Tin Mừng theo thánh Gioan thuật lại: “Đứng gần cây thập giá Đức Giêsu, có mẹ Người, chị mẹ Người, bà Maria Cleophas và Maria Macđala” (Ga 19,25). Phúc âm Matthêu kể: “Xa hơn một chút có nhóm bạn hữu đứng nhìn và cả các phụ nữ đã theo Đức Giêsu từ Galilea để giúp đỡ Người” (27,55). Như vậy có hai nhóm. Ông Gioan có mặt ở nhóm thứ nhất, nhưng không nói rõ tên. Sau này ông mới tiết lộ khi thuật lại việc Đức Giêsu trao phó mẹ mình cho ông: “Này bà kia đây là con bà, hỡi Gioan này là mẹ anh” (Ga 19,27). Còn các tông đồ khác thì sao?
Khi Đức Giêsu trên cây thập tự nhìn từ chân trời xuống đám đông chung quanh, tìm kiếm xem những ai “vẫn gắn bó với Thày giữa những lúc Thày gặp gian nan thử thách” (Lc 22,28). Nhưng Người đã trông thấy chi? Một vài phụ nữ và một tông đồ mà tính tình Người so sánh giống họ. Còn những người khác thì cao chạy xa bay hết. Một truyền thống nói rằng họ trốn ở thung lũng Cedron giữa các mồ mả. Truyền thống khác bảo rằng họ trốn về phía bắc thành phố. Ở đấy họ co cụm lại với nhau trong góc nhà nào đó, đầy sợ hãi, thất đảm và chờ đợi tai họa.
Đối với họ, thế là tôn sư đã chết. Vương quốc không có vua, lớp học chẳng còn thày dạy. Gia đình không có cha. Họ nhớ lại lời tiên tri trong Tin Mừng: “Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác” (Mt 26,31).
Trong vườn cây Dầu, họ thiếp đi và ngủ cả. Khi nhóm binh lính đến bắt Thày, một người trong bọn họ liều lĩnh rút gươm chém đứt tai một kẻ thù. Sức phản kháng của họ chỉ đến mức ấy. Và Đức Giêsu can thiệp để họ được yên thân. Người ngăn cấm bạo lực, chỉ muốn lòng trung thành. Người nói với các binh sĩ: “Ta đây, nếu các ngươi muốn tìm bắt Ta, thì hãy để cho các người này đi”. Người muốn lời tiên tri của các ngôn sứ ứng nghiệm ngay cả ở ý nghĩa chữ đen: “Những người Cha đã ban cho Con, con không để mất một ai” (Ga 18,8). Và như vậy, các tông đồ được làm theo ý muốn. Con đường được mở ra khắp các phương hướng, trừ phương hướng dẫn đến cái chết. Liệu họ có bị khiển trách khi muốn bảo vệ thày? Liệu họ có bị binh lính đánh lại và gây ra ẩu đả, và họ bỏ chạy? Hoặc đơn giản hơn: Họ thấy mình chẳng thể làm được chi nên tốt hơn bảo toàn lấy bản thân? Chúng ta không biết chắc chắn. Trong bất cứ tình huống nào sự chống cự của họ rất ngắn ngủi giống như sự bất đồng của họ vậy. Họ chạy biến khỏi vườn và nét hiền lành bình thản của Đức Giêsu trước kẻ thù là giấy thông hành cho họ đi.
Tuy nhiên, chỉ chiều hôm trước Người đã buồn rầu nói: “Này đến giờ - và giờ ấy đã đến rồi - anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả, và để thày cô đơn một mình”. (Ga 16,32) và như thể để bào chữa cho họ, Người thêm: “Nhưng Ta không ở một mình đâu vì có Cha luôn ở với Ta” (Ibidem). Rồi trong cơn đam mê dịu dàng Người kết luận: “Ta nói những điều này cho anh em nghe để anh em được bình an trong Thày”. Linh hồn Đức Kitô cư ngụ thật trong những lời yêu thương ấy. Nhưng liệu họ có trông thấy bổn phận phải đáp trả?
Ôi Phêrô! Viên đá. Ôi Simon nhiệt thành. Ôi Andrê can đảm, ôi Giuđa tức Taddeo, đầy nghị lực, ôi Giacôbê người anh em của Chúa, ôi Matthêu thu thuế, kẻ nhận ơn trở lại từ Thượng đế! Các anh đang ở đâu? Làm thế nào qúi vị làm chứng nhân cho cái chết của Thày? Liệu quí vị có danh dự xưng mình được dành riêng cho vinh hiển mồ thánh mà không cảm thấy xấu hổ? Liệu quí vị có phải là những con người của sự Phục sinh mà không phải của hy sinh?
Các tông đồ không hiện diện nữa. Duy chỉ có hai người, đó là Phêrô và có lẽ Gioan (Phúc âm không cho biết tên) sau cuộc trốn chạy tập thể lấy lại can đảm, dám theo dõi từ xa xa khi đám lính dong thày lên dốc Sion, vào nhà ông Caipha. Ở đây họ gặp liều lĩnh nhỏ vì người môn đệ vô danh có quen biết thày cả thượng phẩm và như vậy đủ lý do để có mặt (Ga 28,15). Còn Phêrô cũng vào nhà như người bạn cùng đi. Chúng ta biết Phêrô đã làm gì? Bóng dáng của hiểm nguy và lời nói của cô đầy tớ chủ nhà đủ khiến Phêrô chột dạ. Ông chối quách Thày ba lần mà vừa đêm qua ông rút gươm bảo vệ. Chắc ông quên khuấy lời tuyên bố: “Con sẽ hy sinh mạng sống con vì Thày” (Ga 13,27).
Đức Giêsu đã từng ban cho họ động cơ yêu mến Người một cách quảng đại và bền bỉ và Người đã chấp nhận họ thân tình biết bao, về cả hai mặt cuộc sống và ý nghĩa tình cảm. Sự hiệp nhất của họ với Người khăng khít đến mức đáng ngạc nhiên, dù cho rằng còn khoảng cách khiến họ xa lánh Người.
Bên tây phương, lối sống của thày giáo với học trò không thân thiết như trong cùng một gia đình. Bên đông phương thì khác, nó thân mật hơn. Chúng ta có thể so sánh tương quan của họ với nhau, như những người trèo núi hay như những thành viên của đám thám hiểm Bắc cực hay một đoàn lạc đà vượt xa mạc. Họ ăn uống với nhau ngoài cánh đồng, tựa một chuyến thuyền hay bên bờ con suối. Họ ngủ sát cạnh nhau dưới tảng đá lớn, hay dưới bầu trời đầy trăng sao. Họ túm tụm bên đống lửa hồng nói năng không hạn chế và tư tưởng của họ giống nhau như thức ăn họ dùng hàng ngày.
Đức Kitô lúc ấy cũng giống như các Rabbi Do thái khác và khiêm nhường hiền lành trong lòng mà không người nào trong tuyển dân sánh kịp. Người đã sống cuộc đời thày giáo đông phương không dè dặt. Người mở trái tim mình ra cho các môn đệ theo mức độ loài người có thể chịu đựng được. Người nói: “Anh em thì được hiểu màu nhiệm nước trời. Còn đối với các kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn, để chúng nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu” (Lc 8,10). “Thày không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng thày gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì thày nghe được nơi Cha Thày, Thày đã cho anh em biết” (Ga 15,15).
Thực tế Đức Giêsu gọi các tông đồ bằng những lời yêu thương, như bạn hữu, các con bé nhỏ, đàn chiên nhỏ bé. Người tỏ lòng chiều chuộng như một người mẹ hiền. Kiên nhẫn và chú tâm như một thày giáo dịu dàng. Họ nhận được tất cả đến nỗi Người có quyền nói: “Không phải anh em đã chọn thày, nhưng chính thày đã chọn anh em” (Ga 15,16). Họ được tự do tranh nhau chỗ nhất bên cạnh Người. Người không la rầy họ. Thay vì thế, Người đặt em bé lên gối mình, hôn nó và nói: “Bất cứ những ai khiêm tốn như em nhỏ này là kẻ lớn nhất trong Nước Trời” (Mt 18,4; Mc 9,35).
Người trông thấy trước những sai lỗi của họ, yên ủi họ trước, ngõ hầu họ ít bị lương tâm cắn rứt hơn. Người cũng làm như vậy đối với sự kiện họ bỏ mặc Người. Người nâng họ dậy trước khi họ vấp ngã. Nhưng phải chăng đây cũng vì lý do để họ trung thành hơn ? nên trước mặt nó trở thành một lời bào chữa.
Và họ có thể yên tâm hơn. Họ không cần cảm thấy bồn chồn trước tòa án thập giá về những bất xứng của mình. Họ sẽ không bị gạt ra ngoài như những kẻ vô tích sự hay như những kẻ bị trầm luân vì phản bội. Thày Chí Thánh thấu hiểu họ hơn là họ hiểu biết Người. Người phân định lành dữ ngay trong trái tim họ mà họ thường xuyên mù quáng. Họ yếu đuối, dao động, ích kỷ, ngu tối và thiện thời lại còn hèn nhát. Nhưng họ đã từng tin vào Thày và hiến trọn bản thân cho Người. Đó là điều bù đắp hết mọi sự.
Thực tế, những người bạn hữu này làm khổ Người trước khi Người chịu đựng các kẻ thù dày xéo. Họ đã hiểu lầm Người cách này, kiểu khác. Họ khiến Người thấm mệt vì các dại dột và đòi hỏi của họ. Họ đã giẫm lên chân Thày suốt hành trình rao giảng - những người bạn này - trừ một kẻ sẽ nộp Người - còn tất cả đều nằm sâu trong trái tim Đấng Cứu Thế.
Bởi lẽ, đối với Người, lòng ngay lành của họ là đủ rồi. Ngày mai Thần khí của Người sẽ biến đổi sự ngay lành này thành khả năng thực hiện những điềm thiêng liêng, dấu lạ. Người đã nhìn thấy họ trong nhà tiệc ly, Người đã nhìn thấy họ khi lựa chọn họ để theo Người không bao lâu trước đây. Những người này đã bỏ hết mọi sự để theo Người, kẻ này sau người khác. Và họ sẽ can đảm chấp nhận cái chết vì danh Thày. Cho nên Người không lưu tâm lắm về lúc này họ vắng mặt. Người kể là tất cả đều hiện diện trong một môn đệ đứng gần cây giá gỗ. Người ký thác tất cả, Gioan, chúng ta, chính bản thân cho Người Đức Maria, một người Mẹ đúng nghĩa hơn bất cứ người nào trên thế gian. Người mẹ ấy sẽ thâu gom tất cả vào trái tim yêu thương của mình. Họ sẽ là hạt nhân của Giáo hội Người.
Họ xếp hàng trước nhan Người: Andrê, anh của Simon Phêrô, con người sau này khi nhìn thấy giá gỗ của riêng mình đã kêu lên: “Ôi thập tự tốt lành”. Giacôbê, con ông Giêbêđê, kẻ tuyên bố có thể uống nổi chén đắng. Đúng thế, chén đắng ông sẽ uống. Thomas, người chậm tin, ông nhất quyết được cảm nghiệm dấu đinh chân tay Thày và chỉ chịu tin khi có bằng chứng cụ thể. Tuy nhiên ông là người đầu tiên hô lớn khi thày trò đi lên Giêrusalem: “Chúng ta nhất định đi và cùng chết với Thày”. Batolomeo hay Nathanael, “Trong ông người ta không tìm thấy gian dối”, kẻ nhận ra Thày trong đám vô danh: “Vua Israel”. Philipphê người được Đức Giêsu tiết lộ: “Ai trông thấy Ta là xem thấy Cha Ta” và từ đấy ông ngắm nhìn đầy đủ vào đôi mắt thần linh bằng con mắt đức tin của mình. Matthêo, người thu thuế bị dân chúng gán cho nhãn hiệu tội lỗi công khai (Publicanô), ông theo Chúa chỉ nhờ một tiếng gọi duy nhất, mặc dầu đang ngồi bàn thu lợi khổng lồ. Ông đã bỏ lại đàng sau hết mọi sự và vui mừng cử hành ơn gọi bằng bữa tiệc thịnh soạn. Thaddeo hay Giuđa, không phải Giuđa Iscariot, sử gia Gioan run sợ phân biệt như vậy cho khỏi nhầm lẫn, khi liệt kê tên các tông đồ. Và Simon người Cananea, gọi là nhiệt thành. Hai môn đệ này hoàn toàn mai danh ẩn tánh, cho đến khi chịu tử đạo danh tánh mới được sáng chói. Giacôbê tiền, người anh em với Chúa, ông sẽ là nguồn trợ lực đáng kính trọng của Giáo hội non trẻ, lính canh giữ lòng nhiệt thành của Giáo hội và là tấm gương đạo đức, cho tới khi người ta ném ông từ tháp đền thờ xuống, ông kêu lên như người anh em thần linh của mình: “Lạy Chúa, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc mình làm”.
Cuối cùng là Phêrô. Khốn nạn cho Phêrô bội giáo. Có lẽ vì xấu hổ cho nên vắng mặt ở Calvario, chứ không thì sức mấy ông chịu thua Gioan, ông muốn sửa chữa lỗi lầm của mình hơn là lại hèn nhát chối Thày một lần nữa! Lúc này ông muốn lấy nước mắt mà chịu phép rửa cho tội lỗi của mình. Phêrô của đôi mắt đỏ ngầu vì khóc lóc, đôi má lõm sâu từng ngày vì hối hận. Phêrô danh xưng đặc trưng của quang cảnh Palestine sỏi đá, bởi lẽ mỗi sáng khi nghe gà gáy ở Giêrusalem ai mà không nhớ đến tấm lòng tan vỡ? Cái liếc nhìn yên ắng của Thày khiến ông khốn khổ lui vào đêm tối vì ân hận?.
Trong bản nhạc bất hủ của Bach: Cuộc Khổ nạn theo thánh Mattheo, nước mắt Phêrô thật cao siêu. Nhưng đối với Phêrô nó xem ra là một viễn tượng màu nhiệm khi ba giờ sáng gà gáy ở Siloe và trên núi Ôlivêtê gọi ánh ban mai trở về. Nó đứng biểu tượng cho tiếng gọi thần linh ăn năn sám hối và ánh sáng sự sống.
Giả dụ Phêrô có mặt ở ngọn đồi Calvario dưới chân thánh giá, chắc chắn ông sẽ bắt gặp ánh mắt của Đức Giêsu và cái nhìn vừa buồn vừa ngọt ngào khiến ông thức tỉnh khỏi tình trạng tội lỗi ông dấn thân vào ở trong nhà Caipha. Và cũng trong cái nhìn đó ông nhận ra mình được Chúa thứ tha. Sự sa ngã dẫn ông đến lòng khiêm nhường chân thật, nhân đức đầu tiên của một linh hồn! Cái chết tử đạo của Phêrô, kết thúc một cuộc đời vĩ đại, và là bằng chứng lòng quảng đại của ông. Phêrô cũng bị đóng đinh, nhưng vì lòng khiêm nhường đối với cây thánh giá của Thày, ông xin đóng đinh ngược. Như vậy ông bày tỏ tính thấp hèn của bản thân và là một hiến tế hy sinh trọn vẹn.
Đức Giêsu hướng về Phêrô, mặc dầu ông ở rất xa, nhưng vẫn cảm được cái nhìn của Thày, cái nhìn làm tan biến sự yếu đuối của trái tim con người, thâm nhập sâu vào tình yêu của nó và ban sức mạnh cho sự yếu đuối ấy. Tảng đá đã trao đảo. Nhưng chính trên tảng đá này mà nền móng của công trình đời đời được thiết lập. Nơi đâu mà xác thịt loài người tỏ ra yếu đuối, nơi đó quyền năng của Thượng đế được biểu lộ rõ ràng. Phêrô vấp ngã, nhưng ông là người thứ nhất tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, rằng Người là Đấng Thiên Sai Thượng đế hứa. Thực vậy, chính nhờ Phêrô mà chúng ta có thể liên kết hai từ Giêsu và Kitô thành tên một Ngôi vị. Ông là người thứ nhất gọi đúng danh xưng Đấng Cứu Thế.
Như vậy trong tinh thần, các tông đồ có mặt tất cả, nghĩa là có mặt bằng đức tin, bằng trái tim mà họ đã dâng hiến để phục vụ Người, bằng ơn gọi mà Người chưa hề tuyên bố từ chối, bằng linh hồn trung tín với Người. Họ vắng mặt chỉ vì sợ hãi. Đức Giêsu chúc lành cho họ và khi chịu đóng đinh máu chảy ròng ròng Người trả giá đền tội cho mỗi người trong nhóm họ. Ngày mai Người sẽ gọi họ là anh em, đặt họ ngang hàng với mình để rằng nhiệm vụ chung sẽ được cụ thể ủy thác cho họ. Các dân tộc, các quốc gia sẽ được trao phó cho họ làm gia sản tinh thần. Và tất cả mọi thế hệ sẽ được trao phó cho hậu duệ của họ.
Họ sẽ làm chứng tá về Người. Trái tim họ sẽ là các bia đá ghi chép lề luật của Người. Công việc của họ là tổ chức Hội Thánh và trồng cây thập tự trên mọi phần của trái đất. Người sẽ biến họ thành nền tảng tòa nhà xã hội của Người, các cành của cây cao bóng cả, chân đèn tỏa ánh sáng khắp thế giới, mạch nước tưới gội địa cầu, luồng sáng trên bầu trời Công giáo.
Bởi vì người ta không thể từ chối công nhận rằng họ đã soi sáng thế gian làm cho nó sinh hoa kết trái và ngay cả hôm nay họ vẫn còn hướng dẫn thế giới. Một vài ngư phủ, một ông thu thuế, một bác thợ mộc chậm hiểu, hèn nhát mà ơn thánh sẽ biến đổi. Họ vắng mặt trong giây phút khủng hoảng lớn, vậy mà luôn hiện diện với chúng ta. Đó là tổ tiên chúng ta trong đức tin. Đây rõ ràng là phép lạ của cây thập giá. Nó cứu vớt ngay cả những ai trốn tránh nó, rằng trái tim họ không vong bản.
Các Tông đồ đều hiện diện, dĩ nhiên, không đầy đủ cả, còn thiếu một người. Người này đã trốn vào hoang địa sáng nay, khi người ta chính thức lên án Chúa và sắp trao nộp cho Philatô tuyên phạt tử hình. Hắn ta hoàn toàn cô đơn và ngơ ngác. Hắn nhìn chung quanh mình và khám phá ra mọi sự đều xua đuổi hắn. Hắn ném lời nguyền rủa cuối cùng vào tình yêu đã gọi và chọn hắn. Hắn lựa chọn một cây cao ngoài cánh đồng, treo thắt lưng mình lên một chiếc cành, buộc chặt nó vào cành. Rồi làm một cái thòng lòng, thò cổ vào và đu ra khoảng không vào vực thẳm kép của cái chết.
* * *
Chúng ta hãy gạt sang bên ký ức buồn thảm này, và nhìn tới chân trời hạnh phúc hơn. Nếu chúng ta công bằng với các Tông đồ, ngay cả khi họ vắng mặt thì liệu chúng ta quên được công lao của những ai dũng cảm hiện diện? Những kẻ than khóc dưới chân Đức Giêsu?
Những phụ nữ vẫn đứng đó, lúc tiến lại gần, khi lui ra xa tùy theo đám đông và binh lính cho phép. Họ theo Đức Giêsu suốt hành trình của Người từ Galilêa. Lúc này Người cần ai đó để giúp đỡ vào giây phút cuối cùng. Sự có mặt của họ mang tính biểu tượng. Nó báo trước tương lai và vai trò nữ giới trong cuộc sống Giáo hội, như trong cuộc đời Đức Kitô.
Phụ nữ giữ một vai trò quan trọng trong cơ cấu Giáo Hội non trẻ. Rất sớm trong sứ vụ Galilea. Thánh sử Luca đã mô tả một đám phụ nữ đi theo Thày Chí Thánh. Phêrô đứng hàng đầu, rồi đến 11 tông đồ khác giúp Chúa, cộng thêm là nhóm phụ nữ, một vài người trong họ đã được Chúa chữa lành khỏi những bệnh tật khác nhau, hoặc khỏi tà thần ám ảnh. Họ trợ giúp các Tông đồ từ nguồn tài chánh của mình hay chỉ đơn giản lao động phục vụ (Lc 8, 1-3).
Chẳng có chi khác thường trong việc này. Các Phariseo nhờ tiếng tăm đạo đức cũng thu hút số lớn các linh hồn phụ nữ đạo hạnh. Họ cũng nhận trợ giúp từ những phụ nữ ấy, và chẳng ai coi là gương mù. Tuy nhiên việc các phụ nữ Galilea đi theo Chúa Giêsu trong các hành trình rao giảng có lẽ là cách mạng, nhưng khó khăn được bác bỏ ở chỗ họ gắn bó với Đức Maria, Mẹ Người.
Các người đàn bà đạo đức này ngay từ đầu đã tận tụy với Đức Giêsu và kiên trì cho đến giây phút cuối cùng. Họ sẽ xức dầu thơm cho mộ Người, sẽ làm nhân chứng cho việc Người sống lại, sẽ có vai trò trong ngày Thánh Thần hiện xuống. Họ dâng hiến cuộc đời cho công việc cứu rỗi nhân loại, sau khi đã thờ lạy và làm vui lòng Ngôi vị Người. Trên ngọn đồi Calvario họ nhận lãnh chức vụ mà sau này sẽ truyền lại cho nữ giới suốt lịch sử Kitô giáo. Họ đang hiện diện dưới chân thánh giá. Như vậy họ đứng làm hình ảnh chính thức cho nửa phần nhân loại được thánh hiến.
Còn đối với nhóm Mười hai thì cũng có phẩm trật. Đứng hàng đầu là Phêrô, Giacôbê và Gioan. Phêrô là thủ lãnh Như vậy các phụ nữ thánh thiện cũng có tương đương: Maria Macđal Martha - chị cô, Maria Cleopha (mẹ của Giacôbe và Giosuê bà Salomê (mẹ của Giacôbê và Gioan, vợ ông Giebêđê) và Gioanna (vợ ông Chusa, quản lý của Hêrôđê). Đứng đầu danh sách này là Maria Macđala. Nhưng Đức Maria - Mẹ Chúa Giêsu nổi bật và là thủ lãnh của nhóm phụ nữ.
Những trái tím dịu dàng này (chúng ta khoan nói đến Đức Maria) thấu hiều tốt hơn đàn ông về tính dịu ngọt thần linh và sức mạnh siêu phàm của Đức Giêsu, Đấng Thiên sai và tử đạo. Sự vĩ đại của Người đã chiến thắng họ. Lòng nhân lành của Người lôi kéo họ đến bên cạnh Chúa. Nó làm cho họ ngất ngây. Về căn bản phụ nữ là người thích an ủi vỗ về. Quan điểm của họ về sự sống khiến họ dễ trở nên người trợ giúp. Bởi vì là người ban sự sống, cho nên phụ nữ ý thức rõ hơn đàn ông về tính mỏng dòn và yếu đuối của loài người. Và quyết bảo vệ những chị bà sinh ra ở trên thế gian này.
Những linh hồn đa cảm ấy vừa là bạn hiền vừa là học trò và trong nghĩa nào đó là các con gái, các bà mẹ hiền dịu dưới chân khổ giá, khóc cay đắng cho số phận của Thày mình. Họ nhìn lên Thày với chút an ủi và khích lệ. Họ mời mọc Thày chia sẻ với họ sự yếu đuối của thân phận làm người. Quỳ lạy tuyên xưng Người là Thiên Chúa, là Đấng cứu độ mình, kêu cầu Người ban ơn xuống cho mình và con cháu. Phần thưởng của họ là được ủy thác chôn cất xác Chúa. Nhưng chính giờ này xác Thày đã là của họ. Một chị em đã xức thuốc thơm cho thân xác Thày trước rồi và ít lâu nữa họ sẽ vội vã đi mua dầu thơm trước khi bình minh thứ bảy ló rạng (thứ 7 cấm đi xa), để có thể ướp xác bằng hương liệu ngọt ngào và đặt Chúa vào chiếc giường đá lạnh lẽo.
* * *
Và đâu rồi người phụ nữ dự phần trước chị em mình vào việc xức thuốc thơm xác Thày? Chị đã dùng lọn tóc mình làm khăn liệm đầu tiên ướp thơm đôi bàn chân Chúa? Chị đã đổ nước mắt ra như hương liệu dầu thơm mà rửa chân Chúa?
Chúng ta chẳng thể tưởng tượng một ai khác, ngoài người phụ nữ đang phủ phục dưới chân Đức Giêsu, hai tay ôm chặt lấy giá gỗ như thể tan biến vào nó, đồng hóa với nó, đón nhận những dòng máu tươi nóng chảy ra từ thân thể Chúa tưới gội trên đầu cô ta? Trong nghệ thuật người ta luôn vẽ cô như vậy trừ trường hợp cô nâng đỡ Mẹ Maria trong giây phút tệ hại nhất của cơn hấp hối.
Cô chẳng nói lời nào cả. Liệu có lời nào diễn tả hết những cảm nghiệm trong tâm hồn? Chưa chắc cô còn tỉnh táo để suy nghĩ ngay cả chịu đựng thống khổ? Chính Đức Kitô suy nghĩ và đau đớn trong cô. Cô không dám nói đến những điều đè nặng trên trái tim mình, bởi vì cô chẳng còn trái tim của riêng nữa. Những tiếng hổn hển từng cơn trong lồng ngực Thày Chí Thánh đã truyền sang lồng ngực cô. Cô chẳng còn máu huyết nữa vì máu huyết của Đấng tử đạo đang xối xả đổ ra. Cô chẳng còn tâmtrí nữa, bởi vì cô đã hoàn toàn cống hiến cho Người, đối với cô mọi sự đã hoàn tất, bây giờ cô chỉ còn biết khóc và khóc. Khóc để bày tỏ cô yêu mến ngài biết bao. Cô đau đớn mà không biết rằng còn nỗi thống khổ nào lớn lao hơn không? Phải chăng hấp hối vì hoan hỉ hay hỉ hoan vì hấp hối?.
Mẹ Maria đứng dưới chân thánh giá vì chức vị đồng công. Mađalena không có chức vụ này nên không buộc phải ở đó. Cô chỉ là một linh hồn đa cảm, yêu mến và khổ đau. Cô ngụp lặn vào thống khổ của Chúa, Thày Chí Thánh dấu yêu của mình. Cô cố gắng chịu đựng ngang bằng với Thày. Tình huống ở nhà ông Simon bây giờ được diễn lại. Nhưng ý nghĩa của nó rõ ràng hơn bởi vì chẳng còn chút vinh quang nào che đậy nó ở đây.
Một việc làm mang ý nghĩa hết sức to lớn. Một biến cố lạ lùng làm chấn động những ai không nhận ra tính biểu tượng của một bi kịch não lòng! Giữa bữa ăn trang trọng, tiến hành sôi nổi, chủ nhà đang chìm sâu vào câu chuyện với thực khách thì một người đàn bà sụt sùi bước vào. Theo thói tục thì đây là chuyện bình thường, nhưng với hạng phụ nữ mang tiếng xấu thì cấm hẳn. Cô lẻn vào phòng với một bình dầu thơm quí giá. Cô tiến tới sau lưng Chúa, Đấng đang nằm trên một cái gối gần bàn ăn theo phong cách đông phương. Một mình cô với lòng yêu mến nồng cháy chẳng để ý đám đông đang chăm chú nhìn, đập vỡ bình đổ dầu lên đầu Đức Giêsu, xức hai bàn chân bằng hương liệu và lấy những lọn tóc bện lau chân Chúa. Nước mắt cô pha trộn với hương liệu lan tỏa khắp cả nhà.
Có lẽ chúng ta hiểu được hành động của cô và động lực khiến cô làm như vậy. Cô đã được Đức Giêsu cứu khỏi kiếp sống nhơ nhớp. Bầy quỉ đã rời bỏ cô, để lại cho cô một tâm hồn trong trắng như trẻ thơ, nhưng nhiệt thành hơn, tràn trềâ thông cảm và tình thương của Chúa. Qua Đức Giêsu, cô cảm nghiệm được thế nào là hạnh phúc chân thật. Qua Người, cô học được đam mê và sa đọa là gì. Và tình mến trong cô, bây giờ được tẩy sạch, dâng trào lên, mạnh hơn là trước kia đầy ngu xuẩn cần được cứu vớt.
Liệu qua những lỗi lầm nổi tiếng, cô cần bày tỏ lòng ăn năn hơn không? Đôi mắt đã từng khinh miệt thế giới vì thói xấu, liệu bây giờ cô đủ can đảm cho thiên hạ chứng kiến lòng khiêm tốn, đức tin và sự vĩ đại của mình? Vai trò của cô lớn biết bao khi làm biểu tượng cho sự phục sinh tinh thần, làm thánh bổn mạng cho những linh hồn tội lỗi ăn năn.
Nhưng còn một động lực nữa khiến cô hành động như vậy. Cô biết chắc chắn Đức Giêsu chết về tay thế lực thù địch. Trực giác của kẻ yêu mến mách bảo cô như vậy, trong khi thiên hạ không hề hay biết. Ở bên mồ Lazarô, thái độ của họ không thoát khỏi đôi mắt cô. Cô đã tin tưởng tuyên bố: “Nếu Thày có mặt ở đây, thì em con không chết”, nhưng bây giờ rên rỉ dưới chân Chúa: “Nếu không phải vì con, nếu con không bắt ép tình yêu dịu dàng của Chúa, thì có lẽ, lạy Thày Chí Thánh, Thày không phải chết”.
Cô ý thức rằng có những lý do rộng lớn hơn, vì cái chết của Thày là cơ hội, nhưng còn nguyên nhân thì sao? Đức Giêsu là nạn nhân không chỉ của người Do thái. Không chỉ vì bạn hữu mà Người hứng chịu cơn giận của kẻ thù, để thỏa mãn yêu cầu của các bạn. Nhưng là nạn nhân của toàn bộ loài người tội lỗi.
Đúng thế, Người là nạn nhân của từng linh hồn. Một ý nghĩ ghê gớm khác dành cho Maria Macđala. Một nỗi kiệt quệ khác đè bẹp linh hồn cô khi cô nghĩ về tội lỗi quá khứ. Trách nhiệm đời đời nặng nề biết bao! Chính vì tội lỗi của mình mà Thày Chí Thánh phải trả giá rất đắt. Nếu tất cả những thống khổ của Thày chỉ vì Thày yêu mến cô, liệu cô có sẵn lòng đáp trả?
Cho nên cô đã xông vào khổ nạn của Thày. Cô dự cảm trước các biến cố, chia phần với Người. Cô liên kết với Đức Giêsu trong sự hiểu biết về những điều sắp xảy ra. Mặc dù nơi Đức Kitô hiểu biết đó là vĩnh cửu. Macđala tuân phục, cô hạ mình xuống và khóc lóc. Cô tràn lòng biết ơn Chúa và giữa hai tình cảm này có một ý nghĩa bí mật về sự đồng cảm ngấm ngầm mà Đức Giêsu ám chỉ cách bóng gió: “Điều chỉ làm được thì cô đã làm. Cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi, để chuẩn bị ngày mai táng” (Mc 14,9).
Và như một hậu quả, dầu thơm cô đổ ra ở gian nhà ông Simon sẽ lan tỏa khắp thế gian, khi thân xác ấy chỗi dậy từ cõi chết nó sẽ làm đầy mọi nơi: “Tôi bảo thật các ông: Hễ Tin Mừng được loan báo đến đâu trong khắp thiên hạ, thì nơi đó việc cô vừa làm cũng sẽ được kể lại, để nhớ tới cô” ( Mc 14, 9).
Ngày hôm đó căn phòng của ông Simon giống như một tiền đường của nấm mồ mới, được dành riêng cho việc xức dầu khi chết mà trái tim Macđala sau trái tim Đức Mẹ là nấm mồ tinh thần. Cô than khóc Chúa trước cả cái chết thật của Người. Cô khóc Chúa như một đứa trẻ mới sanh. Bởi vì đối với cô Người mới sinh ra trong linh hồn cô.
Thế còn chiếc bình? Chiếc bình dầu thơm quý giá với cái cổ cao? Cô đập vỡ ra, nó chẳng thể được dùng vào việc phàm tục nào khác nữa ngay cả dùng phục vụ Người lần thứ hai. Bởi lẽ Người sẽ chết. Ước chi cô được ném nó xuống mồ Người. Ở Canaan người ta hay tìm gặp các bình vỡ hoặc dụng cụ nào đó được chôn vùi theo người chết để tỏ lòng tôn kính.
Nhưng bởi vì Người sẽ chết và chết cho cô, phỏng cô còn ở lại làm chi? Cô không thể bắt chước người Ấn độ, một khi chồng đã chết, người vợ cũng leo lên dàn hỏa thiêu để cùng chết với chúa mình và nắm tro được trộn lẫn với nhau. Nhưng cô có phương pháp tốt hơn: Thống hối, hoàn toàn đầu hàng để rằng mai táng chính mình khi chôn cất thân xác Đức Giêsu, Chúa của mình và cô tuân phục cho đến chết theo thánh ý Người.
Dưới chân thánh giá, cô canh tân ơn thiêng đã nhận được. Vì chính bản thân cô chứ không phải nước mắt hay máu huyết của trái mà cô dốc ra dưới chân giá gỗ của Đấng cô yêu mến đang chịu khổ hình.
Có lần cô cứ ngồi dưới chân Người nghe lời Người nói. Đây là “phần” của cô mà không ai cất đi được. Cô chỉ đứng dậy khỏi chân Người để đi đến nhà Simon xức dầu thơm cho nó. Lúc này cô ôm những bàn chân ấy trên cây thập giá. Ngày mai cô lại ném mình xuống dưới chân Người. Cô chẳng thể rời đôi bàn chân ấy. Bởi vì cô nhận ra “chỗ” của mình chỉ có thể ở đấy. Cô mặc sức giải phóng lòng khiêm nhường và yêu mến của mình. Maria Macđala luôn phủ phục, luôn khiếm tốn hạ mình. Bởi vì tình yêu đã chiếm hữu cô. Cô không còn sự sống riêng nữa.
* * *
Mẹ sầu bi đứng dưới chân thánh giá.
(Stabat Mater Dolorosa)
Mẹ đứng dưới chân thánh giá con yêu,
Tâm can nát tan Mẹ chết trăm chiều,
Gần bên Chúa trong giờ tử nạn.
Mẹ diễm phúc của Con một Cha,
Đấng tạo dựng đất trời,
Buồn thương và thảm thiết biết bao!
Đức Kitô chịu hành hạ trên cao,
Bên dưới Mẹ đứng nhìn xót xa,
Thấy Con chết anh hùng, tử đạo.
Hỡi những kẻ đi đường lơ đễnh,
Hãy trông xem Hiền Mẫu chúng ta
Đau xót nào sánh bằng của Mẹ?
Trái tim ai chịu nổi được không?
Mà chẳng hề chia sớt với Mẹ
Nỗi đau tày biển rộng trời cao?
(Phỏng dịch thơ Latinh).
Chỉ một mình phụng vụ thánh đủ khả năng khai thác tốt đề tài này và có thẩm quyền phổ biến cho mọi thời đại suy ngẫm vì lợi ích các linh hồn thánh thiện. Giáo hội yêu mến hình ảnh Mẹ Sầu Bi. Người ta có thể giải thích bài ca Stabat Mater (Mẹ đứng kề thánh giá) là phản ánh chính Giáo hội. Nó là bài ca về lòng mẹ hiền tan nát và khổ đau vinh quang.
Giáo hội lục lọi các lời tiên tri và hô lớn với ngôn sứ Giêrêmia lên tổ phụ mình rằng: “Tai họa ngươi mắc phải lớn quá rồi, lớn tựa trùng dương ai chứa nổi?” (Ai ca 2, 13). Hội Thánh áp dụng lời này cho Mẹ Sầu Bi, như khi nói về Đức Giêsu, Hội Thánh áp dụng thân phận cô gái héo hắt Sion: “Này tất cả những ai qua lại, hãy nhìn kỹ mà xem, có nỗi khổ nào so sánh được với nỗi khổ Đức Chúa giáng trên tôi?” (Ai ca 1, 12).
Quả thực Đức Maria là duy nhất trong mọi sự. Sau Đức Giêsu và trong Đức Giêsu, vì lý do tương quan với ngôi vị thần linh và với công việc của Người. Đức Mẹ vượt xa trên các thụ tạo khác trong liên hệ với định mệnh con người cả về công nghiệp, thống khổ và vinh quang tương lai. Đức Maria vừa là người Nữ đồng trinh, vừa là Mẹ và là Đấng Đồng công. Người là bông hoa chỉ mở cánh ra vì Thiên Đàng mà thôi, Người là mặt trăng chiếu sáng trần gian, là mạch suối tuôn trào đức trong sạch, là luống cầy ban tặng bánh hằng sống cho nhân loại lớn lên. “Lạy Mẹ, chính từ lòng Mẹ mà sự sống đời đời đã đến với thế giới. Bởi vì Đấng sinh ra cho chúng con đã chọn Mẹ làm hiền mẫu” (Kinh Ave Maris Stella = Kính chào Ngôi Sao Biển).
Điều tự nhiên là ở cương vị làm mẹ, Đức Maria trong lúc khốn khó này không thể tự tách mình ra khỏi Đức Giêsu và công việc của Người. Một thánh giáo phụ đã nhận xét: Đức Maria khi sinh hạ Chúa đã không phải chịu đựng đau đớn, thì khi Chúa chết Người phải chịu đựng. Ngày xưa Mẹ đã cảm thấy Chúa sống trong thân thể mình, thì bây giờ khi Chúa lìa đời Người cũng cảm nghiệm Chúa chết trong bản thân. Vào thời thơ ấu, lúc ẩn dật, khi ra giảng đạo tất cả đều thuộc về Đức Maria. Vậy thì khi chết, Đức Giêsu cũng thuộc về Mẹ mình hơn. Vậy việc Mẹ hiện diện dưới chân khổ giá là điều rất tự nhiên.
Nỗi đau đớn của Mẹ được đo lường bằng mức độ quí giá của Người Con Thần Linh đối với Mẹ. Người vừa là Thiên Chúa, vừa là thân xác bởi thân xác Mẹ. Người là một phần của Mẹ, đồng thời là một trong Ba Ngôi. Mẹ đã nuôi dưỡng Chúa nhân danh trời và đất. Người chỉ sống vì Chúa, Đấng đã muốn có sự sống bởi Mẹ và cũng vì Chúa mà Mẹ được dựng nên! Mẹ đã trông thấy những giọt nước mắt đầu tiên của Con, mỉm cười vì lời nói thứ nhất của Con, tập đi cho Con, chập chững như chúng ta vậy. Mẹ đã bồng ẵm trên tay mình kho tàng linh hồn Đức Giêsu, Đấng là tia sáng chiếu rọi vào xác phàm mà xưa kia chỉ là tăm tối, trong linh hồn ấy Thiên Chúa tỏ lộ chính mình.
Đức Giêsu đợi trông mọi sự từ Đức Maria, bởi vì Mẹ được Thiên Chúa tiền định để làm quà tặng cho Chúa. Trong nhiều năm trường Đức Giêsu chẳng hề rời bỏ Mẹ, sau này chính Mẹ lại theo Chúa từng bước. Chúng ta thử tưởng tượng tương quan Mẹ Con trong ba năm sau cùng. Nó là một màu nhiệm mà chỉ tình thân mật mới có khả năng thâm nhập và càng đi vào sâu thẳm, càng ngọt ngào! Bây giờ Đức Giêsu sắp lìa bỏ Đức Maria. Chỉ trong một ngày Mẹ mất cả hai: Người con duy nhất và Thiên Chúa của mình. Nỗi đau của Mẹ mang tính chất nhân loại chỉ vì Mẹ là loài người. Nhưng đối tượng của nỗi đau ấy lại vượt xa mọi hiểu biết của bất cứ phàm nhân nào!
Vì vậy các thánh chiêm ngắm Đức Maria trên đồi Golgotha như đang chảy máu. Đúng thế, toàn thân Mẹ thấm đầy máu từ thân Con mình, Mẹ hôn lên các vết thương của Con. Thấm đầy máu từ cây thập tự, đôi môi Mẹ muốn uống cạn các dòng chảy. Thấm đầy máu như sương sa thấm mặt đất. Mẹ muốn quì hôn lên đó. Vẻ mặt vốn xanh xao nhợt nhạt lúc này lại vấy những máu biến thành một hình hài thảm thê. Một Niobe buồn sầu hơn Niobe huyền thoại (Niobe là nữ thần buồn đau của Hy lạp). Nhưng dịu dàng, thanh sạch hơn nhiều. Và vì đặc ân vĩ đại, Mẹ dễ tiếp cận hơn mọi trái tim con cháu Evà.
Đặc biệt là trong tâm hồn Mẹ mà chúng ta phải nhìn thấy Mẹ rướm máu. Tuy Mẹ đứng dưới chân thập hình, nhưng thật ra trái tim Mẹ đã bị đóng chặt vào đấy và chia sớt đớn đau vô cùng với Chúa. Đức Giêsu mang năm dấu đinh, nhưng Đức Maria mang bẩy lưỡi gươm. Chúa bị đóng đanh, nhưng Đức Mẹ bị đâm thâu. Người chịu đựng khổ nạn, và Đức Maria đồng công. Cả hai đều là nạn nhân hiến tế, nên chỉ là một cuộc tử đạo.
Hai vị liên kết nên một bởi nỗ lực chung. Nó tôi luyện cả hai hòa hợp. Đức Giêsu trông xem Đức Maria với ý nghĩ Mẹ đang nhìn mình tử nạn. Trong khi Đức Mẹ cảm nhận Con như đối tượng đau khổ của mình. Hai mẹ con tương tác lẫn nhau, an ủi lẫn nhau. Chúa không giữ riêng cho mình những điều nhân tính Người chịu đựng. Vì nhân tính là bởi Đức Maria. Vậy Đức Maria có quyền lợi trong ấy và Đức Giêsu không chối bỏ quyền lợi của Mẹ.
Người sẵn lòng để Mẹ mình trông thấy tất cả, cảm nghiệm tất cả và nếm trải tất cả, tức nằm trên giường kiệt quệ, bị đanh sắt đâm thâu, gai nhọn xé nát, quằn quại chịu đựng các cơn nghẹt thở, các đợt chuột rút kinh hồn hành hạ tấm hình hài nhừ tử. Người không chừa lại nỗi khổ nào cả. Mọi sự đều diễn lại trong Mẹ thân yêu. Người muốn như vậy, và do bản năng tự động Người khát khao như vậy.
Bản năng tự động ư? Chính thế, vì Người là Con duy nhất của Mẹ, giống như bất cứ phàm nhân nào khác. Trong giờ hấp hối, Đức Giêsu lại trở nên thơ bé. Chúng ta không cần dè dặt về vấn đề này, tức gán cho Chúa Kitô những yếu đuối của kiếp phàm nhân mà chính Người đã bày tỏ trong vườn cây Dầu. Nếu Người đã cầu khẩn cùng các môn đệ giúp đỡ, thì tại sao từ chối nơi Đức Mẹ? Người quay mặt đầy máu me về phía Mẹ mình, gương mặt thứ nhất trong đời Người được hưởng nụ cười âu yếm: Chiếc đầu đầy gai nhọn khát khao được dựa lên vai Mẹ mà ngày xưa Người từng nũng nịu. Người mong ước lại được hôn lên má Đức Maria mà hơn ba mươi năm trước Người thường hôn khi đi xa về. Ôi Người khao khát những giây phút đó biết bao!
Trong quá khứ, nhiều lần Người đã quên mình là người lớn để có thể sà vào lòng Mẹ? Lúc này Người không ao ước nữa hay sao? Không tìm thấy nghỉ ngơi bên Mẹ nữa hay sao? Ở Betania Người đã từng lui tới để trốn tránh những giây phút căng thẳng sau một bài giảng gay cấn, tìm nghỉ ngơi sau một ngày làm việc hoặc tranh luận ráo riết? Hay những lúc đau lòng vì người Do thái cứng cổ? Chức vị cao siêu của “Con loài người” không tương khắc với tính chất thơ ngây của tâm hồn con trẻ. Nó dai dẳng mãi trong những người cứng rắn nhất, ngay cả trong các anh hùng cái thế. Trong những lúc chịu đựng khổ đau nó càng bộc lộ rõ hơn.
Phần Đức Maria, tâm hồn Mẹ nôn nóng hơn biết bao được đón nhận Con vào lòng. Và Chúa cũng khát khao mau được ném mình vào lòng Mẹ. Chẳng mấy chốc nữa Người sẽ tắt thở, Người sẽ mặc cho đầu mình gục về phía Mẹ và thư giãn, ký thác toàn thân cho Mẹ săn sóc trong cái chết. Mẹ sẽ lo liệu cho nó y như lúc mới sinh ra. Đây là lúc hoàn toàn thuộc về Mẹ. Tấm thân cứng đơ, lạnh như đá sẽ là kỷ phần của Mẹ. Hai thân xác ấy, một nóng một lạnh, sẽ được sưởi ấm chỉ bằng một quả tim.
Chúng ta nên nhớ rằng mặc dù thống khổ của Đức Giêsu chẳng chi sánh bằng, nhưng xét về chiều dài, thì của Đức Maria lâu hơn. Đức Maria sẽ chịu đựng cái chết của Con nhiều giờ hơn trong khi Đấng chịu đóng đinh chỉ phải chịu đựng từng cơn hấp hối mở màn cho cái chết mà thôi. Mẹ sẽ nhận lấy nhát đòng đâm vào cạnh sườn Chúa. Những vết thương mà Mẹ thấm khô xem ra còn tươi tắn, và thực chất nó sống động trong trái tim Mẹ. Tấm thân cứng đơ Mẹ đặt trên đầu gối, chiếc đầu lâu vô hồn lăn lóc như cục đá bên trái tim Mẹ, người đã ban cho nó sự sống. Tất cả đều gây nên trong lòng Mẹ những nỗi quặn đau khôn tả. Sự sống lại lúc này vẫn còn xa vời, bị các mây đen che phủ. Mẹ còn phải chịu đựng một cái chết nữa, khi người ta mang xác Con đi chôn.
Sau này, Mẹ còn nhớ lại ký ức đau đớn ấy nhiều lần. Mẹ sẽ đi lang thang qua các phố xá của Giêrusalem tìm kiếm lại con đường Khổ nạn, quanh quẩn mãi những nơi Con ngã sấp xuống đất. Mường tượng lại cái nhìn đưa mắt tại ngã tư đường hay ở cổng Ephraim, nhập bọn với các phụ nữ than khóc Chúa và được Chúa ban lời cuối cùng. Mẹ chầm chậm leo dốc Golgotha, mắt nhắm lại để xem thấy rõ hơn hình ảnh đau thương, bước chậm trong yên lặng để nghe cho tỏ hơn những lời xỉ vả. Cuối cùng ở chân giá gỗ, Mẹ đứng lặng hồi lâu để suy gẫm.
Rồi Mẹ chỉ còn sống để mến chuộng cái giá đã trả cho việc hy sinh, và dành trọn cuộc đời còn lại để mến yêu sự thống khổ của Chúa, ngõ hầu tăng trưởng trong lòng yêu mến đó. Và vì công trình của Chúa, Mẹ sẽ kéo dài nỗi đau lòng của mình mãi mãi. Nó sẽ đạt tới mức không đo lường được nữa vì Ngôi vị của Con. Bởi chưng mối dây máu mủ cột chặt Mẹ vào người Con duy nhất và thần linh.
Dĩ nhiên công trình của Người có vai trò ngay trong nỗi thống khổ hiện tại. Nếu Đức Maria không dâng hiến mình Cho Chúa và các thống khổ vì chính nghĩa mà Người vui lòng chết, thì hẳn Mẹ đã không họp nhất với Đức Kitô. Thập tự chỉ là bàn thờ và bàn thờ thực sự phải là trái tim Mẹ, một loại bàn thờ thiêng liêng.
Đó chính là lý do để Mẹ được tạo dựng. Vì nếu Mẹ không dâng hiến lời xin vâng thuận theo ý Thiên Chúa thì làm thế nào có biến cố Nhập thể? Sự đồng ý của Mẹ là căn nguyên trực tiếp cho biến cố trọng đại này! Cho nên sự cộng tác trong công trình cứu chuộc là hiển nhiên. Vậy nếu Đức Giêsu là Ađam mới, thì đương nhiên Đức Maria là Evà mới. Đức Mẹ hiểu rõ ơn gọi của mình. Chiếc gươm của tiên tri Simeon không phải đợi đến giờ tử nạn trên đồi Calvario. Và ngay cả trước Simeon đã có nỗi thống khổ ngọt ngào trong máng cỏ, trong lời truyền tin tinh tế và đầy tai họa.
Đức Maria đã mang trong lòng con trẻ Giêsu chịu đóng đinh. Một vài họa sĩ vẽ Đức Giêsu xuống lòng Trinh nữ Maria trong bầu ánh sáng như một bé thơ vác thập tự. Họ suy nghĩ đúng sự thật. Đức Maria đã sinh hạ cái chết để cho thế gian được sống. Sữa con trẻ uống mang điềm gở của mật đắng. Máng cỏ nghèo nàn là giá gỗ thứ nhất. Đức Giêsu đã không từ chối mạc khải cho Mẹ những sự kiện quái ác mà nét nhìn mến yêu bình thản của Người lúc này tỏ lộ.
Liệu sự thật giữa hai mẹ con luôn bình an và không cần kiềm chế? Đúng vậy, nhưng cộng với nét nghiêm nghị của các anh hùng. Những kẻ biết rõ sức nặng của định mệnh và cái giá khủng khiếp của vinh quang. Đức Giêsu luôn phải chết và Đức Maria luôn đồng ý vào sự hy sinh đó. Người chấp nhận vai trò của mình, góp phần vào mọi sự. Mẹ đã thiết lập thập tự trong ý chí trước khi trông thấy nó trên đồi Calvario. Mẹ đã mai táng con mình trong tinh thần từ lâu rồi.
Và lúc này Người không rút lại điều chi cả. Ngược lại Mẹ tăng thêm cường độ chấp nhận. Vậy nếu sự đau đớn của Đức Giêsu hoàn toàn tự nguyện thì nơi Đức Mẹ cũng vậy. Đức Maria cũng như Con Mẹ được quyền tuyên bố: “Mạng sống của Tôi không ai có thể lấy đi được, nhưng chỉ chính Tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống” (Ga 10, 17). Linh hồn Chúa Giêsu là của Đức Mẹ, và Người hy sinh nó. Đó chính là giờ của Mẹ cũng như của Chúa Giêsu. Người nữ tỳ Thiên Chúa tiếp tục phục vụ ngay cả đến việc tử đạo. Mẹ không hiện diện trên núi Thabor, thì nay đến gần kề bên thập giá. Mẹ vắng mặt ở đám rước khải hoàn vào thành thánh thì nay hăm hở chạy tới bàn thờ. Vị nữ anh hùng của Stabat Mater chẳng phải chỉ là nữ thần Niobe thánh thiện mà còn là Evà mới. Cùng với Con yêu dấu, Đấng tạo dựng, Mẹ tái thiết nhân loại và cứu vớt linh hồn người ta bằng cách ban tặng thế gian Đấng Cứu Thế.
Stabat Mater Dolorosa,
Mẹ đứng dưới chân thánh giá Con yêu,
Tâm can nát tan Mẹ chết trăm chiều,
Gần bên Chúa trong giờ tử nạn.
* * *
Mặc dù nỗi đau đớn của Mẹ Maria là vô bờ, nhưng liệu niềm hạnh phúc nội tâm của Người có làm nhẹ bớt? Niềm bình an nội tại trong linh hồn Đức Mẹ cũng gây nên cho Mẹ an ủi lớn lao lắm chứ? Chúng ta buộc phải tin vào chân lý ấy nếu người ta tin rằng Mẹ kết hợp đầy đủ và trọn vẹn với Đức Kitô, và hiến dâng cho công việc của Người. Nhưng ai sẽ hướng dẫn chúng ta vào màu nhiệm sâu thẳm, vượt quá sức loài người này?
Sau đây tôi sẽ dành riêng một chương để bàn về hạnh phúc Thiên đàng của Đức Giêsu, ngay cả trong cuộc tử nạn. Bây giờ thì hãy tạm tin rằng Đức Maria chưa có Thiên đàng ấy. Nó là đặc ân của Đức Kitô xét theo cương vị là Con Thiên Chúa. Nhưng khi suy niệm về Thiên đàng? của Chúa Giêsu thì liệu Đức Mẹ có được chia phần chút ít không? Bởi vì chẳng có chi thuộc về Chúa Cứu Thế mà xa lạ với Đức Mẹ ở cương vị là đồng công? Trái tim Mẹ đã kết hợp với những ngất ngây mầu nhiệm sâu thẳm khôn dò không thấu nơi Đức Kitô Giêsu!
Tương tự như vậy, mặc dầu tương lai bị hạn chế bởi chương trình cứu độ, để tôn trọng nỗi thống khổ của các vị, nhưng cả hai đều được biết tương lai. Sau cây thập tự, hai vị được xem thấy hoa quả của cây thánh giá và của khốn khổ. Vậy liệu đây không phải là một màu nhiệm của niềm vui để làm giảm nhẹ màu nhiệm khổ đau?
Khi đọc trong linh hồn của Con, Đức Maria đi xa hơn là cuộc Khổ nạn và khám phá ra một vùng ánh sáng. Nước mắt của Mẹ mang tính tiên tri. Đức Giêsu đã đổ nó vào trái tim Mẹ, thì cũng chia sớt kiến thức về tương lai cho Mẹ. Đức mẹ biết điều ấy, Người chờ đợi và đau khổ của Người vì thế được hy vọng chế ngự bớt.
Đức Giêsu đã nói với hai Tông đồ: “Buồn sầu của chúng con sẽ trở thành niềm vui”, thì chắc chắn Người yên ủi Đức Mẹ nhiều hơn nữa. Khi thống khổ của Mẹ qua đi, thế giới sẽ nhìn vào Đức Mẹ với lời tung hô vĩ đại chưa từng thấy. Nếu lúc này Stabat thay thế cho Magnificat thì ít lâu nữa Magnificat sẽ bùng lên thành bài ca tràn ngập vũ trụ và nhân loại chung lời nhẩy mừng ngợi khen.
Đấng toàn năng đã làm những việc lạ lùng nơi Đức Maria, thì nhờ Mẹ, Người thực hiện những điều lớn hơn nữa: “Đẹp đẽ hơn mặt trăng, rực rỡ hơn mặt trời, oai hùng hơn đạo binh xếp hàng vào trận”. Cùng với Con, Đức Maria sẽ thay đổi tận gốc vận mệnh các quốc gia và Calvario sẽ chỉ còn là ký ức xa xôi của quá khứ.
Như thế, chúng ta phải nghĩ đến Đức Mẹ như đang than khóc, đồng thời đang ngất ngây vượt xa những đau buồn hiện tại. Người như đang sống trong giấc mơ. Thực tại nhiều khi quá gồ ghề đến độ nó đẩy linh hồn vào xa xăm. Nhưng giấc mộng của Đức Maria không phải là ảo vọng đầy hình ảnh ma quái. Nó là cơn mơ sáng tạo, đúng hướng, là mộng mị thần linh được dựng lại và làm mới sau tội lỗi của nhân loại: Tức giấc mơ cứu chuộc. Và một đặc trưng của vận mệnh ấy sắp được tỏ lộ.
Khi Đức Giêsu nhìn xuống đám đông đang túm tụm quanh gaí gỗ của mình, Người trông thấy Đức Mẹ và thánh Gioan. Có lẽ Người làm vài dấu hiệu con thảo đối với mẹ mình. Lòng đầy trìu mến hai cá nhân này và với tất cả những linh hồn liên kết với họ, Người coi họ như một biểu tượng tốt. Người hoà hợp họ vào một trong bẩy lời vàng ngọc cuối cùng, phá vỡ sự yên lặng sâu lắng trên thập tự.
Hình như Người phải đè nén cảm xúc của mình khi nhìn thấy những linh hồn thân yêu. Người nói với họ bằng những lời tôn trọng, không gọi Đức Maria là mẹ, sợ rằng đánh vỡ trái tim bà. Người dùng lời nghiêm trang gần như vô tình, với ngầm ý chức vụ tương lai của Mẹ: “Hỡi bà kia, này Gioan là con bà”, và thêm: “Gioan, đấy là mẹ anh”.
Hội Thánh luôn hiểu Gioan đứng làm đại diện cho toàn thể loài người. Chúa Giêsu ký thác Mẹ mình cho Gioan theo tính cách cá nhân và Đức mẹ cũng được Chúa phó thác cá nhân Gioan cho mình. Từ nay Gioan là thân cận của Chúa Giêsu và Đức Giêsu, gương mẫu của các người con, thay thế mình bằng Gioan. Tuy nhiên, sự kiện mang tính biểu tượng. Từ Con mình, Đức Maria nhận lấy toàn bộ nhân loại để chăm sóc, giữ gìn và khích lệ như những đứa con thân yêu. Loài người đón nhận Đức Mẹ như gia sản qúi báu. Lời từ biệt dịu dàng và cảm động này của Đức Giêsu chứa đựng màu nhiệm cuối cùng của tình yêu.
Đây chưa phải là lúc nói rằng tất cả được gói ghém trong quà tặng đa nghĩa này. Chỉ nên nhớ rằng nếu nó là một đặc ân quí và dịu dàng nhất cho chúng ta, thì đối với Đức Mẹ nó là một bằng chứng rõ rệt và công khai về sự kiện Đức Maria cộng tác với Đức Giêsu trong công việc cứu rỗi. Chúa Giêsu yêu cầu Mẹ mình chấp nhận các “anh em” của Người. Lúc này Mẹ không chỉ nhìn vào thập tự, nấm mồ, ngay cả sống lại, lên trời, vinh hiển, nhưng còn vào sân khấu mà công việc cứu độ được thực hiện. Công việc đòi hỏi sự cộng tác dịu dàng và mãnh liệt của Mẹ.
Và Maria đã đồng ý. Mẹ chấp nhận vai trò. Mẹ không cần phân đôi mình ra, không cần phải gạt bỏ nước mắt, không cần bỏ mặc người con dấu yêu quằn quại trong đau đớn để lãnh nhận gia sản mới. Bởi vì Mẹ thấy rõ mọi sự trong Con. Cho nên Mẹ lại đẵm mình vào đại dương tình yêu, đại dương chứa đựng mọi màu nhiệm. Mẹ chấp nhận hiện trạng của Con cả trong hai lãnh vực: Ngôi vị Thiên Chúa và chức năng Cứu thế. Evà mới hợp nhất với Ađam mới, dù là trong đau khổ hay trong hậu duệ của mình.
Sau khi đã trao xong di chúc và lời giao ước. Đức Giêsu lại rơi vào yên lặng và Đức Maria vào suy gẫm. Mẹ chẳng có thể nói lời phản kháng. Mẹ chẳng thốt được lên tiếng “ không”, và cũng chẳng “xin vâng” mà không cảm nghiệm kiệt sức. Sự thay thế một phàm nhân với một người con thần linh phải chăng là một nỗi vui mừng? Một đám đông vô định với Người con duy nhất là điều đáng làm? Đối với Mẹ hiện tại không có quyền che dấu tương lai, và tương lai cũng không được phép tước đoạt hiện tại. Vậy thì làm thế nào ngoài việc hiên ngang đứng thẳng cả linh hồn và xác như người nữ tỳ của Đức Chúa vẫn hằng tuân phục? Stabat Mater Dolorosa!.
Ở Gabaon vào thời Đavít, bà Respha khốn khổ đã canh thức bên giàn giá gỗ mà hai trong các con trai trong trắng của bà đền thay tội lỗi cho toàn dân. Lúc ấy mới là đầu mùa gặt lúa mạch, muộn hơn chút ít trong năm so với thời gian Khổ nạn của Chúa Giêsu. Bà Respha lấy tấm vải lông chiên trải ra trên tảng đá làm chỗ dựa đầu. Bà không chịu để các kên kên đến rỉa xác các con bà ( 2V 21, 10).
Respha của đồi Golgotha không được tự do như vậy. Bà không thể giữ các kên kên khỏi hiện trường. Mẹ chịu đựng để thù ghét xé nát Con. Mẹ không thể từ chối dự phần, không phải vào tội ác, nhưng vào kế hoạch thương xót của ngôi Cha, ngôi Con và Thánh Thần.
Ở cương vị là hiền thê của Thần Khí tạo dựng, Đấng canh tân bản tính nhân loại, mẹ của Con Người mới, Ađam mới, ái nữ của Chúa Cha, Đấng ban hiện hữu cho mọi loài, Đức Maria trợ giúp gia đình Ba Ngôi mà ơn gọi siêu nhiên đã thâu nhận Mẹ. Mẹ đang thực hiện một công việc thần linh, là trợ lý của Thượng Đế Tối Cao. Và chúng ta được phép tin rằng khi Đấng Cứu Thế thở hơi cuối cùng, trao lại linh hồn về tay Đức Chúa Cha, thì Đức Maria được Thần Khí hướng dẫn, cũng nói cùng với Con mình rằng: “Lạy Cha, Con xin phó linh hồn trong tay Cha”.
(1863-1948)