Thánh Phaolô khuyên nhủ tín hữu thành Roma: “Anh em hãy mặc lấy Đức Kitô” (13, 14). Tư tưởng này rất quan trọng cho đời sống thiêng liêng. Đó là ý nghĩa thánh nhân hiểu. Nhưng còn một ý nghĩa khác không kém quan trọng mà chúng tôi để ý tới và đề nghị cùng độc giả trong cuốn sách nhỏ này. Nó không phải là hoàn toàn bất khả thi cho những ai thành tâm yêu mến Chúa Cứu Chuộc: Hãy mặc lấy Đức Kitô cụ thể như khi Người chịu khổ hình trên thập tự.
Nghĩa là chúng ta dùng tưởng tượng mà mặc lấy Người, cũng chịu treo giữa trời và đất với Người, không bên cạnh, không ở dưới. Nhưng có cái đầu đội mạo gai gục xuống dưới hàng chữ bản án, chân tay bị đanh sắt đâm thâu qua, thân xác gắn chặt vào cây gỗ ngang dọc, máu xối ra từ khắp thân thể, nhất là từ các vết thương bả vai, các lỗ đinh. Từng cơn sốt rét, sốt nóng hành hạ, thời tiết khắc nghiệt, đúng như tình huống của Chúa khi xưa. Điều này cho chúng ta khả năng cảm nghiệm những gì Người đã chịu đựng trên thác xác, trong trái tim và suy gẫm trước quang cảnh chung quanh mà Người xem thấy từ trên cao. Nghĩa là chúng ta thay chỗ cho Chúa ngõ hầu không phải chúng ta sống mà Đức Kitô sống trong chúng ta (Gl 11, 20). Và rằng không phải chúng ta trông thấy nhân tình thế thái, mà chính Chúa Giêsu qua con mắt, miệng lưỡi, trái tim, lỗ tai của chúng ta. Sau đó chúng ta được khả năng tưởng nhớ, cảm nghĩ, phán đoán, dự phóng tương lai như Chúa. Thiết tưởng đây là công việc đáng làm. Ý tưởng này nẩy ra nơi tôi vào một buổi chiều khi tôi theo thói quen đứng suy ngắm trên một vị trí thuận tiện ở Giêrusalem.
Vị trí là trên sân thượng Hy-Lạp, trông sang tiền đường nhà thờ Mồ Thánh, vài bước cách xa cái vòm tròn lớn là một vòm mái nhỏ bằng đá, bên trên có cây Thánh giá. Bạn có thể đi tới đó dễ dàng và đứng quanh quẩn ở đấy. Bây giờ, nếu bạn quay mặt nhìn về phía thành thánh Giêrusalem, đang trải rộng trước mắt, thì bạn đối diện với toàn cảnh, có thay đổi chút ít theo thời gian, như cái nhìn của chính Thầy Chí Thánh. Theo sự tính toán kỹ lưỡng nhất của cha H. Vincent và cha F.M. Abel dòng Đa Minh, giáo sư kinh thánh trường Giêrusalem và nhà khảo cổ học uy tín, thì cây thánh giá bạn đang sờ tay vào đứng đúng chỗ của cái giá gỗ xưa đã mang thân thể Chúa Giêsu, chỉ sai trệch vài phân về chiều cao và vị trí (Jérusalem: Recherches de topographie, d'archéologie et d'histoire). Thật cảm động phải không nào? Vì thế, thánh Cyrilô thành Giêrusalem một lần đã giảng trong nhà thờ Mồ Thánh: “Những người khác chỉ được nghe về, còn chúng ta, chúng ta được diễm phúc xem thấy và đụng chạm vào”.
Ngày nay quang cảnh nơi Chúa chịu đóng đinh đã hoàn toàn đổi khác, rất khó nhận ra. Nguyên việc mô tả địa điểm quan sát của tôi đủ để chứng minh điều này. Nhưng người ta vẫn có thể thiết lập lại không mấy khó khăn. Chỉ còn một vài điều là chưa chắc chắn. Những điểm nghi ngờ là: Thật khó mà hòa hợp quan niệm sẵn có của chúng ta với sự kiện đáng tiếc là chúng ta không thể tìm ra dấu vết của Đàng Thánh Giá. May mắn thay quang cảnh tổng quát còn lại y nguyên. Đường nét chung chung chỉ dẫn cho chúng ta rằng các đồi núi chung quanh Golgotha, các thung lũng, các gò nổi phần nào đã được lấp đầy hoặc san bằng nhưng vẫn còn có thể phân biệt được. Người ta có khả năng mường tượng ra các con đường nhờ hình thể mặt đất và phương hướng cố định. Đây đó còn trông thấy các đống đổ nát của dấu vết đào bới khảo cổ. Sự so sánh giữa các bản văn và hiện trạng cụ thể cho phép chúng ta tái thiết toàn cảnh của biến cố xưa, nhờ vậy chúng ta có cảm giác choáng ngợp của thực tại đau xót nhất nhân loại.
Vậy không nên trì hoãn hơn nữa, nhưng mở rộng đôi mắt với Chúa Giêsu Kitô: Đôi mắt xác thịt và đôi mắt linh hồn. Khi “mặc lấy” Chúa như vậy rồi, chúng ta hãy kết hợp với tâm trí và trái tim Người, ngõ hầu thế giới thiêng thiêng mà linh hồn Người di chuyển cũng hiển hiện rõ ràng cho chúng ta ngày nay. Ước mong mỗi người được ơn hiệp nhất với Người thắm thiết hơn.
(1863-1948)