Phong cảnh chung quanh cây thập tự không chỉ gồm đồi núi, nơi chốn, dinh thự, đền đài, nhà cửa, tức những thứ bất động vô tri vô giác. Mà còn con người sinh hoạt ở những nơi ấy nữa. Chúng gây ấn tượng mạnh mẽ vào trí não Chúa Giêsu khi Người từ cây giá gỗ sinh ơn cứu độ quan sát chung quanh. Hình ảnh nội tâm gồm cả những cá nhân, đám đông, nhóm người, mà đối với chúng ta đang suy gẫm cũng rất quan trọng. Con người của khổ đau, Đức Giêsu, trước khi bị ghim chặt vào giá gỗ thì đã đi qua các phố xá của thành phố và lần sau hết từ dinh Philatô đến Núi Sọ, phô bày cho thiên hạ xem các vết thương của mình. Và nếu muốn thấu triệt ý nghĩ của Người thì chúng cần lần theo con đường Người đã đi.
Người ta giả định có ba con đường quân lính đã dẫn Chúa Giêsu từ đồn Antonia ra pháp trường Golgôtha. Chúng ta không nắm chắc con đường nào. Nhưng điều đó không quan trọng, bởi ba con đường đều khó đi và gồ ghề lởm chởm. Bất cứ con đường nào cũng cần đến hơn nửa giờ đi bộ, với tốc độ bình thường. Nếu gặp trở ngại thì thời gian lâu hơn.
Xin nhớ là chúng ta đang ở trong một thành phố đông phương. Theo lệ thường vào buổi chiều hôm trước các ngày lễ lớn, con số khách hành hương Đền thờ lên đến hàng chục ngàn. Các con đường đều đông nghẹt người và có nơi, có lúc, người ta chen chúc nhau không thể di chuyển. Khi ấy đoàn người đi như rước kiệu, bắt buộc phải dừng lại, đội binh lính dẹp đường dẫn lối tới. Họ mở đường đi bằng cách chỉ ngọn giáo vào súc vật hoặc người đang ngãng lối.
Tuy nhiên ở phương đông người, ngựa, đàn ông, đàn bà, trẻ con, các gia súc lớn bé đều đối xử hữu nghị hoàn hảo với nhau. Người trên ngựa, kẻ dưới đất xô đẩy chen chúc kiếm lối đi. Phu mang vác nặng nề, kẻ nhàn rỗi đi không, tất cả cùng trên một con đường nhỏ hẹp, tự sắp xếp theo thứ tự hợp lý nhất, chẳng có cảnh sát theo nghĩa tây phương. Tiếng la hét, còi thổi, tù và và kiên nhẫn là phương tiện điều hành duy nhất. Kiểu giao thông này làm cho người tây phương tân thời ngạc nhiên đồng thời khâm phục. Aristeus một kiều dân Do thái ở thành phố Alexandria (Ai Cập) đã mô tả quang chảnh trong một là thơ, vài năm trước Chúa Cứu Thế. Ông nói những con đường đất ở Giêrusalem, ở Jaffa cũng như ở bất cứ thành phố bận rộn nào miền trung đông đều giống như dòng sông chảy xiết nhấp nhô những đám người đôi khi náo nhiệt, có lúc bình thản. Ông đưa ra những nhận xét rất ý nghĩa đối với chúng ta về cảnh quan Lễ Vượt Qua. Ông nói: có những khách bộ hành chen lấn nhau, nhưng cũng có người khác cố tránh tiếp xúc với đám ô hợp. Họ giữ mình kiêu sa. Thái độ này gây hiệu quả là đẩy đám tiện dân vào tình trạng hỗn độn.
Cộng thêm vào cảnh lộn xộn của đám đông là những con diều hâu bán hàng rong xông xáo khắp nơi, chiếm phần lớn lòng đường, hô hoán rao hàng không hạn chế. Lại cón các xe bán nước thô sơ với những bình nước bằng da cừu. Người bán thịt khô ngọt, món khoái khẩu của những ai yêu thích xa xỉ. Hoa quả tươi, khô cũng không hiếm. Hạnh đào, vả, Oliva bày trên các mẹt to hay xe hai bánh đẩy tay. Những người bán nước chanh đong đưa bình nước, trên úp mấp mấy vại lớn. Hàng tạp hóa đầy đủ. Họ lợi dụng cơ hội để móc túi khách hành hương hào phóng trong mấy ngày lễ, ngõ hầu bảo đảm bữa ăn gia đình hàng ngày và thoả mãn lòng tham tiền bạc.
Ngày hôm sau là Sabbat vĩ đại. Nhưng lễ hội bắt đầu từ chiều hôm trước, khi mặt trời vừa lặn. Những ai phải giao hàng làm việc rất vội vàng. Vì hôm sau là nghỉ lễ. Thấy trước đám đông khổng lồ, nên các quan chức đền thờ lo việc tổ chức, phải kỹ lưỡng lập chương trình và bảo đảm các bước cần thiết để đối phó với tình hình. Những lái buôn lễ vật: trâu bò, dê cừu, chim cu lùa từng đoàn vật vào khu chuồng trại. Suốt ngày đêm khách hành hương đổ về thành thánh, từ khắp mọi ngả đường, lỉnh kỉnh mang vác hành trang, lều trại. Họ cũng đem theo luôn súc vật để làm lễ hiến tế. Những bộ hành thường xuyên thấy đôi chân mình vướng mắc vào giây dợ, súc vật và đàn vật cũng không kém phần bối rối. Đường xá lồi lõm, lởm chởm đá nhọn, lên dốc, xuống đèo không thể giúp việc qua lại nhanh chóng. Chỉ một số rất ít phần đường được lát đá màu nâu nhạt giống như các phố xá sang trọng ở Roma. Các tảng đá lớn chút ít nữa sẽ được dùng làm bàn thờ cho những khách hành hương.
Khi bị dẫn ra pháp trường, quân lính đã lôi đức Giêsu qua những con phố này. Chúng ta tưởng tượng Người vai vác thập gía nặng nề, kiệt sức vì nhịn đói thâu đêm, trận đòn nhừ tử cách đây vài giờ, Người tiến bước khó nhọc, đôi khi ở khoảng trời trống, đôi khi trong bóng rợp của cổng dinh thự, tường nhà cao. Thường khi vấp ngã vì mặt đường lởm chởm, lồi lõm, lại bị đám đông chen lấn, xô đẩy, lúc vào trường, lúc xấp mặt xuống đất. Thập giá nặng nẩy lên dằn xuống trên vai, gây những cơn đau đớn truyền khắp thân thể đầy máu me và mồ hôi, làm cho vết lõm trên bả vai trầy xước thêm. Hoặc nữa, những người mở đường hối hả dẹp đám va chạm vào thập tự gây thêm đau đớn. Những người mang vác nặng chèn ép Người, hoặc con lạc đà chở hàng lủng lẳng các hành lý nặng bên mình chậm rãi tranh giành lối đi gạt Người sang mé đường. Đúng là một cảnh tang thương, nhọc nhằn và nhục nhã.
Đức Giêsu chắc chắn kiệt sức lắm rồi. Nhưng quân lính nào để ý tới, họ đang cơn bực tức. Họ phải làm việc ngoài giờ, thường lệ là đứng gác. Tất cả chỉ vì đám dân Do thái nhiễu sự và cứng cổ. Người La mã đâu đủ kiên nhẫn mà dính dáng vào những cuộc cãi cọ nhặt vặt vô tận? Đối với họ, ít là như vậy, đặc biệt khi phải kiên trì chiụ đựng. Các binh lính có nhiệm vụ coi sóc trật tự và an ninh nên luôn phải chịu đựng khiển trách, khi ngăn cản lúc đàn áp người Do thái nổi loạn.
Tính vũ phu luôn là tiếng xấu gán cho binh lính của đồn Antonia. Lòng bực bội của họ đi dọc suốt đoạn đường cho tới đồi Calvario, còn kéo dài mãi cho tới chỗ hành hình.
Ôi Chúa Giêsu, tất cả vì tội lỗi chúng con. Các thống khổ của Chúa lệ thuộc vào những điều tầm thường như vậy. Liệu sự mất kiên nhẫn của các binh lính đánh thuê có tăng thêm khổ nhục ngoại lệ cho Ngài không? Liệu Chúa phải trả giá máu huyết cho một chén rượu tội lỗi hay một gian lận bài bạc không?
Vâng, chúng con tin rằng Chúa chẳng lệ thuộc vào những điều vặt vĩnh. Và cũng chẳng lệ thuộc vào ai! Chỉ lệ thuộc vào kế hoạch yêu thương của Đức Chúa Cha! Những thống khổ này là một phần của kế hoạch âý và được vâng phục với lòng khiêm tốn, tự do. Căn nguyên duy nhất là sự thôi thúc của tình yêu.
Khi Đức Giêsu tiến gần đến cổng thành, thì đám đông càng dày đặc. Họ biết rằng người ta đem tử tội đi hành hình. Biến cố lập tức gây nên háo hức. Ngày hôm qua đám đông hô to bản án đòi xử tử Người, hôm nay không thể dửng dưng với việc hành quyết. Khi biết tin, những người liên quan vội vã chạy ra xem cảnh tượng. Các khách bộ hành dừng lại vì tò mò, đám đông tụ họp dần dần dọc theo các bờ tường, tất cả các bậc thang, cổng nhà, lối đi.
Cửa sổ của những nhà giầu có (chỉ những người giầu mới có cửa sổ) các tấm màn hoa được kéo lên, đầu người thò ra nhìn, hoặc những con mắt mở to kín đáo sau chắn song mắt cáo bằng gỗ. Các bà già ngó đầu ra cánh cửa mở rộng, nhiều bà còn dám tiến ra ngoài vài bước để nhìn cho tỏ. Mấy bô lão ngồi xổm trên ngưỡng cửa, tay chống cằm bật đứng dậy nhìn. Các chú nhóc len lỏi qua đám đông để tới gần nạn nhân hơn. Và ở khúc quẹo thì giải quyết thế nào với đám người qua lại? Rồi đến làn sóng người mới kéo đến từ khắp các ngã tư? Hẳn họ sẽ xô đẩy mạnh khi Thày Chí Thánh vác thập tự đi qua? Hoặc nữa nếu đàn vật lạc đà thương mại bất ưng tiến tới. Chắc chắn đám diễu hành sẽ bị dẫm nát.
Trời đất, lại một cơn rùng mình vì đau đớn chạy khắp thân thể chịu nạn. Nhưng khổ hình chưa hết đâu, cuộc hành hạ còn đang ở phía trước. Chắc hẳn có tiếng rên rỉ vì đau đớn luôn buột ra khỏi môi miệng khô rát vì thiếu nước. Và nếu cú sốc quá mạnh thì đôi chân yếu ớt chẳng thể đứng vững. Ngã gục là không tránh khỏi. Chúng ta biết có những cú ngã như vậy. Lòng đạo đức của tín hữu không thể sai lầm. Lòng đạo ấy đã đếm chí ít ba lần. Điều này mang ý nghĩa tượng trưng vì yêu mến hơn là thực tế.
Bao nhiêu lần Người phải co người lại để đi qua cổng hẹp hay vòm phố. Người cố gắng thu mình càng nhiều càng tốt, xóa mình đi dưới sức nặng của cây thập ác tàn nhẫn và cố gắng tránh những cục đá nhọn dưới chân với lòng kiên nhẫn, để có thể chiụ đựng sức nặng trên vai. Người được quyền nói như lời Thánh Vịnh: “Thân sâu bọ chứ người đâu phải” (Tv 21,7). Nhiều khi quá kiệt quệ Người phải bò dưới thập giá dọc theo lối đi hẹp đông người, lúc ra ánh sáng lúc vào tối tăm giống như một con kiến nực cười vác hạt thức ăn về tổ, nhưng tổ của Người là Golgotha bất nhân.
Ôi lạy Chúa Con, hèn hạ biết bao, nhục nhã biết bao, độc ác biết mấy hình phạt của loài người. Nó là một sự phản loạn cực kỳ đối với một trái tim diụ dàng, con đường Ngài đi quá hạ tiện, quá ác độc! Con đường lên Calvario. Người tín hữu lúc này ước ao Chúa của mình biến mất hay mặt đất xé ra nuốt đi, để Người có chút danh dự và nghỉ ngơi. Hoặc nếu Người phải chịu đựng đau khổ thì tối thiểu phải giống như một anh hùng trong vở kịch bi hùng xứng đáng với ngôi vị! Liệu các bạn có thể tưởng tượng ra nổi vị vua sầu bi loạng choạng cúi đầu bước đi giữa đám đông ô hợp trong ngày lễ lớn của dân Do thái? Giữa những tiếng la ó chửi bới, cười chê? Đúng là những con thú xô đẩy thập ác của Người, khiến Người loạng choạng trên đường dẫn đến cái chết! Lại còn những mùi hôi thối từ các cửa tiệm tạp hóa, các cống rãnh giữa trưa nóng bức. Phải chăng đó là hương thơm xông lễ toàn thiêu vĩnh cửu? Bạn có tưởng tượng nổi cảnh quan của biến cố này giữa mạng lưới lằng nhằng của đường phố Giêrusalem? Bạn có trông thấy Người kiên nhẫn chân ngay đá chân siêu và vụng về vấp ngã khi tiến đến cái chết mà hiệu quả là ơn cứu độ đời đời cho bạn?
Nhưng thôi, chúng ta hãy bỏ qua những lo toan này đi, nó chỉ đưa đến mong ước nghỉ ngơi trần tục. Cái vĩ đại thực sự không nằm ở đó, mà ở ý nghĩa luân lý của con đường đau khổ này. Nó là lòng thương xót cao cả, là tình yêu hải hà mà Người bày tỏ dọc suốt con đường này. Ơû đây chẳng có chút huy hoàng nào của bậc quân vương .
Và như thế là tốt hơn. Liệu có một tương phản gây choáng nào giữa con đường đưa đến cái chết và sự vĩ đại của công việc mà hoa quả là sự cứu độ của thế giới? Trên trái đất này ai có khả năng sắp xếp một cảnh quan có ích lợi cho hành động cứu chuộc hơn? Vĩnh cửu và vô biên không hề có chút biểu tượng nào trong biến cố này ! Người hoàn toàn trút bỏ vinh quang để mặc lấy thân nô lệ.
Điều tốt hơn là trí tưởng tượng của chúng ta nên thấm đượm các thực tại hiện thời. Vẻ hoành tráng giả dối thường mang tính lừa đảo. Vẻ tương phản cực kỳ này nhắc nhớ chúng ta chân lý ấy. Bởi vì nó quá tầm thường đến độ đức tin của chúng ta phải hiểu ra rằng nó thật là bao la. Và chúng ta ngợi khen Thiên Chúa vì đã thực hiện con đường vòng veò hữu dụng: Một biến cố không hề có chút khoe khoang! Thay vì triều thiên thì là mạo gai nhọn, trò chơi láu cá lại trở nên tội ác tày trời. Cuộc khổ nạn là như vậy đó!
Thật hữu ích nếu chúng ta nhớ lại suy tư của Pascal về thứ tự của vĩ đại: Vĩ đại vật chất mang tính xác thịt, vĩ đại tinh thần hay trí tuệ và vĩ đại siêu nhiên tức lòng mến. Ông viết: Thật ngu xuẩn khi thấy Chúa Giêsu bị hạ nhục mà lấy làm gương mù, như thể việc hạ nhục này ngang hàng với sự vĩ đại thế gian mà Người đến để phá bỏ Người chẳng ban cho thế giới một phát minh nào cả. Người không trị vì như một ông vua (chúng ta có thể thêm: Người không cải lương hóa đau khổ) thực sự khiêm tốn, kiên nhẫn, thánh thiện. Thánh thiện tới mức thần linh. Các qủi sứ ghê sợ. Người không hề phạm tội. Thực chất con mắt linh hồn nhìn thấy sự khôn ngoan thật mà Người đến với vẻ oai phong hoành tráng siêu phàm (Pensée art.17).
Suốt cuộc đời Người thế nào, thì trong cuộc khổ nạn vẫn như vậy. Sự vĩ đại của cuộc hy sinh không mang tính cục bộ, cũng không phải là chính trị hay thẩm mỹ. Nó là luân lý. Trong lãnh vực luân lý nó vĩ đại ở mọi ý nghĩa, đi xuống chiều sâu của gốc rễ sự lành và cái ác. Vươn tới chiều cao của công nghiệp vô cùng với một hiệu quả bao trùm tất cả và vượt mọi giới hạn. Con đường lên Golgotha có thể là rất nhỏ. Nhưng lối đi của Người là trong vương quốc vô hình. Núi Sọ có thể là bé, nhưng hiệu quả của nó lan xa khắp vũ trụ.
* * *
Đám đông ô hợp vây quanh Người trên đường đi Núi Sọ có thể chia làm ba loại. mỗi loại đứng đại diện cho một kiểu cảm tính. Nhờ đó chúng ta lượng định ý nghĩ riêng của mình.
Loại thứ nhất: các bạn hữu Chúa, công khai hay trong bóng tối. Cũng có các cảm tình viên, có thể là nhiều nhưng dè dặt và yên lặng hơn. Loại thứ hai: Dửng dưng, tò mò và diễu cợt. Cuối cùng, loại thứ ba: Kẻ thù chính thức hoặc các dạng khác, ở giữa một đám đông sôi động.
Các bạn hữu Đức Giêsu, chút ít nữa sẽ thấy họ đứng gần bên giá gỗ. Họ theo Người từ Galilêa, là những tín hữu đầu tiên đi đàng thánh giá. Phúc âm nhắc đến nhóm các bạn hữu này, không phải là quan trọng nhất, vì mục tiêu chủ yếu của Tin Mừng là giáo huấn, chứ không là lịch sử. Nhóm này là đối tượng để Đức Giêsu trao ban bài giảng luân lý cuối cùng.
Không thể thiếu các cảm tình viên. Có rất nhiều linh hồn không bị tiêm nhiễm bởi tuyên truyền thù nghịch của các Pharisêo và quyền bính đền thờ. Họ thoáng thấy động cơ ghen tương đứng đàng sau, không cần khám phá xa hơn về căn do cuộc hành quyết. Họ trực cảm thấy tội ác bất công đang được thực hiện và thương xót số phận nạn nhân.
Các khách lạ đột nhiên thấy trước mặt một gã thanh niên mình đầy máu me, đang bị bọn côn đồ lôi đi hành hạ và nhận ra vài nét thanh tao, lịch sự trong gã xấu số, nên động lòng trắc ẩn. Con người ta dù độc ác đến mấy thì cũng có lúc còn tình cảm tiềm tàng nơi bản thân, không chai đá được mãi. Cho dù hắn chống lại hoặc kinh nghiệm chi về chúng. Hắn đơn giản cảm động và như vậy có thể kể vào loại bạn hữu tình cờ.
Còn đối với những kẻ dửng dưng lại là chuyện khác. Trước cảnh tượng đau đớn như vậy mà họ vẫn giữ thái độ lãnh đạm là bởi vì họ muốn đeo mặt nạ. Họ có khả năng trở thành thù địch hoặc đã là kẻ thù phần nào rồi. Trừ trường hợp lòng ích kỷ của họ qúa lớn đến độ nó nuốt chửng tâm trí họ. Thí dụ các thương gia mà toàn bộ tham vọng của họ là những đồng tiền lấp lánh, hoặc muốn đầu tư lợi lộc. Các bà đỏm dáng mà Thánh vịnh mô tả: “Đẹp như hình mỹ nữ tạc trên cửa đền đài” (143,12). Lúc này họ chẳng quan tâm đến tội phạm bao nhiêu nên không thù ghét, cũng chẳng thân thiện. Họ đi qua và tiếp tục hành trình ngay cả trước sự hiện diện của cái chết.
Vâng, Đức Giêsu lẳng lặng nhìn đam mê của cuộc sống trên đường đi đến Golgôtha. Người biết chẳng có sự căm ghét ở thái độ ấy. Cũng chẳng có biểu hiện nào là đồng phạm vào cái chết của Người. Nhưng chúng ta biết rằng những ai tiếp tục chơi trò lãnh đạm khi Chúa đi qua thì đã là kẻ sát hại Người trong lòng rồi vậy.
Những lời thóa mạ được các Phúc âm thuật lại chỉ là tượng trưng. Thực tế còn nhiều và nặng nề hơn thế bội phần, vì óc tưởng tượng của người đời rất phong phú. Đàm tiếu bao giờ cũng lan ra rất nhanh trong quảng đại quần chúng cùng với những bình luận và thêm thắt. Chế giễu và thách thức liên tục quăng lên thập tự, nhằm thẳng vào Đấng chẳng còn chút khả năng nào tự vệ và vì vậy làm mồi ngon lành cho tính đê tiện tự phát của đám đông.
Thí dụ: “Gã làm phù phép đang gặp kết thúc buồn thảm... Thày lang nổi danh dởm... Hắn cứu vớt người khác tại sao không cứu mình. Nếu Giavê thương hắn làm sao lại để hắn trong tình trạng này... hắn gọi Thượng đế là Cha, cứ để Người cứu hắn... Đây có phải kẻ phá huỷ đến thờ và xây lại trong ba ngày?... và muôn vàn sỉ nhục tương tự.
Nhiều người khác không mỉa mai đến vậy, cũng chẳng thèm vay mượn công thức của các tiến sĩ. Họ đơn giản nhún vai hỏi: “Cái chi vậy?”_ chẳng cớ chi, chỉ là một tên nô lệ phạm lỗi bị ông chủ trừng phạt. “Họ vội vã bước đi vì ngày mai là Sabbat”. Hoặc “chà, đó là ông vua tưởng tượng. Hãy đọc bản án hắn đeo ở cổ... Thày lang dỏm... Mạnh thường quân giả hiệu... Nhà cải cách ấm đầu... Một tay chuyên nghề sách động... Mô phạm lỗi thời... thọc gậy bánh xe nguy hiểm. Chỉ vậy thôi. Chẳng có chi cả!
Đúng thế, chẳng có chi cả. Chỉ một người làng Nazareth mà các ngôn sứ tiên báo, Môsê làm biểu tượng, các Thánh vịnh ca hát, Gioan Tiền Hô chào đón khi Người tiến đến với ông. Chỉ một con người màu nhiệm mà muôn loài muôn vật phải khiếp sợ trước khi xúc phạm rồi một ngày nào đó phải run sợ. Chẳng có chi cả, chỉ là một Cứu Chúa của nhân loại. chẳng có chi cả, chỉ là Con Thiên Chúa hằng sống.
Có một lần các môn đệ nhắc: “Thày xem đám đông chen lấn Thày tứ phía”. Họ có ý nói người ta vây quanh Thày để được hưởng lòng tốt của Thày. Nhưng lúc này thì khác, đám đông vây quanh bằng sự lạnh lùng đối với một tử tội bị lôi đi hành hình, hay bằng tính độc ác vì hận thù. Nếu chúng ta khước từ tình cảm thứ nhất này, thì liệu chúng ta chấp nhận ý nghĩ thứ hai?
Có khả năng rằng nhiều chức sắc trong đạo, ngoài đời đã vi hành ra núi sọ, lẫn trong đám đông với cận vệ. Ngay cả kích động dân chúng căm ghét tội nhân thêm nữa. Bởi lẽ chúng ta thấy họ có mặt trên đồi Calvario. Đi như vậy họ được hai điều lợi. Thứ nhất: Người ta chào hỏi kiểu như Chúa đã từng khiển trách họ với lòng nhân ái mong họ ăn năn. Thứ hai, làm nhục Chúa Giêsu hơn vì so sánh với vinh hiển họ đang nhận được từ dân chúng. Bởi thế, họ chẳng cần hà tiện lời chế giễu, chửi rủa. Họ đòi được kính trọng và giải phóng lòng khinh bỉ.
Do sự kích động của họ, những lời thoá mạ thả dàn ném vào Đức Kitô Giêsu không chút kiềm chế. Và chắc chắn họ quăng cát và đá vào Chúa như họ đã làm đối với Đavít khi xưa. Đây là đường lối phương đông bày tỏ lòng căm tức. Mấy dòng chữ viết trên bảng án gây nhiều thích thú hơn. Vua người Do thái đầy máu me, chẳng có chút binh khí nào bảo vệ. Khốn nạn cho kẻ quá nhiều tham vọng, chẳng làm thế nào chiếm được thế thượng phong. Một con chim bị nhốt lồng vừa ngã xuống đã làm mồi cho các chim khác rúc rỉa. Ngay cả các chim trời bé xíu cũng dạy được con người về bài học tàn nhẫn! Trong khi đó đám diễu hành đã tới chân núi Sion và bắt đầu leo đồi Golgotha. Đức Giêsu gần như không cất nổi bước vì quá kiệt quệ. Người vấp ngã luôn và lảo đảo từng bước chậm chạp, nặng nề. Rõ ràng Người không thể tiến xa hơn, nhất là phải leo dốc. Trong tình hình quá yếu ớt, suy nhược, nhẫn nhục và yên lặng, nếu gặp đàn cừu hoảng loạn ào ào chạy lướt qua bất cứ lúc nào thì tội phạm sẽ ra sao? Người ta nhớ lại lời tiên tri Isaia: “Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông” (5,7).
Đã đến lúc phải kiếm người giúp đỡ. May thay một nông dân bỗng dưng đi làm về tạt qua ngó xem. Binh lính liền túm lấy anh ta. Theo luật họ có quyền làm như vậy để có thể giúp tội nhân vác thập tự lên đỉnh đồi. Tội nhân đã quá yếu gần như không vác nổi giá gỗ đến nơi hành quyết và như vậy bản án không được thi hành trọn vẹn. Nạn nhân có thể vấp ngã và chết dọc đường, hắn phải được giúp đỡ cách nào đó. Dịp may đã đến. Người nông dân tên là Simon quê thành Cyrênê.
Đúng thật là dịp may. Nó làm cho Simon và đồng hương trở thành biểu tượng muôn đời. Simon, Alexander, Rufinus được tôn kính như những vị thánh. Bởi vì Simon đã vui lòng ghé vai vác lấy cây gỗ ban ơn Cứu rỗi và thấm nhuần chất nhự hằng sống. Khi các binh lính “bắt ép” ông ta ghé vai vác đỡ thập giá đàng sau Chúa, họ có biết đâu rằng mình ban cho ông ta một vinh dự đời đời. Người Roma coi đó chỉ là công tác dân sự nhỏ nhoi. Người Do thái coi đó như thêm sức mạnh cho tử tội của họ. Nhưng hậu thế tìm thấy ở đấy một đề tài để ca tụng, suy gẫm hết đời này qua thời đại khác.
Một hoạ sĩ cổ vẽ quang cảnh Simon giúp đỡ Chúa vác thập tự như thể đám rước của toàn bộ nhân loại xét về mặt tôn giáo. Thủ lãnh của đám rước tổng quát này là Giáo hoàng, Giám mục, Viện phụ tất cả trong phẩm phục chính thức, cùng phụ giúp Đức Giêsu vác giá gỗ lên đỉnh sọ. Tuy nhiên họ chỉ là những đại diện. Trong ngôi vị họ tất cả chúng ta có mặt và đều là Simon Cyrênê và mỗi cá nhân phải làm tròn vai trò mình trong cuộc sống: Giúp đỡ Chúa, đúng như lời thánh Phaolô: “Mang vào thân xác cho đủ mức những gian nan Đức Kitô còn phải chịu” (1 Cor 1, 24). Nếu Thày Chí Thánh lảo đảo dưới sức nặng thì sự mạnh mẽ mà chúng ta nhận được từ Người chẳng thể được sử dụng tốt hơn trong việc phục vụ Người. Và cũng như trường hợp Simon, sự giúp đỡ của chúng ta sẽ được bù đắp lại gấp bội
* * *
Phúc âm còn nhắc đến một nhóm khác, không phải như Simon tình cờ đi qua đường, mà một số người đi theo đoàn diễu hành, hoặc ít ra nhập bọn với đoàn rước từ một ngã tư đường nào đó. Đó là một nhóm phụ nữ, không phải sau này đứng dưới chân thập tự, những kẻ theo Đức Giêsu từ Galilê cùng bọn với các môn đệ. Nhưng những người khác, có thể là đã bị lôi cuốn bởi giáo lý của Người, hay do ngôi vị của Người, nếu không thì là các bà đạo đức của thành phố Giêrusalem. Các bà này thường tự đảm nhận bổn phận đi theo các tội phạm ra pháp trường để làm một vài điều trợ giúp cần thiết như: Sửa soạn nước uống an thần, khăn lau mặt hay các nhu cầu lặt vặt khác. Sách Ngũ Kinh “Talmud” chỉ định vai trò này cho mấy phụ nữ khá giả của thành Giêrusalem và trong hoàn cảnh Đức Giêsu thì ước đoán này là đúng, mặc dầu Người từ chối phục vụ của họ. Chúng ta sẽ thấy sau:
Những phụ nữ đạo đức này chào đón Đức Giêsu đi qua khiến lời sách Nhã Ca có một ý nghĩa xót xa: “Thiếu nữ Sion hỡi, hãy ra chiêm ngưỡng vua Salomon. Người đội triều thiên hoàng thái hậu cho người ngày hôn lễ, ngày vui nhất của lòng Người” (Dc 3,11). Đúng là một triều thiên kỳ lạ mà Giêrusalem đội lên đầu vua của nó. Người phải được chào đón bằng than khóc như các vua thời cổ bằng hoan hô. Hàng chữ bản án mà Philatô truyền viết chắc chắn là để mỉa mai, nhưng cũng rất thích hợp.
Các phụ nữ đấm ngực than khóc Đức Giêsu khi Người đi qua. Tình cảm của họ ngay thật là điều tốt. Trong họ bác ái thực sự xuất hiện ở tình huống đẫm máu này. Không, vị tôn sư của thế giới không bỏ lỡ cơ hội cuối cùng mà chẳng ban lời giáo huấn. Người yên ắng trước những kẻ chửi bới, chế giễu mình, những kẻ lãnh đạm dửng dưng, những tên tò mò. Các kẻ thù thường trông thấy Người uy nghi cao cả khiến họ bất đồng. Một nhà bình luận cổ đã viết: “Người chẳng thèm trả lời đồ chó má”. Nhưng với những phụ nữ mà thái độ xem ra thân thiện thì Người bật nói:
Hình như Người không cảm thấy cây thập tự nặng nề nữa. Người có thể quay sang họ và ban vài lời. Xem ra các lý hình không ngăn cản. Trong bất cứ quốc gia nào, luật pháp cũng cho tử tội chút tự do để nói lời cuối cùng. Chỉ có hận thù man rợ mới cấm người ta làm như vậy. Và nếu căm ghét ngự trị các lãnh đạo Do thái, thì nó không mấy tác động đến các binh lính.
Đức Giêsu nói: “Đừng than khóc ta”. Người không phản đối tình cảm chân thật của họ, nhưng phàn nàn về sự mù quáng chỉ nhìn vào hậu quả mà không xem thấy căn nguyên, thương hại một nạn nhân thanh cao mà không nghĩ đến số phận khủng khiếp của những tay sát nhân! Quên rằng những ai hành xích Người là thân nhân của họ do một tương quan ruột thịt nhiệm màu nào đó. Tương quan quá gần cận đến nỗi đe dọa từng thành phần của nhóm khóc thương Người. Bởi lẽ những kẻ sát nhân này dầu sao cũng là con cái họ!
- Đừng thương khóc ta nhưng hãy khóc thương các ngươi và con cái ngươi. Người nói với họ về hậu duệ, như vậy chắc chắn đi sâu vào tâm hồn họ. Người nhắc nhớ họ về tội ác tập thể đang được thực hiện ở Giêrusalem. Tội ác mà Giêrusalem sẽ phải đền trả bằng cuộc trừng phạt khủng khiếp trong tương lai.
- Này sẽ đến ngày người ta nói: “Phúc cho đàn bà hiếm hoi, kẻ không sanh không đẻ, người không cho bú mớm”. Nỗi khốn khổ sẽ cực lớn đến nỗi thiên hạ nguyền rủa mình: “Hỡi núi non hãy đổ ập xuống chúng tôi. Và gò nổng hãy phủ lấp chúng tôi đi”. (Lc 23, 28-30). Chúa chúng ta thêm: “Vì cây xanh tươi người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?”. Nếu như Thiên Chúa trong cơn thịnh nộ đã đốt cháy và trừng phạt bất kể công lênh. Nếu Người chịu đựng để kẻ vô tội bị giết hại, thì Người làm chi với những kẻ có lỗi? Ta chết vì Ta muốn thế, để làm tròn bổn phận của Ta, và mục tiêu của bổn phận ấy là một chiến thắng vinh quang. Vậy không cần khóc thương Ta, một anh hùng chỉ ba ngày nữa sẽ nếm hoa qủa của vinh hiển thắng trận. Nhưng hãy khóc và khóc hết khả năng cho chị em, là mẹ của những kẻ giết hại Thượng đế. Hãy khóc cho con cháu chị em đang ngạo ngược bên bờ thảm hoạ!
Lúc này chúng ta mở rộng tầm nhìn hơn và hãy hiểu rằng tại sao trước hết Chúa nói: “Chị em nên khóc thương mình” Rồi sau mới nói: “Và con cháu chị em?” Bởi vì Người nghĩ đến thứ tự của các biến cố. Từ đó phát sinh trách nhiệm của mỗi cá nhân. Người công khai nói đến tội giết hại Thượng đế của người Do thái. Nhưng cũng hàm ý những đồng phạm xa xôi khác là dòng giống họ và cả chúng ta nữa. Mỗi người phải lưu tâm đến lời khiển trách nghiêm khắc đầy yêu thương này.
Truyền thống còn nhắc đến hai phụ nữ khác nữa ở điểm này. Cũng là hai bộ hành: Vêronica với chiếc khăn lau mặt và Maria, Mẹ Đức Giêsu. Phúc âm không nói rõ về đức Mẹ ở giai đoạn này nhưng thật khác thường nếu chúng ta không ước đoán như vậy. Vì sau đó Phúc âm kể về Người đứng dưới chân thánh giá với các phụ nữ đạo đức khác. Vêrônica, chẳng phải là quí danh thật của người phụ nữ lau mặt cho Chúa. Từ ấy chỉ có nghĩa “hình ảnh thật”. Người đàn bà đầu tiên an ủi Chúa giữa những lăng nhục. Với đôi tay dịu dàng run run bà phục vụ Chúa theo truyền thống cha ông. Bà nhìn rõ khuôn mặt Đấng đã tuyên bố: “Ai xem thấy Ta là trông thấy Chúa Cha”. Như vậy người phụ nữ lau mặt đầy máu me của đức Giêsu, kín múc ơn cứu độ từ nguồn mạch hằng sống của khuôn mặt ấy, người đàn bà mang khuôn mặt Chúa về nhà, và được xem thấy Đức Chúa Trời!
Sự hiện diện của Đức Maria ở lúc Chúa vác thập tự không phải là tông truyền, chỉ là ước đoán mà thôi, nhưng hữu lý và đúng với thực tế, mặc dù không có chứng cớ hiển nhiên. Thí dụ, việc Chúa phục sinh hiện ra với đức Maria hoặc đức Mẹ rước lễ trong bữa tiệc ly cũng làm chi có dấu vết truyền thống? Chúng ta nên hiểu rằng Phúc âm không phải là cuốn sách lịch sử trọn vẹn, việc chi cũûng được ghi chép trong đó. Nhưng có những điều mà người ta được tự do tưởng tượng ra để làm đầy chi tiết, phát sinh do lòng sùng kính phổ thông, bao lâu mà tính khả tín của nó lịch sử không đòi hỏi. Người ta nên tộn trọng nó và chấp nhận nếu thấy ích lợi hơn là từ chối. Những ước đoán do cảm tính chung và được Giáo hội thừa nhận.
Rất khó mà tưởng tượng rằng Đức Maria không hiện diện suốt cuộc diễu hành từ dinh Philatô đến núi sọ. Mẹ vắng mặt cho đến khi binh lính dựng xong cây thánh giá? Liệu trái tim dịu dàng của người mẹ nào vô cảm khi nghĩ đến người con đang vác giá gỗ suốt con đường gian khổ dài hơn nửa cây số?
Những người đàn bà khác có mặt ở đấy và đức Giêsu đã nói với họ, còn mẹ Người thì vắng mặt? Liệu mẹ không dám liều mọi sự: xô đẩy, chửi bới, doạ nạt để ôm chầm lấy con? Liệu mẹ thà chịu đựng bị đám đông dẫm nát, trà đạp hoặc giằng co như cọng rơm trước cơn gió mạnh chứ không để cho người ta hành hạ con mình như vậy? Tấm thân mẹ nào có kể chi? Nếu người ta nhận ra mẹ, chắc chắc thiên hạ sẽ cảm thương. Nỗi đau khổ của mẹ không phải để cho thiên hạ mạ lỵ. Giả dụ mẹ có vi hành đến đó, chắc hẳn mẹ con đã trao đổi những cái nhìn an ủi.
Quả thực Đức Maria mong ước làm một người Cyrênê và khát khao vác đỡ khổ gía cho con. Dĩ nhiên là chẳng được phép. Nhưng người mẹ ấy muốn thực hiện một điều bất khả thi.
Vào thời trung cổ, ở Giêrusalem có một đền thờ dâng kính Đức Maria gặp gỡ Chúa Giêsu trên đường khổ nạn. Nó được gọi là nhà thờ Đức Mẹ quặn đau. Ngày nay còn dấu vết của ngôi nhà thờ thế kỷ thứ năm hay thứ sáu này, trong các di tích có một mảng kính màu vẽ một đôi dép. Có người kết luận rằng bàn chân đức Mẹ hay của Chúa Giêsu đã in dấu trên nơi đó.
Câu kết luận quá vội vã, vì vào thời cổ việc dùng dép để tượng trưng sự hiện diện của ngôi vị rất phổ thông. Và động cơ của nó không phải lúc nào cũng mang tính tôn giáo. Và ngay cả khi dùng cho mục đích tôn giáo đi nữa cũng không phải luôn ám chỉ phép lạ.
Tuy vậy, nếu gạt qua một bên tinh tế thực tại, chúng ta có cơ hội lợi dụng hoàn cảnh để suy ngắm về cái nhìn giữa Đức Giêsu và mẹ Người. Họa sĩ nổi danh Raphael để lại một bức tranh nhan đề Spasimo di Sicilia. Đức Giêsu ngã gục dưới cây thập tự. Các lý hình đánh đập tàn nhẫn, bắt đứng dậy. Người đau đớn cố gắng đứng lên, dáng điệu anh hùng dưới những cú đấm, cái tát. Đối diện với Chúa là mẹ Người té xỉu vì cú sốc tình cảm, bà giang rộng hai tay trong đau khổ. Toàn bộ cuộc sống Đức Maria diễn tả bằng hai con mắt long lanh sáng. Bức vẽ không oai nghiêm bằng bài ca Stabat Mater Dolorosa (mẹ sầu bi đứng dưới chân thánh giá). Chưa có lập bàn thờ, chưa có nghi lễ đẫm máu để biểu trưng Đấng đồng công cứu chuộc trong vai trò tư tế. Chỉ có tấm lòng dịu dàng của một bà mẹ mà Đấng Cứu Thế đáp lại bằng việc đồng ý cho mẹ chia phần vào hiến tế hy sinh. Bởi chưng, phải chăng cuộc sống mà Đức Giêsu dâng hiến lên Thiên Chúa Cha cũng thuộc về Đức Maria?
* * *
Người ta giả định đức Mẹ gặp Chúa Giêsu tại một ngã tư đường trong thành phố Giêrusalem, nếu không thì ở cổng Ephraim. Nơi đây có khoảng đất trống rộng, cư dân thường lui tới và đễ dàng tránh được cặp mắt dò xét của thẩm quyền tôn giáo, ngay cả sự chen lấn của đám đông. Trong hoàn cảnh này chúng ta lại qúa gần Golgotha và sự kiện lại nhắc nhớ đến “điểm quan sát” vừa nói ở trên. Chúng ta có cơ hội tiếp tục suy gẫm về cảnh quan kẻ đi người lại từ trên cây giá gỗ!
Bên đông phương cổng thành phố, làng mạc, chủ yếu là nơi gặp gỡ của dân cư. Có rất ít khoảng trống trong nội thành. Vì người ta cố ý thu hẹp diện tích, bởi lý do kinh phí xây đồn luỹ, tường thành để bảo vệ chống xâm lược. Còn thêm lợi về mặt tiết kiệm binh lính canh gác.
Như vậy, các cổng thành là nơi thuận tiện nhất để gặp gỡ, trao đổi, buôn bán. Những kẻ nhàn hạ săn đón tin tức, lái buôn, đều lấy cổng thành làm nơi lui tới. Những thương gia, ông chủ thuê mướn công nhân, kẻ bán lao động, mối lái đủ mọi loại như trâu bò, heo gà, ruộng vườn, nhà cửa, đất đai thậm chí cưới xin, hôn nhân đều được tiến hành ở cổng thành. Chợ phiên cũng họp ở đây vào những ngày nhất định. Hàng ngày thì là buôn bán, khế ước với những vụ thương lượng vô tận. Cũng ở đấy các khế ước mua bán giao dịch được ký kết trước mặt bô lão, các cuộc tranh cãi chính trị, công lý được dàn xếp. Hơn nữa, cổng thành còn là dấu hiệu sức mạnh tự vệ và quyền uy vua quan trên cư dân. Thí dụ cổng vua, ám chỉ quyền lực nhà vua. Cổng quan, quyền lực tòa án. Người ta còn nói đến “cổng cao siêu”. Khi ví Hội Thánh như một sức mạnh Chúa Giêsu tuyên bố: “Đà cửa địa ngục cũng không thắng nổi” (Mt 16,18). Người nói đến quyền lực ma qủi không thắng được Giáo hội.
Phần lớn vấn đề chính trị, dân sự cũng được bàn cãi ở cổng thành dưới các vòm hay chung quanh. Thế lực đối kháng cũng góp phần mình. Các âm mưu được ấp ủ và phát triển ở cổng thành. Tin đồn cũng thổi đi từ các cổng. Lịch sử đã ghi lại Absalom sắp đặt cái bẫy lật đổ vua cha ở cổng thành. Athalia cũng bị giết ở đây. Trong các thành phố của đông phương, cổng thành vừa là ngôi chợ vừa là công đường.
Hậu quả là tôn giáo, một sinh hoạt thân thiết của đời sống quần chúng, cũng thường xuyên liên kết với cổng thành. Tôn giáo phải dính liền với những nơi chốn có đông dân chúng. Khi Israel bất trung với Giavê, nó dựng tượng đài cho các thần ngoại giáo ở những “nơi cao”, tức trên nóc vòm cổng thành như ngày nay chúng ta đặt tượng Đức Maria vậy. Khi Israel trở về với Đức Chúa hay để giúp đỡ nó trở về, các ngôn sứ xuất hiện nơi cổng thành, ở các bậc cổng để tuyên sấm những lời tiên tri ngõ hầu mọi người đều nghe thấy.
Trong sách Châm Ngôn (1,21), đức khôn ngoan được mô tả như tiếng kêu ở cổng thành, cũng như ở ngã tư đường. Khi đến loan báo sự phá huỷ Sođoma, thiên thần gặp ông Lot ở cổng thành (St 19,1). Nhiều lần Chúa Giêsu chữa lành bệnh nhân và rao giảng Nước Thiên Chúa ở cổng thành. Hiện thời Người cũng bị lôi đến cổng thành để chịu giết chết. Bởi vì theo lý thuyết cũng như thực hành, cổng thành là nơi thực thi công lý, và hành quyết tội phạm. Nếu như công lý sau này được đưa vào dinh thự, tức công đường thì đó là vì tiện nghi của các vua quan, còn việc chuẩn nhận vẫn thuộc về công cộng. Bởi lẽ việc lớn không lưu tâm đến thi hành chi tiết. Ngoài ra nêu gương tội phạm cũng là chuyện rất quan trọng ở cổng thành.
Hơn thế nữa, các cổng thành còn là nơi cư dân tiếp xúc với các thành phố khác hay những vùng lân cận. Xét về mặt lưu thông bên ngoài, thì cổng Ephaim giữ một vị trí thuận lợi đặc biệt vì thế giá gỗ hành quyết tội phạm được dựng nên ở đây. Nó là điểm nối kết giữa bốn đại lộ đông người qua lại. Vài năm sau, tầm quan trọng của nó được tỏ lộ rõ ràng khi người ta thiết lập công đường Ealia Capitolina, Giêrusalem của đế quốc Roma. Các đoàn người vô tận lưu thông ở đây: Khách hành hương, lái buôn, doanh gia, người đưa thư và binh sĩ. Như vậy tầm nhìn của Đấng Cứu Thế không nhắm vào hoang điạ.
Bây giờ chúng ta phóng mắt ra xa hơn: ngọn Gareb, ngọn Bezeth, xa hơn nữa núi Olivêtê, núi Scopus, chúng đều được các lều vải và nhà tạm thời che phủ. Những người hành hương dịp lễ lớn trú ngụ ở đó. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới những nơi có cư dân Do thái làm ăn sinh sống. Vì đối với người Israel lễ Vượt Qua là lòng sùng mộ phổ thông. Họ họp thành nhóm tuỳ theo bộ lạc hay gia tộc. Người Galilea với người Galiea tương tự như bây giờ chúng ta thấy người Hy lạp với người Hy lạp vào ngày lễ kính mộ đức Mẹ 15.8, tất cả đều cắm trại gần kề nhau. Những làng mạc tạm thời này tăng cường cho đội ngũ ghê gớm của đám đông khổng lồ kéo về thành thánh.
Xin hãy tưởng tượng phong cảnh. Ngay ở cổng thành, dòng người tuôn chảy như thác đổ, ào ào náo nhiệt giữa hai bên bờ của con sông người, các kẻ buôn bán lưu động: xe hai bánh đẩy tay chất đầy hàng hóa. Kiốt cố định dọc theo dãy phố với các loại thịt ngọt, đồ uống, rượu mạnh. Hành khất đủ mọi lứa tuổi, đa phần là mù lòa, bệnh tật mà miền đất đầy nắng cháy này sở hữu: què, liệt, cùi, phong, cụt chân tay, đui đôi mắt phần được chữa lành nửa vời, phần khác bết bát hơn. Những tiếng rên rỉ đều đều nổi lên khắp góc đường với những đôi tay run run cầm chiếc bát gỗ nhơ bẩn.
Trong các vườn tược, người nhàn rỗi ngồi bệt xuống mặt đất hoặc đứng chống nạng dựa vào tường thành. Trên mặt lộ những người là người, lừa ngựa, trâu bò, dê cừu, xe cộ, các con lạc đà chở nặng di chuyển chậm chạp. Các sườn đồi dầy đặc khách hành hương tụ thành từng nhóm sôi động bên các đống lửa, khói bay nghi ngút.
Xin mừng tượng quang cảnh và lắng nghe khi đức Giêsu vai vác khổ giá xuất hiện trước cổng thành. Trướt hết là tiếng ồn ào lớn vì bị kích thích, rồi tiếng la ó chửi bới và cười đùa chế giễu. Những tiếng này trong một lúc át hẳn cảm giác thương hại và suy nghĩ “Thấy con ai cũng chê cười, lắc đầu, bỉu mỏ buông lời mỉa mai. Nó cậy Chúa mặc Người cứu nó. Người có thương giải gỡ đi nào?” (Tv 22,7-9). Hãy để Đức Chúa giải cứu những kẻ Người ưa thích. “Tất cả đều là thóa mạ phạm thượng. Đức Kitô đã nên như mục tiêu của lời khiển trách phàm nhân, chửi bới của quần chúng”.
Nhưng giữa đám đông hỗn xược, cũng có những linh hồn ngay chính mắc nợ Người điều này điều khác, cũng có những người đã từng khâm phục Chúa. Thí dụ: Các hành khuất què quặt, những số phận khốn nạn, ngoài lề quì dưới chân Người đầy lòng tin cậy. Họ đã tung hô Người là Con vua Đavít. Họ đã đến hôn gấu áo Người, chạm vào tua áo hay phủ phục trước nhan Người đợi một phép lạ hay lời ủi an vỗ về.
Nhưng lúc này họ quay lưng phản bội, chế giễu Người đúng như lời một Thánh vịnh thường đọc, kể lại toàn bộ cuộc thương khó - họ hát sau lưng khi Người đi qua cổng thành. Họ vừa uống rượu vừa ca: “Con đã nên trò cười cho thiên hạ, bọn ngồi lê đôi mách cũng gièm pha, quân rượu chè đặt vè châm chọc” (Tv 68, 12-14). Hay lời sách Aica: “Này tất cả những ai qua lại, hãy nhìn kỹ mà xem, có nỗi khổ nào so sánh được với nỗi khổ Đức Chúa giáng trên tôi?” (1,2).
Đúng vậy, lạy Thày Chí Thánh, chẳng bao giờ có nỗi khổ nào bị lãng quên như vậy! Chẳng có nỗi cay đắng nào qúa trọn vẹn như thế! Không phải chỉ ở Giêrusalem nhưng trong toàn thể vũ hoàn, không chỉ vào chiều ngày Sabbat vượt qua này khi người ta vội vã hành quyết các tử tội, nhưng vào mọi thời, mọi buổi. Liệu có bao nhiêu kẻ qua lại ngắm cảnh tượng ấy mà cảm động, mà ăn năn sám hối đâu?
Đức Kitô bị chế giễu hôm nay. Nhưng liệu Người có bị quên lãng rộng khắp không gian thời gian không? Cảm thương đã ít nhưng lòng sùng kính càng hiếm hơn. Khi chúng ta nói Đức Kitô không bị nhạo báng nữa chúng ta chỉ nghĩ đến ngôi vị của Người, mà thực ra ngôi vị ấy không quan trọng cho bằng Nhiệm Cục Cứu Độ và việc làm của Người.
Liệu người ta có thể đếm nổi những lời lăng nhục thiên hạ đang quăng vào giáo lý, học thuyết, thực hành, lệnh truyền, tác vụ, lời nói, việc làm, hứa hẹn, cơ chế của Hội Thánh liên quan đến ngôi vị Đức Giêsu và công cuộc cứu chuộc của Người? Ở lãnh vực này nữa cũng có những biủ mỏ lắc đầu, cũng có những kẻ uống rượu - thứ rượu phóng túng, dâm ô, buông thả, nguỵ biện - ca hát sau lưng Chúa khi Người đi qua.
Lễ Vượt Qua của nhân loại vẫn còn tiếp tục diễn tiến. Loài người vẫn còn nhổ trại, di chuyển chỗ ở, vẫn còn uống rượu và nhẩy múa, vẫn còn lo lắng buôn bán kiếm lời, vẫn còn mất hút vào hoan lạc nhục dục, vẫn còn yêu ghét, trung thành, phản bội - trong khi Đức Giêsu vẫn tòng teng trên giá gỗ! Đau khổ của Người chỉ toàn gặp khinh dể, bỉu môi. Lời kêu gọi của Người, ơn cứu độ của Người gây nên toàn chê cười, thậm chí trà đạp. “Này tất cả những ai qua lại, hãy nhìn mà xem”. Những người gặp Đức Giêsu ở cổng thành Ephraim trong dòng chảy đời bạn, bất kể là đang bận rộn hay nhiệt thành, bất hạnh hay phù phiếm: “Có nỗi khổ nào sao sánh được với nỗi khổ Đức Chúa giáng trên tôi?” Một nỗi khổ đầy ý nghĩa cho bạn, xứng đáng lòng cảm thông của bạn, tình yêu của bạn và hướng dẫn đời bạn?
Nếu như không có nỗi thống khổ nào như thế này. Nếu như người lữ hành tình cờ buộc phải chấp nhận và tuyên xưng, bất chấp bản thân rằng ở đây có điều chi siêu nhiên, có điều chi vượt xa mọi cuộc sống trên trần gian, thì hắn nên dừng lại và nhập bọn với những người đứng gần cây giá gỗ (Juxta crucem) mà chúng tôi sắp nói đến sau. Những linh hồn dâng mình để được rửa sạch bằng hạt sương cứu độ, rơi xuống từ các vết thương Chúa chịu nạn!
(1863-1948)