Khi Đức Giêsu vác thập tự vượt qua cổng thành Ephraim là bước vào cuộc tử đạo thực thụ. Các vị tử đạo thường bị xô đẩy ra pháp trường. Lúc ấy điều trước nhất họ nhìn thấy là hàm sư tử, còn Đức Giêsu ngôi mộ của mình. Cái miệng của nó há hốc như lời ông Gióp: “Hơi thở tôi đã cạn, ngày đời tôi đã hết, một nấm mồ đang chờ đợi tôi” (17,1).
Tuy nhiên qua nó, Người nhìn thấy một viễn tượng huy hoàng. Người được quyền nói như Đavít tổ phụ mình: “Vì Chúa chẳng bỏ mặc tôi trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ. Chúa sẽ dạy con đường về cõi sống. Trước thánh nhan, ôi vui sướng tràn trề. Ở bên Ngài hoan lạc chẳng hề vơi” (tv 15,10-11).
Có một biểu tượng đẹp đẽ về nấm mồ nói chung. Ngôi mộ của Chúa Giêsu chỉ cách thánh giá chừng vài chục mét. Đau khổ và sự chết là hai mặt của thực tại con người. Đau khổ hạ thấp con người. Sự chết tàn phá họ. Nhưng nơi Đức Kitô, hai mặt đó liên kết để nâng phẩm giá người ta lên. Để lên trời con người phải qua ba giai đoạn: Thập giá, nấm mồ và thiên đàng.
Người Do thái thường chọn khu vườn thuận tiện để lập nghĩa trang. Thường thì ở ven đô thị. Một nghĩa trang có rất nhiều mộ. Một số tồn tại cho đến hôm nay và chúng ta dễ dàng tìm thấy cũng như quan sát cách thức người thời xưa chôn cất xác chết. Số khác không còn nữa. Các lỗ đặt xác thường được đục thẳng vào sườn núi đá vôi. Người Israel cổ ít khi xây dựng, họ đào bới nhiều hơn. Như vậy công trình của họ có nhiều không gian và bền bỉ. Đây là lý do tại sao các nghĩa trang ở Palestine vững bền hơn các nhà cửa, lâu đài. Nhiều dấu tích cổ xưa bây giờ còn có thể tìm ra nhờ vào các hang hốc trong đá. Có những bậc thang dẫn lên các hang động.
Vào thời Chúa Giêsu kỹ nghệ đào bới đặc biệt phát triển. Điều này dễ hiểu và nhờ vậy chúng ta ngày nay còn tìm thấy dấu vết nhiều kiểu trang trí kỹ thuật La mã - Hy Lạp. Nhiều tiêu biểu còn có thể tìm ra ở thung lũng Giosaphat hoặc trong vùng Aboud, Tibneh và nhiều nơi khác. Các học giả kinh thánh có thể tham quan, học hỏi, tìm hiểu trên các mảnh vụn tư liệu sống động. Nó nói lên nơi chốn, kết cấu cổ xưa, tiện cho việc suy tư.
Bề ngoài của các mộ chí rất đa dạng, từ đơn giản như một lỗ chôn cho đến phức tạp nhiều tầng lớp, chung quanh có hào luỹ và đôi khi có mái vòm. Giữa hai thái cực ấy, là kiểu cách trang trí: Vòng hoa, đường gờ, thập tự, cột giả, hoa lá, hình cuốn, trụ giả biểu lộ lòng kiêu căng, xa hoa, đạo đức hay khiếu thẩm mỹ của chủ nhân.
Nhưng hầu hết các mồ mả đều có khu tiền sảnh. Đó là một khoảng đất trống trước mộ có mái che. Trước là hàng cột hay sân rộng, sự xếp đặt cuối cùng này về sau cần thiết khi lập mộ trên một triền núi khá dốc như ở Golgotha. Sân trước tiền sảnh là mảnh đất bằng, thuận tiện cho gia đình tụ họp hay một mình suy tư. Phía tường bên trong có cửa thấp dẫn vào lỗ chôn hoặc vào một phòng tiền đường ăn thông với gian phòng nữa hình vòm chứa ghế dài bằng đá, giá gỗ, kệ...
So sánh các chi tiết trong Phúc âm với khảo cổ, họa đồ, người ta có khả năng hình thành ý niệm chính xác về ngôi mộ Chúa Giêsu mà Giuse Arimathia đã đào, và tình trạng nguyên thuỷ của nó ra sao.
Đường đi xuống mộ là một rãnh hào, khá dài vì thế đất thấp dần. Chiều dài dần dần ngắn hơn khi chiều sâu gia tăng. Từ ngưỡng cửa mộ cho tới tiền đường thế đất thấp hơn, người ta lập những bước bậc thang. Phía trước mặt là cánh cửa thấp dẫn đến phòng tẩm niệm. Nghi thức này gồm: tắm rửa xác, xức thuốc thơm và cầu nguyện. Lui xa hơn là một cánh cửa khác cũng thấp mở vào lỗ an táng. Lỗ là một cái hang vòm khung đục vào tường bên phải để đặt xác.
Chẳng hiểu bức tường đó còn dành để đục nhiều lỗ chôn khác nữa không, nhưng khả năng thì còn nhiều. Đây là điểm thuận lợi của hệ thống vì có thể thêm đến vô tận bằng cách tiếp tục khoét vào triền núi mà không làm thiệt hại chỗ chôn cũ.
Phần nền của lỗ hang được khoét trũng xuống một chút. Chiếc gối bằng đá đặt ở phía đầu, dấu vết này ngày nay vẫn còn. Người chết phải được dễ chịu để có thể yên giấc sâu. Cả hai gian phòng nhỏ đều thấp hơn cửa vào, để rằng nơi đặt xác ở độ sâu hơn. Phòng thứ nhất đặt một chiếc ghế dài bằng đá hình bán nguyệt và ở giữa có khoảng trống để đi lại xức dầu. Phòng bên kia là lỗ hang chôn. Người ta đưa xác vào hang nhờ giá đỡ.
Còn việc đóng mở hệ thống mộ thì dễ dàng tưởng tượng. Khi các phụ nữa trên đường đi tới mộ, họ đã hỏi nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm chúng ta đây?” (Mc 16,3). Tảng đá các bà nói đến hình phiến đá cối xay, nặng cả tấn. Ngày nay vẫn thấy nơi các mộ vua chúa, các Hêrôđê, ở Abougoch Nablus và nhiều nơi khác. Tảng đá ở mộ các Hêrôđê còn nặng hơn. Tảng đá ở mộ thánh “lớn lắm” (Mc 16,4).
Xin tưởng tượng tiến trình mở, đóng mộ: Phía ngoài lối vào có khoét một cái rãnh, để nhận tảng đá khi nó được đẩy ra, đóng vào. Khi đóng tảng đá ăn khít vào tường cũng nhờ rãnh và đứng tại chỗ nhờ then cài. Khi mở người ta tháo then, sức nặng của tảng đá làm nó lăn ra. Nhưng trước đó, khi đóng, tảng đá đã được đẩy lên cao, cũng nhờ rãnh khoét vào tường. Cần hai đàn ông khoẻ mạnh mới làm được việc này vì để tháo các then cài người ta phải đẩy tảng đá lên cao một chút. Nó sẽ rơi trở lại dễ dàng. Chắc chắn các phụ nữ bất lực vì đá nặng và nguy hiểm bị thương. Ngoài ra họ không có thẩm quyền mở mộ một mình.
Mọi chuẩn bị nói trong Phúc âm về việc chôn táng Đức Giêsu là được làm đồng thời chiều thứ sáu vì ngày mai là Sabbat, mọi việc phần xác đều bị cấm. Việc Giuse Arimathia sửa soạn phòng xa là không có. Thực tế ông chẳng chuẩn bị chi cả ngoài nấm mồ có sẵn. Giả thuyết ông lo liệu trước cho việc phục sinh hoàn toàn là sản phẩm của tưởng tượng vô căn cứ. Thánh Gioan cho chúng ta hay họ buộc phải mau chóng vì ngày thứ bẩy cận kề và ngôi mộ lại gần (19,42).
Như vậy ông Giuse Arimathia được diễm phúc biết bao! Ông được hân hạnh giống như Simon người Cyrênê. Simon vác thập giá giúp Chúa còn Giuse mai táng. Mấy năm trước tiến sĩ Nicôđêmô đã đến phỏng vấn Chúa vào ban đêm (3,11) nay mua 100 cân dầu thơm và hương liệu xức hang. Như thế ông lại được gặp Chúa nhưng là lần cuối cùng.
Tuy nhiên, việc xức xác chiều thứ saú là vội vàng. Cần một cuộc xức trọng thể hơn theo tục lệ do những bàn tay đạo đức. Đến sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần các phụ nữ ra mộ thì gặp thiên thần xuất hiện báo cho họ biết về phép lạ phục sinh.
Trong tâm trí Đức Giêsu trên thập hình những điều này rõ ràng và trái tim Người xúc động biết bao. Lúc này Người không thấy ngôi mộ. Nhưng cảm nhận nó rất gần và Người biết rõ điều đó. Người suy nghĩ về tầm quan trọng của nó đối với công trình cứu chuộc. Người cần nó để nghỉ ngơi như một công nhân mệt nhọc và dự kiến cho các biến cố vào sáng thứ nhất của tuần lễ mới. Ở ngôi mộ này Người ban tặng sự sống để rồi lấy lại. Người đặt gánh nặng tình yêu xuống đó trong giây lát.
Khi phán “mọi sự đã hoàn tất”, Đức Giêsu nghĩ ngay đến ngôi mộ. Lời ấy là bình luận về hiệu quả của thập giá, về chính thập giá và về con đường của nó trong tương lai. Con đường cho chúng ta hôm nay và mãi mãi về sau. Vì chiếc hang bằng đá này là chứng tá cho biến cố thuyết phục nhất, dấu chỉ rõ ràng nhất của biến cố phục sinh. Nó vừa là bằng cớ vừa là tặng phẩm cuối cùng của Người. Việc mai táng là kết thúc cuộc khổ nạn. Đối với kẻ thù, nó là việc săn đuổi cuối cùng. Đối với Đức Giêsu nó là hy sinh sau hết, là hoàn thành nhân đức hạ mình ra không. Khi chết chúng ta chẳng còn sự sống. Đó là cú ngã cuối cùng của một đời người. Nhưng nơi Đức Giêsu Người vẫn giữ sự sống và quyền năng vì Người là Thiên Chúa.
Người niêm dấu ấn trên công nghiệp của mình bằng ngôi mộ. Và bất chấp thù ghét, hội đường Sanhedrin Do thái đã vô tình giúp đỡ Người làm điều ấy. Ngôi mộ này là biểu trưng cuối cùng của Phúc âm đầy màu sắc, là hình ảnh cuối cùng liên quan đến thực tế cao siêu của ơn cứu vớt. Với hình ảnh này lời rao giảng của Con Loài Người trở thành bất tử. Yùù nghĩa vĩnh hằng của sứ điệp Người không tranh cãi được nữa. Lúc này và mãi mãi về sau các môn đồ của Nước Trời chẳng thể ngủ yên, kể cả lịch sử loài người. Mầm sống phục sinh đã được cấy vào nhân loại. Cây sự sống lại trổ hoa lần nữa. Từ đó, chỉ còn một biến cố vĩ đại duy nhất trong dòng chảy của các thời đại, là biến cố khởi sự và kết thúc ở ngôi mộ đá thiêng liêng.
Biến cố này không chỉ liên quan đến loài người, tuy khổ nạn nhằm mục tiêu cứu rỗi, nhưng còn là một nền thờ phượng đúng nghĩa, Đức Giêsu đạt đến cực điểm của việc thờ phụng Thiên Chúa khi người ta tháo xác Người khỏi giá gỗ, đặt vào lòng Đức Maria và đem đi mai táng.
Người phải hạ mình xuống sâu đến mức độ ấy để tôn vinh Thiên Chúa Cha, nêu gương cho nhân loại. Người đi đến tận cùng của khiêm tốn để ban tặng vinh hiển cao siêu nhất mà tình yêu có khả năng thực hiện. Đây là chân lý không ai chối cãi được. Việc hạ mình xuống tận đáy của hư vô để ngợi khen Thiên Chúa Cha, Người hiến dâng lên Cha công việc cao quí nhất của tạo dựng là công trình cứu độ.
Ban sáng phục sinh giãi bày quyền năng của Đấng “làm mau lẹ kẻ chết và kêu gọi những chi chưa hiện hữu”. Sự khôn ngoan của kế hoạch Đức Kitô được tỏ rõ rực rỡ. Tình yêu thúc bách khôn ngoan sẽ được đáp trả bằng yêu mến tương xứng. Nó sẽ biểu lộ mình thực chất là chi? Là một tình yêu ở đỉnh cao nhất của thực tại: Tình yêu thần linh là mẫu mực cho mọi thứ tình yêu - tình yêu cứu vớt.
* * *
Ý niệm “lễ tế hy sinh” không được làm chúng ta bỏ qua mong đợi vinh quang. Trái lại, trong tâm khảm Đức Kitô chính niềm mong chờ này ban ý nghĩa đích thực cho ngôi mộ của Người và hết thảy ngôi mộ khác.
Vì Đức Kitô là Thiên Chúa của mọi thời đại, trên thập tự Người đã trông thấy từng diễn biến của thời gian. Người kinh nghiệm vui thích của tương lai, mà các tiên tri reo mừng, Người thấy rõ các việc xẩy ra trong “ngày mai”. Tất cả qua nội dung của cuốn “sách hằng sống”.
Người chết và được mai táng trong mồ, dầu thơm và hương liệu khuếch tán vị ngọt ngào ra khắp vũ trụ, các phụ nữ im lặng canh thức, các thiên thần đứng gác mộ. Cận vệ đền thờ nghĩ rằng dấu niêm phong của lãnh đạo Do Thái có khả năng thách thức được quyền phép Đức Giêsu. Nhưng sáng sớm ngày thứ nhất đầu tuần mới, tảng đá cửa mồ vỡ nát ra. Mặt trời công chính đã phục sinh. Những lời thì thầm kín đáo truyền đi từ cửa miệng này đến lỗ tai người khác, trước hết từ thiên thần báo tin, rồi đến các phụ nữ đến các tông đồ. Phêrô và Gioan chạy bán sống bán chết băng qua con đường còn hoang vắng buổi sáng sớm, vừa sợ vừa run. Tin vui làm ấm áp cõi lòng đang buồn phiền vì mất mát quá to lớn, đã lau khô đôi mắt họ. Màu nhiệm sự sống qua cái chết mà Thày từng rao giảng thực sự được khai trương. Hai môn đồ đi làng Emmaus vào lúc chiều tà hôm ấy, chiếc thuyền câu sau cùøng còn chòng chành ở bến cảng. Các thiên thần cúi xuống nhìn lỗ huyệt trống, dây các phép thắt chéo ngang trứơc ngực, buồn thảm đang cuốn gói nhường chỗ cho niềm vui đến. Bẩy lời trăng chối không thể dập tắt hoan hỷ, Giáo Hội được hình thành. Chẳng bao lâu nữa tin mừng được công bố long trọng trong Giáo Hội ấy. Hai cánh tay giang rộng trên đà ngang giá gỗ sẽ biểu trưng cho cử chỉ Người sai các môn đệ đi rao giảng khắp tứ phương thiên hạ. Còn niềm vui nào bằng? Còn an ủi nào lớn hơn?
Surrexit Christus, Spes mea: niềm hy vọng của tôi là Đức Kitô phục sinh. Nấm mồ là hy vọng của thế giới và đặc biệt của Đức Giêsu trên ngọn Calvario. Vậy thì hãy suy tưởng đến Người, Đấng chẳng hề quên nhân tính nơi mình, mặc dầu loài người có lẽ quên. Người bằng lòng chịu đựng đau khổ và chẳng bao giờ không ước ao khổ đau. Người tình nguyện ẵm lấy cái chết, nhưng không sao lãng tương lai. Khi khổ đau chấm dứt là lúc kết thúc công trình cứu độ. Thánh vịnh 29 ca hát: “Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã vang tiếng hò reo” (29,6). Chiều tà băng qua màn đêm để gặp gỡ ngày mới.
Đối với nhân loại, mộ chí là ngục tù tăm tối, ở đó con người bị bỏ quên cho đến thiên thu. Tuy linh hồn bay đi chốn khác, nhưng thân xác thối rữa tại chỗ, và chẳng ai nhớ đến chúng ta nữa, coi như chưa hề tồn tại trên trái đất. Về phần Đức Kitô thì không phải vậy. Ngôi mộ chỉ là giai đoạn chuyển tiếp. Nó giống như lối đi ngầm dưới mặt đất, sẽ mở lên một vòm trời vinh quang. Người dùng nó như cánh cửa mở vào miền đất tử thần và từ đó biến nó thành ngõ mở vào cõi thiên thu, nhờ Đức Giêsu từ đây về sau nấm mồ giam giữ chúng ta một thời gian và Người sẽ thỏa mãn khát vọng sống muôn đời của mỗi người vì Người đã an nghỉ trong mồ chỉ là khoảng khắc.
Hai ngày nữa nấm mồ bằng đá nặng nề của Người sẽ vỡ tan như vỏ trứng. Hai ngày nữa chiếc hang lạnh lẽo, chật hẹp, tối tăm sẽ mở tung ra như cánh hoa hồng hay đôi môi thắm tươi của nụ cười thiếu nữ, đầy sức sống và bình an: Sự sống thần linh xuất hiện.
Pascal nhận xét rằng: “Đức Giêsu không thực hiện phép lạ nào trong mồ”. Điều đó đúng, nhưng phép lạ xẩy ra ngay sau mồ. Nó là phục sinh và đời sống diệu kỳ sau cái chết. Thần khí Người trối lại cho nhân loại là căn nguyên của phép lạ ấy. Nó sẽ hoạt động khắp vũ trụ:
Cờ vua cả tung bay phất phới/ Vexilla regis prodeunt,
Thánh giá Người chói lọi oai phong/ Fulget crucis mysterium.
Phải chăng đây là sự kiện:”Người gánh vác quyền bính trên vai?” (Is 9,5). Phải chăng: “Vương quyền” trên đôi vai nặng chĩu thánh giá? Thập tự đã cất cánh bay cao như chim phượng hoàng tung hoành từ đông sang tây, từ nam chí bắc? Nơi đâu nó chiếu sáng, nơi ấy linh hồn được nghỉ ngơi và Đức Kitô nhận lấy vương quốc của mình.
Nếu lịch sử là khoa học các biến cố có tương lai, thì Đức Kitô phải được quyền thống trị toàn bộ lịch sử. Ngay khi Người trỗi dậy từ cõi chết thì các điều kỳ diệu nối tiếp nhau xuất hiện trong lịch sử. Sau trình thuật thương khó thì đến Công vụ các tông đồ. Sau phục sinh thì đến nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng của các phụ nữ nhân chứng và các tông đồ, cùng với đức tin của những kẻ làm được điềm thiêng dấu lạ và của những kẻ thụ ơn. Bóng của Phêrô giãi trên các bệnh nhân có năng lực chữa lành. Các tầng trời mở ra trên đầu Stephanô khi ông chịu ném đá. Tiếng sét kinh hồn khiến Saulô trở lại trên đường đi Đamát. Cuộc chinh phục tín hữu khởi sự chậm chạp nhưng vĩ đại, dần dần lan rộng ra và được Thần Khí củng cố. Các cộng đồng tôn thờ Đức Kitô được thiết lập và hiệp thông khăng khít với nhau. Sự hiệp nhất lòng tin được làm giầu có bởi giáo lý tông truyền và củng cố nhờ ơn thánh. Quyền bính dân sự nổi giận phản ứng lại, bách hại và nhường bước. Thế giới qui phục đức tin Kitô giáo cho đến thế kỷ thứ tư thì chậm lại. Nhưng các nền văn minh đã được gọi là Kitô giáo.
Theo sau là nhiều cuộc thăng trầm do chia rẽ nội bộ. Bởi tự do của con người là bất khả kiềm chế. Ngươì ta từng chứng kiến tự do ấy có thể đảo ngược hiệu quả của công trình cứu độ, bất chấp ước nguyện hiệp nhất của Đức Kitô. Tuy nhiên nếu xét về mặt tích cực thì phải nói sự phát triển bao giờ cũng mạnh mẽ hơn thay vì than van về khía cạnh tiêu cực, điều do tội lỗi gây ra.
Và cũng không nên quên rằng dưới con mắt quan sát không thành kiến thì Kitô giáo và văn minh nhân loại là đồng nghĩa. Ở đâu có ánh sáng Đức Kitô soi rọi ở đấy man rợ đẩy lùi. Ở đâu Đức Kitô bị khinh chê ở đấy văn minh tàn lụi đi. Văn minh và ánh sáng tiến bước cùng với Đức Giêsu. Lịch sử chứng minh rõ ràng như thế. Nhưng lịch sử vẫn có hai mặt: Aân sủng và tội lỗi. Trong vườn cây Dầu Đức Giêsu đã trông thấy hai mặt đó. Lúc ấy Người chỉ kinh nghiệm mặt đen tối, còn trên thập tự, nhìn qua nắm mồ, Người thấy bộ mặt vui tươi của ân sủng.
* * *
Lòng độc ác dai dẳng của những kẻ bách hại Người, việc can thiệp bỉ ổi với Philatô để cắt đặt vệ binh canh gác nghiêm ngặt nấm mồ Người, sự hối lộ trắng trợn khi vệ binh báo tin biến cố sống lại và lừa đảo khôn khéo nhà cầm quyền cùng quần chúng là những điều sau cùng Đức Giêsu xem thấy trên thập tự. Chúng là những hình dạng khác của nấm mồ. Đức Giêsu trông thấy trước tất cả. Tuy chúng đều qua đi sau ngày Sabbat. Nhưng chúng ta ưa thích giới hạn ý nghĩ của Người vào những kẻ Người mến yêu. Người chẳng hề quên những khốn cùng, đau buồn, thất vọng, nghi nan, lưỡng lự của họ. Đặc biệt Người nhìn thấy trước niềm vui mừng lớn lao mà họ sắp được hưởng.
Các người thân yêu của Đức Giêsu nghĩ rằng họ mất Người mãi mãi, như Đức Maria và thánh Giuse mất trong đền thờ, rồi lại tìm thấy ngồi giữa các tiến sĩ luật trò chuyện. Người cũng đặt ra một kết thúc cho cuộc chuyện trò với tử thần. Và Người sẽ hội ngộ màu nhiệm với các người thân yêu.
Trên đồi Golgotha Người có rất ít bạn hữu và đa số là phụ nữ. Nơi ngôi mộ cũng chẳng được bao nhiêu nhân chứng và cũng lại là đàn bà. Trước khi rời nghĩa trang các phụ nữ đã có ý nhìn xem nơi người ta đặt xác Đức Kitô, Thày dấu yêu của họ, hầu hết ngày hưu lễ trở lại xức dầu thơm theo đúng nghi lễ. Họ im lặng canh thức và mua hương liệu chuẩn bị. Khi ngày Sabbat chấm dứt vào rạng sáng đầu tuần họ vội vã chạy ra mộ để thi hành cử chỉ thương yêu cuối cùng đối với Thày, thay cho loài người.
Họ hết sức sững sờ khi thấy cửa mộ mở toang, hai thiên sứ mặc áo trắng canh gác mồ, một phía đầu, một phía chân, nhưng không thấy xác Thày nằm đấy. Họ nghĩ lại mất Thày lần nữa. Họ hối hả chạy về báo tin cho nhóm Mười hai. Tuy tư tưởng phép lạ không mới mẻ gì đối với họ, nó luôn phảng phất trong tâm trí và hy vọng của nhóm Mười hai, nhưng lúc này vì bối rối nên không nhớ đến nữa. Mãi đến lúc Thày hiện ra nhiều lần họ mới dám tin là thật. Aùnh sáng huy hoàng của sự phục sinh chiếu rãi rực rỡ trong tâm trí mỗi người.
Đến đây ta phải nghĩ đến Maria Magđala nhiều nhất. Vì câu truyện này liên quan đến người em của cô: Oâng Lazarô và bữa tiệc ở nhà ông biệt phái Simon. Mới đây là trên ngọn đồi Calvario.
Cùng với các phụ nữ khác, Maria Magđala hiện diện ở đó. Những Maria khác trùng tên với cô đều được dấu kín trong trái tim cực thánh của Thày. Mặc dù ánh sáng thiên sứ, mặc dù lời loan báo của họ, thì sự việc khá rõ ràng đôí với trái tim đang lo âu. Nếu như sự việc xẩy ra với những người khác thì họ ít bồn chồn hơn, nhưng đối với cô thiếu nữ thôn dã đa cảm này thì chỉ rõ có một điều: “Người ta đã lấy mất xác của Đức Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Thày ở đâu?” (Ga 20,13).
Các nhà phân tâm giải thích như sau: hiện thời cô ta như một cái xác vô hồn, đang phải đối mặt với một tội ác thứ hai. Tội ác thứ nhất là giết Thày. Tội ác thứ hai là tước đoạt thân xác Thày mà cô coi như kho tàng tình yêu, trái tim cô hằng ấp ủ. Cô nhìn sự cố nhưng không thấy chi cả, có nghe nhưng không hiểu, hiện diện nhưng lòng trí không ở đấy. Trái tim cô đang bám sát vào Thày Chí Thánh, Thiên Chúa của cô. Đó là tâm trạng khi cất tiếng hỏi người làm vườn: “Xin ông cho biết ông đã để Người ở đâu?”
Giọng cô xem ra có chút bẳn gắt pha chua xót. Cô bật lên những lời nóng nẩy lòng không chút sợ hãi. Người ta chỉ sợ sệt khi yêu mến. Nhưng lúc này tình yêu của cô bị thu hút vào đối tượng mà người ta mang đi rồi, nên cô không cần chi nữa. Đối với Magđala trên mặt đất này chẳng còn chi ngoài người tình mà cô đã mất.
Vì thế Đức Giêsu mạc khải sự hiện diện của mình bằng cách gọi tên cô: Maria. Giọng nói quen thuộc làm cô nhận ra liền. Cô đã từng nghe giọng nói ấy nhiều lần. Nó ngọt ngào và êm dịu như bạn hữu thường gọi tên nhau. Cô không thể nhầm lẫn với ai được nữa. Đây là tâm lý thông thường, giữa đám đông người, chúng ta vẫn không thể nhầm giọng nói của bạn bè với giọng nói người lạ. Vậy khi nghe người làm vườn cất tiếng gọi tên Maria cô nhận ra đích thị là Thày dù hình dạng có khác. Nhiều lần Thày gọi cô bằng giọng ấy làm sao cô có thể nhầm lẫn. Người gọi không những bằng môi miệng, nhưng cả bằng trái tim. Đức Giêsu mạc khải chính mình theo cách ấy, trường hợp của Gioan bên bờ hồ Tiberia cũng vậy. Cho nên, Magđala chẳng thể làm gì khác ngoài tiếng đáp lại: Rabboni - Lạy Thày.
Lòng đầy háo hức và mừng rỡ cô muốn chạy ngay lại ôm chân người làm vườn. Nhưng Người giơ tay ngăn cản. Người dè dặt trong giây phút linh thiêng, bởi vì nó ở giữa sự sống và sự chết, trái đất và thiên đàng. Tình yêu đã hiện hình nguyên dạng, lời vĩnh hằng đã được trao đổi, nhưng thực tại còn vướng mắc. Đấng kêu gọi mọi sinh linh vào cõi đời đời, đã gọi tên cô là kẻ Người yêu thương. Nhưng cô chỉ dám đáp lại: Rabboni. Tại sao?
Đây là bài suy gẫm cho các tín hữu. Maria Magđala dạy chúng ta rằng: Nước mắt và tình yêu có sức mạnh vô song. Nước mắt của cô mang lại ơn tha thứ. Tình yêu lòng khiêm tốn. Nước mắt đem lại sự sống cho người em, tham dự thẳm sâu vào cuộc khổ nạn của Chúa, niềm vui khôn tả của vinh hiển nấm mồ. Tình yêu khiến cô thấu triệt ý nghĩa công việc của Thày. Cô trở nên người đầu tiên đón nhận sứ vụ loan báo tin vui, là tông đồ của các tông đồ. Đặc ân của tình yêu là như vậy. Chân lý này sẽ mãi mãi trong dòng chảy của lịch sử giáo hội. Tình yêu giữ vai trò độc tôn trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, quan trọng hơn quyền bính, năng lực và học vấn.
Tuỳ theo mức độ, những chi Maria Magđala kinh nghiệm, thì tất cả những ai đồng chí hướng với cô đều được chia sẻ, kể cả sứ vụ của cô. Như vậy, các phụ nữ trong nhóm cũng mật thiết liên hệ với vô. Nhưng qua các Tin Mừng người ta khó mà xác định những nội dung nào riêng cho Magđala, những điều chi chung cho cả nhóm đạo đức. Dĩ nhiên, các tông đồ có vai trò đặc biệt: “Phêrô con có yêu mến Thày không?” Như người ta dự đoán, các ông nổi bật trong các biến cố quyết định và quan trọng. Tuy nhiên tất cả đều có phần nhiệm vụ phải chu toàn. Bởi lẽ, các con tim đều trỗi dậy cùng với Thày. Tuy nhiên chúng ta vẫn chứng kiến các môn đệ đều cảm thâý ngỡ ngàng, là lạ, do dự vì sự bất toàn của đức tin còn giao động.
Liệu trong nhóm có ai hoàn thiện tuyệt đối? Có đấy và chỉ một. Đó là trinh nữ Maria, mẹ Đức Giêsu. Mẹ đã nếm trải niềm vui được lại người con yêu dấu, đến mức độ tràn đầy màu nhiệm, sau khi đã can đảm nêu gương nhẫn nhục vâng theo thánh ý Thiên Chúa Cha suốt thời kỳ thử thách. Mẹ đã trỗi dậy trong sự nghiệp đồng công, như Con Mẹ trong khổ nạn, như Maria Magđala trong đau buồn, như các tông đồ trong sợ hãi và hy vọng.
Nếu Tin Mừng im lặng về Đức Maria, thì không phải là lãng quên Mẹ nhưng là chẳng biết nói làm sao cho cân xứng. Một cảm xúc tinh tế sẽ khiến chúng ta choáng váng trước màu nhiệm qúa dịu dàng. Lời nói chẳng thể mô tả hết vẻ diệu kỳ của nó. Sự im lặng của các sách Tin Mừng về đức Maria không có nghĩa lãng quên Mẹ Chúa Giêsu, nhưng chỉ có dụng ý nhấn mạnh về sự vĩ đại của Người.
(1863-1948)