Bài nghiên cứu của chúng tôi sẽ được chia làm bốn phần chính:
Trong phần này, chúng tôi sẽ sưu tầm 6 tấm bản đồ cổ. Ngoại trừ tấm bản đồ của Cantelli-Rossi xuất bản năm 1683, chúng tôi sẽ tham khảo các bản đồ bắt đầu trong thế kỷ 19 trở lên. Vì chúng tôi cho rằng trước thế kỷ 19, các bản đồ trước đây đều thiếu độ chính xác về kinh độ. Chúng tôi sẽ loại bỏ những bản đồ cổ xuất bản trước thế kỷ này. Những bản đồ được lựa chọn đều ghi rõ vị trí của thành phố Dinh Chiêm. Sau khi ghi nhận và phân tích tọa độ của thành phố Dinh Chiêm từ các bản đồ cổ, chúng tôi sẽ loan báo và so sánh khoảng cách giữa Dinh Chiêm và Hội An với dữ kiện lịch sử mà các giáo sĩ, ngoại giao hay thám hiểm đã viết lại trong sách vở của họ.
Công việc thứ hai mà chúng tôi dự định thực hiện là tìm cho ra vị trí của xã Cần Húc trong bản đồ hiện đại mà dưới đời vua Gia Long đổi tên nó thành Văn Đông. Đây là một việc tương đối quan trọng vì là cột mốc để xem như là việc bắt đầu trong công cuộc đào xới lịch sử nhà Nguyễn. Tuy câu trả lời lúc đầu có vẻ khó khăn, như những nhà nghiên cứu tiên phong cũng đã từng trải qua, chúng tôi nghĩ mình đã tìm ra hai cách để tìm hiểu ra vị trí thực thụ của xã Cần Húc, đó là vì chúng tôi tìm ra một tấm bản đổ dưới thời Pháp thuộc (1907-1916) có ghi rõ vị trí của xã Văn Đông tức Cần Húc (Hình 7). Cách thứ hai là dùng Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí do Lê Quang Định viết năm 1806 để tính toán ra vị trí của trạm nghỉ Thanh Chiêm, xã Thanh Chiêm, xã Văn Đông và đầm Thanh Hà. Từ đầm Thanh Hà là nơi địa điểm bắt đầu và cố định, chúng tôi theo Google Map để tìm ra vị trí của các làng xã khác – trong quyển địa lý này, tất cả tên tuổi và khoảng cách của chúng đều được viết rất rõ ràng bằng đơn vị đo chiều dài “tầm”41.
Trong Phần 2, chúng tôi cũng nghiền ngẫm một ý tưởng mới lạ đưa ra trong bài viết của Ngô Văn Minh với tựa đề “Về Vị Trí Lỵ Sở Quảng Nam Năm 1602” đăng trên tập san Nghiên Cứu Lịch Sử, số 1.2004. trong bài viết, ông đã nêu lên một thí dụ lịch sử mà chúng tôi cho là rất quí báu từ gia phả tộc Nguyễn Văn sống trong xã Câu Lâu, đó là một dòng chữ “Câu Lâu xã châu thổ Cần Húc thuộc, Diên Khánh huyện, Uất Lũy tổng, hậu cải Duy Xuyên huyện, Quảng Nam tỉnh”. Trong phần đầu “Câu Lâu xã châu thổ Cần Húc thuộc…” mang hai ý nghĩa nói rằng Cần Húc ngày xưa không chỉ là một xã tầm thường mà là một châu thổ do phù sa bồi bổ và lắng đọng tại cửa sông do sự giao thông giữa sông Cầu Mống và một con sông cổ. Đồng thời, Cần Húc cũng là tên của một thuộc – thuộc là một đơn vị hành chánh tương đối to lớn tương đương với tổng dựa theo nghề nghiệp và trực lệ kinh sư Huế – bao gồm lãnh thổ của chính nó và, tối thiểu, có xã Câu Lâu là thành viên. Nếu đã lệ vào cùng thuộc Cần Húc, trong quá khứ cả hai đều đã từng lệ thuộc vào huyện Duy Xuyên vì trước 1776, xã Cần Húc trực thuộc huyện Duy Xuyên.
Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi sẽ đi tìm hiểu và phân tích về hai dữ kiện thú vị liên quan đến Cần Húc như trên.
Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi sẽ dùng sử liệu mang đến từ Đại Nam Nhất Thống Chí. Nhưng ngay cả một số chi tiết nhỏ trong các bản dịch Đại Nam Nhất Thống Chí cũng không thống nhất cho lắm vì có sự khác biệt, tuy nhỏ nhặt, nhưng khiến cho độc giả hoang mang trong các bản dịch ra từ đời vua Tự Đức ấn hành vào năm 2006 so sánh với bản từ đời vua Duy Tân ấn hành vào năm 1964, thí dụ như trong Đại Nam Nhất Thống Chí, 2006 viết xã Cần Húc nằm gần xã Thanh Chiêm, nhưng trong Đại Nam Nhất Thống Chí, 1964 có chỗ lại cho rằng xã Thanh Chiêm chính là lỵ sở Dinh Chiêm lúc ban đầu triều Nguyễn mà không nhắc nhở gì đến xã Cần Húc.42 Có nhiều chi tiết diễn tả trong Đại Nam Nhất Thống Chí, 2006 nhưng lại thiếu trong bản dịch 1964. Ngay cả các chi tiết trong các bản dịch Phủ Biên Tạp Lục do Lê Quí Đôn viết cũng có khúc mắc. Vì thế, khi cần, chúng tôi sẽ dùng một ấn bản mà thôi, rồi cố gắng tìm tòi các sử liệu khác, cùng thời để giải tỏa các khiếm khuyết này.
Theo chúng tôi nghĩ, có một số chi tiết quá cô đọng viết trong Đại Nam Nhất Thống Chí đã gây hoang mang và nhiều tranh cãi trong giới trí tức tại Quảng Nam và cả nước, thí dụ như cái tên “Dinh Chiêm”. Có một số nhà nghiên cứu gọi Dinh Quảng Nam là Dinh Chiêm, còn một số khác muốn gọi nó là Dinh Trấn Thanh Chiêm. Để nhấn mạnh cái tên tục Dinh Chiêm như đã được các giáo sĩ dòng Tên43 thường dùng trong đầu thế kỷ 17, chúng tôi sẽ dùng từ “Dinh Chiêm” để ấn định Dinh Quảng Nam mà cũng là cái tên tục của thành phố Quảng Nam (Quinam). Còn cái tên Cần Húc hay Văn Đông thì sao? Vị trí của chúng và quá trình lịch sử của chúng là như thế nào? Hay nói một cách khác là tại sao cách Chúa Nguyễn lại chuyển cơ sở hành chánh dinh trấn đi nơi khác để cuối cùng xây dựng một thành lũy kiên cố Dinh Chiêm ở miền nam Điện Bàn. Vậy thì vị trí thành Dinh Chiêm ở đâu? Có phải là nó tọa ngự tại xã Thanh Chiêm hay không? Tuy Tranh Chaya cho chúng ta biết vào năm 1640, căn nhà Thương Khách nằm sát bên bờ Sông Chợ Củi, nhưng vị trí của nó ở đâu trong phường Điện Phương nay vẫn còn là một nghi vấn. Nếu tìm ra vị trí ngôi nhà này, chúng tôi hy vọng sẽ tìm thấy thành Dinh Chiêm vì chúng tôi nghĩ chúng nằm rất gần nhau. Một câu hỏi không kém quan trọng là lỵ sở Dinh Chiêm, trong lịch sử nhà Nguyễn, là Cần Húc (Văn Đông) được sát nhập vào với Huyện Duy Xuyên, nhưng trong một thời gian dài sau đó, nó lại thuộc về huyện Diên Khánh (Diên Phước). Sự kiện này khiến chúng tôi, những nhà nghiên cứu hiện đại phải chóng mặt, hoa mắt. Tuy vậy, chúng tôi không bao giờ cho rằng các sử quan nhà Nguyễn đã viết một cách sai lầm hay Lê Quí Đôn lầm lẫn. Chúng tôi chỉ nghĩ rằng sau khi học hỏi về sự thay đổi của sông ngòi ở miền nam Điện Bàn, nhất là hai con sông Câu Lâu và Cầu Mống44, những câu trả lời thích đáng sẽ hiện ra để giải tỏa sự ham muốn tìm hiểu sự thật trong lịch sử.
Ngoài Đại Nam Nhất Thống Chí, để đưa ra những nhận xét và kết luận xác đáng, chúng tôi sẽ cần rất nhiều tài liệu lịch sử khác như Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí (1806) do Lê Quang Định viểt; Phủ Biên Tạp Lục (1776) và Kiến Văn Tiểu Lục Toàn Tập do Lê Quí Đôn viết và cả Đại Nam Thực Lục (1821-1909). Sau đó, chúng tôi sẽ sưu tầm trong mạng hầu hết các bản đồ cổ liên quan đến Hội An; chúng tôi sẽ chú tâm nhất vào vùng nam Điện Bàn và các phụ cận về hướng nam của nó vì vùng đất này, nói chung là dinh đô của Trấn Quảng Nam – Dinh đô này bắt đầu vào năm 1602, khi Chúa Nguyễn Hoàng ghé qua Cần Húc và rất hứng thú với phong cảnh nơi đây. Dựa theo ngày tháng, chúng tôi sẽ bắt đầu bằng với Tranh cổ Chaya hiện đang cất giữ tại Chùa Jomyo-ji được vẽ rất tỉ mỉ khoảng năm 164045 do một thương nhân Nhật từng sống nhiều năm tại Hội An – hãy xem Hình 19. Sau đó, chúng tôi sẽ sưu tầm tấm bản đồ cổ điễn Đại Việt Thiên Nam Chí Lộ Đồ Thư (1686). Đây là một tấm địa đồ cổ nhất trong lịch sử Đại Việt – hãy xem Hình 12; tấm bản đồ người Anh có tựa đề Plan of Touron Harbour do Capt. Arthur Gore và Philip Bromfield vẽ (1764) – hãy xem Hình 26; tấm Giáp Ngọ Nguyên Bình Nam Đồ (1774) trong Hồng Đức Bản Đồ – hãy xem Hình 1846; tấm bản đồ nhỏ từ đời vua Đồng Khánh (1886- 1888) – hãy xem Hình 23; sau đó là tấm bản đồ khá quan trọng đối với chúng tôi. Trong khoảng thời gian 1907-1916, chính quyền Pháp Thuộc bận rộn xây cất một đường xe lửa nối liền hai thành phố Đà Nẵng và Hội An. Điều mà chúng tôi cảm thấy lí thú về tấm bản đồ này (Hình 7) là nó cung cấp rất đầy đủ tên các làng, xã, huyện của các vùng chung quanh Hội An, kể cả Điện Bàn,Vĩnh Điện, v.v… Quan trọng hơn nữa là bản đồ này cho thấy vị trị của xã Văn Đông (chính là xã Cần Húc ngày xưa) nằm bên bờ bắc (tả ngạn) sông Cầu Mống – Tên con sông Cầu Mống được trích ra từ bản đồ quân sự Hoa Ky vẽ vào năm 1972-1984 (Hình 24); tiếp sau đó là hai tấm địa đồ vùng Điện Bàn được giới thiệu trong luận án Tiến Sĩ của Huỳnh Thị Bảo Châu (2012) cũng rất quan trọng đối với công việc nghiên cứu chúng tôi về địa lý và địa hình của vùng nam Điện Bàn trong đầu thế kỷ 17 và 20 – Hình 9 và 27. Rất tiếc, tấm bản đồ thuộc địa này cũng cho thấy vào năm 1930, thành Dinh Chiêm cổ xưa đã bị san bằng. Để hiểu rõ những thay đổi và tiến triển trong một gian ngắn về địa hình tại miền nam Điện Bàn, chúng tôi kết hợp hai Hình 7 và 27 vào với nhau trong Hình 28. Đồng thời, trong vòng 23 năm (1907-1930) đã có sự tiến triển vượt bực trong giao thông toàn quốc, nói chung, và nam Điện Bàn, nói riêng, dưới thời Pháp thuộc.
Con đường đất mòn Thiên Lý47 nằm bên bờ tường Dinh Chiêm cũ đã được thay thế bằng Quốc Lộ (QL) Số 1 chạy xuyên qua giữa nội thành Dinh Chiêm, khiến thành Dinh Chiêm hầu như bị phá hủy và không còn nguyên vóc dáng như xưa nữa. Tuy nhiên, thế vào đó, chính quyền Pháp đã xây dựng “Dinh ấp Thanh Chiêm” cho xã Thanh Chiêm. Điều này nói lên tầm mức quan trọng của Thanh Chiêm vào thời ấy. Khi góp nhặt chi tiết từ hai tấm bản đồ 1907 và 1930, chúng ta có thể mường tượng ra vóc dáng đồ sộ của thành Dinh Chiêm thuở nào. Từ hai tấm bản đồ này, chúng tôi nghĩ chúng tôi có thể vẽ lại sơ đồ của nội thành Dinh Chiêm cùng với vị trí của nó so với Đường Thiên Lý ngày xưa (trước khi chính quyền Pháp Thuộc xây cất Quốc Lộ Số 1).
Mục đích của Phần 3 là đi tìm hiểu sự liên hệ trong hành chánh giữa hai huyện Duy Xuyên và Diên Khánh mà trong đó, một số xã từng lệ thuộc vào huyện Duy Xuyên, nhưng vì một lý do nào đó chuyển lệ sang huyện Diên Khánh. Chúng tôi muốn biết lý do gì mà triều đình họ Nguyễn lại làm như thế. Bắt đầu từ xã Cần Húc, vào thời lập quốc 1602, chúa Nguyễn Hoàng lệ thuộc nó vào với huyện Duy Xuyên. Nhưng đến năm 1776, Lê quí Đôn cho biết trong Phủ Biên Tạp Lục là xã Cần Húc vẫn giữ lệ cũ trong huyện Duy Xuyên,48 nhưng có một số xã trong huyện Duy Xuyên lại thay đổi và lệ theo huyện Diên Khánh. Mãi sau khi vua Gia Long thống nhất đất nước, sau khi xã Cần Húc mới bị đổi tên ra Văn Đông (1806),49 50 xã Thanh Chiêm trở thành lỵ sở của Dinh Quảng Nam và lệ thuộc huyện Diên Khánh.51
Hiện tại, chúng tôi nghi ngờ rằng sự chuyển hướng về lỵ huyện trong hành chánh của một số xã như Câu Lâu, Mỹ Xuyên Đông, Mỹ Xuyên Tây, Bàn Thạch, v.v… có liên quan đến bồi, lở của sông ngòi ở miền nam Điện Bàn. Khi quan sát một số bản đồ cổ như tranh Chaya, Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư (1686) hay Giáp Ngọ Bình Nam Đồ (1774), chúng tôi nhận thấy rằng địa hình vùng nam Điện Bàn thay đổi rất nhiều trong suốt 400 năm qua. Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi sẽ tìm hiểu nguyên do của những thay đổi trong sông ngòi để cuối cùng có thể đưa ra một lời kết luận thích đáng.
Trước hết, chúng tôi đặt giả thiết là Chúa Nguyễn Hoàng, trước khi thành lập dinh trấn ở nam Điện Bàn sẽ khảo sát địa thế vùng đó rất kĩ càng. Dựa theo những dữ kiện sẵn biết về Dinh Chiêm như địa điểm lúc ban đầu của nó, thí dụ như vị trí của Cần Húc, Thanh Chiêm, Điện Phương Đông-Tây và nhất là con đường Thiên lý chạy thẳng về phía tây nam trong vùng nam Điện Bàn, chúng tôi sẽ dùng website www.floodmap.net để thu thập cao độ của những nơi này. Từ website www.floodmap.net, dữ kiện mà chúng tôi muốn thu lượm là độ cao của một hay nhiều điểm trên tuyến đường Thiên Lý và các vùng chung quanh vì chúng tôi nghĩ, đất đai cao độ thì xác suất sẽ có phần cao hơn để Chúa Nguyễn xây dựng thành Dinh Chiêm hay Trạm Thương Khách trên đó. Chúng tôi cũng nghĩ rằng sau khi tìm ra dinh thự, chúng tôi sẽ tìm thấy Trạm Thương Khách hay ngược lại vì chúng có khả năng nằm rất gần nhau.
Dựa vào tin tức mới về sự khám phá của các nhà bác học vào năm 2015 về dấu tích của hệ thống sông ngòi ngầm dưới những bãi sa mạc trong vùng Sahara ở Phi Châu bằng cách chụp hình vệ tinh, chúng tôi cũng đặt lên một giả thuyết mới rằng tương tự như thế, chúng tôi hy vọng dùng những hình ảnh vệ tinh tải xuống tư Google Map, chúng tôi có thể nhận diện hầu hết các vùng sình lầy, sông ngòi, đầm hồ hay ruộng vườn trong vùng nam Điện Bàn được bồi đắp hay sạt lở trong vòng mấy trăm năm nay. Một trong những mục đích chính của chúng tôi là hy vọng tìm ra được bờ sông Chợ Củi nằm gần sát thành Dinh Chiêm trong thế kỷ 17. Ngoài ra, qua kết quả thâu lượm từ www.floodmap.net chúng tôi cũng mong muốn tìm thấy tiềm năng của một vài vùng đất cao chung quanh miền nam Điện Bàn mà chúng có thể được dùng trong việc xây cất căn nhà thương khách đồ sộ nằm bên bờ sông Chợ Củi như trong tranh Chaya. Dựa vào lịch trình tiến hóa và biển đổi của sông ngòi chung quanh nam Điện Bàn, nhất là của bốn dòng sông Chợ Củi, Câu Lâu, Dưỡng Chân và Cầu Mống. Chúng tôi lựa chọn bốn dòng sông quan trọng này để học hỏi là vì sự thay đổi về chiều rộng của các bờ sông, lẫn chiều hướng chảy của chúng trong quá trình lịch sử phản ảnh trên các bản đồ cổ có thể sẽ cho chúng tôi những khám phá thích thú.
Chúng tôi đặt ra giả thuyết rằng chính sự thay đổi của những dòng sông này, có lúc bồi, có lúc sạt lở, và cũng có lúc khô cạn sẽ đưa ra những câu trả lời xác đáng về những dữ kiện lịch sử, thí dụ như trong lịch sử xã Câu Lâu hay Mỹ Xuyên có lúc thuộc về huyện Duy Xuyên, nhưng theo thời gian sau đó, lại có khi chúng thuộc về xã Diên Khánh52. Nói một cách tổng quát, chúng tôi muốn trở về quá khứ để nhận diện ra địa hình của các con sông như Cầu Mống, Câu Lâu, Thu Bồn, Dưỡng Chân, Bà Rén, v.v… nhất là sau những mùa lụt lội trong lịch sử nam Điện Bàn. Sau khi nhận dạng ra chúng trong hình chụp vệ tinh, dựa vào các sách vở lịch sử cùng với các bản đồ cổ, chúng tôi hy vọng sẽ khám phá ra vị trí, địa thế và địa hình xưa kia của làng, xã, thôn như Cần Húc (Văn Đông),Thanh Chiêm, thành Dinh Chiêm, Phú Chiêm, Đông An, Chợ Củi v.v… trong nhiều thế kỷ trước. Sau đó, để đưa đến nhưng phần kết luận chính xác về chúng trong mỗi thời gian, chúng tôi sẽ sưu tầm hầu như tất cả các bản đồ xưa vẽ vào nhiều thế kỷ trước có liên quan đến Hội An, Dinh Chiêm hay Đà Nẵng. Chúng tôi hy vọng một trong những bản đồ cổ sẽ chứa đựng nhiều dữ kiện về thành Dinh Chiêm và trạm thương khách. Sau khi tìm ra dữ liệu trong các bản đồ cũ, chúng tôi sẽ đối chiếu và minh định những dữ kiện này trong các sách sử như Đại Nam Nhất Thống Chí, Phủ Biên Tạp Lục, Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí, Đại Nam Thực Lục hay chính trong Tranh Chaya. Ngoài ra, chúng tôi cũng không quên tra cứu những tài liệu hữu ích từ các danh nhân, nhà thám hiểm đã từng đặt chân đến Hội An, thành phố Dinh Chiêm hay các vùng phụ cận như Quán Sứ Hà Lan Jeronimus Wonderaer (1602), G.S. Alexandre de Rhodes (1640), William Dampier (1688), Thiền Sư Thích Đại Sán (1695) và Charles Chapman (1778). Dùng nhiều dữ kiện khác nhau nhưng chỉ điểm cùng phương hướng, chúng tôi hy vọng rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thành công trong việc nhận dạng thành Dinh Chiêm và Trạm Thương Khách trên bản đồ nam Điện Bàn.