Mặc dù đây là phần cuối trong bài nghiên cứu này của chúng tôi, nhưng nó rất quan trọng vì, trong thâm tâm, chúng tôi bao giờ cũng muốn tìm hiểu cuộc sống hàng ngày của G.S. Pina ở thành phố Dinh Chiêm. Nhớ lại trong lá thư ngài viết và muốn gửi đến G.S. Bề Trên João Rodrigues Giram (1558-1633), nhưng chưa có dịp thuận tiện để gửi đi hay ngài đã đổi ý, G.S. Pina cho biết rằng từ Nước Mặn, Dinh Qui Nhơn, ngài đã dọn lên thành phố Dinh Chiêm để giảng đạo và đồng thời học hỏi, sưu tầm thêm tiếng Việt từ những người trí thức. Lúc này, trong thâm tâm, ngài đang nghĩ đến chuyện viết một quyển ngữ pháp cho tiếng Việt. Chúng tôi cũng biết ngài thường xuyên trở lại Hội An để giảng đạo và, thỉnh thoảng ngài ra đảo Cù Lao Chàm để lấy vật liệu cung cấp cho nhà thờ mà ngài mới khánh thành tại Dinh Chiêm178. Vào năm 1622, đóng vai trò của một nhà thông dịch cho phái đoàn Macao, ngài tháp tùng G.S. Bề Trên Manuel Fernandes và phái đoàn ra Huế ra mắt Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635). Hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nhà thờ Phước Kiều (Đền Thánh Andre Phú Yên) chính do tay G.S. thành lập vào năm 1623. Đầu năm 1625, ngài cùng G.S. Alexandre de Rhodes ra Huế rửa tội cho Bà Minh Đức Vương Thái Phi179. Nói chung, Cuộc sống G.S. Pina vào thời đó rất bận rộn và vất vả. Vì ngày nay chúng tôi đã tìm ra vị trí của nội thành Dinh Chiêm, từ nhà thờ Phước Kiều, chúng tôi có thể liên tưởng thấy G.S. Pina bôn ba trên con đường đất phía nam thành đi về hướng Hội An. Nhìn vào những bản đồ xưa, trong thập niên 1620, muốn ra Hội An từ nhà thờ Phước Kiều, chúng tôi nghĩ ngài có hai cách:
Trong Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư có vẽ lờ mờ hai con đường đất chạy song song từ phía nam Điện Bàn thẳng về góc đông bắc hướng Hội An. Chúng tôi nghĩ nếu sống vào năm 1668, G.S. Pina có thể dùng một trong hai con đường này chạy thẳng đến đó, nhưng ngài phải qua đầm Thanh Hà rồi mới đến Hội An. Tương tự như thế, chúng tôi cũng thấy trong Giáp Ngọ Bình Nam Đồ cũng có hai con đường đất, nhưng chúng không chạy song song với nhau; hầu như cả hai chạy thẳng góc với nhau. Một con có vẻ là tuyến đường Thiên Lý chạy từ bắc xuống nam, còn con kia chạy từ phía nam Điện Bàn lên hướng đông bắc về Hội An, nhưng phải qua đầm Thanh Hà trước.
Bản đồ Pháp Thuộc (1907-1916) chỉ đường dẫn rõ ràng nhất (Hình 7) với ba tuyến đường đất. Tại mặt bắc thành Dinh Chiêm, chúng ta có thể thấy một tuyến đường chạy dọc theo bờ tường thành phía bắc đâm thẳng lên hướng đông bắc đến một ngã ba bắt sang con đường đông-tây bắt đầu từ thành Điện Bàn, rồi nối tiếp đến đầm Thanh Hà để tiếp tục ra Hội An. Tuyến đường thứ hai ôm bờ thành mặt nam, chạy song song với con hào sâu nằm sát bên mống tường nam đi về hướng đông bắc nhắm hướng xã Phú Chiêm. Còn tuyến tuyến đường thứ ba, đặt song song với tuyến đường thứ hai về phía nam, chạy dọc theo bờ sông Cầu Mống hướng về xã Cần Húc (sau đổi thành xã Văn Đông) và cuối cùng đến Hội An. Chúng tôi cho rằng hai tuyến đường thứ hai và ba là hiện thân của đường Nguyễn Du hiện nay. Cả ba tuyến đường được vẽ đậm trong Hình 37 – Hai Con Đường Đất Dẫn Đến Hội An (1907-1916). Vào đầu thế kỷ 20, chúng tôi nghĩ cả hai con đường đất dẫn đến Phú Chiêm và Cần Húc dần dần được thay thế chỉ bằng một con đường Nguyễn Du trong thời Pháp thuộc sau 1917. Ngày xưa, chúng tôi nghĩ, cả hai tuyến đường hai và ba đều có thể dẫn thẳng đến Hội An cả.
Trở lại với G.S. Pina, nếu ngài đi bộ từ nhà thờ Phước Kiều ra đường Thiên Lý, ngài có thể dùng tuyến đường thứ ba chạy song song với mặt nam thành đi về hướng đông đến Cần Húc (tức Văn Đông). Đi thêm một quảng nữa tại bến đò Thanh Hà, ngài chờ chuyến ghe qua đầm hướng về Cẩm Phô và cuối cùng đến Cầu Chùa. Con đường này có vẻ ngắn nhất và được ghi vào Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí (1806). Nếu không đi bộ, ngài có thể mướn võng. Hai người vác võng sẽ khiêng ngài đến Cầu Chùa.
Để thỏa mãn sự tò mò của chúng tôi, chúng tôi sẽ dùng những dữ kiện trong Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí để tìm hiểu chiều dài của những khúc đường ngắn mà G.S. Pina phải đi qua – nay là đường Nguyễn Du nối liền với đường Phạm Phán, sau đó đường Duy Tân trước khi đến Cầu Chùa. Sau đó, dùng Google map cộng với và các dữ kiện trong Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí, chúng tôi sẽ khám phá ra con đường mòn và chiều dài của nó mà G.S. Pina đã thường rảo bước đến Hội An từ nhà thờ Phước Kiều vào đầu thế kỷ 17. Tiếp đến, chúng tôi sẽ so sánh kết quả trên với khoảng cách chỉ dùng bằng Google map để tìm hiểu xem những dữ kiện trong Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí chính xác như thế nào.
Cách Đo Lường 1 – Đường Bộ Đi từ Nhà Thờ Phước Kiều đến Chùa Cầu Đo Lường Bằng Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí (1806)180
Từ | Đến | Khoảng Cách | Ghi Chú |
Nhà thờ Phước Kiều | Ngã ba Đ. Thiên Lý và Đ. Nguyễn Du | 500 m | Đo từ Google Map |
Ngã ba Đ. Thiên Lý và Đ. Nguyễn Du | Trạm nghỉ Thanh Chiêm | 680 m | Dùng đầm Thanh Hà làm cột mốc, chúng tôi tìm ra khoảng cách giữa Trạm Nghỉ Thanh Chiêm (3.748 m) với đầm Thanh Hà và vẽ lên Google Map để lấy tọa độ của trạm nghỉ này (15.870509,108.266211). Sau đó, chúng tôi dùng Google Map để đo khoảng cách từ tuyến đường Thiên Lý đến Trạm Nghỉ Thanh Chiêm (680 m). Hãy xem Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí (1806), trang 221-222. |
Trạm nghỉ Thanh Chiêm | Đi qua phố phường Thanh Chiêm | 846 m | Ibid; 423 tầm; 1 tầm = 2 m181 |
Phố phường Thanh Chiêm | Xã Văn Đông bên bờ sông Cầu Mống | 632 m | Ibid; 316 tầm; dọc theo bờ sông; cái tên Văn Đông còn gọi là “Cần Húc” từ thời G.S. Pina, 1620 |
Xã Văn Đông | Bến đò Thanh Hà | 2,270 m | Ibid; 1.135 tầm không kể chiều rộng của đầm Thanh Hà 69 tầm |
Thanh Hà | Cẩm Phô | 1,484 m | Ibid, trang 222; 742 tầm; đi qua Lò gốm, lò nấu vôi và miếu Bát Vị |
Cẩm Phô | Cầu Chùa | 1,300 m | Ibid, trang 222; 650 tầm; còn gọi Cầu Lai Viễn |
Tổng Cộng | 7,90 Km | Cộng thêm 138 m, chiều rộng của đầm Thanh Hà |
Cách Đo Lường 2 – Đường Bộ Đo Lường Bằng Google Map
Kết Quả:
So sánh kết quả từ Bảng 5 và Hình 39 cho thấy những dữ kiện đo lường khoảng cách trên con đường cái trong Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí (1806) và Google Map rất tương xứng với nhau (Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí – 7,90 Km so với Google Map – 8,34 Km). Điều này cho thấy khi G.S. Pina quyết định đi bộ đến Cầu Chùa từ nhà thờ Phước Kiều, ngài phải cất bước theo con đường đất chạy ven theo bờ sông Thu Bồn và phải đón ghe bầu182 từ bến đò qua đầm Thanh Hà. Con đường đất này dài khoảng 8 km (khoảng 5 miles). Nếu đi bộ, ngài sẽ tốn khoảng hơn 1 tiếng mới đến nơi.
Hãy xem Hình 39 – Đường Bộ (Vẽ Màu Đen) và Đường Thủy (Vẽ Màu Cam) từ Nhà Thờ Phước Kiều đến Cầu Chùa, Hội An Đo Bằng Google Map.
Nếu đi bằng đường thủy, G.S. Pina phải ra bến đò nằm ngay bờ sông Chợ Củi, cách nhà thờ Phước Kiều khoảng 200 m băng qua tuyến đường Thiên Lý; bến đò này nằm ở phía tây nam của thành Dinh Chiêm. Thuận chiều gió, chiếc ghe bầu chở hành khách theo chiều gió ven theo bờ sông Chợ Củi xuống phía nam Điện Bàn; ở phía đông nam Điện Bàn, nó bắt vào sông Cầu Mống dọc theo bờ Đông An lên hướng bắc, đông bắc. Khi chiếc ghe bầu ra khỏi Cần Húc, sông Thu Bồn mở rất rộng (hãy xem Tranh Chaya – Hình 19). Chiếc ghe tiếp tục hành trình qua khỏi sông Thanh Hà. Cuối cùng, nó rẽ vào cái rạch sát bờ gò nổi An Hội để đến Cầu Chùa.183 So với đường bộ, đường thủy tuy dài hơn một chút (khoảng 9 Km)184 nhưng có lẽ phổ thông cho thường dân hơn.
Kết Luận
So sánh với đường thủy, ở đầu thế kỷ 17, đường bộ đi từ nhà thờ Phước Kiều đến Hội An ngắn hơn khoảng 1 km. Nhưng hồi tưởng lại các sách vở viết vào thời ấy, có lẽ mọi người, kể cả G.S. Pina thường dùng đường thủy ra Hội An từ thành Dinh Chiêm. Có lẽ phương tiện di chuyển trên sông tiện lợi và phổ thông hơn là đường bộ. Nếu đi bằng đường bộ, người khách có thể đi bộ một mình hoặc mướn một cuốc võng có hai thợ khiêng, nhưng khi đi đến Thanh Hà, người khách này cũng phải tốn ít thì giờ chờ đò để được qua sông, mặc đầm này rất hẹp (69 tầm – khoảng 138 m).
Sáu tấm bản đồ cổ của các thợ vẽ Âu Châu vào các thế kỷ trước cho thấy thành phố Dinh Quảng Nam thường được gọi là thành phố Quảng Nam (Quinam), Dinh Chiêm hay Kẻ Chàm, nằm cùng một bên bờ tả ngạn sông Thu Bồn (bờ bắc) như các nhà nghiên cứu đã đồng ý trước đây trong buổi hội thảo vào năm 2016 ở Đà Nẳng. Tuy nhiên, tọa độ của Dinh Chiêm trích ra từ các bản đồ cổ này không được chính xác cho lắm. Vào năm 1688, William Dampier ghé thăm thành phố Quảng Nam (Quinam) và cho biết thành phố này nằm hai bên bờ sông (Câu Lâu).
Sông ngòi miền nam Điện Bàn thường thay đổi rất bất chợt tùy theo thời tiết thay đổi hàng năm, nhưng những sự thay đổi này tuân theo luật chu kỳ hẳn hòi. Suốt 400 năm qua, sự thay đổi sông ngòi trong miền này được biểu hiện bởi bốn dòng sông Chợ Củi, Dưỡng Chân, Cầu Mống và Câu Lâu; có lúc chúng bồi bổ phù sa cho các gò cồn nằm trong đầm Hội An, nhưng lại có lúc gây sạt lở hai bên bờ sông khiến lụt lội khắp nơi. Quan trọng hơn nữa là có những chu kỳ mà một số trong một trong những con sông này (qua nhiều năm) thay phiên nhau biến thành bãi bồi rộng lớn khiến địa lý các xã, huyện bên cạnh nó cũng biến dạng, thí dụ như vào đầu thế kỷ 17, khoảng 1859-1917 và đời vua Gia Long cho thấy địa thế huyện Duy Xuyên được bành trướng vì nó kết hợp các xã cũ lẫn mới, như xã Câu Lâu trước kia thuộc huyện Diên Khánh nay thu nhập vào huyện Duy Xuyên, bãi bồi rộng lớn do lòng sông Câu Lâu khô cạn tạo ra và cả xã Cần Húc (về sau gọi là Văn Đông); tất cả đều xảy ra trong Chu Kỳ 2. Vì thế, vào thời điểm lịch sử như 1602, có thể vì thế mà xã Cần Húc được thu thu nhập vào huyện Duy Xuyên – Lúc ấy, phía bắc huyện Duy Xuyên trông giống như một thoi nhọn. Nhưng dưới đời vua Minh Mạng, vào năm 1822, huyện Duy Xuyên lại mất đất cho huyện Diên Phước (trước kia là Diên Khánh) vì con sông Câu Lâu nay trở về dạng nguyên thủy của nó, trong khi sông Cầu Mống trở nên khô cạn như hiện nay trong Chu Kỳ 3 vậy. Trong trường hợp này,Văn Đông và xã Câu Lâu bây giờ hầu như trở thành một và không còn chia cắt bởi sông Cầu Mống nữa. Và vì thế, dưới thời vua Minh Mạng, một số thôn xã trước kia thuộc về huyện Duy Xuyên, như Văn Đông, Mỹ Xuyên, Câu Lâu, Hoa Phố (nay Hội An), Đông An, v.v… nay được sát nhập vào huyện Diên Phước trở lại. Vì thế, nói chung một cách tổng quát, các xã nằm giữa biên giới hai huyện Duy Xuyên và Diên Phước thường thay đổi huyện lệ tùy theo sự chuyển hướng và sạt lở từ bốn con sông chính ở miền nam Điện Bàn. Trong suốt 400 năm qua, các xã này có lúc nằm sát bên huyện Duy Xuyên, nhưng có lúc nằm gần huyện Diên Khánh. Thông qua khảo cứu rất kỹ lưỡng và tỉ mỉ, chúng tôi mới đưa ra kết luận này.
Từ các bản đồ cổ thời Pháp thuộc 1907-1916 và tài liệu của ông Chapman (1752-1809), chúng tôi đã xác nhận ra nội và ngoại thành Dinh Chiêm. Nội thành Dinh Chiêm có lẽ là cơ sở hành chánh và thâu thuế do Chúa Nguyễn Hoàng (1525-1613) gầy dựng trước bắt đầu vào năm 1602. Nó trông giống như một lưỡi liềm mà một cạnh thành tây nam chạy dọc theo tuyến đường Thiên Lý. Toàn bộ thành trì hầu như nằm ven theo đường Nguyễn Du bắt đầu từ ngã ba tuyến đường Thiên Lý và Nguyễn Du đi lên phía đông bắc chấp dứt cạnh trường THCS Nguyễn Du. Dựa vào chu vi 1.42 km trích ra từ Đại Nam Nhất Thống Chí, 2006, chúng tôi uớc đoán nội thành Dinh Chiêm có kích thước 40 m x 140 m x 220 m x 340 m x 40 m x 420m x 220 m và diện tích khoảng 22 ha.
Còn ngoại thành, theo lối chúng tôi vẽ lại trên Google Map, tương đương với thành Điện Bàn mà vua Minh Mạng khánh thành vào năm 1833. Nó có chu vi khoảng 2.4 km và ước lượng diện tích 348 ha theo hình chữ nhật với chiều rộng khoảng 500 m và chiều dài khoảng 750 m. Chu vi thành bao gọn nội thành Dinh Chiêm và các vùng phụ cận kể cả một phần xã Thanh Chiêm trước đời vua Gia Long (nếu muốn thêm chi tiết, hãy xem Hình 31). Chúng tôi nghĩ địa hình ngoại thành mà chúng tôi vẽ dựa theo lời kể lại từ Charles Chapman tương đối chính xác vì vị trí trạm nghỉ Thanh Chiêm cung cấp bởi Lê Quang Định vẫn nằm bên ngoài tường thành, nhưng sát bên cạnh mặt thành đông bắc. Bên trong ngoại thành, dựa theo lời ông Chapman kể lại, các kho vũ khí, lương thực, chuồng ngựa, chuồng voi, hay doanh trại đều được bố trí theo hình vuông hay chữ nhật mà các cạnh thẳng góc với nhau. Thành trì được đắp bằng đất cao khoảng 3-3.3 m.
Chung quanh là hào nước rộng khoảng 2 m. Hiện nay không ai rõ chuyện gì xảy ra cho nó sau chuyến viếng thăm của ông Chapman mà bây giờ bóng dáng của nó cũng không còn nữa. Có lẽ sau cuộc chiến giữa vua Gia Long và Tây Sơn, nó đã tàn lụi theo với các chiến sĩ Tây Sơn.
Còn Trạm Thương Khách, chúng tôi nghĩ, nằm bên bờ sông Chợ Củi, cách góc thành tây bắc thành Dinh Chiêm chỉ khoảng 100 m, ngay bên bờ sông Chợ Củi. Vị trí này hiện nay là vùng đất nằm sát, phía nam, Khu Thể Thao Đông Phương 1. Tòa nhà ngang này rất lớn mà chúng tôi phỏng đoán, có chiều dài, rộng khoảng 40-50 m x 20-25 m. Kiến trúc của mái và sàn nhà cho biết các thương gia Nhật Bản đã viện trợ tài chính và kỹ thuật trong việc xây dựng căn nhà to lớn này.
Với sự trợ giúp của Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí (1806) và Google Map, chúng tôi đã tìm thấy vị trí thật sự của vài địa danh như Văn Đông, Thanh Chiêm và dịch quán Thanh Chiêm nằm trên đường Nguyễn Du trong thời vua Gia Long và vua Minh Mạng. Bảng sau đây tóm tắt những kết quả này:
Tên | Vĩ Độ | Kinh Độ | Ghi Chú |
xã Văn Đông | 15,87737 | 108,27691 | Nằm trên đường Nguyễn Du giữa Tạp Hóa Ngọc Lâm và T-Tattoo – Xăm Nghệ Thuật Quảng Nam |
xã Thanh Chiêm | 15,87535 | 108,27175 | Nằm trên đường Nguyễn Du bên cạnh Quán Lẫu Bò 152 |
Trạm Nghỉ Thanh Chiêm | 15,870509 | 108,266211 | Nằm trên đường Nguyễn Du; cách xa Đình Làng Thanh Chiêm và Tượng Phật Bà Bằng Đá Trắng khoảng 200 m |
Dựa theo Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí, xã Văn Đông và xã Thanh Chiêm cách nhau không xa, chỉ có hơn nửa cây số trên đường Nguyễn Du ngày nay (632 m). Từ Trạm Nghỉ Thanh Chiêm đến xã Thanh Chiêm, khoảng cách là 846 m. Điều này cho thấy xã Thanh Chiêm dài hơn một cây số nằm dọc theo đường Nguyễn Du (1.162 m).185 Sau khi lỗi thời và bị sa thải vào năm 1806, xã Cần Húc được đổi tên là xã Văn Đông. Lỵ sở của Dinh Quảng Nam cũng được chuyển về xã Thanh Chiêm. Trên gò nổi xã Câu Lâu (nay là phường Điện Phương Đông) như được vẽ trong tranh Chaya vào đầu thế kỷ 17, có một cái chợ hình chữ U rất lớn và nhộn nhịp.
Vào khoảng thời gian từ 1620-1625, khi G.S. Pina đang định cư tại Dinh Chiêm, giả sử như nhà thờ Phước Kiều là nơi ngài trú ngụ thì khi ngài muốn dùng đường bộ về Hội An, ngài có thể đi bộ hay mướn võng và sẽ đi khoảng 8 cây số. Còn nếu ngài đón ghe bầu đi dọc theo bờ sông Thu Bồn, con đường thủy có lẽ sẽ phổ thông hơn và vì thế, giá cả rẽ hơn, nhưng đường đi sẽ dài hơn khoảng một cây số. Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi đã xác nhận khoảng cách giữa nội thành Dinh Chiêm và Hội An là 9 km đi bằng đường thủy mà các giáo sĩ hay nhà thám hiểm thường nhắc đến trong sách vở của họ.
Chúng tôi phỏng đoán rằng vào đầu thế kỷ 17, Dinh Quảng Nam bao gồm cả nội thành, ngoại thành, đường phố mà sau nay lấy tên là xã Thanh Chiêm và xã Cần Húc (và có thể bao gồm cả xã Câu Lâu – nay là phường Điện Phương Đông). Đối với các thương nhân ngoại quốc và nhân gian, cái tên tục Dinh Chiêm cho thành phố Quảng Nam rất thịnh hành vào thời ấy. Trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn (1776), trước đời vua Gia Long, vẫn nhắc nhở rằng lỵ sở của nó vẫn nằm ở xã Cần Húc, mặc dù vị trí của Cần Húc và nội thành Dinh Chiêm cách xa nhau hơn hai cây số. Vì thế, chúng ta có thể khẳng định rằng Dinh Chiêm vào đầu thế kỷ 17 có chiều dài khoảng 2 km,186 đi theo con đường đất bắt đầu từ tuyến đường Thiên Lý dẫn đến Cần Húc (Hinh 37). Nếu bao gồm luôn xã Câu Lâu như trong lời tường trình của William Dampier (1688) và gia phả tộc Nguyễn Văn thì địa phận Dinh Chiêm tiếp nối thêm một đoạn qua đến mãi bờ nam sông Câu Lâu.
Vào thời ấy, Xã Cần Húc bị chia cắt bởi một con sông cổ. Nhưng trong khoảng thời gian mà G.S. Pina đang trú ngụ tại Dinh Chiêm, có lẽ nó đã khô cạn, nhưng ảnh hưởng vẫn còn đó qua sự thành hình của châu thổ Cần Húc. Dựa qua các hình vệ tinh chụp được từ các kênh Google Map, viamichelin.com và floodmap.net, chúng tôi nhận thấy phía tây xã Cần Húc đã có một thời là một châu thổ (delta) tương đối lớn mà phù sa nhận được và bồi đắp từ dòng sông nhân tạo Vĩnh Điện. Điều này cũng được nhắc qua trong gia phả tộc Nguyễn Văn từng sinh sống tại xã Câu Lâu. Dựa theo gia phả tộc Nguyễn Văn, hai xã Cần Húc và Câu Lâu xưa kia trực thuộc vào thuộc đúc đồng Cần Húc. Địa phận thuộc tương đối rất rộng (335 ha) bao gồm luôn, ít nhất, hai xã Cần Húc và Câu Lâu và được gán vào huyện Duy Xuyên. Địa phận thuộc nối tiếp qua bờ sông nam Câu Lâu – dựa theo lời tường trình của William Dampier (1688) and địa bạ Quảng Nam (1812).
Thuộc đúc đồng Cần Húc có lẽ là một chương trình quốc phòng rất bí mật dưới nhiều triều họ Nguyễn với chủ trương là chế tạo súng thần công dựa theo kỹ thuật của người Bồ Đào Nha. Mãi dưới thời chúa Hiền (1620-1687), lịch sử cho thấy dự án này đã thành công. Hiện nay, trưng bày trước bộ quốc phòng ở Bankok có hai khẩu thần công ký tên João da Cruz (1610?-1682), kỹ viên đúc súng đồng người Bồ Đào Nha và các chuyên viên Phường Đồng ở Huế chế tạo. Ông là người Bồ Đào Nha mang thêm dòng máu Ấn Độ, được chúa Hiền về mời tham dự (có lẽ bị bắt buộc thì đúng nghĩa hơn) nắm giữ chức vụ quan trọng trong phường đúc đồng ở Huế. Tuy nhiên, ngoài gia phả tộc Nguyễn Văn tại xã Câu Lâu, hiện nay chúng tôi chưa tìm thấy một chứng cớ lịch sử hay tài liệu nào để tìm hiểu thêm chi tiết về thuộc đúc đồng Cần Húc và chương trình tối mật chế tạo súng thần công mà chúa Nguyễn Phúc Nguyên có thể đã bắt đầu thực hiện.
Diện Tích187
1 Mẫu = 10 Sào = 4.865 m2 (khoảng ½ ha)
1 Sào = 15 Thước = 486,5 m2
1 Thước = 10 Tấc = 32,4333 m2
1 Tấc = 10 Phân = 3,2433 m2
1 Phân = 10 Ly = 0,32433 m21
Chiều Dài
1 Dặm = 216 Tầm = 1.080 Thước188 =432 m (Toàn Quyền Đông Dương, 1897)189
1 Tầm = 5 Thước = 2 m
1 Thước = 0,4m (Toàn Quyền Đông Dương, 1897)190
1 dặm Anh = 1,6 km
1 trượng = 4,7 m (cho miền Trung; trích từ mạng)
Thí dụ:
Tên Xã (1812) | Diện Tích viết theo Các Đơn Vị Cổ191 | Diện Tích (ha) | Ghi Chú |
Xã Câu Lâu | 428.8 6.0.1 | 209 | Bắc sông Câu Lâu – Gò Nổi: 185-190 ha (từ Google Map); nam sông Câu Lâu: 10-15 ha (phần còn lại) |
Xã Mỹ Xuyên Đông | 601.4.3.6.1 | 293 | |
Xã Mỹ Xuyên Tây | 387.8.9.1 | 189 | |
Xã Phú Chiêm | 723.7.11.0.7 | 352 | |
Xã Thanh Chiêm | 248.8.4.1 | 121 | |
Xã Văn Đông | 11.1.11.6.1 | 5 |
Cách Đọc: Diện tích xã Câu Lâu 428.8 6.0.1 được đọc là 428 mẫu; 8 sào; 6 thước; 0 tấc; 1 phân. Dấu chấm giữa các số được dùng phân chia các đơn vị cho dễ đọc và theo dõi.
1. Christopher Borri, An Account of Cochin-China, Part II, A Collection of Voyages and Travels, Volume II, London, 1704
2. Camille Paris (1856-1908), Voyage d’Exploration de Hue en Cochinchine, Ernest Deroux, Paris, 1889.
3. J.K.J Dejong, De Opcomst Van net Nederlandsch Gezag in Oost-Indie (1595-1610), Tweede Deel, 1864
4. Đại Nam Nhất Thống Chí, Quyển 5, Quảng Nam, Nguyễn Tạo dịch, Nhà Văn Hóa – Bộ Quốc Gia Giáo Dục, VNCH, 1964
5. Đại Nam Nhất Thống Chí, Q. 7, Phạm Trọng Điềm dịch, NXB Thuận Hóa, Huế, 2006
6. Đại Nam Thực Lục, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, Tiền Biên, quyển 1
7. William Dampier, Voyages and Descriptions, Tập II, Phần 1, 1688
8. Đinh Trọng Tuyên, Đinh Bá Truyền, Dinh Trấn Thanh Chiêm Quảng Nam, NXB Tổng Hợp, TP Hồ Chí Minh, 2020
9. www.floodmap.net
10. Huỳnh Công Bá, Về Địa Điềm và Địa Danh Cần Húc Trên Đất Quảng Nam, Nghiên Cứu Lịch Sử, Số 6.2002
11. Huỳnh Công Bá, Điện Bàn Phủ dưới Thời Tiên Chúa Nguyễn Hoàng, trích từ
https://repository.vnu.edu.vn/bitstream/VNU_123/72115/1/274%281994-3%29%2810%29.pdf
12. Thi Bao Chau Huynh. Patrimoine Architectural, Urbain, Aménagement et Tourisme: Ville HôiAn– ViêtNam. Géographie, Université Toulouse le Mirail- ToulouseII, 2011. Français. NNT: 2011TOU20062. tel-00717654
13. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Chính Biên, Q. 22
14. Lamb, Alastair. “British Missions to Cochin China: 1778-1822.” Journal of the Malayan Branch of the Royal Asiatic Society, vol. 34, no. 3/4 (195/196), 1961, pp. i–248. JSTOR, http://www.jstor.org/stable/41505510
15. Lê Quang Định, Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí, 1806, Phan Đăng dịch
16. Lê Quí Đôn, Kiến Văn Tiểu Lục Toàn Tập, Tập II, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1977
17. Lê Quí Đôn, Phủ Biên Tạp Luc, 1776, Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Viện Sử Học dịch, Nhà Xuất Bản Văn Hóa – Thông Tin, 1976
18. Nguyễn Đình Đầu, Địa Chí Quảng Nam, Tập I, II NXB, Đại Học Quốc Gia, 2010.
19. Ngô Văn Minh, Về Vị Trí Lỵ Sở Dinh Quảng Nam Năm 1602, Nghiên Cứu Lịch Sử Số 1.2004
20. Nguyễn Duy Sinh, Quảng Nam và Những Vấn Đề Sử Học, NXB Văn Hóa Thông Tin, 2005.
21. Nguyễn Minh Phương, Nghề Đúc Đồng Phước Kiều dưới Triều Nguyễn, Tạp Chí Khoa Học Đại Học Huế, Tập 126, Số 6B, 2017.
22. Nguyễn Phước Tương, Hoàng Hậu Đoàn Thị Ngọc – Bà Chúa Tàm Tang Trong Sự Nghiệp Phát Triển Nghề Tơ Tằm Xứ Quảng, trích từ http://vietlandmarks.com/upload/html/31864897b24a6f0f2088ed6a54f76354.html
23. Nguyễn Văn Đăng, Mai Văn Được, Vài Nét về Địa Danh và Địa Giới Hành Chính Quảng Nam, Nghiên Cứu-Trao Đổi Phát Triển Kinh Tế Đà Nẳng
24. http://nonnuocbinhkhe.blogspot.com/2015/07/huyen-dien-khanh-phu-ien-ban-quang- nam.html
25. Phạm Đình Khiêm, Việt Nam Khảo Cổ Tập San, Số 1, Bộ Quốc Gia Giáo Dục Sài Gòn, 1960
26. Phạm Đình Khiêm, Người Nhân Chứng Thứ Nhất, NXB Tinh Việt Văn Đoàn, SG, 1959
27. William A. Redfern III, Hoi An in the Seventeenth and Eighteenth Centuries: An International Entrepot, Master Thesis, 2002
28. Kikuchi Seiichi, Nguyên Cứu Đô Thị Cổ Hội An từ Quan Điểm Khảo Cổ Học Lịch Sử, 2010
30. Thích Đại Sán, Hải Ngoại Ký Sự, 1695
31. Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư và Giáp Ngọ Niên Bình Nam Đồ, 1774, Tạp Chí Nghiên Cứu và Phát Triển, Số 2 (109), 2014
32. Trần Đức Anh Sơn, Xứ Thuận – Quảng trên hai tranh cuộn Nhật Bản thời Edo, website “Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia”, https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/68874/xu-thuan-quang- tren-hai-tranh-cuon-nhat-ban-thoi-edo.html
33. Trần Văn Hảo, Đôi Dòng Lịch Sử về Làng Mỹ Xuyên Tây, http://duyxuyenrt.vn/tin- tc/dat-va-nguoi/doi-dong-lich-su-ve-lang-my-xuyen-tay.html
34. Alexei Volkov, Evangilization, Politics and Technology Transfer in 17th -Century Cochinchina: The Case of João da Cruz, Center for General Education and Institute of History, National Tsing Hua University, Taiwan trong sách Europe and China: Science and the Arts in the 17th and 18th Centuries, Editor Luís Saraiva, World Scientific Publishing, 2013
35. Charles Wheeler, A maritime Logic to Vietnamese History Littoral Society in Hoi An’s Trading World c. 1530-1840