Đây là câu hỏi khúc mắc trong nhiều năm nay mà các nhà nghiên cứu thường băn khoăn, bứt rứt hơn 60 năm nay. Ngoài ra, xưa nay các nhà nghiên cứu cũng muốn biết sự quan hệ giữa Cần Húc ở huyện Duy Xuyên và Thanh Chiêm ở huyện Diên Khánh. Thoáng nhìn hai cái tên cho thấy dường như chúng là hai đia địa phận riêng biệt vì chúng lệ vào hai huyện hoàn toàn khác nhau.
Nhưng các nhà nghiên cứu thường tự hỏi phải chăng chúng là chỉ là một địa phương, nhưng có hai tên khác nhau? Nhưng nếu Cần Húc chính là Thanh Chiêm thì tại sao lại có sư thay đổi trực lệ từ huyện Duy Xuyên qua huyện Diên Khánh? Bắt đầu vào năm 1958, nhà nghiên cứu Phạm Đình Khiêm ra tận Thanh Chiêm, tỉnh Quảng Nam để điều tra và tìm hiểu thêm về cái chết của Thầy Giảng Anrê Phú Yên. Sau khi trở về, ông loan báo là Thanh Chiêm chính là sử danh của Cần Húc xưa kia. Dĩ nhiên, có một số nhà nghiên cứu không đồng ý với quan điểm này và vì vậy họ tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi để đưa đến câu trả lời thích đáng. Đến năm 1995, Sử Gia Huỳnh Công Bá, sau khi tốn nhiều thì giờ điều tra, đã kết luận rằng Cần Húc không phải là Thanh Chiêm mà hơn nữa, sau này đến đời vua Tự Đức (1829-1883), nó đổi tên thành “Cồn Úc”, một xứ trong xã Văn Đông. Riêng nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy lại nghĩ rằng Cần Húc là ký âm của “Kan Hu”; trong tiếng Chăm có nghĩa là lò luyện đúc đồng. Chúng tôi đồng ý với sự suy nghĩ này của hai nhà nghiên cứu Huỳnh Công Bá và Nguyễn Sinh Duy, và sẽ tìm cách định vị xã Cần Húc vào đầu thế kỷ 17.
Dựa vào lịch sử chúng tôi biết rằng xã Cần Húc vẫn là lỵ sở của Dinh Quảng Nam trong thời nội chiến giữa nhà Nguyễn và Tây Sơn (1773-1802)59. Trong đời vua Gia Long, vào năm 1806, Lê Quang Định trong Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí bắt đầu giới thiệu hai cái tên Văn Đông60 và Thanh Chiêm trong sử sách và quan trọng hơn, cho biết xã Cần Húc không còn là lỵ sở của Dinh Quảng Nam nữa. Bắt đầu từ đó, xã Thanh Chiêm chính thức trở thành lỵ sở của Dinh Quảng Nam.61 Trong Địa Bạ Quảng Nam viết năm 1812, Nguyễn Đình Đầu cho biết diện tích của xã Văn Đông là 11.1.11.6.1 (khoảng 5 ha)62 so với xã Thanh Chiêm (248.8 4.1 – khoảng 121 ha).63 Điều này cho thấy tầm mức quan trọng của xã Thanh Chiêm đối với ngoại thương dưới thời vua Gia Long và cho chúng ta thấy rằng trong lịch sử xã Cần Húc (nay trở thành xã Văn Đông) không phải là xã Thanh Chiêm. Tuy đã hiểu nhiều hơn về cả hai xã riêng biệt này, chúng tôi vẫn muốn biết vị trí của chúng ở đâu trong Dinh Quảng Nam vì chúng tôi vẫn thắc mắc tại sao chúng lại lệ thuộc vào hai huyện Duy Xuyên và Diên Khánh hoàn toàn khác nhau như vậy.
Hiện tại, chúng tôi đã nghĩ ra 2 cách để tìm ra vị trí của xã Văn Đông (tức là xã Cần Húc vào đầu thế kỷ 17).
Cách 1 – Hãy xem Hình 7 - Thành Dinh Chiêm Tồn Tại dưới Thời Pháp Thuộc (1907-1916). Giữa hình, cái tên xã Văn Đông được vẽ và bao lại trong vòng tròn đỏ. Đó là vị trí xã Văn Đông (tức là xã Cần Húc vào đầu thế kỷ 17-19) ở phía tây nam của xã Phú Chiêm, đối diện với xã Câu Dẫn (ngày xưa là xã Câu Lâu), cách nhau qua con sông Cầu Mống. Diện tích xã Văn Đông vào năm 1812 rất bé nhỏ, chỉ khoảng 5 ha.64
Cách 2 – Chúng tôi sẽ dùng những khoảng cách giữa các xã như xã Thanh Chiêm, xã Văn Đông và trạm nghỉ Thanh Chiêm đến đầm Thanh Hà đều được cung cấp trong Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí do Lê Quang Định viết năm 1806. Sau đó, dùng đầm Thanh Hà như là một cột mốc vì nó tương đối không thay đổi với chiều rộng là 138 m, chúng tôi sẽ dùng Google Map để đo khoảng cách giữa bến đò Thanh Hà và xã Văn Đông (2.270 m)65; giữa xã Văn Đông và xã Thanh Chiêm (632 m)66 và giữa xã Thanh Chiêm và Trạm Nghỉ Thanh Chiêm (846 m).67 – các khoảng cách đều được đổi ra từ tầm ra mét (1 tầm = 2 mét). Cuối cùng, chúng tôi sẽ tìm ra vị trí và tọa độ của xã Văn Đông, xã Thanh Chiêm and trạm nghỉ của nó. Nhưng chúng tôi muốn lưu ý rằng trong việc tính toán toạ độ của các vị trí lịch sử này, chúng tôi sẽ đặt ra giả thiết rằng tuyến đường Nguyễn Du chính là con đường đất bọc theo phía nam thành Dinh Chiêm ra đến Văn Đông (Hình 7) mà Phạm Đình Khiêm đã nhắc đến khi ông ra Thanh Chiêm tìm hiểu về thành phố Dinh Chiêm.68 Mặc dù, đường Nguyễn Du không phải là con đường đất ngày xưa, nhưng chiều dài và đường hướng của chúng, chúng tôi nghĩ, cũng không cách biệt cho lắm. Hãy xem kết quả ghi nhận trên Google Map (Hình 8) sau đây.
Kết Quả
Những dữ kiện trong Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí (1806), Địa Bạ Quảng Nam (1812) liên quan đến Văn Đông (xưa kia là Cần Húc) và xã Thanh Chiêm được vẽ trên Hình 8 cho thấy hai xã này nằm tiếp cận nhau trên con đường Nguyễn Du hướng về Hội An; khoảng cách giữa hai địa phương này là 632 m (hơn nửa cây số)69. Chỉ cần dùng Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí (1806), nay chúng tôi có thể xác định một cách rõ ràng rằng xã Cần Húc và xã Thanh Chiêm không phải là một. Có lẽ nhiều năm trước, các sử quan trong các đời sau nhà Nguyễn không thể tìm ra vị trí của Cần Húc (Văn Đông) nữa, hay cho rằng hai xã Cần Húc và Thanh Chiêm nằm quá gần nhau nên mới gán hai xã này với nhau. Giả thiết này có vẻ phù hợp và phản ảnh trong Đại Nam Nhất Thống Chí, 2006, nhưng lại không trùng hợp với thống kê địa lý của hai xã vào năm 1806 do Lê Quang Định thực hiện trong Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí. Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi đồng ý với Lê Quang Định viết vào năm 1806 và tán thành lối kết luận của các nhà nghiên cứu thâm niên Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Quốc Thắng, Nguyễn Phước Tương, Trương Quốc Bình, Nguyễn Thiếu Dũng, Huỳnh Công Bá và Nguyễn Đình Đầu (rằng xã Cần Húc và xã Văn Đông nằm ở hai vị trí khác nhau và cách nhau khoảng nửa cây số).70
Khi dùng Địa Bạ Quảng Nam để tìm hiểu diện tích Văn Đông vào năm 1812, chúng tôi nhận thấy rằng địa phận của nó rất nhỏ, chỉ còn khoảng 5 ha, trong khi diện tích của xã Thanh Chiêm to lớn hơn nó hơn 24 lần (121 ha). Điều này cho thấy dưới đời vua Gia Long và các vị vua kế tiếp, Cần Húc, bấy giờ đổi tên thành Văn Đông, không còn giá trị trong lãnh vực thương mại hay quốc phòng. Có lẽ lúc nội chiến xảy ra giữa Tây Sơn, nhà Nguyễn và Trịnh, Cần Húc đã bị tàn phá không còn nhận diện được nữa sau 30 năm chiến tranh. Vì thế, sau cuộc nội chiến, mọi dịch vụ thuế má và ngoại thương với các nước ngoài đều được dọn về xã Thanh Chiêm. Bắt đầu từ đời vua Gia Long, lịch sử cho thấy xã Thanh Chiêm biến thành lỵ sở thực thụ của Dinh Quảng Nam.
Còn trạm nghỉ Thanh Chiêm nằm ngoài phạm vi thành Dinh Chiêm, nhưng vẫn trong xã Thanh Chiêm. Khoảng cách giữa trạm nghỉ và trung tâm xã Thanh Chiêm là 846 m (gần một cây số)71. Điều này cho biết tầm mức quan trọng của xã Thanh Chiêm với nền kinh tế Phủ Điện Bàn, nói riêng, và toàn thể Đàng Trong, nói chung. Trong Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí, Lê Quang Định diễn tả dọc đường phố Thanh Chiêm rất thịnh vượng; “quán xá đông đúc”72; dân tình có vẻ ấm no.
Từ nội thành Dinh Chiêm, nằm sát bên tuyến đường Thiên Lý, đến xã Văn Đông là hơn 2 km. Khi so sánh vị trí Văn Đông tìm ra từ Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí và trong bản đồ trong thời Pháp Thuộc 1907-1916 (Hình 7), chúng tôi nhận thấy kết quả từ hai tài liệu rất tương xứng; vì vậy, chúng tôi có thể cho rằng vị trí xã Văn Đông trên hai bản đồ đều rất chính xác. Ngoài ra, để kiểm chứng địa điểm xã Văn Đông thêm một lần nữa, nếu chúng ta chú ý trên tranh Chaya (Hình 19), nằm bên bờ bắc sông Cầu Mống có vẽ một gian nhà ba gian, hai chái và một cây dừa cao đứng sừng sửng bên đứng bên cạnh; gần đó bên phải là một bến đò. Chúng tôi nghĩ mái nhà lá tượng trưng cho xã Cần Húc xưa kia. Vị trí căn nhà này rất phù hợp với xã Văn Đông trong hai tài liệu trước.
Dùng những dữ kiện trích ra từ Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí và Google Map, chúng tôi đã tìm ra vị trí của xã Văn Đông (tức xã Cần Húc xưa kia) nằm trên đường Nguyễn Du73, bên bờ sông Cầu Mống với tọa độ (15,87737 độ Vĩ, 108,27691 độ Kinh), bên cạnh T-Tattoo – Xăm Nghệ Thuật Quảng Nam. Còn trung tâm của xã Thanh Chiêm vào năm 1806 cũng nằm trên đường Nguyễn Du hiện nay với tọa độ (15,87535 độ Vĩ, 108,27175 độ Kinh), bên cạnh Quán Lẫu Bò 152. Trạm nghỉ Thanh Chiêm ngày xưa cũng nằm trên đường Nguyễn Du, với tọa độ (15,870509 độ Vĩ, 108,266211 độ Kinh), cách xa Đình Làng Thanh Chiêm và Tượng Phật Bà Bằng Đá Trắng hiện nay khoảng 200 m về phía đông bắc.
Trong gia phả của tộc Nguyễn Văn mà gia đình ông Nguyễn Ngọc Lan, người xã Câu Lâu đã cung cấp cho biết rằng Cần Húc đã có một thời là châu thổ mà trong đó, xã Câu Lâu cũng từng lệ thuộc vào nó. Trong gia phả, gia đình ông đã ghi nhận như sau:
“Câu Lâu xã châu thổ Cần Húc thuộc, Diên Khánh huyện, Uất Lũy tổng, hậu cải Duy Xuyên huyện, Quảng Nam tỉnh”74.
Trước hết, khi đọc các tên các địa phận trên, chúng tôi bỗng nhiên cảm thấy cái tên “Cần Húc” quen thuộc nổi bật vì qua lịch sử, chúng tôi được biết kể từ năm 1806, cái tên “Cần Húc” không còn trong sách vở lịch sử nhà Nguỳễn nữa. Thế vào đó là cái tên “Văn Đông”. Khi đọc kỹ càng hơn, chúng tôi nhận thấy lối trình bày của những địa danh này là từ nhỏ đến lớn, bắt đầu từ xã Câu Lâu và chấm dứt tại tỉnh Quảng Nam. Nếu dựa theo tiêu chuẩn viết tên của các địa danh từ Điạ Bạ Quảng Nam viết vào năm 1812 , chúng tôi nghĩ chúng ta có thể viết lại dòng chữ trên từ lớn đến bé theo thứ tự như sau: “Tỉnh Quảng Nam, Phủ Điện Bàn, huyện Diên Khánh (hậu cải huyện Duy Xuyên), tổng Uất Lũy75, thuộc châu thổ Cần Húc, Câu Lâu xã”. Chú ý khi đọc đến “huyện Diên Khánh (hậu cải Duy Xuyên huyện), tổng Uất Lũy…, chúng ta nên hiểu rằng tổng Uất Lũy luôn luôn thuộc huyện Diên Khánh, chứ không phải thuộc về huyện Duy Xuyên. Chúng tôi nghĩ viết lại gia phả trên theo tiêu chuẩn mà Nguyễn Đình Đầu nêu lên và thêm vào hai dấu ngoặc nơi “hậu cải Duy Xuyên” sẽ dễ đọc và hiểu hơn.
Hiện tại, chúng tôi tìm tòi được hai hình ảnh (hãy xem Hình 9 và 10) tượng trưng cho hình ảnh sông ngòi Điện Bàn vào năm 1602 khi Chúa Nguyễn Hoàng ghé qua Cần Húc76 lần đầu tiên và hai năm sau, quyết định đặt dinh trấn Quảng Nam tại nơi này. Hình 9 được bổ túc dựa vào công trình nghiên cứu của các nhà địa chất Vũ Văn Phái và Đặng Văn Bào – chúng tôi ghi thêm tên các địa danh trên bản đồ. Tin tưởng vào sự chính xác của hai nhà địa chất chuyên môn, chúng tôi phải đặt giả sử rằng địa mạo của nam Điện Bàn trong hình phản ảnh quang cảnh địa thế vùng nam Điện Bàn vào đầu thế kỷ 17. Hình 9 vẽ rất rõ hệ thống sông ngòi ở đây. Ở miền nam Điện Bàn, ngay ngã tư mà bốn con sông nhập làm một, hai dòng đi lên từ nguồn, đó là Sông Chợ Củi cùng với Sông Dưỡng Chân (Sông Bà Rén) nhập làm một dồn dập chảy về hướng đông-đông bắc. Không bao lâu, dòng nước lũ này lại chia đôi khi tiến vào địa phận xã Cần Húc và xã Câu Lâu; Sông Cầu Mống nằm ở phía bắc có khuynh hướng chảy về phía đông bắc - đông tách rời xã Cần Húc và xã Câu Lâu ra hai miền riêng biệt – tả ngạn có xã Cần Húc và xã Câu Lâu nằm ở hữu ngạn. Còn dòng Sông Câu Lâu ở phía nam chảy về hướng đông bao bọc xã Câu Lâu. Nằm giữa hai sông Câu Lâu và Cầu Mống, nó nay trở thành một gò nổi, trông giống như một cái lá cây non nằm trên mặt nước, nghiêng nghiêng về hướng đông bắc vậy. Khi chú ý kỹ hơn, trên vùng đất Cần Húc cũng có một dòng sông cổ ngoằn ngoèo chạy thẳng từ bắc xuống nam, cắt Cần Húc ra làm hai miền đông-tây trước khi đổ ra sông Cầu Mống.
Hình 10, là một hình chụp vệ tinh trích ra từ kênh viamichelin.com cho biết con sông cổ này phát nguồn từ sông Vĩnh Điện. Khi nhìn kỹ địa mạo của bên trái xã Văn Đông (xưa kia là xã Cần Húc) trên cả hai bản đồ, chúng tôi bây giờ mới cảm nhận ra rằng ngay vị trí của xã Cần Húc nằm sát bờ sông Cầu Mống có một hình tam giác (delta) – trong địa chất học, tam giác này gọi là châu thổ. Chi chít trong châu thổ là các nhỏ nhỏ, chảy qua lại; tất cả đều chảy ra phía cửa sông tại vị trí phía tây xã Cần Húc. Đo đạc bằng Google Map, chúng tôi xác nhận ra rằng châu thổ này rộng khoảng 150-200 m nằm bên bờ bắc sông Cầu Mống nằm phía tây của xã Cần Húc.
Vì sông Cầu Mống tương đối hiền hòa chảy chậm nên phù sa từ con sông cổ này tạo thành nhiều lớp trầm tích dưới đáy sông và dần dần tạo thành châu thổ Cần Húc. Có lẽ trong thế kỷ 18, con sông cổ này bắt đầu bị khô cạn vì sông Vĩnh Điện giờ đây cũng bị bế tắc – vì thế, vua Minh Mạng mới phải nới sâu và rộng nó ra hai lần vào năm 1822 và 1826. Vả lại, lịch sử cho thấy bãi bồi đắp bởi phù sa tại châu thổ Cần Húc nay cũng bịt kín con sông cổ ở cửa sông nên chúng tôi có thể khẳng định rằng con sông này đã không còn tồn tại nữa. Tuy nhiên, khi nhìn kỹ hình vệ tinh trong Michelin Map (Hình 10), chúng tôi vẫn nhận ra châu thổ hình tam giác tại cửa sông Cầu Mống.
Để kiểm điểm lại giả thuyết về châu thổ Cần Húc, chúng tôi dùng kênh floodmap.net để tìm kiếm châu thổ hình thành bên bờ bắc sông Cầu Mống. Quả nhiên chúng tôi nhận diện ra một bãi bồi ngay bên sát bên cạnh sông Cầu Mống tại vị trí gần Cần Húc. Điều này nói lên rằng xưa kia xã Cần Húc, lúc vẫn còn là lỵ sở của Dinh Quảng Nam, bao gồm địa phận của châu thổ Cần Húc và xã Văn Đông dưới thời vua Gia Long. Hãy xem kết quả trong Hình 11.
Nói tóm lại, Hình 9,10 và 11 đã chứng minh cho thấy có một dòng sông cổ chảy từ bắc xuống nam ngang qua địa phận Cần Húc. Dòng sông này khi đưa ra cửa sông hiền hòa Cầu Mống đã mọc nhiều nhánh, rể thành các kênh rạch khác nhau và từ từ đổ ra cửa sông tạo thành châu thổ (delta) nằm phía tây của thành phố Cần Húc xưa. Dựa theo sự suy nghĩ của chúng tôi hiện giờ, dòng chữ “…châu thổ Cần Húc thuộc” trong gia phả tộc Nguyễn Văn rất là tương xứng và cho chúng tôi biết rằng vùng đất châu thổ thuộc về xã Cần Húc xưa kia trong đầu thế kỷ 17 – diện tích xã Cần Húc, chúng tôi nghĩ, xưa kia tương đối rộng bao gồm địa thể của châu thổ tại cửa sông cổ nối liền với sông Cầu Mống (khoảng 16 ha77) cộng với xã Văn Đông (5 ha) mà tên Cần Húc được đổi ra sau này (1806). Vì thế, diện tích tổng quát của xã Cần Húc vào đầu thế kỷ 17 có thể lên đến khoảng 21 ha. Tuy nhiên, con số này cho thấy địa phận xã Cần Húc xưa kia vẫn còn rất eo hẹp so với xã Thanh Chiêm (121 ha) dưới đời vua Gia Long.
Thuộc Cần Húc
Vào năm 1688, nhà thám hiểm William Dampier (1651-1715) trên hành trình đến Úc Châu đã ghé chân qua Đàng Trong, đã đến thăm một thành phố mà ông gọi là “City of Quinam” (Thành phố Quảng Nam). Trong sách mà ông truyền lại, trước hết chiếc thuyền buôn của ông cập bến tại Cù Lao Chàm78:
Sau ông kể thêm rằng gần các đảo ngoài khơi này, trên thềm lục địa có một dòng sông lớn chảy ra biển mà thành phố lớn Quảng Nam (Quinam) ở Đàng Trong nằm cả hai bên bờ sông.79
Lời diễn tả này cho thấy các khách tây phương đều hiểu Dinh Quảng Nam là một thành phố chứ không phải là một dinh, trấn hay tỉnh. Điều đáng ngạc nhiên mà William Dampier cho biết thêm là thành phố Quảng Nam nằm cả hai bên bờ sông. Nhưng rất tiếc là ông không nói tên của dòng sông này mà chỉ viết rằng nó là một dòng sông lớn đổ ra biển (cửa Đại). Suy diễn một cách khoa học cho thấy dòng sông mà William Dampier nhắc đến là sông Thu Bồn. Nếu quả thật như thế thì ông có lẽ đặt chân ngay bến đò sông Câu Lâu80 sau khi ghé thăm Hội An và đón ghe bầu đến thăm thành phố Quảng Nam. Trước hết, hãy xem và kiểm nghiệm Hình 12 – Bản Đồ Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư vẽ hai năm trước khi ông Dampier ghé ngang thành phố Quảng Nam (1686).
Trong Hình 12, có một ô vuông rất lớn vẽ thành Dinh Chiêm; bên cạnh nó là một ô vuông khác nằm bên phải chỉ về thành phố Hội An. Thành Dinh Chiêm lúc bấy giờ nằm trên một gò nổi rất lớn; phía đông của nó giáp với Đầm Thanh Hà thông ra cả sông Chợ Củi nằm bên phía tây của gò. Cả gò nổi có hình tượng như một trái xoài mà phần mũi ở phía nam là xã Câu Lâu vào thời ấy. Để dễ dàng quan sát, chúng tôi vẽ thêm một dòng suối (màu xanh dương nhạt) chảy ngang chia cắt xã Câu Lâu và xã Cần Húc ra làm hai phần nam-bắc. Đó là sông Cầu Mống nay đã khô cạn và biến thành chỉ một dòng suối. Nằm bên tả ngạn (phía bắc) suối Câu Mống là xã Cần Húc; còn hữu ngạn (phía nam) Cần Húc thuộc về gò nổi xã Câu Lâu.
Có thể vì vào năm 1688, sông Cầu Mống đã khô cạn biến thành một dòng suối nên ông Dampier không thể đáp ghe trên dòng suối Cầu Mống từ Hội An được. Có thể ông phải đón ghe từ Hội An trên sông Câu Lâu để rồi cập bến tại bến đò trên bờ bắc sông (tả ngạn) Câu Lâu. Tại bến đò, có lẽ một người địa phương dẫn đường đã chỉ tay qua bờ sông Câu Lâu ở phía nam và cho ông biết rằng nơi ông đang đứng là địa phận của thành phố Quảng Nam kể cả bờ sông bên phía nam nữa. Vì thế, khi về lại Anh Quốc, ông mới có thể quả quyết rằng thành phố Quảng Nam nằm cả hai bên bờ sông. Nếu đúng như vậy đúng như lời ông Dampier kể lại thì thành phố Quảng Nam, ngoài Cần Húc và thành Dinh Chiêm ra – trong khoảng thời gian này xã Thanh Chiêm có lẽ chưa tồn tại – còn phải bao gồm luôn xã Câu Lâu nữa. Sau khi cập bến, vậy thì thành phố kế tiếp mà ông đến thăm là thành phố nào?
Chúng tôi cho rằng ông đã ghé thăm Cần Húc vì Cần Húc một thành phố riêng biệt đã được thành lập gần một trăm năm nay kể từ 1602. Nơi đây chính là dinh đô của toàn Dinh Quảng Nam. Nhưng muốn đến Cần Húc, từ bến đò nằm phía bắc sông Câu Lâu, ông phải tiếp tục đi theo đường bộ tiến về phía bắc, qua khỏi xã Câu Lâu và dòng suối Cầu Mống. Vì thế, chúng tôi nghĩ, Cần Húc trong thời gian này cũng nhộn nhịp không kém gì Hội An, nhưng rất thơ mộng và vì thế chúa Nguyễn Hoàng mới quyết định lập dinh cư tại đây. Để tìm hiểu thêm sự liên hệ giữa xã Cần Húc và xã Câu Lâu, chúng tôi sẽ bàn luận về từ “thuộc” trong gia phả tộc Nguyễn Văn.
Trong gia phả tộc Nguyễn Văn có nhắc đến một từ mà chúng tôi cho rằng khá quan trọng và cần được để ý đến, đó là từ “thuộc” được gán liền với châu thổ Cần Húc trong dòng chữ ‘Câu Lâu xã châu thổ Cần Húc thuộc”. Ngoài ý tưởng về thuộc, gia phả tộc Nguyễn Văn còn cho biết rằng xã Câu Lâu – hiện nay là phường Điện Phương Đông – lệ thuộc vào châu thổ Cần Húc. Từ đó, chúng tôi có thể suy luận thêm rằng, ít nhất, cả hai xã Câu Lâu và Cần Húc đều nằm trong địa hạt của “thuộc Cần Húc”.81 Đồng thời, cũng như quan niệm của William Dampier, chúng tôi đồng ý và cho rằng thuộc Cần Húc xưa kia rất rộng bao gồm không những thành trì Dinh Chiêm, xã Cần Húc, xã Thanh Chiêm mà còn xã Câu Lâu nữa. Dựa theo địa bạ Quảng Nam, chúng tôi sẽ cố gắng toán định diện tích của thuộc Cần Húc.
Tiếp đến chúng tôi sẽ nhờ cậy sự giúp đỡ của sử gia Nguyễn Đình Đầu trong quyển Địa Bạ Quảng Nam viết dưới đời vua Gia Long vào năm 181282. Trong địa bạ, Nguyễn Đình Đầu cho biết địa phận xã Câu Lâu rất rộng (209 ha)83 và nằm cả hai bên bờ sông Câu Lâu – ông miêu tả rằng sau khi qua khi sông Câu Lâu, địa phận xã Câu Lâu kéo dài qua khỏi bờ nam sông Câu Lâu khoảng “Đường Thiên lý hai đoạn”84. Bổ tục thêm vào lời tuyên bố của William Dampier, điều này cho biết xã Câu Lâu sở hữu cả nam và bắc (tả ngạn và hữu ngạn) hai bờ trên sông Câu Lâu.
Bây giờ chúng tôi đặt thêm giả thuyết nói rằng vì toàn thể xã Câu Lâu lệ thuộc Cần Húc mà ngày xưa, địa phận của xã Câu Lâu bao gồm cả hai bên bờ sông Câu Lâu. Vì vậy, kết quả cuối cùng là địa phận thuộc Cần Húc cũng nằm hai bên bờ sông Câu Lâu.
Sau đây chúng tôi sẽ lập lại và dùng gia phả của tộc Nguyễn Văn mà gia đình ông Nguyễn Ngọc Lan85, người xã Câu Lâu đã cung cấp để chứng minh những điểm chính trong giả thuyết trên là chính xác.
“Câu Lâu xã châu thổ Cần Húc thuộc, Diên Khánh huyện, Uất Lũy tổng, hậu cải Duy Xuyên huyện, Quảng Nam tỉnh”. Trong phần đầu, gia phả này cho biết xã Câu Lâu lệ thuộc vào “châu thổ Cần Húc thuộc”. Điều này cho thấy trong lịch sử Dinh Quảng Nam, thời các chúa Nguyễn, xã Câu Lâu đã được thành hình, nhưng lệ thuộc vào miền châu thổ Cần Húc. Cách gọi này của Cần Húc nói lên rằng địa thổ Cần Húc ngày xưa rộng lớn và được tạo thành bởi một châu thổ. Hơn nữa, chữ “thuộc” xuất hiện nơi cuối của dòng chữ này nói lên nó là đơn vị hành chánh đặc biệt tương đương với “tổng” bao gồm các làng xã theo đuổi một tiểu công nghiệp truyền thống như nhau trong một huyện, thí dụ như các nghề truyền thống đóng thuyền, may lưới đánh cá, hay dệt tơ lụa, v.v… Trong tính cách nghề nghiệp, chúng ta có thể xét đoán rằng trong quá khứ xa xưa xã Câu Lâu và châu thổ Cần Húc được lệ chung vào “thuộc Cần Húc”. Nhưng khi chúng tôi tìm hiểu thêm về các thuộc dưới các triều đại họ Nguyễn trong các sử sách xưa như Phủ Biên Tạp Lục (1776), Đại Nam Thực Lục Tiền Biên86, hay Địa Bạ Dinh Quảng Nam (1812), chúng tôi rất thất vọng vì không thể tìm ra được thuộc “Cần Húc” ở bất cứ nơi nào. Thí dụ, vào năm 1776, Lê Quí Đôn cho biết nhà Nguyễn, trong huyện Duy Xuyên, lúc ấy có các thuộc như sau: Chu Tượng (đóng thuyền)87, Nội Phủ Kim Hộ (đãi vàng)88, Hoa Châu (dệt vãi lụa)89, Võng Nhị (làm lưới)90, Hà Bạc (đánh cá; làm mắm, muối)91, Thương Nhân Hội (buôn bán)92, Võng Nhị Phụ Quảng93, Kiều Cư Lậu Dân94, Võng Nhị Phúc An95, Biệt Nạp Hà Hồng96, Sơn Điền97, Xuân Xưởng98, Phụ Nguyên99, Sỹ Thần100, Mới Phúc An101 và Biệt Nạp102. Nhưng đến đời vua Gia Long, vào năm 1812, ở huyện Duy Xuyên, ngoài 6 tổng, chỉ còn giữ lại 4 thuộc: Chu Tượng, Hà Bạc, Hoa Châu và Liêm Hộ103 mà thôi.104 Riêng huyện Diên Khánh chỉ còn một thuộc mà thôi, đó là thuộc Phú Châu. Đến đời vua Minh Mạng (1791-1841), tất cả các thuộc liên quan đến nghề nghiệp trong các huyện đều bị bãi bỏ. Trở về lại Cần Húc, đến đời vua Tự Đức (1829-1883), Cần Húc xưa kia trở thành xứ Cồn Úc thuộc xã Văn Đông.105 Riêng xã Câu Lâu, vào năm 1812, trong Địa Bạ Quảng Nam lại thuộc về tổng Mậu Hòa Trung, huyện Duy Xuyên106 chứ không lệ vào thuộc nào cả. Điều này có nghĩa rằng những dữ kiện trực hệ giữa xã Câu Lâu và xã Cần Húc đước ghi nhận trên gia phả tộc Nguyễn Văn đã xảy ra nhiều năm trước 1812, và có thể xa hơn trong quá khứ trước 1776, vì chính Lê Quí Đôn cũng không biết gì về sự liên quan của hai đơn vị hành chánh Câu Lâu và Cần Húc qua thuộc nghề nghiệp gọi là thuộc Cần Húc. Có lẽ đây là một điều bí mật nghiêm trọng mà khi viết xuống trong sử sách có thể ảnh hưởng đến sự an nguy của Đàng Trong trong cuộc chiến với chúa Trịnh trong thế kỷ 17 và 18 nên các chúa Nguyễn đều giữ bí mật về các xã có liên quan đến thuộc Cần Húc. Vì thế, chúng tôi càng cương quyết muốn tìm ra sự thật về “Cần Húc thuộc” này hơn.
Vậy thì những người dân trong huyện Duy Xuyên có chung một nghề nghiệp gì để chúa Nguyễn gom họ vào trong thuộc Cần Húc? Đó là nghề đúc đồng. Hai chữ Cần Húc, dựa theo nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy, là lối phát âm trong tiếng Việt từ “Kan Hu” từ tiếng Chăm và có nghĩa là “lò đúc đồng”.107 Lối suy luận có vẻ rất đúng lý. Ngoài ra, vào đầu thế kỷ 17, Đàng Trong lúc ấy đang tham dự cuộc chiến với Đàng Ngoài, các chúa Nguyễn nhập cảng nhiều nguyên liệu đồng từ các đồng tiền xu cổ từ nước Nhật Bản hay Trung Quốc để chế tạo các súng thần công dựa theo kỹ thuật của người Bồ Đào Nha. Lúc ấy, lịch sử cho biết lúc ban đầu, Đàng Trong chưa học được kỹ thuật đúc súng đồng từ người Bồ Đào Nha vì hàng năm, các chúa thường gửi hàng vạn tiền xu đồng và nhờ cậy các vị giáo sĩ Dòng Tên mua súng thần công cho họ khi trở về Macao. Nhưng sau này, dưới đời Chúa Nguyễn Phúc Tần (1620-1687), vào khoảng 1658-1661, chúa Hiền đã mời được chuyên gia đúc súng đồng João da Cruz (1610?-1682), người Bồ Đào Nha lai Ấn Độ, về làm việc tại làng Phường Đúc tại Huế.108 Từ đó, Đàng Trong đã sở hữu kỹ thuật đúc súng đại bác đồng. Sau này, hàng năm, triều đình thường kêu gọi các thuộc đúc đồng từ các huyện gửi các chuyên gia đúc đồng thay phiên nhau ra Huế làm việc trong Phường Đúc ít nhất ba tháng trong năm.109 Vì thế, suy luận một cách rộng rãi, chúng tôi cho rằng chế tạo súng thần công đồng nặng hơn cả ngàn kg mỗi khẩu cần rất nhiều công sức của các thợ đồng này và João da Cruz để dùng trong quốc phòng chống lại Đàng Ngoài, nên chúng tôi dự đoán, những dự án này cần giữ rất bí mật; ngay cả các danh sách tên của các xã trong thuộc đúc đồng cũng không được viết trong sử sách. Chúng tôi nghĩ, riêng cái tên của “thuộc Đúc Đồng” cũng phải giấu kín và dùng tên Chăm “Cần Húc” (Kan Hu) để che giấu chương trình tối mật khổng lồ này, thay vì dùng một cái tên Hán-Việt. Nếu không, một khi Đàng Ngoài nhận diện ra dự án trọng đại này họ có thể sẽ tìm cách phá hoại. Dựa theo lịch sử, từ đời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1620-1687), sở dĩ cuộc nam tiến từ Phú Yên đến Hà Tiên và tranh đấu với chúa Trịnh thành công là, chúng tôi nghĩ, cũng nhờ vào sức mạnh của các khẩu thần công chế tạo từ Đàng Trong. Hiện nay, trước cửa bộ quốc phòng ở Bangkok, Thái Lan còn trưng bày hai khẩu thần công đúc ra từ Phường Đúc, gần Huế. Cả hai đều được Phường Đúc và João da Cruz chế tạo vào năm 1667.110 Vì cơ sở đúc đồng cần không những nguyên liệu như than củi, đồng, đất sét mà còn rất nhiều nước nữa, vì thế, chúng tôi không có gì ngạc nhiên khi nhận ra rằng các cơ xưởng đúc đồng trong huyện Duy Xuyên đều nằm gần các bờ sông như Cầu Mống và Câu Lâu. Khi tập hợp các chi tiết từ Nguyễn Sinh Duy và giả phả tộc Nguyễn Văn, chúng ta mới khám phá ra rằng Cần Húc chính là cái tên của một thuộc mà cũng là địa phận của một châu thổ tên là Cần Húc – vị trí của nó nằm bên bờ bắc sông Cầu Mống, nhìn qua sông bên bên bờ nam là xã Câu Lâu. Còn Câu Lâu chỉ là một gò nổi nằm giữa hai con sông chính Cầu Mống và Câu Lâu và lệ thuộc vào thuộc Cần Húc. Một số người dân trú ngụ tại xã Câu Lâu làm nghề đúc đồng cũng giống như một số dân sống ở xã Cần Húc vậy. Hiện tại, tại phường Điện Phương có hai xưởng đúc đồng còn hoạt động kể từ thế kỷ 17, đó là Làng Đúc Phước Kiều (nằm phía tây bắc thành Dinh Chiêm cũ, gần tuyến đường Thiên Lý xưa) và Đồng Phước Kiều (nằm trên gò nổi Câu Lâu ngày xưa, gần sông Cầu Mống). Điều này cho thấy dữ kiện mà gia phả tộc Nguyễn Văn cung cấp rất đáng tin cậy. Tuy nhiên, càng nghĩ kỹ về dự án đức súng thần công dưới thời các chúa Nguyễn, có lẽ công trình bí mật chế tạo súng thần công bắt đầu dưới đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635)111 và chấm dứt trong thời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần. Tuy chưa sưu tầm tài liệu lịch sử nào về chương trình đúc đồng của nhà Nguyễn, chúng tôi cảm thấy giả thuyết của mình khá vững chắc với lập trường căn bản, nhưng hiện tại, ngoài một vài dữ kiện từ lịch sử từ gia phả tộc Nguyễn Văn, chúng tôi chưa nắm thêm được các bằng chứng xác đáng về sự tồn tại của thuộc Cần Húc để công bố cả.
Sau khi cập nhật huyện Điện Bàn thành phủ va sát nhập nó vào Dinh Quảng Nam (1600), chúa Nguyễn Hoàng xây dựng một số cơ sở hành chánh dinh tại Cẩn Húc và thành trì Dinh Chiêm bên bờ sông Chợ Củi, cách Cần Húc khoảng 2 km về hướng tây nam và bổ nhiệm Công Tử Nguyễn Phúc Nguyên làm Trấn Thủ Quan (1602). Thuộc Cần Húc bành trướng về hướng ấy. Dân số bắt đầu nâng cao vì sự thịnh vượng đưa đến từ Hội An. Nằm giữa hai nơi, xã Thanh Chiêm lúc này có lẽ chỉ là một đường phố ngoại ô phụ thuộc về thuộc Cần Húc, lúc đầu chưa có một cái tên và cuối cùng trở thành một làng xã mới112. Cuối thế kỷ 18, suốt thời gian gần 30 năm nội chiến, nước Đại Việt hầu như không có một chính quyền trung ương và vì thế, chúng tôi nghĩ, Cần Húc vẫn tiếp tục là lỵ sở của Dinh Quảng Nam, lệ thuộc vào huyện Duy Xuyên cho đến sau năm 1806, sau khi vua Gia Long thống nhất đất nước, ngài chuyển lỵ sở Dinh Quảng Nam về xã Thanh Chiêm, chính thức đổi tên Cần Húc thành Văn Đông và thuyên chuyển các cơ sở và hệ thống hành chánh dinh Quảng Nam về xã Thanh Chiêm (1806).113 Chúng tôi cho rằng vì Cần Húc sau cuộc nội chiến, dân số thưa thớt; cảnh vật rất điêu tàn.
Nhắc lại xã Câu Lâu, vào năm 1776, Lê Quí Đôn cho biết nó lệ thuộc vào huyện Diên Khánh114 trước đó. Vì thế, gia phả tộc Nguyễn Văn viết “Diên Khánh huyện” không có gì lạ, nhưng vào năm 1812, địa bạ Quảng Nam cho thấy xã Câu Lâu trở về lại huyện Duy Xuyên115 và có thể vì thế, gia phả tộc Nguyễn Văn sửa chữa và cập nhật thêm dòng chữ “Hậu cải Duy Xuyên huyện”. Riêng câu “Quảng Nam tỉnh” được viết vào gia phả sau 1832, vì năm ấy, vua Minh Mạng đổi tên trấn Quảng Nam ra Tỉnh Quảng Nam.
Nói tóm lại, chúng tôi cho rằng vào đầu thế kỷ 19, nếu ta đi bộ từ thành Dinh Chiêm nằm sát bờ sông Chợ Củi và tuyến đường Thiên Lý, trên con đường Nguyễn Du xưa về hướng đông bắc, đi được khoảng 2 km trên đường phố mà sau này trong thế kỷ 19 lấy tên là xã Thanh Chiêm (diện tích 121 ha 116) – hãy chú ý đến phạm vi của xã Thanh Chiêm rất rộng; vào đầu thế kỷ 19, nó bắt đầu từ tuyến đường Thiên Lý chạy dọc theo hướng đông bắc trên đường Nguyễn Du về phía xã Văn Đông; chu vi của xã Thanh Chiêm, dựa theo địa bạ tỉnh Quảng Nam, là khoảng 4,8 km; tiếp đến là xã Văn Đông (diện tích nhỏ lại chỉ còn lại khoảng 5 ha2 sau khi đổi tên từ Cần Húc vào năm 1806117) nằm bên bờ bắc sông Cầu Mống.118 Sau khi qua sông về hướng nam, tiếp đến là gò nổi rộng lớn, nhưng rất hoang vu, đó là xã Câu Lâu (diện tích 209 ha119). Dùng Google Map chúng tôi có thể minh định rằng gò nổi Câu Lâu chiếm hầu hết diện tích của xã Câu Lâu (khoảng 190-200 ha); nhưng địa phận phận còn lại (khoảng 10-15 ha) phải nằm bên bờ nam sông Câu Lâu (tạm gọi Nam Câu Lâu) với chiều sâu khoảng “Thiên Lý hai đoạn”120. Điều này đã được xác nhận trong Địa Bạ Quảng Nam (1812) và William Dampier kể lại. Vì thế, chúng tôi có thể quả quyết rằng xã Câu Lâu nằm hai bên bờ sông Câu Lâu. Để tìm ra diện tích thuộc Cần Húc, chúng ta sẽ tổng cộng diện tích của 3 xã Thanh Chiêm (1806), Văn Đông (1806) và Câu Lâu (1812) vào với nhau; từ đó, chúng ta sẽ nhận diện ra diện tích và giới phận của thuộc Cần Húc nhắc đến trong gia phả, đó là khoảng 335 ha (3,35 km2). Dùng Google map, chúng tôi vẽ ra sơ đồ của thuộc Cần Húc như sau – Hình 13 (Chúng tôi nghĩ đây cũng là địa dáng tổng quát của thành phố Dinh Chiêm ngày xưa trước năm 1776):
Suy nghĩ về các nhà truyền giáo vào đầu thế kỷ 17,chúng tôi cho rằng có hai nơi mà họ muốn đến truyền đạo. Nơi thứ nhất, gần dinh thành mà quan lại trú đóng và nơi thứ hai là thị thành mà dân chúng đang sinh sống đông đúc để dễ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảng đạo. Họ hy vọng rằng khi ở gần những người có địa vị trong xã hội và quần chúng, họ sẽ có cơ hội truyền bá đạo Thiên Chúa Giáo khắp nơi cho cả hoàng tộc, các quan lại trong triều đình, cùng với dân chúng để cuối cùng sẽ gặt hái nhiều kết quả khả quan. Đây cũng một trong những lý do mà vào năm 1620, G.S. Francisco de Pina dọn lên thành phố Dinh Chiêm để giảng đạo. Lúc ấy, G.S. Pina cũng như các vị G.S. đồng đạo của ngài như G.S. Alexandre de Rhodes, dựa vào kiến thức phổ thông ở Âu Châu, họ có thể chỉ biết rằng Dinh Chiêm là một thành phố lớn, trực lệ trung ương mà thành Quảng Nam là tâm điểm và tiêu biểu cho thành phố này. Hơn nữa, thành trì này nằm bên bờ bắc sông Thu Bồn nên khi vẽ các bản đồ cổ, chúng tôi nghĩ họ chỉ chú trọng vào vị trí thành Dinh Chiêm mà thôi. Hiện giờ, chúng tôi không hiểu rõ kiến thức của họ về địa lý vùng nam Điện Bàn nữa. Vì chỉ sinh sống ở nam Điện Bàn trong một thời gian ngắn, có thể họ không thể nhận thức rằng trong một chu kỳ nào đó, sông ngòi trong miền nam Điện Bàn thay đổi đường hướng nước chảy hay trở nên khô cạn và có thể biến thành bãi bồi, thí dụ như trong thời kỳ 1640, tấm tranh Nhật Bản Chaya (Hình 19) cho thấy lòng sông Câu Lâu đã khô cạn và biến thành một bãi bồi to lớn; Những hiện tượng kể trên kéo dài theo thời gian rất lâu dài, có khi dài hơn cả một đời người nên chúng tôi không nghĩ các giáo sĩ tây phương đã có cơ hội thu thập những sự thay đổi này về địa lý. Nếu câu trả lời là không thì họ cũng không thể biết rằng địa phận thành phố Dinh Chiêm có thể kéo dài rất xa, bắt đầu từ thành Dinh Chiêm và cuối cùng gom trọn luôn cả gò nổi Câu Lâu mà địa phận của phần đất này nằm hai bên bờ bắc và nam sông Câu Lâu. Chúng tôi nghĩ chỉ có những người dân địa phương mộc mạc như gia đình tộc Nguyễn Văn sinh sống trong xã Câu Lâu mới hiểu rõ rằng xã Câu Lâu đã từng lệ thuộc vào thuộc Cần Húc mà Cần Húc chính là lỵ sở của Dinh Quảng Nam. Thật sự mà nói, nếu gia phả gia đình tộc Nguyễn Văn không nêu ra dữ kiện lịch sử này, không ai không thể ngờ rằng trong nhiều thế kỷ trước đây, địa phận thuộc Cần Húc lớn lao như thế. Nói tóm lại, nhờ gia phả tộc Nguyễn Văn, bây giở chúng tôi mới nhận thấy rằng phạm vi thành phố Dinh Chiêm vào đầu thế kỷ 17 là một thành phố đồ sộ; dân đông với phạm vi bắt đầu từ phía tây nam miền nam Điện Bàn, kéo dài về hướng đông bắc bao gồm xã Thanh Chiêm và xã Cần Húc; chạy xuống nam về hướng xã Câu Lâu và kết thúc bên bờ nam sông Câu Lâu.
Đối với chúng tôi, địa bạ Quảng Nam (1812) cùng với William Dampier đích thực đã minh định rằng xã Câu Lâu và cả thuộc Cần Húc nằm cả hai bên bờ sông Câu Lâu. Một lần nữa dựa vào địa bạ, chúng tôi có thể kết luận rằng địa phận của nó bên bờ nam sông Câu Lâu không sâu rộng cho lắm, chỉ vừa “hai đoạn Thiên Lý” nhưng tương đối trải dài dọc theo bờ nam sông Câu Lâu với một diện tích khoảng 10-15 ha. Chúng tôi nghĩ có thể trước đây, địa điểm bên bờ sông nam Câu Lâu là một bến đò.121
Dựa vào gia phả tộc Nguyễn Văn, chúng tôi nhận thấy rằng vào đầu thế kỷ 17 địa phận xã Câu Lâu tương đối rộng lớn và nằm hai bên bờ sông Câu Lâu. Vì thế, xã Cần Húc nên được gọi là thuộc Cần Húc cho đúng ý nghĩa vì, dựa theo gia phả tộc Nguyễn Văn, hai xã Câu Lâu và Cần Húc xưa kia trực lệ vào thuộc Cần Húc. Chúng tôi nghĩ rằng giả thiết này có vẻ hợp lý với sự suy đoán của Nguyễn Sinh Duy đã từng cho rằng Cần Húc trong tiếng Chăm có nghĩa là “lò đúc đồng”. Có lẽ thuộc này bắt đầu từ chúa Sãi khi ngài chuẩn bị tách rời tầm ảnh hưởng của chúa Trịnh ở phương bắc, cho đến đời chúa Hiền, khi dự án tối mật khổng lồ để chế tạo súng thần công đúc đồng đã thành công. Thành quả của cuộc nam tiến chiếm đóng thêm lãnh thổ của Chiêm Thành và Chân Lạp, nếu không nhờ sức mạnh vô bờ của những khẩu thần công này không thể thực hiện được.
Tuy nhiên, đã là thuộc Cần Húc thì phải lệ vào huyện Duy Xuyên vì thuộc đúc đồng Cần Húc, theo chúng tôi nghĩ, chỉ bao gồm các xã đúc đồng trong huyện Duy Xuyên mà thôi. Vì vậy, xã Cần Húc và ngay cả thuộc Cần Húc không thể bị thay đổi huyện lệ từ huyện Duy Xuyên qua một huyện khác như Diên Khánh được. Đây là lý do mà chúng ta nhận ra rằng trong Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quí Đôn vào năm 1776 đã từng tường trình rằng xã Cần Húc vẫn lệ thuộc vào huyện Duy Xuyên,122 trong khi các xã chung quanh như Câu Lâu, Mỹ Xuyên Đông, Mỹ Xuyên Tây, Gia Tịnh, Lang Xuyến, v.v.. nằm dọc theo các bờ sông Câu Lâu, Bà Rén hay Dưỡng Chân – ngay biên giới giữa huyện Duy Xuyên và huyện Diên Khánh – đều lệ vào huyện Diên Khánh chứ không phải huyện Duy Xuyên nữa. Lúc này (1776), khi Lê Quí Đôn xuất bản quyển Phủ Biên Tạp Lục, thuộc Cần Húc có lẽ đang trên con đường bị giải tán. Vì vậy, chúng ta có thể nhận ra rằng một thành viên trong thuộc Cần Húc, như xã Câu Lâu bắt đầu tách rời ra khỏi huyện Duy Xuyên trở về với huyện Diên Khánh. Lý do tại sao bị giải tán cần được tìm hiểu thêm. Nhưng Lê Quí Đôn cũng cho biết thêm rằng xã Cần Húc, lúc nào cũng vậy, nằm lẻ loi sát bên bờ sông Cầu Mống, giữa các xã thuộc huyện Diên Khánh, nhưng lại lệ thuộc về huyện Duy Xuyên ở phía nam. Lý do là vì dưới các triều Nguyễn, chúng tôi nghĩ, Cần Húc đóng vai trò rất quan trọng trong việc chế tạo súng thần công đúc bằng đồng để chống lại chúa Trịnh. Chỉ sau khi vua Gia Long thống nhất đất nước, vào năm 1806, chúng tôi cho rằng ngài hoàn toàn giải tán thuộc Cần Húc và đổi tên xã Cần Húc ra xã Văn Đông.123 Tuy nhiên, cho đến bây giờ, ngoài gia phả tộc Nguyễn Văn, chúng tôi vẫn chưa tìm ra thêm chứng cớ lịch sử nào để chứng minh rằng thuộc Cần Húc đã từng tồn tại dưới triều các chúa Nguyễn. Và vì thế, những lời bàn luận mà chúng tôi vừa nêu lên về thuộc Cần Húc đều là giả thuyết cả.
Chúng tôi nghĩ địa phận thành phố Dinh Chiêm tương đối rộng và dài bắt đầu từ thành Dinh Chiêm, bên cạnh tuyến đường Thiên Lý và Chợ Củi, chạy dài về hướng đông bắc trên đường phố mà sau này gọi là xã Thanh Chiêm; sau đó đến xã Văn Đông và xã Câu Lâu là một gò nổi rất lớn mà địa giới bao gồm cả hai bên bờ bắc-nam sông Câu Lâu. Diện tích tổng cộng của thuộc Cần Húc vào đầu thế kỷ 17 bao gồm thành Dinh Chiêm, xã Thanh Chiêm, xã Cần Húc, và xã Câu Lâu vào khoảng 335 ha dựa theo Địa Bạ Quảng Nam (1812) như được vẽ và tô màu trong Hình 13.