(Tên cổ là Moriah. Tương truyền ông Abraham đã sát tế Isaac ở đây. Bây giờ là thành phố Griêrusalem. Đức Giêsu chiụ đóng đinh trên cái gò nhỏ Golgotha, ngoài tường thành).
Mọi sự trước mắt Đức Giêsu trong cái nhìn đầu tiên trên giá gỗ bày tỏ công việc của Cha Người, đồng thời ký ức về thuở ban đầu Người đã trải qua. Nhưng tôi nghĩ tới một nơi đặc biệt đầy bí ẩn lôi kéo con mắt Người. Bởi nó là khởi điểm của muôn thế hệ: Núi Sion. Nó là một giải đất hẹp thẳng dốc, gọi là Ophel (đồi hay gò) nằm xa hơn hào luỹ tường thành và khoảng đất trống của đền thánh, ngày nay là giữa nhà thờ Hồi Giáo El- Akasa và Gehenna. Nó rộng khoảng gần chục hectars, trong đó phỏng 5 hectars chạy từ chân đồi cho tới Gihon, giếng trinh nữ hiện nay. Mảnh đất cuối cùng này, đúng hơn phần lớn của nó là một đồn luỹ bảo vệ gọi là Sion, cái tên của ba ngàn năm trước và được an bài để vươn tới tận cùng trái đất. Như vậy theo ý nghĩa nào đó nó có tầm quan trọng đời đời.
Vâng, thành của Đavít như người ta gọi sau chiến thắng của ông Gioab, hay muộn về sau thánh Gioan Kim Khẩu gọi là “Kinh thành của vua muôn thuở”. Chiều rộng nội vi là chừng ít hơn 200 mét. Nguồn nuớc duy nhất của nó là mạch Gihon. Nhưng mạch nước này nằm ngoài gianh giới đồn luỹ, cho nên để bảo đảm có nước dùng trong trường hợp bị vây hãm, thì người ta đã đào một đường dẫn ngầm, gọi là Sinnor hay kênh dẫn bí mật. Bằng đường dẫn này một người đàn ông do Đavít dụ dỗ, đã thành công xâm nhập và đóùng chiếm đồn luỹ, nơi tưởng chừng như chẳng bao giờ đột nhập được.
Đôi khi, những điều rất nhỏ lại mang những tên vĩ đại: Điạ danh Sion thuộc trường hợp này. Lúc đầu nó chỉ là một đồn lũy bé xíu, rồi lan ra cả quận huyện, nếu như bạn muốn gọi 5 hectars giẻo đất là quận huyện. Thực tế nó chỉ có một số dân cư ít ỏi sống trong những chiếc lều lụp xụp dựng theo triền núi dốc. Một số là chòi thấp lè tè trên nền đất xám, trông xa giống như những tổ kiến trơ trụi, không cánh đồng xanh tươi.
Độc giả chẳng cần ngạc nhiên hay thất vọng về cuộc sống của những thời buổi xa xưa. Ngay cả hiện tại, nhiều vùng miền trên hành tinh còn qúa hoang dã đối với trí óc tuởng tượng của nhiều người thuộc văn minh tây phuơng. Họ sống chủ yếu ngoài trời, gặp nhau mua bán ở cổng làng xóm, làm việc rải rác trên triền núi hay thung lũng hoang sơ, ngủ dưới trăng sao, tìm trú ẩn trong các hang động tự nhiên của vách đá, ngay cả mồ mả cũ bỏ hoang, hoạ hoằn lắm họ mới chịu vào lều gọi là nhà khi thời tiết quá khắc nghiệt. Lúc ấy họ vây kín mọi lối chui ra chui vào.
Những tiện nghi theo nghĩa tân thời chỉ dành riêng cho thẩm quyền xã hội và thần linh. Những ngươì này cư ngụ trong thành luỹ. Nó vừa là đền thờ vừa là cung điện. Như vậy thành trì không cần rộng lắm. Thời tiết thuận lợi và thiên nhiên ưu đãi như phần đất này, thì những tiện nghi ngoài trời tốt hơn cả. Nhà cửa chỉ còn là nơi ẩn náu hơn là trú ngụ. Cánh đồng thoáng rộng và như vậy lều trái được thu gọn vào mức tối thiểu, vì ít khi sử dụng. Hoang điạ bao la, cho nên chỗ chui ra chui vào chỉ cần bé nhỏ.
Bởi vậy, thưa Thày Chí Thánh, xin hãy ngắm nhìn giải đất đã bắt rễ cây Giêsê mà Ngài đã nẩy sinh từ đấy. Bây giờ xin nhìn nó ẩn mình khiêm tốn dưới những lâu đài của Hêrôđê. Lịch sử bắt đầu từ đây còn phải vươn tới bất tận. Trong dòng chẩy của nó bao gồm cả giá gỗ của Ngài mà nó sẽ cuốn đến tận cùng cõi trái đất, thậm chí đến chính Đấng Tối Cao. Chúng con làm dấu thánh giá nhân danh Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh. Thập giá xếp đặt lịch sử thế giới vào hướng đi của Thiên Chúa.
Đúng vậy, ngọn đồi nhỏ xíu lại có tính vĩ đại riêng của mình. Giống như cử chỉ của Đavít, cử chỉ trẻ con quăng ná mà giết chết thằng khổng lồ. Từ điểm nhỏ bé Sion, một tiếng động sẽ vang ra và nó sẽ lan đi toàn bộ không gian và thời gian.
Sự vĩ đại không chỉ được đo bằng dài rộng. Đền Pantheon của Agrippa, Cour des Lions, Sainte Chappelle đâu có lớn lao gì? Cuốn “Pensées” của Pascal chỉ chiếm một chỗ khiêm tốn trên giá sách. “Thị kiến Ezekiel” của Sanzio là một bức tranh diện tích 88 cm2 vậy mà nổi danh khắp hoàn cầu. Sion đã trở nên thành phố của vũ trụ và điểm hội tụ của trái tim tôn giáo qua mọi thời đại, từ giây phút con loài người được tiên báo ở đó, từ khi thánh giá và “cái gánh nặng dịu dàng” giãi bóng trên nó.
Hỡi giải đất nhỏ bé nhưng lớn hơn thế giới, ngươi đã tích chứa và ban tặng cho chúng ta vĩnh hằng.
* * *
Từ bất cứ địa điểm nào của ''thành vua Đavít'', có núi Moriah ngự trị và các sân thượng Salomon, người ta có thể xem ngôi nhà của Giavê, tương tự như từ tảng băng dãy Alps bạn có khả năng nhìn các ngọn núi cao vòi vọi đội trên đầu các đỉnh ngất ngưởng. Nói về Sion các người Do Thái đạo đức thường nhắc lại lời Thánh vịnh 45,6 ''Thiên Chúa ngự giữa thành, thành không lay chuyển''. Và giống như khi con của Giêsê chiếm giữ, người ta gọi nó là ''thành của Đavít''. Thế nên tác giả thánh vịnh hồ hởi tung hô: ''Núi thánh Người thật nguy nga hùng vĩ, là niềm vui cho toàn thể điạ cầu. Núi Sion bồng lai cực bắc, là kinh thành của đức Đại Vuơng'' (Tv 47,3).
Israel luôn ý thức mình là dân riêng của Thiên Chúa, được vinh dự thêm nhờ những lời hứa, nhưng luôn hiểu sai, tức giải nghĩa chúng theo cái nhìn vật chất. Chỉ những tâm hồn đạo đức, đôi lúc gồm cả những thân phận nghèo khó, có khả năng thoáng nhìn thấy ý nghĩa tinh thần.
Đây là chìa khóa của lịch sử Do thái. Nó nói lên rằng nghịch lý của một dân tộc nhỏ bé lại chiếu tỏa năng lực khắp điạ cầu. Ngay cả những kẻ không tin cũng cảm thấy khó mà tránh né mầu nhiệm của Israel. Nó là câu chuyện được hướng dẫn dần tới mục tiêu chưa biết, xuyên suốt qua dòng chảy thời gian. Nó không biết mình đi đâu, nhưng khi tiến hành nó cho chúng ta biết mình sẽ vươn tới đâu. Tuy nhiên nó chẳng hiểu hết ý điều mình tiên báo. Trong lịch sử này một biến cố khiêm hạ lại đảm nhận nghĩa luân lý cao cả, đến nỗi Israel trở thành một biểu tượng đời đời. Nơi đó thiên giới và hạ giới liên tục gặp nhau. Cái trẻ con và cái độc ác mà chúng ta gặp thấy ở mỗi ngõ quặt lại liên minh với cái cao cả và lạ lùng. Và ngay cả khi trong mọi khía cạnh nó xem ra chìm xuống vực thẳm kinh hoàng, thì lại là một lịch sử thánh thiêng.
Tất cả mọi nghịch cảnh người ta đều tìm thấy trong đấy những biến cố loại này. Bởi chưng chúng là thành phần của cuộc sống nhân loại, mà Thượng đế thường sử dụng như khí cụ, và bản chất của nó Người không hề thay đổi. Đối với Israel bản chất ấy là một dân tộc không biết sợ hãi, đồng thời yếu hèn, bạo lực, bất ổn, nhiễu nhương, đầy sóng gió. Một quốc gia của những kẻ phản loạn, cùng lúc của những người đầy lý tưởng cao siêu. Một quê hương của các thương gia và tư tế, của các anh hùng và kẻ cho thuê tiền ty tiện. Một dân tộc vương giả và nô lệ, của các nhà thám hiểm miền đất mới, đồng thời của những kẻ an phận thủ thường, của những người thực dụng nhưng chinh phục điạ đàng, hẹp hòi vậy mà muốn trải rộng thế giới, nhớp nhuá vậy mà lại che chở các thân phận yếu hèn tiên tri, có bản chất tiên tri nhưng giết hại các ngôn sứ, tôn thờ sấm ngôn, nhưng tiêu diệt những ai thốt ra chúng, vô tín nhân danh đức tin không thay đổi trong định mệnh của mình. Thường tỏ ra thân thiện với kẻ thù nhưng luôn trừ khử bạn hữu. Dân tộc Do thái là như thế đó.
Có lòng tin sắt đá nhưng táo bạo trong sứ mệnh cao cả, Israel thuờng luôn phản bội ơn gọi đó. Khẳng khái đến mức độ anh hùng nhưng chẳng dân tộc nào nô lệ hèn hạ hơn Do Thái. Về cốt lõi Israel là một dân tộc cực kỳ bảo thủ, nó không ưa phát triển, nhắc đi lập lại cùng một giáo điều, cùng một cử điệu, thâu gom những lời nói trái ngược lại với nhau, hơn là để thiếu một câu một chữ trong sách vở của mình, luôn luôn sử dụng cùng một nghi thức riêng tư hay công cộng, được hướng dẫn bằng tình cảm nghèo nàn. Nhưng lại không bị lôi kéo nguyên vào qúa khứ vàng son mà vươn tới tương lai tươi sáng. Hy vọng đó gây nên hứng khởi cho các hành động anh hùng và những bài ca tuyệt tác.
Israel nhiệt thành canh giữ tôn giáo độc thần, nhưng cũng thường rơi vào thờ phượng ngẫu tượng, chơi đùa với những nghi lễ của các dân tộc xung quanh mà các ngôn sứ hết lời kết án, vì ý thức rằng sự cứu vớt luân lý, xã hội chỉ lệ thuộc vào Thiên Chúa mà thôi.. từ thời Salomon, vì dung túng cho ông vua sắc dục này mà Israel đã cho phép xây dựng các trung tâm thờ cúng ngoại giáo gần nơi chôn cất của mình. Núi ''Gương Mù'' còn tồn tại cho đến ngày nay là một bằng chứng. Ở đó (bất chấp những lời phản đối của các tiên tri), là những ngôi vườn thánh thiêng với những bia đá ghi lời cầu nguyện ngoại đạo, những cây cổ thụ mê tín với những hang động trong hốc đá mang hình ảnh ngẫu tượng.
Vậy mà bất chấp dấu vết phiếm thần, đa thần và phù phép bùa ngải tứ phiá, Israel vẫn bảo toàn được đức tin vào một Thiên Chúa chân thật. Nó chuyển giao đức tin tinh tuyền cho hậu thế mai sau. Tính bấp bênh của nó chỉ phục vụ thêm điểm nhấn cho sứ mệnh mà nó phải chu toàn, chỉ gây ra những tuyên bố rõ ràng hơn, dứt khóat hơn từ các phát ngôn viên. Nó ban hành lề luật, hứa hẹn và hy vọng. Ý thức về giao ước, rồi phá vỡ về giáo ước, canh tân giao ước và cuối cùng bất trung, nhưng Israel lại là trung gian của hoà ước muôn thuở, mà sau khi đã hòa tan nó vào phần còn lại của nhân loại, nó được an bài để bao trùm toàn thể thế giới.
* * *
Điều lạ lùng là toàn bộ lịch sử của cây thánh giá và các hậu quả của nó được ghi đầy đủ trong qui điển kinh thánh của Do Thái. Sion không chỉ là điạ chỉ sửa soạn mà còn là lời tiên báo. Israel nhìn thấy trước và loan báo trước. Tôn giáo của nó là thần đồng, Thần Khí của nó không hề bị thời gian trói buộc. Giavê của nó nói tỏ vào tai nó.
Dưới ngòi bút của các ngôn sứ, các tác giả Thánh vịnh, sử ký gia, các nhà thông thái, luật gia, lịch sử của ngày hôm nay, của tương lai muôn thuở, đã được tham dự trước và liệt kê rõ ràng từng câu, từng chữ, không cần mạch lạc, hoặc bố cục, đến nỗi khi sự việc xẩy ra, gợi nhớ lại các ký ức và sắp xếp chúng với nhau, thì nội dung được mô tả đầy đủ và rõ nét đến choáng ngợp để giải oan cho những tiếng nói xa xưa.
Việc đức Thiên sai xuất hiện, tính chất của Người, công việc, cuộc sống, cái chết, phục sinh, lên trời, vinh quang, vương quyền muôn thuở trên các người lành thánh, đều được mô tả rõ ràng từng chi tiết trong các câu các chữ vội vàng. Dưới đây xin trích dẫn vài đoạn để minh họa:
“Vương trượng sẽ không rời khỏi Giuđa, gậy chỉ huy sẽ không lìa đầu gối nó, cho tới khi người làm chủ vương trượng đến, người mà muôn dân phải vâng phục” (St 49,10).
“Phần ngươi, hỡi Belem, Epratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các chi tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel. Nguồn gốc của người có từ thời trước, từ thuở xa xưa” (Mk 5,17).
“Này đây, người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuen (Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta)'' (Isaia 7,14).
“Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu người là Cố vấn kỳ diệu, Thần linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hòa bình”. (Is 9,5).
“Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta, và bỗng nhiên Chúa thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào thánh điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến, Đức Chúa các đaọ binh phán” (Ml 3,1).
“Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng” (Is 9, 1).
“Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhẩy như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (Is 35, 5-6).
“Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là ngươì Ta tuyển chọn và quí mến hết lòng. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước mặt muôn dân. Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị dập nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi” (Is 43, 1-3).
“Nào thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỷ, hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng hò reo! Vì kìa đức vua của ngươi đang đến với ngươi. Người là Đấng chính trực, Đấng toàn thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ'' (Der 9, 9).
“Cả bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con” (Tv 40, 10).
“Họ tính công cho tôi là ba mươi đồng bạc. Đức Chúa liền phán bảo tôi: Ném số tiền đó vào kho bạc đi! Chúng đánh giá Ta chỉ có bấy nhiêu thôi! Vậy tôi đã đem ba mươi đồng bạc mà quăng vào kho bạc nhà Đức Chúa” (Dcr 11, 12-13).
“Bọn chứng nhân giả dối đứng lên, hạch hỏi tôi những điều tôi chẳng biết. Chúng lấy oán đền ơn” (Tv 34, 11-12).
“Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt, khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50,6).
“Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng. Con khát nước lại cho uống dấm chua” (Tv 68,22).
“Thấy con ai cũng chê cười, lắc đầu bỉu mỏ buông lời mỉa mai: Nó cậy Chúa mặc Người cứu nó. Người có thương giải gỡ đi nào... tưởng mình như tan dần ra nước, toàn thân con xương cốt rã rời... quanh con bầy chó đã bao chặt rồi. Bọn ác đó trong ngoài vây bủa, chúng đâm con thủng cả chân tay. Xương con đếm được vắn dài. Chúng đưa cặp mắt cứ hoài ngó xem, áo mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn” (Tv 21, 8-19).
“Sự thật, chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng Người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề, chính Người đã bị đâm, vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm, người đã chịu xử tử để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53, 4-5).
“Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ, Chúa dạy con biết đường về cõi sống” (Tv 15, 10-11).
“Vì thế, Ta sẽ ban cho nó muôn người làm gia sản, và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt, nó sẽ được chia chiến lợi phẩm bởi vì nó đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân” (Is 53,12).
“Đứng lên, bừng sáng lên, hỡi Giêrusalem, vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi, kìa bóng tối bao chùm mặt đất, và mây mù che lấp chư dân, còn trên ngươi Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh sáng bình minh của ngươi mà tiến bước. Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập họp kéo đến với ngươi” (Isaia 60, 1-4).
“Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa: Có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng lão thành và được dẫn tới trình diện. Đấng lão thành trao cho người quyền thống trị, vinh quang và vương vị, muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một, vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong” (Đn 60, 1-4).
Khi chịu treo trên giá gỗ chắc chắn Đức Giêsu đã nghĩ về những điều này. Người kiệt sức kêu lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Người bỏ rơi con?” là câu thứ nhất của Thánh vịnh dài 21 mang tính tiên tri mà chúng ta vừa trích một số đoạn ở trên. Đức Giêsu đã sống bằng những sấùm ngôn cổ xưa này. Người công bố chúng, bình giải về chúng trong các hội đường, giải nghĩa chúng cho các môn đệ và với hai người đi làng Emmaus Người đan dệt chúng thành một diễn từ. Và giống như Người liên kết mình với những lời tiên báo mà sứ vụ của Người là sự ứng nghiệm thì Người cũng nhìn trước vào các màu nhiệm của tương lai. Vì tương lai đối với thần tính Người đều là hiện tại. Nơi Người tương lai và qúa khứ chỉ là một khi Người tiến bước trên các nẻo đường của mình, đường ghi dấu ấn vĩnh cửu. Tất cả những gì Người phải thực hiện, hoặc chịu đựng thì đã được ghi chép sẵn trong sổ sách của Thiên Chúa, và loài người cũng đã ghi chúng trên giấy tờ. Những hậu qủa phải xảy ra cũng không phải là không nhìn thấy trước. Bằng Thần tính Người đã xem thấy tất cả, rồi đến lượt mình Người công bố những điều sẽ xảy đến.
Họa sĩ Giacobê Tissot trình bày sự thật này khi ông vẽ Đức Giêsu Kitô chịu treo trên thập giá như một người đang trong cơn ngất trí. Chung quanh Người là một vòng tròn các tiên tri, cầm cuộn giấy Papirus, trong đó có hai nhân vật nổi tiếng của núi Tabor, Môsê và Elia đang đàm đạo với Người về biến cố chẳng bao lâu nữa sẽ được hoàn tất. Những nhân chứng này hình như muốn nói: Coi đây, sự kiện am hợp với lời nói, thời gian trung tín với thời gian. Đấng quan phòng tuyên sấm và được ứng nghiệm, Thiên Chúa đến gặp Thượng đế.
Và lúc này Đức Giêsu dịu dàng nhìn Sion, sự nối kết màu nhiệm giữa hai thế giới. Sion bây giờ qúa khiêm tốn và có lẽ đã cảm nhận mình lạc lõng.
Người nhìn thấy ở đó khởi đầu của mình, vì Sion dầu sao cũng là chiếc nôi của dòng giống Do thái, cho nên Người trông thấy bóng dáng mình như vị vua tinh thần muôn thuở trong con người chinh phục và thống trị giải đất biểu tượng bé nhỏ, trong cậu thanh niên tiêu diệt tên khổng lồ Goliat, trong người cha đau khổ và đầy xót thương của Absalom, trong kẻ cổ xuý nhiệt thành phụng vụ thánh thiêng và phát ngôn viên cao siêu của các linh hồn đạo đức thuộc muôn thế hệ.
Ở hai đầu của dãy gia phả này mà hoa quả là cây thập giá, xuất hiện Đavít và Đức Giêsu, một bên là biểu tượng, bên kia là thực tại, một bên tiên báo của lễ, bên kia của lễ hoàn tất. Điều mà tác giả sách Thánh vịnh (vua Đavít) vui mừng loan báo trong hân hoan thì Đức Giêsu hoàn thành trong đau đớn.
(1863-1948)