Mặc dù tấm bản đồ cũ kỹ này được vẽ thời chiến tranh Việt Nam (1972-1984) – Hình 24 biểu tượng cho địa hình và chiều hướng sông ngòi trong miền nam Điện Bàn hiện nay (2023), nó vẫn còn giá trị để học hỏi. Sông ngòi miền nam Điện Bàn hiện nay biểu hiện cho Chu Kỳ 3.
Để hiểu rõ những sự thay đổi trong địa hình miền nam Điện Bàn xảy ra từ Chu Kỳ 2 sang Chu Ky 3, chúng tôi có thể lấy Hình 24 và vẽ chồng lên Tranh Chaya (1640) thì sau đây là những điều bổ ích mà chúng tôi nhận thấy như sau:
Vào năm 1640, sông Cầu Mống rất rộng, nhưng hai bên bờ có hình dáng cong cong nói lên rằng con sông này tương đối hiền hòa vì cạnh bờ sông không có những cạnh sắc, nhọn. So với quá khứ, Sông Cầu Mống ngày nay (2023) đã ngoằn ngoèo hơn nhiều, ăn sâu vào nội địa hơn so với 400 trăm năm về trước, nhưng con sông này đã gần như khô cạn và bây giờ chỉ là một con suối nhỏ mà thôi. Điều này cho thấy rằng trong quá khứ, vào những năm lụt lội, áp suất nước trên sông Cầu Mống mạnh mẻ, tàn phá những vùng đất đai mềm nên chiều hướng sông Cầu Mống thay đổi và có khuynh hướng chảy thẳng về phía bắc, nhưng không thể lấn sâu hơn nên phải quành lại về hướng đông vì đất đai tại Cần Húc có vẻ vững chắc và có độ cao. Ngược lại, ở hướng nam, bãi bồi Câu Lâu xảy ra vào năm 1640 nối liền với xã Mỹ Xuyên, thuộc Huyện Duy Xuyên nay đã biến mất vì bị sông Thu Bồn nuốt trọn. Ở trong đầm Hội An, gò nổi mới, cũ bắt đầu hình thành, thí dụ như gò nổi Kim Bồng, Cẩm Bồng, hay Trà Nhiễu,v.v… được phù sa bồi đắp rất nhiều. Còn con sông Cầu Mống cũ (1640) hình cong cong ngày nào cũng đã biến mất và phần lớn trở thành bãi đất bồi màu mở thuận tiện cho trồng trọt. Huyện Duy Xuyên xưa kia trong Chu Kỳ 2, không những mất đi bãi bồi Câu Lâu rộng lớn mà nay cũng mất đi một phần đất ở phía bắc vì xã Câu Lâu không còn thuộc vào nó nữa. Hãy xem Hình 25.
Trong bài tường trình với nhan đề “Hoàng Hậu Đoàn Thị Ngọc – Bà Chúa Tàm Tang Trong Sự Nghiệp Phát Triển Nghề Tơ Tằm Xứ Quảng”, tác giả Nguyễn Phước Tương cho biết trong quá khứ, vào năm 1680159 đã có một trận đại hồng thủy cuốn đi nhà thờ phượng Bà Hiếu Chiêu Hoàng Hậu160 ở Làng Đông Yên, Huyện Duy Xuyên. Chúng tôi nghĩ trong mùa lụt năm ấy, nước lũ đã cuốn đi đất đai, sụp đổ không biết bao nhiêu nhà cửa dân chúng và cũng có thể thay đổi chiều hướng sông ngòi một lần nữa. Có lẽ vì thế mà Sông Câu Lâu và Sông Cầu Mống đã trao đổi địa mạo cho nhau. Trong trường hợp này, cũng có thể con sông Cầu Mống sẽ hẹp lại trong khi Sông Câu Lâu sẽ khôi phục lại sự hùng vĩ của nó. Nếu muốn biết sự thật, chúng tôi sẽ dùng Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư của Đỗ Bá vẽ vào năm 1686 (Hình 12) để khảo nghiệm vì tấm bản đồ này được vẽ ra chỉ 6 năm sau cơn lụt này.
Trái ngược với những thập niên trước 1686, Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư cho thấy Sông Câu Lâu và Sông Cầu Mống có sự thay đổi trầm trọng. Sông Cầu Mống hầu như bị cạn hết nước (nên không được vẽ lên bản đồ) và dần dần trở thành bãi bồi. Ngược lại Sông Câu Lâu bành trướng lớn hơn trước rất nhiều và trở nên đường giao thông bằng đường thủy chính yếu giữa Chợ Củi và Hội An. Có lẽ bắt đầu từ đây, Chu Kỳ 2 được xem là chấm dứt và nhường chỗ cho Chu Kỳ 3.
Đặc biệt hơn nữa là điạ hình phương bắc Huyện Duy Xuyên nay đã thay đổi mà trước đây nó giống như một thỏi dùi nhìn về hướng xã Cần Húc, nay biến ra một mặt nhẵn, phẳng phiu. Điều này nói lên rằng xã Câu Lâu và bãi bồi Câu Lâu không thuộc về nó nữa. Khi so sánh Hình 12 với Hình 24 – Sông Ngòi Chung Quanh Điện Bàn (1972-1984), chúng tôi nghĩ, địa hình của miền nam Điện Bàn trong những giai đoạn này phản ảnh tình trạng sông ngòi hiện nay (2023) ở nam Điện Bàn.
Gần một trăm năm sau, khi hai sĩ quan người Anh Captain Arthur Gore và Philip Bromfield ghé ngang thành phố Hội An vào năm 1764, địa hình hai con sông Cầu Mống và Câu Lâu cũng chưa thay đổi từ Chu Kỳ 3. Hãy xem Hình 26 sau đây:
Hình 27 cũng phản ảnh bản đồ nam Điện Bàn vào năm 1930 vẫn trong Chu Kỳ 3. Trong khoảng thời gian này, Cần Húc (sau này là Văn Đông) đã không còn trên bản đồ mà chỉ còn xã Thanh Chiêm mà thôi. Bản đồ này cũng cho thấy thành trì Dinh Chiêm cũ đã bị phá hũy, nhưng thành Điện Bàn xây bằng gạch, vẫn còn nằm gần đường Thiên Lý trong xã La Qua.
Nói tóm lại, Chu Kỳ 3 phản ảnh sự trái ngược về địa thế và địa hình của hai con sông Câu Lâu và Cầu Mống trong Chu Kỳ 2. Trái với Chu Kỳ 2, sông Câu Lâu nay đã khôi phục vẻ hùng vĩ của nó như trong Chu Ky 1, trong khi sông Cầu Mống trở nên khô cạn thành một bãi bồi hay chỉ còn là một con suối nhỏ. Chỉ trong Chu Kỳ 3, xã Câu Lâu được thống nhất với xã Văn Đông để lệ thuộc huyện Diên Khánh một cách trọn vẹn – cũng giống như hiện nay, cả hai vùng đất xưa góp lại với nhau thành phường Điện Phương trong thị xã Điện Bàn. Tương tự như thế, chúng tôi nghĩ các xã nằm gần biên giới giữa hai như Văn Đông, Câu Lâu, Đông An, Mỹ Xuyên đông, và Mỹ Xuyên Tây đều được sát nhập vào huyện Diên Khánh. Mất đi các xã này, cùng với bãi bồi Câu Lâu, huyện Duy Xuyên trở nên nhỏ hẹp đi rất nhiều. Dựa vào một số bản đồ cổ được thu thập gần đây, Chu Kỳ 3 xảy ra trong những năm 1668, 1764, 1930 và hiện nay (2023).
Trong vùng Hội An, những dòng nước lũ từ dãy núi Trường Sơn tràn ngập đầm hầu như xảy ra mỗi năm trong mùa mưa. Vì thế, mỗi lần thời tiết nổi cơn mưa gió bắt đầu tháng 9, địa hình sông ngòi ở Hội An, nói chung, hay Điện Bàn, nói riêng, hay thưòng thay đổi. Chung quanh thành Dinh Chiêm, phía nam Địa Bàn, được bao bọc bởi bốn con sông chính; sông Chợ Củi nối liền với sông Câu Lâu; sông Dưỡng Chân chảy thẳng lên hướng bắc cung cấp một phần năng lượng cho sông Cầu Mống; sông Câu Lâu nối với sông Thu Bồn ở hướng đông chảy ra cửa Đại. Còn sông Cầu Mống chảy xuyên qua Cần Húc (nay là phường Điện Phương Tây) và xã Câu Lâu (nay là phường Điện Phương Đông) về hướng đông bắc. Sau khi khám nghiệm các bản đồ xa xưa bắt đầu từ đời Chúa Nguyễn Hoàng chúng tôi mới khám phá ra rằng địa hình Dinh Quảng Nam từ năm 1602 cho đến nay 2023 thay đổi tùy thuộc vào cá chất của bốn con sông này mà sự thay đổi của chúng dựa theo định luật chu kỳ – mỗi sông, có lúc khô cạn, có khi thành sông nhỏ, nhưng có khi trở thành con sông cái đầy rẩy nước non. Mỗi khi xảy ra có nơi chúng bồi đắp, nhưng có nơi lại khiến đất lở gây thiên tai cho dân chúng trong vùng. Sau đây là những dữ kiện lịch sử bắt đầu từ 1600 cho đến nay mà chúng tôi lượm nhặt được trong các bản đồ cổ:
Năm | Chu Kỳ | S. Chợ Củi | S. Câu Lâu | S. Dưỡng Chân | S. Cầu Mống | Xã Câu Lâu lệ thuộc huyện (phỏng đoán) | Chú thích |
1960 | 1 | lớn | nhỏ | tương đối lớn | tương đối lớn | Diên Khánh161 | Hình 9 – Tranh phác họa do các nhà địa chất vẽ. |
1640 | 2 | nhỏ | bãi bồi | lớn | lớn | Duy Xuyên | Hình 19 – Chi tiết từ Tranh Chaya. Vào năm 1640, xã Câu Lâu có thể lệ thuộc huyện Duy Xuyên vì địa phận của nó nối liền với bãi bồi Câu Lâu và xã Mỹ Xuyên thuộc huyện Duy Xuyên ở phía nam. |
1686 | 3 | lớn | lớn | nhỏ | con suối | Diên Khánh | Hình 12 – Đỗ Bá: Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư;. Địa hình giống như ngày nay (2023). |
1764 | 3 | lớn | lớn | nhỏ | con suối | Diên Khánh | Hình 26 – Arthur Gore, Philip Bromfield –. Địa hình giống như ngày nay (2023) – Hình 11, 14, 16, 23 và 26 . |
1774 | 1 | lớn | lớn | tương đối lớn | tương đối lớn | Diên Khánh | Hình 18 – Bùi Thế Đạt – Giáp Ngọ Bình Nam Đồ –. Dữ kiện từ Lê Quí Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục cho biết xã Câu Lâu trực lệ huyên Diên Khánh (Phủ Biên Tạp Lục, trang 107-108). |
1802-1820 | 2 |
nhỏ | bãi bồi |
lớn | lớn |
Duy Xuyên | Đây là những chi tiết trích ra từ Đại Nam Nhất Thống Chí dưới đời vua Gia Long (1802-1820) – Chữ viết bằng mực đỏ là lối suy diễn của chúng tôi. Dữ kiện từ Nguyễn Đình Đầu trong Địa Bạ Quảng Nam (1812) cho biết xã Câu Lâu lệ thuộc huyện Duy Xuyên (Tập 1, trang 44). |
1822-1826 | 3 |
lớn | lớn |
nhỏ | con suối |
Diên Khánh | Đây là những chi tiết trích ra từ Đại Nam Nhất Thống Chí dưới đời vua Minh Mạng (1820-1841) – Chữ viết bằng mực đỏ là lối suy diễn của chúng tôi. |
1859 | 2 | nhỏ | bãi bồi | lớn | lớn | Duy Xuyên | Hình 22 – Nam Điện Bàn 185 |
1886 | 2 | nhỏ | bãi bồi | lớn | lớn | Duy Xuyên | Hình 23 – Nam Điện Bàn dưới Thời vua Đồng Khánh |
1907-1916 | 2 | nhỏ | bãi bồi | lớn | lớn | Duy Xuyên | Hình 7. Giống như địa thế trong tranh Chaya |
1930 | 3 | lớn | lớn | nhỏ | con suối | Diên Khánh | Hình 27. Nam Điện Bàn Dưới Thời Pháp Thuộc (1930); Địa hình giống như ngày nay (2023) |
1972-1984 | 3 | lớn | lớn | nhỏ | con suối | T.X. Điện Bàn | Hình 24 – Quân lực Bộ binh Hoa Kỳ. Nguồn University of Texas. Địa hình giống như ngày nay (2023) |
Ngày nay 2023 | 3 | lớn | lớn | nhỏ | con suối | T.X. Điện Bàn | Hình 17 – Google Map hay Google Earth. Đây là địa hình ngày nay (2023) |
Giả sử sông ngòi vùng Điện Bàn bắt đầu thay đổi từ thế kỷ 17, nhìn vào Bảng 3 chúng ta sẽ nhận thấy sự thay trong nhiều thế kỷ. Trong Chu Kỷ 1, hai con sông Cầu Mống và Câu Lâu đều hiền hòa rộng mở cho tàu bè qua lại từ Sông Chợ Củi đến Sông Thu Bồn ở Hội An. Nhưng chẳng bao lâu sau, khi người Nhật Bản và người Minh Hoa tụ tập buôn bán ở Hội An (đầu thế kỷ 17), qua Tranh Chaya (1640), chúng ta có thể quan sát sự thay đổi rõ rệt khi Sông Câu Lâu dần dần khô cạn và biến thành một bãi bồi khổng lồ – sự thay đổi không thể xảy ra một sớm, một chiều mà trong một khoảng thời gian dài, nhất là trong những năm hạn hán, thí dụ dựa theo lịch sử Dòng Tên ở Đàng Trong vào mùa hè 1617, G.S. Buzomi bị giam lỏng tại bãi biển Đà Nẳng. Dựa theo giáo sử của Dòng Tên, trong năm ấy, hạn hán rất lâu. Sông Cầu Mống bành trướng thành một sông lớn, nhưng hai bên bờ có dấu hiệu sạt lở so với Chu Kỳ 1. Đó là dấu hiệu thuyên chuyển qua Chu Kỳ 2. Còn Chu Kỳ 3 có lẽ khởi xướng khi trận đại hồng thủy ập xuống Điện Bàn vào năm 1680. Trong vòng 6 năm sau, Đỗ Bá, qua Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư, cho biết hai con sông Câu Lâu và Cầu Mống lại đổi vị trí cho nhau. Lần này, Sông Câu Lâu lại tràn ngập nước.
Đổi lại, Sông Cầu Mống nhỏ dần từ một dòng sông lớn ra một dòng sông nhỏ bé hay chỉ còn là một rạch nước nhỏ. Vào năm 1774, thông qua Giáp Ngọ Bình Nam Đồ, chúng ta có thể nhận thấy trạng thái sông ngòi ở Điện Bàn quay trở lại Chu Kỳ 1. Tiếp sau đó, chúng ta có thể thấy được rằng Chu Kỳ 2 trở lại, giống như trong tranh Chaya, vào những năm từ 1859 cho đến 1907- 1916. Trong vòng 14 năm sau, tại cột mốc thời gian 1930, chúng ta nhận thấy Chu Kỳ 3 lại bắt đầu cho đến ngày nay 2023. Điều thích thú, chúng tôi nghĩ, nên chú ý là địa mạo của bốn sông Chợ Củi, Câu Lâu, Dưỡng Chân và Cầu Mống, sau đến khoảng 175 năm (bắt đầu từ 1600) có nhiều thay đổi, và cuối cùng trở về chu kỳ đầu tiên. Nhưng sự thay đổi của bốn dòng sông này đều đi theo một luật tuần hoàn nhất định, đó là theo chu kỳ 1, 2, 3 rồi trở lại chu kỳ 1.
Trong Chu Kỳ 1 và Chu Kỳ 3, trong cùng hệ thống sông Thu Bồn, cả hai sông Chợ Củi và Câu Lâu là hai sông lớn nối liền với nhau, trong khi Dưỡng Chân và Cầu Mống nhỏ đi rất nhiều, nhất là trong Chu Kỳ 3. Khi dòng nước Cầu Mống gần như khô cạn, xã Câu Lâu nằm gần hai xã Thanh Chiêm và xã Cần Húc hơn và cách xa huyện Duy Xuyên. Có thể vì thế có thể mà nó sẽ trực thuộc vào huyện Diên Khánh. Ngược lại, trong Chu Kỳ 2, xã Câu Lâu nẳm trên đỉnh đầu mảnh đất hình mũi dùi tượng trưng cho huyện Duy Xuyên mới được bành trướng – hãy xem Hình 19. Vì thế, xã Câu Lâu sẽ lệ thuộc vào Huyện Duy Xuyên.
Kiểm nghiệm lại sách vở lịch sử, Lê Quí Đôn cho biết, vào năm 1776, xã Câu Lâu lệ thuộc huyện Diên Khánh. Bản đồ cổ Giáp Ngọ Bình Nam Đồ (1774) cũng cho thấy cả hai sông Chợ Củi và Câu Lâu là hai sông lớn nối liền với nhau, trong khi Dưỡng Chân và Cầu Mống nhỏ đi rất nhiều, nhưng vẫn mở rộng cho tàu bè qua lại, đó là chu kỳ 1. Trong khoảng thời gian này, xã Câu Lâu nằm trong địa phận huyện Diên Khánh và cách xa huyện Duy Xuyên một khoảng cách khoảng 1 km, đó là chiều rộng của lòng sông Câu Lâu trong mùa nước lũ.
Không lâu sau, dưới đời vua Gia Long, vào năm 1812, địa bạ Quảng Nam cho thấy xã Câu Lâu lệ thuộc huyện Duy Xuyên trở lại.162 Lịch sử cho biết lúc này, hai sông Câu Lâu và Chợ Củi là hai sông nhỏ163 – riêng sông Câu Lâu dần dần có thể không tồn tại nữa; nó có thể biến thành bãi bồi, giống như trong tranh Chaya đã vẽ, trong khi hai sông Dưỡng Chân và Cầu Mống bành trướng hơn trước rất nhiều. Trong trường hợp này, xã Câu Lâu nằm trên cùng mảnh đất nối liền với địa phận bãi bồi Câu Lâu và huyện Duy Xuyên cũ. Vì thế, trong chu kỳ này huyện Duy Xuyên mới mở rộng lên phía bắc và tây vì các xã dọc theo sông Dưỡng Chân vả Câu Lâu, kể cả xã Câu Lâu đều lệ thưộc vào nó. Địa bạ Quảng Nam (1812) đã chứng minh cho điều này.
Riêng xã Cần Húc, chúng tôi nghĩ, luôn luôn thuộc về huyện Duy Xuyên – nhưng chỉ khi nào nó còn tồn tại trong thuộc Cần Húc. Khi thuộc Cần Húc bị bãi bỏ (có lẽ dưới triều vua Gia Long), cái tên Cần Húc cũng lùi vào dĩ vãng và trở thành xã Văn Đông (1806), vùng đất nhỏ nhoi này mới trực lệ huyện Diên Khánh. Địa bạ Quảng Nam đã xác nhận điều này vào năm 1812.164