Đối với những người Do thái nhiệt thành khi chiêm ngưỡng Giêrusalem thì chỉ trông thấy đền thờ Thiên Chúa, cho nên chúng ta phải chấp nhận rằng Đức Giêsu khao khát vinh dự cho Cha Người, và đã từng nhiều lần phủ phục trong đền thánh trước tôn nhan Đấng Chí Tôn. Lúc này trên giá gỗ Người cũng đăm đăm nhìn đền thờ, nhà của Cha Người, với hết tâm tình mến yêu, pha trộn cùng thân xác đang chịu đau đớn cực độ.
Thập tự của Người ở phía tây thành phố nhìn về phía đông, cùng hướng với ngôi đền thánh. Như vậy Người chỉ trông thấy phần đầu của kiến trúc đồ sộ. Thừa nhận rằng trời đã về chiều và mùa sang hạ, thì cái bóng thánh giá nhờ mặt trời đang lặn ở phía tây, giãi thẳng vào thành Giêrusalem, bao trùm lên đền thánh và bàn thờ. Sự tính toán táo bạo này có thể dễ dàng được kiểm chứng tại chỗ, chẳng cần tưởng tượng nhiều.
Nhưng lúc này, bàn thờ đích thực của vũ trụ đã được dựng lên và lễ vật chân chính, sau nhiều lần được biểu tượng trong đền thánh, cuối cùng đang hiển thị, có thể vươn tới và hoà lẫn với các hình ảnh thuở xưa. Điều được gói ghém và giấu kín trong đền thánh bằng những biểu tượng, thì nay tỏ lộ rõ ràng và công khai. Điều được tiên báo bằng bí nhiệm thì nay hiển hiện minh bạch cho thế giới. Dạo khúc thiêng liêng đã chìm vào yên lặng để báo trước một bài ca vĩ đại muôn thuở. Pháo đài tôn giáo của Israel bấy lâu nay đứng vững trên đỉnh cao của lịch sử thánh thiêng thế giới, thì lúc này dần dần nhường chỗ cho sức nặng của cây thập tự khiêm nhường và không cưỡng lại được.
Người ta có khả năng giả định rằng cái kinh thành của đức đại vương lúc này trở nên thành phố tử thần đối với Người. Và đối với thế giới tôn giáo thì chỉ còn là đổ nát hoang tàn, đang làm dấy lên trong tim Người tình cảm khinh bỉ và khước từ. Một vài học giả có ý kiến như vậy. Theo họ, người mục tử tối cao bây giờ chối bỏ cái điạ điểm mà đàn chiên của Người đầu tiên được thiết lập. Tân Ước lìa bỏ Cựu Ước mà chính mình đã bắt rễ. Thiên Chúa trong ngôn vị Giavê từ bỏ Thượng đế trong ngôi vị Đức Giêsu Kitô. Vĩnh biệt những ảo tưởng.
Sự thực rằng đền thờ Giêrusalem bị kết án, lề luật cũ bị bãi bỏ. Tây phương thay thế phần lớn vai trò mà Đông phương nắm giữ. Nhưng liệu Đức Giêsu có quên nổi phần đất ấy của thế giới ? Phần đất tuy tỏ ra mình vô tín, mắc tội sát hại Thiên Chúa Làm Người, nhưng hàng nhiều ngàn năm về trước đã là ''lều tạm'' của Thượng đế cư ngự giữa nhân loại? Thành luỹ bảo vệ chủng tộc loài người và nhà che chở, được Đấng Tối Cao chỉ định cho nhân loại trên bước đường tiến về định mệnh?
Và chính Người, Con Loài Người, liệu có mắc nợ gì với chốn linh thiêng mà Người thường lui tới nhiều lần khi còn thanh xuân? Nơi Người chỉ bảo bài học đầu tiên cho các nhà thông thái lúc mười hai tuổi? Nơi Người đã chu toàn lề luật từng chữ, bắt đầu lúc mẹï Người mang Người đến cổng Nicanor, bước lên 15 bậc vòng để dâng hiến cho Thiên Chúa và chuộc lại cuộc sống Người với cặp chim gáy hay đôi bồ câu con?
Quá nhiều lần Người đã bước qua hành lang Salomon, dãy cột bóng loáng của nó lúc này hiện ra trước mắt Người, vỉa hè lót đá hoa cương lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời giữa ngày. Chính nơi đây Người đã từng dạy dỗ với “thẩm quyền”. Tiếp nhận các câu chất vấn hoặc bác bỏ các luận cứ các nhà thông luật đặt ra. Đôi lúc Người cũng ngồi bệt trên mặt đất, thính giả vây quanh theo kiểu cách quen thuộc của các Rabbi. Lúc khác Người đến ngồi ở hành lang phụ nữ, gần nơi sửa soạn lễ vật dâng tiến đền thánh, và nơi các thành viên hội đồng Sanhedrin đi qua đến phòng họp, có lúc mang theo cả những phạm nhân, tỷ như trường hợp chị phụ nữ bị tố cáo ngoại tình mà Người đã cứu thoát?.
Chắc chắn Người đã từng cầu nguyện nhiệt thành ở nơi thánh thiêng của dân tộc mình. Vì Người đã định nghĩa nó là ''nhà cầu nguyện'', và hàng năm lên đó để tham dự các ngày lễ lớn, chu toàn lời khấn hứa cùng Đấng Tối Cao? Giống như mọi tín hữu Do thái khác Người coi nó như hình ảnh thiên đàng. Người cũng ban cho nó tên đó mỗi khi Người rao giảng về nhà của Cha Người và liệu người ta lập tức hiểu về nó như vậy hay về nơi vĩnh cửu mà Người đã ở trước?
Hành động Người đuổi con buôn ra khỏi đền thánh mà nhiều người coi chỉ là cử chỉ của giận dữ, thì đúng như vậy. Nó phát xuất từ tức giận nhưng là nóng giận vì yêu mến, nguồn gốc là lòng kính trọng đối với Cha Người. Hàng ngày Người đã đến đấy với tư cách một tôn sư, nhưng hôm đó như thẩm phán và chủ nhân ông. Người thanh tẩy nó và sắp xếp nó vào trật tự, liệu không phải vì yêu mến nó ư?
Xin đừng nghi ngờ nữa: Đức Giêsu yêu mến “núi Tabor'' bằng đá này nơi Cha Người từng xuất hiện trong vinh quang trước mắt ba mươi thế hệ rồi, tương tự như Người biến hình trên núi thánh?
Những viên đá đền thờ lấp lánh nhiều giờ dưới ánh nắng chói chang, những tấm bảng đồng đổi màu rêu xanh sau nhiều trận mưa to như trút nước và rồi biến thành màu nâu do nóng nực mùa hè, lúc này coi tuyệt đẹp trước đôi mắt của Đức Giêsu trên giá gỗ như nó đã từng quyến rũ khách hành hương được hạnh phúc về đền thánh dự những lễ Vượt Qua. Vẻ huy hoàng của chúng làm Người thêm đau xót. Người sẵn sàng phủ lên chúng một tấm màn tang tóc, như chúng ta bao phủ cây thập tự vào thứ Sáu Tuần Thánh. Người yêu mến tất cả và cảm thấy buồn. Vì không thể so sánh vẻ ngạo nghễ hiện thời với tại họa và nhục nhã của ngày mai!
Đức Giêsu công nhận toàn bộ cơ chế tổ chức tôn giáo của dân Người, trước khi từ bỏ nó vì lý do cứng cổ của nó. Người nói: “Các Kinh sư và Phariseo ngồi trên toà Môsê. Vậy tất cả những chi họ dạy dỗ thì hãy giữ hãy làm còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo” (Mt 23, 2-3). Về việc quản trị Người nói: “Đừng nghĩ Ta đến để phá huỷ lề luật và các ngôn sứ. Ta đến không phải để phá huỷ, nhưng để kiện toàn” (Mt 5,17).
Một cơ chế được kiện toàn khi nó phát triển, kể cả khi việc phát triển đó vượt qua chính mình. Chủ nghĩa Do thái đang trong tình trạng không thể tồn tại được nữa, chính xác vì con đường của nó sai hướng. Một khi Đức Thiên Sai ngự đến, bổn phận của nó không còn nữa, phải nhường bước cho Đức Kitô và canh tân chính mình theo tinh thần và giáo huấn của Người, như vậy nó phải dõi theo con đường mới đồng thời ở nghĩa nào đó phải giữ tính liên tục với qúa khứ như con sâu trong tổ kén nở thành con ngài hay bươm bướm. Sự biến đổi đồng nghĩa với cái chết, nhưng là một cái chết vinh hiển, nếu bạn muốn gọi như vậy. Cái chết thực chất là sự sống còn mà mọi linh hồn phải tự do tuân theo. Mọi thẩm quyền phải chấp nhận lột xác để được đội triều thiên vinh quang của vương quốc cao hơn và sang trọng hơn.
Người ta có giả định rằng Israel chấp nhận Đức Giêsu với hò reo phấn khởi. Các quyền bính dẫn đầu đi trước, các tư tế vận phẩm phục của giao ước mới, hội đồng Sanhedrin trở thành ban tư vấn giống như Phaolô. Các tiến sĩ, kinh sư trở thành thày dạy Phúc âm và tông đồ cho nhân loại. Tất nhiên đền thờ được thánh hiến bằng nghi lễ mới, đảm nhận chức vụ rộng lớn hơn, được nâng lên điạ vị Giáo hội tiên khởi của các tín hữu Chúa Kitô. Như vậy nó mang ý nghĩa đầy đủ nhất của từ ngữ đền thánh. Dĩ nhiên chốn cực thánh thì sau khi bỏ trống như một phòng mặc áo hoang phế bây giờ trở nên gia đình của Đức Giêsu, đấng thánh của Thiên Chúa.
Liệu chúng ta nghi ngờ đây là lý tưởng của Đức Giêsu trong những năm tháng khi Người có mặt ở Giêrusalem? Người đã chúc phúc nó với sự hiện diện của mình mà nó chẳng hề hay biết ? Đúng vậy, đền thờ đã được hiến thánh khi Người ở đó. Nó chỉ còn bổn phận bảo tồn sự thánh hiến ấy, nó chỉ còn cho phép sự hiện diện vật lý của Người để ghi dấu ấn tín bí tích cho mình, ngõ hầu đạt tới mục tiêu của tiến trình khởi sự từ khi ông tổ Giacob xức dầu cho viên đá ở Bết En (St 28,19) và tột đỉnh bằng bàn thờ công giáo.
Khi ấy thế giới công giáo có một Giêrusalem vinh hiển biết bao! Ngày nay người ta chẳng phải thương hại nó. Dân tộc Do Thái và toàn thế giới được vinh hiển và danh dự! Đã chẳng có đền thờ hồi giáo Omar được xây dựng trên nền móng lâu đài Salomon. Những hành lang thiêng liêng là những lối đi rước kiệu thánh thể. Nơi mà ngày xưa khói đen bốc lên vì người ta đốt của lễ hiến tế, thì bây giờ khói hương mù mịt thơm tho dâng tiến Thiên Chúa.
Nhiên hậu, Giêrasalem đã chẳng bao giờ bị phá huỷ. Sự tàn phá của nó đã từng được báo trước như một sự trừng phạt của Đấng quan phòng. Con “gà mái” đã có thể tụ họp con mình dưới cánh và bảo vệ chúng. Phượng hoàng Roma hay bất cứ diều hâu nào khác đi kiếm mồi cũng không thể cướp chúng đi được.
Nhưng than ôi, điều ấy chỉ là giấc mộng, Giêrusalem giống như thẩm quyền tôn giáo, xã hội khác, đã từ chối phát triển. Thành thánh đã thất bại trong vai trò của mình, ngoại trừ số ít cư dân nghèo khổ, vô danh tiểu tốt, nhậân ra những điều liên quan đến hoà bình của nó. Thành phố trở nên miếng mồi ngon cho ngoại bang xâm lược. Việc khước từ của nó là chữ ký cho số phận ghê sợ sau này. Đấng Chí Tôn từng ngự trong đền thánh của mình bằng các biểu tượng, lúc này bằng chính ngôi vị, nhưng bị xua đuổi. Thì thực tế ngôi nhà Thiên Chúa chỉ còn chờ đợi bị phá huỷ hoang tàn. Kẻ đã đang tâm tẩy chay Thượng đế, thì định mệnh là tiêu vong.
* * *
Giống như những người sắp qua đời thường làm: Chúa Giêsu chịu treo trên giá gỗ nhìn ngôi đền thờ cũng hồi tuởng lại lai lịch quá khứ trong tâm trí mình. Lịch sử ấy dù thật dài, cũng sắp kết thúc với việc phá huỷ đền thờ danh tiếng này. Việc phá huỷ đền thờ từng xẩy ra tới không kém ba lần, nhưng đều trỗi dậy với các hình thức của cuộc sống mới. Đầu tiên là đền thờ Salomon mà Đavít hằng mơ tưởng tới, rồi đến đền thánh Zorobabel xây dựng sau cuộc lưu đày Babylon, và bây giờ là đền thờ Hêrôđê cả xây vào thời gian Israel đã bị Roma chiếm đóng, đền thờ này chẳng bao lâu nữa cũng sẽ chung số phận với hai cái trước và đất nước sẽ trở thành nô lệ cho mọi người. Trong mọi thời kỳ, đền thờ vốn là biểu tượng của Israel vinh quang và nhục nhã, trung thành và phản bội.
* * *
Khi thành luỹ cổ Giêbus trở thành “thành của Đavít” thì có một sự thay đổi lập tức về cơ chế tôn giáo của Israel. Cho tới lúc ấy dân Do thái chẳng được mấy vững bền. Giavê ngự trong lều sách tay gọi là lều linh thiêng hay “nhà tạm” hoặc lều ''hội ngộ” (chỗ gặp gỡ của Giavê với dân riêng ) hay lều “giao ước”. Vì lý do những chiếc bia đá khắc ghi lề luật đặt trong đó.
Nhưng giờ đây, Israel đã được thiết lập vững chắc với thủ đô riêng, vua chuá đã có nhà cửa bằng gỗ bá hương. Vậy nếu Giavê còn ngự trong thành Giêrusalem như một kẻ lang thang thì qủa là không xứng hợp. Lều tạm xưa phải có một điạ điểm cố định và được xây cất hẳn hoi trên ngọn núi và tính bền vững của nó phải bảo đảm cho tình hình vững vàng của dân tộc.
Vậy vua Đavít đã tìm kiếm một “chỗ cao” để có thể xây dựng đền thánh. Ông đã mua chiếc sân đập lúa của Ornan, người Giêbút và lập tức dựng một bàn thờ ở đó.
Đây là một tiến bộ lớn đối với các cung thánh đông phương. Dân đông phương cổ vẫn bằng lòng với nơi thờ phượng gọi là Haram, một khu đất thiêng được rào kín, ghi dấu cẩn thận làm tài sản của thần linh, thường thường là tường xây thấp hay hàng rào chắc chắn. Ở đó chẳng cần làm gì thêm, chỉ cần dựng lên một tảng đá thiêng. Dĩ nhiên thế đất phải có điểm đặc biệt như cao hơn chung quanh, có nguồn suối nước hoặc một cây cổ thụ. Nhưng chưa hề có kiến trúc nào cả. Việc thiết lập một bàn thờ đã là bước thứ nhất để xây dựng đền thánh che chở bàn thờ.
Vào thời buổi Đavít sửa soạn sân đập lúa của Ornan thành đền thờ, nhà tạm và bàn thờ lễ toàn thiêu vẫn còn ở Gabaon, dù hòm bia giao ước đã ở Giêrusalem trong tư gia tạm thời. Mãi cho tới năm 1013 trước tây lịch, dưới thời vua Salomon, sấm ngôn của Nathan mới được thi hành và đền thờ thứ nhất được khởi sự xây cất.
Vua Salomon không có đủ phương tiện để kiến thiết một ngôi đền lớn. Ông chỉ có vàng bạc, đàn gia súc, có mùa màng và lòng kiêu căng nhưng không có vật dụng hảo hạng, thợ lành nghề và ý niệm nghệ thuật xây dựng. Vì vậy ông phải nhờ đến các người Tyrians, họ có đủ tài nguyên cần thiết và quan niệm kiến trúc cơ bản cộng với nghệ thuật của Ai cập và Assyria.
Trong vòng bẩy năm từ 1013 tới 1006, nhà của Giavê được hoàn thành. Giống như các đền đài Ai Cập, phần căn bản của nó là Pylon hay tiền đường mặc áo, cung thánh ngoại vi hay nơi thiêng liêng, phần bên trong linh thiêng hơn, nơi cực thánh không ai được đặt chân vào ngoại trừ các thượng tế, một năm một lần. Một số các phòng phụ cận dùng vào việc phục dịch đền thờ. Toàn bộ kiến trúc được dẫy cột bao quanh gọi là hành lang có mái. Phần này được hoàn tất muộn về sau.
Bên dưới Haram của Salomon là các hồ chứa nước dùng cho các nhu cầu của nhân viên phục vụ đền thánh và việc tế lễ. Còn việc tắm rửa thì đã có một bể bằng đồng lớn gọi là “biển đồng” (the sea of Bronze). Nó bắt chước các chậu tắm của Susa và cuối cùng là cung điện vua thượng vị với hoàng hậu của ông ở. Ôâng cư ngụ bên cạnh Đức Chúa của mình.
Như thế, Salomon hoàn thành công trình thật tráng lệ, tuy sau này nó sẽ bị vượt qua. Cũng xin lưu ý là các kích thước cùng với hình thể, hoa văn, phù điêu, chữ nghĩa là phổ thông nơi não trạng Ai cập. Chiều kích của từng phần và các chi tiết được trù liệu như các yếu tố của một bài toán mà lời giải là toàn thể kiến trúc. Nền cao bên hông tam giác đều, phía trước là tam giác vuông - mà theo Platô tam giác đẹp nhất, hoàn thiện nhất là tam giác vuông góc các cạnh được đo như sau 3,4 và 5.
Việc trang trí gồm có các tấm phù điêu dát vàng theo như thói quen người Babylon. Sàn nhà làm bằng gỗ bá hương và thông già, gồm luôn cả vỉa hè. Các bình thiêng thánh gần như bằng vàng ròng toàn khối. Các bàn lễ vật, các chân đèn, các cánh thiên thần Cherubim khắc bằng gỗ dát vàng. Các dụng cụ tuỳ tùng khác được trang trí hào phóng.
Ngôi đền này đứng vững không thay đổi chừng hơn bốn trăm năm và dân tộc Israel hãnh diện về nó tới mức độ chúng ta chẳng thể quan niệm nổi. Đức Giêsu trông thấy nó như “niềm vui của toàn thể điạ cầu” và những người nhiệt thành pha trộn kiêu hãnh quốc gia với cảm giác hạnh phúc khi xem thấy Đức Chúa của họ được tôn vinh như vậy. Đúng thế họ sẵn sàng đồng hóa tình yêu đền thánh với lòng sùng mộ Đức Chúa: “Lạy Đức Chúa các đạo binh, cung điện Người xiết bao khả ái, mảnh hồn này khát khao mòn mỏi, mong tới được khuôn viên đền vàng. Cả tấm thân con cùng là tấc dạ những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng” (Tv 83, 2-3).
Nhưng vào năm 688 trước tây lịch, ông vua người Canđê tên là Nabucôdônôsô làm ô uế và phá huỷ ngôi đền lạ lùng này. Năm mươi năm sau, hoàng đế Cyrus tha cho dân Do thái trở về quê cha đất tổ và vua Zorobabel xây dựng tạm đền thờ lại trên đống đổ nát. Nó được đặt trên nền cũ nhưng nhỏ hơn chút ít. Phải hai mươi năm nữa (536-516) mới hoàn thành. Năm 445 Nehemia xây tường luỹ bảo vệ chung quanh.
Ngôi đền thứ hai tồn tại cho đến khi Ponpey của Roma thôn tính Giêrusalem và Hêrôđê cả tự phong mình lên ngôi vua ở thành phố. Ông vua tiếâm vị và sát nhân này cho xây lại đền thờ Zorobabel, để hoà giải với dân tộc Do Thái, nhất là giai cấp tư tế và đền bù muôn vàn tội lỗi đã xúc phạm đến dân tộc ấy. Ông cần tới ba năm để thu gom vật liệu cần thiết, và bám sát vào đồ án trước đây, chỉ tôn tạo dấu vết cổ xưa, cố gắng dựng lại cách sắp xếp thuở ban đầu, mặc dù chủ yếu dùng kỹ thuật Hy lạp - Roma.
Khi mọi sự đã sẵn sàng, Hêrôđê bắt tay vào việc. Mười ngàn thợ tốt được sử dụng dưới sự giám sát của một ngàn tư tế. Chỉ những tư tế này mới được làm việc nơi cung thánh và cực thánh. Trong vòng 18 tháng, phần “Naos” (nơi cực thánh) được hoàn tất và cung hiến. Tám năm nữa để xây dựng tiền đường và hành lang. Nhưng những công việc phụ kéo dài đến thời Agrippa, phỏng năm 64 sau công nguyên nghĩa là cho tới chiều hôm trước ngày lại bị tàn phá.
Xét theo tổng thể, thì ngôi đền Hêrôđê để lại, thể hiện quan niệm kiến trúc tinh tế. Các cột hành lang quay quanh một dinh cơ đồ sộ, cái nọ chồng lên cái kia, gọi là hiên hàng cột mà tuyệt đỉnh là chính cung thánh nằm ngay trên đỉnh đồi.
Coi từ phía xa, và trong nguồn ánh sáng thuận lợi, nó có một hiệu ứng ánh sáng kỳ diệu, tuờng đá cẩm thạch trắng, trang trí vàng bạc giống như một khối tuyết lóng lánh. Nhìn từ phía núi Olivêtê, khi mặt trời mọc nó sáng chói với các mái vòm mạ vàng, các cổng, các hoa văn, các dây leo to tuớng bằng vàng ròng ở cổng chính lấp loáng dưới ánh mặt trời lung linh. Trước quang cảnh rực rỡ đó, lòng khách hành hương không khỏi bùng lên một ngọn lửa kiêu hãnh, ông ta thì thầm lời Thánh vịnh: “Tại Sion, cảnh sắc tuyệt vời, Thiên Chúa hiển minh” (Tv 59,2).
Nhưng khi thiên hạ tiến đến từng đoàn lũ từ khắp nơi để tham dự các lễ hội lớn, xô lấn nhau vào cổng, tràn ngập các sân. Khi các tư tế lăng xăng đây đó để chu toàn chức vụ. Khi các tiến sĩ tranh luận lề luật, chung quanh là học trò vãng lai hay thường xuyên. Khi hội đồng Sanhedrin nhóm họp để cân nhắc. Khi các chiên cừu, bò lừa, chiên dê được dẫn qua cổng để làm lễ hiến tế, khi các cùi hủi đến để được tẩy sạch, khi các người chồng lo lắng dẫn vợ tới chịu phép thanh tẩy bằng nước “cay đắng”, khi những người đổi tiền, những lái buôn bồ câu và bánh tiến, thực hiện dịch vụ ồn ào, thì kiến trúc khổng lồ này trở nên náo nhiệt, sống động, diễn tả sức sống của tất cả những thứ mà nó đứng làm tiêu biểu.
Lúc ấy toàn bộ nơi chốn uy nghiêm này đầy ắp tiếng lách tách của lửa cháy, tiếng rống của súc vật bị giết, tiếng nói, giọng cười, tiếng chân bước và kèn đồng thúc giục. Thì nền móng thực sự của nó không còn là đền thờ Haram hay núi Moriah nữa, ngay cả cũng không còn là Giêrusalem hay Palestine nữa, mà là toàn thể thế giới Do thái, ở quê hương hay hải ngoại. Người ta tìm thấy trong đền thánh này tột đỉnh tinh thần, là thành luỹ tôn giáo, chính trị, dân sự, kinh tế và trí thức.
Tiên tri Aggeus đã nói về ngôi đền thánh thứ hai: “Vinh quang của đền thờ lúc này sẽ rạng ngời hơn khi trước” (Ag 2,9). Chính vua Hêrôđê nghĩ mình phải làm tròn lời sấm ngôn đó. Nhưng vị ngôn sứ thêm: “Tại nơi này Ta sẽ ban bình an”. Về phần này thì Đức Giêsu sẽ ứng nghiệm lời hứa. Người mua bình an cho chúng ta bằng cái giá đau đớn của mình.
* * *
Đấng Cứu Chuộc đang chịu đau khổ đã nghĩ gì khi lần cuối cùng nhìn xem ngôi thánh đường vĩ đại với tất cả những biểu tượng và hình thù của nó? Một đề tài ước đoán vô tận!
Hiện thời trong đền thờ khói hương nghi ngút, bốc lên không khí cơ man làn hương thơm ngào ngạt, âm thanh nhịp nhàng, các nghi lễ tưng bừng từng phản ánh cuộc sống màu nhiệm của Người, thì lúc này lại trống rỗng, không mang ý nghĩa nào nữa. Đức Giêsu đã khước từ chúng. Tuy chúng là sự phong phú thu gom từ mọi nguồn khác nhau của đất nước, nhưng lúc này mất hẳn vẻ rạng ngời của ý nghĩa tôn giáo truyền thống mà trở nên một đền đài khoe khoang, vênh váo, loè loẹt với bộ mặt giả hình trơ trẽn. Những phiến đá hoa cương trắng muốt chỉ còn mang dáng vẻ mồ mả tô vôi, đầy xương cốt hôi hám bên trong. Với phe Phariseo nó biến thành điạ điểm kinh doanh kình địch và tranh luận ương ngạch. Với người khác, trung tâm buôn gian bán lận như “hang trộm cướp”.
Mục tiêu nó được thiết lập là làm tiền thân cho một đền thờ chân thật, đúng như ở thời đại phát triển phồn thịnh, là tiền đường cho kỷ nguyên Kitô giáo. Nhưng vì bất trung với ơn gọi, nó đứng đấy để lãnh án phạt trầm luân.
Israel đã từng được cảnh báo, các biến cố đã từ lâu nói lên bản án. Các ngôn sứ đã thường nói đến điều mà một đại diện của họ hô lớn cách mạnh mẽ: “Ngay cả như vậy” Giêrêmia vừa nói vừa đập bể chiếc bình sành trước mặt tư tế và trưởng lão, “Ngay cả như vậy, Ta sẽ phá huỷ thành phố này như chiếc bình thợ gốm, mà chẳng chữa lành lại được!” (Gr 19,11). Rồi đến Gioan tiền hô ở buổi hoàng hôn giữa tiên báo và ứng nghiệm: “Chiếc riù đã đặt sẵn duới gốc cấy” (Mt 3,10). Lời khuyên cuối cùng là từ Đức Giêsu, một tuần trước tai họa, Người đã cảnh cáo các môn đệ. Tính nghiêm trọng của lời cảnh báo đó, tôi nghĩ lúc này, được biểu lộ qua nét nhìn buồn rầu của Người cộng với chút thương xót nhẹ nhàng. Vì liệu có thể giận dữ, thô bạo với kẻ đã bị kết án huỷ diệt?
Một hôm sau những ngày tranh luận mệt nhọc, Người lui về Betania nghỉ ngơi kiếm chút yên tĩnh, thì một trong nhóm 12 lôi kéo sự chú ý của Người vào vẻ đẹp sang trọng của ngôi đền. Ông vừa nói vừa chỉ tay về ngôi nhà đồ sộ: “Thưa Thày, Thày xem: Đá lớn thật: công trình kiến trúc vĩ đại thật. Đức Giêsu đáp: “Anh nhìn ngắm công trình vĩ đại đó ư? Tại đây sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào, tất cả đều sẽ bị phá đổ” (Mc 13, 1-2).
Những lời đó rơi vào tai người nghe như một tiếng sét đánh. Môn đệ ngỡ ngàng chẳng nói nên lời và không thêm chi nữa, các ông xuống dốc Cedron rồi leo lên núi Olivêtê. Khi gần tới đỉnh, Đức Giêsu đột nhiên dừng lại quay mặt về phía các ông, truyền các ông ngồi xuống, ở đó, giáp mặt với núi đá, có dáng vẻ bền vững muôn đời, Người lột sạch tấm màn lừa lọc của vinh quang mà mặt trời đang lặn trang hoàng đền thánh, Người cất đi chiếc triều thiên mà bầu trời sáng rực đội cho ngôi nhà của Cha Người: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị người ta lừa gạt” (Mc 13,5). Người nói tiên tri về số phận đền thờ đã đến ngày tận cùng.
Lời mô tả là chi tiết và đúng thực chất. Các thính giả được chỉ cho biết chính màn kịch với các yếu tố đi trước và theo sau: Dấu chỉ, biến cố và hậu qủa - mọi sự đều được báo trước, nhưng chưa xẩy ra. Và như vậy lời tiên tri của Người thật dễ sợ. Tuy nhiên nó còn được dùng như biểu tượng một tai họa lớn hơn, dứt khoát hơn, đó là tận cùng của thế giới.
“Khi nào tận thế xẩy ra thì không ai được biết cả, ngay đến Con Loài Người” (Mt 24,36) cũng không hay. Còn về sự sụp đổ của thành phố Giêrusalem và sự tàn phá của đền thờ thì không bao lâu nữa: “Thế hệ này sẽ chẳng qua đi, cho đến khi mọi điều xẩy ra” (Mt 24,34). Không tới bốn mươi năm sau, chiếc kiếm trần mà Đavít đã xem thấy trong tay thiên thần ở sân đập lúa của Ornan khởi sự hoạt động công việc ghê sợ: nó vun vút hủy hoại tất cả những chi có hình dạng ngay cả sự sống, trong thành phố nổi loạn Giêrusalem.
Trớ trêu thay, chính bàn tay của người Do thái giúp sức vào việc phá hoại này, sự tấn công trước nhất là cuộc nội chiến giữa Eleazar, Gioan Giscala, Simon người Indumea. Người Roma chỉ đến sau. Nhưng họ phá huỷ hoàn toàn ngôi đền. Búa rìu và ngọn đuốc của họ san bằng từ nền móng vững chắc của thành. Giulianô phản đạo cố gắng xây dựng lại, nhưng vô ích, chỉ tổ làm cho nó tan hoang thêm và ứng nghiệm đúng lời Chúa Giêsu: “Chẳng còn tảng đá nào nằm trên tảng đá nào”.
Từ trên thập tự Chúa Giêsu nhìn thành phố lần cuối cùng với quang cảnh náo nhiệt phát đạt của nó, cùng các hàng hiện lợp mái, các tháp cao, thì chạnh thương biết bao! Người nhìn thấy rõ ngày mà đồng bằng và hai dẫy đồi trên đó thành phố được xây dựng, bị bỏ hoang. Ngày mà tất cả những vẻ đẹp đẽ huy hoàng, lấp lánh hiện thời, chỉ còn là cảnh đìu hiu lộng gió. Ngày mà những gì còn lại của Sion sau thánh điện ngạo nghễ là một thành phố bị đào sới, đất màu lộn lên mặt nền và dưới đó chẳng còn chi ngoài lỗ hổng, hang côn trùng và mồ mả: im lặng, tro tàn, chết chóc:
“Tôi nhìn xuống đất toàn là đất trống.
Tôi ngước lên trời, chỉ thấy trăng sao.
Tôi nhìn núi non, núi run lẩy bẩy.
Mọi đồi cao đều chuyển động rung rinh.
Tôi đưa mắt nhìn đâu còn ai nữa?
Chim chóc trên trời cũng trốn biệt tăm.
Tôi đưa mắt nhìn, đồng xanh đã thành sa mạc.
Mọi đô thị đều tang hoang trước mặt Đức Chúa.
Trước cơn thịnh nộ bừng cháy của Người''
(Gr 4, 23 - 26).
Tương tự sắc dân Hai thời Giosuê, Giêrusalem sẽ thành “đống tro tàn” (Giosuê 8,28). Và thung lũng đền thờ sẽ là nơi chôn vùi tử thi. (Gr 31,40). Chính đền thờ sẽ biến thành nấm mồ khổng lồ chung quanh là các mồ mả nhỏ khác trải dài cho đến chân các đồi núi vây quanh: Lớp lớp mồ mả, trùng trùng người chết, cuồng phong tro bụi...
Mọi thứ náo nhiệt nơi hành lang các cột sẽ tan đi, trở thành yên lặng chết chóc. Thay vì ồn ào bận rộn sẽ là lặng lẽ ảm đạm của đám tang. Cỏ dại sẽ mọc tứ phía, cả từ trên vỉa hè mòn đến nơi cực thánh. Trên tảng đá hiện nay là bàn thờ đốt của lễ toàn thiêu, thì mai ngày sẽ là đền thờ Hồi giáo, như một lời cấm đoán ngạo nghễ: “Israel không còn được thờ phượng ở nơi mà nó đã phản bội”.
Tuyển dân sẽ bị thu gọn vào số phận than khóc trên đống đổ nát của bức tường ngoại vi. Bức tường định mệnh này là niềm an ủi duy nhất của tuyển dân, trong khi khách tham quan nở nụ cười khẩy trước dấu vết tan hoang của một thời Sion vàng son, thánh thiêng.
Cùng lúc đó, Người chịu đóng đinh, Đấng đang ngắm nhìn thành phố với đôi mắt đầy máu, Đấng đang rên rỉ trong đau đớn, Đấng đang chiụ đựng từng cơn ngất đi và đang đón chờ đêm tối ập xuống, sẽ trở thành vĩ đại. “Cây” trồng trên gò đất khiêm nhường này sẽ đâm rễ sâu xuống trung tâm trái đất, sẽ vươn tới thiên đàng và sự vĩ đại của Israel chẳng bao lâu nữa sẽ trôi qua, sự vĩ đại vật chất đầy lừa lọc và mưu mẹo sẽ nhường bước cho sự vĩ đại tinh thần mang ơn phúc xuống cho toàn thể vũ trụ.
Đức Giêsu là viên đá góc tường của ngôi đền thờ mới “không bởi tay phàm trần làm ra. Viên đá mà những người thợ xây loại bỏ lại trở nên viến đá chủ chốt (Cv 4,11) của toà nhà mới mà không ai có thể đặt nền móng nào khác, ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô” (1 Cor 3,11).
(1863-1948)