Ở đầu thế kỷ 17, nền kinh tế Đàng Trong đang phát triển rất mạnh mẽ do sự buôn bán, trao đổi hàng hoá giữa ba quốc gia Nhật Bản, Trung Quốc và Đàng Trong. Vì Nhà Minh ở Trung Quốc cắt đứt bang giao và buôn bán với Nhật Bản, nhưng lại rất cần kim loại hiếm như vàng và bạc trong tiền tệ. Ngược lại, Nhật Bản rất ương chuộng những tấm lụa mềm mại của Trung Quốc và đồ gốm, gỗ thơm của Đàng Trong nên thương nhân cả ba quốc gia không ngần ngại thành lập Hội An, ở Đàng Trong thành một nơi trao đổi hàng hóa. Mỗi năm thuyền buồm theo mùa gió bấc thổi xuống từ phía đông-bắc, các thuyền buôn Trung Quốc và Nhật Bản lần lượt tụ họp ở Hội An trong vòng bốn tháng 4. Trong số các nước Âu Châu, trong thế kỷ 16, Bồ Đào Nha hầu như chiếm độc quyền buôn bán ở Á Châu. Riêng ở Đàng Trong, Chúa Nguyễn và dân chúng Đàng Trong rất ưa chuộc sản phẩm của họ, như kim may vá, áo sơ-mi, v.v... Quan trọng hơn nữa, Đàng Trong rất cần các khẩu súng thần công đúc bằng đồng từ quốc gia này. Vì thế, giữa Đàng Trong và Bồ Đào Nha cũng đã bang giao rất mật thiết.
Dưới đời chúa Nguyễn Hoàng (1525-1613), Dinh Quảng Nam 5 là một trong hai dinh trấn ở Đàng Trong – Dinh trấn thứ nhất là Dinh Thuận Hóa. Nơi đây, một cơ sở hành chánh trung ương đã được gầy dựng vào đầu thế kỷ 17 với công việc chính là quản lý và thu thuế từ các thuyền bè tụ họp buôn bán, trao đổi hàng hóa hàng năm tại thương cảng Hội An. Dựa theo phong tục chính quyền Đàng Trong, các thương nhân ngoại quốc tạm dừng chân tại Hội An; sau đó họ theo phép lịch sự đều phải ghé thăm Trấn Thủ Quan đóng đô tại thành Dinh Chiêm, cách Hội An không xa. Để được dễ dãi trong công việc buôn bán, họ thường gửi gấm lễ tiến 6 từ đất nước họ. Riêng các thương gia Nhật Bản còn đóng vai trò tùy viên ngoại giao cho Mạc Phủ Nhật Bản. Đôi lúc, họ mang thư từ qua lại giữa Mạc Phủ và Chúa Nguyễn. Thường thường tàu bè ngoại quốc mỗi năm dừng chân tại Cù Lao Chàm để đăng ký và chuẩn bị đóng thuế nhập cảnh cho Đàng Trong. Thuế má hàng hóa đều tùy thuộc vào chiều dài của chiếc thuyền buôn. Trong khoảng thời gian (1600- 1635), các thương nhân từ Nhật Bản phải mang theo giấy phép thông hành gọi là Châu Ấn Trạng mà chính quyền Nhật Bản cung cấp trước khi nhập cảnh vào Đàng Trong. Trong những năm chiến sự giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài (1627-1672), Dinh Chiêm còn đóng vai trò căn cứ quân sự trừ bị cho quân đội Đàng Trong. Vì thế, chúng tôi nghĩ thành trì Dinh Chiêm rất rộng lớn bao gồm những nơi quân đội bộ binh lẫn thủy quân tập dượt, bến thuyền bè, chuồng ngựa, voi, kho vũ khí, v.v…
Đồng hành với các thuyền buôn Bồ Đào Nha đến Đàng Trong là các giáo sĩ nhà dòng mà nổi tiếng nhất là dòng Tên lúc ấy. Trong khoảng thời gian này, họ có cơ sở vững chắc tại bán đảo Macao ở Trung Quốc. Theo chúng tôi nhận thấy, mặc dù, từ những ảnh hưởng lan tràn đến từ Nhật Bản trong việc cấm đạo Ki Tô Giáo bắt đầu vào năm 1614, Chúa Nguyễn có lẽ lúc ban đầu cũng đã e dè sự ảnh hưởng của Ki tô giáo đối với xã hội Đàng Trong, nhưng sự đe dọa về mặt quân sự của Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài khiến Chúa Nguyễn không có sự lựa chọn nào khác, nên đã đồng ý, cho phép dòng Tên bắt đầu hoạt động kể từ năm 1615.
Vào đầu thế kỷ 17, dưới quyền lãnh đạo của Chúa Nguyễn Hoàng (1525-1613), Hội An là một thương cảng rất thịnh hành ở vùng Đông Nam Á, đó là không kể các thương cảng nổi tiếng như Manila của Phi Luật Tân, Ayutthaya của Siam (Thái Lan), hay Longvek của Cam Bốt vào thời ấy. Để thâu thập ngoại tệ từ giao thương với các quốc gia trong việc canh tân đất nước, nhất là chuẩn bị bảo vệ lãnh thổ dưới mối đe dọa của Chúa Trịnh ở phương bắc, vào năm 1602, Chúa Nguyễn Hoàng bắt đầu đổi tên Trấn Quảng Nam7 từ đời nhà Hậu Lê thành Dinh Quảng Nam mà lỵ sở của nó ở xã Cần Húc , thuộc về huyện Duy Xuyên8 (về sau, năm 1806, xã Cần Húc được đổi tên thành xã Văn Đông, thuộc huyện Diên Khánh)9 và trao Dinh Quảng Nam cho Công Tử Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635) chức Trấn Thủ Quan nắm giữ quân quyền – Lúc này, Dinh Quảng Nam bao gồm 3 phủ10 11: Thăng Hoa12, Tư Nghĩa (còn có tên Tư Ngãi; nay Quảng Ngãi) và Hoài Nhân (còn có tên Hoài Nhơn; nay Bình Định)13. Điều này cho thấy, vào đầu thế kỷ 17, lãnh thổ Dinh Quảng Nam kéo dài từ bờ nam Thu Bồn14, chạy xuống Quảng Ngãi, xuống tận Bình Định hiện nay. Trước đó, vào năm 1600, ngài trích huyện Điện Bàn bao gồm 5 xã: Tân Phúc, An Nông, Hòa Vinh, Diên Khánh và Phú Châu từ phủ Triệu Phong của Dinh Thuận Hóa và cập nhật nó thành phủ Điện Bàn, sau đó sát nhập phủ mới này vào với Trấn Quảng Nam.15
Dinh Quảng Nam thường được dân gian gọi là Dinh Chiêm 16 17 18. Trong lịch sử Đàng Trong, “Dinh”19 đồng nghĩa với “Xứ”, “Thừa Tuyên”, “Trấn” và đồng cấp với “Tỉnh” sau này. Tuy nhiên, cái tên “Dinh Quảng Nam” hay “Dinh Chiêm” ngày xưa cũng biểu hiện thành phố trực thuộc kinh sư (Dinh Cát hay Huế)20, nơi Trấn Thủ Quan làm việc vào thời ấy. Đối với người tây phương đến giảng đạo, nhà thám hiểm hay buôn bán vào đầu thế kỷ 17, họ chỉ hiểu cái tên Dinh Chiêm theo ý nghĩa thứ hai này.
Lúc ban đầu, Chúa Nguyễn Hoàng đặt lỵ sở Dinh Chiêm ở Cần Húc (1602). Cho đến năm 1776, Lê Quí Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục vẫn cho biết Cần Húc vẫn còn là lỵ sở của Dinh Quảng Nam.21 Tuy nhiên, Lê Quang Định viết trong trong Hoàng Việt Nhất Thống Địa Dư Chí (1806) rằng đến đời vua Gia Long, lỵ sở Dinh Quảng Nam đã dời về xã Thanh Chiêm.22 23 Đồng thời, Cần Húc xưa kia được đổi tên thành Văn Đông.24 25 Ngoài ra, Đại Nam Nhất Thống Chí 2006 còn cho biết thêm rằng Cần Húc “tiếp giáp xã Thanh Chiêm”.26 Câu này nói lên rằng Cần Húc và xã Thanh Chiêm khác nhau hoàn toàn tuy nằm kế cận nhau. Nhưng trong mục “Thành Trì”, Đại Nam Nhất Thống Chí lại viết “Đầu bản triều dựng dinh trấn ở xã Thanh Chiêm thuộc huyện Diên Phước.”27 Thoạt đầu, hai câu này có vẻ mâu thuẫn với nhau. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, từ cái tên “Diên Phước” nói lên rằng câu này được viết sau 1822, vì trong năm đó, vua Minh Mạng (1792-1841) mới bắt đầu đổi tên huyện Diên Khánh ra Diên Phước. Điều này có nghĩa là sau 1822, triều đình vua Minh Mạng công nhận lỵ sở của Dinh Quảng Nam, như đời vua Gia Long trước đây, ở xã Thanh Chiêm thuộc huyện Diên Phước.
Một số nhà nghiên cứu hiện đại cho rằng vào đầu thế kỷ 17, chúa Nguyễn Hoàng dời lỵ sở Dinh Chiêm khỏi Cần Húc, nhưng họ vẫn thắc mắc về vị trí mới của ly sở Dinh Chiêm thay thế cho Cần Húc. Kể từ 2002 cho đến nay, trong cả hai lần hội thảo, các học giả đã có nhiều bàn cãi sôi nổi về câu trả lời28. Thêm vào nữa, trong Đại Nam Nhất Thống Chí 2006 có nhắc đến Cần Húc và viết rằng xã này đã về sau được đổi tên ra là Văn Đông29, nhưng lại thêm chi tiết là xã Văn Đông thuộc về Huyện Diên Khánh (sau đổi thành Diên Phước)30 chứ không phải là Huyện Duy Xuyên nữa. Vậy thì Cần Húc (Văn Đông) đặt vị trí ở đâu, bao giờ thì lỵ sở Dinh Quảng Nam bị dời đổi và quan trọng hơn nữa là vì lý do gì?
Nhưng đối với nhà nghiên cứu như Phạm Đình Khiêm, Phan Khoang, Phan Du và Li Tana, họ cho rằng xã Cần Húc (Văn Đông) về sau này có tên mới là xã Thanh Chiêm31. Nhưng một số học giả khác như Ngô Văn Minh và Lê Duy Anh, lại cho rằng Dinh Chiêm luôn luôn trú ngụ tại xã Cần Húc, Huyện Duy Xuyên, nay thuộc xã Mỹ Xuyên và không hề bị dời về xã Thanh Chiêm bao giờ. Ngoài ra, họ cho rằng địa điểm của xã Cần Húc luôn nằm về phía nam sông Câu Lâu thuộc về xã Mỹ Xuyên hay Thị Trấn Nam Phước hiện nay.32 Cũng có một số nhà nghiên cứu, như Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Quốc Thắng, Nguyễn Phước Tương, Trương Quốc Bình, Nguyễn Thiếu Dũng, Huỳnh Công Bá33 và Nguyễn Đình Đầu có một suy nghĩ khác và cho rằng, trong vài năm đầu, lỵ sở của Dinh Chiêm chính nằm trong xã Cần Húc, nhưng sau đó được dời về xã Thanh Chiêm vào năm 1604.34
Mặc dù trong cả hai lần hội thảo (2002 và 2016), các học giả Việt Nam đã đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau về những câu hỏi trên, nhưng cuối cùng có lẽ, theo thời gian cho đến nay, mọi người đều đồng ý với Giáo Sư (GS) Nhật Bản Kikuchi Seiichi, thuộc trường nữ đại học Showa, Tokyo sau khi kiểm nghiệm kỹ lưỡng bức tranh cuộn Chaya Shinroku Kochi toko zukan (bắt đầu từ điểm này, chúng tôi xin gọi là Tranh Chaya – hãy xem Hình 19) và xác nhận rằng cơ sở hành chánh của Dinh Chiêm vào đầu thế kỷ 17 hiện diện trên phường Điện Phương, Thị xã Điện Bàn ngày nay.35 Nhưng đối với chúng tôi, sự khám phá đầy thú vị này vẫn chưa đủ vì ý nguyện của chúng tôi là muốn tìm hiểu sâu xa hơn thế nữa; chúng tôi muốn tìm ra chi tiết rõ hơn về cố dinh đô Dinh Chiêm từ thuở thành lập cho hết cuối đời nhà Nguyễn. Trước đây lỵ sở nó ở Cần Húc, sau này đi về đâu? Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn đi tìm vị trí không những của căn nhà ngang đồ sộ Trạm Thương Khách mà Tranh Chaya cho biết nằm sát bên bờ sông Chợ Củi (Thu Bồn), mà còn thành trì Dinh Chiêm nữa. Chúng tôi cũng muốn tìm hiểu sự lớn mạnh của thành phố Dinh Chiêm vào đầu thế kỷ 17. Chúng tôi không nghĩ nó chỉ giới hạn trong phạm vi thành Dinh Chiêm hay Cần Húc.
Còn một điều nữa cũng rất thú vị là trong Đại Nam Nhất Thống Chí khi trình bày về Phủ Điện Bàn36 đã nhắc rằng vào năm 1822 dưới đời Vua Minh Mạng, huyện Diên Khánh trong phủ Điện Bàn được đổi tên thành huyện Diên Phước (Diên Phúc). Không lâu sau, Vua Minh Mạng sát nhập địa phận của huyện Duy Xuyên vào với phủ Điện Bàn (1836)37.
Nói tóm lại, dựa theo Đại Nam Nhất Thống Chí 2006, thành Dinh Chiêm cũ là một cơ sở hành chánh đồ sộ, đắp bằng đất, với chu vi 1,410 m (300 trượng)38; còn vị trí lỵ sở của nó nằm ở đâu còn cần nhiều khảo cứu và khám phá mới biết được. Nhưng Đại Nam Nhất Thống Chí 2006 cũng cho biết thêm rằng Vua Minh Mạng, vào năm 1833, sau khi xây cất xong thành Điện Bàn, từ bỏ thành Dinh Chiêm cũ và dời thành về xã La Qua39.
Để thống nhất các dữ kiện lịch sử có liên quan đến Dinh Chiêm, chúng tôi tóm tắt những chi tiết vào Bảng 1 như sau:
Năm | Biến Cố | Ghi Chú |
---|---|---|
1600 | Chúa Nguyễn Hoàng trích huyện Điện Bàn bao gồm 5 xã Tân Phúc, An Nông, Hòa Vinh, Diên Khánh và Phú Châu từ phủ Triệu Phong của Dinh Thuận Hóa, lập thành phủ Điện Bàn và sát nhập phủ mới này vào Trấn Quảng Nam. Ngài cũng đổi tên huyện Hy Giang của phủ Thăng Hoa thành huyện Duy Xuyên; đổi huyện Tư Nghĩa thành huyện Quảng Nghĩa và phủ Hoài Nhơn thành phủ Qui Nhơn. | Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quí Đôn, 1776, Nhà Xuất Bản Văn Hóa-Thông Tin, 1976, trang 54-55. Đại Nam Nhất Thống Chí, Q. 7, Phạm Trọng Điềm dịch, NXB Thuận Hóa, Huế, 2006, trang 388, cho biết đến năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng mới chính thức thực hiện những công việc này. Tương tự như vậy, Đại Nam Thực Lục, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, Tiền Biên, quyển 1, trang 36, cho biết những chuyện này được thực hiện vào năm 1604. Kết luận: Vì Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn ra đời sớm hơn các tài liệu lịch sử khác (1776), chúng tôi phải dựa theo những dữ kiện mà Lê Quí Đôn để lại. |
1602 | Chúa Nguyễn Hoàng đặt Dinh Quảng Nam bao gồm ba phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn. | Đại Nam Nhất Thống Chí, Q. 7, 2006, trang 388. |
Lỵ sở Dinh Quảng Nam được đặt ở xã Cần Húc (hay còn gọi là Cần Hào), huyện Duy Xuyên. | Đại Nam Nhất Thống Chí, Q. 7, 2006, trang 431; Lê Quí Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, 1776, trang 152 và 185. Vào năm 1776, Lê Quí Đôn vẫn gọi “Cần Húc” hay “Cần Hào”, thuộc huyện “Duy Xuyên” – Thanh Chiêm lúc này chưa được nhắc đến. Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Q. 1, trang 39 cũng cho biết như vậy. Vào năm 1806, Lê Quang Định viết trong Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí nhắc đến xã Văn Đông (trang 221). | |
Chúa Nguyễn Hoàng trao Dinh Quảng Nam cho con thứ sáu Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635) trấn giữ. | Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quí Đôn, 1776, Nhà Xuất Bản Văn Hóa-Thông Tin, 1976, trang 63. | |
1806 | Vua Gia Long đặt tên mới cho Dinh Quảng Nam thành Trực Lệ Quảng Nam Dinh, lệ vào Kinh sư (Huế). | Đại Nam Nhất Thống Chí, Q. 7, Phạm Trọng Điềm dịch, NXB Thuận Hóa, Huế, 2006, trang 388. |
Lỵ̣ sở dinh Quảng Nam được dời về xã Thanh Chiêm, huyện Diên Khánh, Phủ Điện Bàn | Lê Quang Định, Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí, 1806, Phan Đăng dịch, trang
218. Điều này cũng là một cột mốc quan trọng. Bắt đầu từ đây, Dinh Quảng Nam (Dinh Chiêm) có lỵ sở nằm ở xã Thanh Chiêm. Trước đó vào năm 1776, Lê Quí Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục cho biết lỵ sở dinh Quảng Nam vẫn còn ở xã Cần Húc, trang 152 và 185. Giống như Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí, Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Q. 33, trang 758 cũng cho biết như vậy. |
|
Cần Húc bị đổi tên thành Văn Đông, nay lệ thuộc huyện Diên Khánh. Khoảng cách giữa xã Văn Đông và xã Thanh Chiêm là 632 m (316 tầm). | Đại Nam Nhất Thống Chí, Q. 7, Phạm Trọng Điềm dịch, NXB Thuận Hóa, Huế, 2006, trang 431; Lê Quang Định, Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí, 1806, Phan Đăng dịch, trang 221, cho biết Văn Đông cách xã Thanh Chiêm 316 tầm. 1 Tầm = 2 m (ibid, trang 13) |
|
Khoảng 1810 | Giữa đời Gia Long, thành cũ Quảng Nam (Dinh Chiêm) ở Thanh Liêm được sửa sang đắp bằng đất. | Đại Nam Nhất Thống Chí, Q. 7, Phạm Trọng Điềm dịch, NXB Thuận Hóa, Huế, 2006, trang 432. Đây có phải là lỗi chính tả không? |
1812 | Trực Lệ Quảng Nam gồm 2 phủ Điện Bàn và Thăng Hoa. Phủ Điện Bàn bao gồm 2 huyện Diên Khánh, Hòa Vang; phủ Thăng Hoa gồm 3 huyện Duy Xuyên, Hà Đông và Lê Dương. | Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Dinh Quảng Nam I (Tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng), NXB, Đại Học Quốc Gia, 2010. Trang 62. |
Địa bạ Dinh Quảng Nam được thực hiện trong năm này. | Ibid, trang 59. | |
1822 | Vua Minh Mạng đổi tên huyện Diên Khánh thành huyện Diên Phước. | Đại Nam Nhất Thống Chí, Q. 7, Phạm Trọng Điềm dịch, NXB Thuận Hóa, Huế, 2006, trang 389. |
1827 | Vua Minh Mạng đổi Quảng Nam Trực Lệ làm Trấn Quảng Nam; trích tổng Tân An, thuộc huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa vào huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa. | Ibid, trang 388. Ibid, trang 390. |
1832 | Vua Minh Mạng đổi Trấn Quảng Nam thành Tỉnh Quảng Nam. | Ibid, trang 388. |
1833 | Sau khi xây xong thành Điện Bàn ở xã La Qua, Vua Minh Mạng chuyển lỵ sở Dinh Quảng Nam về đây. Thành cũ bị bỏ. | Ibid, trang 432. |
Thành Điện Bàn chu vi 489 trượng (2,298 km); cao 1 trượng 2 thước linh (5,64 m); hào rộng 4 trượng 5 thước (21,15 m ), sâu 7 thước linh (3,29 m). | Ibid, trang 396. | |
1836 | Vua Minh Mạng thuyên chuyển và sát nhập huyện Duy Xuyên, thuộc phủ Thăng Hoa cho vào Phủ Điện Bàn. | Ibid, trang 390-391. |
Nhà vua trích ra 4 tổng từ huyện Duy Xuyên và tạo thành huyện mới Quế Sơn. | Ibid, trang 391. |
Trải qua gần 300 năm, bắt đầu từ Chúa Nguyễn Hoàng cho đến 1776, khi Lê Quí Đôn viết Phủ Biên Tạp Lục, Dinh Quảng Nam (tỉnh Quảng Nam hiện nay), được dân gian gọi là Dinh Chiêm, có lỵ sở ở xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên. Nhưng thật sự chữ “Dinh” đồng nghĩa với “Trấn” hay “Tỉnh” và có nghĩa là tên của một đơn vị hành chánh rất lớn. Vì thế, Dinh Chiêm cũng có nghĩa là Dinh Quảng Nam mà sau này đến đời vua Minh Mạng được gọi là Tỉnh Quảng Nam. Nhưng đối với các giáo sĩ tây phương hay các nhà vẽ bản đồ, Dinh Chàm hay Dinh Chiêm chỉ là một thành trì lớn hay đô thị quan trọng thuộc về Dinh Quảng Nam ở Đàng Trong. Điều này được phản ảnh trên các bản đồ của họ.
Sau khi phục quốc và thống nhất đất nước vào năm 1802, vua Gia Long quyết định đặt lỵ sở Dinh Quảng Nam ở xã Thanh Chiêm, thuộc huyện Diên Khánh, Phủ Điện Bàn (1806). Đồng thời, Dinh Quảng Nam trở thành trực lệ kinh sư. Lúc này, cái tên Cần Húc hầu như biến mất, trở thành Văn Đông (1806) mà lỵ sở lại bị sát nhập vào huyện Diên Khánh. Vua Minh Mạng đổi tên huyện Diên Khánh thành huyện Diên Phước (1822). Sau khi thành Quảng Nam mới được dựng lên bằng gạch, ngài dời lỵ sở tỉnh Quảng Nam về xã La Qua (1833) và cuối cùng, sát nhập huyện Duy Xuyên vào với phủ Điện Bàn (1836). Điều này cho thấy, để tránh hoang mang trong sử sách sau này, có lẽ vua Minh Mạng quyết định gom góp hai huyện Diên Phúc và Duy Xuyên vào một phủ vì cả hai, nay đều thuộc về phủ Điện Bàn.
Thêm vảo nữa, sự sát nhập của làng xã từ huyện này qua huyện khác đã gây ra hoang mang trong lịch sử, thí dụ xã Cần Húc, trước kia lệ thuộc huyện Duy Xuyên (trước 1776), sau bị đổi tên thành Văn Đông (1806) và chuyển qua huyện Diên Khánh (1812). Trong khi đó, ngược lại, các xã nằm giữa biên giới giữa hai huyện Duy Xuyên và Diên Khánh, như Câu Lâu, Mỹ Xuyên Đông, Mỹ Xuyên Tây, Gia Tịnh, Lang Châu và Bàn Thạch trước đó lệ thuộc vào huyện Diên Khánh (trước 1776); sau đó chuyển về lại với huyện Duy Xuyên (1812)40. Đó là không kể chuyện đổi tên huyện từ “Diên Khánh” sang “Diên Phước” (1822), cũng như sự thiếu sót những tài liệu về địa bạ, tên tuổi và ranh giới các làng, xã, tổng, huyện trong các thế kỷ trước đây. Nhất là sau hơn 30 năm nội chiến, Trịnh Nguyễn phân tranh và Tây Sơn nổi dậy, chúng tôi nghĩ những tài liệu lịch sử bị thất lạc hay đốt cháy rất nhiều. Đối với các sử gia hiện đại hay nhà nghiên cứu, để tìm hiểu và tháo gở ra nắm bùi nhùi này thật là một chuyện tương đối rất khó khăn.