dụ người ta truyền khẩu ông Lót trồng cây, vài nghìn năm sau bà hoàng hậu Seba đốn xuống làm ngưỡng cửa đền thờ Giêrusalem. Nếu nói về thánh giá như cây gỗ, chúng ta không nên tò mò quá quắt xem nó được trồng ở đâu, khi nào. Tốt hơn nên nghĩ nó được dựng nên ngày thứ sáu tạo dựng trên khắp mặt đất. Và từ thời Chúa Giêsu, nó tồn tại trong ký ức mỗi tín hữu như phương tiện vô giá cứu vớt nhân loại. Các tín hữu phải liên kết với Chúa qua khổ giá: “Những ai muốn làm môn đệ Ta, thì hãy vác thập tự mình hàng ngày mà theo”. Thật hạnh phúc cho những linh hồn nào biết trả giá cho nó, và những đất nước nào biết tôn thờ nó.
Vấn đề kế tiếp là cây thập tự của Chúa Giêsu quay mặt về hướng nào? Những nhà mô phạm tây phương thì nhất định là hướng tây. Nhưng ý đồ này chỉ phục vụ cho mục tiêu ích kỷ, võ đoán của họ. Họ nghĩ họ ở phương tây nên Chúa phải quay mặt về phía ấy để nhìn và cứu vớt họ. Cái nhìn của Người sinh ơn ích vô cùng nên họ phải được hưởng, đồng thời Người quay mặt đi khỏi lê luật cũ và Israel. Tuy vô căn cứ nhưng lý luận xem ra dễ nghe, phục vụ cho lòng đạo ích kỷ của người tây phương. Còn nếu quan sát địa hình địa thế của Calvario thì hướng tây quả là bất tiện, không hợp cảm tính chung. Và mục tiêu răn đe của Roma trở nên vô hiệu.
Khi bước ra khỏi cổng Ephraim người ta đối diện ngay với rặng núi Gareb mà Calvario chỉ là gò nhỏ vệ tinh, nổi lên ở chân núi như bao gò khác. Quay mặt về hướng ấy có nghĩa là quay vào triền đồi, chẳng ai trông thấy diện mạo các phạm nhân, trừ phi đi vòng từ sau ra phía trước cây thập tự. Những người nhàn rỗi trước cổng thành hoặc dạo chơi ở khu đất trống, các dân cư mọi nơi tụ họp về Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua cắm lều trại ở tường thành, các khách qua lại ngã tư đường chẳng xem thấy chi cả. Nhiều lắm thì nhìn thấy phía sau lưng các nạn nhân. Như vậy mục tiêu răn đe chẳng có tác dụng chi. Ngoài ra, địa thế đóng đinh, đựng giá gỗ cũng khó khăn vì mặt đất soải về phía đông. Sắp xếp như trên là không hợp lý.
Cho nên phải chấp nhận Chúa quay mặt về phía cổng thành, nơi mà Người vừa bước ra để chịu hành hình. Lúc ấy các kẻ thù của Người tha hồ nhạo báng, hoặc khách hiếu kỳ thả sức bỉu môi. Người kiên nhẫn và khiêm tốn chịu đựng tất cả, không kêu la mắng chửi hay nguyền rủa bản thân, như thói quen các nạn nhân thường làm. Do vậy quan trưởng đội Roma phải kêu lên: “Đúng người này là Con thiên Chúa” (Mt 27, 57). Nhiều tác giả bênh vực hướng đông còn đưa ra lý do xứng hợp: Con “người mới” khởi đầu. Người nhìn thấy trước nguồn mạch khai sinh ra ánh sáng mới và nền văn minh mới, thánh thiện, lành mạnh. Người ngắm nhìn đền thờ, nhà của Cha Người và trong cô đơn Người nhắc đến Người Cha thân yêu: “Lạy Cha nhân sao Cha bỏ con?”. Gần hơn nữa là thành lũy thế giới tội lỗi mà Người vượt qua, nhưng chẳng bao giờ quên nó. Người thở dài buông một tiếng từ giã: “Mọi sự đã hoàn tất” (Cosummatum est) thật thảm thương. Nhưng cũng từ hướng đông mặt trời mọc, khởi sự một ngày mới, ngày của Chúa Kitô khải hoàn.
Xác định xong phương hướng, chúng ta nói đến giá gỗ được kéo lên thế nào? Đơn giản chỉ cần vài quân nhân góp tay dựng lên, cho đúng hố sâu, xoay đúng hướng và chèn đá là xong. Phía cao, trên tấm bảng viết mấy chữ nội dung bản án. Trường hợp Chúa Giêsu là: Giêsu người Nazareth, vua dân Do thái, bằng ba ngôn ngữ: Do thái, Latinh, Hy lạp. Ngày nay chúng ta thấy chữ Latinh viết tắt: INRI: Jesus Nazareth Rex Judeorum. Trước khi đóng đinh, lý hình thường lột hết quần áo của phạm nhân, trói chặt vào khổ giá, rồi mới đóng đinh. Đầu Chúa Giêsu vẫn đội mạo gai để thêm phần sỉ nhục. Nhưng sự thực, là biểu tượng được tôn vinh làm vua vũ trụ, vua yêu thương mọi linh hồn.
Giá gỗ rớt xuống hố, đụng mạnh vào mặt đất làm rung chuyển thân xác đã bị nhừ đòn đêm qua không thương xót. Của lễ hiến tế đã được treo lên giá, đợi lửa toàn thiêu, tức cái chết. Vì cú sốc của giá gỗ, thân xác rung động chùng xuống, máu ở các vết thương xối ra, nhất là từ các lỗ đinh chân tay. Máu cũng xối trào từ chân các gai nhọn thấu vào da đầu. Các vết cắt trên thân thể lộ rõ vì dòng máu mới. Vầng trán và mặt mũi vấy đầy máu khô. Sách Isaia tả đúng: “Người chẳng còn hình dạng như trước nữa”. Tuy nhiên nạn nhân không thể cử động hay giẫy dụa vì chân tay đã bị ghim chặt vào giá gỗ. Thật quá đau đớn. Tại sao loài người lại có thể tàn nhẫn với nhau như vậy được? Dầu sao, linh hồn nạn nhân vẫn được tự do và những cơn đau khiến khả năng trí tuệ trở nên sắc bén hơn.
Nhưng hãy còn một chút sức lực trong con người mà cuộc hy sinh vĩ đại vì tội lỗi đã tiêu hao gần cạn. Cuộc sống tuy bị trói buộc vào mảnh đất nhỏ bé Palestine nhưng thực chất ôm trọn vũ trụ. Sau vài tiếng rên rỉ, đúng hơn vài lời than thở thống thiết cùng Thiên Chúa trời đất thương cảm. Thương cảm của trời đất để được xót thương tha thứ lỗi lầm. Thương cảm để ban cho nhân loại phúc lành. Rồi đến cái liếc nhìn thấu suốt xuyên qua mọi sự. Cái nhìn xa bao nhiêu có thể, qua tầm nhìn của mọi thọ tạo. Bởi vì nó đi từ hữu hình sang vô hình, thấm nhập mọi nguồn mạch, tới chiều sâu của Thiên Chúa.
Vừa khi khổ giá được dựng lên, Calvario chìm ngập trong giây phút yên lặng. Người ta nín thở đến chết cứng, bất động đến rợn người trước cảnh tượng đau đớn tột cùng của các nạn nhân. Hiệu quả không tránh khỏi của nó ảnh hưởng đến cả các lý hình mà vừa đây đã mất tính người. Nhưng trước hết đến Đấng chịu đóng đinh. Sau cái lắc mạnh của thập ác lọt vào vị trí, thân thể nạn nhân quặn đau mà không thể cựa quậy, là giây phút hấp hối. Trời đất ảm đạm như sắp tới cơn mưa bão, nhưng nắng vẫn chói chang trên triền núi. Chẳng bao lâu nữa cái chết sẽ ập tới.
Tiếng động ồn ào từ thành phố vẫn vọng ra, hòa vào những lời sỉ nhục, nhạo báng, chê cười, tiếng nguyền rủa của hai nạn nhân bên cạnh, tiếng chân lừa đập nặng nề trên mặt đường lát đá. Chúng lầm lũi bước đi vì chở nặng. Tiếng lạc đà hí, chuyên chở hàng hóa đi xa, có lẽ tới Jaffa hay Damascus. Xa trên các đồi cát, gió nóng khô khan bắt đầu nổi lên. Dẫy Moab khoác màu sương xám. Các cây vả tỏa hương thơm ngọt ngào như mật ong. Trên nền đất pha vôi dưới chân giá gỗ nụ hoa calvario mọc nhanh và lan rộng. Sau giây phút lưỡng lự, bàn tay tử thần bóp chặt lồng ngực Đức Giêsu Kitô không chút xót thương.
Thầy Chí Thánh mở to đôi mắt.
(1863-1948)