Hình 14 cho thấy một số làng xã thuộc về huyện Duy Xuyên và Diên Khánh. Vào đầu thế kỷ 17, huyện Diên Khánh rất rộng bao gồm không những miền nam Điện Bàn mà còn cả Hội An và Đà Nẳng. Riêng huyện Duy Xuyên, nó là một huyện rất cổ thuộc về phủ Thăng Hoa và được đổi tên từ Hy Giang vào năm 1600.124
Bắt đầu từ điểm này, chúng tôi sẽ dùng các dữ kiện trong Phủ Biên Tạp Lục do Lê Quí Đôn viết vào năm 1776 như một cột mốc quan trọng trong lịch sử. Trong đó, Lê Quí Đôn cho biết rằng huyện Diên Khánh có 2 tổng: Uất Lũy và Mông Lĩnh.
Tổng Uất Lũy bao gồm 14 xã, 5 giáp và 5 phường như sau: Uất Lũy, Cẩm Lâu, Mỹ Xuyên Đông, Mỹ Xuyên Tây, Bình An, Bàn Thạch, Câu Lâu, Hoa Phố, Khúc Lũy, Gia Tịnh, Lang Xuyến, Phiên Lĩnh, Thạch Khôi, Phiên Lĩnh Thị, Lợi An, Yên Mỹ, Cẩm Bồ, Phú Triêm Nam Giáp và Đông An.125
Tổng Mông Lĩnh gồm có các 27 xã, 5 thôn, 1 ti, 5 phường, 3 man như sau: Mông Lĩnh, Mông Nghệ, An Lạc, An Khang, Trà Đình, Địch Khang, Liễu Trì, Phúc Trạch, Phú Khang, Tiên Đoá, Tuân Nghĩa, Cẩm Lâu, Mậu Hòa, Vân Quật, Thanh Ly, Tuân Dưỡng, Thi Lãi, Kế Xuyên, Tiên Đóa Bến Ngòi, Phú An, Xuân An, Chiêm Sơn, Tiên Đóa Diên Phúc, Tiên Đóa Diên An, Giáo Phường, Trà Đóa, Vạn Lộc Man, Cẩm An, Đặng Lương, Vân Đóa, Lạc Câu, Tân Mỹ, Phúc An Đông, Phúc An Tây, Dương Bi, Vĩnh Phúc, Tân An, Phú Quý Man và Tân An Man.126
Còn huyện Duy Xuyên bao gồm 10 xã, 3 thôn sau đây: La Đáp Đông, La Đáp Tây, La Đáp Trung, Chính Phố, Trà Long, Phổ Thị, Hà Hạm, Cành Mít, Xuân Phú, Đường Mông, Nhiêu Phu, Đông An và Nội Phủ Chí Ly.127 Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, chúng tôi nghi ngờ danh sách các tên trong huyện Duy Xuyên từ Lê Quí Đôn có gì sai lạc vì theo truyền thống từ 1471, huyện Duy Xuyên mà ngày xưa được gọi là huyện Hy Giang nên tên tuổi của các xã trong huyện đều tồn tại trước 1776 cho đến năm 1812, khi địa bạ Quảng Nam được khởi xướng. Điều mà chúng tôi muốn nói là cái danh sách xã mà Lê Quí Đôn cung cấp trong Phủ Biên Tạp Lục, ngoài hai xã La Tháp Đông/Tây, không giống như trong sách địa bạ Quảng Nam (1812). Trong địa bạ viết từ đời vua Gia Long (1812) huyện Duy Xuyên bao gồm các thôn xã như sau: An Dưỡng, An Thành, Bảo Sơn, Câu Lâu, Cây Lim thôn, Chiêm Sơn Phụ Lũy, Gia Tịnh phường, Hương Sơn, La Tháp Đông, La Tháp Tây, Lang Châu, Mậu Hòa, Mậu Hòa Phụ Lũy, Mỹ Lộc, Mỹ Xuyên Đông Giáp, Mỹ Xuyên Tây Giáp, Ngân Châu, Ngọc Sơn, Phú An, Phú Đa, Phú Lộc, Phú Nham Đông, Phú Nham Tây, Phú Sơn Chính, Phú Vinh thôn, Phú Vinh, Phụ Huyện Đông An thôn, Tây An, Thạch Bàn, Thu Bồn, Trà Kiệu Đông Trà Kiệu Tây và Vân Quất.128
Trong Hình 14, khi chú ý một chút, chúng ta sẽ nhận thấy rằng vào năm 1776 có một số xã mà trong quá khứ thường lệ thuộc huyện Duy Xuyên như Mỹ Xuyên Đông, Mỹ Xuyên Tây, Bàn Thạch, Câu Lâu, Gia Tịnh, Lang Xuyến (Lang Châu, 1812), Vân Quật và Thi Lãi nay lại lệ vào huyện Diên Khánh. Điều đáng ngạc nhiên là các xã này nằm dọc theo các bờ sông Thu Bồn ở phương bắc, sông Ba Rén ở phương nam và cả sông Dưỡng Chân chảy xuyên qua huyện Duy Xuyên từ nam lên bắc bao bọc bên ngoài huyện Duy Xuyên. Kể từ 1471, những xã nhắc đến trên đều là những làng xã rường cột trong huyện Duy Xuyên. Nhưng vì một lý do nào đó mà chúng tôi sẽ tìm hiểu sau và tìm ra những câu trả lời xác đáng, trong một khoảng thời gian nào đó, chúng lại có sự thay đổi trong huyện lệ. Khi huyện Diên Khánh sở hữu chúng có nghĩa là địa phận huyện Duy Xuyên bị ép nhỏ hẹp lại nhất nhiều. Tuy nhiên, Lê Quí Đôn cho biết vào năm 1776, chỉ riêng xã Cần Húc (lúc này vẫn còn là lỵ sở của Dinh Quảng Nam) nằm một cách lẻ loi giữa địa bàn huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn, bên bờ bắc sông Cầu Mống, nhưng vẫn lệ thuộc huyện Duy Xuyên ở hướng nam.129
Không bao lâu sau, vua Gia Long thống nhất đất nước vào năm 1802, một trong những công việc khẩn cấp cần làm là thống kê điền thổ toàn quốc kể cả Dinh Quảng Nam. Dựa theo Nguyễn Đình Đầu, thống kê ruộng đất trong tỉnh Quảng Nam đã được thực hiện vào năm 1812.130 Trước đó không lâu, vào năm 1806, Cần Húc nay được đổi tên thành Văn Đông1331 và lệ vào huyện Diên Khánh (1812).132 Ngược lại, các xã nằm bên bờ các sông được nhắc đến như trên được chuyển về lại với huyện Duy Xuyên như cũ, thí dụ như xã Câu Lâu, xã Mỹ Xuyên Đông, Mỹ Xuyên Tây, v.v…133 Đây là một điều rất lạ lùng đã xảy ra trong lịch sử. Có lẽ cuộc nội chiến giữa Đàng Trong, Đàng Ngoài và Tây Sơn trong vòng 30 năm đã khiến có sự trễ nải trong công việc cập nhật địa bạ cùa các huyện xã trong toàn quốc cũng như ở Dinh Quảng Nam.
Nói tóm lại, những dữ kiện này cho thấy không chỉ xã Cần Húc là bị thay đổi huyện lệ mà địa giới các xã nằm giữa biên giới hai huyện Duy Xuyên và Diên Khánh cũng như vậy, nhưng chiều hướng chỉ đi trái ngược với nhau mà thôi. Vậy thì chúng ta nên tự thắc mắc là lý do gì mà dưới thời các chúa Nguyễn, Cần Húc thuộc huyện Duy Xuyên cho đến 1776, nhưng đến đời vua Gia Long lại xảy ra chuyện Cần Húc (Văn Đông) bị sát nhập vào với huyện Diên Khánh.
Chúng tôi suy nghĩ và đưa ra giả thuyết rằng chính sự thay đổi của các dòng sông như Chợ Củi Dưỡng Chân, Câu Lâu và (hay) Cầu Mống đã gây ra sự biến chuyển và thay đổi trong hành chánh của các xã – không chỉ có xã Cần Húc là bị ảnh hưởng không mà thôi – nằm sát biên giới giữa hai huyện Duy Xuyên và Diên Khánh. Vì thế, chúng tôi sẽ nghiên cứu, học hỏi địa lý và địa hình các con sông ở miền nam Điện Bàn qua quá trình lịch sử Đàng Trong từ đời chúa Nguyễn Hoàng cho đến Pháp thuộc. Với các bằng chứng từ sách vở lịch sử từ nhiều thế hệ trước cho đến nay và bản đồ cổ xưa từ đời Hồng Đức cũng như các nhà vẽ bản đồ Âu Châu và quân đội Hoa Kỳ, chúng tôi hy vọng sẽ tìm ra câu trả lời xác đáng.
Hình 15 tiêu biểu sông ngòi ở vùng nam Điện Bàn và Hội An vào năm 1930. Hệ thống Sông Thu Bồn là một trong số sông dài nhất tỉnh Quảng Nam và miền Trung (200 Km) bao gồm hai con sông chính có tên là Sông Vu Gia (còn được gọi là Sài Thị Giang) và Sông Thu Bồn. Hai con sông này xuất phát từ miền thượng du trong dãy núi Trường Sơn. Sau khi nhập làm một tại thôn Giao Thủy134, nhưng không bao lâu khi nó chảy đến xã Văn Ly135, trước khi gặp Gò Nổi lại tách đôi nữa để thành nhánh Sông Thu Bồn rẻ về hướng đông bắc, còn nhánh còn lại tẻ về hướng đông nam được gọi là Sông Bà Rén (còn gọi là Sông Cái). Cả hai nhánh chảy song song về hướng đông vòng theo Gò Nổi. Khi sắp rời Gò Nổi thì nhánh sông Thu Bồn, ở phương bắc, tiếp tục chảy về hướng đông và đổi tên thành sông Câu Nghê, sau đó, thành sông Điện Bình khi qua xã Câu Nhi (hay Câu Nhí) và cuối cùng thành Sông Chợ Củi chảy dọc theo bên đường Thiên Lý ở miền nam Điện Bàn. Nhắc đến nhánh thứ hai, khi qua khỏi Đông Giáp, Sông Bà Rén lại chia làm hai nhánh phụ; nhánh lớn hơn chảy về hướng đông nam, ngoằn ngoèo để cuối cùng đổ vào vịnh Hội An trước khi ra Cửa Đại – nhánh này vẫn gọi là Bà Rén. Còn nhánh phụ nhỏ, ngắn hơn là Dưỡng Chân chảy lên hướng đông bắc; một chi nhánh của sông Dưỡng Chân đổ vào Huyện Duy Xuyên thành Sông Kẻ Thử (hay còn gọi là Kẻ Thí) đổ ra sông Câu Lâu ở phía bắc; con sông này bị tắc nghẻn từ lâu lắm rồi, nhưng nhánh lớn Dưỡng Chân hơn vẫn tiếp tục chảy lên đông bắc gặp và sát nhập với Sông Chợ Củi để cả hai đổ vào hai con sông lớn; một trong hai sông này là sông Câu Lâu (ngang Cầu Câu Lâu) chảy thẳng về hướng đông. Dòng còn lại là Sông Cầu Mống chảy vòng lên phía đông bắc bao bọc chung quanh gò nổi xã Câu Lâu (nay là Điện Phương Đông). Hiện nay, Sông Cầu Mống hầu như bị khô cạn.
Chợ Củi ngày xưa là một bãi bồi nằm bên trái đường Thiên Lý kéo dài xuống nam Điện Bàn. Buôn bán nơi đây rất thịnh vượng cho đến cuối thế kỷ 19. Chợ Củi tập trung hàng hóa từ thượng lưu Sông Thu Bồn, tải xuống Hội An buôn bán. Ngược lại, hàng ngoại quốc nhập cảng từ Hội An lại tập trung tại Chợ Củi và bán lên thượng du136. Vì thế, danh tiếng của Chợ Củi gần như trở thành huyền thoại đối với người dân địa phương.
Hình 15 cũng cho thấy trước khi thành sông Chợ Củi, sông Thu Bồn tách rẻ ra một nhánh sông nhân tạo lấy tên là Vĩnh Điện chảy về hướng đông bắc. Nó được đào ra ngay thôn Câu Nhi trên sông Thu Bồn chảy thẳng lên bắc-đông bắc và cuối cùng nối liền sông Cẩm Lệ ở Đà Nẳng, rồi đổ ra Cửa Hàn. Dưới đời vua Minh Mạng, nó đã được nới rộng hai lần (1822 và 1826). Điều này nói lên tầng lớp quan trọng của con sông nhân tạo này trong hệ thống sông ngòi Thu Bồn ở vùng Điện Bàn và Hội An trong lịch sử nhà Nguyễn.
Dựa theo Đại Việt Nhất Thống Chí, dịch ra và xuất bản năm 1964, dưới đời vua Gia Long, nhánh sông Chợ Củi (tức là sông Thu Bồn; ngay địa điểm này còn gọi là sông Chợ Cối137) thường thường còn gọi là sông nhỏ, có lượng nước thấp, nhưng sau khi vua Minh Mạng mở rộng sông Vĩnh Điện, nó trở thành sông lớn. Vì thế, đổi lại, con sông còn lại chảy song song với sông Chợ Củi là sông Bà Rén mà một trong hai chi nhánh chính của nó gọi là sông Dưỡng Chân chảy ngang qua, cắt huyện Duy Xuyên về hướng nam-bắc xưa kia xưa kia là sông lớn, nay biến thành thành sông nhỏ bắt đầu dưới đời vua Minh Mạng vì lượng nước đem đến từ nó ít đi.138 Sau khi đọc qua những lời giải thích trong Đại Việt Nhất Thống Chí, chúng tôi có cảm tưởng rằng các sử gia trong đời Minh Mạng có lẽ muốn cho các thế hệ sau biết sự lệ thuộc của sông ngòi miền nam Điện Bàn vào sông Vĩnh Điện, sau khi nó được nới rộng. Từ những lời giải thích này, chúng ta có thể nhận thức rằng một khi sông Chợ Củi biến thành sông nhỏ hay lớn, sông Câu Lâu cũng theo vậy mà thôi vì hai sông tuy hai nhưng là một nối liền với nhau. Tương tự như thế, dựa theo Đại Việt Nhất Thống Chí, diện mạo của sông Dưỡng Chân lại trái ngược với sông Chợ Củi, nhưng tùy thuộc vào số lượng nước của sông Chợ Củi; khi sông Chợ Củi nhỏ đi, nó lại bành trướng và ngược lại. Vì sông Dưỡng Chân hầu như nối liền với sông Cầu Mống ở phía bắc, chúng tôi cũng có thể đặt thêm giả thuyết rằng mức độ nông hay sâu của sông Cầu Mống tùy thuộc vào diện mạo của sông Dưỡng Chân, đó là, khi sông Dưỡng Chân lớn mạnh, nó cũng lớn mạnh, và ngược lại.
Trải qua hơn 100 năm sau, vào năm 1958, khi Phạm Đình Khiêm, viếng thăm Thanh Chiêm, ông cho biết nay sông Chợ Củi nay trở lại thành sông nhỏ trở lại.139 Những điều qua lại này cho thấy mặc dù lúc đầu sông nhân tạo Vĩnh Điện được nới rộng sâu hơn có thể đã thay đổi địa lý và chiều hướng nước chảy của các dòng sông lớn vùng nam Điện Bàn, nhưng sự ảnh hưởng của nó có giới hạn trong vòng hơn một trăm năm sau. Về sau này, có lẽ khi phù sa bắt đầu bồi đắp thêm dần theo thời gian, nó cạn dần; nhất là khi nó không được tu bổ, đào sâu thêm nữa. Vì thế ảnh hưởng của nó đối với hai nhánh sông chính Chợ Củi và Dưỡng Chân hầu như không còn nữa.
Trong phần trình bày “Địa Phận Châu Thổ Cần Húc” trước đó, từ hình chụp vệ tinh, chúng tôi đã khám phá ra rằng sông Vĩnh Điện và sông Cầu Mống đã được nối liền với nhau nhiều thế kỷ trước, và vì vậy, dần dần châu thổ Cần Húc được thành hình từ sự bồi đắp của phù sa từ sông Vĩnh Điện đổ ra sông Cầu Mống (Hãy xem Hình 9,10 và 11). Điều này được phản ảnh qua gia phả tộc Nguyễn Văn và hình ảnh vệ tinh. Vì thế, chúng tôi cho rằng Cần Húc thật sự là một châu thổ và cũng là lỵ sở của Dinh Quảng Nam vào năm 1602; Điều này cho thấy sông nhân tạo Vĩnh Điện không phải bắt đầu được đào dưới triều vua Minh Mạng mà đã ra đời cả mấy trăm năm trước đó; có thể bắt đầu dưới các thời đại nước Chiêm Thành.
Nhưng suy nghĩ kỹ hơn, chúng tôi nhận thấy rằng nối liền sông Vĩnh Điện với sông Cầu Mống là một lầm lỗi là vì mục đích đào sông Vĩnh Điện, theo chúng tôi nghĩ, là để quân bình số lượng nước giữa hai sông lớn chảy song song là sông Thu Bồn ở phía bắc và sông Bà Rén ở phía nam. Nói một cách khác, trong mùa nước lụt, nó sẽ rút bớt nước lũ từ sông Thu Bồn và mang ra Đà Nẳng đề rồi đổ ra cửa Hàn. Vì thế, nạn ngập lụt, sạt lở sẽ không xảy ra nữa hay sẽ bớt đi. Ngược lại, dựa theo Đại Việt Nhất Thống Chí, trong mùa khô cạn, con sông nhân tạo này tạo ra một lực có thể rút bớt nước từ sông Ba Rén để cung cấp thêm cho sông Thu Bồn. Nhưng vì một lý do nào đó, chúa Nguyễn, hay xưa hơn nữa từ đời Chiêm Thành, lại tiếp nối sông Vĩnh Điện vào với sông Cầu Mống bằng một dòng sông cổ. Sau nhiều năm, phù sa từ dòng sông cổ đã tạo ra sự bế tắc của sông Cầu Mống vì sau nhiều năm, vì có quá nhiều lớp trầm tích lắng đọng tại cửa sông Cầu Mống và dòng sông cổ, nơi châu thổ (delta) Cần Húc đã được tạo thành (hãy xem lại Hình 11). Tuy nhiên, qua nhiều năm tháng, chúng tôi nghĩ bãi bồi Cần Húc không những khiến cho dòng sông cổ bị bế tắc mà còn giảm số lượng nước chảy qua sông Cầu Mống. Chỉ tưởng tượng chúng ta có thể hình dung ra trong mùa lụt lội, dưới đời các chúa Nguyễn, vì sông Cầu Mống và Câu Lâu là hai dòng sông chính mang nước ra cửa Đại, một khi sông Cầu Mống bị bế tắc, sông Câu Lâu sẽ gánh hết số lượng nước rất lớn. Chỉ cần nghĩ đến điều này thôi, chúng tôi đã hình dung ra được cảnh lụt lội khắp nơi kể cả các miền thượng lưu lẫn hạ lưu của sông ngòi miền nam Điện Bàn.
Sau đây là một sơ đồ tượng trưng cho hệ thống sông Thu Bồn khi nó đi ngang qua miền nam Điện Bàn rồi chảy về hướng Hội An, và cuối cùng, đổ ra Cửa Đại:
Hình 16 cũng cho thấy rằng xã Câu Lâu140 nằm giữa hai dòng nước chảy của sông Cầu Mống ở phía bắc và sông Câu Lâu ở hướng nam. Nó nằm bên bờ sông bắc Câu Lâu; còn bờ nam là huyện Duy Xuyên. Về mặt bắc, xã này nằm sát cạnh xã Cần Húc cách ngăn bởi con sông Cầu Mống.
Hiện nay (2023), sông ngòi miền nam Điện Bàn tương đối vẫn còn giống vào năm 1930, nhưng sông Chợ Củi nay là sông lớn nối liền với sông Câu Lâu chảy ra cửa Đại. Nhưng ngược lại, sông Dưỡng Chân lại nông cạn đi, nhất là sông Cầu Mống nay chỉ còn lại là một dòng suối nhỏ chảy quanh phường Điện Phương Đông. Hãy xem bản đồ sau đây phản ảnh sông ngòi nam Điện Bàn hiện nay (Hình 17).
Trong đầu thế kỷ 17, sông Cầu Mống và sông Câu Lâu mở rộng (Hình 9); thương thuyền qua lại rất đông từ cửa Đại và Hội An đến thành Thanh Chiêm mà lỵ sở là Cần Húc nằm bên bờ bắc sông Cầu Mống; bên bờ phía nam sông Cầu Mống là xã Câu Lâu – nay là phường Điện Phương Đông. Nhưng trong tranh Chaya (Hình 19) vẽ khoảng 1640 do các thương gia Nhật Bản, hình ảnh sông ngòi lẫn địa hình miền nam Điện Bàn đã thay đổi. Tranh Chaya cho thấy lòng sông Câu Lâu nay đã biến thành một bãi bồi khổng lồ nối liền với huyện Duy Xuyên ở phía nam. Trong hai dòng sông chính Chợ Củi và sông Dưỡng Chân giao nhau đổ về hướng đông. Dòng sông còn lại để nhận lấy số lượng nước lớn từ nguồn này là sông Cầu Mống; nay được nới rộng hơn xưa rất nhiều. Và vì thế, chúng tôi sẽ đặt ra giả thiết rằng vào năm 1640, cả hai địa phận xã Cần Húc và xã Câu Lâu đều lệ thuộc vào huyện Duy Xuyên vì địa phận chúng nằm sát bên huyện này. Không những thế, chúng tôi cũng nhận thấy rằng Lê Quí Đôn, khi viết Phủ Biên Tạp Lục năm 1776, cũng còn công nhận rằng cả xã Cần Húc vẫn lệ vào huyện Duy Xuyên141, trong khi xã Câu Lâu đã thuộc về huyện Diên Khánh từ lâu.142
Nhưng điều quan trọng hơn mà chúng tôi muốn tìm hiểu thêm là trong quá trình lịch sử, sự thay đổi, chuyển hướng của những con sông chính trong miền nam Điện Bàn đã ảnh hưởng đến phân chia ranh giới của các xã trong hai huyện như Duy Xuyên và Diên Khánh. Thêm vào nữa, chúng tôi cũng muốn tìm hiểu sự lệ thuộc của hai sông hạ lưu Câu Lâu và Cầu Mống từ hai dòng sông thượng Chợ Củi và Dưỡng Chân. Vì thế, chúng tôi đặt ra một số giả thuyết mới bao gồm 4 điều kiện hay trường hợp sau đây:
Nhưng trước khi biện minh cho những giả thuyết trên, chúng tôi sẽ phân tích những sự thay đổi sông ngòi chung quanh vùng Điện Bàn trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cho rằng chúng thay đổi theo những quá trình nhất định. Nguyên do và tiến trình của những sự thay đổi này có thể xếp đặt theo ba trường hợp thứ tự như sau:
Hãy xem Hình 9, tượng trưng cho hình ảnh sông ngòi Điện Bàn vào năm 1602 khi Chúa Nguyễn Hoàng ghé qua Cần Húc146 lần đầu tiên và hai năm sau, quyết định đặt dinh trấn Quảng Nam tại nơi này. Tuy hình ảnh này được vẽ lại dựa vào công trình nghiên cứu của các nhà địa chất Vũ Văn Phái và Đặng Văn Bào, theo chúng tôi phải đặt giả sử rằng địa mạo của nam Điện Bàn trong hình phản ảnh quang cảnh địa thế vào thời ấy. Vào đầu thế kỷ 17, ngay ngã tư mà bốn con sông nhập làm một, hai dòng đi lên, đó là Sông Chợ Củi cùng với Sông Dưỡng Chân (Sông Bà Rén) nhập làm một dồn dập chảy về hướng đông bắc. Không bao lâu, dòng nước lũ này lại chia đôi khi tiến vào địa phận thuộc Cần Húc; Sông Cầu Mống147 ở phía đông bắc tách rời xã Cần Húc ra hai miền nam và bắc (nằm phía bắc là xã Cần Húc và phía nam là xã Câu Lâu). Còn dòng Sông Câu Lâu chảy ở hướng nam bao bọc xã Câu Lâu và biến nó thành một gò nổi nằm chơi vơi giữa dòng Sông Câu Lâu và Cầu Mống.
Nếu chú ý hơn trên Hình 9, như chúng tôi đã trình bày trong các phần trước, có một nhánh sông cổ, nhỏ ngoằn ngoèo cắt đôi xã Cần Húc ra làm hai phần, tây và đông. Khi dùng hình vệ tinh từ Michelin map (Hình 10), chúng tôi nhận ra rằng nhánh sông nhỏ, ngoằn ngoèo này bắt ngưồn từ sông nhân tạo Vĩnh Điện; sau khi cung cấp một số lượng nước cho thành Điện Bàn, nó cuối cùng chảy xuôi về hướng nam, ra xã Cần Húc, chia đôi xã Cần Húc ra làm đôi. Phía tây xã Cần Húc là một châu thổ (delta). Thật đúng như lời diễn tả trong gia phả tộc Nguyễn Văn tại xã Câu Lâu.
Trong lịch sử, tương tự như vào đầu thế kỷ 17, Giáp Ngọ Bình Nam Đồ (Hình 18) trong tập bản đồ cổ Hồng Đức mà Bùi Thế Đạt đã vẽ và dâng lên Chúa Trịnh vào năm 1774 cho thấy địa lý sông ngòi trong vùng nam Điện Bàn vào thời khắc lịch sử này phản ảnh địa hình trong Hình 9 . Để bắt đầu trong công việc phân tích, chúng tôi tạm gọi đây là thời kỳ biến hóa của sông ngòi trong Chu Kỳ 1. Hãy xem Giáp Ngọ Bình Nam Đồ sau đây.
Nhìn trong Giáp Ngọ Bình Nam Đồ, về hướng đông nam của vùng Điện Bàn, chúng ta sẽ thấy môt gò nổi nho nhỏ nổi lềnh bềnh trên Sông Câu Lâu. Cái gò này chính là xã Câu Lâu – chính là Điện Phương Đông hiện nay. Ở phía bắc của nó có Sông Cầu Mống lượn quanh, còn ở phía nam, Sông Câu Lâu chảy từ tây sang đông, sát giữa gò nổi Câu Lâu và xã Mỹ Xuyên ở Huyện Duy Xuyên. Ở bên trái của gò nổi Điện Phương Đông là bãi nổi Chợ Củi mà sau này vào khoảng cuối thế kỷ 19 bị chìm dưới lòng sông Thu Bồn. Điều này chứng tỏ vào năm 1774, địa hình phía nam Điện Bàn cho thấy sông ngòi chảy hiền hòa từ tây sang đông để cuối cùng đổ ra biển Đông.
Tuy Giáp Ngọ Bình Nam Đồ là một bản đồ vẽ bằng tay, chúng ta có thể nhận thấy rằng tất cả các sông Chợ Củi, Câu Lâu, Cầu Móng, Dưỡng Chân đều rộng mở; tuy vậy, kích cở của hai sông Chợ Củi và Câu Lâu dường như rộng lớn hơn hai sông Cầu Mống và Dưỡng Chân. Dựa theo lời diễn tả của nhà thám hiểm người Pháp Camille Paris (1856-1908), vào năm 1889, chiều rộng của sông Câu Lâu nhìn từ bờ Mỹ Xuyên (nay thị trấn Nam Phước) qua bờ Chợ Củi rất rộng, khoảng 1 km.148
Vì thế, chúng tôi có thể kết luận rằng, Hình 9 – Sông Thu Bồn ở Đầu Thế Kỷ 17 và Hình 18 – Giáp Ngọ Bình Nam Đồ phản ảnh địa thế sông ngòi miền nam Điện Bàn trong những năm 1602 và 1774; các sông như Chợ Củi, sông Dưỡng Chân, sông Câu Lâu và sông Cầu Mống đều mở rộng; nước sông chảy điều hòa. Đây là hình ảnh của êm đềm, lý tưởng mà sông ngòi ở miền nam Điện Bàn đưa lại. Chúng tôi gọi sông ngòi miền nam Điện Bàn trong những năm này đang nằm trong Chu Kỳ 1. Trong Chu kỳ 1, sông Chợ Củi và Câu Lâu là sông lớn; còn hai sông Dưỡng Chân và Cầu Mống là hai sông nhỏ hơn. Những dữ kiện này cho thấy những điều kiện trong điều khoản 1 và điều khoản 2 trong giả thuyết về Sông Ngòi Nam Điện Bàn là đầy đủ và chính xác. Cũng vì là sông nhỏ, sông Cầu Mống cạn dần và vì thế, xã Câu Lâu nằm gần xã Cần Húc hơn và cuối cùng được sát nhập vào huyện Diên Khánh, như Lê Quí Đôn đã cho biết trong Phủ Biên Tạp Lục (1776). Do đó, điều kiện trong điều khoản 4 cũng được chứng minh là sự thật.