Trong cuộc tìm kiếm thành Dinh Chiêm trên các bản đồ và tài liệu xưa, chúng tôi sẽ dựa vào hai chi tiết quan trọng được cung cấp từ Đại Nam Nhất Thống Chí 2006 do Sử Quán nhà Nguyễn viết rằng thành Quảng Nam cũ có chu vi 300 trượng (1410 m) và Kiến Văn Tiểu Lục Toàn Tập do Lê Quí Đôn cho biết rằng để xây cất lỵ sở của một trấn, chiếu theo luật lệ đương thời, diện tích của nó không quá 5 mẫu (25 ha).
Thêm vào đó, vào đầu thế kỷ 17, địa hình của miền nam Điền Bàn được biều hiện trong Hình 9 mà trong đó, cả hai con sông Cầu Mống và Câu Lâu đều rộng mở để nước cuồn cuộn chảy ngang qua từ sông Chợ Củi và sông Dưỡng Chân. Ở phía đông nam, nằm giữa hai sông Cầu Mống và Câu Lâu là gò nổi Câu Lâu. Lúc này, dựa theo gia phả tộc Nguyễn Văn cả hai xã Câu Lâu và Cần Húc trực lệ thuộc Cần Húc. Thêm vào đó, Cần Húc đã từng là một châu thổ (delta) cắt ngang bởi một nhánh sông nhỏ. Riêng Địa Bạ Quảng Nam (1812) (và có thể William Dampier) cho biết xã Câu Lâu có địa phận cả hai bên bờ sông nam-bắc Câu Lâu.
Sau đây là những dữ kiện mà chúng tôi mới khám phá về Dinh Quảng Nam hay còn gọi là Dinh Chiêm:
Vào năm 1602, vào lúc ban đầu dựng quốc ở Đàng Trong, Chúa Nguyễn Hoàng chọn xã Cần Húc (sau này là Văn Đông (1806)), thuộc Huyện Duy Xuyên làm lỵ sở của Dinh Quảng Nam mà nó có tên tục là Dinh Chiêm.
Chúng tôi nghĩ vào đầu thế kỷ 17, mặc dù đất đai trù phú, mênh mông nhưng dân số rất thưa thớt. Ở vùng nam Điện Bàn, chúng tôi nghĩ phần lớn chung quanh xã Cần Húc vào lúc ấy chỉ là rừng rú hoang vu, chưa khai thác, không một bóng người. Vì thế, địa phận xã Cần Húc có thể rộng rãi kéo dài từ bờ sông Cầu Mống cho đến bờ sông Chợ Củi (trong vòng 2 cây số) về hướng tây nam. Về phía nam Cần Húc, sau khi qua sông Cầu Mống là miền gò nổi rộng lớn Câu Lâu mà phía nam tiếp giáp với sông Câu Lâu. Gia phả tộc Nguyễn Văn và địa bạ Dinh Quảng Nam (1812) cho thấy địa phận xã Câu Lâu ngày xưa cũng thuộc về thuộc Cần Húc và nằm hai bên bờ sông Câu Lâu.165 Có lẽ, về sau cảnh đất lở và lụt lội chung quanh Cần Húc khiến Chúa Nguyễn Hoàng quyết định dời thành Quảng Nam về hướng tây nam dọc theo con đường đất xuống bờ sông Chợ Củi, đó là hiện thân của đường Nguyễn Du hiện nay. Sau khi bắt đầu xây dựng thành Quảng Nam dọc theo tuyến đường Thiên Lý ngay bờ sông Chợ Củi, nhất là khi thương mại vươn lên tại Hội An, chúng tôi nghĩ có một cuộc di dân từ các vùng đất khác đến Hội An, Dinh Chiêm và Cần Húc sinh sống để gầy dựng một tương lai sáng lạng cho Đàng Trong. Cộng với sự di dân của người Minh Hương và Nhật Bản, dân số người Việt ở Hội An, nói chung, bắt đầu tăng vụt.
Vì thế, các làng xã mới mẻ, như Thanh Chiêm, Phú Chiêm, Đông An, Cẩm Pho, Phước Kiều, v.v… mới mọc lên và nằm sát gần nhau. Dựa theo sự lịch trình tiến hóa của con người, sau mấy trăm năm, một số làng xã cũ như Cần Húc bị quên lãng và dần dần biến mất. Thay vào đó chúng ta mới thấy xã Thanh Chiêm vào đầu thế kỷ 19 vươn lên và vượt trội Cần Húc. Tuy nhiên, thành trì Dinh Chiêm xưa cổ vẫn trụ trì trên mảng đất ngày nào nhưng nay thuộc về một làng xã khác có cái tên hiền hòa, thanh bình “Thanh Chiêm”.
Trong cuộc nghiên cứu, chúng tôi tìm thấy một bản đồ trong thời Pháp thuộc cho biết không những cho biết vị trí mà còn hình dáng tổng quát của tường thành Dinh Chiêm ngày xưa nữa. Ngoài ra, vị trí của xã Văn Đông ( Cần Húc) được in trên bản đồ này rất rõ nét. Hãy xem Hình 7.
Trước nhất, khi quan sát kỹ lưỡng tấm bản đồ này, chúng tôi nhận thấy, giống như trong đầu thế kỷ 17 trên tranh Chaya, địa lý miền nam Điện Bàn vào lúc đó khác với hiện nay. Con sông Câu Lâu chảy ngang qua huyện Duy Xuyên bỗng nhiên biến mất. Thay thế vào đó là một bãi bồi rộng mênh mông nối liền gò nổi Câu Dẫn – Chúng tôi nghĩ đây là lỗi chính tả hay cái tên “Câu Lâu” bị đổi tên thành “Câu Dẫn”? Nay là một phần của phường Điện Phương – ở phía bắc và huyện Duy Xuyên nằm ở hướng nam. Điều thứ hai mà chúng tôi chú ý là, mất đi sông Câu Lâu, sông Cầu Mống nay là con sông chính còn lại chuyên chở khối lượng nước rất lớn hàng năm đến cửa Đại. Nhưng nhìn kỹ chiều rộng của sông Cầu Mống mặc dù đã mở rộng, nhưng cũng chỉ bằng khoảng nửa của sông Chợ Củi hay sông Câu Lâu trước đây mà thôi. Điều này nói lên hầu như chắc chắn rằng trong mùa mưa hay lụt, dung tích của sông Cầu Mống, một mình, không thể nào chất chứa được số lượng nước lớn như thế. Vì thế, chỉ cần tưởng tượng trong đầu nghĩ về quá khứ, chúng ta cũng có thể cảm nhận được cảnh lụt lội và đất lở đã xảy ra khắp nơi dưới thời Pháp thuộc trong khoảng thời gian 1907-1916 cũng như những thập niên 1600. Có lẽ đây là lý do chính mà dòng sông nhân tạo Vĩnh Điện được nới rộng để dẫn làn nước lũ chảy bớt ra cửa Hàn, thay vì để nước lũ dồn dập tràn ngập vào sông Cầu Mống gây ra lụt lội khắp nơi. Nhiều địa danh trước đây như Chợ Củi, Đông An và Phú Chiêm là những vùng được phù sa bồi bổ và cũng là những nơi dễ bị bị nuốt trọn bởi sông Thu Bồn trong những mùa lụt. Để nhìn thấy rõ hơn những hình ảnh này, hãy chú ý đến những nơi trước đây là đất đai mà bây giờ bị sập lở xuống sông Thu Bồn và ngược lại, những nơi được bồi bổ như chính dòng sông Cầu Mống, vùng Kim Bồng, An Phước hay Cẩm Phô trong Hình 28.
Theo chúng tôi nhận xét thì lụt lội là một trong những lý do chính mà Chúa Nguyễn Hoàng quyết định dời trụ sở Dinh Chiêm về hướng tây nam, về hướng sông Chợ Củi từ thuộc Cần Húc. Là một nhà lãnh đạo Đàng Trong, ngài rất cần ngoại tệ từ các quốc gia khác để canh tân đất nước.
Nhưng ngài không thể làm ngơ trước cảnh ngập nước, nhà trôi, người nổi trên sông Cầu Mống, nhất là khi có các thương nhân từ các quốc gia quan trọng trong nền kinh tế Đàng Trong như Nhật Bản, Bồ Đào Nha hay Trung Quốc ghé thăm Công Tử Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635) ở Dinh Chiêm. Trong những năm khi cả hai con sông Câu Lâu và sông Cầu Mống đều mở rộng để nước lụt thông ra cửa Đại (chu kỳ 1), lúc ấy, sự cần thiết của sông Vĩnh Điện không còn nữa. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với Giáo Sư Huỳnh Công Bá là có lẽ sự bành trướng của Dinh Quảng Nam về hướng Chợ Củi xảy ra trước năm 1604. Cùng với tranh Chaya, bản đồ Pháp thuộc 1907-1916 (Hình 7) cũng cho thấy như thế. Trong bản đồ, theo ý chúng tôi trong những năm đầu thế kỷ 17, các cơ sở hành chánh đã được dựng lên một cách hoàn hảo nằm sát bờ sông Chợ Củi. Tuy nhiên, trong thời gian đầu, chúng tôi cho rằng chỉ có nội thành là được xây dựng trước khi cuộc nội chiến Trịnh-Nguyễn phân tranh bắt đầu (1627). Lúc sau đó, ngoại thành mới được xây dựng thêm vào để bảo vệ cho nội thành và các vùng phụ cận chung quanh kể cả các xã Thanh Hiểm (nay là Phước Kiều), Đông An và Thanh Chiêm. Tuy chỉ thiếu Trạm Thương Khách, nơi các công tử họ Nguyễn đón tiếp cách thương gia ngoại quốc, bản đồ này vẽ đầy đủ chi tiết về ngoại hình và hào sâu bao chung quanh thành trì của nội thành, cùng với các đường giao thông giữa nó và các thị trấn quan trọng như Cần Húc (Văn Đông), Phú Chiêm và Hội An.
Kể từ 1602, cả Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635) và con trai trưởng của ngài, Công Tử Nguyễn Phúc Kỳ (1582-1631) đều lần lượt trấn thủ tại nội thành. Chúng tôi cho rằng thành Quảng Nam (cũ) vẫn tọa ngự nơi đây gần 200 năm, cho đến khi Chúa Trịnh mang quân vào chiếm kinh thành Phú Xuân vào năm 1774. Sau khi quân Đàng Ngoài vì bệnh tật rút về Phú Xuân, Tây Sơn chiếm đóng thành Dinh Chiêm.
Trong thời gian này (1778), chính quyền Anh Quốc cử ông Charles Chapman (1752-1809) đến Đàng Trong để thương lượng việc buôn bán trong tương lai. Nhưng khi ông đến Đàng Trong thì tình hình Đàng Trong rất hổn loạn. Chiến tranh xảy ra khắp nơi. Trong lúc này, thủ đô Huế đã bị quân Đàng Ngoài chiếm đóng. Năm trước, Chúa Nguyễn Phúc Thuần (1754-1777) cùng cháu Nguyễn Phúc Dương (?-1777) đã bị Tây Sơn giết chết. Lúc ấy, thành Dinh Chiêm cùng Trấn Quảng Nam rơi vào tay Tây Sơn và Đàng Ngoài. Trong bài tường trình của ông viết về tình hình ở Đàng Trong, ông cho biết cả khung cảnh Hội An và Dinh Chiêm rất điêu tàn. Riêng ở Dinh Chiêm ông diễn tả rất tỉ mỉ về thành quách ngoại thành ở đó như sau:166
“Ngày hôm sau, chúng tôi đến thăm Trấn Thủ Quan: Ông cư ngụ tại cung điện của các vị vua Đàng Trong, cách thị trấn (Hội An) mà tôi đã đến hơn sáu dặm (Anh).167Abbé Raynal cho chúng tôi biết chu vi của nó khoảng một lý,168 và chung quanh tường thành xếp hàng ngàn khẩu thần công. Có lẽ ông ta đã phóng đại ra hơi nhiều: bản thân tôi đã đến thăm nó vài lần và một người đi cùng tôi đã tìm có cơ hội để xem xét toàn bộ. Thành trì là một hình chữ nhật; chiều dài khoảng nửa dặm Anh169, chiều rộng khoảng hai phần ba của chiều dài. Nó được hình thành bởi một bức tường chắn, đằng sau đó là một bờ đất cao 10 (3 m) hoặc 11 feet (3.3 m) được dựng lên, với các bậc thang leo lên thuận tiện cho việc phóng tên lửa. Nó không có lỗ pháo ngay trên tường chắn cao mà mà chỉ có các lỗ đục dưới đáy tường thò nòng súng thần công ra ngoài. Số súng thần công gắn chung quanh thành là khoảng 60 khẩu; súng chín pao (lbs) đạn là lớn nhất. Đối với những nơi sáu hoặc tám feet không có tường, người ta cắm những cây tre nhọn ngắn, dài từ sáu đến mười hai inch,170xiên xuống đất; bên ngoài những thứ này là một con hào rộng 8 feet (2.4 m), và sâu nhiều cở, được rào bằng những bụi tre đang mọc mà phía bên ngoài nối tiếp bởi một loạt hàng tre nhọn đóng xuống lòng đất, và toàn bộ thành trì bên ngoài được bao bọc bởi hàng rào thấp kẻ ô vuông đan bằng các tấm tre chẻ vào với nhau. Bên trong thành trì được chia ra làm nhiều ngăn vuông xây bằng gạch, các góc cạnh vuông vắn với nhau. Một số là chợ, kho gạo, trại lính, chuồng ngựa, hay chuồng voi. Tất cả thành trì nơi nào cũng cần nhiều sửa chữa.
Toàn thể cung điện xứng đáng với cái tên gọi tòa lâu đài với các phòng thấp. Toàn bộ cung điện chia ra làm nhiều phòng ở và phòng khách thoáng khí rộng rãi. Tại một trong những phòng khách, tôi gặp ông Trấn Thủ Quan; khi vào phòng, tôi thấy ông ta đang nằm đong đưa trên chiếc võng mà hai đầu của nó treo lên một cái cột nhà và bức tường gỗ thấp…”
Có lẽ lúc giao tranh giữa nhà Nguyễn và Tây Sơn trong vòng 24 năm sau đó, bức tường ngoại thành mà ông Chapman diễn tả trong bài tường trình về Bengal (Bangladesh ngày nay) đã bị phá hủy. Các chân móng tường, vì đắp bằng đất nay cũng không còn. Quan sát kĩ trong bản đồ Pháp thuộc 1907-1916 (Hình 7), chúng tôi không còn thấy những gì ông Chapman kể lại, ngay cả một nét vẽ của tường thành chữ nhật cũng chẳng còn chút di tích nào. Nhưng những bức tường của nội thành cũ, hình lưỡi liềm, từ thế kỷ 17, vẫn còn ghi rất rõ nét. Rất tiếc, mười bốn năm sau (1930), trong bản đồ Pháp thuộc khác, nội thành Dinh Chiêm dường như cũng bị phai nhòa, chỉ còn phảng phất nét vẽ của bờ tường thành ngày xưa mà thôi. Hãy xem thêm Hình 27.
Vào năm 1802, Vua Gia Long (1802-1820) tiêu diệt Tây Sơn và thống nhất đất nước, nhưng Dinh Chiêm nay đã điêu tàn vì chiến tranh. Vua Gia Long quyết đình dời lỵ sở dinh Quảng Nam về Hội An trong một thời gian ngắn. Trong lúc đó, thành Dinh Chiêm được trùng tu trở lại như xưa. Năm 1806, Vua Gia Long đặt lỵ sở Dinh Quảng Nam ở xã Thanh Chiêm.171 Có lẽ bắt đầu từ đây, lỵ sở xã Thanh Chiêm trở nên một nơi đồng nghĩa với Dinh Quảng Nam, và để rồi cái tên Cần Húc hay Văn Đông bị lu mờ dần trong tiếng gọi nhân gian. Nhưng vài năm sau, vua Gia Long ra lệnh trùng tu Dinh Chiêm cũ, nhưng có lẽ ngài không tu bổ ngoại thành mà ông Chapman từng chứng kiến vào năm 1778 vì kể từ đó, không ai có thể nhận diện ra nó được nữa.
Đến đời vua Minh Mạng, ngài cho xây xong Thành Điện Bàn bằng gạch (1833) tại xã La Qua. Lúc ấy, ngài dời Dinh Quảng Nam về đó. Trong tấm bản đồ Pháp thuộc 1907-1916, dinh trấn cũ kể cả nội thành và thành trì mới Điện Bàn đều được biểu hiện rất rõ nằm bên cạnh tuyến đường Thiên Lý. Sau năm 1833, thành Dinh Chiêm cũ đã hoàn toàn bị bỏ hoang. Theo thời gian, chúng tôi suy đoán, vào thời Pháp thuộc, khoảng năm 1925, chính quyền thuộc địa xây cất Quốc Lộ (QL)-1 cũ, hiện nay là QL-1A ở nam Điện Bàn. Trong chương trình xây cất, tất cả nội thành Dinh Chiêm cũ đã bị san bằng nhường đất đai cho QL-1 chạy xuyên qua nó. Hãy xem vào Hình 27 – Nam Điện Bàn Dưới Thời Pháp Thuộc (1930) thì sẽ rõ.
Ngay trong thời Pháp thuộc, trong vòng 14 năm kể từ 1916, sự thay đổi về địa lý cũng rất rõ ràng. Hãy xem hai Hình 29 sau đây gom gọn hai Hình 7 (bên phải) và Hình 27 (bên trái) và xếp chúng gần bên nhau. Mục đích chính là để dễ bề quan sát sự thay đổi trong địa hình của vùng nam Điện Bàn, nhất là khi hai con sông Câu Lâu và Cầu Mống đổi dạng trong vòng 14 năm trời.
Nhìn hình bên phải, sau khi hai dòng sông Chợ Củi và Dưỡng Chân nhập làm một và đổ dồn vào sông Cầu Mống, nó uốn người lượn về hướng đông bắc và trở ngược về đông nam. Lúc này, sông Câu Lâu đã biến thành một bãi bồi nối liền xã Mỹ Xuyên (nay Thị Trấn Nam Phước) với gò bồi “Câu Dẫn”172 (hay Câu Dần) (nay là phường Điện Phương Đông). Nhắc nhở về quá khứ xa xưa hơn nữa khi những thương nhân Nhật Bản đáp thuyền xuống Hội An và vẽ lại trong Tranh Chaya vào năm 1640, sông Câu Lâu và Cầu Mống đã thay đổi vị trí cũng giống như trong hình trên bên phải (1907-1916) vậy. Nhưng trong một thời gian ngắn (Hãy xem hình bên trái vào năm 1930 trên) sông Câu Lâu đã khôi phục được sự hùng vĩ của nó và chọc thẳng xuyên qua huyện Duy Xuyên, cắt rời huyện này ra hai mảnh. Miền đất Câu Dẫn nay trở thành một gò bồi ở phía bắc gọi là Điện Phương (Đông) và huyện Duy Xuyên ngày nay nằm ở phương nam sông Thu Bồn. Riêng sông Cầu Mống, kể từ đó, vì lý do nào đó, lượng nước trên sông rút xuống dần và từ từ, đến ngày nay, chỉ còn là một con suối nhỏ mà thôi. Từ đó, hai miền đông, tây phường Điện Phương nhập lại thành một, nhưng vẫn bị cắt ngang bởi một con rạch nhỏ chảy dài từ tây nam lên đông bắc.
Đối với chúng tôi, thành Dinh Chiêm bắt đầu từ thế kỷ 17 cho đến 1778 bao gồm hai phần: nội thành và ngoại thành. Chúng tôi cũng giả sử nội thành được xây dựng bởi Chúa Nguyễn Hoàng trước năm 1602 – năm ấy, sau khi xây xong thành Quảng Nam, ngài gửi Công Tử Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635) làm Trấn Thủ Quan. Còn bức tường thành hình chữ nhật như ông Chapman diễn tả trong bài tường trình của ông sau chuyến thăm viếng Đàng Trong vào năm 1778, chúng tôi nghĩ, là ngoại thành bao bọc nội thành, nhưng được xây sau, có lẽ trong thời gian Trịnh- Nguyễn phân tranh (1627-1772).
Nội Thành Dinh Chiêm
Dựa theo Hình 7, nội Thành Dinh Chiêm ở đầu thế kỷ 17 trông giống như một mảnh trăng lưỡi liềm nằm gọn giữa hai con đường đất. Tương đối nội thành Dinh Chiêm rất dài và hẹp – chiều dài đo từ đầu đường ngay THCS Nguyễn Du đến tuyến đường Thiên Lý là nửa cây số; chiều rộng nhất khoảng 160 m. Hai đầu thành thu hẹp như hai đầu võng. Bờ tường phía tây nam giáp sát tuyến đường Thiên Lý. Cửa thành được đặt bốn hướng vì theo ảnh hưởng thành trì Trung Quốc, nhưng cửa thành nam và tây nam hướng về sông Chợ Củi và sông Câu Lâu, chúng tôi nghĩ, là cửa chính; còn về phía tây bắc, hai con sông nhỏ chắn ngang trước mặt thành làm thành hàng rào thiên nhiên kiên cố. Những nơi không tiếp giáp với sông đều được bao bọc hào sâu che chở. Tường thành được xây cất bằng đất173 đắp lên khung tre cao khoảng 3-5 m174 với chu vi khoảng 300 trượng linh175 (1,410 Km) và diện tích không quá 25 ha176. Một nơi cũng rất đáng chú ý là ở phía tây bắc thành có một khu đất lõm vào. Dường như khi xây thành trì, nơi đây đã là đầm lầy hay hồ nước nên khi xây tường nội thành họ phải vòng theo bờ hồ. Có một hào thiên nhiên như thế rất tốt trong việc phòng thủ.
Sau đây là vóc dáng của nội thành Dinh Chiêm trích ra từ Hình 7 và được đặt vào Google Map (Hình 30). Khi vẽ vóc dáng thành Dinh Chiêm dựa theo bản đồ Pháp thuộc 1907-1916, chúng tôi rất lưu ý về hai tiêu chuẩn quy định trong Đại Nam Nhất Thống Chí, 2006 và Kiến Văn Tiểu Lục Toàn Tập do Lê Quí Đôn viết, đó là thành có chu vi 1,41 km và diện tích không quá 25ha.
Kết Luận
Cuối cùng, rất may mắn, chúng tôi đã tìm ra tấm bản đồ dưới thời Pháp thuộc (1907-1916) vẽ một cách tổng quát hình ảnh của nội thành Dinh Chiêm mà chúng tôi nghĩ đã được xây cất vào đầu thế kỷ 17 (kích thước ước lượng 40 m x 140 m x 220 m x 340 m x 40 m x 420m x 220 m). Theo đó chúng tôi vẽ lại diện mạo của nội thành Dinh Chiêm trên Google Map. Tuy không tìm được kích thước chính xác của thành quách xưa, dựa theo những tiêu chuẩn mà chúng tôi đã nêu lên, nhất là nội thành đã có chu vi chính xác 1.41 km. Dùng tính năng đo diện tich trên bản đồ Google map cho biết thành nội thành Dinh Chiêm xưa có diện tích khoảng 22 ha, vẫn dưới 25 ha cần thiết tối đa khi xây cất một thành trì cho tỉnh lỵ. Điều quan trọng nữa là mặt thành tây nam chạy dọc theo tuyến đường Thiên Lý. Qua đường là tiếp giáp với sông Chợ Củi. Sau bao nhiêu năm vắng bóng, hiện nay chúng tôi có thế hình dung ra thành trì Dinh Chiêm, hình thù của một lưỡi liềm hay chiếc võng, nằm ngay bờ sông Chợ Củi, nơi buôn bán rất phồn thịnh trước thời nội chiến giữa nhà Nguyễn và Tây Sơn (1773).
Ngoại Thành Dinh Chiêm
Dựa theo bài tường trình của ông Chapman, ngoại thành trông giống như một ô hình chữ nhật. Chiều dài khoảng ½ mile (800 m) với chiều rộng chỉ bằng 2/3 chiều dài (khoảng 500 m). Tường thành tương đối rất thấp từ 10 feet đến 11 feet (3 m – 3,3 m). Vào năm 1778, lỗ chỗ có nhiều nơi tường thành bị sụp nên phải trồng hay cắm tre vào chỗ trống. Bên ngoài vòng theo tường thành là hào sâu, rộng khoảng 8 feet (2,4 m) – không được rộng cho lắm. Nói chung thì tình trạng ngoại thành rất thảm thương và suy đồi sau nhiều trận đánh giữa nhà Nguyễn với nhà Trịnh từ phương bắc và quân Tây Sơn. Tuy nhiên, ông Chapman không cho biết vị trí của tường thành này mà cũng không nhắc đến nội thành Dinh Chiêm. Vì thế, chúng tôi suy diễn ra rằng lúc ông diện kiến Trấn Thủ Quan do Đàng Ngoài phái đến, ông không được đón tiếp một cách long trọng như một đại sứ của một cường quốc vậy – vì ông không được mời vào chính điện mà chính điện mới có khả năng ở trong nội thành.
Mặc dù những dữ kiện mà ông Chapman cho biết tương đối đầy đủ, nhưng ông không minh định vị trí ngoại thành Dinh Chiêm so với nội thành nên chúng tôi ban đầu đã gặp nhiều trở ngại vẽ ra bức tường ngoại thành. May mắn thay! Khi chúng tôi dựa vào địa lý vùng nam Điện Bàn vào đầu thế kỷ 17 chúng tôi mới có thể hình dung ra bức tường thành này. Vào lúc này, bờ sông Thu Bồn chạy song song và sát bên cạnh tuyến đường Thiên Lý chạy dài từ tây bắc xuống đông nam miền Câu Lâu. Ngoài ra, rất có khả năng một trong nhiều lý do mà Chúa Nguyễn xây ngoại thành là để bảo vệ nội thành. Vì vậy, vì cạnh tây nam của nội thành chạy song song với tuyến đường Thiên Lý, một cạnh của ngoại thành cũng sẽ như thế. Nhưng ngoại thành không thể bao gồm luôn cả tuyến đường Thiên Lý mà phải chừa nó ra cho việc giao thông. Thêm vào nữa, khi vẽ hình ngoài thành, mặt thành tây bắc không thể bao gồm nhà thờ Phước Kiều177 được mà phải loại bỏ nó ra ngoài thành. Ngoài ra, dựa theo tỉ lệ xây thành quách vào thời vua Gia Long trở về sau, tỉ lệ giữa hai cạnh ngắn-dài là khoảng 0.67 cho đến 1, thí dụ kinh thành Huế bắt đầu dưới đời vua Gia Long hay Thành Gia Định xây dựng dưới đời vua Minh Mạng cũng có tỉ số tương tự như thế.
Để hội đủ các điều kiện trên, chiều rộng ngoại thành rất có khả năng khoảng 500 m – đó là chiều dài trên khúc quẹo tuyến đường Thiên Lý để bao phủ luôn cả nội thành. Sau khi cho vào tỉ số mà ông Chapman đưa ra, đó là chiều rộng bằng 2/3 chiều dài. Vì thế, chiều dài có thể lên đến 750 m. Dùng Google Map, ngoại thành Dinh Chiêm có thể giống như sau – hãy xem Hình 31.
Bây giờ, muốn biết diện tích và chu vi của ngoại thành Dinh Chiêm mà Google Map mới vẽ như trên có hợp lý hay không, chúng ta nên so sánh vài dữ kiện của nó với thành Điện Bàn được xây cất do vua Minh Mạng vào năm 1833.
Phân Bố | Ngoại Thành Dinh Chiêm (DC) | Thành Điện Bàn (ĐB) | Ghi Chú |
Dài (m) x Rộng (m) | 750 x 500 | 598 x 564 | Dữ kiện của ngoại thành D.C. từ ông Chapman (1778), đó là chiều rộng bằng khoảng 2/3 chiều dài; dữ kiện của thành ĐB được đo từ Google Map. |
Chu vi (km) | 2,4 | 2,3 | Chu vi thành ĐB được trích ra từ Đại Nam Nhất Thống Chí, Q7, 2006, trang 396. Chu vi ngoại thành DC đo bởi Google Map. Hai dữ kiện rất tương ứng |
Diện Tích (ha) | 37,5 | 33,7 | Diện tích = Dài x Rộng; Hai dữ kiện rất tương ứng. |
Tường cao (m) | 3-3,3 | 5,64 | Tường cao thành ĐB được trích ra từ Đại Nam Nhất Thống Chí, Q7, 2006, trang 396. Tường ngoại thành DC rất thấp so với một tòa thành. Nguồn: Chapman, 1778 |
Hào rộng (m) | 2 | 21 | Hào thành ĐB được trích từ Đại Nam Nhất Thống Chí, Q7, 2006, trang 396. Hào ngoại thành DC rất hẹp; vì thế sẽ dễ bị tấn công. Nguồn: Chapman, 1778 |
Kết quả từ Bảng 4 cho thấy ngoại thành Dinh Chiêm, tuy xây bằng đất, rất tương xứng với thành Điện Bàn được xây sau này vào năm 1833 – thí dụ, chu vi của ngoại thành Dinh Chiêm là 2,4 km so với 2,3 km của thành Điện Bàn.
Ngoài ra, khi chúng tôi đặt vị trí của trạm nghỉ Thanh Chiêm tìm ra trong Phần 2, “Cần Húc ở Đâu?” trong Hình 8 vào Hình 31, chúng tôi nhận thấy rằng trạm nghỉ Thanh Chiêm nằm sát bên ngoài bờ tường đông bắc của ngoại thành Dinh Chiêm. Điều này cho thấy vị trí của tường thành và trạm nghỉ Thanh Chiêm rất tương đồng và hợp lý vì trạm nghỉ là nơi các quan lại và nhà ngoại giao ngoại quốc tạm nghỉ chân trước khi vào yết kiến Trấn Quan Quảng Nam. Trạm nghỉ này, vì thế, tuy gần tường thành, nhưng vẫn phải nằm ngoài phạm vi ngoại thành.
Kết Luận
So sánh với những phân bố từ thành Điện Bàn, kích thước của ngoại thành Dinh Chiêm vào năm 1778 mà chúng tôi dùng Google Map vẽ có vẻ thích hợp với lời tường trình của Charles Chapman. Ngoại thành Dinh Chiêm là một hình chữ nhật mà chiều rộng giáp với bức tường của nội thành chạy song song bên cạnh đường Thiên Lý với khoàng cách 500 m từ hướng tây bắc xuống đông nam; chiều dài ngoại thành chạy song song với đường Nguyễn Du hướng lên phía đông bắc – mặt ngoại thành đông bắc cắt ngang đường Nguyễn Du tại tọa độ khoảng 15,870625 độ Vĩ, 108,66489 độ Kinh. Từ mặt tây nam thành, nhìn ra khoảng 100 m là nhà thờ Phước Kiều. Còn làng Đúc Đồng Phước Kiều nằm gọn trong ngoại thành gần nhà thờ Phước Kiều, cách nhau bởi bức tường đất cao khoảng 3 m – hãy xem lại Hình 31. Mặc dầu ông Chapman cho biết một số ô vuông xây bằng gạch. Hiện nay chúng tôi không rõ chợ, kho gạo, trại lính, chuồng ngựa, hay chuồng voi mà ông nhắc đến nằm ở góc cạnh nào trên bản đồ. Những điều này sẽ cần nghiên cứu thêm để được sáng tỏ.
Tuy nhiên, sau cuộc chiến mà nhà Nguyễn thất bại trong việc bảo vệ Phú Xuân và Dinh Chiêm, chúng tôi không khỏi ngẩm nghĩ và ngao ngán về việc để việc phòng thủ ngoại thành Dinh Chiêm xuống mức quá tệ hại, đó là vì tường thành quá thấp; hào rộng và sâu không đủ. Nhà Nguyễn vào đời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765), nghĩ cho cùng, quá thật lơ là trong việc quốc phòng lại phóng túng quá độ triều cương để rồi Trương Phúc Loan lộng quyền. Hiện nay, chúng tôi không rõ lý do gì mà vua Gia Long, sau chiến tranh, khi sửa chữa thành Dinh Chiêm lại không bao gồm ngoại thành mà chỉ có nội thành mà thôi. Có lẽ là vì cuộc nội chiến nam-bắc đã chấm dứt. Điều này được phản ảnh trong bản đồ Pháp thuộc (1907-1916) – Hình 7 dưới đời vua Duy Tân. Nhưng rất tiếc, trong những năm sau đó (khoảng 1925), chính quyển Pháp thuộc cũng đã phá hủy di tích của nội thành luôn để xây đường QL-1– hãy xem hình 27.